Chân phước Frederic Ozanam và con đường nên thánh

Đăng ngày: 08/09/2023

Chân phước Frédéric Ozanam sinh ra ở Milan năm 1813 trong một gia đình trung lưu có sự nghiệp. Ông là một học giả và đạt được nhiều bằng cấp đáng nể trong xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt trở thành giáo sư địa lý nổi tiếng ở Paris. Có thể nói Ozanam đã trở thành hình mẫu về sự hòa hợp giữa con người có đức tin và con người của khoa học, tri thức. Chúng không đối lập mà ngược lại, tạo điều kiện tốt để thăng tiến cho nhau, để đạt được những vị trí cao hơn trên con đường hoàn thiện. Đó là một điểm sáng trong thế giới ngày nay. Đó là biểu hiện của tình yêu đích thực dành cho người khác: “Thế mà tình yêu chân chính vốn làm cho con người được triển nở cùng với tình bằng hữu đích thực chỉ ngự trị nơi những tâm hồn biết mở ra để được lấp đầy. Muốn kết đôi hay trở nên bạn hữu, chúng ta phải mở rộng con tim để đến với những nhóm người khác, nhờ đó chúng ta có khả năng ra khỏi chính mình, ngõ hầu đón nhận tất cả mọi người. Những nhóm khép kín và những đôi bạn chỉ biết đến mình tạo thành một cái “chúng tôi” đối nghịch với mọi người, thường là biểu hiện rõ ràng của thói ích kỷ chỉ lo phòng giữ cho riêng mình.”[1]

Chân phước Fedreric Ozanam là một nhân vật nổi bật trong Gia đình Vinh Sơn, người mà ngày nay hầu hết chúng ta đều biết đến là Hiệp Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô, một tổ chức ngài thành lập năm 1833, cùng với các bạn bè của ngài. Chân phước Ozanam đã sống qua một thời kỳ đầy biến động ở Pháp thế kỷ 19, đặc biệt là tình trạng xã hội có nhiều đại dịch và nghèo đói vật chất. Chân phước Ozanam khi đó là giáo sư tại Đại học Sorbonne, ông đã cảm nhận được thực tế của xã hội Pháp, khi chính ngài phải chứng kiến ​​biết bao bi kịch, đau khổ của các gia đình và đặc biệt vì một câu hỏi được nêu ra bởi một thành viên nhóm chống tôn giáo đã chỉ ra rằng “Giáo hội đang làm gì cho người nghèo ở Paris?” rồi họ đã nói rằng, “hãy cho chúng tôi xem các công việc của các bạn và tôi sẽ tin các bạn.” Chân phước Ozanam thực sự cảm động trước câu nói này và đã tập hợp bạn bè tham gia nhóm từ thiện để giúp đỡ những gia đình khó khăn quanh vùng, với sự giúp đỡ đầy khích lệ của chị Rosalie Rendu, một Nữ Tử Bác Ái.

Chân phước Ozanam đã thể hiện đức tin của một Kitô hữu bằng hành động, khi sống linh đạo Vinh Sơn với lòng bác ái cao cả, khi ngài mơ ước “ôm ấp thế giới trong một mạng lưới bác ái”. Lòng bác ái này đã khiến Ozanam hy sinh cả bản thân và gia đình để phục vụ người nghèo. Dù hoàn cảnh gia đình ông còn nhiều khó khăn, sức khỏe yếu và một đứa con nhỏ cần được chăm sóc. Nhưng Ozanam không nghĩ đến mình, mà chỉ nghĩ đến người khác, qua đó chúng ta thấy Ozanam có những điểm nổ bật.

Đấu tranh đòi công lý cho người nghèo

Bản thân là một luật sư, Ozanam nhận ra rằng xã hội Pháp lúc bấy giờ đang có sự đối xử bất công với người nghèo và ông cần phải lên tiếng cho họ. Họ là những người không có tiếng nói trong xã hội, nên ông đã lên tiếng bảo vệ họ, như chân phước chia sẻ “Công lý là nơi trú ẩn đạo đức cuối cùng cho xã hội đương đại; nhìn thấy nó bị bao quanh bởi sự tham nhũng là lý do khiến tôi bị thôi thúc cần có một canh tân cho điều này. Tôi gần như luôn luôn trở về từ tòa án với vô vàn ưu tư. Tôi không thể cam chịu trước cái ác được phép tiếp diễn nữa.” [2]  Đó là động lực mà Gia đình Vinh Sơn vẫn đang theo đuổi cho đến ngày nay, để đấu tranh cho người nghèo có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây cũng là một ơn gọi Kitô giáo căn bản như Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi trong Tông huấn Fratelli Tutti: “Thông thường, những người thấp kém trong xã hội là nạn nhân của những khái quát hóa đầy bất công. Nếu đôi khi người nghèo và người bị loại trừ phản ứng bằng những thái độ xem ra chống lại xã hội, chúng ta cần phải hiểu rằng trong nhiều trường hợp những phản ứng ấy phát xuất từ một lịch sử trong đó họ bị xã hội khinh miệt và loại trừ. Các giám mục châu Mỹ La tinh đã nói rằng “chỉ bằng cách gần gũi với người nghèo chúng ta mới trở thành bạn hữu của họ, mới biết trân trọng cách sâu xa các giá trị họ đang có, các khao khát chính đáng của họ, và cách sống đức tin đặc thù của họ. Việc chọn lựa người nghèo phải đưa chúng ta đến chỗ làm bạn với người nghèo.” [3]  Chân phước Ozanam dường như đã có tiếng nói ngôn sứ ước muốn này của Đức Thánh Cha Phanxicô cho xã hội chúng ta ngày nay. Khắp mọi nơi đều đòi hỏi tình yêu thương và tình liên đới với người nghèo. Đó là cách thiết thực nhất để rao giảng Tin Mừng và giới thiệu vương quốc Thiên Chúa cho người khác.

Mạng lưới bác ái mà Chân phước Ozanam mong ước đã trở thành hiện thực, khi ngày nay chúng ta chứng kiến ​​sự lớn mạnh của Hiệp hội Thánh Vinh Sơn Phaolô ở nhiều nước trên thế giới. Chính tình yêu rộng mở của Ozanam dành cho người nghèo mà chân phước mong muốn được phục vụ “tình yêu thúc đẩy chúng ta hiệp thông với hết mọi người. Không ai có thể trưởng thành và đạt tới mức thành toàn khi sống tách biệt người khác. Bởi tính năng động của nó, tình yêu đòi ngày một mở rộng, ngày càng có khả năng đón nhận người khác, bằng cách thực hiện một cuộc phiêu lưu không ngừng nghỉ làm cho tất cả các vùng ngoại vi cùng hướng đến cảm thức thật sự thuộc về nhau. Như Đức Giêsu đã nói với chúng ta: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau”(Mt 23,8).”[4] Đó là một điểm nổi bật trong cuộc đời của Chân phước Ozanam, khi ngài cống hiến tình yêu của mình cho người nghèo bằng cách noi gương Thánh Vinh Sơn Phaolô, đấng mà chân phước đã nhận làm đấng bảo trợ cho hiệp hội bác ái của mình. Chân Phước Ozanam có một sự hiểu biết đặc biệt về sự kết hợp quan trọng giữa công lý và bác ái, điều này phản ánh niềm xác tín sâu sắc của Thánh Vinh Sơn rằng “không có công lý thì không thể có tình yêu” (CCD VIII, 118).

Cộng tác làm bác ái

Có lẽ một trong những điều đặc biệt trong cuộc đời của Chân phước Ozanam là sự cộng tác với Chân phước Rosalie Rendu, một thành viên của Tu hội Nữ Tử Bác Ái. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta về sự cộng tác giữa Thánh Vinh Sơn và Thánh Louise trong việc phục vụ người nghèo. Cả hai cùng nhau lắng nghe tiếng kêu khóc của người nghèo và cùng nhau đáp lại bằng những hành động thiết thực nhằm xoa dịu nỗi đau của người nghèo.

Ngoài ra còn có sự hợp tác ăn ý giữa Ozanam và chị Rosalie Rendu trong bối cảnh Paris thế kỷ 19. Họ cùng nhau học hỏi và khuyến khích nhau cùng làm việc vì người nghèo. Kết quả là, dưới sự hướng dẫn của chị Rosalie Rendu và sự cộng tác của các sinh viên đã dẫn đến việc biến Hội nghị Lịch sử thành Hội nghị Bác ái, và cuối cùng là Hiệp hội Thánh Vinh Sơn Phaolô, một tổ chức phục vụ người nghèo với lòng bác ái: “bác ái là trọng tâm của học thuyết xã hội của Giáo Hội. Mọi trách nhiệm và mọi cam kết được học thuyết đó nêu ra đều bắt nguồn từ đức ái, mà theo lời dạy của Chúa Giêsu, là sự tổng hợp của toàn bộ Lề luật” (Caritas in Veritate, # 2).[5] Bác ái là điều hiệp nhất các ngành của Gia đình Vinh Sơn và cùng nhau làm việc trong sứ mệnh phục vụ Tin Mừng cho người nghèo. Hầu hết các ngành của Gia đình Vinh Sơn đều được truyền cảm hứng từ điều quan trọng này, đó là lòng bác ái của Thánh Vinh Sơn, mà cả Chân phước Ozanam lẫn Chân phước Rosalie Rendu đều chia sẻ điều đó. Chân phước Ozanam bày tỏ quan điểm rằng ngài và những người bạn đồng hành của mình đã trở thành “những người phụ tá của các Nữ tu Bác ái”.

Nhà truyền giáo giáo dân Vinh Sơn

Không giống như những hình ảnh thánh thiện khác trong Gia đình Vinh Sơn, họ thường là thành viên của Tu Hội Truyền Giáo hay Tu hội Nữ Tử Bác Ái, Ozanam là hình ảnh thánh thiện của một giáo dân Vinh Sơn, một ơn gọi rất đặc biệt và hiếm có trong Gia đình Vinh Sơn. Nhưng trước hết hãy cùng tìm hiểu về cuộc sống của chính chân phước với gia đình. Ông là một người cha hiền lành và một người chồng tốt trong gia đình. Ông kết hôn với Amelie Soulacroix vào ngày 23 tháng 6 năm 1841 và con gái ông là Amelie. Gia đình ông cũng gặp khó khăn vì sức khỏe của ông và phải di cư sang Ý với hy vọng sức khỏe của ông sẽ tốt hơn vào năm 1846. Ông hết lòng yêu thương gia đình và cũng có suy nghĩ khi phải chia sẻ sức khỏe và thời gian của mình để chăm sóc người nghèo thay vì gia đình của mình. Nhưng Ozanam đã sống cuộc đời gương mẫu của một người cha, một người chồng khi còn ở trong gia đình mình, như trước đám cưới, ông đã viết cho người vợ sắp cưới: “Anh cho em ý chí của một người đàn ông, một ý chí ngay thẳng và lương thiện, ý chí hướng thiện để làm em hạnh phúc.”[6]

Chân phước Ozanam là một giáo dân điển hình trong hoạt động tông đồ khi ngài còn là một viên chức, một vị trí có thể tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội và có thể truyền cảm hứng cho nhiều người trong đức ái. Đây là một đặc tính thiết thực của người giáo dân trong việc sống và rao giảng Tin Mừng trong đời sống của mình. Đặc biệt trong vai trò của một giáo sư đại học, vai trò của ông còn lớn hơn và hấp dẫn hơn khi giúp những người khác cảm nhận được sự đoàn kết xã hội “Giáo viên, những người có nhiệm vụ đầy thách đố là đào tạo trẻ em và thanh thiếu niên trong trường học hoặc các môi trường khác, nên ý thức rằng trách nhiệm của họ cũng bao gồm cả trách nhiệm của họ đến các khía cạnh đạo đức, tinh thần và xã hội của cuộc sống.” [7]

Một điều khác liên quan đến vai trò giáo dân trong Gia Đình Vinh Sơn. Đó là con đường linh đạo Vinh Sơn không chỉ dành cho những người sống đời thánh hiến, mà còn là con đường chung cho tất cả mọi người trên con đường nên thánh, con đường nên thánh cho mọi Kitô hữu như Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Như vậy, điều hiển nhiên đối với mọi người là tất cả các tín hữu của Chúa Kitô, dù ở cấp bậc hay địa vị nào, đều được kêu gọi đạt đến đời sống Kitô hữu trọn vẹn và đạt tới sự hoàn hảo của đức ái; bởi sự thánh thiện này khi một lối sống nhân bản hơn được phát huy trong xã hội trần thế này.” [8]

Chân phước Ozanam đã sống lời kêu gọi nên thánh phổ quát trong đặc sủng Vinh Sơn và ngài cũng mời gọi những người khác trong hiệp hội trở thành những vị thánh trên con đường bác ái để phục vụ người khác. Vì thế, ơn gọi Vinh Sơn không dành riêng cho ai, mà dành cho tất cả mọi người, những người khao khát được hoàn thiện theo gương thánh Vinh Sơn Phaolô, một con đường truyền giáo và bác ái cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo.

Ngày nay ơn gọi Vinh Sơn đang phải đối mặt với những biến động, đặc biệt là về ơn gọi vào các cộng đoàn thánh hiến, sự phát triển của các hiệp hội giáo dân Vinh Sơn là một động lực để tiếp tục đoàn sủng Vinh Sơn một cách hiệu quả trong các điều kiện kinh tế xã hội khác nhau. Chính những hoạt động tông đồ giáo dân của các thành viên Vinh Sơn này sẽ luôn làm cho đoàn sủng Vinh Sơn trở nên sống động trong Giáo hội và xã hội. Chân phước Ozanam đã để lại cho chúng ta một di sản bác ái qua sự cộng tác của giáo dân để yêu thương và phục vụ người nghèo. Hình ảnh một người cha, một công chức, một người có địa vị trong xã hội, biết quan tâm chăm sóc những người nghèo xung quanh nhưng là tấm gương tốt cho chúng ta. Chân phước Ozanam đã sống lý tưởng bác ái của mình bằng hành động cụ thể như ngài đã nói trong một lá thư gửi Ernest Falconnet vào năm 1834: “Các ý tưởng tôn giáo có thể không có giá trị gì nếu chúng không thực tế và tích cực. Tôn giáo có nghĩa là để hành động hơn là suy nghĩ.”

Niềm tin tôn giáo đã giúp Chân phước Ozanam có những hành động cụ thể vì người nghèo. Đó là một hành vi đức tin giúp người nghèo nhận ra tình yêu thương xót của một Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, một Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu khóc của người nghèo và đáp lại họ khi họ kêu cầu. Đó cũng là tính thực tế của đoàn sủng Vinh Sơn đi từ “tình yêu cảm xúc, phải chuyển sang tình yêu hữu hiệu.”[9] Chính tình yêu đòi hỏi phải hành động để phục vụ người nghèo. Điều này xuất phát từ lòng từ bi chân thành và hiệu quả chứ không chỉ là một phong trào xã hội. Nhưng đó là một hành động bác ái của Chúa Kitô, Đấng sẵn sàng hiến mạng sống mình vì người khác. Sau đó, tất cả các thành viên Vinh Sơn cũng được kêu gọi sống vì điều này theo gương Thánh Vinh Sơn.

Hy vọng rằng những gì Chân phước Ozanam đã sống và hành động qua bác ái là hoa trái của linh đạo Vinh Sơn luôn nảy sinh trong mọi ngành của Gia đình Vinh Sơn, nơi mọi thành viên vẫn trung thành và sáng tạo với đặc sủng của đấng sáng lập để thánh hóa qua việc phục vụ người nghèo. Đó là con đường phổ quát và dễ dàng không dành riêng cho bất kỳ ai. Mọi thành viên Vinh Sơn đều được kêu gọi nên thánh trong thế giới ngày nay nhờ linh đạo của mình. Các thành viên của Hiệp hội Ozanam đã và đang là những nhân chứng sống cho mạng lưới bác ái mà Chân phước Ozanam hằng mơ ước. Đó là mạng lưới gắn liền với sự liên đới của mọi người vì người nghèo.

Lễ Chân Phước Ozanam 9/9/2023

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM


[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli Tutti, # 89

[2] A letter to Francois Lallier, October 1837: Claire Sweeney DC, Frederic Ozanam and Social Justice, http://vincentians.com/en/frederic-ozanam-and-social-justice/

[3] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli Tutti, # 234.

[4] Ibid., # 95.

[5] Message of his holiness pope Francis to the Vincentian Family on the fourth centenary of the charism, https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/pont-messages/2017/documents/papa-francesco_20170927_messaggio-famiglia-vincenziana.html

[6] Married Saint: Bl. Frédéric Ozanam, tại https://www.foryourmarriage.org/married-saint-of-the-month-frederic-ozanam/. Ngoài ra còn tham khảo thêm tại: Rybolt, John E, “The Virtuous Personality of Blessed Frederick Ozanam,” Vincentian Heritage Journal: Vol. 17: Iss. 1, Article 3; Kevin Slattery, Blessed Frederic Ozanamn, A Life in Outline tại https://www.vinnies.org.au/icms_docs/186961_Frederic_Ozanam__A_Life_in_Outline.pdf; Claire Sweeney DC, Frederic Ozanam and Social Justice, tại http://vincentians.com/en/frederic-ozanam-and-social-justice/

[7] Ibid.

[8] Vatican II, Lumen Gentium, # 39-42.

[9] CCD IX, 466.