Louise De Marillac Và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái

Đăng ngày: 19/11/2019

Thomas McKenna, CM.
NDĐ chuyển ngữ

Vinh Sơn, Louise de Marillac và Marguerite Naseau

Ngoài việc thành lập Tu hội Truyền giáo, giảng dạy và tiến hành các cuộc tĩnh tâm, Vinh Sơn còn phục vụ với tư cách là linh hướng cho một số lượng thành viên ngày càng đông đảo. Một trong số đó đã trở nên đối tác quan trọng của Vinh Sơn và là mẫu mực cho hoạt động bác ái: Louise de Marillac vừa mới mất chồng và cô đang tìm kiếm một đối trọng mới có ý nghĩa sâu sắc hơn cho đức tin của cô. Đối trọng ấy chính là Vinh Sơn. Khi bắt đầu mối tương quan, Vinh Sơn tập trung vào việc khuyên bảo Louise, nhưng ngay sau đó, ngài đã nhận ra tiềm năng của nhà lãnh đạo nơi cô.

Một nhóm gồm các bà quý tộc được Vinh Sơn thiết lập để phục vụ người nghèo đã phát triển và lan rộng trên khắp nước Pháp. Đó là Hội các Bà Bác ái. Với tất cả sự dấn thân và nỗ lực, Vinh Sơn nhận ra rằng một mình ngài, dù với tất cả sự dấn thấn và nỗ lực, cũng không thể trông nom tất cả các nhóm bác ái này. Và thế là ngài trao họ cho Louise. Quyết định này được Chúa Quan Phòng chúc lành. Dù sức khỏe yếu, Louise de Marillac vẫn đi hết thị trấn này sang thị trấn khác để thăm viếng, hướng dẫn và khuyến khích các nhóm còn non trẻ này.

Cùng thời điểm đó, Vinh Sơn đồng ý đảm nhận việc điều khiển bệnh viện Hôtel-Dieu – một bệnh viện lớn ở Paris, và thành lập Hội Các Bà Bác ái để phục vụ ở đó. Tuy nhiên, địa vị xã hội là một vấn đề cản trở công việc của họ. Hầu hết các Bà Bác ái đều xuất thân từ giới quý tộc và tục lệ xã hội Pháp thời bấy giờ không cho phép họ thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất đầy tớ cần phải làm trong việc chăm sóc người bệnh. Những người phụ nữ này đã tùy cơ ứng biến và sai người hầu của họ làm hầu hết các công việc tay chân. Tất nhiên, người hầu của họ đã cằn nhằn về việc phải làm việc nhiều hơn và tỏ thái độ thất vọng đối với các bệnh nhân.

Vinh Sơn và Louise đã nhận ra rằng việc chăm sóc phải được thực hiện một cách bền vững và đầy thương yêu từ giới mệnh phụ và phải có các lớp người có địa vị thấp kém thực hiện điều đó. May thay, một số thôn nữ trẻ bắt đầu xuất hiện và sẵn sàng trợ giúp các nhóm bác ái. (Cô thôn nữ nghèo đầu tiên là chị Margaret Naseau.) Các thôn nữ này không được đi học và cũng chẳng có vẻ thanh nhã, quý phái của các tầng lớp thượng lưu, nhưng vì họ đến từ các tầng lớp nghèo hơn, họ sẵn sàng thực hiện sự chăm sóc trực tiếp cách dễ dàng.

