Cái chết của Thánh Jean Gabriel Perboyre (11/09)

Đăng ngày: 10/09/2019
Những năm đào luyện
Jean Gabriel Perboyre sinh ngày 5 tháng 1 năm 1802 tại Montgesty, khu vực sông Lot, gần Cahors, miền Nam nước Pháp. Cha mẹ ngài là ông Pierre Perboyre và bà Marie Rigal, sinh được 8 người con, trong số đó, 3 người sẽ trở thành linh mục truyền giáo Vinh Sơn và 2 người sẽ là Nữ Tử Bác Ái. Vào những năm 1800, nước Pháp vừa trải qua cuộc Cách Mạng. Nhiều người đã bỏ đạo, các tòa nhà bị phá hủy, các tu viện bị cướp phá, giáo dân không có mục tử. Hoàn cảnh đó đã thúc đẩy nhiều thanh thiếu niên ôm ấp lý tưởng truyền giáo. Dù là anh cả nhưng người em của ngài, Louis Perboyre, lại vào Tu Hội Truyền Giáo trước ngài. Khi đó, ngài được yêu cầu đồng hành với Louis một thời gian cho đến khi cậu thích nghi với môi trường chủng viện. Chính thời gian này đã gieo mầm ơn gọi cho ngài. Mặt khác, ngài cũng chịu ảnh hưởng nhiều bởi người bác là cha Jacques Perboyre, một linh mục truyền giáo Vinh Sơn và là giáo sư chủng viện ở Cahors, bị buộc phải ẩn nấp dưới các hang động trong vùng suốt nhiều năm trong thời kì cách mạng. Năm 1816, ngài vào Tiểu Chủng Viện Montauban do bác của ngài làm Giám đốc. Ngày 15 tháng 09 năm 1818, ngài được nhận vào Nội chủng viện của Tu Hội Truyền giáo tại Paris. Jean Gabriel là tập sinh đầu tiên ở Pháp sau cách mạng, bởi vì không có tập viện nào tồn tại ở Pháp cho đến năm 1818. Sau khoảng thời gian đó, Jean Gabriel được gởi đi học thêm với bác của ngài, đang còn ở Cahors. Vào cuối thời kì học tập, ngài dạy học tại Montdidier (1823-1826) trong một trường nhỏ.
Jean Gabriel thụ phong linh mục ngày 23 tháng 09 năm 1826 trong Nhà nguyện của Nữ Tử Bác Ái tại Paris bởi Đức Cha Louis William Dubourg, cựu Giám mục Louisiana. Sau đó, ngài dạy tại chủng viện ở Saint Flour. Có thể trong khoảng thời gian này, lời cầu nguyện nổi tiếng của cha Perboyre: “Lạy Chúa cứu thế của con, xin biến đổi con nên giống Chúa” được viết ra. Các nhà biên tập sau này đã trích những lời ấy từ một kinh nguyện dài hơn mà cha Perboyre sử dụng trước khi dâng lễ.
Sức hút của việc truyền giáo
Sau một thời gian ở Montdidier và Saint-Flour, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc Nội chủng viện của Tu Hội (1832) ở Nhà Mẹ tại Paris, lúc ấy ngài ba mươi tuổi. Dù vậy, ngài vẫn nuôi dưỡng ước muốn đi đến các miền truyền giáo nước ngoài. Hồi đó, người Châu Âu không biết gì về nền văn minh Trung Hoa ngoài những nghi thức và phong tục “lố lăng” của họ.
Trước đó, cha Louis Perboyre đã được sai đi truyền giáo tại Trung Hoa nhưng trong cuộc hành trình, cha đã ngã bệnh và chết trên biển ngày 2 tháng 5 năm 1831. Cha di chúc lại cho người anh tiếp tục sứ mạng của mình. Thế là sau cái chết bi thảm của người em, cha Jean Gabriel xuống tàu tại cảng Havre ngày 21 tháng 03 năm 1835 và ngày 29 tháng 8 năm 1835, ngài đặt chân đến Trung Hoa, gần Macao, cùng với hai người khác là cha Joseph Gabet và cha Joseph Perry. Ngài đến Hán Khẩu ngày 21 tháng 12. Ngài lo việc truyền giáo trong vùng Hồ Nam (1836). Sau khi học ngôn ngữ, ngài thi hành thừa tác vụ của mình hơn ba năm giữa người Công giáo Trung Hoa trong chính lãnh địa của cha François Régis Clet – một vị tử đạo mới của Tu Hội (1820).
Xiềng xích vì Đức Kitô
Vào ngày 15 tháng 9 năm 1839, Lễ Sinh nhật Đức Maria, sau khi dâng thánh lễ, tất cả các giáo sĩ quy tụ lại quanh một bữa tiệc thân tình. Cha Jean Gabriel đã ở đó cùng với cha Jean-Henri Baldus, cha Rizzolati và một cha dòng Phanxicô đang làm Đại diện Tông toà đi kinh lý các cộng đoàn Kitô hữu ở Hồ Nam. Niềm vui của họ thật ngắn ngủi. Một toán lính nhanh chóng xuất hiện. Những người này được Phó vương và các quan phủ phái đến để bắt giữ các nhà truyền giáo. Cha Rizzolati và cha Baldus chạy trốn trong khi cha Jean Gabriel vội vàng đóng cửa nhà thờ. Sau đó, ngài cũng trốn vào một khu rừng gần đó. Những người Công giáo khác cũng hoảng loạn bỏ chạy. Một sự yên lặng bao trùm giáo điểm. Khi những người lính xuất hiện, họ sục sạo và cướp bóc bất cứ thứ gì họ tìm thấy. Một số giáo dân bị bắt bớ và hành hành hạ. Một số bị giết. Những người khác bị tống ngục ngay sau khi giáo điểm bị đốt cháy.
Cha Jean Gabriel được giữ an toàn trong nhà một giáo lý viên nhưng ngài nghĩ điều này thật quá liều lĩnh. Sau đó, hai người đã trốn đến nhà một người bà con. Cha Jean Gabriel cạo bỏ bộ râu để cho bớt giống người Châu Âu. Ngày hôm sau, một giáo lý viên tên là Kouan-Lao-San bị bắt. Bị đe doạ và đánh đập, anh ta buộc phải dẫn bọn lính tới nơi ẩn núp của những kẻ chạy trốn. Cha Jean Gabriel hoảng sợ chạy khỏi ngôi nhà và bị bắt tại chân một bức tường đá. Người đã cố gắng giúp ngài trốn cũng bị bắt. Khu rừng vang dội tiếng la hét vui mừng nhưng đầy man rợ và tàn bạo của đám lính. Những tiếng ấy cũng làm cho các tín hữu gần đó khiếp đảm.
Cha Jean Gabriel phải mang xiềng và bị ép phải chạy mặc dầu ngài đã kiệt sức.
Ngày hôm sau, một số tín hữu tìm cách trốn thoát và báo cho cha Baldus lúc này vẫn chưa bị bắt. Viên quan đầu tiên mà cha Jean Gabriel phải trình diện đến từ Cốc Thành. Ông ta sống trong ngôi làng Kouanintang. Chính tại ngôi làng này mà nhà truyền giáo đã phải ngủ đêm đầu tiên trong thân phận một tù nhân. Khi được dẫn đến trước viên quan, vị linh mục đã thừa nhận tên Trung Hoa của mình là Đông Văn Học (Toung-Wen-Siao), và tính chất công việc truyền giáo của ngài. Sau đó, viên quan cho ngài biết điều chính yếu trong bản cáo trạng của ngài: người Châu Âu bị cấm vào Trung Hoa để truyền bá tôn giáo.
Ngày tiếp theo, các tù nhân được mang tới Tỉnh trưởng Cốc Thành, một cuộc hành trình dài hơn 12 giờ.
Vào ngày 19 tháng 9, cha Jean Gabriel phải trình diện trước 2 toà án, quân sự và dân sự, bởi lẽ ngài là tù binh của cả đám quân sĩ lẫn bọn quan lại. Họ ra lệnh cho ngài chối bỏ đức tin nhưng không thành. Sau đó, họ kết tội và cột ngài bằng một sợi dây thừng đỏ dài – màu đỏ là màu của tội phạm. Ngài bị xiềng tay chân và một sợi xích dài quấn quanh cổ, ngoài ra, ngài còn bị cấm cắt tóc và cạo râu.
Quan tổng trấn đã được báo cáo về phạm nhân của mình. Ông đã công bố khung hình phạt như sau: tử hình đối với bất cứ người Châu Âu nào bị bắt giữ trong đất nước; tử hình đối với bất cứ người Trung Hoa hay người Châu Âu nào giảng về “tôn giáo bất hiếu” này (đây là cách người ta gọi Kitô giáo); và lưu đày đối với bất cứ người nào theo Kitô giáo. Vì thế, ông chuyển cha Jean Gabriel sang toà án của quận trưởng Tương Dương cách đó 2 ngày đường, bởi lẽ đây là một trọng tội.
Khi tới nơi, các tù nhân bị ném vào một nhà ngục khét tiếng và bị khoá chân vào một chiếc cùm gỗ. Cha Jean Gabriel bị giam ở đó khoảng một tháng và phải hầu toà 4 lần tại các phiên toà khác nhau.
Lần hầu toà đầu tiên diễn ra tại Toà án thành phố. Cha Jean Gabriel đã tuyên bố ở đó: “Đạo của chúng tôi phải được truyền dạy cho tất cả các dân tộc và mở rộng tới cả Trung Hoa.” Sau đó ngài nói: “Mối bận tâm duy nhất của tôi là linh hồn tôi chứ không phải thân xác tôi. Tôi không sợ bất cứ hình phạt nào các ông dùng để đe doạ tôi.”
Ngày hôm sau, cha Jean Gabriel phải trình diện trước một toà án cấp cao hơn. Viên quan toà hùng hổ ra lệnh cho nhà truyền giáo phải giẫm lên cây thập giá. Tất nhiên ngài từ chối. Thế là hắn ra lệnh lột trần đôi chân của người tù đáng thương và bắt ngài phải quỳ trên những sợi xích trong suốt 4 tiếng.
Hai tuần sau, cha Jean Gabriel bị điệu ra trước Toà án tối cao. Viên quan toà hỏi ngài có biết các linh mục Châu Âu khác không, ngài trả lời: “Tôi chỉ đến đây một mình.” Viên quan toà đã được nghe phong phanh về sự có mặt của những người nước ngoài nên đã buộc tội cha Jean Gabriel nói dối. Ngài bị kéo tóc và bắt quỳ trên xích một lần nữa. Viên quan toà cáo buộc rằng những phụ nữ Kitô giáo và các linh mục gian dâm với nhau. Cha Jean Gabriel đã mạnh mẽ phản bác điều ấy. Sau đó, người ta chỉ cho ngài thấy những đồ phượng tự và nói rằng bằng cách sử dụng những thứ này, các linh mục đã làm cho người Trung Hoa phải tôn thờ họ. Nhưng cha Jean Gabriel trả lời: “Tôi không có mục đích gì hơn là cùng với dân Chúa, dâng lên cho Người sự thờ phượng mà Người đáng được.” Sau đó ngài tuyên bố: “Các ông có thể chắc chắn rằng tôi không bao giờ chối bỏ niềm tin của mình.”
Cuộc đối chất cuối cùng giữa cha Jean Gabriel và quan toà diễn ra tại Tương Dương. Ở đó, ngài bị treo lên bằng cách cột tay và tóc vào một cây xà ngang. Sự trừng phạt này biến người tù trở thành thứ trò chơi cho đám lính. Sau đó, viên quan tuyên bố với những tù nhân khác: “Địa ngục và thiên đàng mà hắn rao giảng cho các ngươi không hề tồn tại… hãy nhìn vào thân thể đáng thương của hắn đi. Các ngươi vẫn còn tin vào những lời nói xảo quyệt của hắn ta chứ?… Có thiên đường nào cho hắn không? Việc quỳ gối và ngược đãi không phải là địa ngục cho các ngươi sao?… Thiên đàng chính là được ngồi trên ngai giống như ta… Địa ngục là sống trên mặt đất và chịu đau khổ giống như các ngươi.” Sau đó hắn ra lệnh đánh cha Jean Gabriel bằng roi da. Dưới những ngọn roi khốc liệt, máu trong miệng ngài trào ra. Viên quan còn ra lệnh tra tấn những tù nhân Kitô giáo để buộc họ chối bỏ đức tin và một vài người trong họ đã không thể chịu đựng nổi. Cha Jean Gabriel tiếp tục bị treo trên xà cho đến chiều tối. Sau này ngài có thể nói: “Những đau khổ tôi phải chịu ở Tương Dương chỉ là vì đạo thánh.”
Vào cuối tháng 11 năm 1839, các tù nhân Kitô giáo khốn khổ được mang tới thủ phủ Vũ Xương.
Thóc lép và lúa tốt
Quyết tâm bứng rễ Kitô giáo ra khỏi đất nước, Quan Tổng trấn đã ban hành một cuộc bách hại quy mô lớn với án lưu đày đối với những người Trung hoa theo đạo và án tử hình đối với người nước ngoài. Khi được những người tín hữu thông báo điều này, các linh mục đã có thể chạy trốn. Nhưng cha Jean Gabriel và những người bị bắt đã bị Quan Tổng trấn điệu tới Tương Dương bằng thuyền mất rồi. Các tù nhân dồn tụm lại với nhau, chỉ trừ nhà truyền giáo người Pháp phải ở trên một chiếc thuyền khác và tất cả đều phải mang những dây xích nặng nề. Cha Jean Gabriel đứng giữa những người lính, mắt ngài hạ xuống nhưng gương mặt rất bình an và mỉm cười như thể ngài đang lạc trong sự chiêm niệm. Đoàn tuỳ tùng đến Kinh thành vào đầu tháng 12. Các tù nhân được đưa lên bờ và trước hết bị nhốt trong một quán trọ nhỏ. Họ bị ràng với nhau bằng một thanh kim loại và những sợi xích giữ cho họ khỏi di chuyển ra xa. Họ ngồi lại cùng nhau để lắng nghe cha Jean Gabriel củng cố niềm tin cho họ. Một trong những người đã chối bỏ đức tin vì bị tra tấn đã lãnh nhận lời chúc lành của cha Jean Gabriel.
Sau lần trình diện đầu tiên trước một viên quan để ghi tên vào sổ những “tội nhân”, cha Jean Gabriel bị giải đến nhà tù dành cho những tội phạm nghiêm trọng của Toà án pháp hình tối cao. Ngài bị ném vào giữa đống rác rưởi. Những con rệp và bọ cạp đang chạy ngang dọc trên mặt nền hôi thối. Những tù nhân ở đó bị ràng bởi những sợi xích theo cách khiến họ không thể cử động mà không làm đau người bên cạnh. Do đó, nhiễm trùng là chuyện khá thường và cha Jean Gabriel chỉ có thể nhìn một trong các ngón chân của ngài bị thối rữa và cuối cùng đứt rời.
Không bao lâu sau, Tu Hội Truyền Giáo đã biết tin về cuộc bắt giữ vị linh mục trẻ này. Cha Rameaux đã viết cho cha Etienne, Bề trên Tổng quyền: “Chắc chắn là cha đã có những thông tin đầu tiên về cuộc bách hại đang tàn phá ở Hồ Bắc rồi và chính cuộc bách hại ấy đã đặt cha Perboyre vào xiềng xích. Con chưa được diễm phúc có một vận mệnh như thế. Vào thời điểm ấy, con ở trong miền truyền giáo Hồ Nam. Cha Perboyre đã được đề nghị tới đó, nhưng vì thương cho đôi chân khốn khổ của ngài nên con đã đảm nhận vị trí ấy của ngài trong chiến dịch này. Sự giúp đỡ mà con muốn làm cho ngài rốt cục lại là sự tử đạo.” Cha Rameaux được bổ nhiệm làm Giám mục Giang Tây và Chiết Giang trong khi cha Jean Gabriel tiến dần đến cuộc tử đạo của mình. Trong suốt thời gian bị tù đày ở Vũ Xương, ngài đã bị triệu tới 4 toà án khác nhau.
Đầu tiên là Toà án công lý tối cao Ganzafou. Tại đó, cha Jean Gabriel tự nhận rằng ngài đến Trung Hoa để “làm cho Thiên Chúa được nhận biết, chứ không phải làm giàu hay tìm kiếm sự kính trọng của người đời.” Viên quan toà vặn lại: “Nhưng ông đã nhìn thấy vị Thiên Chúa mà ông thờ chưa?” Cha Jean Gabriel quả quyết: “Kinh thánh của chúng tôi mạc khải sự thật còn hơn những gì mắt chúng tôi thấy.” Một cuốn Sách lễ được mang vào và viên quan toà kết luận: “Lời nói của ngươi là vô giá trị và ngươi sẽ không xứng đáng với sự khoan dung của chúng ta nếu như ngươi bị thấm nhiễm bởi những giáo huấn giả dối này và lừa dối người Trung hoa bằng những giáo huấn ấy.” Sau đó, hắn bắt nhà truyền giáo quỳ xuống, tự tay nâng một khúc gỗ nặng và đánh đòn ngài mỗi khi ngài hạ thấp tay xuống.
Mấy ngày sau, ngài phải hầu toà lần thứ hai cùng với những tù nhân Kitô giáo khác. Cha Yang, là một thành viên Vinh Sơn người Trung Hoa, sau này đã viết: “Trong số các tù nhân Kitô giáo ấy, phần đông đã chối bỏ tôn giáo của mình… có khoảng hơn 60 người nhưng chỉ có 10 người tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.” Một số khước từ, một số khác nhượng bộ trong nỗi sợ hãi. Cha Jean Gabriel không nói gì cả. Ngài được đưa về xà lim của mình thêm 1 tháng.
Vào đầu tháng 1 năm 1840, cha Jean Gabriel được triệu lần thứ ba. Tại đây, viên quan của Toà án pháp hình được lệnh của Quan tổng trấn thông báo cho phạm nhân biết rằng y đã thâm nhập vào Trung Hoa cách bất hợp pháp, để truyền bá một thứ tôn giáo ngoại lai và y đang bị tố cáo về tội thông gian. Theo cách này, Kitô giáo sẽ bị tai tiếng. Vì vậy, khi viên quan chất vấn cha Jean Gabriel, ngài đã không trả lời và con người khốn khổ ấy phải nhận 12 roi da vào đầu gối của mình. Sau đó, viên quan cố tìm xem có loại bùa mê nào đã làm cho những người Kitô hữu cương quyết giữ vững niềm tin của họ hay không. “Không có gì cả” – Vị linh mục trả lời. Thế là ngài lại phải nhận thêm 10 roi nữa. Tên quan lại chỉ vào dầu thánh và nói: “Hãy cho ta biết, đây có phải thuốc mê không?” “Không phải”. Lập tức ngài bị đè xuống đất và bị đánh 20 hèo vào bắp đùi. Sau đó, họ chỉ cho cha Jean Gabriel một cây thập giá và ra lệnh cho ngài giẫm đạp lên đó. Nhanh như cắt, ngài vùng thoát khỏi đám lính gác và bất chấp những sợi xích nặng nề, ngài quỳ gối trước cây thập giá đang được đặt nằm trên mặt đất, rồi nâng lên và hôn. Để trừng phạt, đám lính canh cột các ngón tay cái của ngài và treo ngài lơ lửng trên một cây cột. Chúng cũng làm những cử chỉ tục tĩu với cây thập giá khiến cho cha Jean Gabriel phải gào lên. Chúng đánh đập vào đầu ngài. Sau đó, viên quan toà kết án ngài phải bị móc mắt cho đến chết. Khi cha Jean Gabriel cự tuyệt một cách vô vọng thì ngài phải nhận thêm 30 roi nữa vào chân. Trong lúc ngài nửa tỉnh nửa mê, quân lính vạch mí mắt ngài để ngài nhìn thấy viên quan đang tra hỏi: “Nào, bây giờ ngươi có thú tội không?” Lời từ chối của ngài đã mang lại thêm 10 roi nữa. Tiếp đến, tên quan buộc tội ngài thông dâm với các nữ tu. Trong im lặng, cha Jean Gabriel nhận thêm 15 roi nữa.
Những người chứng kiến hết sức kinh ngạc về sức chịu đựng của người tù của họ. Khi viên quan tiến lại gần, hắn thấy cha Jean Gabriel đang đeo một dải băng để giữ cho ngài khỏi bị thoát vị. Hắn tuyên bố: “Ồ, thì ra đây là nguồn gốc những trò ma thuật của hắn.” Thế là vị linh mục bị đối xử như một thầy phù thuỷ. Đây là lý do họ buộc ngài uống máu chó và rảy nước lên đầu ngài để xua đuổi tà ma. Người tù nhân bất hạnh chẳng còn có thể kháng cự và đành để người ta dùng miếng kim loại nung đỏ đóng ấn của viên quan toà vào chân ngài.
Sau đó không lâu, cha Jean Gabriel được một giáo lý viên tên là Fong tới thăm. Người này về sau đã thuật lại lời tâm sự của cha Jean Gabriel: “Những đau đớn thể xác của tôi chẳng đáng kể gì, nhưng những việc mà viên quan toà đã làm đối với cây thập giá mới khiến cho tôi đau đớn không thể chịu nổi.”
Jean Gabriel lại phải trình diện một lần nữa trước toà án man rợ này. Ngài đã phải nhận 10 roi mây khi phủ nhận những tội ác mà người ta cáo buộc cho mình. Viên quan toà muốn chắc chắn về tội dâm loạn của các linh mục. Những cuộc kiểm tra đã chứng minh cho sự trong sạch của cha Jean Gabriel. Tuy nhiên, viên quan toà đã cột tóc của cha Jean Gabriel vào một sợi dây thừng và kéo lên bằng ròng ròng. Hành vi tàn ác này cốt để nâng cơ thể ngài lên và sau đó thả rơi tự do trên mặt đất cứng. Thế là cha Jean Gabriel bất tỉnh trong vũng máu. “Bây giờ người cảm thấy thế nào?” Viên quan toà chế nhạo. Câu trả lời duy nhất hắn nhận được là một sự im lặng chết người. Sau đó, hắn rời khỏi toà án và ra lệnh cho lính đặt cha Jean Gabriel vào một chiếc thúng và đem trở lại phòng giam.
