Chúa Nhật Thứ VII Thường Niên – Năm C

0
655

Yêu thương sao cho đủ

1. Các bài đọc

Bài đọc I: 1 Samuel 26:2, 7-9,12-13,22-23

Bài trích sách Samuel quyển thứ I: Đavít không giết vua Saul

Đáp ca: Tv : 103:1-4,8,10,12-13

Thánh vịnh 103: Ca tụng lòng thương xót của Chúa.

Bài đọc II: 1 Corinthians 15:45-49

Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô: như chúng ta mang hình ảnh của Adam như thế nào, thì cũng mang hình ảnh của Đấng đến từ trời cao như vậy.

Tin Mừng: Lc 6:27-38

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Đức Giêsu dạy các môn đệ, hãy có lòng thương xót như Chúa là Đấng thương xót.

2. Chia sẻ

Cách đây không lâu, phong trào Black Lives Matter ở Mỹ đã làm nảy sinh nhiều vụ xung đột trong các cộng đồng người da màu. Từ phong trào này gợi lên một vấn nạn rất thời sự, là luôn có những mầm mống bạo lực và thù ghét trong bất cứ cộng đồng nào. Đặc biệt nơi các cộng đồng khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục, vv…

Các bài đọc Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay, cũng cho chúng ta nhận thấy những ứng xử trong các cộng đoàn của chúng ta trước các mối tương quan sao cho có tình, có lý và tránh bạo lực thù ghét. Những thông điệp yêu thương có thể được xây dựng và thăng tiến từ chính trong môi trường đầy mầm mống của sự thù địch và bạo lực.

Hận thù và yêu thương

Câu chuyện về việc Đavít tha thứ cho Saul cung cấp nền tảng lịch sử cho lời dạy của Chúa Giêsu về tình yêu thương kẻ thù. Mặc dù Đavít có thể không hết lòng yêu mến Saul, nhưng ông tôn trọng quyền duy nhất của Thiên Chúa là Đấng ban sự sống hay cái chết cho ông “Ông Đa-vít nói với ông A-vi-sai : “Đừng giết vua ! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu ?” (1 Sm 26, 9). Sự khoan hồng của Vua Đavít mang lại sự tôn trọng của vua với đấng được Thiên Chúa xức dầu là vua Saul. Đavít đã chọn sức mạnh của lòng thương xót và sự tôn kính, thay vì sức mạnh của bạo lực và thù nghịch và qua đó chứng tỏ ông là người mạnh mẽ trong mối tương quan huynh đệ.

Khi liên hệ câu chuyện này với các dấu hiệu của thời đại chúng ta, chúng ta không nên quên rằng vào tháng 8 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi giáo huấn chính thức của Giáo lý Giáo hội Công giáo để lên án về kết án tử hình trong mọi trường hợp. Giáo huấn giáo lý được sửa đổi viết rằng: “Án tử hình là không thể chấp nhận được vì nó là một cuộc tấn công vào quyền bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người,” tiếp tục nói rằng, Giáo hội Công giáo “làm việc với quyết tâm bãi bỏ nó trên toàn thế giới” (GLHTCG số 2267).

Đức Phanxicô đang đưa chúng ta trở về với lòng khoan nhượng của vua Đavít và thúc đẩy chúng ta huấn luyện và sự dạy dỗ mà chúng ta sẽ nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Câu chuyện Đavít làm nền tảng cho câu chuyện Chúa Giêsu giảng trong Tin Mừng. Yêu thương kẻ thù chính là chân nhận vai trò của Thiên Chúa trên cuộc sống con người. Vì chính Chúa mới là chủ của sự sống.

Sinh khí và Thần Khí

Sự phục sinh của thể xác là một cách khẳng định rằng, mỗi người chúng ta kết hợp trong thân thể của Đức Kitô là một cá vị, yêu và được yêu thương. Điều đó cho thấy rằng, mỗi chúng ta trở nên cá vị hơn, khi chúng ta trở nên có quan hệ hơn với những người khác trong cộng đoàn. Khi xem xét điều này, chúng ta có thể cảm nhận được mối liên hệ giữa sự dạy dỗ của thánh Phaolô về sự phục sinh “Thưa anh em, con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống” (1 Cr 15, 45) và việc Gioan trình bày lời cầu nguyện của Đức Kitô, cầu xin cho chúng ta được nên một trong Ngài, cũng như Ngài ở trong Chúa Cha (Ga 17, 21).

Như vậy, ai sống trong hận thù và bạo lực là người sống theo sinh khí tự nhiên của con người và họ tự tách mình ra khỏi mối tương quan liên vị thiêng liêng trong công trình Thiên Chúa sáng tạo. Ngược lại, người sống theo Thần Khí, tức là sống theo tinh thần của Đấng phục sinh như thánh Phaolô nói trong bài đọc II, là sống trong tình yêu thương liên vị giữa các thụ tạo của Chúa. Họ chính là họa ảnh của Đấng phục sinh và là họa ảnh của tình yêu thương Ba Ngôi Thiên Chúa nơi bản thân họ.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nhận ra hai hình ảnh trong một con người. Con người vừa mang hình ảnh của Adam, vừa mang hình ảnh của Đức Kitô. Họ được kêu mời để sống cho Adam mới là Đức Kitô. Thù ghét và bạo lực không có vị trí trong vương quốc Thiên Chúa. Mà ngược lại, yêu thương là một mệnh lệnh sống đức ái cao cả “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (lc 6,27-28). Đó là thông điệp mạnh mẽ mà Chúa muốn nói với chúng ta qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM