Bước Vào Mùa Chay Cùng Với Thánh Vinh Sơn Và Thánh  Louise De Marillac

0
538

       Vào ngày 17 tháng 2 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi Thông điệp Mùa Chay đến toàn thể Giáo hội với chủ đề: Khổ chế Mùa Chay và Lộ trình Hiệp Hành, trong đó Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến việc lắng nghe tiếng Chúa. Ngài đã lấy cảm hứng chủ đề này từ câu chuyện Chúa Biến Hình, để dẫn Giáo hội bước vào Mùa Chay và cuộc hành trình Thượng Hội Đồng Giám mục đang diễn ra, về một Hội Thánh Hiệp Hành.

       Đức Giáo Hoàng đã khích lệ toàn thể Kitô hữu hãy cố gắng chăm chú lắng nghe tiếng Chúa, vì Ngài luôn muốn nói với chúng ta qua lời Chúa và qua người khác. Mùa Chay là một thời gian của ân sủng, để người Kitô hữu mở rộng tâm hồn của mình lắng nghe tiếng Chúa, khi Ngài đang nói với chúng ta qua cuộc sống hằng ngày.

        Đối với Gia đình Vinh Sơn, Mùa Chay cũng luôn là một thời điểm quan trọng trong đời sống thiêng liêng của các Đấng sáng lập, là Thánh Vinh Sơn và Thánh Louise de Marillac. Hãy cùng suy tư về những tâm tình cần thiết, để sống Mùa Chay thánh năm nay, qua gương sáng của các Đấng sáng lập của chúng ta:

Mùa Chay là thời gian để hoán cải, từ bỏ bản thân và các đam mê

      Khởi đầu sứ điệp Mùa Chay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi mỗi người “Thật vậy, trong mùa Phụng vụ này, Chúa đem chúng ta đi với Người và dẫn đến một nơi riêng biệt. Trong khi những bổn phận thường ngày đòi buộc chúng ta phải ở lại những nơi quen thuộc và những thói quen lặp đi lặp lại đến độ nhàm chán, thì trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đi lên “một ngọn núi cao” cùng với Chúa Giêsu và sống một kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt – sự khổ chế – như dân thánh của Thiên Chúa.”[1]

       Thánh Vinh Sơn trong một lá thư gởi cho thánh nữ Jane de Chantal, cũng đã nói rõ về nhu cầu thiêng liêng của Tu hội mà ngài mới thành lập là những ngày tĩnh tâm và việc thực hành thống hối công khai trong cộng đoàn. Để rồi qua việc sám hối này, mỗi người sẽ có thể sống sâu sắc hơn trong tương tương quan với Chúa và với nhau:

        Chúng tôi có những ngày cô tịch mỗi năm. Chúng tôi tổ chức buổi gặp chung vào mỗi sáng thứ Sáu, trong đó mỗi người tự cáo buộc mình về những sai sót của mình, nhận một sự đền tội từ Bề trên và có nghĩa vụ phải thực hiện. Có hai linh mục và hai tu huynh đã cầu xin Tu hội cho lòng bác ái, khi được cảnh báo về những sai sót của họ và sau đó, những người khác lần lượt làm như vậy. Vào buổi tối cùng ngày, chúng tôi có một buổi huấn đức về các quy luật của chúng tôi và việc thực hành các nhân đức. Mọi người ở đó chia sẻ những suy nghĩ mà Chúa của chúng ta đã ban cho người ấy, trong lời cầu nguyện về chủ đề đang được thảo luận.[2]

        Với các chị Nữ Tử Bác Ái, thánh Vinh Sơn cũng nhắc nhở họ về sự cần thiết phải hồi tâm và hoán cải liên tục về đời sống của mình, quay trở lại với Chúa và để có thể sống sâu sắc hơn đời sống thiêng liêng của mình:

       Bây giờ, thưa các chị em, xin Chúa cấm hành động vì một động cơ như vậy! [sự phù phiếm] Tôi hy vọng rằng Thiên Chúa, với lòng nhân từ của Ngài, sẽ bảo vệ các chị em khỏi điều đó. Tôi hết lòng cầu xin Ngài làm như vậy, và cũng xin Ngài rủ lòng thương ban cho cho chúng ta những khuynh hướng cần thiết để hoàn thành Thánh Ý của Ngài trong suốt cuộc đời của chúng ta, ở mọi nơi và với bất cứ ai. Tôi cầu xin điều này, trong lòng thương xót vô bờ bến của Chúa, xin Ngài hãy tha thứ cho tất cả chúng ta về những lầm lỡ, mà chúng ta đã từng phạm chống lại sự vâng phục thánh thiện và chấp nhận quyết tâm mà chúng ta đang thực hiện, để sống và chết dưới sự vâng lời, vì tình yêu dành cho Ngài. Tôi cũng xin điều này cho chính bản thân tôi và với ân sủng của Chúa, tôi hy vọng sẽ trung thành với điều này.[3]

      Thời gian Mùa Chay dành cho chúng ta để ăn năn sám hối và quay trở lại cùng Chúa.

       Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi mợi người lắng nghe lời của Con Thiên Chúa, khi trong cảnh biến hình, một tiếng nói từ trời cao đã vọng xuống: “này là Con ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17,5). Thánh Vinh Sơn cũng khuyên con cái của mình hãy lắng nghe và nhìn vào Đức Giêsu như một gương mẫu trong đời sống thiêng liêng để hoán cải bản thân: “Một trong những phương tiện mà tôi nghĩ có thể giúp tôi có được đức tính vâng lời này, như Chúa đòi hỏi ở tôi, là đánh giá cao nó; thường xuyên nhớ đến sự vâng lời của người Con yêu dấu của Thiên Chúa trong những vấn đề gây đau đớn và khó khăn cho chúng ta; để suy nghĩ rằng, ý muốn của Ngài là chúng ta phải tuân theo sự vâng lời cho đến chết và rằng điều này là để giúp chúng ta như một tấm gương và một sự khích lệ.” [4]

       Đồng thời, thánh Vinh Sơn, trong dịp khác cũng đã có những lời khuyên chân thành cho những chị Nữ Tử Bác Ái, người chỉ biết theo đuổi ý riêng của mình và tự tạo lập cho mình những thần tượng này nọ trong đời sống. Thì qua Thánh Louise de Marillac, thánh Vinh Sơn đã khuyên họ hãy biết từ bỏ bản thân, để sống cho những điều đạo đức, tốt lành và nhất là biết làm đẹp lòng Chúa:

        Tôi đã nhận được lá thư của cô ngày hôm qua và bản phác thảo các quy luật dành cho các nữ tử của cô, mà tôi chưa có cơ hội đọc. Tôi sẽ đọc chúng ngay khi tôi có thể. Đối với những gì cô nói với tôi về họ, tôi không nghi ngờ gì về những gì cô mô tả với tôi, nhưng chúng ta phải hy vọng rằng, họ sẽ trưởng thành và lời cầu nguyện đó sẽ cho phép họ nhìn ra lỗi lầm của mình và khuyến khích họ sửa chữa. Sẽ rất tốt, nếu cô nói cho họ biết điều gì tạo nên đức hạnh vững chắc, đặc biệt là đức tính hãm mình bên trong và bên ngoài đối với phán đoán, ý chí, ký ức, thị giác, cử chỉ, lời nói và các giác quan khác của chúng ta, về những dính líu mà chúng ta có đối với những thứ tồi tệ, vô dụng….và cả những điều tốt đẹp; tất cả những điều này vì tình yêu của Chúa chúng ta, Đấng đã hành động theo cách này. Cô sẽ phải củng cố họ rất nhiều trong tất cả những vấn đề này, đặc biệt là đức tính vâng lời và đức tính dửng dưng.[5]

      Vì thế, thời gian là Mùa Chay là để xét mình xem, chúng ta đang phụ thuộc vào điều gì, vào Thiên Chúa hay điều gì đó khác ngoài Ngài. Từ đó để luôn ý thức rằng, đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu là để phụ thuộc vào Chúa nhiều hơn, hơn bất cứ điều gì khác. Đó là một tâm tình hoán cải cần thiết trong đời sống mỗi ngày.

Mùa Chay là để hiểu rõ hơn ý nghĩa của Thánh Giá và sự Phục Sinh của Chúa trong đời sống

      Có lẽ hình ảnh này nổi bật nơi cuộc đời của Thánh nữ Louise de Marillac, bà đã cảm nghiệm và đã sống trọn tâm tình của lòng yêu mến và kết hợp đời sống trọn vẹn với cuộc khổ nạn của Chúa. Một cuộc đời với biết bao nhiêu biến cố thăng trầm, nhưng bà luôn đón nhận chúng với lòng tin thác, nơi lòng thương xót của Chúa:

        Bệnh tật của bà không thể làm gián đoạn các công việc bác ái của bà. Bà luôn hỏi xem rất nhiều người nghèo trong giáo xứ có được chăm sóc tốt không. […] Bà đã đưa ra những dấu hiệu của sự dốc lòng ăn năn cách trọn, chấp nhận căn bệnh của mình như một hình phạt chính đáng, mà bà nói rằng, bà đáng phải chịu, và tuyên bố công khai rằng ‘điều hoàn toàn hợp lý là nơi nào có nhiều tội lỗi thì bệnh tật sẽ ngự trị; rằng Chúa đang hành động công bằng trong con người bà, và rằng khi hành động với công lý, ngài  cũng đang thể hiện lòng thương xót’ […] Cuối cùng, bà đã duy trì tính cách quân bình, dịu dàng, kiên nhẫn, phục tùng Thiên Chúa và các đức tính khác, mà bà đã thực hành trong những thử thách khác nhau của cuộc đời mình.[6]

      Mùa Chay là thời gian để cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của thập giá và chiến thắng phục sinh trong đời sống mỗi người. Nếu ai đó có những cay đắng buồn phiền trong cuộc sống và thậm chí, đôi khi đánh mất niềm hy vọng, thì hãy dùng thời gian của Mùa Chay để suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa và gắn bó đời mình với điều ấy trong niềm tin của sự phục sinh. Như trong lần kia, chính Thánh nữ Louise de Marillac đã chia sẻ “Tôi đã dâng mình cho Chúa để chấp nhận những dự liệu của Đấng Quan Phòng, nếu Ngài muốn tôi tiếp tục trong phần còn lại của Mùa Chay, trong tình trạng nội tâm bị bỏ rơi và thậm chí là đau khổ, để tôn vinh những đau khổ của Chúa Giêsu Kitô mà Giáo hội đặt trước mắt chúng ta.[7]

        Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã khẳng định chiều kích này, trong lá thư Mùa Chay năm nay “Mùa Chay hướng về Lễ Phục Sinh: “tĩnh tâm” tự nó không phải là mục đích, nhưng là phương thế chuẩn bị cho chúng ta trải nghiệm cuộc khổ nạn và thập giá của Chúa Giêsu với đức tin, đức cậy và đức mến, hầu đạt tới sự phục sinh.”[8]

Mùa Chay thời gian của cầu nguyện, chay tịnh, hy sinh, làm việc bác ái và tập luyện nhân đức

       Cầu nguyện không chỉ có vai trò quan trọng nơi những nhà truyền giáo, như thánh Vinh Sơn đòi hỏi, nhưng với Thánh Louise de Marillac, cầu nguyện là một phần quan trọng trong đời sống của bà. Có thể nói, bà một một con người của cầu nguyện và chiêm niệm sâu sắc:

        Một số phụ nữ, bao gồm cả một số người thuộc tầng lớp thượng lưu, đã bị thu hút bởi lòng nhiệt thành của bà Le Gras, và họ đã rời Paris, rút lui khỏi cuộc sống xô bồ huyên náo, để dành vài ngày trong một ngôi làng, và trò chuyện với Chúa ở đó. Họ bỏ lại những tiện nghi và cao lương mỹ vị của cuộc sống, để nghĩ đến sự cứu rỗi của họ ở một nơi hãm mình và đền tội. Không quan tâm đến cấp bậc và địa vị đã nâng họ lên trên những người khác, họ bước vào một ngôi nhà của những người hầu của người nghèo và tự phục tùng cùng một kỷ luật của bề trên, để học cách coi thường sự giàu có và sang trọng, bằng sự chỉ dẫn và gương mẫu của bà Le Gras. Để hướng dẫn những người phụ nữ trong những cuộc tĩnh tâm này, và để huấn luyện họ thực hành những việc đạo đức này, thánh nữ đã sử dụng những ánh sáng và quy tắc mà bà đã nhận được từ cha Vinh Sơn. Bà đồng hành cùng họ với sự hiểu biết sâu sắc mà bà có được về đời sống thiêng liêng, trong đó, bà đã tự hoàn thiện chính bản thân mình nhờ kinh nghiệm lâu năm. Bà luôn có một tình yêu và sự háo hức cầu nguyện phi thường, […] một tâm hồn cao thượng và óc phán đoán sáng suốt, được đào tạo nhờ nghiên cứu triết học và đọc sách nghiêm túc. Bà cũng có một trái tim dịu dàng, chìm đắm trong Chúa và cầu nguyện một cách mạnh mẽ, cao cả và hiệu quả.”[9]  

       Vì thế, Mùa Chay là cũng là thời gian quan trọng để khiêm nhường, cầu nguyện và cố ý tận hiến cho Chúa.

      Đồng thời, mùa hồng phúc này cũng là thời điểm để tập sống hy sinh và tập luyện các nhân đức, nếu không, thì có thể Mùa Chay sẽ mang lại ơn ích gì, mà đôi khi, nó còn làm cho một tâm hồn trở nên tệ hại hơn, như thánh Vinh Sơn đã nhắc nhở:

       Một lý do khác là, nếu chị em làm mọi thứ thông qua sự vâng lời, chị em chắc chắn sẽ hoàn thành Ý muốn của Chúa. Không thể nghi ngờ gì về điều này, vì chính Ngài đã phán: ‘Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.’(Lc 10,16) Thật là niềm an ủi cho những tâm hồn trung thành với nhân đức thánh thiện này, để yên tâm thi hành Thánh Ý Chúa! Hỡi những người trung thành vâng phục, đó là niềm an ủi. Nhưng đối với những chị em, người có suy nghĩ khác, có xu hướng chỉ tuân theo khi những gì chị em được bảo phải làm phù hợp với tâm trạng của chị em – điều được thấy khi mọi người chỉ tuân theo một số điều, chứ không phải trong những điều khác – e sợ rằng, thay vì có thực hiện Ý muốn của Chúa, chị em chỉ đang làm theo ý riêng của mình, hay nói đúng hơn, là do ma quỷ bày đặt ra![10]

       Việc cầu nguyện và ăn chay giúp một tâm hồn biết từ bỏ các thần tượng của mình để sống cho Thiên Chúa và chuẩn bị tinh thần cho việc cử hành Lễ Phục Sinh. Mùa Chay là thời gian để đến gần Thiên Chúa hơn trong lời cầu nguyện.

Khi chị em đi cầu nguyện, hãy đi cách đơn sơ để làm hài lòng Chúa, nói rằng: ‘con không xứng đáng để nói chuyện với Chúa, nhưng vì sự vâng lời muốn điều đó và đó là Ý muốn của Ngài, con sẽ đến đó để tôn vinh Chúa của chúng ta.’ Đối với, chị em, chị em  nghĩ gì? Nếu lời cầu nguyện của chị em chỉ theo ý thích của chị em, không có chú ý và chỉ xin những điều chị em muốn; không, như thế là chưa đủ; chị em phải thực hiện nó, như Chúa chúng ta đã cầu nguyện khi Ngài còn ở thế gian. Ngài đã cầu nguyện với sự tôn kính lớn lao, trước sự hiện diện của Chúa, với sự tự tin và khiêm nhường.[11]

