Robert Maloney, CM
Trong Gia đình Vinh Sơn, chúng ta thường nói với nhau câu của thánh Vinh Sơn: “Tình yêu sáng tạo đến vô tận.”[1] Khi dùng câu nói này, chúng ta chủ yếu muốn động viên nhau sáng tạo về mục vụ, về đào tạo, và về các cách thế giúp đỡ người nghèo cũng như loại trừ các nguyên nhân gây ra sự đói nghèo. Đó là một áp dụng rất tốt câu nói của thánh Vinh Sơn. Nhưng, bối cảnh câu nói trên của thánh Vinh Sơn không phải là về việc sáng tạo mục vụ, đào tạo, hay phục vụ người nghèo, mà là về Bí tích Thánh Thể. Năm 1645, khi một tu huynh trong Tu hội lâm cảnh hấp hối, thánh Vinh Sơn đã đến bên cạnh thầy, an ủi thầy, và hướng thầy về lòng thương xót của Chúa. Sau khi đã liệt kê nhiều cách thức Thiên Chúa tỏ tình thương vô biên của Ngài cho chúng ta, thánh Vinh Sơn tâm tình với thầy, trước khi chịu khổ hình thập giá, Chúa Giêsu không muốn để các môn đệ mồ côi. Chúa Giêsu biết rằng, khi Ngài rời xa các môn đệ, tâm hồn họ sẽ trở nên băng giá. Và vì vậy, thánh Vinh Sơn nói với thầy: “Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích đáng tôn thờ để làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta, vì tình yêu thì sáng tạo đến vô tận… Chúa Giêsu vui lòng thực hiện điều đó, vì tình yêu không quản ngại bất cứ điều gì.”[2]
Trong bài viết này, tôi muốn suy gẫm về Bí tích Thánh Thể dựa trên truyền thống Vinh Sơn. Với phương pháp tôi vẫn thường dùng, tôi xin chia các suy gẫm này thành ba phần: I) Bí tích Thánh Thể trong đời sống và trong các bút tích của thánh Vinh Sơn; II) Một số thay đổi trong suy tư thần học về Bí tích Thánh Thể, giữa thế kỷ 17 và thế kỷ 20; và III) Vài suy gẫm về Bí tích Thánh Thể ngày nay theo linh đạo Vinh Sơn.
I. Bí tích Thánh Thể trong đời sống và trong các bút tích của thánh Vinh Sơn
Thánh Vinh Sơn không phải là một nhà thần học hệ thống. Ngài hầu như không trình bày các phân tích thần học, hoặc triển khai các tư tưởng thần học, theo một thứ tự hay một hệ thống nào. Thay vào đó, trong các thư từ và các buổi huấn đức, ngài thường đề ra và thúc giục người khác sống và thực hành một chủ đề hết sức cụ thể nào đó. Chỉ đôi khi ngài mới giải thích chi tiết một vấn đề, chẳng hạn khi nói với các Nữ tử Bác ái về nhân đức hãm mình và cầu nguyện. Nhưng các giải thích này cũng không phải là sáng kiến riêng của ngài; ngài dùng tư tưởng của các vị uy tín thời đó.
Như vậy, chúng ta có thể nói, các thư từ và các buổi huấn đức của thánh Vinh Sơn, về mặt lý thuyết, không hàm chứa những điểm thần học mới mẻ, nhưng về mặt thực tế, lại luôn hàm chứa đức tin phổ quát, những xác tín sâu xa, những thấu cảm bản chất con người, và những đòi hỏi phải đưa vào đời sống thực hành. Chúng ta càng thấy rõ điều đó trong các giáo huấn của thánh Vinh Sơn về Bí tích Thánh Thể. Dưới đây, tôi xin liệt kê tám điểm chính về Bí tích Thánh Thể mà thánh Vinh Sơn đề cập, một cách rải rác, trong các buổi huấn đức và các thư từ của ngài. Dĩ nhiên, tôi không muốn hệ thống hóa tư tưởng của thánh Vinh Sơn, bởi vì, tôi thiết nghĩ, chính bản thân ngài không bao giờ mong muốn điều đó.
1. Bí tích Thánh Thể là trung tâm của “lòng đạo” và “lòng sốt mến”
Đối với thánh Vinh Sơn, Bí tích Thánh Thể là bảo chứng Chúa Giêsu dành cho Giáo hội. Bí tích Thánh Thể là biểu hiện tột đỉnh tình yêu của Chúa Giêsu, và là nguồn mạch tuôn trào đời sống của Giáo hội. Bí tích Thánh Thể cũng là trung tâm của “lòng đạo”[3] và là nền tảng của “lòng sốt mến,”[4] trong đó chúng ta được liên kết với tình yêu mà Chúa Kitô dành cho Cha Ngài.
Trong các buổi huấn đức và các thư từ của thánh Vinh Sơn, cũng như trong các bài viết của các tác giả nổi tiếng đương thời, “lòng đạo” và “lòng sốt mến” mang một ý nghĩa đặc biệt. Chẳng hạn, trong một lá thư, thánh Vinh Sơn nhấn mạnh đến ước muốn tự hủy của Chúa Giêsu, vì “tình con thảo (lòng đạo) với Chúa Cha và tình bác ái với tha nhân.”[5] Theo hồng y Bérulle, cha Olier, và các thành viên khác trong Trường Linh đạo Pháp, “lòng đạo” là sự đáp trả căn bản của con người đối với Thiên Chúa – một thái độ tôn thờ và hoàn toàn tận hiến mình cho Chúa.[6] Cũng như vậy, trong một bài huấn đức về việc hiệp lễ, thánh Vinh Sơn nói Bí tích Thánh Thể là “nền tảng và trung tâm đích thực của lòng đạo.”[7] Nói chuyện với các Nữ tử Bác ái, ngài cũng gọi Bí tích Thánh Thể là “trung tâm của lòng sốt mến.”[8] Ở đây, chúng ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của thánh Francis de Sales trên thánh Vinh Sơn. Thánh Francis de Sales đào sâu chiều kích con tim, và diễn tả lòng sốt mến là một sự hăng say, vui vẻ và linh hoạt trong tình yêu.[9] Về một phương diện nào đó, “lòng sốt mến” của thánh Francis de Sales mang tính cách sinh động hơn “lòng đạo” của hồng y Bérulle.[10] Rõ ràng, khi nói về Bí tích Thánh Thể, thánh Vinh Sơn thâu nhận cả cách hiểu của hồng y Bérulle và của thánh Francis de Sales.
2. Bí tích Thánh Thể là hạt giống của sự phục sinh[11]
Nhắc lại chương sáu trong Tin Mừng Gioan, thánh Vinh Sơn xác quyết rằng, nếu chúng ta được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Chúa Giêsu, chúng ta sẽ sống lại trong đời sống mới và vĩnh cửu. Tuy nhiên, để được sống lại, ngài nhắc chúng ta không những chỉ đơn thuần đón nhận Thánh Thể, mà còn phải đón nhận cách xứng đáng. Dựa vào thư của thánh Phaolô,[12] ngài nói rằng những ai rước lễ cách bất xứng thì đồng lõa với những kẻ gây ra cái chết của Chúa Giêsu. Ở đây, việc thánh Vinh Sơn liên kết Bí tích Thánh Thể với sự phục sinh của Chúa Giêsu là điều rất đáng chú ý, bởi vì thánh Vinh Sơn rất thường xuyên đề cập đến thập giá,[13] nhưng lại tương đối hiếm nói về sự phục sinh. Trong một bài giảng về hiệp lễ, thánh Vinh Sơn liên hệ Bữa Tiệc ly với chương sáu Tin Mừng Gioan, và nói như sau: “Bởi đó, chúng ta xác tín rằng, nếu chúng ta rước Mình Thánh Chúa Giêsu, chúng ta ‘sẽ sống lại và sẽ được sống đời đời.’”[14]
3. Không chỉ vị linh mục dâng hy lễ Thánh Thể; mọi tín hữu tham dự Thánh Lễ cũng đều dâng lễ[15]
Thánh Vinh Sơn coi trọng tâm tình của những người tham dự Thánh Thể. Ngài nhắc các Nữ tử Bác ái phải tham dự Thánh lễ mỗi ngày, và phải tham dự với lòng sốt sắng. Ngài nêu mẫu gương lòng sùng kính Thánh Thể của bà Pavillon: Bà luôn sống trong sự hiện diện của Chúa, và khi tham dự Thánh lễ, bà không còn bị chia trí vào bất kỳ chuyện gì khác.[16]
Thánh Vinh Sơn cũng mong muốn các Nữ tử Bác ái sẽ được hướng dẫn kỹ về ý nghĩa của Thánh Thể. Trong cách nói rất tương hợp với Công đồng Vatican II, ngài đòi buộc chúng ta phải tham dự Thánh Thể cách tích cực, và nhấn mạnh rằng tất cả những ai tham dự Thánh Thể đều dâng hy tế của Chúa Giêsu, chứ không chỉ vị linh mục.[17]
Để có thể sốt sắng tham dự Thánh lễ, thánh Vinh Sơn đề cao việc chuẩn bị. Trong một bài giảng, ngài dùng một hình ảnh rất sống động để diễn tả điều đó như sau: “Khi được một vị thượng khách đến thăm nhà, ai trong chúng ta cũng hồi hộp và lo chuẩn bị chu đáo. Chúng ta sẽ lo sửa soạn nhà cửa, lau rửa đồ đạc, trang trí phòng ốc, sắp xếp bàn ghế, và thu dọn đồ đạc cũ. Chúng ta cũng phải lo mua thịt, lo việc giải trí cho khách, và hàng ngàn thứ linh tinh khác. Nhưng, với vị Thượng khách Giêsu, chúng ta không hề phải lo chuẩn bị như thế: không phải lăng xăng, không lo bị bẽ mặt, và cũng không phải làm những công việc cực nhọc. Mỗi người chúng ta chỉ cần hồi tâm, và nhìn vào cõi lòng mình, để ăn năn sám hối, để thu dọn các rác rưởi của linh hồn, và đề ra quyết tâm không xúc phạm đến Chúa nữa.”[18]
4. Bí tích Thánh Thể là lời ngợi khen và cảm tạ[19]
Khi cử hành Thánh Thể, theo lời dạy của thánh Vinh Sơn, các linh mục và tu huynh Tu hội Truyền giáo cũng đồng thời phải dâng lời tạ ơn Chúa về các hồng ân mà Ngài hằng ngày ban cho Tu hội. Ngài gọi Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của tâm tình “ngợi khen và tôn vinh.”[20]
Nếu chúng ta tham dự Thánh lễ sốt sắng, như thánh Vinh Sơn nói với các Nữ tử Bác ái, chúng ta phải hết lòng dâng lời tạ ơn Chúa. Ngài nói thêm, nếu chúng ta trung thành tạ ơn Chúa trong Thánh lễ, chúng ta sẽ tiếp tục kéo ơn Chúa xuống trên mình, và sẽ trở nên thập toàn trong đức ái và trong sự thánh thiện.[21]
5. Bí tích Thánh Thể là lương thực[22] và là thuốc chữa lành,[23] là trường học tình yêu và là nguồn mạch bình an
Khi nói về Bí tích Thánh Thể, thánh Vinh Sơn thường dùng từ ngữ “nuôi dưỡng.”[24] Như bánh và rượu nuôi dưỡng thể xác, của ăn Thánh Thể cũng nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
Đối với thánh Vinh Sơn, Bí tích Thánh Thể cũng là một phương thuốc, một dược liệu, để chữa lành[25] các yếu đuối của chúng ta. Ngài cũng gọi Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch ơn tha thứ cho các tội nhân.[26]
Theo thánh Vinh Sơn, Bí tích Thánh Thể là “phương thuốc chữa lành hiệu quả nhất” đối với các bệnh tật về mặt thiêng liêng của chúng ta.[27] Để biết “yêu thương, nâng đỡ, và sống thân ái với nhau,”[28] thánh Vinh Sơn mời gọi các Nữ tử Bác ái đến với trường học của Bí tích Thánh Thể. Nơi trường học Thánh Thể, các Nữ tử Bác ái cũng học được tất cả các nhân đức cần thiết để phục vụ người nghèo.
Thánh Vinh Sơn nói với các Nữ tử Bác ái về Bí tích Thánh Thể như sau: “Các con yêu quý, Bí tích Thánh Thể là một hồng ân quá sức lớn lao! Các con hãy luôn an tâm, vì các con luôn được Chúa hiểu thấu, được Chúa đoái nhìn, được Chúa yêu thương!”[29]
Như ngài cũng nói với các Nữ tử Bác ái, Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch bình an và hạnh phúc cho tâm hồn họ, bởi vì, họ được thật sự kết hợp với Chúa qua Bí tích Thánh Thể.[30] Nhưng, khi các Nữ tử Bác ái sống bất hòa với nhau,[31] thánh Vinh Sơn cũng dùng Lời Chúa trong Tin Mừng Mátthêu 5, 23-24 để huấn dụ họ như sau: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lẽ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”
6. Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta nên một với Chúa[32]
Nếu chúng ta rước lễ sốt sắng, như thánh Vinh Sơn nói với các Nữ tử Bác ái, chúng ta sẽ trở nên “une même chose” (trở nên một) với Chúa. Ngài diễn tả điều đó một cách sâu lắng như sau: “Các con yêu quý, nếu chúng ta rước lễ sốt sắng, chúng ta sẽ được một ân phúc lớn lao, đó là được trở nên một với Chúa. Ôi, lạy Chúa! trước khi rước lễ, một chị Nữ tử Bái ái chỉ là đáng thương như bản chất của chị ấy thôi, nghĩa là chị ấy chẳng có giá trị gì; nhưng sau khi rước lễ, chị ấy trở nên một với Chúa! Ôi! Các con ơi, sao các con lại có thể thờ ơ với một ân phúc trọng đại đến thế? Ôi! Một ân sủng cao quý biết bao cho các con! Các con ơi, các con có biết, Bí tích Thánh Thể chính là bảo chứng cho sự sống đời đời của các con! Các con yêu quý, chúng ta có thể nghĩ đến sự gì cao cả hơn thế chăng? Ôi, một thụ tạo khốn khổ và đáng thương mà lại được nên một với Chúa thì chẳng có gì sánh tày! Ôi! Xin chúc tụng Chúa đến muôn đời!”[33]
7. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch hữu hiệu cho công cuộc rao giảng Tin Mừng[34]
Khi tham dự Thánh lễ, các Nữ tử Bác ái thực sự học được cách thức yêu thương. Thánh Vinh Sơn nói về điều đó như sau: “Chị em hãy nhân danh Chúa mà đi tham dự Thánh lễ! Chính nơi Thánh lễ, chị em sẽ học biết về Tình Yêu!”[35] Ngài cũng nói với các Nữ tử Bác ái: “Khi chị em thấy một một người chị em Nữ tử Bác ái của mình đang phục vụ người đau yếu bằng tất cả sự cảm thông, sự dịu hiền, và sự chu đáo, chị em có thể nói ngay: ‘Người chị em này đã rước lễ sốt sắng.’”[36]Tương tự như vậy, ngài cũng nói với các thành viên Tu hội Truyền giáo: “Thưa anh em, khi anh em rước Mình Thánh Chúa Giêsu, anh em lại chẳng cảm thấy ngọn lửa thần linh bốc cháy trong lòng anh em hay sao?”[37]
Theo lời dạy thường xuyên của thánh Vinh Sơn, các Nữ tử Bác ái phục vụ người nghèo không chỉ về phần thể xác, mà còn cả về phần linh hồn nữa. Chính Bí tích Thánh Thể sẽ ban cho họ sự khôn ngoan và lòng can đảm, để họ có thể đem lời đức tin, lời hy vọng, và lời an ủi đến cho những người bị bỏ rơi. Trong buổi huấn đức ngày 22 tháng 1 năm 1646, thánh Vinh Sơn nói như sau: “Các con quý mến, phải chăng Chúa chỉ muốn các con đem cho người nghèo của Ngài một mẩu bánh mì, một lát thịt, một ít súp, hoặc một ít thuốc men? Ồ, không, không, không, các con quý mến, khi Chúa chọn các con từ thuở đời đời để phục vụ Ngài nơi người nghèo, đó không hề là ý định của Ngài. Ngài muốn các con phục vụ người nghèo cả về phần linh hồn nữa. Người nghèo cần đến manna từ trời, và cần đến Thần Khí Chúa. Nhưng, các con sẽ tìm đâu ra những điều đó để phân phát cho họ? Các con quý mến, các con sẽ tìm thấy những điều đó trong việc rước Mình Thánh Chúa.”[38]
8. Để hồi tâm chuẩn bị cử hành Thánh Thể, chúng ta cần “hiểu biết một cách sống động tình yêu mà Chúa đã thể hiện trong Bí tích cực thánh này, và tình yêu mà chúng ta cố gắng đáp đền Chúa.”[39]
Thánh Vinh Sơn thúc giục tất cả những ai cử hành Thánh Thể phải nhất thiết mang lấy tâm tình của Chúa Kitô, và phải hết sức rập đời sống theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu, như chính khi Chúa Giêsu hiến tế bản thân Ngài cho Chúa Cha.[40]
Qua lời cầu nguyện vào cuối buổi huấn đức cho các Nữ tử Bác ái ngày 22 tháng 10 năm 1646, thánh Vinh Sơn nhấn mạnh điều đó như sau: “Lạy Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu độ chúng con, Chúa là Đấng đáng yêu và đáng mến hơn hết mọi người. Chúa là Đấng đã thực thi lòng bác ái và chịu đựng chúng con hơn tất cả loài người cộng lại. Chúa đã chịu đựng những xúc phạm và những sỉ nhục hơn bất cứ ai, nhưng lại không hề chất chứa sự cay đắng và oán thù. Nếu đẹp lòng Chúa, xin Chúa thương nhận lời cầu nguyện khiêm tốn chúng con đang dâng lên Chúa. Xin Chúa ban cho Tu hội chúng con lòng bác ái bừng cháy của Chúa, cũng như lòng dịu hiền và lòng kiên nhẫn mà Chúa đã dành cho những kẻ bách hại Chúa. Để nhờ biết thực thi các nhân đức này, chúng con sẽ để thánh ý đáng tôn thờ đời đời của Chúa thể hiện trong Tu hội của chúng con. Và nhờ biết chịu đựng lẫn nhau, chúng con ước gì sẽ làm đẹp lòng Chúa.”[41]
Như thánh Vinh Sơn dạy, chúng ta cũng phải dâng Thánh lễ bằng chính tâm tình mà Chúa Giêsu đã dâng lên Chúa Cha, khi hiến tế chính bản thân Ngài cho Chúa Cha.[42] Trong một buổi huấn đức cho các linh mục và tu huynh của Tu hội Truyền giáo, ngài mời gọi chúng ta, khi cử hành Thánh Thể, phải cố gắng hết sức có thể để thủ đắc được chính ý muốn mà Chúa Giêsu đã có khi Ngài dâng hiến tế của Ngài.[43] Trong buổi huấn đức này, thánh Vinh Sơn một lần nữa nói về lòng sốt mến, và nhắc nhở chúng ta không chỉ cử hành Thánh Thể, mà còn phải cử hành Thánh Thể với lòng sốt mến sâu xa.[44]
II. Một số thay đổi trong suy tư thần học về Bí tích Thánh Thể, giữa thế kỷ 17 và thế kỷ 20
Từ thời thánh Vinh Sơn cho đến nay, nền thần học về Bí tích Thánh Thể đã thay đổi khá nhiều. Ngài sống trong thời hậu Công đồng Tridentinô – thời kỳ của những cuộc bút chiến quyết liệt về thần học giữa Công giáo và Tin lành. Chúng ta lại sống trong thời hậu công đồng Vatican II – thời kỳ của đại kết, và chúng ta được mời gọi đối thoại để hiểu biết lẫn nhau.
Trong thời thánh Vinh Sơn, việc hiệp lễ thường xuyên là một đề tài gây rất nhiều tranh cãi, và mãi cho đến đầu thế kỷ 20, điều này mới được giải quyết dứt khoát. Viện phụ Saint-Cyran – người cổ xúy thuyết Jansenism và bạn của thánh Vinh Sơn – cho rằng người tín hữu phải hết lòng ao ước rước lễ, và bởi vậy, họ phải kiêng tối đa việc rước lễ. Năm 1639, thánh Vinh Sơn được gọi ra làm chứng chống lại ông.[45] Năm 1648, thánh Vinh Sơn viết một lá thư dài cho cha Jean Dehorgny, trong đó ngài phản bác các tư tưởng của cha Antoine Arnauld – cũng là một thành viên nhiệt thành của nhóm Jansenism – được viết ra trong cuốn sách Về Hiệp Lễ Thường Xuyên của ông.[46] Ngược hẳn với các trào lưu tư tưởng thời ngài, thánh Vinh Sơn khuyến khích việc rước lễ thường xuyên, thậm chí là hằng ngày. Đó là một đặc điểm rất đáng chú ý về tư tưởng của thánh Vinh Sơn.
Dưới đây, tôi chỉ xin đề cập một cách vắn gọn ba thay đổi có ý nghĩa và ảnh hưởng nhất, giữa thế kỷ 17 và thế kỷ 20, liên quan đến cuộc tranh luận thần học trên.
1. Các nghiên cứu mới về Kinh Thánh
Từ thời thánh Vinh Sơn cho đến nay, phương pháp chú giải Kinh Thánh đã thay đổi đáng kể, nhờ một số yếu tố sau: việc khám phá các bản văn cổ thời tiền Kinh Thánh, trong thời Kinh Thánh, và hậu thời Kinh Thánh; sự tiến triển trong phương pháp lịch sử-phê bình; các công trình khảo cổ; các cuộc đối thoại đại kết liên quan đến các vấn đề Kinh Thánh giữa Công giáo với các Giáo hội Tin lành. Các tiến bộ này đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn các bản văn Kinh Thánh, trong đó có các bản văn liên quan đến phong tục Do thái về các bữa ăn tạ ơn, và các trình thuật về Thánh Thể trong Tân Ước.
Chúng ta thu được thành quả từ các thay đổi này chủ yếu ở giai đoạn cuối thế kỷ 20. Trong truyền thống Công giáo, Thông điệp Divino Afflante Spiritu (của Đức Giáo hoàng Piô XII, năm 1943) đã mở đường cho các nghiên cứu mới và sâu hơn về Kinh Thánh, và nhờ đó đã tác động sâu sắc đến Hiến chế về Mạc khải (Dei Verbum), Hiến chế Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium), và Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium) của Công đồng Vatican II. Các văn kiện này nhấn mạnh đến Mạc khải, đến sự hợp nhất giữa Lời Chúa và các Bí tích, đến mối tương quan giữa Giáo hội và các Bí tích, và đến Bí tích Thánh Thể trong tính cách là một một cử hành linh động và tham gia của Giáo hội vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.[47]
2. Phong trào phụng vụ
Thánh Vinh Sơn rất quan tâm đến phụng vụ, vì ngài nhận thấy các linh mục thời ngài thường cử hành Thánh lễ một cách rất thiếu sốt sắng, và hầu như không biết giải tội. Trong các buổi tĩnh tâm cho các tiến chức, ngài đề ra học phần phụng vụ, và đòi buộc các tiến chức phải tập cử hành phụng vụ sốt sắng. Nhưng, dù rất tích cực trong việc này, ngài cũng là một con người của thời đại. Thời đó, người ta nhấn mạnh đến việc tuân thủ khắt khe luật chữ đỏ, nhưng lại không nhấn mạnh đến tính cách “cử hành cộng đồng” của phụng vụ. Vì vậy, các cử hành phụng vụ hầu như mang tính cách riêng tư. Ngay trong các dòng tu, các linh mục cử hành thánh lễ một mình, cùng lắm có thêm chú giúp lễ. Cử hành phụng vụ thường được xem là khía cạnh “đạo đức cá nhân” của vị linh mục, chứ không được xem là vai trò chủ tọa cầu nguyện của vị linh mục đối với cộng đoàn tín hữu. Từ cuối thế kỷ 19, phong trào phụng vụ cổ võ sự tham gia đầy đủ và linh động của tất cả các thành viên, tùy vai trò của mỗi người, trong cử hành phụng vụ. Với nhiều nỗ lực và kiên trì, các vị học giả và các vị mục tử, chẳng hạn như Prosper Guéranger, Lambert Beaudoin, Virgil Michel, Joseph Jungmann, Balthasar Fischer, H. A. Reinhold, Martin Hellriegel, Godfrey Diekmann, Frederick McManus Annibale Bugnini, Carlo Braga, và nhiều người khác nữa, đã dần dần canh tân việc hiểu biết về phụng vụ và cử hành phụng vụ trong Giáo hội. Hiến chế Phụng vụ thánh của Công đồng Vatican II đã chấp nhận các đổi mới và đề xuất đó.
Phong trào phụng vụ[48] và việc triển khai Hiến chế Phụng vụ thánh đã làm thay đổi đáng kể thái độ và việc cử hành phụng vụ trong Giáo hội. Hiến chế Phụng vụ thánh đề cao phụng vụ là tột đỉnh trong các hoạt động của Giáo hội, và đồng thời là nguồn mạch tuôn trào tất cả các nhân đức trong Giáo hội.[49] Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, Giáo hội đã hết sức nỗ lực canh tân phụng vụ, và phổ biến tầm quan trọng của phụng vụ đối với đời sống các cộng đoàn Kitô hữu.[50]
Từ cuối thế kỷ 20, chúng ta còn thấy các thay đổi thực tế và rõ ràng liên quan đến việc cử hành Thánh Thể, chẳng hạn, các bản văn nghi thức Thánh lễ mới, việc sử dụng ngôn ngữ địa phương trong phụng vụ, việc đồng tế, việc hiệp lễ hai hình, nhiều mẫu Kinh nguyện Tạ ơn khác nhau, việc sắp xếp phong phú các bài đọc Kinh Thánh trong Thánh lễ, và nhiều điểm khác nữa.
3. Đối thoại đại kết
Trong hơn 50 năm qua, Giáo hội Công giáo Rôma, Giáo hội Tin lành Luther, và Methodist cũng nỗ lực xây dựng các cây cầu đối thoại về các quan điểm thần học liên quan đến Thánh Thể, và qua đó đã giúp phong phú hóa lẫn nhau.[51] Với việc nhấn mạnh vào sự hiệp thông (koinonia), nền thần học Thánh Thể của Giáo hội Chính Thống giáo đã giúp rất lớn vào cuộc đối thoại này.[52] Từ nhãn quan thần học này, Giáo hội cử hành và hiện tại hóa, qua Thánh Thể, sự hiệp thông của mình với Chúa Cha, trong Chúa Con, qua quyền năng Chúa Thánh Thần. Nhờ ân sủng tình yêu Thánh Thể của Chúa Kitô, Giáo hội được giải thoát khỏi tội lỗi, và các tín hữu được kết hợp với nhau và với Chúa. Được Chúa Thánh Thần quy tụ, cộng đoàn quây quần quanh bàn tiệc Thánh Thể, để tưởng niệm sự chết và sự phục sinh cứu độ của Chúa Kitô.
Nhờ việc đối thoại liên tôn, nhiều khác biệt xa xưa giữa các Giáo hội liên quan đến thần học Thánh Thể đã được vượt qua, và bầu khí bút chiến trước đây đã phần nhiều được loại bỏ, ít nhất giữa các tín hữu Công giáo, Chính thống giáo, và nhiều Giáo hội Tin lành khác.
III. Vài suy gẫm về Bí tích Thánh Thể ngày nay theo linh đạo Vinh Sơn
Hiến Pháp mới của cả hai Tu hội Truyền giáo và Tu hội Nữ tử Bác ái đều đề cập Bí tích Thánh Thể theo nhãn quan thần học của Công đồng Vatican II.
Hiến Pháp của Tu hội Truyền giáo viết như sau: “Đời sống hằng ngày của chúng ta phải được quy hướng về hành động tột đỉnh, đó là việc cử hành Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu, vì Bí tích Thánh Thể – nguồn mạch của sự sống – tuôn trào trên chúng ta sinh lực để hoạt động tông đồ, và nối kết tình huynh đệ của chúng ta. Nhờ Bí tích Thánh Thể, sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô được hiện tại hóa; chúng ta được trở nên một của lễ sống động trong Chúa Kitô; và dấu chỉ sự hiệp thông của Dân Thiên Chúa được thực hiện.”[53]
Hiến pháp của Tu hội Nữ tử Bác ái viết như sau: “Ý thức tầm quan trọng trung tâm của Bí tích Thánh Thể trong đời sống và sứ vụ của Tu hội, mỗi ngày các chị em sốt sắng quy tụ quanh bàn tiệc Thánh Thể, để ‘được Lời Chúa hướng dẫn, được Mình Thánh Chúa nuôi dưỡng, và được cùng nhau dâng lời tạ ơn Chúa’ (Sacrosanctum Concilium, 48). Các chị em không chỉ hiệp nhất với nhau để ngợi khen Chúa, lắng nghe Lời Ngài, và dâng các lời cầu khẩn lên Ngài, mà các chị em còn liên kết với toàn thể nhân loại, vì ‘vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay […] cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô’ (Gaudium et Spes, 1). Hợp nhất với Chúa Giêsu tự hiến trong mầu nhiệm Vượt qua, các chị em dâng chính mình cho Thiên Chúa, để hướng đến ngày Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong mọi loài.”[54]
Bên cạnh các bản văn Hiến Pháp tuyệt vời trên, tôi xin bổ sung sáu suy tư thần học hiện nay về Bí tích Thánh Thể,[55] để các thành viên Gia đình Vinh Sơn chúng ta suy gẫm.
1. Quy tụ trong Chúa Thánh Thần
Kinh Thánh, các Kinh Tạ ơn,[56] và các hành động biểu tượng mà Giáo hội đã cử hành và đã truyền lại cho chúng ta từ hơn hai ngàn năm nay, là nguồn mạch của nền thần học Thánh Thể. Nhờ các nguồn mạch này, chúng ta hiện nay nhận thức rõ rằng Giáo hội được Chúa Thánh Thần quy tụ, để cử hành Bí tích Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu, và qua đó loan truyền sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu cho đến ngày Ngài lại đến.
Vào thời sơ khai, các Kinh Tạ ơn của Giáo hội Đông phương và Tây phương không khác nhau bao nhiêu, và đều có chung một cấu trúc căn bản: Tưởng nhớ Chúa Giêsu (anamnesis), và khẩn cầu Chúa Thánh Thần (epiclesis).[57] Trong tất cả các Kinh Tạ ơn, trình thuật về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể của Chúa Giêsu luôn ở vị trí trung tâm: “Trong đêm bị trao nộp, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra…” Chúng ta cũng biết lý do của việc tưởng nhớ (anamnesis), đó là vì lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Bối cảnh việc tưởng nhớ cũng được tái hiện cho chúng ta: Chúa Giêsu yêu những kẻ thuộc về Ngài còn ở trần gian, và Ngài đã “yêu cho đến cùng” (Ga 13, 1). Liên hệ mật thiết với trình thuật thiết lập Thánh Thể (đôi khi được đặt trước, đôi khi được đặt sau trình thuật này) là việc Giáo hội khẩn cầu (epiclesis) Chúa Cha sai Thần Khí Ngài đến thánh hóa các của lễ Thánh Thể và mọi người tham dự Thánh Thể.
Các Kinh Tạ ơn truyền thống cũng dùng chung các lời nguyện hướng về Chúa Cha, Đấng là nguồn mạch của mọi ân sủng. Cùng nhau quy tụ với lòng biết ơn, các tín hữu dâng lời tạ ơn Chúa Cha về tất cả các ơn Ngài đã ban trong Chúa Kitô (tưởng nhớ), và đồng thời cầu khẩn Chúa Cha thánh hóa của lễ bánh và rượu, các tín hữu, và toàn thể nhân loại trong Chúa Thánh Thần (khẩn cầu).[58]
Một trong các Kinh Tạ ơn mới[59] diễn tả rất rõ cấu trúc và các yếu tố căn bản trong các Kinh Tạ ơn truyền thống: (tưởng nhớ) Chúa Giêsu, (khẩn cầu) Chúa Thánh Thần, và các lời nguyện dâng lên (hướng về) Chúa Cha: “Lạy Cha rất nhân từ, chúng con nài xin Cha sai Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các của lễ bánh và rượu này, và làm cho trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Khi đồng bàn với các môn đệ yêu dấu trong đêm trước khi bị trao nộp và chịu khổ hình, Người cầm lấy bánh…”
Trong khi nền phụng vụ và thần học hiện nay rất nhấn mạnh đến Chúa Thánh Thần, thánh Vinh Sơn và nhiều người cùng thời với ngài lại quy hướng nhiều hơn về Chúa Kitô, và ít tập trung vào Chúa Thánh Thần. Trong các thư từ, thánh Vinh Sơn hiếm khi nói về Chúa Thánh Thần, và khi đề cập đến Chúa Thánh Thần, ngài chỉ nói và khai triển thoáng qua.[60]
Trái lại, thánh Louise de Marillac lại thường xuyên viết về Chúa Thánh Thần, và thường nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần. Đây là một điểm rất đáng chú ý về thánh Louise. Vào lễ Hiện xuống năm 1623, thánh Louise đã nhận được một ơn linh hứng sâu xa. Cuộc đời của ngài từ đó được hoàn toàn đổi mới; và kinh nghiệm thiêng liêng đó cũng là di sản to lớn ngài để lại cho các Nữ tử Bác ái.[61]
Quá ấn tượng với linh đạo Chúa Thánh Thần nơi thánh Louise, cha Calvet viết như sau: “Tôi dám cho rằng từ ngữ “quy Thần Khí” là tính cách đặc thù trong linh đạo của thánh Louise de Marillac. Ngài hoàn toàn hiến mình cho Chúa Thánh Thần, và là nhà thần bí của Chúa Thánh Thần.” Để minh chứng điều đó, cha Calvet trích dẫn những lời sau của thánh Louise: “Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên chúng ta tình yêu tinh ròng của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần mở cõi lòng con thảo của chúng ta ra với Chúa, và dẫn đưa chúng ta vào đời sống thần linh.”[62]
Nơi thánh Louise, tính cách “quy Thần Khí” không chỉ liên hệ đến Bí tích Thánh Thể, mà còn liên hệ đến toàn bộ đời sống tâm linh của ngài.
2. Nhớ lại, qua Lời Chúa và dấu chỉ Bí tích, các công trình cứu chuộc Chúa đã thực hiện
Theo các nhà nhân chủng học, căn tính của mỗi dân tộc được thể hiện qua các câu chuyện của dân tộc đó. Trong mỗi quốc gia, người ta kể cho nhau nghe các câu chuyện về các vị lập quốc, và về các cuộc chiến bảo vệ tổ quốc. Qua các lễ hội và các sách lịch sử, tại các gia đình và các trường học, các câu chuyện đó được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Bản văn Hiến pháp của mỗi đất nước cũng thường đề cập đến các nguyên tắc đã sản sinh ra đất nước, và hướng đến việc bảo tồn đất nước. Căn tính của các tôn giáo cũng vậy. Tại các nhà thờ và các gia đình, trong các lớp giáo lý và các Sách thánh, người tín hữu kể cho nhau nghe các câu chuyện làm nên đức tin của mình.
Căn tính của Giáo hội Công giáo chúng ta dựa trên câu chuyện (trình thuật) về sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, được hiện tại hóa nơi Bí tích Thánh Thể. Hơn thế nữa, Bí tích Thánh Thể còn liên kết trình thuật sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu với nhiều câu chuyện khác nữa trong Cựu Ước, trong đời sống của Chúa Giêsu, trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, và trong các công cuộc truyền giáo ban đầu của các tông đồ. Trình thuật Thánh Thể còn được hỗ trợ bởi nhiều thể văn Kinh Thánh, chẳng hạn, văn chương khôn ngoan, các dụ ngôn, các thánh thi ngợi khen, và các chứng nhân anh hùng về đức tin.
Như vậy, qua Lời Chúa và dấu chỉ bí tích, Thánh Thể nhắc nhớ chúng ta về công cuộc cứu độ Thiên Chúa đã thực hiện trong dòng lịch sử loài người. Lời Chúa và dấu chỉ bí tích được liên kết mật thiết với nhau: Các dấu chỉ bí tích luôn có Lời Chúa đồng hành; và Lời Chúa luôn là để giải thích ý nghĩa các dấu chỉ bí tích. Bởi đó, trong cử hành Thánh Thể, chúng ta luôn được nghe lại câu chuyện bữa tiệc ly của Chúa, kèm với các lời khẩn nguyện.
Là các thành viên Gia đình Vinh Sơn, chúng ta đều biết thánh Vinh Sơn rất nhấn mạnh đến Lời Chúa. Với ngài, Lời Chúa không bao giờ sai lầm, và Lời Chúa vững chắc như “căn nhà xây trên tảng đá.”[63] Ở đầu các chương và nhiều đoạn trong Luật Chung, thánh Vinh Sơn luôn trích dẫn một câu Kinh Thánh. Ngài đòi buộc các thành viên Tu hội phải đọc một chương Tân Ước mỗi ngày. Giám mục Abelly, vị sử gia đầu tiên của thánh Vinh Sơn, đã diễn tả việc thánh Vinh Sơn chú tâm lắng nghe Lời Chúa bằng một hình ảnh rất sinh động: “Như đứa trẻ hút sữa từ bầu vú mẹ, thánh Vinh Sơn thâu nhận sức sống từ các đoạn Kinh Thánh. Linh hồn ngài được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, và thể xác ngài được tăng sức nhờ sinh lực của Kinh Thánh. Bởi vậy, các lời ngài nói và các việc ngài làm luôn thẫm đẫm tinh thần của Chúa Giêsu Kitô.”[64] Trong một buổi huấn đức cho các thành viên Tu hội Truyền giáo về “Các giáo huấn Tin Mừng,” ngày 14 tháng 2 năm 1659, thánh Vinh Sơn nêu gương Mẹ Maria là khuôn mẫu lý tưởng của người lắng nghe Lời Chúa. Ngài nói: “Hơn ai hết, Mẹ thẩm thấu Lời Chúa, và dạy chúng ta biết phải sống Lời Chúa như thế nào.”[65]Ở đây, chúng ta cũng cần lưu ý, khi giáo huấn về tầm quan trọng của Lời Chúa, thánh Vinh Sơn không trực tiếp ám chỉ đến Bí tích Thánh Thể, nhưng ám chỉ đến bổn phận đọc Kinh Thánh của cá nhân mỗi người.
3. Kinh nguyện tạ ơn và cầu khẩn – việc tạ ơn
Nghĩa căn bản của từ ngữ “Thánh Thể” là “tạ ơn.” Trong Tân Ước, ý nghĩa tạ ơn luôn được gắn với từ ngữ Thánh Thể.[66]
Cũng trong Tân Ước, Bí tích Thánh Thể ban đầu được gọi là “Bữa ăn của Chúa;”[67] sau đó được gọi là “lễ Bẻ bánh.”[68] Giống như tên gọi Thánh Thể, các tên gọi này mang những khía cạnh quan trọng về linh đạo được diễn tả qua các nghi thức. Với tên gọi “Bữa ăn của Chúa,” biểu tượng căn bản của việc cử hành Thánh Thể là bữa ăn tưởng nhớ, trong đó chính Chúa hiện diện giữa dân Ngài. Với tên gọi “lễ Bẻ bánh,” Bí tích Thánh Thể được nhấn mạnh là một sự chia sẻ, trong đó Chúa chia sẻ sự sống của Ngài cho các môn đệ, và trong đó chúng ta được kết hợp với nhau trong Ngài.
Nhưng từ thời sơ khai nhất, các Kitô hữu đã xem Bí tích Thánh Thể là một bữa ăn tạ ơn, trong sự liên tục với các bữa ăn và kinh nguyện tạ ơn của người Do thái. Bởi vậy, vị chủ tế bắt đầu mọi Kinh Tạ ơn bằng những lời sau:
Chủ tế: Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta
Cộng đoàn: Thật là chính đáng
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha chí thánh, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo…
Trong tất cả các Kinh Tạ ơn cổ điển, Giáo hội đều biểu tỏ lòng biết ơn Chúa Cha, nhất là ơn tạo dựng và cứu độ của Ngài. Giáo hội cũng tạ ơn Chúa Cha vì đã ban Con Một Ngài – Đấng trao ban sự sống cho loài người.
Như tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết này (mục I, 4), khi nói hoặc viết về Thánh Thể, tạ ơn là một trong các chủ đề mà thánh Vinh Sơn luôn đề cập. Nhưng ngài không nói về Kinh Tạ ơn với một ý nghĩa cụ thể là để chúng ta tạ ơn Chúa về tình yêu trung tín của Ngài trong các công trình tạo dựng và cứu độ. Thay vào đó, ngài khuyến khích chúng ta, khi tham dự Thánh Thể, hãy dâng lời tạ ơn Chúa vì các ân ban mà mỗi người chúng ta và Tu hội chúng ta đã nhận được. Dù sao, tạ ơn là một chủ đề rất quan trọng trong cuộc đời và kinh nguyện của thánh Vinh Sơn. Với một ngôn từ rất mạnh mẽ, ngài nói rằng thái độ vô ơn chính là “nguồn gốc của mọi tội ác.”[69]
4. Tưởng nhớ cái chết hiến tế của Chúa Giêsu
Trong các Kinh Tạ ơn, vị chủ tế công bố Lời Chúa Giêsu: “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp cho anh em;” “Đây là chén Máu Thầy… sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.”
Bí tích Thánh Thể loan báo việc Mình Chúa Giêsu sẽ bị trao nộp, và Máu Ngài sẽ đổ ra. Bí tích này hiện tại hóa việc Chúa trao nộp chính Ngài cho chúng ta. Việc cử hành Thánh Thể đưa chúng ta vào mầu nhiệm cốt lỗi trong đức tin của chúng ta, đó là mầu nhiệm Chúa Kitô đã chết, Chúa Kitô đã sống lại, và Chúa Kitô sẽ lại đến. Bí tích này công bố sự chết của Chúa Giêsu cho đến khi Ngài đến, đồng thời đưa chúng ta vào tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu.
Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta xác tín rằng, vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã trao ban toàn bộ con người Ngài – xác và máu – cho chúng ta. Bằng một tình bạn sâu đậm nhất, Ngài chia sẻ chính Ngài cho chúng ta; Ngài trao ban cho chúng ta sự sống, linh hồn, và con tim của Ngài. Trong tình yêu tự hiến, Ngài hiện diện đích thực và tròn đầy với chúng ta và trong chúng ta.
Rõ ràng, thánh Vinh Sơn cũng nhấn mạnh khía cạnh hiến tế của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Trong Luật Chung của Tu hội Truyền giáo, ngài viết như sau: “Cách tôn thờ xứng hợp nhất mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể là chúng ta tôn kính và đón rước một cách xứng hợp Bí tích và Hy tế Thánh Thể cực thánh. Tự bản chất, Bí tích Thánh Thể bao hàm tất cả các mầu nhiệm của đức tin, và dẫn đưa tất cả những ai cử hành Thánh lễ và rước lễ một cách sốt sắng vào trong sự thánh thiện, và vào trong vinh quang đời đời. Chính qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa Duy Nhất trong Ba Ngôi, và Ngôi Lời Nhập Thể một cách sâu xa nhất.”[70] Thánh Vinh Sơn kiên quyết đòi buộc các linh mục và các tu huynh Tu hội Truyền giáo và các Nữ tử Bác ái phải cử hành hoặc tham dự Thánh lễ hằng ngày,[71] vì ngài tin rằng “bí tích và hy tế” Thánh Thể giúp chúng ta rập khuôn đời mình vào Chúa Kitô. Hiến Pháp của cả hai Tu hội đều nhắc nhở chúng ta về điều đó.[72]
Chúng ta cần lưu ý, như tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết này, thánh Vinh Sơn nhấn mạnh rằng không chỉ vị linh mục mà tất cả mọi người tham dự đều dâng hy tế Thánh Thể.
5. Hiệp thông trong Mình và Máu Chúa Kitô
Của ăn và của uống là các yếu tố biểu tượng cơ bản trong Bí tích Thánh Thể. Như Tin Mừng Gioan diễn tả: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống. Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6, 55-56). Bí tích Thánh Thể là một bữa ăn, trong đó Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta dưỡng chất để đi trọn hành trình cuộc sống. Trên con đường hướng về quê Trời, Bí tích Thánh Thể là của ăn, trao ban sức mạnh cho toàn thể Dân Chúa.
Cấu trúc các hành động và các lời nguyện trong các Kinh Tạ ơn truyền thống cho chúng ta thấy rõ dấu chỉ Bí tích Thánh Thể: Một bữa ăn tưởng niệm, đạt đến đỉnh cao nơi việc ăn và uống: “Hãy cầm lấy mà ăn,” “Hãy cầm lấy mà uống.” Qua hành động ăn và uống đó, chúng ta đi vào sự hiệp thông sâu xa hơn với Chúa Giêsu, và qua Ngài, với Dân Ngài là Hội Thánh.
Thánh Vinh Sơn rất đề cao khía cạnh hiệp thông trong Bí tích Thánh Thể: hiệp thông với Chúa Giêsu, hiệp thông với nhau trong cộng đoàn, và hiệp thông với người nghèo. Ngược với nhóm Jansenism, ngài đề cao việc rước lễ thường xuyên, vì Bí tích Thánh Thể làm cho chúng ta nên “giống Chúa Giêsu”[73] và liên kết chúng ta với nhau trong tình yêu Ngài.
Bên cạnh việc cử hành Thánh Thể, thánh Vinh Sơn cũng đề ra các thực hành đạo đức khác, chẳng hạn như viếng Thánh Thể[74] và chầu Mặt Nhật, để giúp chúng ta hiệp thông liên tục với Chúa Giêsu trong mỗi ngày sống. (Hình Mặt Nhật, kèm với dòng chữ “O Salutaris Hostia,” được in ngay trang đầu tiên trong cuốn Luật Chung của Tu hội Truyền giáo, năm 1658). Hiến Pháp hiện nay của Tu hội Truyền giáo cũng nhắc lại các lời dạy của thánh Vinh Sơn về các thực hành đạo đức “tôn thờ Thánh Thể,” để giúp chúng ta gia tăng lòng sùng kính Thánh Thể.[75]
6. Một cộng đoàn được đặc biệt sai đến với người nghèo
Nếu biểu tượng của ăn và của uống trong bữa ăn hiến tế của Chúa Giêsu nhắc chúng ta nhớ đến sự chết của Ngài cho đến khi Ngài đến, thì việc rước lễ có mục đích hiệp nhất chúng ta với đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô như sau: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10, 17). Sách Didache, được viết khoảng năm 107, nhấn mạnh như sau: “Như tấm bánh chúng ta bẻ ra, sau khi được gieo vãi khắp các núi đồi, được tập hợp lại và làm thành một, ước gì Giáo hội của Chúa cũng được quy tụ từ khắp bờ cõi trái đất vào một Vương quốc của Chúa.”[76]
Sự sống của Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta ra đi truyền giáo, nhất là cho những người khốn cùng. Một Kinh Tiền tụng mới diễn tả điều đó rất tuyệt vời như sau: “Lạy Chúa là Cha rất cao cả và từ bi, chúng con ngợi khen Chúa thật là chính đáng và phải đạo. Chúa đã sai Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô đến ở với chúng con và cứu độ chúng con. Ngài đã chạnh lòng thương những kẻ khó nghèo và cô thế cô thân, những kẻ đau yếu và tội lỗi; Ngài đã trở nên bạn hữu của những kẻ bị áp bức. Bằng lời nói và việc làm, Ngài đã tỏ cho chúng con thấy Chúa yêu thương chúng con như người cha yêu thương con cái.”
Chúng ta cần tránh tách trình thuật Thánh Thể khỏi các bản văn khác của Tân Ước về bàn tiệc Kitô giáo.[77] Phúc Âm Luca và sách Tông đồ Công vụ giúp chúng ta đặt Bí tích Thánh Thể vào bối cảnh của việc quy tụ, trong đó cộng đoàn tín hữu chia sẻ Lời Chúa, kinh nguyện, của ăn, và tài sản cho nhau.[78] Trong Tin Mừng của ngài, thánh Luca viết như sau: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giầu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14, 12-14). Trong sách Tông đồ Công vụ, thánh Luca viết: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 42-47; cf. Cv 4, 32tt). Nói về tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và người nghèo, thánh Gioan Kim Khẩu viết ra những lời đánh động như sau: “Anh chị em có muốn tôn kính Mình Thánh Chúa Kitô? Vậy thì, anh chị em đừng xem thường Ngài, khi anh chị em thấy Ngài trần truồng giữa những kẻ nghèo khó. Ích gì cho anh chị em nếu anh chị em dâng lên Ngài những của lễ đẹp mắt ở nơi đây, trong nhà thờ này, nhưng sau đó, khi rời nhà thờ, anh chị em bỏ rơi Ngài lạnh lẽo và trần truồng. Bởi vì, chính Đấng đã nói: “Đây là Mình Thầy,” cũng là Đấng đã phán: “Ta đói các ngươi đã không cho Ta ăn,” và “Điều gì các ngươi không làm cho những kẻ bé mọn nhất đây, các ngươi cũng không làm cho Ta.”[79]
Ngày nay, trong khi Giáo hội đang cố gắng ưu tiên lựa chọn người nghèo, Bí tích Thánh Thể phải thúc đẩy chúng ta thiết lập mối dây liên đới với những người nghèo khó ngay bên cạnh chúng ta, và những người nghèo ở những vùng đất xa xôi. Sau khi được Công đồng Giêrusalem sai đi truyền giáo cho dân ngoại, thánh Phaolô viết như sau: “Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm” (Gl 2, 10).
Như đã nói ở phần đầu bài viết này (I, 7), thánh Vinh Sơn coi Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch hữu hiệu của công cuộc rao giảng Tin Mừng. Nói cách khác, theo suy nghĩ của ngài, Bí tích Thánh Thể được liên kết với đời sống và công cuộc truyền giáo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của năng lực truyền giáo và của các nhân đức truyền giáo mà các thành viên trong hai Tu hội của ngài phải có để phục vụ người nghèo. Như chúng ta đã biết, quan điểm thần học của thánh Vinh Sơn về Bí tích Thánh Thể chịu ảnh hưởng bởi thời đại của ngài. Tuy nhiên, cách nói của ngài lại rất phù hợp với các nhà tư tưởng đương đại của Giáo hội. Ngài dạy chúng ta phải tham dự Thánh Thể một cách tích cực. Ngài không chỉ nhấn mạnh cái chết của Chúa Giêsu mà còn sự phục sinh của Ngài. Ngài chỉ ra tầm quan trọng của lời ngợi khen và lời tạ ơn khi cử hành Thánh Thể. Ngài xác tín Thánh Thể là của ăn và là phương thuốc cho chúng ta trên cuộc hành hương về Nước Trời. Ngài dạy chúng ta rước lễ thường xuyên, vì việc rước Mình Máu Thánh Chúa sẽ là mối dây hiệp nhất chúng ta với Chúa Giêsu và với người khác, cũng như sẽ là nguồn mạch phát sinh sứ vụ phục vụ người nghèo của chúng ta.
Với cách trình bày rất thực tế và rõ ràng, thánh Vinh Sơn nhắc đi nhắc lại rằng những ai tham dự Thánh Thể phải nhất thiết có lòng đạo và lòng sốt mến. Nếu tham dự Thánh Thể cách sốt sắng, chúng ta sẽ được Chúa biến đổi. Còn nếu tham dự cho có lệ, chúng ta sẽ chẳng được ơn ích gì.[80]
Sau câu phát biểu của một chị Nữ tử Bác ái trong buổi huấn đức ngày 18 tháng 8 năm 1647, thánh Vinh Sơn đưa ra một nhận xét sâu sắc như sau: “Ôi! Những lời chị nói thật tuyệt vời làm sao! Chị đã nói rằng tất cả những chị em rước lễ sốt sắng thì đều có thể chu toàn mọi công việc một cách tốt đẹp. Quả vậy, nhờ được Chúa ban cho gấp đôi thần khí của tiên tri Êlia, tiên tri Êlisha đã có thể làm được những điều kỳ diệu và lớn lao. Há những chị em thực sự có Chúa nơi mình và được tràn đầy Thần Khí Chúa lại chẳng làm được tất cả mọi sự sao? Những chị em đó không còn hành động bởi sức riêng của mình nữa, mà hành động với Chúa Giêsu Kitô. Những chị em đó sẽ chăm sóc người đau yếu với tấm lòng bác ái của Chúa Giêsu Kitô, sẽ cư xử và nói năng bằng sự dịu hiền của Chúa Giêsu Kitô, sẽ đương đầu với mọi khó khăn thử thách bằng sự kiên nhẫn và sự vâng phục của Chúa Giêsu Kitô. Các con yêu quý, nói một cách ngắn gọn, mọi hành động của các chị em ấy sẽ không còn đơn thuần là bởi sức con người, nhưng là bởi sức mạnh của Chúa Giêsu Kitô.”[81]
Phaolô Phạm Quang Hoàng, CM chuyển ngữ
[1] SV XI, 146.
[2] SV XI, 146.
[3] SV XIII, 32.
[4] SV IX, 5.
[5] SV VI, 393.
[6] Raymond Deville, L’École française de spiritualité (Paris: Desclée, 1987) 103-104. 18
[7] SV XIII, 32.
[8] SV IX, 5.
[9] André Dodin, François de Sales – Vincent de Paul, les deux amis (Paris: O.E.I.L., 1984)
[10] One finds a similar emphasis on “devotion” in the writing of John Eudes. Cf., Bérulle and the French School,
Selected Writings, edited with an introduction by William M. Thompson (New York: Paulist Press, 1989) 39.
[11] SV XIII, 34.
[12] Cor 11:27-29.
[13] Cf. Robert P. Maloney, He Hears the Cry of the Poor (Hyde Park, New York: New City Press, 1995) 30-51.
[14] SV XIII, 34.
[15] SV IX, 5.
[16] Ibid.
[17] Ibid.
[18] SV XIII, 37.
[19] SV XI, 165.
[20] SV III, 371.
[21] SV IX, 339.
[22] SV XIII, 34.
[23] SV III, 371; XIII, 32.
[24] SV XIII, 34.
[25] SV III, 371.
[26] Ibid.
[27] SV IX, 298.
[28] Ibid.
[29] SV IX, 333.
[30] SV IX, 237.
[31] SV IX, 101.
[32] SV IX, 237.
[33] Ibid.
[34] SV IX, 239; cf. also, IX, 339.
[35] SV III, 298.
[36] SV IX, 333.
[37] Abelly, III, 77.
[38] SV XI, 239.
[39] SV XIII, 31.
[40] SV XI, 93.
[41] SV IX, 298-299.
[42] SV XI, 93.
[43] Ibid.
[44] SV IX, 5.
[45] SV XIII, 86ff.
[46] SV III, 362ff.
[47] Xavier Léon-Dufour, Sharing the Eucharistic Bread: The Witness of the New Testament, trans. Matthew O’Connell (New York: Paulist Press, 1987); Jean Delorme et al., The Eucharist in the New Testament: A Symposium, trans. E. M. Stewart (Baltimore: Helicon, 1964): Joachim Jeremias, The Eucharistic Words of Jesus, trans. Norman Perrin (Philadelphia: Fortress Press, 1978); Edward J. Kilmartin, The Eucharist in the Primitive Church (Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice Hall, 1965); Edward Schweizer, The Lord’s Supper according to the New Testament, trans. James Davis (Philadelphia: Fortress Press, 1968).
[48] Cf. Annibale Bugnini, La Riforma Liturgica (Rome: Edizioni Liturgiche, 1983).
[49] Sacrosanctum Concilium 10.
[50] Carlo Braga and Annibale Bugnini, Documenta ad Instaurationem Liturgicam Spectantia 1903-1963 (Rome: CLV-Edizioni Liturgiche, 2000).
[51] Cf. “The Eucharist: Final Report of the Joint Roman Catholic-Lutheran Commission, 1978,” in Growth in
Agreement 190-214; Joint Lutheran-Roman Catholic International Study Commission, “Church and
Justification: Understanding the Church in the Light of the Doctrine of Justification,” no. 3, 3, Information
Service of the Secretariat for the Promoting of Christian Unity 86 (1994) 128-81, at 142-43.
[52] Cf. Joint International Commission for Roman Catholic/Orthodox Theological Dialogue, “The Church, the
Eucharist and the Trinity,” in Origins 12 (1982): 157-160.
[53] Constitutions of the Congregation of the Mission 45, § 1.
[54] Constitutions of the Daughters of Charity 2.12.
[55] Louis Bouyer, Eucharist: The Theology and Spirituality of the Eucharistic Prayer, trans. Charles Underhill Quinn (Notre Dame, Indiana: University of Notre Dame Press, 1968); Xavier Léon-Dufour, Sharing the Eucharistic Bread: The Witness of the New Testament, trans. Matthew O’Connell (New York: Paulist Press, 1987); Enrico Mazza, The Eucharistic Prayers of the Roman Rite, trans. Matthew O’Connell (New York: Pueblo Publishing Co., 1986); Nathan Mitchell, Cult and Controversy: The Worship of the Eucharist outside Mass (New York: Pueblo Publishing Co., 1982); David N. Power, The Sacrifice We Offer: The Tridentine Dogma and Its Reinterpretation (Edinburgh: T and T Clark; New York: Crossroad, 1987); Willy Rordorf et al., The Eucharist of Early Christians, trans. Matthew O’Connell (New York: Pueblo Publishing Co., 1978); Edward Schillebeeckx, The Eucharist (New York: Sheed and Ward, 1968); Kevin Seasoltz, ed., Living Bread, Saving Cup: Readings on the Eucharist, rev. ed. (New York: Pueblo Publishing Co., 1987). Many complete bibliographies on the theology of the Eucharist are available on Internet. Cf.: http://camellia.shc.edu/theology/TheologyEucharist.htm
[56] David N. Power, “Eucharist,” in Systematic Theology, Roman Catholic Perspectives, edited by Francis
Schüssler Fiorenza and John P. Galvin (Minneapolis: Fortress Press, 1991) II, 261ff.
[57] Cf. A very interesting chart in John H. McKenna, Eucharist and the Holy Spirit (London: Alcuin Club
Collections No. 57, 1975) 46-47.
[58] Edward Kilmartin, “Catholic Eucharistic Theology,” in Theological Studies, Vol. 55, No. 3, September 1994,
444.
[59] Eucharist Prayer for Various Needs and Occasions 4: Jesus the Compassion of God.
[60] For an interesting article on this matter, cf. Benito Martínez, “Espíritu Santo” in Diccionario de Espiritualidad
Vicenciana (Salamanca: CEME, 1995) 213-219.
[61] “On the Feast of Pentecost, during holy Mass or while I was praying in the church, my mind was instantly
freed of all doubt. I was assured … that a time would come when I would be in a position to make vows of
poverty, chastity and obedience and that I would be part of a small community where others would do the same. I then understood that I would be in a place where I could help my neighbor but I did not understand how this would be possible since there was to be much coming and going. I was also assured that I should remain at peace concerning my director; that God would give me one whom he seemed to show me” (Écrits Spirituels, 3 [A. 2]).
[62] Jean Calvet, Sainte Louise de Marillac par elle-même (Paris: Aubier, 1958) 204-205.
[63] CR II, 1.
[64] Abelly, Book III, 72-73.
[65] SV XII, 129.
[66] Cf. 1 Cor 11:24; Mk 8:6; 14:23; Mt 15:36; 26:27; Lk 22:17; 24:30; Jn 6:11; Mk 6:41; 14:22; Mt 14:19; 26:26;
Lk 9:15; 22:19.
[67] 1 Cor 11:20.
[68] Lk 24:35; Acts 2:42.
[69] SV III, 37.
[70] CR X, 3.
[71] CR X, 6; cf. SV IX, 5.
[72] Constitutions of the Congregation of the Mission 45 § 1; Constitutions of the Daughters of Charity 2.12.
[73] SV IX, 238.
[74] CR X, 3.
[75] S 19.
[76] Didache 9:4.
[77] There is much interesting literature on the relationship between the Eucharist and the Church’s mission to the
poor: Tissa Balasuriya, The Eucharist and Human Liberation (Maryknoll, New York: Orbis Book, 1977);
William T. Cavanaugh, Torture and Eucharist: Theology, Politics, and the Body of Christ, Challenges in
Contemporary Theology (New York: Blackwell, 1998); James Dallen, “Liturgy and Justice for All” in Worship
65 (1991) 290-306; James L. Empereur and Christopher G. Kiesling, Liturgy That Does Justice, Theology and
Life Series 33 (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press [A Michael Glazier Book], 1990); Peter E. Fink,
“The Challenge of God’s Koinonia” in Worship 59 (1985) 386-404; John C. Haughey, ed., The Faith that Does
Justice: Examining the Christian Sources for Social Change (New York: Paulist Press, 1977); Monika K.
Hellwig, The Eucharist and the Hunger of the World (New York: Paulist Press, 1976); David N. Power,
“Worship after the Holocaust” in Worship 49 (1985) 447-455; Gail Ramshaw, “The Place of Lament Within
Praise: Theses for Discussion” in Worship 61 (1987) 317-322; Herman Schmidt and David Power, eds., Politics
and Liturgy, Concilium: Religion in the Seventies (New York: Herder and Herder, 1974); Catherine Vincie,
“The Cry for Justice and the Eucharist” in Worship 68 (1994) 194-210; Goeffrey Wainwright, “Eucharist and/as
Ethics” in Worship 62 (1988) 123-138; Nicholas Wolterstorff, “Liturgy, Justice, and Tears” in ibid. 386-403.
[78] Cf. Jerome Murphy-O’Connor, “Eucharist and Community in First Corinthians,” in Worship 50 (1976): 370-
385; 51 (1977) 56-69; Gerd Theissen, “Social Integration and Sacramental Activity: An Analysis of 1
Corinthians 11:17-34,” in his The Social Setting of Pauline Christianity: Essays on Corinth, trans. J. H. Schutz
(Philadelphia: Fortress Press, 1982), 145-174.
[79] Trong các bài giảng của ngài, thánh Gioan Kim Khẩu thường chỉ ra sự liên kết chặt chẽ giữa việc chia sẻ Thánh Thể và việc phục vụ người nghèo. Cf. Homilies on the Gospel of St. Matthew, XLIX.
[80] SV IX, 331.
[81] SV IX, 332-333.