1. Các bài đọc
Bài đọc 1: Isaiah 50,4-7
Trích sách Isaia: Người tôi tớ Thiên Chúa sẽ đứng vững, thậm chí khi bị bắt bớ.
Đáp ca: Tv 22,8-9,17-18,19-20,23-24
Thánh vịnh 22: tiếng kêu gào lên Chúa khi phải đối mặt với sự dữ.
Bài đọc 2: Pl 2,6-11
Thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Philipphê: Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết và Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài.
Tin Mừng: Mc 14,1-15,47
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô: Đức Giêsu bị kết án tử và bị đóng đinh. Các quân lính đã chứng nhận cho các chết của Ngài và tuyên bố “người này đích thực là con Thiên Chúa”.
2. Chia sẻ
Lễ lá mở đầu cho Tuần Thánh, bước vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Quang cảnh người đi rước Chúa trong Kinh thánh là một đám rước hân hoan. Họ hân hoan vì họ phong Đức Giêsu lên làm vua. Thế nhưng, Đức Giêsu vào đền thánh trên lưng một con lừa con, là tất cả sự khiêm tốn của Người.
Trong Tuần Thánh, Giáo hội cử hành các sự kiện trong cuộc tử nạn của Chúa, từ khi Chúa vào đền thánh, cho đến trước Lễ Rửa chân và trung tâm điểm kế tiếp là Tam Nhật Vượt Qua, kính nhớ cuộc tử nạn và sự phục sinh vinh hiển của Chúa.
Trong ngày này, chúng ta hãy nhìn xem dung mạo của một vị vua mà dân chúng tôn vinh sẽ như thế nào:
Khuôn mặt của người tôi tớ Thiên Chúa
Bài đọc một, sách ngôn sứ Isaia hay còn gọi là Bài ca Thứ ba về người tôi trung của Chúa. Người tôi trung này không có một tên tuổi cụ thể. Và người tôi trung tự sự về chính mình. Đó là hình ảnh của một người tử tù, bị đánh đập bị sỉ nhục, bị làm cho biến đổi hình dạng, đến nỗi người khác nhìn cũng không nhận ra.
Thế nhưng, người tôi tớ này vẫn trung thành với Thiên Chúa và đã đón nhận những cực hình này trong can trường, “vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”(Is 50,7).
Trong lá thư Mùa Chay năm nay, cha Tổng quyền Tu Hội Truyền Giáo đã chia sẻ một câu chuyện rất hay về “Đức Kitô bị tổn thương”. Trong đó có một đoạn nói về vị linh mục muốn khôi phục lại bức tượng cho Chúa, vì vị linh mục này đã nhặt được một ảnh chuộc tội, với tượng Chúa Giêsu đã bị mất tay, mất chân và khuôn mặt cũng bị sứt mẻ nhiều chỗ.
Vị Linh mục than thở: “Thật khó cho tôi để yêu Chúa Kitô không có khuôn mặt.” Cha này đã dành nhiều giờ cố gắng tìm kiếm một khuôn mặt đẹp đẽ phù hợp cho tượng Đức Kitô bị gãy nát của mình để trấn an sự áy náy trong lòng, nhưng Đức Kitô một lần nữa nói với giọng mạnh mẽ: “Ta vẫn muốn bị hỏng như thế này, không có khuôn mặt. Tại sao con muốn khôi phục lại cho Ta, cho con hoặc cho người khác? Nhìn thấy Ta trong tình trạng sa sút như thế này khiến con không vui à?” Đức Kitô nói nhẹ nhàng hơn: “Con hãy chấp nhận Ta như thế. Chấp nhận Ta tan nát, chấp nhận Ta không còn mặt mũi.”
Đức Kitô tiếp tục: “Con có tấm ảnh nào của người mà con không thích hoặc kẻ thù của con không? Hãy đặt khuôn mặt của người đó lên mặt Ta, đặt khuôn mặt của tất cả những người bị bỏ rơi, bị từ chối, những người tội nghiệp nhất lên trên khuôn mặt của Ta. Con hiểu không? Ta đã hy sinh cuộc sống của mình cho họ. Trên mặt Ta có tất cả những khuôn mặt của họ. Con hiểu không?”
Đó là khuôn mặt mời gọi tôi sống và chiêm ngắm Chúa qua những khuôn mặt của người anh em khi bước vào Tuần Thánh năm nay. Đó cũng là khuôn mặt của người tôi trung của Thiên Chúa giữa đời thương.
Chính Thiên Chúa đã tôn vinh người tôi tớ của Ngài
Trong bài đọc hai, thánh thi Philipphê là một bài ca tụng về tình thương của Thiên Chúa, khi suy tôn Đức Giêsu trên hết mọi loài thụ tạo, sau khi đã đón nhận cái chết trên thập giá.
Cả hai hình ảnh này họa nét cho chúng ta hình ảnh của Đức Giêsu trong những giờ phút cuối cùng trên hành trình dương thế cứu độ dân Ngài.
Một Đức Giêsu đã công khai rao giảng bao nhiêu điều vĩ đại, làm bao nhiêu phép lạ và biết bao nhiêu người đã lũ lượt kéo theo nghe giảng. Thế nhưng, khi vào cuối hành trình, Ngài đón nhận khổ giá với sự cô độc. Một nỗi cô độc đến rùng rợn, vì dường như bị mọi người chối bỏ, thậm chí cả những môn đệ thân tín và cả Chúa Cha “lạy cha, nhân sao cha bỏ con” (Lc 15,34).
Đó là hình ảnh của Con Thiên Chúa bị “khủng hoảng” cả tinh thần lẫn thể chất. Thế nhưng, vì một tình yêu vô vị lợi dành cho con người “Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm” (Pl 2,7), để cứu độ con người. Đức Giêsu đã bước xuống gần con người, trở nên như con người, để nâng đỡ con người đứng dậy trong phẩm giá của người con cái Thiên Chúa.
Hình ảnh của người tôi tớ là một hình ảnh ấn tượng. Hình ảnh của một vị Thiên Chúa xóa mình đi vì nhân loại. Người đón nhận tất cả nơi thân xác mình “Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,5).
Bước vào Tuần Thánh, chúng ta hãy dành thời gian chiêm ngắm khuôn mặt của đấng chịu đóng đinh, nhưng đó cũng là khuôn mặt của đấng chữa lành. Có những thương tích, những mối tương quan đổ vỡ giữa chúng ta với Chúa hay giữa chúng ta với nhau. Hãy chữa lành những vết thương đó bằng chính tình thương của Thiên Chúa. Hãy khiêm nhường nhìn nhận những yếu kém của bản thân để hàn gắn những mối tương quan đã bị đổ vỡ giữa chúng ta với Chúa và với nhau. Vì chính Chúa đã nêu gương cho chúng ta và“đích thực Người là con Thiên Chúa”(Mc 15,47).
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM