I. TIỂU SỬ CHÂN PHƯỚC FRÉDÉRIC OZANAM – VỊ SÁNG LẬP
- 1813: Sinh tại Milan, ngày 23/4, con ông Jean Antoine và bà Marie Ozanam.
- 1815: Gia đình Ozanam dọn về Lyon.
- 1829: “Cơn khủng hoảng nghi ngờ” đức tin
- 1831: Học luật tại đại học Sorbonne.
- 1833: Lập Hiệp Hội Bác Ái cùng các sinh viên của trường.
- 1834: Dẫn đầu việc thỉnh cầu tới Đức Tổng Giám Mục vì các bài giảng có liên quan.
- 1836: Đậu bằng tiến sĩ luật.
- 1837: Xuất bản “Nguồn gốc luật của Pháp” – Bố của chân phước mất.
- 1839: Đậu bằng tiến sĩ văn chương.
- 1840: Được bổ nhiệm làm giáo sư luật thương mại ở Lyon – Mẹ của chân phước mất.
- 1841: Thành hôn với cô Amelie Soulacroix ở Lyon.
- 1842: Đại diện Giáo Hội trong cuộc thương thuyết với chính phủ.
- 1844: Nhận ghế giáo sư khoa văn chương nước ngoài tại Sorbonne.
- 1845: Marie, con gái ra đời. Hội được Đức Gregory XIV công nhận.
- 1847: Xuất bản những nghiên cứu về nước Đức I. (GERMAN STUDIES I)
- 1848: Đồng sáng lập JOURNAL L’ERE NOUVELLE.
- 1849: Xuất bản những nghiên cứu về nước Đức II. (GERMAN STUDIES I)
- 1852: Hoà giải cuộc nổi loạn của sinh viên Sorbonne.
- 1853: Qua đời ở Marseilles vì bệnh thận, ngày 8/9.
- 1855: xuất bản sau khi mất : Văn Minh Thế Kỷ 15 .
- 1889: Hội Vinh Sơn được lập ở St John’s University, NYC.
- 1997: Công bố Frédéric là chân phước vào ngày 22.8, tại Paris.[1]
Năm 1833, Frédéric Ozanam, khi đó là một cậu sinh viên 20 tuổi đang học luật tại Paris, và một số bạn trẻ, cùng với Bailly, người anh trưởng, cảm thấy được thôi thúc kết hợp với nhau để phục vụ người nghèo một cách khiêm tốn và âm thầm, trong khuôn khổ đời sống gia đình và chức nghiệp của những người giáo dân.
Ozanam tập họp các bạn đồng chí hướng muốn phục vụ những người túng thiếu nhất, tại văn phòng toà báo “Diễn đàn Công giáo”. Họ gồm có 7 người Ozanam (1813-1853): tròn 20 tuổi; Emmanuel Bailly (1794 – 1861): 39 tuổi; Auguste Le Taillandier (1811-1861): 22 tuổi; Francois Lallier (1814-1887): 19 tuổi; Paul Lamache (1810-1892): 23 tuổi; Félix Clavé (1811-1853): 22 tuổi; Jules Devaux (1811-1881): 22 tuổi. Frédéric cùng với các bạn, với một lòng khiêm nhường thật cảm động, nhất trí nhìn nhận rằng công việc họ tiến hành đến nay chưa đem lại tất cả kết quả mong muốn. Sau khi nói lên xác tín chung, rằng đạo Công giáo cần được biểu hiện qua các việc làm để minh chứng chân lý của đạo, còn hơn việc lý luận suông, họ đau lòng khi nhìn thấy cảnh khốn cùng và tình trạng bất công đang xẩy ra ngày càng nhiều trong xã hội chung quanh họ.[2]
Mục đích là cứu giúp với hết tình người những ai khốn khổ, với mối quan tâm giúp họ kiện toàn định mệnh con người của họ; và cũng là, nhờ vào những con đường nội tâm của ân sủng và chứng tá, đem đến ơn cứu độ chung trong sự tham dự vào Nước Thiên Chúa.
Mỗi người chia sẻ thời gian của mình, những tài nguyên nhỏ nhoi, sự hiện diện của mình, việc đối thoại, và tất cả những gì có thể làm để xoa dịu những đau khổ một cách hiệu quả. Khởi đi từ đó, dường như họ nhận thức được rằng, muốn hiểu người nghèo thì trước hết phải cảm nhận được cái nghèo như họ.[3]
Theo gương Chúa Kitô, thành viên hội Bác Ái phải trở nên người tôi tớ. Hội gồm những người giáo dân, nam và nữ, lớn tuổi và trẻ tuổi, quan tâm đảm nhận trách nhiệm của mình trong lãnh vực tâm linh và trần thế. Hội khẳng định tính cách Giáo hội và thiêng liêng của mình, tạo thế quân bình giữa việc đào sâu đời sống tâm linh và dấn thân phục vụ người nghèo. Suy nghĩ cá nhân và tập thể về những vấn đề xã hội và cố gắng giải quyết, dựa trên ánh sáng Tin Mừng và giáo huấn xã hội của Giáo hội. Tĩnh tâm và suy nghĩ về hoạt động của mình để phục vụ tốt hơn. Cầu nguyện mỗi ngày trước khi hoạt động và đưa hoạt động vào cầu nguyện. Nhờ kết hợp chặt chẽ cầu nguyện với hoạt động, dần dần đạt được thế quân bình hài hoà mà người môn đệ của thánh Vinh Sơn và chân phước Ozanam phải tìm kiếm, một tổng hợp sống động giữa con người hoạt động và con người cầu nguyện mà thánh Vinh Sơn mong muốn.
Bác ái phải qua việc tiếp xúc và phục vụ cá nhân, trực tiếp và thường trực, những người đau khổ, những người bị loại trừ, không phân biệt màu da, ý kiến hay tín ngưỡng, xem họ như những người bạn hữu và anh em, chứ không phải chỉ như những cá nhân cần được cứu giúp. Ơn gọi của Hội là, qua sự hiện diện của các thành viên, đem đến một tình thân ái, một sự nâng đỡ, trợ giúp về mặt tinh thần, một sự trợ giúp vật chất cho hết mọi người đang gặp khó khăn.[4]
Thánh Vinh Sơn dạy rằng cần phục vụ người nghèo một cách vui vẻ, can đảm và kiên trì, trở nên sứ giả đem lại niềm vui và hy vọng cho kẻ khác. Điều đó còn quan trọng hơn là đến với kẻ khác bằng đôi tay đầy tặng vật. Hội cũng đề ra cho mình quy luật là hành động cách âm thầm, không ồn ào phô trương.
Hành động của Hội không chỉ nhằm cứu nguy nhất thời nhưng chủ yếu là can thiệp để giúp cho người ta có thể tự lập. Không chỉ bằng lòng với việc nâng đỡ, xoa dịu những lầm than thể chất nhưng chủ yếu phải nhắm đến việc phục hồi phẩm giá của con người, bằng cách giúp họ khắc phục tình trạng nghèo khó của mình, để đến lượt họ, cũng biết xả thân phục vụ anh chị em mình mở lòng ra tiếp nhận những chiều kích toàn diện của đức bác ái Kitô giáo.
Khi hội họp, nhờ việc chia sẻ trong tình huynh đệ thời gian, kiến thức, tài năng chuyên môn và các phương tiện, mỗi người cống hiến những khả năng cá nhân để phục vụ mọi người.[5]
1. Một hiệp hội đậm tình huynh đệ
Ngay từ những lần gặp gỡ đầu tiên, những người sáng lập Hội Vinh Sơn Phaolô đã cảm nhận được một sự nâng đỡ thật lớn lao trong kinh nghiệm sống chung này, khiến họ đã thực sự cảm thấy là “anh em” với nhau và đã quy định thông lệ gặp gỡ nhau mỗi tuần một lần.
Tình tương thân tương ái, sự bình đẳng huynh đệ trong mỗi nhóm trên toàn thế giới, biến Hội bác ái thực sự thành một gia đình nhân loại và thiêng liêng, rộng mở đón nhận tất cả những ai khao khát sống ơn gọi riêng của Hội.[6]
2. Một gia đình Kitô hữu giáo dân
Đây là một hiệp hội giáo dân (tuy không vì thế mà loại trừ các chủng sinh, giáo sĩ hay linh mục muốn tham gia vào đời sống của hội). Họ sống giữa thế gian, đảm nhận những tác vụ và trách nhiệm giữa đời. Nguồn gốc của họ hết sức đa dạng: trẻ hay già, không chút phân biệt giàu nghèo, ở bất cứ địa vị xã hội, chủng tộc hay quốc gia nào. Chỉ cần họ nhất trí với nhau về cùng một mục đích và chia sẻ với nhau kinh nghiệm và mối quan tâm chung là phục vụ người nghèo. Họ là người nam hay nữ, độc thân, có gia đình hay goá bụa, thậm chí cả vợ chồng muốn chiếu sáng tổ ấm bằng tinh yêu tha nhân.[7]
Tinh thần trẻ trung là một nét đặc trưng nguyên thuỷ và trường tồn của Hội Vinh Sơn Phaolô. Đặc nét này ngay từ đầu đã được ghi vào bản nội quy và sẽ còn tồn tại mãi. Nhưng đây cũng là một điểm cần lưu tâm thường xuyên, vì sự trẻ trung của thân xác tiêu hao nơi mỗi người và vì thế cần phải không ngừng được đổi mới trên bình diện con tim và tư tưởng.
Tinh thần trẻ trung là sự năng động, phấn khởi, dự phóng hướng đến tương lai. Quảng đại chấp nhận những rủi ro, óc tưởng tượng sáng tạo, nghĩa là, trên hết mọi sự, biết thích nghi, là đặc tính cốt yếu của tuổi trẻ, tránh trở nên cằn cỗi, khô cứng, không còn khả năng thích nghi.
Theo nghĩa đó, Hội Vinh Sơn Phaolô có thể được gọi là một “phong trào bác ái và tông đồ”. Tuy nhiên, trẻ về tuổi tác chưa đủ để bảo đảm sự trẻ trung về tinh thần, nhưng tạo điều kiện thuận cho sự trẻ trung này. Vì thế Hội dành nhiều chỗ cho người trẻ, cố gắng hiểu họ, kiên nhẫn đối thoại với họ, trao cho họ những trách nhiệm, trẻ trung với họ, đó là một điều cần thiết để toả sáng cũng như là một đòi hỏi trung thành với truyền thống Vinh Sơn theo chân phước Ozanam.[8]
4. Con số hội viên qua các thời kỳ
Năm 1834, có 250 thành viên. Năm 1835, lập thêm 3 chi hội tại Paris và một tại Nimes (đông nam nước Pháp)
Từ 1837 đến 1852, nhân dịp các sinh viên trở về quê quán, các chi hội lan rộng trong các Giáo phận tại Pháp.
Từ 1861 đến 1870, nhà nước giải tán các hội đồng, Hội cũng tạm thời giảm hoạt động, chìm vào bóng tối.
Sau chiến tranh năm 1870, Hội hoạt động mạnh trở lại.
Sau vài năm, Hội lan sang Roma (1842), Bỉ, Tô Cách Lan, Ái Nhĩ Lan (1843), Anh (1844), Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ (1846), Thuỵ Sĩ (1847), Áo và Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Mêhicô (1846), Canada (1847).
1860: 2.500 chi hội, 50.000 thành viên.
1950: 17.000 chi hội, 300.000 thành viên.
1983: 38.000 chi hội, 750.000 thành viên trong 107 nước. Hội mừng kỷ niệm 150 năm thành lập.
Hiện nay có khoảng 50.000 chi hội với 960.000 thành viên trong 135 nước (số liệu năm 2000), hai phần ba sống trong các nước đang phát triển.[9]
Mỗi nhóm có từ 10 đến 15 người, gặp gỡ nhau đều đặn, (nếu có thể được, hàng tuần hay 2 tuần một lần, hàng tháng), tại những địa điểm, ngày và giờ được ấn định chung với nhau.[10]
Các cuộc hội họp được linh động bởi tinh thần huynh đệ, vui tươi và khiêm nhường là tinh thần đã kết hợp các vị sáng lập Hội ban đầu.
Các buổi hội được nâng đỡ bởi việc cầu nguyện, được soi sáng bởi việc tìm kiếm về mặt thiêng liêng và làm phong phú nhờ việc huấn luyện về phương diện xã hội, là những điều gắn liền với ơn gọi Vinh Sơn.
Việc suy nghĩ chung lấy cảm hứng từ Kinh Thánh, giáo huấn của Giáo hội, tư tưởng của thánh Vinh Sơn và chân phước Ozanam, phương hướng của Trung Ương (thí dụ: chủ đề năm) hay từ những biến cố có ý nghĩa trong đời sống hàng ngày.
Đời sống thiêng liêng của Hội liên hệ đến mỗi thành viên; sự tham gia của một cố vấn tinh thần sẽ gia tăng sự phong phú vì chứng thực tính cách Giáo hội và Vinh Sơn của Hội. Tuy nhiên, sự hiện diện hay vắng mặt của vị này không hề ngăn cản các thành viên đảm nhận trách nhiệm của mình trong lãnh vực này.
Các buổi tối giúp phác thảo công việc bác ái và từ thiện dưới ánh sáng của những vấn đề trước mắt.
Mỗi người báo cáo về các hoạt động của mình. Hội ấn định những phương thế cần xúc tiến để hành động, trong sự quan tâm đến bác ái, công bình, tình liên đới và tính hiệu quả.
Tinh thần được biểu lộ trước hết qua việc góp chung những giá trị nhân bản và tinh thần của mỗi người. Một cuộc lạc quyên kín trong buổi hội là dấu chỉ của tinh thần chia sẻ này.[11]
Một người trưởng được các thành viên bầu kín sẽ linh hoạt Nhóm trong vòng 5 năm. Có thể được bầu lại một nhiệm kỳ thứ hai. Tuổi giới hạn là 70.
Một người phó cộng tác chặt chẽ để linh hoạt nhóm và thay thế người trưởng trong trường hợp trưởng bị ngăn trở.
Người thư ký đảm nhiệm những công tác hành chánh, sổ sách, ghi chép biên bản các buổi hội và thông tri cho các nhóm viên hiện diện hay vắng mặt, để mọi người được thông báo đầy đủ.
Người thủ quỹ đảm nhận trách nhiệm về việc quản trị tài chánh, phải cùng với các nhóm viên khác tìm kiếm những phương thế nhằm đảm bảo những tài nguyên cần thiết để chu toàn sứ mạng.
Trung thành với truyền thống khó nghèo, nhóm giảm thiểu tối đa những chi tiêu hành chánh, từ chối tích luỹ và tái phân phát cách quảng đại, nhưng cũng có suy xét, tất cả những gì mình lãnh nhận.[12]
V. HỘI VINH SƠN PHAOLÔ TẠI VIỆT NAM
Tháng 5 năm 1933, Hội đã vươn tới Việt Nam. Một nhóm thanh niên thiện chí họp chi hội đầu tiên ở Nam Định. Cha Cao (Vacquier) làm linh hướng. Chẳng bao lâu từ chi hội nhỏ bé này, dần dần phát triển thêm mấy chi hội khác, cũng ở Nam Định, rồi từ Nam Định, Hội truyền lan lên Hà Nội, Phủ Lý, Hà Đông, Bùi Chu, Phát Diệm, tiến tới Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị (1935) và Sàigòn, Chợ Lớn (1937).
Có hai điều chú ý trong sự phát triển buổi đầu này:
Thứ nhất là sự tham gia của những người cao tuổi, tuy trước đây Frédéric Ozanam thành lập Hội hầu hết là những người trẻ, nhưng khi tới Việt Nam người ta không màng tới ý nghĩa này nữa, bởi vì, họ chỉ nghĩ đến làm việc thiện, một công cuộc hợp với tâm hồn Việt. Nên ngay từ đầu, người ta đã thấy nhiều vị cao niên đạo đức đã hăng hái làm việc với lớp trẻ như các cụ Trần Văn Tĩnh, Lê Kỳ Trí (Nam Định) và các cụ Hoàng Đình Trác, Phan Cao Lũy (Hà Nội)… và rất nhiều vị khác đang lăn lộn khắp nơi để chăm sóc người nghèo khổ.
Thứ hai là sự tham dự của người không Công giáo. Một người hoạt động trong số những người thiện chí này là ông Ngô Ngọc Kha, tham tá bưu điện. Không những ưng thuận mà còn cho người không công giáo được bầu vào ban điều hành. Với tinh thần và linh đạo của hiệp hội phù hợp nên phát triển rất nhanh chóng tại Miền đất này. Ngày 15,16/05/1943 tại Nam Định kỷ niệm 10 năm thành lập tất cả Đông dương đã có 25 chi hội rải rác từ Bắc đến Nam với hơn 500 thành viên. Hội đã lập được nhiều những công cuộc thực tế ở nhiều nơi như: Khu chợ Albert de Mun ở Phù Long, Nam Định, Nhà nghỉ mát Magnificat ở Sầm Sơn – Thanh Hóa, Vườn kẻ liệt Thánh Giuse ở Huế, Nhà hộ sinh và phát thuốc ở Bảo Long – Nam Định.
Đó là một ít công cuộc mà chúng tôi biết, chắc còn nhiều công cuộc khác chưa được nhắc đến. Đáng chú ý nhất vẫn là những hoạt động của Hội trong việc phục vụ những người đói kém năm 1945. Hồi đó, tại Hà Nội và nhất là tại Bảo Long (Nam Định), Bùi Chu, Phát Diệm, sự nổ lực cứu giúp đồng bào của các chi hội ở các nơi đó rất hữu ích. Tuy nhiên, nạn đói chưa qua, chiến tranh đã bùng nổ. Đồng nghĩa với sự tan rã của các chi hội ở thành phố, chỉ còn lại một số chi hội nhỏ lẽ ở thôn quê hoạt động.
