Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm C

0
432

Xây dựng một Giêrusalem mới

 1. Các bài đọc

Bài đọc I: Cv 14:21-27

Bài trích sách Công vụ Tông đồ: Phaolô và Barnaba rao giảng Tin Mừng ở nhiều nơi chốn.

Đáp ca: Tv 145:8-9,10-11,12-13

Thánh vịnh 145: ca tụng Thiên Chúa.   

Bài đọc II: Kh 21:1-5a

Bài trích sách Khải huyền: Gioan mô tả thị kiến về Trời mới, Đất mới.

Tin Mừng: Ga 13:31-33a,34-35

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ một điều răn mới là yêu thương tha nhân.

2. Chia sẻ

Khái niệm Utopia từ lâu được xem như là đích đến của văn hóa và xã hội văn minh hiện đại, nơi mọi thứ đều an lành bình đẳng, nơi những điều tiêu cực không hề xảy ra, nơi mọi mong muốn đều thành hiện thực… Hay đơn giản- như định nghĩa trên- một nơi hoàn hảo. Một thiên đường.

Trong khi ấy thánh Thomas More đã mô tả một xã hội hoàn hảo mà ngài cũng gọi là “Utopia” – trong tác phẩm Địa Đàng Trần Gian, có nghĩa là nơi không tưởng. Utopia theo thánh Thomas More thì nó có nghĩa rộng hơn như là một nơi mà tất cả các tôn giáo đều được chấp nhận, nơi các linh mục được người dân bầu chọn và nơi không ai cần tài sản riêng vì nhu cầu của mọi người đều được đáp ứng. Tuy nhiên bối cảnh mà thánh nhân muốn nói là một xã hội Anh quốc rối ren thời của ngài.

Hôm nay trong các bài đọc Lời Chúa, chúng ta cũng sẽ được nhìn thấy một cộng đoàn Kitô hữu lý tưởng. Nơi mà mọi người đều sống trong một tình huynh đệ sâu sắc và một cộng đoàn luôn biết yêu thương phục vụ nhau.

Có lẽ bối cảnh này chúng ta sẽ được thấy rõ nơi bài đọc 2, sách Khải Huyền của thánh Gioan Tông đồ. Không phải là một nơi không tưởng và thị kiến Gioan mô tả rõ ràng một nơi có thật: Giêrusalem đã biến đổi để trở thành trung tâm của cuộc sáng tạo mới. Một số học giả đưa ra gợi ý hấp dẫn rằng, thành phố linh thiêng này không phải chỉ là nơi ở của các vị thánh, vì nó là bầu khí được tạo ra bởi mối tương quan giữa các vị thánh với nhau và với Thiên Chúa “Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang”(Kh 21,2).

Gioan nói rằng Giêrusalem mới từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, có nghĩa là nguồn gốc của nó là ở nơi Thiên Chúa. Nói như vậy có nghĩa như cô dâu chuẩn bị cho cuộc rước dâu của chú rể, nhằm để nhấn mạnh đến tính hỗ tương của mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa chờ đợi phản ứng của con người, cũng như những người đang yêu nhau chờ phản ứng của nhau, bởi vì chỉ có như vậy, họ mới có thể tiến triển trong sự kết hợp chân chính.

Sự kết hợp của Thiên Chúa với nhân loại trong thực tại mới này không phải là sự giám hộ hay sự đồng hành mà là sự cư ngụ. Đây là sự hoàn thành của tạo vật và cụ thể là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly “con cầu nguyện… để tất cả họ nên một… để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21). Thành Giêrusalem mới tượng trưng cho sự biến đổi của mọi tạo vật, cái mà Teilhard de Chardin gọi là Điểm Omega, một sự tồn tại, mà ở đó Thiên Chúa sẽ ở trong tất cả mọi người (1 Cr  15, 28).

Hình ảnh một cộng đoàn tràn đầy tình yêu thương này chúng ta thấy trong thực tiễn của cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi. Họ đã xây dựng một cộng đoàn luôn biết sống cho nhau và sống vì nhau trong Chúa, để làm cho cộng đoàn của họ trở thành một nơi sống lý tưởng Kitô giáo.

Trong đoạn này của sách Công vụ Tông đồ, Luca đang cho chúng ta thấy những hình ảnh về chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh cộng đoàn. Bài đọc này mời gọi chúng ta hình dung hình thức cộng đoàn đã hình thành khi mọi người đã đón nhận Tin Mừng. Những người này, người Do Thái và người ngoại, giờ đây được gọi là “các Kitô hữu”, một thuật ngữ bắt đầu để nói về  việc họ tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng được xức dầu. Nghĩa là dù họ là ai, thì giờ đây có có chung một căn tính trong Đức Kitô.

Hình ảnh cộng đoàn hiệp nhất yêu thương đó còn được đào sâu hơn tương quan khi nó mang ý nghĩa của sự phục vụ như Chúa Giêsu đã làm gương để rửa chân cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi họ nhận thức sâu hơn rằng, Ngài đang công bố lời di chúc cuối cùng của mình, Chúa Giêsu nói với họ rằng Ngài sẽ ở với họ chỉ một thời gian ngắn nữa. Sau đó, Chúa Giêsu diễn đạt những điều Ngài đã dạy họ qua những hành động tượng trưng là rửa chân và chia sẻ bánh ăn “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 13,34).

Ngài không chỉ yêu cầu họ yêu thương nhau, mà Ngài còn tự đặt mình làm hình mẫu cho ý nghĩa của tình yêu. Như Ngài đã nói trong bữa ăn tối, họ phải rửa chân cho nhau. Như khi Chúa Giêsu đã chỉ cho họ trên núi gần Biển hồ Galilê, họ phải chia bánh cho người đói và gom lại những mảnh vụn để không có gì bị lãng phí.

Đây thực sự là một điều răn mới. Trên thực tế, một số người coi đó là sự chế nhạo – như thể con người có khả năng thể hiện tình yêu thiêng liêng. Nhưng chúng ta không thể hiểu được sự thật rằng Chúa Giêsu đã nói: “Hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em.” Giờ đây, thước đo tình yêu của họ không được xác định bằng tình cảm, huyết thống hay mối quan hệ văn hóa, mà bằng tình yêu của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Đấng đã luôn luôn yêu thương con người.

Và khi chúng ta yêu thương như thế, chúng ta đã làm cho Giêrusalem mới từ trời xuống trên xã hội chúng ta, gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta. Vì Giêrusalem mới có nghĩa là nơi của những con người thánh thiện, các vị thánh là những người đã luôn biết yêu thương nhau và phục vụ nhau. Thì chúng ta khi sống tình yêu thương của Chúa với anh chị em của mình, là chúng ta cũng làm cho trời mới đất mới ở giữa ngay nơi mà chúng ta đang sống. Đó chính là điều lý tưởng trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, một Giêrusalem mới giữa đời thường.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM