Giáo xứ Bạch Đằng – Hành trình 60 năm

0
1515

Vào lúc 9h00’ ngày 28 tháng 11 năm 2020, tại thánh đường Giáo xứ Bạch Đằng, Giáo phận Đà Lạt, cha Tổng Đại Diện Gioan Bosco Hoàng Văn Chính đã chủ sự Thánh lễ mừng 60 năm thành lập giáo xứ. Thánh lễ được tổ chức trong bầu khí ấm áp, trang nghiêm với sự hiện diện của quý cha trong giáo phận, quý cha, quý thầy thuộc Tu Hội Truyền Giáo, quý khách cùng toàn thể giáo dân trong giáo xứ.

Giáo xứ Bạch Đằng nằm trong khu vực cây số 4, thuộc miền Tây Bắc thị xã Đà Lạt. Trên bản đồ Giáo Phận, Giáo Xứ Bạch Đằng chỉ là một dấu chấm rất nhỏ nằm xen giữa các xứ lớn giàu truyền thống như Thánh Mẫu, Tùng Lâm, Mai Anh và Hà Đông. Về mặt hành chính, Nhà Thờ Giáo Xứ thuộc phường 7, thành phố Đà Lạt.

Trong giai đoạn đầu hình thành Đà Lạt, Bạch Đằng là một vùng quê hẻo lánh, có nhiều rừng rú, đường sá trắc trở, dân cư thưa thớt, phần lớn đến từ Miền Trung, một số ít đến từ Miền Bắc. Họ thuộc giới thợ thuyền và người lao động nông nghiệp.

Trước tình cảnh đó, vào năm 1960, cha Fernand Parrel, quản xứ Đà Lạt, đã quyết định thành lập Giáo Điểm truyền giáo ở đây. Năm 1961, Giáo sở được trao cho Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Cùng với các cha, có các thầy Học viện của Dòng cộng tác, nên bộ mặt Giáo sở Bạch Đằng khởi sắc rõ rệt: từ 20 gia đình Công giáo ban đầu đã lên đến 50 gia đình vào năm 1966. Các đoàn thể như Hùng Tâm Dũng Chí, ca đoàn, Hội Con Đức Mẹ… hoạt động rất mạnh. Năm 1966, Nhà Dòng đã trả lại cho Giáo Phận. Biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, nơi đây trở thành chiến địa, Nhà Thờ và nhà sinh hoạt bị thiêu rụi hoàn toàn, bà con giáo dân bị phân tán khắp nơi. Sau biến cố này, chỉ có một số ít bà con giáo dân quay trở về để gầy dựng lại cuộc sống. Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Giáo phận Đà lạt, đã nhờ các cha Dòng Châu Sơn ở Đơn Dương, đến giúp tái thiết ngôi Thánh Đường. Đến giữa năm 1969, cha Alexis Tống Phước Hậu thuộc Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn đến mục vụ Giáo sở. Đồng thời, cha cũng nhờ các thầy Học viện của Tu Hội đến tổ chức lại các đoàn thể như trước.

Năm 1975, một lần nữa, Giáo sở lại phải chứng kiến số giáo dân lần lượt ra đi. Người trở về quê cũ, người đi kinh tế mới. Giáo sở không còn các lớp học cũng như các đoàn thể nữa, thậm chí, trong giai đoạn từ 1983 – 1988, vì nhiều lý do, nơi đây không có Thánh Lễ. Đến lễ Chúa Giáng Sinh năm 1988, cha Alexis Tống Phước Hậu mới được trở lại dâng Thánh Lễ cho bà con giáo dân vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng như trước. Từ đó, bà con giáo dân dần dần quay trở về.

Năm 1991, cha Giêrađô Trần Công Dụ về tiếp nối công việc mục vụ của cha Alexis. Cũng vào năm này, cha thành lập hội Legio Marie. Tháng 11 năm 1993, cha Giuse Phan Thái Hòa được cha Bề Trên Tu Hội cử đến thay cho cha Giêrađô Trần Công Dụ. Vào thời điểm này, ngôi nhà thờ gỗ đã xuống cấp trầm trọng. Cha đã cố gắng xây dựng lại ngôi nhà thờ mới. Đây là niềm ao ước của các cha tiền nhiệm cũng như của bà con giáo dân. Tháng 1 năm 1995, lễ đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng. Ngày 24 tháng 08 năm 1995, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn dâng thánh lễ cung hiến và khánh thành ngôi thánh đường mới trong niềm vui mừng khôn tả của mọi người. Tháng 01 năm 2014, cha Gioakim Lê Văn Chiến được cha bề trên Tu Hội cử đến tiếp tục công việc mục vụ của cha Giuse Phan Thái Hòa.

Ngày 27 tháng 11 năm 2016 cha Micae Phạm Hữu Trung được cha bề trên Tu Hội cử đến thay cho cha Gioakim Lê Văn Chiến, tiếp tục công việc mục vụ. Thời gian này, nhà thờ xuống cấp, do đó cha đã trùng tu lại nhà thờ.  

Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, giáo xứ Bạch Đằng nhỏ bé (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) đã trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, tưởng chừng như không thể tồn tại. Thế nhưng nhờ Bàn Tay Quan Phòng của Thiên Chúa, từ 50 gia đình công giáo vào năm 1966, nay đã lên tới 213 gia đình với số người giáo dân là 634.

Trong bài giảng của mình, cha Tổng Đại Diện đã nhấn mạnh: “Chúng ta cử hành thánh lễ Tạ ơn hôm nay, không những vì tin những gì chúng ta đã nhận lãnh là từ lòng nhân hậu của Chúa và với sự bền bỉ của bao mục tử và con chiên thực hiện theo ý Chúa, nhưng còn tin rằng việc tạ ơn Chúa sẽ kéo thêm những ơn mới của Chúa xuống trên giáo xứ và trên chúng ta cũng như giúp chúng ta biết noi gương thế hệ đi trước kiên vững trong đức tin để tiếp tục phát triển trong tương lai.”

BTT