       Về việc ăn chay, trong lá thư gởi cho thánh Vinh Sơn 1640, Thánh Louise đã nói về một chị Nữ Tử Bác Ái đã làm việc cho trẻ mồ côi trong mùa chay đến nỗi kiệt sức “chị ấy đã kiệt sức, vì làm việc cho những trẻ mồ côi trong phần cuối của Mùa Chay.”[12] Ngược lại, thánh nữ cũng nói rằng, trong những ngày mùa chay, đặc biệt những ngày ăn chay bắt buộc, thì việc chăm sóc người bệnh sẽ không nên được thực hiện bởi những nữ tử không đủ sức khỏe, nhưng có thể đảm trách bởi những chị khỏe mạnh hơn, vì các chị ốm yếu và không ăn gì, mà đi chăm sóc người bệnh là điều không thích hợp. Trong lá thư viết cho cha  L’Abbe de Vaux ở Angers, năm 1642, thánh nữ cũng nói rằng, các chị sẽ giữ chay các ngày Hội thánh quy định và hãm mình vào mỗi thứ 6.

        Trong một Mùa Chay nọ, Thánh Louise đã viết thư xin phép Thánh Vinh Sơn cho bà được tiếp tục việc giữ chay: “Con xin Cha, vì tình yêu của Chúa, cho phép con được nhịn món canh trứng và lúa mạch mà con đã bắt đầu trong Mùa Chay này. Con có lý do để tin rằng, nó làm dịu đi sức nóng trong máu của con, bằng cách làm giảm bớt cảm giác mà con cảm thấy luôn chuyển ở trong huyết quản.”[13]

Mùa Chay 1657, Thánh Louise cũng đã viết thư cho cha Vinh Sơn và xin phép Ngài cho được ăn chay hai ngày cuối cùng của Mùa Chay: “Vì tình yêu của Thiên Chúa chí ái của con, con xin phép Cha được ăn chay hai ngày cuối cùng này những ngày Mùa Chay. Con đã sống Mùa Chay thật tồi tệ.”[14]

        Đối với các chị Nữ Tử đang phụ trách trường học, thánh nữ đã nhắn nhủ các chị hãy có một sự chuẩn bị tốt cho các bé gái được tâm tình tốt trong Mùa Chay, như bà đã từng nói với chị Claire “Đầu tiên là, đây là mùa “thu hoạch” thực sự đối với các nữ sinh nhỏ, trong thời gian đó các em có thể được hướng dẫn và chuẩn bị kỹ lưỡng để sống sốt sắng trong Mùa Chay thánh này. Điều này sẽ cho phép chúng tham dự Lễ Phục Sinh một cách thích hợp, đặc biệt là những bé gái sắp Rước Lễ lần đầu.”[15]

         Trong tập quy luật cuộc đời sống trên trần thế do thánh nữ sáng tác cho các chị em mình, cũng nói rõ về việc ăn chay: “Tôi sẽ nhịn ăn vào tất cả các ngày thứ Sáu trong năm; trong Mùa Vọng và Mùa Chay; vào các buổi canh thức các ngày lễ của Chúa chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria và các Tông đồ, và vào tất cả các ngày ăn chay do Giáo hội quy định. Vào những ngày không ăn chay, tôi sẽ chỉ ăn hai bữa trừ khi cần thiết hoặc sự hạ mình buộc tôi phải làm khác đi.” [16]

Kết luận

      Cuối cùng, một trong những tâm tình mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi “Hành trình khổ chế Mùa Chay cũng như tiến trình Thượng Hội đồng đều có mục tiêu là một cuộc biến hình, cả về phương diện cá nhân lẫn Giáo Hội. Một sự biến đổi, mà trong cả hai trường hợp, đều có khuôn mẫu nơi Chúa Giêsu Hiển Dung và được thực hiện nhờ ân sủng của mầu nhiệm Vượt qua của Người. Để cuộc biến hình này có thể trở thành hiện thực nơi chúng ta trong năm nay, tôi muốn đề nghị hai “Lộ trình” cần đi theo để cùng lên núi với Chúa Giêsu, và cùng với Người đạt tới mục tiêu.”[17]

