Jean Gabriel Perboyre – Vị thánh tử đạo đầu tiên của Trung Hoa
Joseph Chow Chihyi, C.M[1]
Chúng ta vui mừng khi biết tin cha Jean Gabriel Perboyre sẽ được phong thánh. Sự kiện này mời gọi chúng ta tạ ơn Thiên Chúa tốt lành, tri ân Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, người mà Thiên Chúa đã linh hứng để phong thánh cho một người anh em trong Tu Hội. Chúng ta hãy cùng nhau hát lên bài “Te Deum”, vì đây là một vinh dự lớn lao cho toàn thể Tu hội, và đặc biệt, đối với các thành viên thuộc Tỉnh dòng Trung Hoa và các nhà truyền giáo ở Trung Hoa.
1. Máu của cha Jean Gabriel khuyến khích lòng nhiệt thành của chúng ta đối với các linh hồn.
Chúng ta hãy bắt chước lòng nhiệt thành của cha Jean Gabriel, người đã kiên quyết nài xin được gửi đến Trung Quốc để cứu những người chưa có đức tin. Sau khi sốt sắng cầu nguyện, ngài đã đến và phủ phục dưới chân Cha Bề Trên Tổng Quyền – cha Salhorgne, nài xin cho mình được đi đến Trung Quốc để cứu những người chưa có đức tin. Chính lòng nhiệt thành đó đã làm cho ngài chịu đựng sự đói khát vì vinh quang cao cả của Thiên Chúa trong sứ vụ của mình. Chính lòng nhiệt thành đối với các linh hồn đã thúc đẩy ngài luôn luôn sẵn sàng, dù ngày hay đêm, để mau mắn đến bất cứ nơi nào mà sứ vụ mời gọi. Ngài không nghĩ gì về sự mệt mỏi hay thiếu ngủ.
Sự nhiệt tình đối các linh hồn đã làm cho cha Jean Gabriel trả lời quan tòa, “Tôi sẽ cự tuyệt cho đến khi chết chứ không chối bỏ Chúa của tôi, hoặc chà đạp thánh giá dưới chân tôi.” Cuối cùng, nhờ lòng nhiệt thành đối với các linh hồn mà ngài đã trải qua hơn hai mươi cuộc khảo cung giữa những dằn vặt và đau khổ tàn khốc nhất, như chuyện quỳ gối trên dây xích sắt. Nói một cách dễ hiểu, ngài chịu đựng mọi đau khổ mà không có một chút phàn nàn nào.
Cha Jean Gabriel Perboyre chỉ sống 38 năm trên cuộc đời này. Thời gian ngài ở với chúng ta rất ngắn, nhưng ngài đã hoàn thành rất nhiều việc lớn lao. Sinh ngày 06 tháng 01 năm 1802, cha Jean Gabriel Perboyre được phúc tử đạo vào ngày 11 tháng 9 năm1840. Thời gian ngài có mặt trên cuộc đời trôi qua như một tia sáng. Lòng nhiệt thành của cha Jean Gabriel Perboyre đối với các linh hồn đã đưa ngài đến Trung Hoa để cứu người Trung Hoa, và thậm chí cả thế giới; lòng bác ái của ngài dành cho những người ngoại đạo, và tình yêu mãnh liệt của ngài dành cho Chúa, đã đưa ngài đến với sự tử đạo của mình. Thánh Augustinô nói “Người thiếu lòng nhiệt thành, cũng thiếu tình yêu của Chúa”. Và Thánh Phaolô có thể nói “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. Chúng ta có đủ bác ái và nhiệt thành để truyền giáo cho những người nghèo như cha Jean Gabriel đã làm không? Chúng ta có xứng đáng là người của ngài không?
2. Cha Jean Gabriel Perboyre, gương mẫu của sự từ bỏ
Sự từ bỏ là một trong những nhân đức tuyệt với của cha Jean Gabriel. Sự từ bỏ ấy được thể hiện cách dứt khoát khi bề trên gửi ngài đến Paris để học tiếp vào năm 1821. Nhân dịp này, cha Jean Gabriel được phép về thăm gia đình, nhưng ngài đã từ chối mặc dù tình yêu ngài dành cho gia đình là rất lớn, ngài đã trả lời cha bề trên với một đề nghị “Cha Vinh Sơn mới chỉ một lần về thăm gia đình mà luyến tiếc vì đã làm như vậy; con sẽ dâng sự hy sinh này cho Chúa nếu cha cho phép con.”
Sự từ bỏ của cha Jean Gabriel đã được minh chứng đặc biệt ở Trung Quốc, nơi chân phước sống một mình mà không có sự trợ giúp, không có sự bảo vệ của ai khác, ngoại trừ sự Quan phòng của Thiên Chúa, trong một đất nước không Kitô giáo, lại bị bao vây bởi kẻ thù. Nghị lực của cha Jean Gabriel thật đáng ngưỡng mộ, không chỉ là lúc rơi vào tay những kẻ ngoại đạo, mà còn là trong những tháng ngài bị giam cầm và ngay cả khi giờ tử đạo đã gần kề.
3. Trung Hoa, đất nước của nhiều vị thánh tử đạo, hạt giống của các Kitô hữu
Trung Hoa, vùng đất của các vị tử đạo và các tông đồ, đã trở nên màu mỡ hơn nhờ dòng máu của các nhà truyền giáo Vinh Sơn và các Nữ Tử Bác Ái . Như Tertulian đã nói: “Máu của các thánh tử đạo là hạt giống phát sinh các Kitô hữu”. Đây là lý do tại sao tôi muốn giới thiệu cho các bạn danh tính của các chứng nhân và các thánh tử đạo thuộc Tu Hội Truyền Giáo tại Trung Hoa.
- Thánh Francis Regis Clet đã lên đường sang Trung Hoa vào năm 1791. Năm 1818, khi cuộc đàn áp trở nên dữ dội, ngài bị tống vào tù và bị kết án tử hình vào ngày 01 tháng 01 năm 1820. Ngày 17 tháng 02 năm đó, vì đức tin Kitô giáo, ngài bị siết cổ cho đến chết tại Vũ Xương, Hồ Bắc. Vào ngày 09 tháng 7 năm 1843, ngài được Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI tuyên phong lên Bậc đáng kính. Đức Giáo Hoàng Leo XIII tôn phong ngài lên Chân phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và ngày 01 tháng 10 năm 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.
- Năm 1825, cha Francois Cheng C.M., bạn đồng hành trong nhà tù của Thánh Francis Regis Clet bị kết án lưu đày và giết chết.
- Năm 1840, cha Jean Gabriel Perboyre đã được phúc tử đạo tại Vũ Xương, Hồ Bắc. Ngày 11 tháng 9, ngài đã bị trói vào một giá treo cổ hình thánh giá. Cha Jean Gabriel được Đức Giáo hoàng Leo XIII phong chân phước tại Roma vào ngày 10 tháng 9 năm 1889. Ngày 2 tháng 6 năm 1996, tại Rôma, ngài đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh.
- Năm 1857, cha Fernand Montels bị chặt đầu cùng với hai người bạn đồng hành Kitô giáo, bởi vì họ luôn luôn nhận mình là linh mục và Kitô hữu.
- Năm 1870, hai nhà truyền giáo Vinh Sơn là cha Claude Marie Chevalier và cha Vincent Ou đã bị dìm cho đến chết tại Thiên Tân.
- Vào ngày 21 tháng 6 năm 1870, 10 sơ Nữ Tử Bác Ái đã bị giết chết tại Thiên Tân.
- Năm 1900 và 1901, trong cuộc Cách mạng Nghĩa Hòa Đoàn, 3 thành viên (Maurice Doré, Pascal d’Addosio và Jules Garrigues) đã bị giết và đốt cháy.
- Năm 1903, cha André Tsu 28 tuổi, thuộc Tu Hội Truyền Giáo, bị những kẻ ngoại đạo xé nát thành từng mảnh. Ngực của ngài bị kéo ra theo hình thập giá.
- Năm 1906, cha Jean Marie Lacruche C.M., bị giết tại thị trấn Nam Xương, Giang Tây.
- Năm 1907, cha Antoine Canduglia bị chặt đầu.
- Vào năm 1937, diễn ra vụ thảm sát Đức ông Francis Xavier Schraven C.M, Giám mục An khánh, cùng với 8 người khác. Khoảng 7 giờ tối ngày 09 tháng 9, sau giờ viếng Thánh Thể trong Tòa Giám Mục, có 40 linh mục hiện diện trong bữa ăn tối. Vì chiến tranh Trung-Nhật nên chúng tôi đã không thể rời nhà thờ Chánh tòa An khánh sau tuần tĩnh tâm kéo dài từ ngày 19 đến 28 tháng 8. Gần như ngay sau khi món súp được đưa tới, 9 người châu Âu đã bị bắt bởi người Nhật. Chỉ có một tu sĩ già Dòng Xitô ở Tu viện Notre-Dame de Liesse, là cha Alberic, thoát khỏi vụ thảm sát. Cha đã ăn tối trong phòng riêng vì tuổi tác và bệnh tật. 9 nạn nhân là Đức ông Schraven người Hà Lan, Giám mục của Giáo phận An khánh, 65 tuổi; cha Lucien Charny C.M., người Pháp, 55 tuổi; Thomas Ceska, người Áo, Phụ tá Bề trên, 65 tuổi; cha Eugene Bertrand, người Pháp, 32 tuổi, Quản lý Giáo phận; Gerard Vouters C.M., một nhà truyền giáo người Hà Lan, 28 tuổi; thầy Anthony Geerts C.M., một tu huynh người Hà Lan, 62 tuổi; Vladislas Prinz C.M., một giáo dân Ba Lan, 28 tuổi; cha Emmanuel, một tu sĩ Dòng Xitô người Pháp ở Tu viện Notre-Dame de Liesse, 60 tuổi, cũng như một giáo dân quốc tịch Séc, tên là Biscopich, người đã ở An Khánh để sửa chữa đàn phong cầm (Organ) trong nhà thờ.
- Năm 1940, tại Quảng Chính, Hưng An thuộc Giáo phận An khánh, trên đường đi về nhà của mình, cha Laurent Ch’enn, một linh mục giáo phận đã bị những người Cộng sản chôn sống cùng với người giáo lý viên của mình. Cha vừa đến để ban Bí tích Xức Dầu cho một người đàn ông sắp chết. Cha bị giết vì đã khiển trách một người phụ nữ có liên hệ không trung thực với Cộng sản.
- Năm 1945 tại An khánh, Louis Uao, một linh mục giáo phận bị cầm tù và sau đó bị kết án lao động khổ sai cho đến chết.
- Năm 1947, tại An khánh, cha Joseph K’ung CM, một đồng sự của Đức ông Ch’enn CM, đã bị kết án tử hình bởi cái gọi là Bồi Thẩm đoàn, sau đó bị xử tử với lý do ông đã hợp tác với người Nhật trong thời chiến tranh Trung – Nhật.
- Năm 1950, tại Che-kia-Tch’oang, thuộc Giáo phận An Khánh, cha Jacques Chao C.M. và cha Jacques Ou linh mục giáo phận bị kết án tử hình. Trước khi hành quyết, họ bị xiềng xích và đưa lên xe để bêu rếu trên đường phố của thị trấn. Hai chứng nhân đã hô to “Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng và Cộng hòa Trung Hoa muôn năm”. Họ đã hát bài Ave Maria bằng tiếng Latinh và kêu gọi “Đả đảo Cộng sản”. Sau đó, họ bị xử tử bằng cách chặt đầu.
- Năm 1950, tại Nam Xương, Giang Tây, đến lượt Đức Tổng Giám Mục, Đức Ông Joseph Chow T’si-che C.M, người dạy tiếng Latinh cho cho Joseph Chow Chihyi trong chủng viện. Trong thời gian chiếm đóng Trung Hoa đại lục, với ý định biến Giáo hội Công giáo La Mã thành giáo hội “yêu nước” , những người Cộng sản đã đề nghị với Đức ông Chow rằng họ sẽ bổ nhiệm Đức ông làm “Giáo hoàng của Giáo hội yêu nước ở Cộng sản Trung Hoa”. Một ngày nọ, một số nhà lãnh đạo Cộng sản quỷ quyệt đã liên lạc với Đức ông và cho Đức ông biết ý định của họ khi đến thăm ngài. Nhưng Đức Ông đã trả lời họ với những lời khéo léo nhưng đầy mỉa mai: “Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Ý tưởng của bạn rất đáng khen ngợi, nhưng tôi không thể là Giáo hoàng của Cộng sản Trung Hoa, vì Trung Hoa Cộng sản quá nhỏ để có Giáo hoàng. Nếu bạn có thể đề nghị tôi làm Giáo hoàng của Giáo hội hoàn vũ, tôi sẽ sẵn lòng chấp nhận. Nếu không, thật vô ích khi thảo luận về vấn đề này.” Những người Cộng sản ra đi trong sự giận dữ; Đức Tổng Giám Mục bị đặt dưới sự giám sát, và sau đó bị cầm tù. Ngài chết trong một trại lao động cưỡng bức năm 1972, sau 22 năm bị giam cầm.
- Năm 1951, tại Bắc Kinh, cha Pierre Souen C.M., Giám đốc Chủng viện Bắc Kinh, bị bắt giam. Cha bị xiềng xích quá chặt đến nỗi vết thương của cha trở nên hoại tử. Cha mất vào ngày 16 tháng 9 năm 1951. (Phép lạ: Theo một số người trở về từ Bắc Kinh sau khi đến thăm họ hàng ở Đại lục, một số người đã cầu nguyện gần ngôi mộ của Cha Pierre Souen, để xin cha cầu bầu cho họ được khỏi bệnh, nhờ lời chuyển cầu của cha, Chúa đã chữa lành cho một số người.)
- Cha Paul Tchang C.M. và cha Ignace Ts’i linh mục của Giáo phận Bắc Kinh, đã bị cầm tù cùng ngày với cha Souen.
- Năm 1952, tại Tentsin, cha Jean Chao C.M. bị kết án lao động cưỡng bức; kể từ đó không có tin tức gì về anh ta.
Cuối cùng, phải nói rằng cuộc đàn áp dữ dội nhất diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1967 trong suốt cuộc “Cách mạng Văn hóa” tàn khốc. Vào thời điểm đó, các linh mục và những người trung thành với Giáo Hội Roma không thể thoát khỏi nhà tù hoặc trại lao động cưỡng bức .
Qua việc tuyên dương các thánh tử đạo của Vinh Sơn, hay những chứng nhân của cuộc đàn áp, tôi tóm kết bản ghi chép tuyệt vời này với câu nói của Tertulian như đã đề cập ở trên “Máu của các thánh tử đạo là hạt giống phát sinh các Kitô hữu”. Có thể máu của họ là hạt giống của nhiều ơn gọi cho hai Tu hội của Thánh Vinh Sơn. Đó là nhờ dòng máu của cha Jean Gabriel, của cha Francis Regis Clet và tất cả các vị tử đạo khác đã chết vì Đức tin mà chúng ta đã nhận được rất nhiều ơn như đã được ghi trong sứ vụ “Truyền Giáo Vinh Sơn Tại Trung Hoa” (14 năm 1936-1937). Tôi hy vọng sẽ làm sáng tỏ hơn về điều này trong các trang tiếp theo.
4. Lợi ích thiêng liêng
a) Đào tạo giáo sĩ bản xứ bởi các thừa sai Vinh Sơn trong 14 Giáo phận mà các thừa sai Vinh Sơn coi sóc.
Mục tiêu của những điều được viết sau đây là chỉ ra rằng các thừa sai Vinh Sơn không bao giờ đánh mất những lời khuyên mà Thánh Vinh Sơn đã khuyên các nhà truyền giáo của mình, khi gửi họ đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo ở miền quê, cũng như mục tiêu kép mà Thánh bộ Truyền bá Đức tin đã giao phó cho Tu Hội về sứ vụ truyền giáo tại Trung Hoa – đó là sự hoán cải của những người chưa có đức tin và việc đào tạo các giáo sĩ bản xứ.
Năm 1721, cha Muneller C.M đã bắt đầu mở một chủng viện ở Macao. Trong số 8 chủng sinh, 3 người được phong chức linh mục, 2 người trở thành Lazarist. Chính cha Muneller đã dạy tiếng Latinh, 2 cha Lazarist được phong chức là cha Frs. Shu và cha Paul Sou.
Năm 1802, cha Chislain C.M, đã được đặt làm Bề trên của Cộng đoàn Truyền giáo Vinh Sơn tại Bắc Kinh, kế vị cha Raux C.M. Cha Chislain là một nhà vật lý tài ba, cha có thể là thành viên của Viện Toán học, nhưng ngài đã từ chối lời đề nghị đó và thay thế bằng một anh em khác. Trên thực tế, cha muốn tiếp tục làm việc trên cánh đồng truyền giáo ở Trung Hoa, đặc biệt là trong sứ vụ đào tạo các linh mục Trung Hoa với sự giúp đỡ của cha Ferreti C.M và một cha Lazarist Trung Hoa, cha Joseph Han, người từng là Phụ tá Giám tập. Tính đến thời điểm đó, các cha Lazarist đã đào tạo được 25 thành viên trẻ. Trong cuộc đời của mình, cha Chislain đã chứng kiến 18 sinh viên của mình được phong chức linh mục.
Cho đến năm 1746, chỉ có 2 người Trung Hoa được phong chức linh mục cho Tu hội; Năm 1852, trên toàn Trung Hoa, có 25 người Trung Hoa trong tổng số 43 người Lazarist. Năm 1859, 29 trong tổng số 56 Lazarist là công dân Trung Hoa. Đến năm 1873, trong số 125 người Vinh Sơn ở Trung Hoa, có 105 linh mục Trung Quốc.
Để đạt được mục tiêu đào tạo các giáo sĩ bản xứ, mỗi Hạt đại diện Tông tòa đặt dưới sự kiểm soát của Tu hội. Theo thống kê năm 1900, các chủng viện riêng (cả lớn và nhỏ) như sau:
- Đại chủng viện trong khu vực tại Đại học Ninh Ba (đến năm 1937) với 15 chủng sinh.
- Một Đại chủng viện thuộc Vinh Sơn được thành lập vào năm 1902 tại Kianshin, Triết Giang, với 45 chủng sinh.
- Một Đại chủng viện thuộc Vinh Sơn được thành lập năm 1909 tại Chala, Bắc Kinh, từ năm 1920 trở thành Chủng viện khu vực, với 90 đại chủng sinh.
Theo số liệu thống kê của cơ quan “Truyền Giáo Vinh Sơn” (1936-1937), có 260 đại chủng sinh trong tất cả 14 Giáo phận mà các thừa sai Vinh Sơn coi sóc, với 875 tiểu chủng sinh, trong khi 637 linh mục đã được “thành hình” bởi các cha Lazarist ở Trung Hoa, trong đó có 450 người gia nhập Tu hội.
Vào ngày 24 tháng 6 năm 1926, Đức Giáo hoàng Piô XI, bổ nhiệm 6 Giám mục Trung Hoa, trong đó có 2 linh mục thuộc Vinh Sơn, và một linh mục giáo phận được Vinh Sơn đào tạo. Đức cha Joseph Hu C.M., Giám mục Thái Châu; Đức cha Meichoir Souen C.M., Giám mục Ankou, Hồ Bắc và Đức cha Philippe Chao, Giám mục Suan-hoa.
Mười bốn linh mục được đào tạo bởi các cha Lazarist đã được nâng lên thành giám mục, trong đó Hạt đại diện Tông toà An Khánh đóng góp 3 Tổng Giám Mục và 3 Giám Mục.
b) Danh sách các Kitô hữu trong 14 Giáo phận mà các thừa sai Vinh Sơn coi sóc tại Trung Hoa
Đây là những số liệu thống kê từ “Truyền Giáo Vinh Sơn Trung Hoa” (1936-1937).
- Tại tỉnh Hà Bắc, gồm 7 giáo phận (Bắc Kinh, An Khánh, Thuận Khánh, Bảo Định, Thiên Tân, An Quốc và Triệu Huyện) có 226 linh mục triều, 174 linh mục dòng, 607 tiểu chủng sinh, có 83 đại chủng sinh. Có 21.666 người lớn được rửa tội, 12.209 trẻ sơ sinh được rửa tội, có 542.874 Kitô hữu.
- Tỉnh Chiết Giang gồm 3 giáo phận (Ninh Ba, Hàng Châu và Thái Châu) có 80 linh mục triều, 74 linh mục dòng, 81 tiểu chủng sinh, 25 đại chủng sinh, 3.144 người lớn được rửa tội, 4.095 trẻ sơ sinh được rửa tội, 100.236 Kitô hữu.
- Tại tỉnh Giang Tây, gồm 4 giáo phận (Nam Xương, 56 Kiang, Dư Giang và Quảng Châu) có 55 linh mục triều, 93 linh mục dòng , 185 tiểu chủng sinh và 16 đại chủng sinh, 2.760 người lớn được rửa tội, 3.583 trẻ sơ sinh được rửa tội, 98.826 Kitô hữu.
- Lazarists ở Đài Loan (Cộng hòa Trung Hoa): Bốn khu vực truyền giáo đã được bàn giao cho các cha Lazarist ở Đài Loan kể từ năm 1952. Do đó, người Hà Lan đã đến làm việc tại 6 giáo xứ ở Giáo phận Đài Bắc vào năm 1952. Tiếp theo là người Mỹ vào năm 1953 tại Giáo Phận Đài Nam, nơi họ điều hành 5 giáo xứ. Sau đó, những người Mỹ khác đã đến Giáo phận Cao Hùng, nơi họ có 5 giáo xứ. Cuối cùng, một số người Trung Quốc đã đến Sze-hu trong Giáo phận Kiayi, nơi họ có 4 giáo xứ.
Năm 1963, cha Bề Trên Tổng Quyền William Slattery gửi cha Joseph Chow Chih-yi, Giám tỉnh Tỉnh dòng Bắc Trung Hoa, làm đại diện để thực hiện chuyến kinh lý Trung Quốc.
Năm 1965, Trường Thánh Vinh Sơn được thành lập tại Sze-hu với mục đích tuyển chọn các ơn gọi, và vào năm 1987 một Nội Chủng Viện đã được mở.
Trong 4 quận của Đài Loan, chúng ta có 16.248 Kitô hữu, 32 linh mục Lazarist, trong đó 16 linh mục là người Trung Hoa, 1 tu huynh.
5. Kết luận
Tôi viết về những hoa quả thiêng liêng của sứ vụ truyền giáo của 14 giáo phận ở Trung Hoa và Đài Loan với mục đích là để mời gọi mọi người cầu nguyện nhân dịp lễ phong thánh của cha Jean Gabriel Perboyre, và tạ ơn Thiên Chúa tốt lành vì những ân sủng có được từ máu của các vị tử đạo và các chứng nhân Vinh Sơn khác.
Cuối cùng, chúng tôi muốn Tỉnh dòng Trung Hoa tổ chức một cuộc hành hương đến Roma để hỗ trợ cho lễ phong thánh, một cuộc hành hương mà trong đó có sự tham gia của các thành viên và của cả các đại diện từ các giáo xứ đã được giao phó cho chúng tôi. Và cũng có thể là của các linh mục Đài Loan, những người tình nguyện đến tham dự thánh lễ.
Chúng ta hãy kết thúc bằng cách hát bài “Haec dies quam fecit Dominus, exsulte mus et laetemur in ea,” vì chúng ta có một thành viên là vị thánh tử đạo đầu tiên của Trung Quốc.
Vincent Trần chuyển ngữ
[1] Cha Joseph Chow Chihyi, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1907, là giáo sư chủng viện, sau đó là Cha Giám tỉnh của Tỉnh Dòng Bắc Trung Hoa từ 1954 đến 1963. Hiện cha đang ở Đài Loan.