Cảm Nghiệm Tâm Linh Về Đức Kitô Theo Chân Phước Durando

0
888

DẪN NHẬP

Cha Giovani Rinaldi, bề trên nhà Paix de Chieri đã nói sau khi nghe tin cha Marcantonio Durando qua đời: Chúng ta đã mất đi một thánh Vinh Sơn thứ hai. Câu nói này đã được tất cả thành viên Vinh Sơn chấp nhận và là một xác tín chung.[1] Qua câu nói này, chúng ta có thể hình dung một phần nào đó về chân phước Durado. Chính qua đời sống thi hành sứ vụ của mình, ngài đã biểu lộ một con người của đức tin vào Đức Kitô, một con người của nội tâm sâu xa kết hợp giữa cầu nguyện và làm việc. Cả đời ngài đã dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, điều này thể hiện trong cái nhìn của ngài về người nghèo trong Đức Kitô, như tinh thần của thánh Vinh Sơn để lại. Như vậy, trong phần trình bày cảm nghiệm tâm linh về Đức Kitô theo chân phước Durando, chúng ta sẽ có dịp nhìn lại cuộc đời và việc thi hành sứ vụ của chân phước. Đồng thời, thấy được cảm nghiệm tâm linh sâu sắc về hình ảnh Đức Kitô trong từng công việc cha Durado làm. Nội dung phần trình bày gồm có các phần sau: 1. Ơn gọi tận hiến bắt nguồn từ nơi Đức Kitô; 2. Đức Kitô trong sứ vụ bác ái; 3. Nhận định và bài học bản thân.

1. ƠN GỌI TẬN HIẾN BẮT NGUỒN TỪ NƠI ĐỨC KITÔ

Như chúng ta biết, Durando sinh ra trong một gia đình thế giá và khá giả ở Mondovi. Bầu khí tự do trong gia đình không những nhuốm màu trào lưu tục hóa, mà còn nhuốm màu trào lưu chống giáo sĩ.[2] Một cách tất yếu những điều này sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng và tâm trí của Durando. Nhưng may thay, mẹ ngài là một người rất sùng đạo và giàu nhân đức Kitô giáo, vì vậy bà đã dạy dỗ con cái rất tế nhị. Chính vì điều ấy đã ảnh hưởng tích cực hơn lên Durando và kéo tâm hồn cậu khỏi vết lầy của xã hội. Có lẽ đây là ý Chúa quan phòng để gìn giữ ngài khỏi những trào lưu tục hóa thời bấy giờ. Nhờ nền giáo dục của người mẹ thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, Durado đã có ước mơ dâng hiến từ khi còn nhỏ. Hình ảnh Đức Kitô đã thắp sáng tâm hồn cậu Durando, cụ thể là khi mới lên 14 tuổi cậu đã vào chủng viện giáo phận Mondovi. Đến năm 17, cậu vào nhà tập. Hình ảnh Đức Kitô chịu chết trên thập giá thúc bách cậu nhiều hơn. Cậu đã có ước mơ đi truyền giáo bên Trung Quốc dù biết rằng thời kỳ này phong trào bách hại Kitô giáo đang trở nên gay gắt. Để thực hiện ước mơ, cậu quyết định gia nhập Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn, hết năm tập viện cậu được gửi đi học tại học viện Sarzana do các cha thừa sai Vinh Sơn điều hành. Lòng nhiệt thành luôn nung nóng tâm hồn cậu Durando, nên cậu học hành rất tốt, cha Bề trên Tập Viện lượng giá về Durando cho Bề trên ở Sarzana như sau: “Thầy Durando là người có tư cách rất tốt về mọi phương diện, và thực sự được Chúa gửi đến cho nhu cầu hiện thời của Tu Hội… một người trong sáng, nề nếp, khéo léo trong công việc, kính cẩn khiêm nhường; tóm lại, tôi hy vọng cha hết sức hài lòng về thầy.”[3]

2. ĐỨC KITÔ TRONG SỨ VỤ BÁC ÁI

Trong đoạn đầu huấn từ của chân phước Durando về tình yêu Đức Kitô chịu đóng đinh: “Canvê là ngọn núi của những người yêu Chúa và các vết thương hé mở của Đức Giêsu chịu đóng đinh là nơi trú ẩn và là chỗ nương thân của những người yêu của Người”[4], cho thấy ngài có một lòng yêu mến Đức Kitô một cách đặc biệt. Vào năm 1822, sức khỏe yếu và cái chết của người mẹ yêu quý đã làm gián đoạn việc học của Durando. Ngài thụ phong linh mục tại nhà thờ chánh tòa Fossano ngày 12 tháng 6 năm 1824. Có thể lòng nhiệt thành vì yêu mến Đức Kitô luôn thôi thúc trong tâm hồn ngài nên ngài luôn muốn dấn thân trọn vẹn cho Chúa. Ngài đã viết nhiều đơn xin đi truyền giáo ở nước ngoài, nhưng không được chấp nhận vì lý do sức khỏe. Ngài được bề trên sai đi giảng tuần đại phúc ở miền quên, và giảng các cuộc tĩnh tâm cho hàng giáo sĩ. Ngài đã rất thành công ở miền Piémont do đời sống nội tâm gắn kết với Đức Kitô cùng lòng nhiệt huyết không mệt mỏi, tất nhiên, ngài có tài hùng biện nhờ ơn Chúa.[5] Ngài trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến và xin làm cố vấn. Từ đây, ngài mang danh là “thánh Vinh Sơn nhỏ bé của nước Ý”.

