(Bài đọc I: Đnl 18:15-20; Bài đọc II: 1 Cr 7:32-35; Tin Mừng: Mc 1:21-28)
Uy quyền của Thiên Chúa
Bạn đã bao giờ nghe ai đó nói chuyện hoặc giảng bài mà thông điệp tỏa ra từ toàn bộ con người – ngôn ngữ, tính cách, giọng nói của họ chứ không chỉ chủ đề? Có lẽ người đó đang nói về điều gì đó mới mẻ, hoặc có thể đó là một chủ đề mà bạn đã biết nhưng không hiểu, vì lý do gì mà hôm nay nó đột nhiên trở nên rõ ràng và được hiểu thấu đáo hơn. Các bài đọc Chúa Nhật tuần này liên quan đến một người nói “có thẩm quyền”. Đó chính là Đức Giêsu, Đấng đã giảng dạy dân chúng một cách thuyết phục bởi quyền năng của Ngài.
Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Đệ Nhị Luật (18:15-20 [71b]). Ở đây, Môisê, người có ảnh hưởng nhất trong Cựu Ước, đang dạy những người theo ông và dân Do Thái về tương lai, cũng như cách họ nên ứng xử trong các vấn đề đức tin và đạo đức, khi cuối cùng, họ đã bước vào Đất Hứa. Ông hứa rằng Thiên Chúa sẽ sai đến một con người vĩ đại để lãnh đạo dân Chúa: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18, 15). Mặc dù điều này ám chỉ các đấng ngôn sứ của Thiên Chúa sẽ được sai đến sau này, nhưng không thể phủ nhận rằng Chúa Giêsu là ngôn sứ tối thượng. Vì vậy, ở đây dường như Môisê đang đề cập đến vị ngôn sứ vĩ đại, chính là Chúa Giêsu sau này và hướng dẫn dân của ông hãy chú ý và ghi nhớ những gì Ngài nói. Môisê nói chuyện với dân thay cho Thiên Chúa, trong khi Chúa Giêsu nói chuyện với dân vì Ngài là Thiên Chúa.
Thánh Vịnh Đáp Ca (95:1-9) là một bài suy niệm về các biến cố lang thang trong sa mạc của dân Israel. Họ càu nhàu và phàn nàn về sự lãnh đạo của Môisê cũng như tình trạng không có nước và thức ăn của chính họ, điều này cho thấy họ thiếu đức tin vào Thiên Chúa và vào Môisê.Toàn bộ thánh vịnh là một lời khuyên hãy “đứng yên đó” lắng nghe và vâng theo tiếng Chúa.
Bài đọc thứ hai trích từ Thư thứ nhất Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (7:32-35). Đây là phần tiếp theo của lá thư Thánh Phaolô được đọc trong tuần này, trong đó ngài nói về việc bị phân tâm bởi những thứ thuộc “thế gian này”. Thánh Phaolô không coi trọng cuộc sống độc thân hơn cuộc sống hôn nhân. Đúng hơn, ngài đang chỉ ra rằng, một số nghề nghiệp hoặc công việc nhất định gây ra nhiều phiền nhiễu hơn những nghề nghiệp khác và chúng ta nên đề phòng những phiền nhiễu có thể ngăn cản chúng ta nghe Chúa nói với chúng ta, vì ngài “chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co” (1 Cr 7, 35). Mỗi người đều có thể là hiện thân cho tiếng nói của Chúa cho người khác. Do đó hãy tỉnh táo để lắng nghe tiếng Chúa.
Bài đọc Tin Mừng trích từ Tin Mừng Máccô (1:21-28). Đây là một phần ngắn gọn nhưng đầy sức thuyết phục trong Tin Mừng Máccô minh họa hai khía cạnh sứ mạng của Chúa Giêsu. Ngài đến để dạy dỗ và chiến thắng cái ác, và Ngài chứng minh điều đó bằng một phép lạ đầy quyền năng. Chúa Giêsu đến để giảng dạy “với thẩm quyền” – thẩm quyền của Thiên Chúa – một điều gì đó mới mẻ và tươi mới cho tâm hồn. Giọng nói và thông điệp của Ngài có sức mạnh thậm chí còn hơn cả các ác thần, vậy tại sao chúng ta lại không muốn lắng nghe và tuân theo?
Khi Đức Kitô giảng dạy trong hội đường, dân chúng đã ngạc nhiên về uy quyền mà Ngài nói, điều này rất khác với cách các thầy thông luật dạy họ. Như muốn phá hoại uy quyền giảng dạy này, một kẻ bị quỷ ám phá rối bằng cách la hét và gây ra cảnh tượng hỗn loạn. Chúa Kitô ngay lập tức trừ quỷ, điều này đương nhiên khiến mọi người kinh ngạc và thắc mắc: “Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1, 27). Đức Kitô đã gây ấn tượng với họ bằng thẩm quyền của lời nói của Ngài, và bây giờ Ngài xác nhận thẩm quyền này bằng việc làm của mình. Chúa Kitô mạc khải Chúa Cha bằng lời nói và việc làm. Ngài là mẫu mực của sự chân thực: những gì Ngài nói và làm hoàn toàn trùng khớp với con người thật của mình.
Trong Giáo hội ngày nay, người ta đòi hỏi một cách chính đáng tính xác thực từ các vị lãnh đạo Giáo hội với tư cách là những người đại diện cho Chúa và nói thay mặt Ngài. Người ta có quyền yêu cầu những người giảng dạy về Thiên Chúa phải thực sự biết Ngài và dành thời gian cầu nguyện với Ngài, nói chuyện với Ngài “như một người nói chuyện với một người bạn”. Quyền lực của chức vụ là có thật và quan trọng, và chúng ta không thể bỏ qua hoặc bác bỏ nó. Nhưng để có hiệu quả, thẩm quyền của chức vụ phải được bổ sung bởi thẩm quyền kinh nghiệm và thẩm quyền đặc sủng. Nói cách khác, một người phải thực sự biết và yêu mến Thiên Chúa thì mới có thể nói về Ngài một cách có thẩm quyền.
Không ai trong chúng ta có được sự mặc khải đầy đủ về Thiên Chúa là ai và Ngài muốn gì. Lựa chọn duy nhất của chúng ta là hạ mình xuống và để Chúa dạy dỗ, nuôi dưỡng và bảo vệ chúng ta thông qua Giáo hội của Ngài. Chỉ trên thiên đàng, khi cuối cùng chúng ta đã sẵn sàng để gặp Chúa, chúng ta mới không còn cần những người trung gian nữa.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM