Giuse Nguyễn Đức Duy
Thánh Vinh Sơn khuyên bảo thành viên Tu hội Truyền giáo mà ngài sáng lập thủ đắc năm nhân đức: Đơn sơ, khiêm nhường, dịu hiền, hãm mình, và nhiệt thành như năm viên đá cuội mà Đavít dùng để chiến thắng Gôliát.[1] Mỗi viên đá có tính năng riêng, nhưng cùng quy về một mục đích là tiêu diệt sự dữ để hướng đến Thiên Chúa. Đức đơn sơ liên quan đến Chúa; đức khiêm nhường, sự khổ chế và lòng nhiệt thành liên quan đến chính bản thân; còn đức dịu hiền liên quan nhiều đến tha nhân. Một nhà truyền giáo đòi hỏi phải ra đi, phải gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người. Ngài sẽ phải chịu đựng, phải thích nghi với những người mà họ rao giảng Tin Mừng, với những người đôi khi quá thô thiển và vô học. Sự dịu hiền giúp nhà truyền giáo trung thành với thực tế mà không được gây hấn nhưng để phục vụ. Thánh Vinh sơn đã từng nói: “Kể cả những người tù khổ sai, tôi đã sống một thời gian với họ, không được chinh phục bởi bất cứ phương cách nào khác. Bất cứ khi nào xảy đến, tôi nói với họ một cách cứng cỏi, tôi đã làm hỏng mọi sự. Trái lại, khi tôi ca ngợi họ vì sự nhẫn nhục của họ và cảm thông với họ trong những đau khổ của họ, khi tôi nói với họ, họ có được may mắn sống luyện ngục ở đời này. Khi tôi hôn những xích xiềng của họ, bày tỏ sự cảm thương đối với khốn quẫn của họ, và biểu lộ sự buồn rầu vì sự bất hạnh của họ, chính khi đó họ lắng nghe tôi, trao ban vinh quang Thiên Chúa, và chính họ đã mở lòng ra để đón nhận ơn cứu độ.”[2]
Bởi vậy, trong bài viết này, tôi xin trình bày về nhân đức dịu hiền, một nhân đức không thể thiếu của nhà truyền giáo Vinh Sơn. Trước hết, tôi sẽ trình bày cách tổng quan về nhân đức dịu hiền. Thứ đến, tôi sẽ nói đến giáo huấn của thánh Vinh Sơn về sự dịu hiền. Và cuối cùng là nhận định về nhân đức dịu hiền trong bối cảnh ngày nay.
1. Tổng quan về nhân đức dịu hiền
a. Dịu hiền là gì?
Theo định nghĩa, dịu hiền là khả năng chế ngự cơn tức giận. Hiểu rộng hơn, dịu hiền là cách đối xử dịu dàng, ôn hòa, một sự thân tình khả ái. Một con người dịu hiền thì thân thiện, niềm nở khi gặp gỡ, tiếp xúc, chuyện trò với người khác. Tuy nhiên, chúng ta đừng nhầm lẫn sự dịu hiền với sự ngây thơ đến mức khờ khạo. Người ít nói, do không biết nói gì trước người khác, hay người không biết phản ứng chống lại điều bất công với mình, không có nghĩa đó là người dịu hiền.
Thực tế, chúng ta khó kiếm được con người dịu hiền tuyệt đối; chúng ta chỉ kiếm được sự dịu hiền tương đối nơi con người mà thôi. Sự dịu hiền tuyệt đối chỉ nơi Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu với thân phận con người sẽ cho chúng ta thấy mẫu gương dịu hiền tuyệt đối này.
b. Sự dịu hiền của Chúa Giêsu
Tôi xin trình bày sự dịu hiền của Chúa Giêsu dưới ba khía cạnh cụ thể như sau: trong cách ứng xử, trong sự phản bội, và bằng sự thinh lặng.
Chúa Giêsu dịu hiền trong cách ứng xử. Ngài không bao giờ phản ứng thô lỗ chống đối người khác. Ngài yêu thương và chữa những người ốm đau tật nguyền. Ngài niềm nở tiếp đón các em nhỏ và dạy các môn đệ: “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ” (Mt 18,5). Những lời từ miệng Ngài xuất ra không bao giờ có sắc thái cau có, nóng nảy, ngay cả khi tranh luận với những kinh sư hay nhóm Pharisêu. Những người này nhiều lần nhiều cách đưa Chúa Giêsu vào thế khó, tiến thoái lưỡng nan nhằm bắt bẻ Ngài, nhưng Ngài không nóng nảy đôi co lại với họ. Ngài rất bình tĩnh và khôn ngoan đưa ra các lời giải đáp đầy thuyết phục. Thánh sử Mát-thêu tường thuật lại việc Chúa Giêsu chữa người bị bại tay trong ngày Sabát: “Tại đây, có người bị bại một tay. Người ta hỏi Đức Giêsu rằng: “Có được phép chữa bệnh ngày Sabát không?” Họ hỏi thế là để tố cáo Người. Người đáp: “Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày Sabát, lại không nắm lấy nó và kéo lên sao? Mà người thì quý hơn chiên biết mấy! Vì thế, ngày Sabát được phép làm điều lành” (Mt 12,10-12).
Có người cho rằng, Đức Giêsu vẫn có lúc nổi nóng: “Gần đến lễ vượt qua của người Do Thái, Đức Giêsu nhìn thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang đổi tiền. Người liền lấy dây thừng làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên, bò ra khỏi Đền Thờ; Còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với tất cả những kẻ bán bồ câu: Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,13-16). Có lẽ đây là lần nổi nóng duy nhất ta bắt gặp nơi Đức Giêsu. Nhưng đây là sự nổi nóng thánh, cơn nổi nóng này không trực tiếp chống lại con người, nhưng chống lại hành vi và sự không tôn trọng mà họ đã thể hiện nơi nhà của Cha Ngài. Chúa Giêsu đã nổi nóng hợp lý, đúng cách, và đúng lúc. Điều này không phá vỡ sự dịu hiền tuyệt đối nơi Ngài.
Chúa Giêsu dịu hiền trước sự phản bội. Mười hai tông đồ là những con người được Chúa Giêsu kêu gọi. Họ cùng sống và đi theo Ngài, ít nhiều có mối dây ràng buộc thầy trò. Vậy mà, người thì bán Ngài, kẻ thì chối Ngài, còn phần đa là chạy trốn khi Ngài gặp nạn. Nhưng Chúa Giêsu vẫn giữ thái độ dịu hiền và yêu thương họ. Ngài cúi xuống rửa chân cho từng người một, không trừ một ai. Trong bữa tiệc ly, Ngài dạy các môn sinh bài học yêu thương. Và chính Ngài đã làm gương trước. Giả như Chúa Giêsu nói cách thẳng thừng trước mặt các tông đồ là Giuđa là tên phản bội, hắn đã nộp Thầy cho người Do thái, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Không! Chúa Giêsu đã không làm như thế. Ngài cho các ông biết rằng trong số các ông, có kẻ nộp Thầy. Bản thân mười một tông đồ kia cũng không biết là mình có nộp Thầy không nữa: “Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao” (Mt 26,22). Chúa Giêsu không kết án Giuđa, Ngài chỉ cho Giuđa bết là Ngài biết rõ ông là kẻ phản bội. Chúa Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi” (Ga13,28). Chúa Giêsu đã đối xử rất nhân từ với Giuđa. Ngài đã cho ông thời gian, cho ông cơ hội để nhận ra sự sai lầm của mình.
Không chỉ với Giuđa, Chúa Giêsu cũng cho các môn đệ khác cơ hội để đứng lên khi vấp ngã. Ngài biết rõ từng người trong các ông. Ngài biết các ông yếu đuối và sẽ bỏ Ngài: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy” (Mt 26,31). Chúa Giê-su không chỉ thấy trước những thất bại của họ nhưng còn công khai nói cho các môn đệ về điều đó. Ngài làm như vậy không phải để nhục mạ hay làm nản lòng họ, nhưng để chuẩn bị cuộc hành trình cho họ. Ngài đã muốn cho họ biết rằng, Ngài không yêu cầu gì nơi họ. Ngài đã dạy họ vượt qua những sợ hãi của bản thân, chinh phục những lo lắng và vượt qua những nỗi đau và lỗi lầm trong cuộc sống. Tại vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu đã quá hiền lành, thay vì quở trách sự mê ngủ, sự yếu đuối của học trò, Ngài nhẹ nhàng mời gọi họ cầu nguyện với Chúa Cha để trở nên mạnh mẽ hơn trong những trường hợp đau khổ mà cuộc sống sẽ đem lại: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ” (Mt 26,40-41). Chúa Giêsu cảm thông cho các môn đệ, vì các ông chưa hiểu về cuộc khổ nạn mà Thầy chí thánh sắp trải qua. Ngay cả Phêrô, người được Chúa dạy cho nhiều điều cũng được Chúa cảnh tỉnh nhiều lần. Ngài đã tiên báo cho Phêrô biết việc ông chối Thầy: “ Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26,34). Trước giờ tử nạn của Thầy, Phêrô mạnh dạn lên tiếng: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26,33). Phêrô luôn tỏ ra là người can đảm và trung thành. Ông được học, được nghe những lẽ khôn ngoan nơi Đức Giêsu. Ông từng chứng kiến quyền năng, những phép lạ Chúa Giêsu làm. Vì thế, ông không thể hiểu nổi thái độ bình thản, im lặng, hiền từ của Chúa trước bè lũ thù địch. Về phía mình, Phêrô cảm thấy sợ hãi, và đã chối Chúa. Ông trở nên ngại ngùng đối với Chúa Giêsu. Ba lần chối bỏ của Phêrô làm cho Chúa Giêsu đau đớn hơn là những đòn vọt và nước miếng của những người lính. Phêrô phủ nhận tất cả những gì ông đã sống với Chúa Giêsu. Mặc dù đã vấp ngã, nhưng Chúa Giêsu vẫn quay về phía ông với một ánh mắt nhân từ và đã cất đi nỗi sợ hãi của ông và giúp ông nghĩ lại về những gì đang xảy ra. Sự nhân từ của Chúa đã biến đổi Phêrô. Ông đã ăn năn, đã mạnh mẽ hơn, đã tìm ra con đường bước theo Thầy chí thánh.