Năm 1948, Hội được tái lập trở lại sau một thời gian ly tán, người ta trở về thành phố đông hơn, các chị hội trước đây bị tan rã nay được lập lại. Cũng như trước sự hoạt động vẫn mạnh nhất ở Miền Bắc. Tại Hà Nội có 5 chi hội và một hội đồng trung ương. Các chi hội ở Nam Định, Phủ Lý, Hải Phòng hoạt động mạnh.
Tại Miền Trung, các chị hội ở Huế và vùng lân cận như Đà Nẵng, Quảng Trị cũng đang tiến phát mạnh mẽ. Ở đây cũng có những người không công giáo tham gia vào các chi hội. Các chi hội ở đây thường xuyên phục vụ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và cũng đã phát hành một tờ báo (Tờ báo Vinh Sơn).
Tại Miền Nam, các chi hội đều tụ họp tại Chợ Lớn (Sàigòn): cụ thể có một chi hội ở Nhà Thờ Đức Bà. Một chị hội ở trường Taberd của các thầy dòng anh em các trường Thiện giáo. Một ở Tân Định và một ở Chợ Dũi, còn ít nhiều chị hội khác phục vụ ở Lục Tỉnh. Điều đáng chú ý, ngay đầu năm 1947, các hội viên ở Sàigòn đã kêu gọi được một số bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, thương mại, sinh viên, họ cùng lập một nhà để khám và phát thuốc cho bệnh nhân tại Bàn Cờ. Một khu phố nghèo và đông dân nhất của thành phố này.[13]
Năm 2003, tại Giáo sở Thánh Tâm, Giáo Phận Đà Lạt, một chi hội mới được thành lập bởi Lm. Grerado Trần Công Dụ, thuộc Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn. Cha cũng là người linh hướng từ những ngày đầu thành lập cho đến hôm nay.
“Bác ái không bao giờ được nhìn về đằng sau, nhưng phải luôn nhìn về đằng trước, vì con số những việc thiện đã làm trong quá khứ luôn rất nhỏ, và những cảnh khốn cùng hiện tại và tương lai mà bác ái phải làm giảm nhẹ thì vô cùng lớn.”[14]
Khoá K22
[1] X. Các thánh và các chân phước trong Gia Đình Vinh Sơn, tổng hợp 2011, trang 183 – 184.
[2] X. Các thánh và các chân phước trong Gia Đình Vinh Sơn, tổng hợp 2011, trang 187 – 188.
[3] X. Christian Verheyde, Cầu nguyện 15 ngày với chân phước frederic ozanam, (ngày thứ sáu, sự phát triển của Hội Thánh Vinh Sơn), chuyển ngữ Lm. Grerado Trần Công Dụ, CM, trang 82 – 83.
[4] X. Phêrô Phạm Minh Triều, Một chút Vinh Sơn, Học Viện Thần Học, Lưu hành nội bộ 2017, Chuyển ngữ Phêrô Phạm Minh Triều, trang 72.
[5] X. Quy luật, C.1, đ.1.
[6] X. Christian Verheyde, Cầu nguyện 15 ngày với chân phước frederic ozanam, (ngày thứ năm, Bạn hữu), chuyển ngữ Lm. Grerado Trần Công Dụ, CM, trang 67.
[7] X. Thư viện Vinh Sơn , Tài liệu thường huấn 2013, trang 12.
[8] X. Christian Verheyde, Cầu nguyện 15 ngày với chân phước frederic ozanam, (ngày thứ mười, Giới trẻ), chuyển ngữ Lm. Grerado Trần Công Dụ, CM, trang 111.
[9] X. Thư viện Vinh Sơn , Tài liệu thường huấn 2013, trang 18.
[10] X. Quy luật, C.1, đ.3.
[11] X. Quy luật, C.1, đ.4.
[12] X. Quy luật, C.1, đ.10.
[13] X. Từ Huệ Phạm Đình Tân, Tịnh Việt Văn Đoàn, Frédéric ozanam với Hội Thánh Vinh Sơn Phao Lô, Tựa của Lm Nguyễn Ngà 1953, Tr, 78 – 79 – 80.
[14] Thư gửi Léonce Curnier, Christian Verheyde, Cầu nguyện 15 ngày với Chân Phước Frederic Ozanam, chuyển ngữ Lm. Grerado Trần Công Dụ, CM, trang 127.