Huynh đệ cộng đoàn

0
3053

“Tôi chỉ thực sự là người, nếu tôi sống với anh em tôi, không phải ai xa lạ, mà là người đang sống bên tôi. Thế giới này không ai là một hòn đảo. Vườn hoa này không có nụ  hoa lạc loài”.

Vâng đúng vậy! “Tôi chỉ thực sự là người, nếu tôi sống với anh em tôi…” Bởi con người là những hữu thể sống cộng đồng, nên không ai sống một mình mà có thể đạt đến sự phát triển toàn diện thực sự được. Con người sống là sống cùng và sống với người khác. Đặc biệt trong ơn gọi tu sĩ, đời sống cộng đoàn là rất cần thiết, nó có một ý nghĩa cao vượt và là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Vì lẽ đó, có một điều chắc chắn rằng, khi không hoà mình được với cộng đoàn, thì rất khó có thể sống trong ơn gọi Dòng tu. Vậy phải làm thế nào để sống bên nhau với những sự khác biệt mà vẫn cảm thấy thích hợp, vẫn cảm thấy dễ mến? Đó là những thách đố nhưng cũng là những hoa trái ngọt ngào của đời sống cộng đoàn.

Nói đến đời sống cộng đoàn, thánh Phaolô trong Thư gởi tín hữu Philiphê, đã dạy: “Anh em hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau… Hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Những quan hệ hỗ tương của anh em nên đặt nền tảng trên sự thật này là, anh em đã được hiệp thông với Chúa Kitô.” (Pl 2, 2-5)

Khi Thánh Phaolô kêu gọi anh em hãy cùng một lòng một ý, thì điều đó có nghĩa đã có nhiều lòng nhiều ý… Nếu chỉ đứng bên ngoài quan sát, chúng ta vẫn thường thấy rằng đời sống huynh đệ cộng đoàn dường như: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau.” (Tv 132) Nhưng cứ thử đi sâu, đi sát vào thực tế, chúng ta sẽ thấy được đời sống cộng đoàn hết sức phức tạp và cũng lắm nhiêu khê! Vì đời sống mỗi người là một chân trời đầy bí mật, mỗi cá nhân thường rất riêng tư và hay núp dưới vỏ bọc bên ngoài, nên ít khi thấy được thực chất của nhau. Ngày ngày anh em vẫn sống giáp mặt với nhau đấy, cùng nhau sánh bước tới nguyện đường, rồi từ nhà cơm cho đến phòng học, từ giờ học cho đến giờ thể thao… Nhưng có lẽ, đó cũng chỉ là gặp gỡ bên ngoài, còn điều chính yếu ở bên trong của mỗi người nào có mấy ai biết đến, mấy ai quan tâm?

Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi mỗi người là một phương trời xa lạ, chưa hề quen biết hay hiểu nhau trước đó. Mỗi người đến đây đều mang theo những ưu tư, những nỗi niềm và cả cá tính rất riêng của mình. Anh quê ngoài Bắc, mang phong tục tập quán của người Miền Bắc. Còn tôi trong Nam, mang phong tục tập quán của người Miền Nam. Hai con người đó rất khác nhau…  Do vậy, không đối chọi nhau sao được, làm thế nào tránh khỏi những khó khăn trở ngại? Đôi khi chỉ cần khác nhau một chút về quan niệm đã tạo ra hai thế giới cách biệt, một bên là cởi mở, một bên là khép kín…

Thực ra thì cộng đoàn nào mà chẳng có lúc ý anh, ý tôi. Cộng đoàn nào mà chẳng có lúc va chạm, bất đồng, hay hiểu lầm lẫn nhau. Tuy nhiên, đời sống huynh đệ cộng đoàn không thể dừng lại ở đó. Đời sống cộng đoàn giống như một ngôi nhà, nó phải được xây dựng từ nhiều viên đá khác nhau. Bởi thế, khi nói đến tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn, là nói đến tình tương thân tương ái, anh em yêu thương nâng đỡ lẫn nhau, xây dựng và sửa đổi cho nhau, cùng nhau trở nên hoàn thiện. Dẫu biết rằng sống hòa mình với đời sống cộng đoàn là một thách đố lớn. Có thể mỗi người là một phương trời xa lạ đấy. Nhưng đến đây là chúng ta sống trong một “ngôi nhà tình yêu cộng đoàn”. Biết rằng đời sống mỗi người là một chân trời đầy bí mật, nên phải làm sao để người anh em khác hiểu tôi và tôi hiểu được người anh em khác.

Nên, không gì khác hơn là chúng ta cần biết chấp nhận và đón nhận; biết chân thành và yêu mến; biết tha thứ và cho đi… Cụ thể hơn, đó là bộc bạch, là chia sẻ, là cảm thông và hoà mình với người khác, biến cái riêng thành cái chung, biến tính tự ái mặc cảm thành tính hoà đồng, biến sự nóng nảy thành sự hiền dịu… Bởi xét cho cùng, tất cả dù có khác biệt nhau nhưng chúng ta đều có cùng một động lực, một tình yêu thúc đẩy cuộc đời và cuối cùng được quy tụ về chung sống một nơi. Tình yêu này không gì khác hơn đó chính là Tình yêu Đức Kitô chịu đóng đinh. Tình yêu đó kêu gọi mỗi người hãy trở nên một viên đá sống động để xây dựng mái nhà cộng đoàn huynh đệ. Trong niềm tin, chúng ta phải xác tín rằng, đó chính là tiếng mời gọi của Thiên Chúa. Và mục đích chính của chúng ta là cùng nhau khám phá và tìm kiếm Thiên Chúa Tình Yêu. Có như thế, chúng ta mới thể hiện được trọn vẹn tình người và tình yêu của “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Và khi ấy, mọi người có thể vui vẻ thốt lên: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau.” (Tv 132)

Nói tóm lại, Chúng ta là những con người, chất chứa ở bên trong cả những cái tốt lẫn những cái xấu. Trong đời sống huynh đệ cộng đoàn, có lúc mang lại niềm vui cho người anh em khác nhưng cũng có nhiều lúc lại làm người anh em khác buồn vì những cử chỉ, lời nói không đáng và ngược lại cũng thế. Tuy nhiên, ngẫm lại cũng thấy bao điều quí giá. Chính những lúc va chạm, buồn vui, bất đồng như vậy là lúc chúng ta được gọt giũa, cắt tỉa, bào mòn… Tuy đắng cay và xót xa thật, nhưng trái của nó thì lại thơm hương ngọt ngào, mà chỉ trong đời sống cộng đoàn mới có. Nó có thể được ví như một bản tình ca buồn vui hoà quyện. Trong đó, có nốt trầm nốt bổng, có lúc dập dồn và cũng có những khoảng trầm tư.

Lm ĐS Vân Phong. CM

Góp nhặt