Chúa Giêsu dịu hiền bằng sự thinh lặng. Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đối mặt với nhiều khó khăn và sự chống đối. Và Ngài luôn giữ thái độ bình thản, suy nghĩ, cầu nguyện rồi đưa ra câu trả lời thuyết phục. Nhiều khi thái độ bình thản, dịu hiền của Ngài thể hiện qua sự thinh lặng. Những Pharisiêu đã đem đến cho Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ hỏi Đức Giêsu: “Trong sách luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao” (Ga 8,5)? Đức Giêsu đã giữ im lặng và viết lên trên mặt đất. Nhưng, những người Pharisiêu cứ nằng nặc muốn Ngài đưa ra câu trả lời. Vì thế, Đức Giêsu đã trả lời: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Rồi Ngài tiếp tục im lặng và viết lên trên mặt đất. Những người Pharisiêu bỏ đi, từng người một, bắt đầu từ những người lớn tuổi nhất. Sự dịu hiền của Chúa Giêsu được thực hiện, Ngài cũng không kết án chị: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,10-11).
Sự thinh lặng của Chúa không phải là sự im lặng thỏa hiệp hay sự im lặng theo kiểu “ngu si hưởng thái bình”. Ngài im lặng trong sự khôn ngoan và cầu nguyện. Ngài im lặng trước sự xét xử lén lút bất công của người Do Thái, trước sự gây hấn của những kẻ tấn công Ngài. Trong thinh lặng, Ngài suy nghĩ, kiểm soát lời nói cũng như hành động của mình. Hội đồng Do Thái thêu dệt nên những lời khai gian và không có sự thống nhất trong lời nói của họ. Lòng căm ghét cùng sự liều lĩnh của họ kết tội Đức Giêsu đã làm cho họ nên phi lý. Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giêsu: “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó? Nhưng Đức Giêsu vẫn làm thinh” (Mc 14,60-61). Đức Giêsu giữ sự im lặng kiên vững trong khi những người khác trở nên căng thẳng và lo âu. Đức Giê-su đã không e sợ và đứng lên trên cuộc xét xử này.
Chúa Giêsu đã sống dịu hiền. Ngài mời gọi mỗi chúng ta bắt chước Ngài: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng… vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30). Thánh Vinh Sơn đã bắt chước Chúa sống nhân đức này. Không những thế, thánh nhân còn cụ thể hóa sự dịu hiền và tiếp tục khuyên bảo các nhà truyền giáo tập luyện.
2. Giáo huấn của thánh Vinh Sơn về sự dịu hiền
a. Đức dịu hiền đòi hỏi những gì?
Theo thánh Vinh Sơn, đức dịu hiền đòi hỏi ba đặc tính như sau.
