5 ngành trong Gia Đình Vinh Sơn: Tu Hội Truyền Giáo

0
3456

I. NGUỒN GỐC TU HỘI

1. Đôi Nét Về Thánh Tổ Phụ Vinh Sơn Phaolô

Vinh Sơn Phaolô (Vincent de Paul) sinh ngày 24/4/1581 tại làng Pouy, gần thành Dax, miền Landes, Tây Nam nước Pháp, trong một gia đình nông dân nghèo. Vinh Sơn là người con thứ ba trong một gia đình gồm sáu anh chị em. Cha ngài là Jean de Paul và mẹ là Bertrande de Moras. Vì là dân quê, Vinh Sơn có một tâm hồn bình dị và mộc mạc, một nền đạo đức đơn sơ, nhưng ăn rễ sâu.

Sau một quãng đời hăng say rao giảng Tin Mừng và phục vụ người nghèo, cha Vinh Sơn qua đời tại Paris đêm 27/09/1660. Ngài được phong chân phước ngày 13/08/1729, và được Đức Giáo Hoàng Clément XII phong hiển thánh ngày 16/06/1737.

Ngày 02/05/1885, Đức Thánh Cha Lêo XII đặt thánh Vinh Sơn làm Bổn mạng đặc biệt của mọi tổ chức từ thiện bác ái trong Giáo hội, và cả những tổ chức không phát xuất từ ngài.

2. Thành Lập Tu Hội

Vinh Sơn sinh ra và lớn lên vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, là thời điểm Giáo hội Pháp đang lâm vào tình trạng khủng hoảng: đa phần hàng giáo sĩ yếu kém, chạy theo bổng lộc, dân nghèo miền quê bị bỏ rơi về mặt thiêng liêng. Chính thời điểm này, linh mục được coi như một “nghề” để đảm bảo tương lai tươi sáng cho bản thân và cho gia đình. Vì vậy, vừa học xong, Vinh Sơn đã vội vã xin chịu chức linh mục ngày 23/09/1600. Là một linh mục trẻ đầy tham vọng, ngài đã sử dụng chức linh mục như một phương tiện để thu góp lợi lộc trần thế. Thế nhưng, khi làm cha sở ở Châtillon, cha Vinh Sơn đã cọ sát với thực tế phũ phàng của dân quê tại Gannes. Khi làm tuyên uý cho gia đình quý tộc De Gondi, Vinh Sơn khám phá ra dân nghèo miền quê đang bị bỏ rơi về mặt thiêng liêng, đồng thời cũng thấy nhiều giáo sĩ quá yếu kém trong vấn đề học vấn.

Ý thức được hoàn cảnh như thế, cha Vinh Sơn đã hoàn toàn hiến thân để xoa dịu nỗi khổ đau của người nghèo. Năm 1625, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, Cha Vinh Sơn đã lập Tu Hội Truyền Giáo với mục đích: “Bước theo Đức Kitô, rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó và cộng tác vào việc đào tạo hàng giáo sĩ và giáo dân,” và Tu Hội được Đức Tổng Giám Mục Paris phê chuẩn năm 1626.

Năm 1632, cha Vinh Sơn nhận Tu viện Saint Lazare ở phía Bắc Paris, do các tu sĩ Dòng Victor trao tặng, để làm trụ sở mới của Tu Hội Truyền Giáo. Vì thế, các linh mục thuộc Tu Hội được gọi là các cha “Lazaristes.”

Ngày 12/01/1633, Tòa Thánh đã phê chuẩn việc thành lập Tu Hội Truyền Giáo (Congregatio Missionis: CM) với sắc chỉ “Salvatris Nostri” của Đức Giáo Hoàng Urbano VIII. Tu Hội Truyền Giáo thuộc Tu Đoàn Đời Sống Tông Đồ và thuộc quyền Tòa Thánh.

3. Sự Phát Triển Của Tu Hội

a. Các thành viên

Ngày 17/04/1625, Philippe Emmanuel de Gondi, Francoise Marguerite de Silly và cha Vinh Sơn đã ký bản hợp đồng thành lập một Hiệp Hội những nhà truyền giáo. Việc thành lập được thực hiện tại dinh của gia đình Gondi, trước sự hiện diện của hai công chứng viên là ông Dupuys và ông Le Boucher.

Ngày 04/09/1626, ba nhà truyền giáo đầu tiên đã gia nhập Tu Hội, đó là Antoine Portail, Francois du Coudray, và Jean de la Salle. Hành động đầu tiên của ba nhà truyền giáo là thực hiện một cuộc hành hương tới Montmartre. Sau đó không lâu, bốn thành viên khác xin gia nhập Tu Hội là các cha Jean Bécu, Joseph Brunet, Jean D’Horgny và thầy Antoine Lucas.

Cho đến năm 1636, sự phát triển của Tu Hội Truyền Giáo khá chậm, bởi vì cha Vinh Sơn không theo đuổi việc tuyển mộ. Số nhà truyền giáo lúc bấy giờ khoảng 50 người. Năm 1637, Nội Chủng Viện đầu tiên được thiết lập (cha Vinh Sơn gọi là Nội Chủng Viện để tránh sự giống nhau với các tu sĩ dòng). Giám đốc đầu tiên của Nội Chủng Viện là cha Jean de la Salle.

b. Những cơ sở

Lúc ban đầu, Tu Hội Truyền Giáo chỉ có 2 nhà ở Paris: trường Thiện Nhi và Saint Laraze. Số thành viên tăng lên buộc phải mở các nhà mới. Trong những năm 1635 đến 1659, 31 nhà đã được thiết lập. Cha Vinh Sơn đã gởi các linh mục ra ngoài nước Pháp: tới Ý (Roma) năm 1642, tới Tunisie năm 1645, tới Ai-len năm 1646, tới Madagascar năm 1648, và tới Ba Lan năm 1651.

Cho đến năm 1642, các cơ sở mới chủ yếu để làm tuần đại phúc và lo tĩnh tâm cho các tiến chức. Ngay từ năm 1642, phần lớn các cơ sở được thành lập là các Chủng Viện, ngoại trừ Marseille (1643), Tunis (1645) và Algérie (1646) là những nơi các nhà truyền giáo làm việc trên các chiến thuyền với các tù nhân khổ sai và nô lệ. Nhà Rôma có chức năng làm cho việc liên lạc với Tòa Thánh trở thành khả thi. Madagascar, Ai-len và Balan trở thành nơi truyền giáo cho muôn dân (Missions ad gentes).

Hiện trạng Tu Hội: Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn trên thế giới hiện nay gồm hơn 4000 thành viên, trong đó có: 33 Giám mục, 3000 Linh mục, 70 Phó tế, 157 Tu huynh, 754 Chủng sinh (sinh viên Triết, Thần và Tập sinh).

Tu Hội có mặt tại 93 nước trên thế giới, được chia làm 55 tỉnh và 4 phụ tỉnh.

II. LINH ĐẠO

1.    Mục đích:

Mục đích của Tu hội Truyền giáo là bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Mục đích này được thực hiện khi các thành viên, trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, trung thành với thánh Vinh Sơn:

  • Tận lực mặc lấy tinh thần của Đức Kitô (LC. I,3) nhằm đạt đến sự trọn lành xứng hợp với ơn gọi của mình ( LC.XII,13);
  • Chuyên cần rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, đặc biệt là những người bị bỏ rơi nhất;
  • Trợ giúp đào tạo giáo sĩ và giáo dân, và dẫn đưa họ tham gia trọn vẹn hơn trong việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.

2.    Tinh thần:

  • Tinh thần của Tu hội là tham dự vào tinh thần của chính Đức Kitô, như thánh Vinh Sơn dạy: “Người đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18). Vì thế, “Đức Giêsu Kitô là quy luật của Tu hội Truyền giáo và phải được xem là trung tâm của đời sống và hoạt động của Tu hội” ( SV. XII,130).
  • Bao gồm những thái độ nội tâm riêng của Đức Kitô: yêu mến và tôn thờ Chúa Cha, tình yêu trắc ẩn đối với người nghèo, cũng như vâng phục sự quan phòng của Thiên Chúa.
  • Thể hiện qua năm nhân đức: đơn sơ, khiêm nhường, dịu hiền, hãm mình và nhiệt thành đối với các linh hồn.

III. ĐỜI SỐNG TRONG TU HỘI

1.    Hoạt động tông đồ

  • Rao giảng Tin Mừng được xem là ân sủng và ơn gọi của Tu hội, cũng như diễn tả căn tính sâu xa nhất của Tu hội. Tình yêu đầy lòng trắc ẩn của Đức Kitô đối với đám đông dân chúng là nguồn mạch cho mọi hoạt động tông đồ của Tu hội.
  • Các công việc truyền giáo được đặt ở vị trí ưu tiên; việc giảng đại phúc cho dân chúng được quý chuộng từ thời Đấng Sáng Lập; đào tạo hàng giáo sĩ trong các chủng viện; trợ giúp về mặt thiêng liêng cho các linh mục; giúp cho hàng giáo sĩ và giáo dân làm việc bác ái chung với nhau; phục vụ những người bị xã hội loại trừ, cũng như những nạn nhân của thiên tai và bất công, những người nghèo khổ về tinh thần.

2.    Đời sống cộng đoàn

  • Các thành viên được quy tụ lại để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, gắn kết vững chắc trong tinh thần hiệp thông huynh đệ, nỗ lực thực hiện sứ mạng chung. Các thành viên phải cư ngụ trong một Nhà hay trong một cộng đoàn đã được thiết lập hợp pháp, theo luật riêng của Tu hội.
  • Đời sống cộng đoàn được sinh động hóa bởi tình yêu, thực thi năm nhân đức. Sống tinh thần đồng trách nhiệm cùng với Bề trên với sự vâng phục tích cực, phát huy việc đối thoại với nhau. Tạo những điều kiện cần thiết cho công việc, nghỉ ngơi, kinh nguyện và chung sống.
  • Quý mến các thành viên đau yếu, và lớn tuổi. Cung cấp cho họ những chăm sóc y tế và quan tâm cá nhân cũng như những phương tiện sống khác. Trung thành dâng những kinh nguyện và Thánh lễ cho các thành viên đã qua đời.

3.    Bốn lời khấn

  • Các thành viên tận hiến chính mình để suốt đời rao giảng Tin Mừng cho người nghèo bằng việc tuân giữ đức khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, và kiên định theo Hiến Pháp và Quy chế.
  • Cam kết bằng lời khấn sống đức khiết tịnh hoàn hảo trong bậc độc thân vì Nước Trời; để hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và rao giảng Tin Mừng cho người nghèo hiệu quả hơn.
  • Sau khi gia nhập Tu hội, mọi tài sản của thành viên là tài sản chung của Tu hội, và Tu hội nỗ lực chia sẻ các nguồn lợi tức của mình cho người nghèo. Thành viên sống lối sống thể hiện sự giản dị và thanh đạm, cần có phép của Bề trên khi sử dụng của cải.
  • Có bổn phận vâng phục Đức Giáo hoàng, Bề trên Tổng quyền, Giám tỉnh, Bề trên Nhà và những người thay thế các ngài đưa ra những mệnh lệnh phù hợp với Hiến pháp và Quy chế. Vâng phục các Giám mục trong những giáo phận mà Tu hội được thiết lập.
  • Tuyên khấn sống trọn đời trong Tu hội, để hoàn thành mục đích của Tu hội, thi hành những công việc mà Bề trên giáo phó, theo Hiến pháp và Quy chế qua lời khấn kiên định.

4.    Cầu nguyện

  • Cầu nguyện là nguồn mạch thiêng liêng của nhà truyền giáo. Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa cầu nguyện với hoạt động tông đồ, nhà truyền giáo sẽ trở nên một người chiêm niệm trong hành động và tông đồ trong cầu nguyện.
  • Chuyên tâm cử hành kinh nguyện phụng vụ một cách sống động và xác tín; cố gắng nguyện gẫm riêng hoặc chung một ngày một giờ trong khả năng có thể; trung thành việc tĩnh tâm năm; tỏ lòng tôn kính đặc biệt với mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Mẹ Maria, các thánh và các chân phước trong Gia đình Vinh Sơn.

5.  Các thành viên

  • Các thành viên của Tu hội là những môn đệ của Đức Kitô, đã được Thiên Chúa kêu gọi để tiếp tục sứ mạng của Đấng Cứu Thế và đã được nhận vào Tu hội; đã được tham dự vào chức vụ tư tế vương đế của Đức Kitô qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, bao gồm các giáo sĩ và tu huynh, tất cả đều được gọi là nhà truyền giáo.
  • Tất cả mọi thành viên của Tu hội đều được hưởng các quyền lợi, đặc ân và ân phúc thiêng liêng được ban cho Tu hội, cũng như bị rằng buộc bởi những nghĩa vụ như nhau theo quy định của luật phổ quát và luật riêng.

  6.    Việc đào tạo

  • Là một tiến trình kéo dài liên tục và được canh tân suốt đời để các thành viên thấm nhuần tinh thần của thánh Vinh Sơn; được huấn luyện trong Lời Chúa, đời sống bí tích, đời sống cầu nguyện cá nhân cũng như cộng đoàn, hoạt động mục vụ và linh đạo Vinh Sơn, hoàn tất những chương trình học theo như Giáo luật quy định.
  • Toàn thể cộng đoàn Tỉnh dòng có trách nhiệm trong việc đào tạo các thành viên của Tu hội, mỗi người cần góp phần giúp đỡ công việc đào tạo.
  • Các giai đoạn đào tạo: Tiền Nội Chủng viện (Thỉnh viện, Triết học ) – Nội Chủng viện – Đại Chủng viện ( Thần học) – Thực tập mục vụ, vv.

IV. TU HỘI ĐẾN VIỆT NAM

Khoảng năm 1773, các nhà truyền giáo có mặt tại Trung Hoa. Đến năm 1949, thể chế chính trị Trung Hoa thay đổi. Vì chính quyền cách mạng trục xuất hết các linh mục ngoại quốc, các ngài đã ghé vào Việt Nam. Trước đó, từ năm 1928, các cha thuộc Tu Hội Truyền Giáo đã qua Việt Nam giảng tĩnh tâm cho các Nữ Tử Bác Ái.

Đến năm 1952, Việt Nam gồm có các cha Jacques Huysmann, Adolphe Buch, Robert Cartier, Réne Dulucq, Victor Berset và thầy Alexandre. Những công việc của các ngài vào thời gian đầu là lo việc phục vụ ở Đà Lạt như: ký túc xá Foyer Saint Vincent cho trẻ em dân tộc thiểu số, mở trường học cho người Trung Hoa, phụ trách tuyên uý cho các trường Grand và Petit Lycée Yersin Đà Lạt, làm giáo sư tiểu chủng viện và đại học Đà Lạt.

Từ năm 1955 đến năm 1975:

Năm 1955, Biệt Thự Thánh Tâm là ngôi nhà đầu tiên của Tu Hội tại Việt Nam được thành lập theo Giáo Luật. Nhà Đà Lạt gồm Biệt Thự Thánh Tâm (hiện nay là nhà Tỉnh Dòng), và Foyer Saint Vincent (hiện nay là Học Viện Durando Đà Lạt) do cha Réne Dulucq làm bề trên. Một năm sau (năm 1956), Tu Hội đảm trách việc truyền giáo cho người Trung Hoa ở Đà Lạt, và trông coi xóm giáo Vinh Sơn.

Năm 1957 – 1960, một số cha người Pháp tiếp tục sang Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng gởi một số thầy sang Pháp để làm Nhà Tập và học đại học. Cha Alexis Tống Phước Hậu là hoa trái đầu tiên của Tu Hội tại Việt Nam.

Lúc bấy giờ một số linh mục Triều xin gia nhập Tu Hội, như cha Giuse Phạm Tuấn Trang, cha Giuse Hương Tiến, cha Rôcô Trần Hữu Linh, cha Antôn Bùi Vĩnh Phước,vv. Tỉnh dòng Paris đã giao cho các cha Việt Nam là cha Giuse Phạm Tuấn Trang và cha Rôcô Trần Hữu Linh trực tiếp chịu trách nhiệm đào tạo ơn gọi.

Ngày 01/07/1963, Tu Hội chính thức mở Tiểu chủng viện để chiêu mộ ơn gọi. Tiểu chủng viện được đặt tên là Pavillon Saint Vincent do cha Giuse Phạm Tuấn Trang làm giám đốc (nay là nhà Đà Lạt).

Năm 1966, Tu Hội mở Tập Viện đầu tiên tại Xóm Giáo. Sau giai đoạn Tập Viện, một số thầy được gởi sang học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X. Từ khi mở Tập Viện tại Đà Lạt, Tu Hội chuyển Tiểu chủng viện về vùng Hố Nai – Tam Hiệp – Đồng Nai.

Từ năm 1975 đến năm 1990:

Sau ngày 30/04/1975, tình hình Tu Hội thay đổi. Các linh mục và thầy trợ sĩ ngoại quốc phải về nước, các điểm truyền giáo cũng không còn. Tiểu chủng viện ngưng hoạt động, vì thế các chủng sinh hồi tục dần. Địa sở của Tu Hội còn lại duy nhất là tại Đà Lạt. Sinh hoạt tông đồ và mục vụ của Tu Hội chỉ tập trung vào ba họ đạo nhỏ: Thánh Tâm, Vinh Sơn, và Bạch Đằng.

Giai đọan này, Tu Hội gặp khó khăn về nhiều mặt, do không thể liên lạc với nhà Mẹ tại Paris. Đến năm 1989, việc liên lạc với Tỉnh Dòng được nối lại, Tu Hội có thêm một cơ sở mới tại Túc Trưng – Đồng Nai hầu chiêu mộ thêm ơn gọi.

Từ năm 1990 đến nay:

Năm 1990, lớp nhà thử đầu tiên được mở lại ở cả hai nơi Túc Trưng và Đà Lạt. Đây là khởi đầu cho một giai đoạn tuy còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn,  nhưng đã mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho sự phát triển của Tu Hội.

Năm 1991, Tu Hội chính thức mở một địa điểm truyền giáo cho người K’ho tại Ka Đơn – Đơn Dương – Lâm Đồng.

Năm 1997, nhà Sài Gòn được thành lập để đáp ứng nhu cầu học Thần học của các thầy.

Tu Hội còn mở ra nhiều điểm truyền giáo như Bàu Sen, Cái Rắn, Đà Nẵng, Dăk Song, Bưng Kè, Kontum, Nha Trang, Vinh, Hưng Hoá, Đồng Nai. Ngoài công việc truyền giáo, Tu Hội còn được giao trông coi giáo xứ tại các giáo phận: Đà Lạt, Xuân Lộc, Đà Nẵng, Vinh, KonTum, Ban Mê Thuột, Thái Bình,…

Ngày 28/02/2012, Miền Việt Nam đã được tách khỏi Tỉnh Dòng Paris để trở thành Phụ Tỉnh. Cha Augustinô Nguyễn Hữu Gia là Bề trên Phụ tỉnh.

Ngày 08/02/2018, Phụ Tỉnh Việt Nam được nâng lên Tỉnh Dòng, đánh dấu sự trưởng thành của Tu Hội Truyền Giáo tại Việt Nam. Cha Phêrô Nguyễn Công Tuấn là Giám tỉnh tiên khởi của Tỉnh Dòng.

Khoá K22