Đức Kitô trong hình ảnh người nghèo được thể hiện rõ trong các công việc bác ái của cha Durando. Ngài nói trong diễn từ giáo huấn như sau: “Và nếu tình yêu đã làm cho Chúa ôm lấy thập giá và những đinh nhọn đóng trên gỗ, rồi cuối cùng, Chúa chịu đau khổ, chịu chết vì quá yêu mỗi người chúng ta, làm sao chúng ta có thể nhẫn tâm trước lòng bác ái như thế?” Chính Chúa đã yêu thương ta bằng tình yêu vĩ đại, làm sao chúng ta lại vô tâm không đáp trả tình yêu đó?[6] Cụ thể, tình yêu được thể hiện bằng việc thi hành bác ái cho người nghèo. Chính Chúa Kitô là hiện thân trong những người nghèo. Ý thức rõ điều này, cha Durando đã làm mọi sự để đưa các Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh Sơn vào nước Ý. Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả để không bao giờ từ chối một lời đề nghị bác ái nào, thậm chí những lời đề nghị rất mạo hiểm. Các chị Nữ Tử Bác Ái đã thi hành sứ vụ của mình, chăm sóc các bệnh nhân, những người bị thương từ vùng nội chiến, người nghèo. Hội Lòng Thương Xót cũng giống như hội Các Bà Bác Ái ở Pháp, được thành lập nhờ sự giúp đỡ của các chị Nữ Tử Bác Ái, nhưng linh hồn của hội chính là cha Durando. Đây là một cách đi vào hệ thống xã hội đầy chiến tranh, hận thù và bất công đang bóp chẹt con người, nhất là người nghèo. Sự giúp đỡ của hội không phải là sự chắp vá nhưng là tình yêu Kitô giáo thay đổi mọi hệ thống khác biệt của xã hội. Cha Durando cũng thành lập Con Đức Mẹ để huấn luyện Kitô giáo cho giới trẻ, đây cũng là những hạt giống thật sự cho ơn gọi mà cha Durando ước mong.[7]

Cha Durando gặp rất nhiều khó khăn trong biến cố ngày 3 tháng 7 năm 1886 buộc phải hủy bỏ các cộng đoàn tu trì, bị tịch thu mọi tài sản nhà cửa. Sau đó, ngài đã phải xoay sở mua lại các căn nhà đó. Trong bối cảnh nước Pháp rối ren vào thế kỷ 19, Hội Thánh lúc đó ngăn cấm những người sinh ra khác tôn giáo, những trẻ ở cô nhi viện hay những người con ngoại hôn được bước vào đời sống thánh hiến. Cha Durando thể hiện nỗi kinh ngạc về bối cảnh pháp lý của thời đại: “Chao ôi! Các thiếu nữ này đã có thể là và trở thành những tâm hồn ưu tuyển và nghĩa thiết với Thiên Chúa hơn những gì tôi tưởng…”[8] Cha Durando đã rất can đảm canh tân suy nghĩ đó và thành lập Dòng các Nữ Tử Sự Thương Khó Chúa Giêsu Nazarét, gọi vắn tắt là các Sơ Nazarét với lời động viên: “Các con hãy cầu nguyện, hãy vâng phục và hãy trở nên những thánh nữ.”[9] Công việc này rõ ràng cho thấy tình yêu của cha Durando dành cho Đức Kitô được biểu lộ cách cụ thể. Ngài nói trong huấn từ: “Chúng ta phải có một con tim biết cảm nghiệm, biết yêu và biết sống hy sinh vì tình yêu Chúa, và vì thánh ý của Thiên Chúa.”[10] Thánh Vinh Sơn là người đặt niềm tin trong mọi công việc dưới sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Cũng vậy, cha Durando chờ đợi những dấu chỉ thời đại và thi hành theo thánh ý Thiên Chúa: “Cha đã quyết định trông cậy vào Chúa Quan Phòng vừa theo bước sự linh ứng tốt lành vừa thực hiện linh ứng… cha xin các con hãy đón nhận nét yêu thương này của Chúa Quan Phòng với niềm biết ơn sâu xa…”[11] Các dấu chỉ ấy nêu lên sự trợ giúp ngày và đêm cho các bệnh nhân tại tư gia. Cha Durando đã để lại một di sản thiêng liêng cho các Sơ Nazarét đó là việc tôn thờ sự thương khó của Đức Giêsu.[12]

Cuối cùng, hình ảnh Đức Kitô luôn là động lực cho cha Durando sống và phục vụ. Trong các việc bác ái của ngài, chúng ta thấy rõ nét một Vinh Sơn thứ hai. Vì cha Durando là một người có nội tâm phong phú, có uy tín trước mặt người đời, ngay cả các đấng bậc trong chính quyền thời bấy giờ. Ngài để lại những lời khuyên và một khuôn mẫu phải phỏng theo. Ngài thủ đắc các nhân đức của Thánh Vinh Sơn: dịu hiền, nhân từ, khiêm nhường nhưng vẫn có sức mạnh của sự nghiêm khắc. Tất cả những việc ngài làm là để tôn vinh Thiên Chúa nơi người nghèo. Ngài đã làm cho tư tưởng của thánh Vinh Sơn phát triển và trở thành vấn đề thời sự dù đã xa cả hàng thế kỷ.[13]

3. NHẬN ĐỊNH VÀ BÀI HỌC BẢN THÂN

Chân phước Durando là mẫu gương tuyệt vời trong đời sống tâm linh. Ngài đã thấm nhuần tinh thần bước theo Đức Kitô Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo của Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn. Sự thấm nhuần đó biểu lộ bằng chính đời sống của ngài trong việc rập khuôn theo Đức Kitô trong mọi sự trở nên khí cụ đắc lực của Thiên Chúa. Cũng như thánh Tổ phụ Vinh Sơn, ngài luôn nhìn thấy Đức Kitô trong những người nghèo hèn, bần cùng, đói khổ, bệnh tật, những người bị gạt ra khỏi xã hội. Ngài đã tôn trọng và ân cần giúp đỡ họ, ngài đã thay đổi hệ thống xã hội bất công đương thời bằng việc bác ái yêu thương. Ngài đưa phẩm giá người nghèo trở lại giá trị vốn có của nó, ai cũng có giá trị phẩm giá như nhau trước mặt Chúa.  

Liên hệ bản thân, gương sáng trong đời sống tâm linh và hoạt động bác ái của chân phước Durando là một động lực thúc đẩy tôi suy gẫm lại bản thân. Đầu tiên là việc thấm nhập tinh thần Vinh Sơn, tập cách nhìn mọi người dưới sự hiện diện của Đức Kitô, đặc biệt là nơi những người nghèo. Thứ hai là dấn thân trong việc thi hành bác ái, cụ thể đi làm nhà người nghèo, thăm bệnh nhân, chu toàn công việc bổn phận. Thứ ba, trong mọi cảnh huống của cuộc sống, dù tốt đẹp hay khó khăn luôn phó thác vào ý Thiên Chúa Quan Phòng. Với niềm tin và nhờ ơn Chúa giúp tôi sẽ sống tốt hơn mỗi ngày trong đời sống tương quan với Thiên Chúa và anh em trong cộng đoàn.

Đức Kitô có một vị trí quan trọng trong đời sống dâng hiến của cha Durando. Tình yêu của ngài dành cho người nghèo nói lên tất cả điều đó. Lòng nhiệt thành, tận tụy và hy sinh đến cùng cho sứ vụ là một lời chứng hùng hồn nhất về một con người có nội tâm phong phú sâu sắc. Đức Kitô là tất cả đối với ngài, vì thế trong đời sống tâm linh của mình, ngài luôn bình an và sáng suốt, mặc dù gặp không ít những khó khăn. Qua phần trình bày ngắn: Cảm Nghiệm Tâm Linh Về Đức Kitô Theo Chân Phước Durando này, chắc chắn còn rất nhiều thiếu sót, nhưng một phần nhỏ nào đó giúp người viết nhìn lại đời sống thiêng liêng của bản thân, với hy vọng thay đổi suy nghĩ tiêu cực trước đây của mình và thăng tiến hơn trong việc theo Chúa, Đấng Rao Giảng Tin Mừng Cho Người Nghèo.

Giuse K’Tim

Thư mục tham khảo:

[1] Các Thánh Và Các Chân Phước Trong Gia Đình Vinh Sơn, Tổng Hợp 2011, tr 154-155

[2] Ibid, tr 138

[3] Ibid, tr 139

[4] Ibid, tr 155

[5] Ibid, tr 139

[6] Ibid, tr 155

[7] Lược Sử Chân Phước Marcantonio Durando (1801-1880) https://vinhson.net/luoc-su-chan-phuoc-marcantoniodurando-1801-1880.html, thứ 4, ngày 4/5/2022, 15h10’

[8] Các Thánh Và Các Chân Phước Trong Gia Đình Vinh Sơn, tr 150

[9] Ibid, tr151

[10] Ibid, tr 156

[11] Ibid, tr 150

[12] Ibid, tr 151

[13] Ibid, tr 155