        Như thánh Vinh Sơn cũng đã luôn nhắn nhủ các con cái của ngài, cần phải làm gì để thăng tiến trong đời sống thiêng liêng:

        Một Nữ Tử chỉ làm những gì mình muốn và thích, nói rằng: ‘Tôi không muốn làm điều đó, vì tôi không cảm thấy thích’, hoặc là vâng phục, nhưng làm theo cách riêng của mình, nói rằng, ‘Tôi sẽ làm điều này điều kia, mặc dù tôi thấy rõ ràng là vô ích’, chị đó có tinh thần bất tuân. Khi Thiên Chúa Cha Hằng Hữu muốn gửi Con của Ngài xuống thế gian, Ngài đặt trước Con Ngài tất cả những điều Ngài phải làm và chịu đau khổ. Các chị em có biết cuộc đời của Chúa chúng ta đầy dẫy sự đau khổ như thế nào không? Cha của Ngài đã phán với Ngài, ‘Ta sẽ để ngươi bị mọi người khinh thường và chối bỏ; ta sẽ để Hê-rô-đê bắt ngươi trốn chạy từ khi còn là một đứa trẻ; để ngươi bị coi là một kẻ điên và nhận những lời nguyền rủa vì phép lạ của ngươi; tóm lại, ta sẽ cho phép tất cả các tạo vật nổi dậy chống lại ngươi.’ Đó là điều mà Thiên Chúa hằng sống đặt trước người Con dấu ái của Ngài, là Đấng đã trả lời: ‘Thưa Cha, con sẽ làm bất cứ điều gì Cha truyền cho con.’ Điều này cho chúng ta thấy rằng, chúng ta phải vâng lời trong mọi sự mà không cần dè dặt. Một số người sẵn sàng vâng lời trong một điều gì đó dễ dàng phù hợp với ý thích của họ. Như thế vẫn chưa đủ. Chúng ta phải vâng lời trong mọi sự…với tất cả điều ấy.[18]

Như thế, Mùa Chay là thời gian để mời gọi mọi người cần làm điều gì đó cho Chúa nhiều hơn!

Mùa Chay 2023

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM

[1] ĐGH Phanxicô, “Sứ Điệp Mùa Chay Chay 2023: Khổ Chế Mùa Chay Và Lộ Trình Hiệp Hành”, tại https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-02/su-diep-mua-chay-nam-2023.html.

[2] CCD I:555.

[3] CCD IX:415.

[4] Thánh Louise de Marillac, Bút Tích Thiêng Liêng, (A 68), 782.

[5] CCD  I: 223.

[6] Gobillon, Nicolas and Sisters of Charity, “The Life of Mademoiselle Le Gras: Foundress and First Superior of the Sisters of Charity, Servants of the Sick Poor” (1984), 62.

[7] Thánh Louise de Marillac, Bút Tích Thiêng Liêng, (A 21), 701.

[8] ĐGH Phanxicô, “Sứ Điệp Mùa Chay Chay 2023: Khổ Chế Mùa Chay Và Lộ Trình Hiệp Hành”, tại https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-02/su-diep-mua-chay-nam-2023.html.

[9] Gobillon, Nicolas and Sisters of Charity, “The Life of Mademoiselle Le Gras: Foundress and First Superior of the Sisters of Charity, Servants of the Sick Poor” (1984), 28.

[10] CCD X, 68.

[11] CCD X, 106.

[12] Thánh Louise de Marillac, Bút Tích Thiêng Liêng, (L28), 31.

[13] Ibid (L514), 542.

[14] Ibid (L403), 545.

[15] Ibid (L611), 632.

[16] Ibid (A1), 689.

[17] ĐGH Phanxicô, “Sứ Điệp Mùa Chay Chay 2023: Khổ Chế Mùa Chay Và Lộ Trình Hiệp Hành”, tại https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-02/su-diep-mua-chay-nam-2023.html.

[18] CCD X, 69.