Vài ngày sau, cha Jean Gabriel lại phải trình diện viên thẩm tra đáng sợ ấy một lần nữa. Hắn bắt đầu hỏi về những bộ áo lễ. “Những thứ này để làm gì?” “Chúng là của tôi, và tôi sử dụng khi cử hành cách bí tích để thờ phượng Thiên Chúa.” Viên quan toà vặn lại: “Đó là một trò hề, là cách để buộc những người Kitô tôn thờ nhà ngươi.” Khi nhìn thấy sự tinh xảo của những đồ thêu, hắn tiếp tục: “Vì vậy, đây là cách ngươi muốn chiếm đoạt Trung Hoa.” Cha Jean Gabriel phủ nhận điều đó. Ngài biết rằng viên quan toà đã nhầm lẫn Kitô giáo với giáo phái Bông Sen Trắng vốn đang tìm cách lật đổ Hoàng triều. Sau đó, viên quan toà đã ép vị linh mục mặc áo lễ vào và việc này đã khiến những kẻ chứng kiến kinh ngạc. Họ la lên: “Đây là vị thần sống!” Họ nghĩ họ nhìn thấy cha Jean Gabriel trong bộ áo lễ của ngài giống như hiện thân mới của Đức Phật. Hai tù nhân Kitô giáo xông về phía ngài, quì gối và xin giải tội. Sau này, cha Rizzolati đã nói về cảnh tượng này: “Đẹp biết bao vị linh mục này, một chứng nhân của Chúa Kitô giữa vòng tra khảo, đang cử hành các bí tích thần thiêng… Trong khi quì gối trên xiếng xích và bị tra khảo bởi người đời, ngài đã giải phóng các linh hồn khỏi xiềng xích tâm hồn, và thực thi năng quyền của Đấng Phán Xét Tối Cao.”
Khi viên quan không thể làm gì hơn được nữa, y đành kết thúc việc xử án.
 Hạt giống mục nát
Tchow-Thien-Tsio không thích các Kitô hữu. Mặc dù đã từng có sự khoan dung đối với Kitô giáo, giờ đây, giống như Hoàng đế Đạo Quang, ông muốn dùng hết khả năng của mình để xoá bỏ nó. Đó là lý do khiến ông tổ chức cuộc bách hại các linh mục ngoại quốc và lưu đày các người Trung hoa theo đạo. Người ta đồn rằng ông tìm được thú vui trong việc phát minh ra những công cụ tra tấn, chẳng hạn một chiếc ghế gắn những chiếc đinh nhọn để bắt phạm nhân ngồi.
Trước con người tàn nhẫn mà ngài phải gặp hàng tá lần trong 2 tháng này, cha Jean Gabriel bị buộc phải quỳ gối. Lần tra khảo đầu tiên bắt đầu với một câu hỏi về bức ảnh Đức Maria. “Bức tranh này không được vẽ bằng những con mắt bị móc ra của người Trung Hoa chứ?” Sau mỗi câu trả lời làm phật lòng Quan tổng trấn là vị linh mục lại bị trói vào một cây cột và bị đánh bằng những cây gậy tre. Tiếp đến, viên quan lại muốn ngài chà đạp lên cây thập giá. “Làm sao tôi có thể xúc phạm Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo và Đấng Cứu độ của tôi được? Hãy giết tôi đi, bởi tôi không muốn và không bao giờ muốn hạ thấp mình bằng những hành vi như thế.” Người tù trả lời. Thế là cha Jean Gabriel bị ép quỳ trên đống dây xích và những mảnh sành vỡ. Một tấm gỗ nặng được đặt ngang bắp chân ngài để làm cho ngài đau đớn hơn. Sau đó họ dùng một dùi sắt nhọn để khắc lên trán ngài dòng chữ “Tà đạo”.
Những lần hầu toà khác của ngài cũng đều độc ác và vô nhân đạo như thế. Đôi khi họ treo ngài lên bằng dây thừng rồi thả rơi ngài. Sau đó viên tổng trấn nói với cha Jean Gabriel: “Người không xứng đáng được chết một cách nhanh chóng. Ta sẽ khiến người phải chịu những sự đau đớn tàn khốc nhất trong thời gian dài. Mỗi ngày ngươi phải trải qua những hình phạt mới và ngươi sẽ không bao giờ được nếm cái chết cho đến khi ngươi kiệt sức vì những màn tra khảo tồi tệ nhất.” Thế rồi y bước xuống và dùng roi đánh đập người tù.
