Cha Pudussery Shajan CM
Giới thiệu
Lòng sùng kính thánh Giuse trong Giáo hội đã tiến triển cách tiệm tiến. Giáo hội tôn vinh Thánh Cả Giuse dựa trên hai lý do: được Thiên Chúa chọn làm cha nuôi Chúa Giêsu và là người bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Khi công bố Năm Thánh Giuse vào năm ngoái, ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người suy niệm về cuộc đời của Thánh Giuse và noi gương ngài trong cuộc đời của chúng ta. Nhìn vào cuộc đời của Thánh Vinh Sơn Phaolô, chúng ta thấy, trong số tất cả các vị thánh, ngoài Đức Mẹ, Thánh Vinh Sơn có một lòng sùng kính rất đặc biệt đối với Thánh Giuse. Trong nhiều dịp, trong các buổi đàm luận, cha Vinh Sơn đã nhắc đến tên và phẩm chất của Thánh Giuse. Bài viết này là một nỗ lực để tìm hiểu sự tiến triển của lòng sùng kính đối với Thánh Giuse cho đến thời đại của Thánh Vinh Sơn và lòng sùng kính của Thánh Vinh Sơn dành cho Thánh Giuse, qua phân tích các bài đàm luận và bút tích khác nhau của Thánh Vinh Sơn Phaolô.
1. Nguồn gốc và sự phát triển của lòng sùng kính Thánh Giuse.
Lòng sùng kính Thánh Giuse tiến triển dần dần trong Giáo hội. Lịch sử cho thấy chỉ có các vị tử đạo được sùng kính đặc biệt trong thời kỳ đầu của Giáo hội. Tuy nhiên, lòng sùng kính Thánh Giuse đã bắt đầu ở phương Đông ngay từ thế kỷ thứ IV. Nhưng ở phương Tây, tên Thánh Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ IX và thứ X. Một nhà thờ đã được dành để tôn vinh Thánh Giuse tại Bologna vào năm 1129. Những người vĩ đại như các thánh Bernard, Thomas Aquinas, Gertrude và Bridget của Thụy Điển đã đóng những vai trò quan trọng trong việc phát triển lòng sùng kính đối với Thánh Giuse. Theo Đức Giáo hoàng Benedict XIV “ý kiến chung được biết đến là các Giáo phụ Carmel là những người đầu tiên du nhập từ phương Đông vào phương Tây, việc thực hành đầy đủ đáng khen ngợi lòng sùng kính dành cho Thánh Giuse”.
[1] Vào thời Đức Giáo Hoàng Sixtus IV (1471 – 1484), một ngày lễ (19 tháng 3) đã được giới thiệu trong Lịch La Mã để tôn kính Thánh Giuse. Từ đó trở đi, lòng sùng kính ngày càng phổ biến hơn. Vào thời Thánh Vinh Sơn Phaolô, năm 1621, Đức Giáo hoàng Gregory XV đã tuyên bố lễ Thánh Giuse là một Lễ buộc.
2. Lòng sùng kính của Thánh Vinh Sơn đối với các vị thánh.
Lòng sùng kính của Thánh Vinh Sơn Phaolô đối với Đức Trinh Nữ Maria được nhiều người biết đến. Người ta nói rằng “khi cha còn rất nhỏ, mẹ ngài đã dạy ngài nói với trái tim của Đức Mẹ và cầu xin với Mẹ trong mọi dịp.”[2] Thánh Vinh Sơn Phaolô tiếp tục lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria cho đến hơi thở cuối cùng. Thông qua việc rao giảng, dạy dỗ và các bút tích của mình, thánh nhân hướng dẫn mọi người tôn kính Đức Maria và rút ra nhiều bài học từ cuộc đời của Đức Mẹ.[3] Thánh Vinh Sơn Phaolô cũng rất sùng kính thiên thần hộ mệnh của mình và các vị thánh khác. Ngài hướng dẫn các cha truyền giáo tôn trọng tên của các vị thánh (CCD XI, 113)[4], các thánh tích (CCD XI, 40) và bắt chước các ngài vì họ đã tận dụng tốt các cám dỗ để thành công (CCD X, 10). Thánh Vinh Sơn nói rằng “các thánh đã được thử thách theo nhiều cách khác nhau, và chính nhờ sự kiên nhẫn trong khó khăn và sự kiên trì trong các công việc thánh thiện mà họ đã chiến thắng” (CCD V, 613).
