Linh Đạo Vinh Sơn Và Các Nguyên Tắc Căn Bản Của Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội

Đăng ngày: 01/07/2023
Danh mục: LINH ĐẠO

Học thuyết Xã hội của Giáo hội là kim chỉ nam thực hành đạo đức Công giáo một cách cụ thể trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Mọi nguyên tắc của Học thuyết Xã hội như “tín hiệu đèn giao thông” để việc áp dụng chúng được thực hiện đúng đắn và hiệu quả vì lợi ích chung của xã hội. Đề cập đến điều này trong Linh đạo Vinh Sơn, chúng ta nhận thấy rằng, trong thời của Thánh Vinh Sơn, mặc dù Học thuyết Xã hội của Giáo hội chưa ra đời, nhưng Đấng sáng lập của chúng ta đã có những quy tắc riêng cho các thể chế ban đầu của mình, để chúng hoạt động có hiệu quả và mang lại lợi ích cho người nghèo trong bối cảnh của Giáo hội Pháp lúc bấy giờ.

Trong những bối cảnh xã hội như vậy, chúng ta nhận ra những điểm tương đồng trong định hướng hành động của các Đấng sáng lập so với những nguyên tắc cơ bản của Học thuyết Xã hội của Giáo hội thời nay. Hy vọng rằng tất cả những định hướng ấy sẽ luôn phù hợp với các nguyên tắc của Học thuyết Xã hội khi làm sống động Linh đạo Vinh Sơn trong bối cảnh mục vụ của thế giới ngày nay và làm cho linh đạo trở nên sâu sắc hơn. Đó cũng là cách dấn thân sâu xa hơn của mỗi thành viên Vinh Sơn trong các lĩnh vực xã hội. Dưới dây chúng ta hãy thử cố gắng tìm hiểu một vài biến cố điển hình trong lịch sử liên quan đến các nguyên tắc cơ bản cỉa Học thuyết Xã hội của Giáo hội trong thế giới ngày nay.

1. Nguyên tắc phẩm giá con người (The principle of the Dignity of the Human Person)

Có lẽ không cần phải thảo luận nhiều về nguồn gốc của nguyên tắc này theo quan điểm Kinh Thánh. Nhưng chúng ta biết rằng, đây là nguyên tắc đầu tiên và cơ bản nhất trong tất cả các nguyên tắc. Tôn chỉ của nguyên tắc này là lấy con người làm trung tâm trong mọi hoạt động bác ái xã hội. Con người là đối tượng mà mọi hành động đấu tranh cho công lý đều phải hướng tới.

Theo kinh nghiệm của Thánh Vinh Sơn, chúng ta thấy rằng, ngài đã khởi xướng các công việc bác ái, và ngay cả quá trình hoán cải cá nhân của ngài, cũng bắt nguồn từ những hoàn cảnh cụ thể của người nghèo. Một trong những câu chuyện đó là trường hợp của một gia đình nghèo trong giáo xứ không có người chăm sóc; trường hợp thứ hai là người đàn ông đang hấp hối mà ngài đã đến để ban phép giải tội; rồi kế đến có thể là người nghèo trong lãnh thổ của bà Gondi mà ngài nhắm đến và sau này là những nô lệ chiến thuyền người Pháp. Ở bên họ, Thánh Vinh Sơn đã nhiều lần phải bật khóc vì thân phận của những con người nghèo khổ này, trong số họ có nhiều tù nhân nghèo khổ. Sau này, trong một lần đàm luận với các Nữ Tử Bác Ái, Thánh Vinh Sơn đã mô tả họ bằng những lời buồn bã: “Tôi đã thấy những con người tội nghiệp bị đối xử như thú vật; điều đó đã khiến Thiên Chúa động lòng thương xót.”[1]

Thánh Vinh Sơn đồng cảm với cảnh ngộ của những người này. Họ thực sự là hình ảnh của Thiên Chúa và là tạo vật do Thiên Chúa tạo dựng. Vì vậy, Thánh Vinh Sơn đã làm một hành động để bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với những tạo vật đáng thương của Chúa “Tôi hôn xiềng xích của họ, tỏ lòng thương xót trước cảnh khốn cùng của họ, và bày tỏ sự đau buồn vì sự bất hạnh của họ.”[2] Rõ ràng trong nhiều trường hợp khác, Thánh Vinh Sơn đã có cái nhìn sâu sắc về phẩm giá con người. Và từ đó trở đi trong mọi trường hợp, ngài lấy đó làm trung tâm và dùng mọi cách để cải thiện cuộc sống của họ. Hơn nữa, vào thời của ngài cũng có nhiều cuộc chiến tranh và chính ngài cũng phải đau buồn về những nạn nhân bất hạnh của chiến tranh, mà ngài mô tả là dường như họ không có bất kỳ phẩm giá nào.

“Tất cả những gì chúng tôi nghe được đều là những lời rên rỉ than vãn đáng thương: Nhìn thấy một đám đông người bệnh ở khắp mọi nơi khiến chúng tôi vô cùng cảm thương. Nhiều người – trên thực tế, một số rất đông – đang bị bệnh kiết lỵ và sốt. Những người khác được bao phủ bởi ghẻ chốc, ban xuất huyết, khối u và vết lở loét. Nhiều người bị phù thũng do thiếu dinh dưỡng, một số ở đầu, một số khác ở bụng, một số khác khắp người. Những căn bệnh này là do gần như cả năm họ chẳng có gì để ăn ngoài cây cỏ và trái cây hư hỏng; một số ăn những mảnh vụn bánh mì, mà đến nỗi những con chó cũng chẳng thèm ăn ăn. Tất cả những gì chúng ta nghe được là những lời than thở rất đáng thương. Họ kêu gào chúng tôi xin bánh mì và rất ốm yếu, lê lết hai ba dặm dưới mưa và qua những con đường dốc đá để kiếm được một chút soúp. Nhiều người chết trong làng mà không có xưng tội và các bí tích cuối cùng và sẽ cũng chẳng có ai chôn cất họ sau khi họ chết. Điều này đúng đến nỗi chỉ ba ngày trước, khi chúng tôi đến thăm người bệnh ở làng Lesquielle, gần Landrecies, chúng tôi thấy trong một ngôi nhà có một người đã chết vì thiếu sự trợ giúp, và thi thể của anh ta đã bị thú vật ăn thịt một nửa khi chúng đã chui vào được trong nhà. Không phải là một nỗi buồn khủng khiếp khi nhìn thấy những người Kitô hữu này, khi họ bị bỏ rơi ở đó theo cách này trong suốt cuộc đời và sau khi chết đó sao?[3]

Đó là một trong những trường hợp tiêu biểu mà chúng ta nhận ra rằng, sự chà đạp phẩm giá con người đã đánh động trái tim của Thánh Vinh Sơn như thế nào và ngài đã hành động để cứu họ với tất cả khả năng. Niềm tin vào phẩm giá vốn có của con người là nền tảng của mọi Giáo huấn xã hội Công giáo. Sự sống con người là thiêng liêng, và phẩm giá của con người là điểm khởi đầu cho một tầm nhìn đạo đức cho xã hội. Nguyên tắc này dựa trên ý tưởng rằng con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Con người là phản ảnh rõ ràng nhất của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.

2. Nguyên tắc tham gia (The Principle of Participation)

Đây là một trong những nguyên tắc cho phép mọi người tham gia vào các hoạt động của xã hội và từ đó có thể lên tiếng thay cho những người nghèo khổ, bị áp bức và đòi lại những quyền cơ bản hoặc bênh vực cho họ, mang lại lợi ích cho họ. Ngay từ đầu, Thánh Vinh Sơn đã tham gia vào sứ mệnh này để có được những can thiệp cần thiết cho người nghèo. Ví dụ, Thánh Vinh Sơn đã được chọn trong Hội đồng Lương tâm của Vua Louise XIII để giúp đức vua chọn các giám mục mới “Chọn sáu giáo sĩ và hai thành viên trong hội đồng của ông để thành lập một hội đồng có quyền lực và thẩm quyền của đức vua để xem xét phẩm chất và khả năng của những người sau này sẽ được trình diện với vị ấy để được đề cử vào chức vụ giám mục.”[4]

Hội đồng này tuy không trực tiếp liên quan đến người nghèo, nhưng phần nào giúp tuyển chọn được những giám mục xứng đáng, những người nhiệt thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo và chống lại bất công xã hội, thì Thánh Vinh Sơn đã góp tiếng nói chung về vấn đề này. Hoặc khi ngài đã tích cực tham gia gây quỹ phục vụ người nghèo, như ngài đã viết thư cho cha Louise Lebreton Ở Rome năm 1641 “Tu hội ngày càng phát triển về số lượng và nhân đức là nhờ lòng thương xót của Chúa, điều mà mọi người đều nhận ra và điều đó tôi đã thấy rõ trong những lần thăm viếng. Tôi là kẻ khốn nạn duy nhất tiếp tục chồng chất những tội lỗi và sự ghê tởm mới lên bản thân mình. Thưa cha, Ôi Thiên Chúa nhân từ biết bao khi chịu đựng tôi với bao nhiêu sự kiên nhẫn và chịu đựng, còn tôi thì yếu đuối và khốn khổ biết bao khi lạm dụng lòng nhân từ của Ngài quá nhiều! Ôi cha ơi, xin hãy thường xuyên dâng tôi cho Đấng tối cao. Của bố thí cho Lorraine vẫn đang đến, bởi lòng thương xót của Chúa. Thầy Mathieu của chúng tôi nhận 2.500 livres ở đó mỗi tháng cho người nghèo và 45.000 livres cho các tu sĩ nam nữ. Và hôm nay chúng ta đang tổ chức cuộc họp để giúp đỡ những quý tộc nghèo đang tị nạn. Chúng tôi đã phân phát khoảng một nghìn livre cho họ vào tháng trước và hy vọng rằng hôm nay chúng tôi sẽ phân phát với con số như vậy.”[5] Tất cả mọi người đều có quyền tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của xã hội. Đó là một yêu cầu cơ bản của công lý và một yêu cầu đối với phẩm giá con người mà tất cả mọi người được đảm bảo mức độ tham gia tối thiểu trong cộng đồng. Thật sai lầm khi một người hoặc một nhóm bị loại trừ một cách bất công hoặc không thể tham gia vào xã hội.

Hiện tại, Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái và thậm chí cả Gia đình Vinh Sơn đang tiếp tục sứ mệnh dấn thân này, đó là sự hiện diện tại Liên Hợp Quốc (UN) với tư cách là một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì lợi ích của xã hội và đặc biệt là bênh vực và nói thay cho tiếng nói của người nghèo trên các diễn đàn quốc tế, và đó là một điểm đặc biệt trong linh đạo chúng ta ngày nay.

3. Nguyên tắc ưu tiên bảo vệ người nghèo và người dễ bị tổn thương (The Principle of Preferential Protection for the Poor and Vulnerable)

Nguyên tắc này phản ánh điều mà Thánh Vinh Sơn và Thánh Louise đã làm từ rất sớm và đầu tiên trong sứ vụ của họ. Có lẽ việc bảo vệ người nghèo đã được nói đến nhiều, nên trong nguyên tắc này, tôi muốn nhấn mạnh hơn đến việc bảo vệ những người yếu thế và trẻ em. Có thể trích dẫn một vài sự kiện cho nguyên tắc này chẳng hạn như vào năm 1638, Thánh Vinh Sơn đã thành lập một Nhà Tế bần- de Enfants-Trouves để chăm sóc trẻ em nghèo và mồ côi và Thánh Vinh Sơn đã yêu cầu các Nữ Tử Bác Ái và các Bà Bác ái cộng tác vào dự án này. Thánh Vinh Sơn đã xây dựng một số nhà cho các Nữ Tử Bác Ái để chăm sóc chúng tại đây, vì những đứa trẻ này có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người và lạm dụng. Vì vậy, Thánh Vinh Sơn đã tăng cường điều này để chúng được bảo vệ tốt hơn. Hay trong trường hợp giáo dục trẻ em nghèo được thánh Louise đặc biệt quan tâm và dành hết tâm huyết. Bà đặt câu hỏi “liệu các chị em của chúng ta ở các thị trấn và làng mạc dạy học có nên nhận cả bé trai và bé gái hay không và nếu họ nhận bé trai thì họ sẽ giữ chúng đến độ tuổi nào.”[6] Hay khi yêu thương bảo vệ người nghèo ở nông thôn, Thánh Vinh Sơn đã nói với các nhà truyền giáo: “Chúng ta hãy cống hiến hết mình với tình yêu mới để phục vụ những người nghèo, và thậm chí tìm kiếm những người nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất; chúng ta hãy thừa nhận trước Chúa rằng họ là chúa và chủ nhân của chúng ta và rằng chúng ta không xứng đáng để phục vụ họ những công việc nhỏ bé của mình.”[7]

Bài kiểm tra đạo đức của một xã hội là cách nó đối xử với những thành viên dễ bị tổn thương nhất. Người nghèo có yêu sách đạo đức cấp thiết nhất đối với lương tâm của quốc gia. Chúng ta được kêu gọi xem xét các quyết định chính sách công về cách chúng ảnh hưởng đến người nghèo. “Lựa chọn dành cho người nghèo” không phải là một khẩu hiệu thù địch nhằm chia rẽ nhóm hoặc giai cấp này chống lại nhóm khác. Thay vào đó, nó nói rằng sự thiếu thốn và bất lực của người nghèo làm tổn thương cả cộng đồng.

Lựa chọn cho người nghèo là một phần thiết yếu trong nỗ lực của xã hội nhằm đạt được lợi ích chung. Một cộng đồng lành mạnh chỉ có thể đạt được nếu các thành viên của nó dành sự quan tâm đặc biệt đến những người có nhu cầu đặc biệt, những người nghèo và những người bên lề xã hội.

4. Nguyên tắc liên đới (The Principle of Solidarity)

Đây cũng là một trong những điểm nổi bật của linh đạo Vinh Sơn khi nói đến tính liên đới. Đó là một nguyên tắc mà ngay từ khi thành lập Hội bác ái (Confraternities of the Charity), Thánh Vinh Sơn đã vạch ra rõ ràng nguyên tắc này như một phương thức tổ chức các công việc bác ái. Từ thực tế mà Thánh Vinh Sơn nhìn thấy, ngài đã mời gọi họ cùng nhau hoạt động vì lợi ích của người nghèo. Đó cũng là tinh thần liên đới cần thiết để các công việc bác ái đạt hiệu quả. Sau đây là một số hình ảnh tiêu biểu về tình liên đới với người nghèo và tình liên đới trong việc thăng tiến người nghèo. “Vì vậy, nếu có bất kỳ ai trong chúng ta nghĩ rằng họ đang thực hiện Sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho người nghèo nhưng không làm giảm bớt những đau khổ của họ, chăm sóc những nhu cầu tinh thần của họ chứ không phải những nhu cầu vật chất của họ, thì tôi xin trả lời rằng chúng ta phải giúp đỡ họ và chính chúng ta hoặc kêu gọi người khác giúp đỡ họ bằng mọi cách… Để làm được điều này là rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và việc làm, và đó là cách hoàn hảo nhất; đó cũng là những gì Chúa chúng ta đã làm, và những gì những người đại diện cho Ngài trên trái đất, một cách chính thức và theo bản chất, với tư cách là các linh mục nên làm; và tôi đã nghe nói rằng, điều đã giúp các Giám mục trở nên thánh thiện là bố thí.”[8] Tình liên đới không thể tách rời khỏi linh đạo Kitô giáo là nguồn mạch của mọi sự thánh thiện. Sự liên đới này sẽ dẫn đến hành động và từ đó giúp thay đổi thực trạng của vấn đề đang gặp phải và tất nhiên sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Đồng thời, tính liên đới kết sẽ giúp có được sức mạnh tổng hợp và năng lực hơn để giải quyết vấn đề trước mắt.

Chúng ta là một gia đình nhân loại. Trách nhiệm của chúng ta đối với nhau vượt qua sự khác biệt về quốc gia, chủng tộc, kinh tế và ý thức hệ. Chúng ta được kêu gọi làm việc trên toàn cầu vì công lý. Sự phát triển đích thực phải là sự phát triển toàn diện về con người. Nó phải tôn trọng và thúc đẩy các quyền cá nhân, xã hội, kinh tế và chính trị, bao gồm cả quyền của các quốc gia và dân tộc. Nó một mặt phải tránh những phần tử cực đoan của tình trạng kém phát triển, mặt khác là “siêu phát triển”. Việc tích lũy của cải vật chất và các nguồn lực kỹ thuật sẽ không thỏa đáng và bị hạ thấp giá trị nếu không có sự tôn trọng đối với các chiều kích luân lý, văn hóa và tinh thần của con người. Đấy chính là nét nổi bật của tính liên đới trong “ngôi làng toàn cầu” mà chúng ta đang sống.

5. Nguyên Tắc Tôn Trọng Sự Sống Con Người (The principle of Respect for Human Life

Nguyên tắc này cũng dựa trên cùng một nền tảng như nguyên tắc thứ nhất về phẩm giá con người. Nó dựa trên nguyên tắc luân lý của công trình sáng tạo của Thiên Chúa và Thiên Chúa là chủ của sự sống. Nên tôn trọng sự sống con người, là một nguyên tắc căn bản và quan trọng nhất trong các nguyên tắc của Học thuyết Xã hội. Chúng ta thấy nguyên tắc này đã được phản ánh rất rõ ràng trong những hoạt động bác ái của Thánh Vinh Sơn.

“Một ngày nọ, Cha Vinh Sơn đang đi ngang qua các đường phố ở Paris trong một lần làm việc vặt, thì nhìn thấy một người ăn xin đang làm què quặt một đứa trẻ sơ sinh để phơi bày trước công chúng như một đối tượng đáng thương hại. Giành lấy sinh linh bé nhỏ tội nghiệp khỏi tay kẻ hành hạ nó, Thánh Vinh Sơn mang nó đến “Couche St. Landry”, một tổ chức được thành lập để chăm sóc những đứa trẻ vô gia cư và bị bỏ rơi trên đường phố.

Tình trạng mọi thứ trong gia đình đó khiến ngài kinh hoàng. “Couche” được quản lý bởi một góa phụ, với sự cộng tác của hai người giúp việc. Họ đã nhận được khoảng bốn trăm đứa trẻ trong năm. Những sinh linh nhỏ bé bất hạnh này, trong tình trạng gần như chết đói và hoàn toàn bị bỏ rơi, chen chúc nhau trong hai cái hố bẩn thỉu, nơi mà số đông đã chết vì dịch bệnh. Trong số những trẻ sống sót, một số đã bị đánh thuốc mê bằng laudanum để làm câm tiếng khóc của chúng, trong khi những đứa trẻ khác bị kết liễu bằng bất kỳ phương pháp nào nếu chúng vô tình rơi vào tay của những người phụ nữ bất nhân này.”[9]

Vì thế đứng trước tình huống đau khổ như vầy về những thân phận của những đứa trẻ mồ côi, Thánh Vinh Sơn đã yêu cầu các Bà Bác Ái hãy can đảm đón nhận trách vụ chăm sóc những đứa trẻ này, dù ban đầu việc này đã gây ra rất nhiều những khó khăn và thách đố cho Thánh Vinh Sơn.

Ngoài ra chúng ta có thấy một sự kiện khác cũng liên quan đến nguyên tắc này. Đó là đối với các nạn nhân của chiến tranh. “Từ năm 1638-1647, công việc nhân đạo của thánh Vinh Sơn Phaolô tập trung vào việc giúp đỡ những người tị nạn ở Paris và cung cấp viện trợ cho người dân ở Công quốc Lorraine và Bar, nơi đã bị tàn phá bởi quân Pháp chiếm đóng và quân Thụy Điển xâm lược trong Chiến tranh Ba mươi năm.”[10]

6. Nguyên tắc đoàn kết (The Principle of Association.)

Nguyên tắc này thường được xem xét trong bình diện quốc tế, nhất là về phương diện đoàn kết trong các quốc gia để chống lại nghèo đói, bất công và xây dựng mối tương quan giữa các quốc gia như một gia đình nhân loại. Giáo lý Công giáo thúc đẩy hòa bình như một khái niệm tích cực, định hướng hành động. Theo lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “Hòa bình không chỉ là không có chiến tranh. Nó liên quan đến sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau giữa các dân tộc và các quốc gia. Nó liên quan đến sự hợp tác và các thỏa thuận ràng buộc.” Có một mối quan hệ chặt chẽ trong giáo huấn Công giáo giữa hòa bình và công lý. Hòa bình là thành quả của công lý và phụ thuộc vào trật tự đúng đắn giữa con người.

Hiệp hội bác ái do Thánh Vinh Sơn Phaolô thành lập nhắc nhở chúng ta về nguyên tắc này để diễn tả tính liên đới trong tương quan với người khác. Một Chúa Nhật tháng 8 năm 1617, một sự kiện xảy ra đánh dấu toàn bộ cuộc sống của Thánh Vinh Sơn: “Tôi đang mặc lễ phục để cử hành Thánh lễ vào một Chúa Nhật thì được cho biết rằng trong một ngôi nhà biệt lập cách đó một phần tư dặm, mọi người đều bị ốm. Không ai trong số họ có thể giúp đỡ những người khác, và tất cả họ đều đang túng thiếu không thể diễn tả được. Điều đó khiến tôi cảm động tận đáy lòng.”[11] Trong bài giảng, cha Vinh Sơn đã chia sẻ cảm nghĩ của mình với những người đã rất quảng đại đến giúp đỡ gia đình người bệnh. Tuy nhiên, nó là việc làm thiếu tổ chức, cho nên nó đã gợi lên cho Thánh Vinh Sơn ý tưởng thành lập Hội Bác Ái, sự một nhóm có tổ chức và hoạt động đoàn kết giữa các thành viên với nhau và với người nghèo để giúp đỡ và thăng tiến họ. Đây là một nhu cầu cấp bách như Thánh Vinh Sơn nói rằng “chúng phải chạy đến nhu cầu thiêng liêng của người lân cận như chạy đi chữa lửa vậy.”[12]

7. Nguyên tắc quản lý (The Principle of Stewardship)

Của cải trên trái đất là quà tặng từ Thiên Chúa, và chúng được Thiên Chúa dự định vì lợi ích của mọi người. Có một “thế chấp xã hội” hướng dẫn việc chúng ta sử dụng của cải trên thế giới và chúng ta có trách nhiệm chăm sóc những của cải này với tư cách là người quản lý và người được ủy thác, chứ không phải với tư cách là người tiêu dùng và người dùng đơn thuần. Cách chúng ta đối xử với môi trường là thước đo khả năng quản lý của chúng ta, một dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với Đấng Tạo Hóa.

Với nguyên tắc này, chúng ta nhận thấy Thánh Vinh Sơn không có những hành động to tát mang tính phổ quát hoàn vũ, nhưng ngài đã có những quy tắc mang tính cụ thể, dựa trên nguyên tắc phổ quát này. Chẳng hạn, các quy định mà Thánh Vinh Sơn thiết kế cho các tổ chức từ thiện đòi hỏi phải “quản lý tài chính tốt, thông qua báo cáo thường xuyên và kiểm tra và cân đối.”[13] Ngài viết trong Nội quy chung của Tu hội: “việc đại phúc của chúng ta khó có thể được thực hiện nếu chúng ta sống trong hoàn cảnh nghèo khó, vì các kỳ đại phúc sẽ được thực hiện miễn phí.”[14] Hay đối với công tác giáo dục mà Thánh Louise đảm nhiệm “Họ sẽ dạy các cô gái nhỏ trong làng khi họ ở đó. Họ sẽ cố gắng đào tạo các cô gái địa phương để thay thế họ trong nhiệm vụ này khi họ vắng mặt. Họ sẽ làm tất cả những điều này vì tình yêu của Chúa và không có bất kỳ khoản thù lao nào.”[15] Thánh Louise “đã thấy các bé gái và bé trai bị tách biệt như thế nào trong trường học và do đó phải nhờ đến một linh mục, người sẽ phụ trách việc giáo dục các bé trai, trong khi các chị dạy các bé gái.”[16]

8. Nguyên tắc bổ trợ (The Principle of Subsidiarity)

Nhà nước có chức năng đạo đức tích cực. Nó là một công cụ để thăng tiến phẩm giá con người, bảo vệ nhân quyền và xây dựng công ích. Mọi người dân đều có quyền và trách nhiệm tham gia vào thể chế chính trị để chính quyền thực hiện mục tiêu đúng đắn của mình.

Nguyên tắc bổ trợ cho rằng các chức năng của chính phủ nên được thực hiện ở mức thấp nhất có thể, miễn là chúng có thể được thực hiện đầy đủ. Khi các nhu cầu được đề cập không thể được đáp ứng đầy đủ ở cấp thấp hơn, thì không chỉ cần thiết mà còn bắt buộc các cấp chính quyền cao hơn phải can thiệp.

Trong nguyên tắc này, có lẽ một trong những sự kiện điển hình khi thánh Vinh Sơn đã không ngần ngại xin Đức Hồng y Richelieu bấy giờ là thủ tướng hãy can thiệp để kết thúc chiến tranh, vì ngài thấy dân chúng đã quá đau khổ vì chiến tranh mà trong đó, người nghèo phải chịu thiệt cho những hành động chiến tranh này. Ngài cũng làm điều tương tự khi van xin Nữ hoàng Anna de Austria can thiệp cho hòa bình và thậm chí van xin cả Hồng y Mazarin “Cảm động trước những thảm họa sắp xảy ra và những thảm họa đã ảnh hưởng đến thủ đô, Thánh Vinh Sơn quyết định đến gặp Nữ hoàng Anne de Austria, người sẵn sàng lắng nghe ngài. Ngài rời đi trước bình minh ngày 14 tháng 1… [và] ở Clichy, những người được trang bị giáo và súng, lao vào hai du khách. Vị thánh có thể đã không thoát khỏi nguy hiểm nếu không một trong những kẻ tấn công nhận ra ngài là cha xứ cũ của mình và trấn an những người bạn đồng hành của ngài. Ở Neuilly, nơi sông Seine tràn bờ, Thánh Vinh Sơn đã dũng cảm vượt sông trên con ngựa của mình. Ngài đến Saint-Germain từ chín đến mười giờ sáng, gặp Nữ hoàng và nói rõ với bà rằng nhiệm vụ của bà là cách chức bộ trưởng của mình. Khi ngài được đưa đến trước Mazarin, ngài  đã nói chuyện với vị hồng y này một cách thẳng thắn.” [17]

Thánh Vinh Sơn xem ra đã áp dụng nguyên tắc bổ trợ này cho xã hội của ngài, vì xem ra các tập thể nhỏ không thể tự giải quyết các vấn đề của mình, mà nó cần có sự bổ trợ từ cấp có thẩm quyền hơn để chấp dứt một hiện tượng xa xội không ai mong đợi là các cuộc chiến tranh. Như sau này ngài cũng tỏ lộ rằng “Hãy biết ơn vì nhiều món quà và sự khác biệt về tính cách. Khi bạn đặt tiềm năng và hiểu biết của mình để phục vụ cộng đồng, sự đoàn kết của bạn sẽ ngày càng mạnh mẽ và phong phú hơn, và cùng nhau, bạn sẽ tạo ra sự rộng rãi có chỗ cho tất cả mọi người.”[18]

9. Nguyên tắc bình đẳng con người (The Principle of Human Equality)

Nền kinh tế phải phục vụ con người chứ không phải ngược lại. Tất cả người lao động đều có quyền được làm việc hiệu quả, được hưởng mức lương xứng đáng và công bằng cũng như được hưởng các điều kiện làm việc an toàn. Họ cũng có quyền cơ bản để tổ chức và tham gia các công đoàn. Mọi người có quyền sáng kiến ​​kinh tế và sở hữu tư nhân, nhưng những quyền này có giới hạn. Không ai được phép tích lũy của cải quá mức khi những người khác thiếu những nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

Giáo huấn Công giáo phản đối cách tiếp cận kinh tế theo chủ nghĩa tập thể và thống kê. Nhưng nó cũng bác bỏ quan điểm cho rằng thị trường tự do tự động tạo ra công lý. Ví dụ, công bằng phân phối không thể đạt được bằng cách dựa hoàn toàn vào các lực lượng thị trường tự do. Cạnh tranh và thị trường tự do là những yếu tố hữu ích của hệ thống kinh tế. Tuy nhiên, thị trường phải được giữ trong giới hạn, bởi vì có nhiều nhu cầu và hàng hóa không thể được đáp ứng bởi hệ thống thị trường. Nhiệm vụ của nhà nước và của toàn xã hội là can thiệp và đảm bảo rằng những nhu cầu này được đáp ứng.

Tuy nhiên, vào cuối thời Trung cổ, những lý thuyết liên quan đến người nghèo và nghèo đói không phải là lý thuyết duy nhất. Thay vào đó, những lý thuyết này cùng tồn tại với một trào lưu tư duy coi nghèo đói là một lời nguyền và người nghèo là mối nguy hiểm cho xã hội. Người ta cho rằng cái nghèo làm nhục con người, khiến anh ta nhàn rỗi và vô dụng. Vì vậy, vào cuối thời Trung cổ, đã xuất hiện một sự phân biệt và trở nên phổ biến trong các thế kỷ tiếp theo: “sự phân biệt giữa người nghèo “tốt” và người nghèo “xấu”; và cơ quan công quyền cuối cùng sẽ nghĩ rằng cần phải nghiêm khắc và khắt khe với những người sau.”[19]

Phẩm giá con người có thể được bảo vệ và một cộng đồng lành mạnh chỉ có thể đạt được nếu quyền con người được bảo vệ và trách nhiệm được đáp ứng. Mọi người đều có quyền cơ bản được sống và quyền được hưởng những thứ cần thiết cho sự đứng đắn của con người – bắt đầu từ thức ăn, chỗ ở và quần áo, việc làm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Tương ứng với những quyền này là nghĩa vụ và trách nhiệm — đối với nhau, đối với gia đình của chúng ta và đối với xã hội rộng lớn hơn.

10. Nguyên tắc công ích (The Principle of the Common Good)

Con người vừa thiêng liêng vừa mang tính xã hội. Chúng ta nhận thức được phẩm giá và quyền lợi của mình trong mối quan hệ với người khác, trong cộng đồng. Con người phát triển và đạt được sự viên mãn trong cộng đồng. Phẩm giá con người chỉ có thể được thực hiện và bảo vệ trong bối cảnh các mối quan hệ với xã hội rộng lớn hơn.

Cách chúng ta tổ chức xã hội của mình — về kinh tế và chính trị, luật pháp và chính sách — ảnh hưởng trực tiếp đến phẩm giá con người và khả năng phát triển của các cá nhân trong cộng đồng. Nghĩa vụ “yêu người lân cận” có một chiều kích cá nhân, nhưng nó cũng đòi hỏi một cam kết xã hội rộng lớn hơn. Mọi người đều có trách nhiệm đóng góp vì lợi ích của toàn xã hội, vì lợi ích chung.

Với sự thôi thúc của Thánh Vinh Sơn, “ở Pháp, việc “Tổ chức từ thiện” của Lyon thành lập một Bệnh viện Đa khoa vào năm 1614 đại diện cho sự cam kết lâu dài đầu tiên. Từ kinh nghiệm này, thực tiễn đã trở thành học thuyết chính thức về các vấn đề hỗ trợ trong triều đại của Louis XIII và Louis XIV. Trên hết, kể từ thời điểm thành lập Bệnh viện Đa khoa Paris vào năm 1656, sự can thiệp của chính quyền trung ương trong lĩnh vực hỗ trợ sẽ năng động và hiệu quả hơn.”[20]

Kết luận

Như vậy chúng ta có một cái nhìn tổng quan về 10 nguyên tắc chính của Học thuyết Xã hội của Giáo hội trong tương quan đến Linh đạo Vinh Sơn. Mong rằng tất cả những nguyên tắc này sẽ vẫn được duy trì và phát huy hơn nữa trong bối cảnh thế giới hiện đại. Các chủ đề và tình huống có thể khác nhau, nhưng những nguyên tắc này vẫn được duy trì và giúp chúng ta can thiệp một cách hiệu quả dưới ảnh hưởng của Học thuyết Xã hội của Giáo hội và sự kết hợp với linh đạo Vinh Sơn. Các nguyên tắc này là để giúp những người Kitô hữu tham gia vào đời sống xã hội cách hiệu quả và đúng đắn theo luân lý công giáo để cải tiến xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Tính cách này trong Linh đạo Vinh Sơn coi đó như là một tiến trình của Thay đổi hệ thống. Tức là thay đổi từ tận gốc rễ của các nguyên nhân gây ra đói nghèo và bất công xã hội.  Thay đổi hệ thống liên quan đến thay đổi toàn bộ, không chỉ một khía cạnh. Nó cũng là tài liệu tham khảo cho các thành viên Vinh Sơn khi phát động bất kỳ hoạt động nào liên quan đến thay đổi hệ thống. Nó cần được hướng dẫn bởi những nguyên tắc này, thì hy vọng chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt hơn trong việc phục vụ người nghèo theo linh đạo của chúng ta. Và đó chính là những gì linh đạo đã phản ánh tính cách ngôn sứ của mình trong các chiều kích khác nhau của Học thuyết Xã hội của Giáo hội trong thế giới ngày nay.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM

[1] CCD X:103 (Conference 71, “The Purpose of the Company,” October 18, 1655). CCD được viết tắt theo bộ sách: Saint Vincent de Paul. Correspondence, Conferences, Documents, biên tập: Pierre Coste, 14 tập, bản tiếng Anh (New York: New city press). Ví dụ: CCD XIIIb:281- số La mã chỉ số tập và số kế tiếp chỉ số trang.

[2] CCD IV: 58, (Letter 1243, “To a Priest of the Mission”).

[3] CCD IV:104. Hoặc Rybolt CM, Ph.D., John E. (2017). “Vincent de Paul and the Galleys of France,” Vincentian Heritage Journal Vol. 34: Iss. 1, Article 1, 2. Available at: https://via.library.depaul.edu/vhj/vol34/iss1/1, (cập nhật June 5/2023).

[4] Pierre Blet (1989), “Vincent de Paul and the Episcopate of France,” Vincentian Heritage Journal, Vol. 10: Iss. 2, Article 1. 104. Available at: https://via.library.depaul.edu/vhj/vol10/iss2/1 , (cập nhật June 5/2023).

[5] CCD II:173.

[6] CCD, XIIIb: 285, (Council of 30 Oct, 1647).

[7] CCD XI: 349.

[8] CCD XII: 77-78.

[9] F. A. Forbes, The Life of Saint Vincent de Paul (London: R&T Washbourne, 1919), 22.

[10] Keltoum Irbah, “Vincent de Paul: A groundbreaking humanitarian”, August 14, 2019, https://blogs.icrc.org/law-and-policy/2019/08/14/vincent-de-paul-groundbreaking-humanitarian/ #:~:text=Humanitarian%20action%20during%20conflict,during%20the%20Thirty%20Years’%20War , (cập nhật June 5/2023).

[11] CCD IX: 192.

[12] CCD XI: 25.

[13] CCD 13a:402, và 13b: 6.

[14] CCD, 13a:440 (chap. III, 2).

[15] SWLM:729 [A.54]). SWLM: viết tắt của Spiritual writings of Louise de Marillac (Bút tích thiêng liêng của thánh Louise de Marillac) -. Được chuyển ngữ và biên tập từ bản tiếng Pháp: Louise Sullivan, D.C,  Sainte Louise de Marillac: Ecrits Spirituels (Brooklyn, New York: New City Press, 1991).

[16] SWLM:216 [L.192]).

[17] CCD III: 393 hoặc Jean Pierre Renouard, Vincent and Peace, tại https://vincentians.com/en/vincent-and-peace/ (cập nhật June 5/2023).

[18] Robert Maloney, “The Way of Saint Vincent De Paul, Community Living,” https://via.library.depaul.edu/maloney/7. Có thể tham khảo thêm về chủ đề này của cùng tác giả: Maloney, Robert P. C.M. (1999), “Ten Foundational Principles in the Social Teaching of the Church,” Vincentiana: Vol. 43: No. 3, Article 12. Available at: https://via.library.depaul.edu/vincentiana/vol43/iss3/12.   

[19] Santiago Azcárate, “The Poor in the 17th Century in France (III),” July 28, 2016, tại https://vincentians.com/en/the-poor-in-the-17th-century-in-france-iii/, (cập nhật June 5/2023).

[20] Sđd.,