Cha Jean Gabriel nửa sống nửa chết khi trở lại nhà giam. Một vết thương há miệng lớn và chảy máu ròng ròng. Ngay cả bọn lính canh chứng kiến cảnh tượng đau đớn ấy cũng phải cố tìm cách giảm nhẹ sự đau đớn cho người tù khốn khổ. Ngài bất tỉnh suốt 3 ngày. Cuối cùng, thời điểm tuyên án đã đến. Cha Jean Gabriel cùng những tù nhân khác bị điệu đến trước viên tổng trấn một lần nữa. Bằng một giọng dứt khát, y tuyên bố: “Đông Văn Học bị treo cổ. Còn những người khác, những kẻ không ngừng chống lại cấp trên và không muốn chối bỏ niềm tin của mình, sẽ bị lưu đày. Tuy vậy, ta sẽ cố gắng cứu các ngươi một lần nữa. Hãy chối bỏ đức tin và các người sẽ được tự do. Nếu không, các ngươi sẽ bị trừng phạt.” Khi ấy, cha Jean Gabriel kêu lên: “Tôi thà chết còn hơn chối bỏ đức tin.” Những người khác cũng theo gương ngài. Thế là mỗi người tù được chỉ vào bản án của họ: “Hãy ký vào bản án chết của chính ngươi bằng cách ghi một dấu thập giá trên tờ giấy này.”
Ngày 15 tháng 7 năm 1840, hồ sơ được gửi tới Hoàng đế – thẩm quyền duy nhất phê chuẩn bản án. Vào ngày 27 tháng 8, bản án được Hoàng đế đóng ấn và được công bố: “Tên Châu Âu Đông Văn Học phải chịu xử giảo vì tội xâm nhập vào Trung Hoa và với tư cách cầm đầu một giáo phái, y đã rao giảng giáo thuyết về ‘Chúa Trời’. Bằng cách ấy, y đã dụ dỗ và lừa gạt nhiều người. Bản án này phải được thi hành ngay lập tức không chút trì hoãn. 10 người đồng đảng khác, bao gồm cả trinh nữ Anna Kao, sẽ bị lưu đày. 34 người đã từ bỏ sự sai lạc của mình sẽ được tha, miễn là họ đưa ra được bằng chứng.” Bản án đến tay quan tổng trấn ngày 11 tháng 9 năm 1840.
Ở tù, trong khi chờ đợi hình phạt không thể tránh, cha Jean Gabriel chìm vào sự chiêm niệm. Cha Yang vào thăm viếng ngài và mang cho ngài một miếng bánh, một chút rượu, ít áo quần và chăn mền. Anh giáo lý viên Fong cũng được phép vào thăm ngài. Cha Jean Gabriel không muốn được hưởng ân huệ nào hơn các tù nhân khác. Tuy nhiên, ngài đã viết bức thư sau cùng, trong đó, ngài đặt ra nhiều chất vấn và than van thương cảm cho việc chối đạo của một số Kitô hữu. Ngài cũng nói với một giáo lý viên khác đến thăm ngài những lời sau: “Khi con quay trở lại, hãy cho cha gửi lời thăm tới tất cả các Kitô hữu ở Tchayuenkow. Bảo họ đừng sợ cuộc bách hại này. Mong sao họ tin tưởng vào Chúa. Cha sẽ không bao giờ được gặp lại họ và họ cũng sẽ chẳng còn được thấy cha bởi lẽ chắc chắn cha sẽ bị tử hình. Nhưng cha hạnh phúc được chết vì Chúa Kitô.”
 Thời điểm của mùa gặt
Cũng ngày 11 tháng 9 năm 1840, viên tổng trần hoàn tất mục đích của mình. Vị linh mục người Pháp sẽ bị hành hình như Hoàng đế đã quyết định. Một tên lính đi vào nhà lao đem ra năm kẻ bị kết án chặt đầu và cha Jean Gabriel bị kết án xiết cổ.
Mỗi người tù được khoác một chiếc áo trùm đỏ của kẻ tử tội. Tay họ bị trói ngược ra đàng sau. Mỗi người được gắn một tấm bảng đề lý do cái chết của họ. Bảng của cha Jean Gabriel ghi là “Tà đạo”. Các tù nhân phải chạy về nơi xử án cuối cùng của họ, đầu cúi xuống. Có một đám đông người chứng kiến.