Thứ nhất, đức dịu hiền đòi hỏi khả năng kiểm soát sự giận dữ một cách tích cực. Có thể bằng cách dẹp bỏ nó, hoặc biểu lộ nó bằng lòng yêu thương.[3] Tâm lý thường tình, con người dễ nổi nóng khi bị ai đó chọc giận, khi có điều gì bất công đến với mình hoặc đến người thân của mình. Họ nhanh chóng phản ứng lại tác nhân gây thiệt hại cho mình. Họ tìm lý lẽ biện minh cho cái tôi luôn đúng và phi bác lý lẽ đối phương. Sự việc càng căng thẳng khi họ không dùng lời nói để bảo vệ cái tôi của mình nữa mà chuyển qua bạo lực, chiến tranh. Nếu những người này học được nhân đức dịu hiền, họ sẽ biết cách kiểm soát cơn tức giận theo hướng tích cực. Thánh Vinh Sơn ban đầu cũng có bản tính cáu kỉnh, một tinh thần năng nổ, do đó dễ nổi giận.[4] Nhưng, ngài sớm nhận ra bài học dịu hiền nơi Chúa Giêsu. Thánh nhân đã nài xin Chúa thay đổi tính nóng giận của mình: “Tôi nài xin Chúa thay đổi tính nóng giận, khó chịu nơi tôi và xin Người ban cho tôi một tinh thần hiền lành và hòa nhã. Nhờ ơn Chúa, cùng với quyết tâm dẹp bỏ những cơn nóng giận tự nhiên, tôi đã phần nào chữa trị được khuynh hướng xấu của tôi.”[5]
Thứ hai, đức dịu hiền bao hàm khả năng dễ tiếp xúc, sự hòa nhã, ân cần và thái độ bình thản của sắc mặt nhằm hướng đến những người chúng ta gặp gỡ.[6] Lẽ thường tình, chúng ta thích tiếp xúc với những người vui vẻ, hòa đồng, những người hòa nhã và ân cần chu đáo với ta. Không ai thích lại gần một người với khuôn mặt đưa đám, hậm hực, cau có. Thực tế, có những người được Chúa ban cho phong cách tươi vui, dễ thương làm hài lòng mọi người. Chúa ban cho họ sự tiếp xúc thân tình, dịu hiền và dễ mến… đang khi có những người khác, như tôi đây chẳng hạn: thô tục, bộ mặt thì e dè, buồn bã và hình sự, toàn những điều ngược đức dịu hiền.[7] Nói như thế không có nghĩa là những người có khuôn mặt đưa đám bẩm sinh hay những người đang buồn bực trong lòng không thể dịu hiền được. Thánh Vinh Sơn đã kê toa thuốc này cho bản thân cũng như cho các học trò của mình: “làm thế nào để có một khuôn mặt tươi cười, khi người ta đang buồn thúi ruột? Ôi các con ơi, cha cho các con hay điều này, dù lòng các con đang vui hay không, điều đó không quan trọng, quan trọng là khuôn mặt các con vui. Đó không phải là sự che giấu hay giả bộ, mà vì lòng bác ái các con dành cho chị em, đang ngự trị trong ý chí các con; nếu các con có ý muốn làm vui lòng chị em, điều đó đủ để khuôn mặt các con có thể biểu lộ niềm vui.”[8]
Thứ ba, dịu hiền không những làm cho chúng ta tha thứ những sỉ nhục và bất công chúng ta gặp phải mà còn giúp chúng ta đối xử dịu dàng với những người đã gây ra chúng, bằng những lời nói dễ thương, cho dù họ vừa mới xúc phạm chúng ta. Chúng ta chịu đựng tất cả vì Chúa.[9] Chúa Giêsu có sẵn nơi Ngài sự dịu hiền tuyệt đối. Với sự dịu hiền này, Ngài yêu thương; Ngài tha thứ cho những kẻ phản bội, cho những môn đệ bỏ rơi Ngài. Chúa Giêsu tha thứ cho những kẻ sỉ vả, đánh đập, đóng đinh Ngài. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34). Chúng ta không có sự dịu hiền tuyệt đối, nhưng chúng ta có thể bắt chước Chúa Giêsu sống dịu hiền hết mức có thể để tha thứ cho anh chị em mình. Thánh Vinh Sơn trong một lần tình cờ đã thực hiện nhân đức này, dịu hiền để tha thứ những lời lăng mạ. Một ngày nọ, cậu giúp lễ Portail, bị tấn công một cách vô cớ bởi một băng nhóm từ làng Clignancourt gần bên. Họ dùng những cú đấm và đá cuội để hành hạ cậu. Dân làng Clichy chạy ra bảo vệ cậu trai lâm nạn và bắt được một tên gây hấn và tên này bị bắt giam. Cha Vinh Sơn can thiệp trước tòa án sở tại và xin tha thứ cho tên tù.[10]
Ba đòi hỏi này của đức dịu hiền không những là nền tảng cơ bản liên kết chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, mà còn là căn nguyên và nguồn mạch sự dịu hiền của Kitô giáo và của nhà truyền giáo Vinh Sơn chân chính.
b. Nhân đức dịu hiền đối với nhà truyền giáo Vinh Sơn
Trước hết, phải hiểu nhà truyền giáo là ai? Họ là người của Chúa. Họ có Chúa trong mình và mang Chúa đến cho người chưa biết Chúa. Ban đầu, họ sẽ tiếp cận người chưa biết Chúa. Họ sẽ vận dụng nhân đức dịu hiền để tiếp xúc rồi sau đó sống chứng tá Tin Mừng bằng hành động cụ thể.
Vì thế, nhà truyền giáo cần phải dịu hiền, nhã nhặn đến mức tối đa có thể. Thật sự, đó là nhân đức tối cần thiết. Sự tiếp xúc lần đầu của nhà truyền giáo với những người xa lạ bằng thái độ dịu dàng, vui tươi, niềm nở ắt hẳn là một thành công lớn. Thánh Vinh Sơn viết cho cha Etienne Blation như sau: “Cha tiếp tục xin tôi cha Ennery cho Corse nhưng tôi thấy hình như là cha ấy không có đủ dịu dàng cho xứ đó, nơi mà dân chúng thô lỗ và quen thói thô bạo, họ phải được chinh phục bằng sự dịu hiền và thân tình, bởi vì những nết xấu phải được chữa trị bằng những đức tính ngược lại. ”[11]
Nhà truyền giáo Vinh Sơn cần sự kiên nhẫn và sự kiềm chế trong công việc, trong tương quan với anh em, với người nghèo. Chính họ phải kiên nhẫn, dịu hiền với nhau trước thì mới nói đến chuyện kiên nhẫn với những người khốn khổ, thô thiển, chậm chạp, nhem nhuốc. Nhà truyền giáo Vinh Sơn đến từ khắp nơi, họ mang trong mình những tính cách vùng miền khác nhau. Sẽ có những va chạm, bất đồng quan điểm trong ngôn ngữ, trong cộng đoàn, trong cách làm việc, vì thế đức dịu hiền sẽ giúp họ phần nào loại bỏ những khó khăn đó. Thêm nữa, thánh Vinh Sơn đòi hỏi: “Một truyền giáo cần sự kiên nhẫn và kiềm chế trong các công việc của mình với những người mà mình được sai đến. Người nghèo mà mình giải tội có thể không có văn hóa, mê muội và thô kệch… Nếu một cá nhân nào không có sự dịu hiền để thích nghi với sự thô lỗ của họ, thì người đó có thể hy vọng đạt được cái gì? Sẽ chẳng làm được cái gì. Trái lại, người đó sẽ làm nản lòng những con người nghèo này. Khi họ cảm thấy sự cứng cỏi của người ấy thì họ sẽ lánh xa và sẽ không còn trở lại với người ấy để học những điều cần thiết để được cứu độ. Do đó, kiên nhẫn dịu hiền được đòi hỏi nơi chúng ta.”[12]
Sự dịu hiền cuốn hút người khác. Chúa Giêsu cuốn hút dân chúng không chỉ do tài giảng thuyết, mà còn bởi Ngài là con người nhân hậu, dịu hiền, giàu lòng xót thương. Cũng thế, một nhà truyền giáo cần sự dịu hiền để lôi cuốn, thu hút người khác. Một thừa sai đích thật sẽ làm tốt, khi biết noi theo những người trước và biết cách cư xử làm sao để đem lại sự an ủi, sự tin tưởng cho những ai đến với mình. Kinh nghiệm cho thấy, cách thế hành xử dịu hiền chiếm được lòng người. Ngược lại, người ta có nhận xét là những người quý phái khi họ làm việc, thì họ rất trịnh trọng và lạnh lùng, ai cũng sợ và trốn tránh họ. Chúng ta không thể làm nảy sinh hoa trái tốt đẹp nào, nếu chúng ta là những hòn đất khô chỉ mang những móc sắt gai. Chúng ta phải có sự lôi cuốn bằng khuôn mặt vui tươi để không làm ai hoảng sợ.[13]
Tóm lại, qua kinh nghiệm sống, qua bài học Chúa Giêsu dạy, thánh Vinh Sơn đã để lại cho chúng ta một trong những nhân đức tuyệt vời. Nhưng liệu rằng, nhân đức dịu hiền này có còn cần thiết trong thế giới đương đại không?
