Nắm bắt các chủ đề của Giáo hoàng: phân định và đồng hành

0
542

Jeffrey A. Mirus

Phân định và đồng hành là những từ thông dụng hiện nay trong giới Công giáo và điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Các chủ đề chính do mỗi triều đại giáo hoàng nêu ra được toàn Giáo hội nắm bắt nhanh chóng như là chứng nhân Kitô giáo, tập trung vào bất cứ điều gì Đức Thánh Cha tin là cần phải nhấn mạnh đặc biệt. Vì vậy, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II tập trung vào “nền văn hoá sự sống” và mối quan tâm của Đức Bênêdictô XVI là “sự độc tài của chủ thuyết tương đối”.

Bạn sẽ tìm thấy những ý tưởng trung tâm từ mỗi triều đại giáo hoàng, và những cụm từ tượng trưng cho chúng, những cụm từ này được lặp đi lặp lại thường xuyên trong Giáo hội trên khắp thế giới, đặc biệt là khi các giám mục và hội đồng giám mục địa phương đẩy nhanh việc điều chỉnh điểm nổi bật trong công việc và giáo huấn của họ để suy tư về đường lối lãnh đạo của giáo hoàng. Nói chung, đó là một điều tốt: Các giám mục nên đặc biệt nhạy cảm với những gì Đức Thánh Cha cho là quan trọng nhất tại bất kỳ thời điểm nào, khám phá ra cách thức có thể kết hợp những hiểu biết mới vào việc mục vụ của họ. Theo đó, những ý tưởng và sự nhấn mạnh như vậy sẽ được các giáo sư chủng viện, linh mục, phó tế, và cuối cùng là giáo dân nắm bắt.

Tất nhiên, đó cũng chỉ là một phần nào. Trong những trường hợp riêng, cũng có những lý do chính đáng để chọn không làm điều này. Nó làm nảy sinh các câu hỏi về cái gì, tại sao và bằng cách nào. Nghịch lý thay, những câu hỏi này đòi hỏi một trong những cách nhấn mạnh yêu thích của Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là sự phân định. Mỗi giám mục (và hiển nhiên không chỉ các giám mục) phải tự hỏi mình ba câu hỏi:

1. Có thể áp dụng điều gì cho giáo dân mà tôi chăm sóc? Bởi vì Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh tính toàn thể của Giáo hội không có nghĩa là sự nhấn mạnh này có thể đáp ứng tốt nhu cầu riêng của một giáo phận. Giám mục địa phương không chỉ được đặt ở vị trí tốt nhất mà còn bị đòi hỏi, do chức vụ của ngài, phải phân định nhu cầu của những người dưới sự chăm sóc của ngài.

2. Tại sao tôi quan tâm đến việc thực hiện các khái niệm chủ chốt đã được Đức Giáo hoàng nêu rõ? Trong hàng ngũ giám mục, cũng như ở khắp mọi nơi, có những người luôn ngả theo chiều gió, họ hăng hái chỉ ra những ý tưởng của Giáo hoàng. Rốt cuộc, họ cho rằng Giáo hoàng là chìa khóa cho sự phát triển của Giáo Hội. Mỗi giám mục địa phương phải trưởng thành về mặt thiêng liêng và nhận thức cách thích đáng để phân định lý do khiến mình hăng hái (hoặc thiếu điều đó) để tiếp thu các chủ đề mới nhất của Giáo hoàng.

3. Một điểm nhấn mới nên được thực hiện như thế nào? Một giám mục phải (một lần nữa) phân định làm thế nào để tận dụng sự hiểu biết sâu sắc của Giáo hoàng sao cho nó mang lại kết quả phong phú nhất có thể. “Văn hóa của sự chết”, “sự độc tài của chủ thuyết tương đối”, “phân định và đồng hành” đều là những chủ đề rất rộng cần được sử dụng cẩn thận để học hỏi, giảng dạy và thúc đẩy sự phát triển tinh thần cần thiết.

Khó nắm bắt

Nhiều thí dụ về những hiểu biết sâu sắc của Đức Giáo hoàng có thể được cân nhắc, nhưng không phải tất cả chúng đều có nội dung chi tiết. Chúng ta có thể thấy rằng “văn hóa sự sống” và “sự độc tài của chủ thuyết tương đối” là những mô tả về tình trạng các vấn đề, và do đó, phụ thuộc vào sự nhìn nhận về đặc tính khách quan của các tình trạng này. Điều này phải được nghiên cứu, nhưng các diễn tả đó đáng lưu ý là chúng có hiệu quả hợp lý trong việc nắm bắt bản chất cho những gì chúng đại diện. Một cái nhìn sâu sắc trước đó đã được Giáo hoàng Piô XII đề xuất bằng cụm từ tiếng Latinh “desiderio ac voto”, mà ngài đã dùng để mô tả cách những người không được rửa tội có thể gia nhập Giáo hội bằng một khao khát nội tâm và bền bỉ. Đây là một bước đột phá thần học quan trọng, nhưng nó đòi hỏi việc suy tư và nghiên cứu cẩn thận. Hiểu sai một ý tưởng sẽ làm giảm giá trị hoặc lạm dụng nó.

Chúng ta phải đối mặt thêm với một thách thức khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh vào sự phân định và đồng hành, bởi vì không giống như nhiều chủ đề khác và thậm chí cả khẩu hiệu của Giáo hoàng,  “sự phân định” và “đồng hành” không phải là những trạng thái cần để hiểu mà là những tiến trình phải được sử dụng. Vì thế câu hỏi đầu tiên liên quan đến các cùng đích mà chúng được sử dụng. Thật không may, nhược điểm đáng lưu ý của triều đại Giáo hoàng này là người ta không có khả năng hay miễn cưỡng giải thích rõ những cùng đích này.

Điều này không có nghĩa là các khái niệm thiếu giá trị. Thật vậy, một số người cho rằng việc không xác định được cùng đích thích hợp cho các quá trình này tự nó là một thế mạnh, trong đó “cùng đích” dễ bị nhầm lẫn với “kết luận”. Ít nhất một trong những lý do khiến việc nhấn mạnh sự phân định và đồng hành được hoan nghênh có thể là giá trị của việc làm quen với những người có nhu cầu thiêng liêng, lắng nghe họ một cách cẩn thận để hiểu rõ hơn nhu cầu, và thể hiện tình yêu thương họ bằng cách gợi lên sự cởi mở với Chúa Kitô trong họ hơn là vội vàng “kết luận” hay “phán xét” làm cản trở việc chăm sóc mục vụ có hiệu quả.

Theo nghĩa rất cơ bản này, thật là nguy hiểm và tai hại cho bất kỳ ai trong chúng ta nếu không quan tâm đến sự phân định và đồng hành, cũng như việc Thiên Chúa lên án con người, mà không hiểu họ từ bên trong và tìm cách để được chào đón vào chính cuộc đời họ.

Mục đích của sự phân định và đồng hành

Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi tập trung vào một quá trình mà không tham chiếu đến các mục đích thích hợp của nó, vì chính những điều này mới quyết định hiệu quả của quá trình. Một điều nguy hiểm là quá trình này có thể nhầm lẫn với mục tiêu hoặc mục đích, có lẽ ngay cả khi chúng ta không nhận ra nó. Để làm ví dụ, chúng ta hãy lấy một câu hỏi thực tế mà thỉnh thoảng đã được bình luận rộng rãi, đó là liệu ai đó có thể rước lễ hay không? Để xem xét câu hỏi này, chúng ta phải: (a) Biết những điều kiện và việc chuẩn bị cần thiết để rước lễ; (b) Phân định liệu sự chuẩn bị này có tồn tại và các điều kiện này có được đáp ứng hay không; và, nếu không, (c) Đồng hành với người đó để họ sẵn sàng chấp nhận sự hướng dẫn của Giáo hội trong việc phát triển các định hướng này và đáp ứng các điều kiện này.

Bây giờ chúng ta hãy giả sử rằng những gì chúng ta phải phân định, và bản chất hay mục đích trong việc đồng hành của chúng ta là mơ hồ. Trong trường hợp đó, rất dễ cho rằng điều đòi hỏi cho việc rước lễ là tham gia vào một tiến trình phân định và đồng hành. Điều này giúp một người có cơ hội suy tư và trưởng thành, nhưng không có các mục đích cụ thể để hoàn thành hoặc các mục tiêu cần đạt được. Nếu đúng như vậy, tự thân quá trình đã là mục tiêu: đi vào quá trình là để đạt được thành công.

Một quá trình, đặc biệt là một quá trình của con người, phụ thuộc vào sự trưởng thành và ý chí tự do, có thể thành công hoặc không thành công trong việc đạt được mục đích thích hợp. Trải qua quá trình đào tạo lái xe không giống với việc trở thành một người lái xe giỏi. Thay vào đó, có một bài kiểm tra để xác định liệu mục tiêu của quá trình đã đạt được hay chưa, và chỉ khi đó mới được cấp giấy phép. Tương tự, trải qua quá trình tĩnh tâm không giống như trải nghiệm sự trưởng thành về thiêng liêng. Trong khi tôi lấy việc rước lễ như một ví dụ thực tế về những gì xảy ra khi tiến trình trở thành mục tiêu, rõ ràng là điều này áp dụng cả về mặt thực tế và siêu hình. Do đó, quá trình lấy được bằng thần học không có gì bảo đảm cho đức tin tìm kiếm sự hiểu biết thành công.

Chúng ta hãy nói đôi chút về thần học. Rõ ràng những giáo sư được thuê để giảng dạy thần học trong các trường đại học Công giáo không phải là những người đã hoàn thành quá trình trải qua chương trình thần học, mà là những người đã đạt được mục đích cuối cùng hoặc mục tiêu của quá trình này, đó là đức tin có thể tìm kiếm sự hiểu biết với mức độ kiến thức và hiệu quả cao mà họ có thể truyền đạt cho người khác. Cũng giống như vậy, những người rước lễ trong Giáo Hội Công Giáo không phải là những người đã trải qua một quá trình chuẩn bị và tự kiểm tra, mà là những người đã kết thúc hay đạt được mục tiêu của tiến trình này, đó là sự hiểu biết và đức tin cam kết dấn thân một cách hiệu quả vào đời sống bí tích của Giáo hội.

Nếu chúng ta tin rằng cuộc sống có mục đích, thì chúng ta phải phân định và đồng hành. Khi chúng ta phân định, chúng ta phải biết chúng ta đang tìm kiếm điều gì. Khi đồng hành, chúng ta phải biết mục tiêu của hành trình để có thể xác định, chấp thuận và ủng hộ chỉ những gì dẫn đến mục tiêu. Sự phân định luôn dẫn đến phước lành là một sự thất bại trong việc phân định. Và việc đồng hành vì lợi ích thì không phải là một phước lành. Nó chỉ đơn giản là một sự phản bội nhân danh Chúa.

(Trích Mệnh lệnh canh tân, các bài viết về việc canh tân Giáo hội

Nhóm dịch thuật Durando chuyển ngữ)