Cái chết của Thánh Jean Gabriel Perboyre
Nhóm tử tội đến bên ngoài thành Vũ Xương. Đồi Golgotha của cha Jean Gabriel được gọi là Sơn Hồng, nghĩa là Núi đỏ. 4 viên quan đã ở đó rồi. Không chút chần chừ, họ ra lệnh chém đầu 5 tử tù trước. Trong thời gian ấy, cha Jean Gabriel quì xuống thì thầm lời cầu nguyện cuối cùng với Thiên Chúa Tình Yêu. Giờ đã đến. Những tên lính tàn ác đã lột chiếc áo đỏ ra khỏi người ngài, chỉ để ngài mặc chiếc quần đùi. Tay ngài bị bẻ ra đàng sau trong khi cánh tay bị quàng vào thanh gỗ ngang của giá treo cổ đã được chuẩn bị từ trước. Đôi chân của con người khốn khổ này bị kéo ra đàng sau và cột lại với nhau. Cha Jean Gabriel gần như quì trên cây thập giá.
Tên đao phủ xuất hiện vào lúc giữa trưa. Hắn đứng đàng sau thập giá, quấn một sợi dây thừng quanh cổ người tử tội và y cố định nó vào cây gỗ. Hắn sử dụng khúc tre ngắn để xoắn nó lại 3 vòng và xiết cổ họng người tù. Sau đó hắn lại nới ra để cho ngài thở. Hắn làm như thế một lần nữa và đến lần thứ 3, hắn giữ sợi dây cho đến khi người tù chết. Cha Jean Gabriel Perboyre trút bỏ thần khí của ngài. Để chắc xem ngài đã chết thật hay chưa, tên lính gác đá mạnh vào bụng ngài. Những người chứng kiến đã kể lại rằng gương mặt vị linh  mục vẫn bình an bất chấp những đau khổ và cái chết.
 Hạt giống bất diệt
Một năm sau, cái chết của ngài đã được ghi nhớ và kể lại như chúng ta thấy ngày nay: “Vào giờ phút ngài tử đạo, một cây thánh giá sáng chói xuất hiện trên bầu trời. Nhiều người tín hữu đã nhìn thấy và nhiều người ngoại cũng được chứng kiến cảnh tượng này … một số đã theo Kitô giáo. Giám mục Rizzolati đã rửa tội cho họ… ngoài ra, vị giám mục này cũng hỏi những tín hữu đã biết về cha Jean Gabriel và họ tuyên bố rằng họ đã luôn coi ngài như một vị thánh lớn.” Một số người khác đã nhìn thấy cây thánh giá toả sáng trên nghĩa trang nơi cha Jean Gabriel Perboyre được chôn cất.
Sau cuộc hành hình cuối cùng, các tín hữu đã tìm lại thi thể ngài. Họ đã gọi ngài là vị chứng nhân đức tin. Họ tắm rửa thi thể ngài và mặc cho ngài những bộ áo lễ mới. Theo truyền thống, họ trùm khăn trên mặt người chết và sau đó tổ chức an táng ngài.
Vào sáng sớm, André Fong và 4 Kitô hữu khác đã mang quan tài tới nghĩa trang trên Núi đỏ. Họ đặt cha Jean Gabriel gần cha François Régis Clet, một vị tử đạo khác của Tu Hội Truyền Giáo mà vị linh mục trẻ đã từng rất ngưỡng mộ. Họ mai táng ngài với nghi lễ thông thường, rảy nước thánh và đọc một lời cầu nguyện đơn sơ để tránh bị nghi ngờ.
Chẳng bao lâu sau, cộng đồng Kitô hữu đã bắt đầu tưởng nhớ vị tử đạo mới này. Sự tôn kính ấy còn tiếp diễn đến ngày nay. Thiên Chúa đã hoàn tất nó với án phong chân phước cho cha Jean Gabriel Perboyre. Ngài được tuyên phong chân phước ngày 10 tháng 11 năm 1889 và là người đầu tiên trong nhiều vị tử đạo Trung Hoa nhận được vinh dự này. Ngày 2 tháng 6 năm 1996, cha Jean Gabriel Perboyre được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh tại Rôma. Cha là “Vị Thánh tiên khởi của Trung Hoa.” Cơ thể của ngài đã được đưa trở lại Pháp, nhưng trái tim vẫn ở lại trên quê hương Trung Hoa.
“Trong Thánh Giá, Phúc Âm và Phép Thánh Thể, chúng ta tìm thấy tất cả những gì chúng ta có thể ao ước. Không có con đường nào khác, chân lý nào khác, đời sống nào khác.” (Jean Gabriel Perboyre)
fx. Đức