3. Nhận định về nhân đức dịu hiền trong bối cảnh ngày nay
a. Hoàn cảnh hiện nay
Trong một xã hội tục hóa, con người lao mình vào lối sống hưởng thụ. Họ dần đánh mất chính mình và quên mất đích điểm cuộc đời. Trước viễn cảnh đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông Huấn “Gaudete et Exsultate” (Vui Mừng Và Hân Hoan), đã lên tiếng kêu gọi sự nên thánh trong thế giới ngày nay. Ngài nói như sau: “Mục tiêu khiêm tốn của tôi là nêu lại lời mời gọi nên thánh bằng một cách thực tiễn cho thời đại chúng ta, với tất cả những nguy hiểm, những thách đố và những cơ hội của nó. Vì Chúa đã chọn mỗi người chúng ta để trở nên tinh tuyền thánh thiện trước nhan Người trong tình yêu.”[14] Mỗi người trong chúng ta, không trừ một ai, đều được mời gọi nên thánh. Để nên thánh, không cần phải trở thành giám mục, linh mục hay tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng, sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút khỏi các công việc hằng ngày để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện. Điều đó không đúng. Tất cả chúng ta được gọi nên thánh bằng việc sống đời sống của mình với tình yêu thương và bằng việc làm chứng trong tất cả những gì mình làm, bất cứ nơi nào mình hiện diện. Bạn được gọi sống đời thánh hiến? Hãy nên thánh bằng việc vui tươi sống trọn lời cam kết của bạn. Bạn kết hôn? Hãy nên thánh bằng việc yêu thương và chăm sóc vợ hay chồng của bạn, như Đức Kitô yêu thương và chăm sóc Hội Thánh. Bạn đang làm việc để kiếm sống? Hãy nên thánh bằng cách làm việc với hết khả năng và sự liêm chính để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hay ông bà trong nhà? Hãy nên thánh bằng việc nhẫn nại dạy bảo con cháu mình biết đi theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở vị trí nắm giữ quyền bính? Hãy nên thánh bằng cách làm việc phục vụ cho công ích và nói không với việc trục lợi riêng tư. [15]
Một con đường nên thánh khác mà Đức Thánh cha trình bày trong Tông Huấn trên là sự dịu hiền. Trong thế giới ngày nay, người ta thường xuyên xếp loại người khác dựa trên tư tưởng của họ, dựa trên tập tục và thậm chí cách nói năng hay cách ăn mặc của họ. Thế giới ngày nay cũng là sự ngự trị của thói tự phụ và kiêu căng, trong đó người ta nghĩ mình có quyền thống trị kẻ khác. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đề ra một lối xử sự khác, dù có vẻ như là điều không thể, đó là con đường dịu hiền. Đây là cách mà ta thấy Người đã sống với các môn đệ.[16] Chúa Giêsu còn dạy các ông: “Hãy học với tôi; vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường, và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Nếu chúng ta thường xuyên khó chịu và nóng nảy với người khác, chúng ta sẽ đi đến kiệt quệ và mệt mỏi. Nhưng nếu chúng ta đối diện những sai lỗi và những giới hạn của người khác với sự dịu dàng và hiền hòa, không ra vẻ kẻ cả, chúng ta có thể thực sự giúp ích họ và không còn phí năng lực vào việc phàn nàn vô ích. Thánh Têrêsa Lisieux nói với chúng ta: “Đức ái trọn hảo hệ tại ở việc đón nhận những sai lỗi của kẻ khác, và không bị vấp ngã vì những lỗi của họ.”[17]
Và cuối cùng, chính Chúa Giêsu đã công bố: “Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp” (Mt 5,4). Theo Đức Thánh cha, hiền lành là một cách diễn tả sự nghèo khó bên trong của những ai đặt tin tưởng vào chỉ một mình Thiên Chúa. Thật vậy, trong Thánh Kinh cùng một từ “anawim” thường nói đến cả những người nghèo khó lẫn những người hiền lành. Có người có thể chống chế: “Nếu tôi hiền như vậy, người ta sẽ cho tôi là một tên ngốc, một kẻ khờ hay nhu nhược.” Đúng là đôi khi người ta nghĩ vậy, nhưng vậy cũng không sao. Hiền lành luôn luôn là điều tốt hơn, vì như vậy những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta sẽ được lấp đầy. Người hiền lành “sẽ được đất làm cơ nghiệp”, vì họ sẽ nhìn thấy các lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện trong đời sống mình.[18]
Như vậy, chúng ta đã thấy nhân đức dịu hiền là rất cần thiết. Nhân đức này không chỉ tốt cho nhà truyền giáo mà còn là công cụ hữu ích cho mọi người bước theo Chúa nên trọn lành. Tiếp theo, tôi xin góp nhặt một vài phương cách cụ thể để sống nhân đức dịu hiền theo tinh thần Vinh Sơn.
