Hành động hơn lời nói: Chân phước Frederic OZANAM

0
1008

Bối cảnh: Paris của những năm đầu thế kỷ 19 rơi vào hoàn cảnh của những biến động lớn. Trong và sau cuộc cách mạng Pháp 1788-1799, Paris bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tình trạng bất ổn xã hội. Những năm thập niên 1830 kéo theo sự sụp đổ của chế độ quân chủ Bourbon cũ, vốn có tham vọng củng cố ngai vàng với sự hậu thuẫn từ Giáo hội. Phần đông dân chúng trong đất nước đã di cư đến các thành phố, để tìm việc làm trong các nhà máy. Nhiều người đến nơi và phát hiện ra rằng, không có việc làm, lương ít hoặc các nhà máy bị đóng cửa do cách mạng.

Nhiều khu ổ chuột lớn mọc lên ở Paris; hàng ngàn người sống mà không có việc làm, một số không có quần áo và rất nhiều người nghiện rượu.

Ngoài một thành phố vốn đã nghèo khó, vào năm 1832, một trận dịch tả tràn qua Paris đã giết chết 1.200 người mỗi ngày. Tình trạng vô gia cư, bệnh tật và nạn đói tràn lan khắp nơi.

Đây là thế giới của Frederic Ozanam, một sinh viên trẻ phải đi bộ qua những vùng ngoại ô nghèo nàn, trên đường đến giảng đường đại học mỗi ngày. Cậu vô cùng xúc động trước tình trạng vô vọng của những gia đình bị bỏ lại, mà không có sự hỗ trợ của những người trụ cột trong gia đình sau đại dịch.

Chỉ cho đến khi Ozanam bị chế nhạo bởi một đối thủ chống tôn giáo trong một hội tranh luận sinh viên, khiến anh ta phải hành động: “Ozanam, anh nói đúng khi anh nói về quá khứ! Trong thời trước đây, Kitô giáo đã làm việc kỳ diệu, nhưng bây giờ các anh đang làm gì cho nhân loại? Còn anh bạn, anh bạn là người tự hào về đạo Công giáo của mình, anh bạn đang làm gì cho người nghèo? Hãy cho chúng tôi thấy, anh đã làm như thế nào kìa!”

Frederic Ozanam đã tập hợp một vài người bạn xung quanh mình và vào ngày 23 tháng 4 năm 1833, họ gặp nhau để quyết định xem, họ có thể làm gì để trợ giúp người nghèo. Frederic bước sang tuổi hai mươi tại cuộc họp lịch sử đầu tiên mà họ gọi là “hội bác ái”.

Sau cuộc họp, Frederic và người bạn cùng phòng của mình đã lấy phần củi còn lại trong mùa đông của họ và mang đến cho một góa phụ. Anh để nó ngoài cửa nhà bà, gõ cửa, và vì tính tự nhiên rất ngại ngùng, nên anh bỏ chạy. Sau đó, anh nhận ra rằng, những gì dân chúng cần, là một ai đó kề vai sát cánh với họ, và trao ban cho họ xứng đáng với nhân phẩm khi gặp mặt trực tiếp và trao tặng tình bạn.

Frederic và những người bạn của anh bắt đầu mang đến cho những gia đình này một ít bánh mì, củi và trên hết là tình bạn. Nguồn tài chính cho công việc này đến từ một số nguồn, nhưng chủ yếu là từ tiền tiết kiệm từ học bổng của họ. Những chàng trai trẻ tuổi này đã bị một số người chế giễu, đặc biệt là những nhóm Saint-Simon, họ đã nhận xét: “Bảy chàng trai trẻ có thể hy vọng đạt được điều gì để mong giảm bớt đau khổ của Paris?”

May mắn thay, Ozanam ít để ý đến những lời nhận xét của họ, quyết tâm theo đuổi những gì anh đang làm, mà theo lương tâm, rằng anh đang làm những gì có thể để làm chứng cho tinh thần giáo dục Kitô giáo của mình, bằng cách hỗ trợ những người kém may mắn trong cộng đồng.

Là một nhà tranh luận có kỹ năng, Frederic có thể tham gia vào một cuộc đấu khẩu để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng anh biết rằng sẽ hiệu quả hơn, nếu cho mọi người thấy những hành động tử tế đơn sơ với những người cần giúp đỡ, có thể tạo ra sự thay đổi như thế nào.

Nhóm nhỏ quyết định lấy tên là Hội thánh Vinh Sơn Phaolô, theo tên của vị thánh bảo trợ các công việc bác ái Kitô giáo.

Họ tìm kiếm lời khuyên của sơ Rosalie Rendu, một chị Nữ Tử Bác Ái, người đang đến thăm các gia đình nghèo ở một trong những quận nghèo hơn. Sơ Rendu đã giới thiệu những người trẻ với những người mà họ có thể giúp đỡ. Họ đồng ý gặp nhau hàng tuần để củng cố tình bạn và đáp ứng nhu cầu của những người họ phục vụ.

Không lâu sau đó, những người Paris khác đã ghi nhận những việc làm bác ái của sinh viên. Trong vòng một năm, số thành viên đã tăng lên 100 người và cần phải chia (nhóm) thành ba hội bác ái riêng biệt.

Đồng thời, các hội khác mọc lên ở các giáo xứ xung quanh Paris. Trong thập kỷ đầu tiên của nó, Hiệp hội đã lan rộng ra 48 thành phố khác ở Pháp và Ý với con số hơn 9.000 thành viên.

Sau một số năm, Hội đã lan đến Roma (1842), Anh (1844), Bỉ, Scotland, Ireland (1845), Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1846) và Úc vào ngày 5 tháng 3 năm 1854.

Mặc dù sự lan rộng nhanh chóng của hiệp hội, Frederic Ozanam không phải là người hoàn hảo trong việc phục vụ người nghèo. Anh thường bị lừa bởi những người anh định giúp đỡ và trở nên thất vọng khi những người anh tìm cách giúp đỡ không muốn tự giúp mình.

Có một người đàn ông mà Ozanam đã giúp đỡ, bằng cách hỗ trợ việc làm cho ông ta. Nhưng người đàn ông này một lần nữa rơi vào cảnh túng quẫn và ông ta quay trở lại với Frederic để xin giúp đỡ. Thay vì làm bác ái, Frederic đã mất bình tĩnh, từ chối ông ta và bảo đừng bao giờ quay trở lại nữa. Người đàn ông hầu như không chịu rời đi, khi Ozanam nghĩ lại những gì mình đã làm, Ozanam gọi ông ta lại và thể hiện lòng trắc ẩn và sẵn sàng giúp đỡ một lần nữa. Ozanam nhận ra rằng việc đánh giá người đàn ông đó không phải là phần của anh, mà chỉ cần giúp đỡ ở bất kỳ nơi đâu anh có thể.

Ozanam liên tục bị thử thách bởi những người xung quanh, nhưng anh không bao giờ bỏ cuộc. Anh thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn và chỉ trích, nhưng không bao giờ dao động trong mong muốn giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Các tác phẩm của anh đã có từ trước và tạo nên phần lớn nền tảng cho giáo huấn Xã hội Công giáo trong thời kỳ hiện đại. Frederic Ozanam thành lập Hội thánh Vinh Sơn Phaolô với kinh nghiệm đến thăm người nghèo khổ.

Các thành viên của tổ chức này được kêu gọi, không chỉ trở thành những người phân phát thực phẩm, nhiên liệu và quần áo cho người nghèo – mà còn là những người phân phát tình yêu và lòng trắc ẩn của Đức Kitô, những gì đã được tuôn đổ vào trong tâm hồn họ bởi Chúa Thánh Thần.

Khi chúng ta cử hành lễ Chân phước Frederic Ozanam, chúng ta được nhắc nhở rằng, cách mà chúng ta thực sự tạo ra sự khác biệt, không phải qua lời nói của chúng ta, mà là thông qua hành động của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ đánh mất cơ hội trở thành sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trên thế giới, ý thức rằng chúng ta có thể là ánh sáng trong bóng tối cuộc sống của mọi người, bằng cách thực hiện phần việc của mình để thực hiện sứ mệnh của Frederic Ozanam.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM chuyển ngữ từ https://melbournecatholic.org/