Dưới sự hướng dẫn của Louise, càng ngày càng có nhiều cô gái trẻ gia nhập Tu hội. Năm 1633, Louise đã tiếp nhận vài chị trong số đó để huấn luyện họ tại nhà riêng của mình. Họ trở thành hạt giống của Tu hội mới, Tu hội Nữ Tử Bác Ái. Chỉ trong vài tháng, số thành viên của Tu hội này đã tăng gấp bốn. Louise và Vinh Sơn đã bắt đầu một kiểu cộng đoàn tu trì mới. Nhiều năm sau đó, trong một lá thư, Louise đã nói với vị thư ký của Vinh Sơn những điều mà ngài nên nói với các cô gái trẻ về Tu hội Nữ Tử Bác ái:

Cha phải làm cho các cô gái trẻ tại Saint-Fergeau, những người đang được mời gọi nhận vào Tu hội Nữ Tử Bác Ái, hiểu rõ rằng đây không phải là một dòng tu, bởi vì chắc chắn chẳng bao giờ có một dòng tu nào mà họ được phép đi ra ngoài, nhưng ơn gọi này kêu gọi các chị đi tìm kiếm bệnh nhân nghèo ở mọi nơi, bất kể thời tiết như thế nào.

Như Louise đã tuyên bố, Tu hội Nữ Tử Bác Ái là Tu hội đời. Các Nữ tử Bác Ái sống trong những ngôi nhà không phải là tu viện; nội vi của họ là các con đường của thành phố; nội vi của họ là lời khấn của họ với Chúa và với việc phục vụ. Họ đã dành cả cuộc đời để thăm viếng tại nhà của các bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện, chăm sóc các tù nhân, trẻ mồ côi, người tâm thần và người vô gia cư ở Paris. Họ cũng dạy giáo lý cho trẻ em miền quê. Các Nữ Tử Bác Ái không có lời khấn trọn, nhưng lặp lại lời khấn của mình hàng năm.

Louise là người điều hành chính của Tu hội non trẻ này, còn Vinh Sơn, với tinh thần, trái tim nồng ấm và lương tri của mình, đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc huấn luyện các chị em này. Ngoài tình bạn và sự cộng tác ngày một tiến triển của họ, Louise và Vinh Sơn đã thực hiện một điều mang tính cách mạng: họ đã sáng tạo ra một Tu hội nữ phục vụ bên ngoài ranh giới của một khu nội vi. Cuối cùng, các Tu hội nữ sống đời tông đồ đã sinh sôi và phát triển.

Vinh Sơn tin rằng mọi Kitô hữu đều có trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Việc ngài đưa những người phụ nữ vào các hoạt động tông đồ là khởi nguyên của niềm tin ấy, dù điều này có làm cho ngài do dự và có nhiều phản đối lúc đó. Gần như đơn độc với người đương thời, Vinh Sơn nhận ra tiềm năng to lớn của người phụ nữ trong việc loan báo Tin Mừng. Vinh Sơn đã đưa họ vào hầu hết các sáng kiến của mình. Ngài đặc biệt lưu tâm lôi kéo những phụ nữ giàu có. Chẳng hạn, một trong những những lá thư nổi tiếng nhất của ngài về lời cầu xin từ tận đáy lòng, dành cho những người phụ nữ này để cứu lấy các trẻ mồ côi:

Thưa quý bà, nhờ lòng trắc ẩn và bác ái mà các bà đã nhận những thụ tạo bé nhỏ làm con cái của các bà; theo ân sủng, các bà đã là mẹ của chúng theo ân sủng, kể từ khi người mẹ tự nhiên của chúng bỏ rơi chúng. Vậy mà giờ này các bà cũng muốn bỏ rơi chúng hay sao. Lúc này, xin đừng làm mẹ chúng nữa mà hãy làm những quan toà phán xét chúng; sự sống chết của chúng nằm trong tay các bà. Tôi sẽ thực hiện biểu quyết; đã đến lúc, các bà có thể tuyên án giết chết chúng đi. Hãy xem, lòng thương xót của các bà đối với chúng phải chăng đã hết? Nếu các bà tiếp tục quảng đại chăm sóc cho chúng, thì chúng sẽ sống; còn nếu các bà bỏ rơi chúng, chắc chắn chúng sẽ chết và chết; kinh nghiệm cho các bà biết rõ điều ấy.

Vinh Sơn đã luôn tìm tòi xây dựng các cách thức mới để người phụ nữ góp phần cho sứ mạng của Giáo hội. Ngài hoan nghênh họ là những người rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.