b. Phương cách sống nhân đức dịu hiền theo tinh thần Vinh Sơn
Phương cách thứ nhất: Chúng ta tập luyện sự dịu hiền khởi đi từ việc cầu nguyện. Thánh Vinh Sơn là người hoạt động trong chiêm niệm. Ngài yêu thích đời sống cầu nguyện. Mọi hoạt động của ngài đều qua việc cầu nguyện. Vì lẽ đó, phương pháp cầu nguyện của ngài đòi hỏi một quyết tâm, một sự biến đổi hiệu quả. Áp dụng phương pháp cầu nguyện theo thánh Vinh Sơn với chủ đề dịu hiền, chúng ta hãy tìm xem đâu là động lực để yêu mến và thực hành nhân đức này. Chúng ta tiếp tục đưa ra cho bản thân những hành động cụ thể để sau buổi cầu nguyện có thể thực hành. Chẳng hạn như: Tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo trước khi nói về ai đó. Tôi cố gắng loại bỏ những từ ngữ mang tính sáo rỗng, thô tục nếu có trong đầu và đương nhiên, tôi không nói những từ ngữ đó ra khỏi miệng. Tôi tập nói năng dịu dàng, không chua cay gắt gỏng với anh em mình. Tôi biết bản thân hiếu thắng mỗi khi chơi thể thao, vì thế, tôi luôn nhắc nhở mình trước khi chơi phải chơi đẹp, chơi hiền hòa với anh em. Thế là mục tiêu cụ thể đã được đề ra, quyết tâm đã có, chúng ta xin ơn Chúa trợ giúp và bắt đầu thực hành. Việc thực hành này đòi hỏi thời gian, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta tiếp tục cầu nguyện với chủ đề dịu hiền này. Chúng ta có thể chuyển qua các đề tài cầu nguyện khác, nhưng cố gắng giữ những quyết tâm cũ và tập luyện chúng mỗi ngày.
Phương cách thứ hai, tôi tạm gọi là: “Thôi! nhường họ lần này vậy”. Chúng ta biết rằng giận quá hóa rồ. Khi bị ai đó nói xấu, chỉ trích, phê phán thậm tệ, với bản tính tự nhiên ta dễ nổi cáu lại, phân bua đến cùng, thậm chí dùng đến hành động để lấn át người đó. Mỗi khi rơi vào tình huống như thế, chúng ta hãy nhớ đến nhân đức dịu hiền, hãy nói trong đầu “Thôi! nhường họ lần này vậy”. Ta tập chịu đựng và im lặng để làm chủ cơn tức giận có thể ập đến. Nếu đối phương tiếp tục tấn công ta bằng những lời nói thô tục hơn, ta cố gắng lặp lại “Thôi! nhường họ thêm lần nữa vậy” và giữ im lặng. Khi im lặng, ta sẽ giữ được sự bình tĩnh và có thời gian suy nghĩ sáng suốt trước khi ứng xử lại. Nếu nhắm thấy người đó quá nóng, quá hung hăng, tốt nhất ta nên im lặng rồi tìm cách rút lui. Vì ông bà ta vẫn nói: “Một điều nhịn chín điều lành”. Nhịn mà có hòa bình, có đất hứa làm gia nghiệp thì còn gì bằng.
Phương cách thứ ba: Chúng ta tập tha thứ theo gương Chúa Giêsu. Như phần trước, tôi đã trình bày nhân đức dịu hiền đòi hỏi sự tha thứ. Vì thế, mỗi khi giận hờn ai, hay có chuyện bất bình với anh em, ta hãy nhớ và đọc lại lời kinh Chúa dạy: “Lạy Cha… xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…” Ta cố gắng kiềm chế cơn tức giận bằng phương pháp “Thôi! nhường họ lần này vậy”, im lặng và suy nghĩ về hình ảnh Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài đã sẵn sàng tha thứ cho những kẻ chế giễu, sỉ nhục Ngài, những kẻ đóng đinh Ngài. Tiếp tục lặp lại lời nói của Chúa: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chúng ta có thể đặt mình vào hoàn cảnh người khác để dễ cảm thông và tha thứ hơn. Nếu tôi ở trong trường hợp đó, có lẽ tôi cũng làm như thế, thậm chí còn tệ hơn. Có lẽ Chúa Giêsu đã cảm thông và hiểu cho bọn người đóng đinh mình. Tôi xin trích sách Gương Bác Ái của chân phước En-rê-đi: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Thật ra, họ nhiều tội, nhưng ít hiểu biết, nên lạy Cha, xin tha cho họ. Họ đóng đinh Người nhưng không biết Đấng mình đóng đinh là ai. Vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Thiên Chúa hiển vinh vào thập giá. Thế nên, lạy Cha, xin tha cho họ. Họ nghĩ Người phá luật, họ nghĩ Người phạm thánh, Họ nghĩ Người mê hoặc dân. Con đã giấu mặt đi không cho họ thấy, nên họ đã không nhận ra vẻ uy nghiêm của con. Chính vì thế, lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. “[19]
Kết Luận
Thánh Vinh Sơn vốn là một con người có bản tính cáu kỉnh, một tinh thần năng nổ, dễ nổi giận[20]. Ngài đã cầu xin Chúa, và học bài học về sự dịu hiền nơi Chúa. Cuối cùng, ngài trở thành vị tông đồ bác ái, cha của người nghèo, người cha dịu hiền và khiêm hạ. Thánh nhân để lại năm nhân đức quý báu mà ngài thủ đắc nơi Chúa Giêsu cho các môn sinh của mình. Với đức đơn sơ, nhà truyền giáo cần tránh sự giả dối, che đậy giấu giếm, xảo quyệt hoặc nói lời hai ý.[21] Nhân đức khiêm nhường giúp nhà truyền giáo nhìn nhận tất cả những gì tốt lành họ làm đều do bởi Thiên Chúa.[22] Đức hãm mình đòi hỏi nhà thừa sai từ bỏ làm thỏa mãn các giác quan bên ngoài cũng như bên trong.[23] Lòng nhiệt thành là sức mạnh của nhà truyền giáo, nó nhằm mục đích mở mang nước Chúa.[24] Và cuối cùng, sự dịu hiền là nhân đức chinh phục các tâm hồn.[25] Đức dịu hiền đòi hỏi khả năng kiểm soát sự giận dữ một cách tích cực. Nó bao hàm khả năng dễ tiếp xúc, sự hòa nhã, ân cần và thái độ bình thản của sắc mặt nhằm hướng đến những người chúng ta gặp gỡ. Đức dịu hiền cũng đòi hỏi sự lắng nghe và tha thứ. Nhân đức này không thể thiếu nơi nhà truyền giáo, bởi sứ vụ của họ đòi hỏi sự tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người. Họ sẽ phải dịu hiền và kiên nhẫn chịu đựng trong tương quan, công việc với anh em đồng môn và với người nghèo. Sự dịu hiền cuốn hút người khác, nó không chỉ dành riêng cho nhà truyền giáo mà còn cho tất cả những ai muốn nên thánh bằng nhân đức này, vì: “Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp” (Mt 5,4). Thánh Vinh Sơn sớm nhận ra giá trị của nhân đức này, ngài đã siêng năng tập luyện và mất nhiều thời gian cho nó: “Ôi! Tôi thật là người bất hạnh! Tôi đã học bài học về sự dịu hiền lâu lắm rồi mà vẫn chưa thuộc.”[26] Có lẽ, thánh nhân phải học và thực hành sự dịu hiền trong suốt cuộc đời của ngài. Còn chúng ta, những nhà “Truyền giáo Vinh Sơn thế kỷ XXI”, liệu rằng chúng ta có đủ can đảm và kiên trì để luyện tập sự dịu hiền không?
[1] x. Luật chung. XII,12.
[2] SV. IV, 53.
[3] SV. XII, 186-189.
[4] x. Abelly III, XII,177.
[5] Ibid, 245.
[6] SV. XII, 189.
[7] x. SV. XII, 189.
[8] SV. IX, 158.
[9] SV. XII, 192.
[10] x. José Maria Roman, Tiểu Sử Thánh Vinh Sơn, bản dịch tập 1, trang 130.
[11] SV. IV, 449.
[12] SV. XII, 305.
[13] x. SV. XII, 189.
[14] Gaudete et Exsultate, 2.
[15] x. Ibid, 14.
[16]x. Ibid, 71.
[17] x. Gaudete et Exsultate, 69.
[18] x. Ibid, 74.
[19] Các Bài Đọc Giờ Kinh Sách Quyển 1, trang 517.
[20] x. Abelly III, XII,177.
[21] SV. I, 340; IX, 81.
[22] x. SV. X, 439.
[23] x. SV. IX, 23; X, 151. 246. 280.
[24] SV. XII, 307.
[25] x. SV. VII, 241.
[26] SV. XII, 519.