3. Lòng sùng kính của Thánh Vinh Sơn đối với Thánh Giuse.
Rất khó để tìm thấy một nghiên cứu có hệ thống về Thánh Giuse trong các tác phẩm và bài đàm luận của Thánh Vinh Sơn. Các tư liệu có sẵn rất ít và rải rác. Các nguồn chính là các buổi đàm luận của cha với linh mục của Tu Hội Truyền Giáo và các chị Nữ Tử Bác Ái và các bức thư của cha gửi cho những người khác nhau. Trong nhiều dịp khác nhau, thánh Vinh Sơn Phaolô đã nêu gương của Thánh Giuse trong các cuộc trò chuyện của mình.
3.1 Tìm kiếm sự cầu bầu của Thánh Giuse để được Ơn Gọi Tốt
Tu Hội Truyền Giáo có một khởi đầu khiêm tốn vào ngày 17 tháng 4 năm 1625, với hợp đồng được ký bởi ông bà Philip Emmanuel de Gondi, Marguerite de Silly và Thánh Vinh Sơn. Theo hợp đồng này, các thành viên của Tu hội phải đi từ làng này sang làng khác để rao giảng và dạy giáo lý cho những người nghèo ở đó, và làm cho mọi người sẵn sàng xưng tội tổng quát về quá khứ của họ mà không cần phải trả chi phí dưới bất kỳ hình thức nào. Giáo hội đã có một sự phát triển ổn định trong và ngoài nước Pháp.
Các cộng đoàn bên ngoài nước Pháp, đặc biệt là ở Ý, không thể đáp ứng các yêu cầu của các vị lãnh đạo Giáo hội do thiếu thành viên. Trong thư gởi cho cha Charles Ozenne, Bề trên tại Warszawa (20 tháng 3 năm 1654), cha Vinh Sơn đề cập đến kế hoạch mở lại một Nội Chủng Viện ở Genoa, khi tất cả các thành viên đã khỏe mạnh hơn sau khi bị bệnh. Ngài cũng đề cập đến việc họ thực hành cầu xin Thiên Chúa nhờ công phúc và lời chuyển cầu của Thánh Giuse để Chúa sai những tay thợ gặt lành nghề đến Tu hội, để làm việc trong vườn nho của Ngài. Thánh Vinh Sơn nhấn mạnh đến điểm mà tất cả mọi người cần phải làm như nhau để có được ơn gọi tốt trong Tu hội (CCD V, 109) và kiên trì trong ơn gọi đó.
Vào ngày 29 tháng 5 năm 1654, trong thư gởi cho cha Jean Barreau, người đang ở Algiers, nói về lòng sùng kính Thánh Giuse, cha Vinh Sơn nói rằng, “Chúng ta đang chuẩn bị một con số hợp lý những người vẫn còn trong chủng viện theo đuổi việc học của họ, nhưng họ chưa được đào tạo đầy đủ, và không phải tất cả họ đều kiên trì. Do đó, chúng ta có lý do chính đáng để cầu xin Thiên Chúa sai những người thợ giỏi vào vườn nho của Ngài, và chúng ta hãy có một lòng sùng kính đơn sơ, đặc biệt cho mục đích này, noi gương nhà Genoa, nơi đã bắt đầu việc này ”(CCD V, 149). Vài tháng trước khi qua đời, Thánh Vinh Sơn bày tỏ niềm hạnh phúc vì đã tiếp tục thực hành cầu nguyện đặc biệt với Thánh Giuse trong cộng đoàn tại Genoa, để có được những nhà truyền giáo tốt đến từ Thiên Chúa (CCD VII, 581).
Thực hành này được tiếp tục cho đến ngày nay, khi chúng ta tìm kiếm lời cầu bầu của Thánh Giuse sau “kinh cầu cho Ơn gọi” trong mỗi cộng đoàn. Thánh Giuse cũng tiếp tục là bổn mạng đặc biệt của tất cả các Nội Chủng Viện trong Tu hội.
3.2 Lòng sùng kính Thánh Giuse giúp cho sự phát triển của Tu hội
Hoạt động của các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo dần dần đã được các nhà chức trách Giáo hội ở Pháp và ở ngoài nước tôn trọng, chấp nhận và đánh giá cao. Vì vậy, một số Hồng Y và Giám mục từ Ý và những nơi khác đã gây áp lực để Thánh Vinh Sơn cử các nhà truyền giáo đến nơi của họ. Thánh Vinh Sơn tin tưởng mạnh mẽ rằng “vì Hội thánh là công việc của Ngài, nên việc bảo tồn và phát triển của nó nên được giao cho sự Quan phòng của Ngài” (CCD V, 468). Nhưng suy ngẫm về lời khuyến nghị được đưa ra cho chúng ta trong Tin Mừng là cầu xin Chúa gởi các thợ gặt đến mùa gặt của Ngài. Thánh Vinh Sơn nói rằng, cha đã bị thuyết phục về tầm quan trọng và hữu ích của việc sùng kính Thánh Giuse đối với việc mở rộng của Tu hội. Do đó, trong một lá thư viết vào ngày 12 tháng 11 năm 1655, cha đã khuyến khích bước đầu tiên của Bề trên ở Genoa là tìm kiếm các ơn lành của Thiên Chúa, nhờ sự chuyển cầu của Thánh Giuse, cho mục đích này (CCD V, 468).
Thánh Giuse đã tham gia tích cực vào sự trưởng thành của Chúa Giêsu. Như người ta đã nói, hầu hết những đức tính con người nơi Chúa Giêsu đều được học từ Thánh Giuse.[5] Vì vậy, lời chuyển cầu của Thánh Cả Giuse luôn giúp ích cho sự phát triển về chất và lượng của Tu hội.
3.3 Thánh Giuse, mẫu mực của sự lao động cần cù.
Có rất nhiều tước hiệu dành cho Thánh Giuse trong Giáo hội. Một trong những tước hiệu được biết đến nhiều nhất trong số đó là cha nuôi của Chúa Giêsu. Là cha của Chúa Giêsu, Thánh Giuse đã phải rất vất vả để chăm sóc Chúa Giêsu và Mẹ của Ngài. Thánh Cả đã nuôi dưỡng trẻ Giêsu và đào tạo Chúa Giêsu về kỹ thuật làm mộc. Chúa Giêsu đã học nghề buôn bán từ Thánh Giuse và làm việc với Ngài trước khi theo đuổi sứ vụ rao giảng và chữa bệnh (CCD IX, 137, 343).
Thánh Vinh Sơn rất coi trọng Thánh Giuse, vì ngài đã làm việc chăm chỉ để trang trải các chi phí cho cuộc sống hàng ngày. Hoàn cảnh sống mới ở Bethlehem cũng như ở Ai Cập, buộc Thánh Giuse phải làm việc chăm chỉ, vì ngài phải bắt đầu mọi thứ mới mẻ ở cả hai nơi. Thánh Giuse đến Bethlehem về cơ bản không có gì ngoài việc phải sống ở đó, khi Đức Maria sinh ra Chúa Giêsu trong một hoàn cảnh không an toàn. Một lần nữa ngài phải bỏ lại mọi thứ, từ bỏ mọi sinh kế mà ngài có thể đã phát triển ở Bethlehem, để đưa gia đình đến Ai Cập. Trong một buổi đàm luận của thánh Vinh Sơn về “Tình Yêu Công Việc” với các Nữ Tử Bác Ái vào ngày 28 tháng 11 năm 1649, Thánh Vinh Sơn đã đánh giá rất cao những chị em đã nêu gương của Thánh Giuse để cho thấy sự cần thiết phải làm việc chăm chỉ trong Tu hội (CCD IX, 380 – 381).
Thánh Vinh Sơn luôn muốn những người theo mình làm việc chăm chỉ như Thánh Giuse và không bao giờ dành thời gian để ở dưng. Trong một buổi đàm luận với các linh mục truyền giáo, Thánh Vinh Sơn đã trích dẫn lời của M. Duval, một nhà thần học lớn của Giáo hội, “một linh mục phải có nhiều việc hơn khả năng của mình; vì ngay lúc sự biếng nhác và lười biếng của một linh mục, thì các cơn cám dỗ sẽ tấn công từ mọi phía”(CCD XI, 191). Giống như Thánh Giuse đã làm việc âm thầm, thánh Vinh Sơn nhấn mạnh, chúng ta nên nói ít và làm nhiều (CCD VI, 52).
Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Thánh Giuse là một người thợ mộc làm việc lương thiện để nuôi sống gia đình. Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã học được giá trị, phẩm giá và niềm vui của việc ăn miếng bánh là thành quả lao động của chính mình.”[6] Để tôn kính Thánh Cả Giuse là một nhà lao động và tôn trọng phẩm giá của giai cấp công nhân, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập lễ kính Thánh Giuse Thợ vào năm 1955. Chúng ta hãy cố gắng hiểu tâm tư của Đấng sáng lập chúng ta và luôn dành thời gian làm việc vì lợi ích của người khác như Thánh Giuse đã sống.
3.4 Thánh Giuse: hiện thân của sự Trung thành và Phục tùng kế hoạch của Thiên Chúa.
Lòng trung tín của Thánh Giuse đối với những công việc được Chúa giao phó thì ai cũng biết. Ngài có thể được gọi là hiện thân của sự trung tín và phục tùng thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Ngài chưa bao giờ đặt bất kỳ câu hỏi nào, nhưng thực hiện một cách trung thực những gì được yêu cầu về ngài. Dù nhận được mọi chỉ dẫn từ Chúa trong giấc mơ, nhưng ngài không bao giờ nghi ngờ hay do dự để phục tùng ý muốn của Chúa. Thánh Vinh Sơn đã được nuôi dưỡng bởi lòng trung tín của Thánh Giuse và muốn các môn đệ của ngài thực hành trong cuộc sống của họ.
Vì vậy, trong khi giải thích về các Nội Quy cho các chị em về chủ đề “Trung thành với các Nội quy” vào ngày 21 tháng 6 năm 1658, Thánh Vinh Sơn đã cầu nguyện đặc biệt để các chị em có thể trung thành với các Nội Quy như Thánh Giuse đã thực hành nhân đức này nơi đời sống của ngài (CCD X, 439). Trong khi nói chuyện với các cha của Tu Hội Truyền Giáo về “Sự Hãm Mình” vào ngày 2 tháng 5 năm 1659, Thánh Vinh Sơn nhấn mạnh về việc Thánh Giuse, mặc dù ngài là cha nuôi của Chúa Giêsu, đã đệ trình ý muốn của mình trước bậc thầy thiêng liêng của mình. “… những bậc cha mẹ thánh thiện đó luôn luôn gửi gắm sự hiểu biết và ước muốn của họ cho Người Con đó… (CCD XII,177).
Thiên Chúa có kế hoạch cho lợi ích của mỗi người chúng ta. Giống như Thánh Giuse, chúng ta hãy cố gắng hiểu chương trình của Thiên Chúa và phục tùng ý muốn của Người. Sự trung thành và phục tùng ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa luôn mang lại thành công cho công việc và sự hài lòng cho tâm trí của chúng ta.
3.5 Thực hành Vâng lời như Chúa Giêsu đã vâng lời Thánh Giuse.
Trong những dịp khác nhau khi nói về chủ đề vâng lời, Thánh Vinh Sơn đã nêu ra mẫu gương của Chúa Giêsu, người đã vâng lời người cha trần thế của mình là Thánh Giuse. Khi một người thực hành vâng lời bề trên, Thiên Chúa sẽ hài lòng và sẽ có sự cải thiện trong tất cả các chức vụ (CCD IX, 7; X, 228). Người ta chỉ có thể đúng với đặc sủng của Tu hội khi thực hành sự vâng phục như Chúa Giêsu đối với Mẹ Maria và Thánh Giuse (IX, 14; X, 72). Thánh Vinh Sơn nói, “Mặc dù Con Thiên Chúa được học hỏi nhiều hơn về mọi thứ so với Thánh Giuse và Đức Trinh Nữ, và mọi vinh dự là do Ngài, nhưng Ngài vẫn tuân theo các đấng và không bỏ qua những công việc thấp kém nhất trong nhà, và người ta nói về Ngài rằng, Ngài đã lớn lên trong sự khôn ngoan và tuổi tác. Xin cho gương mẫu này là một động lực mạnh mẽ, hỡi các chị em để làm cho chị em trở nên hiền lành, khiêm nhường và phục tùng, và đừng lẩm bẩm khi một chị nhắc nhở chị em về lỗi lầm nào đó” (CCD IX, 181).
Chúa Giêsu đã vâng lời Thánh Giuse không phải vì Ngài là cha trần thế của Ngài, nhưng cuộc đời và các hoạt động của Thánh Giuse đòi hỏi sự vâng phục từ Chúa Giêsu. Sự vâng phục không phải là điều bắt buộc phải có từ người khác, đúng hơn nếu chúng ta sống một cuộc đời như Thánh Giuse, không phân biệt tuổi tác, trình độ học vấn, tài chính, v.v … thì mọi người sẽ vâng lời chúng ta. Hãy để cuộc đời của Thánh Giuse là mẫu mực và là nguồn cảm hứng cho mỗi người chúng ta.
Phần kết luận
Thánh Giuse đã có một ảnh hưởng lớn trong cuộc đời của Thánh Vinh Sơn Phaolô, đặc biệt là trong việc trở thành ‘cha của người nghèo’. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết, “Chúng ta không sinh ra đã là cha, nhưng trở thành người cha. Một người không trở thành cha đơn giản chỉ vì sinh ra một đứa con, nhưng vì đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người khác, thì một cách nào đó, họ trở thành cha của người ấy.”[7] Chăm sóc và nuôi dưỡng vô số trẻ em trên thế giới này, Thánh Vinh Sơn đã chứng tỏ mình là một người cha thực sự. Trên thế giới chúng ta nhận thấy “Trẻ em ngày nay dường như mồ côi cha. Giáo hội cũng cần có những người cha.”[8]
Vì vậy, chúng ta hãy học hỏi từ cuộc đời của Thánh Giuse và noi gương Đấng sáng lập của chúng ta để trở thành một ‘người cha thực sự’ trong thời đại ngày nay. Khi chúng ta xem qua các buổi đàm luận và bút tích của Thánh Vinh Sơn, thật ngạc nhiên khi thấy rằng, Thánh Vinh Sơn chưa bao giờ nhắc đến tên của Thánh Giuse, mà không có tên của Đức Trinh Nữ Maria và Đức Maria luôn được ưu tiên hàng đầu. Do đó, người dạy chúng ta qua cuộc đời của Thánh Giuse rằng, chúng ta chỉ có liên quan trong lịch sử cứu độ, khi chúng ta hiệp nhất và dành sự ưu tiên và tôn trọng cho người khác.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM chuyển ngữ
Nguồn từ famvin.org
[1] Edward Healy Thompson, Antonio Vitali, The Life and Glories of St. Joseph Husband of Mary, Foster-father of Jesus, and Patron of the Universal Church (London: Burns & Oates, 1980) 461.
[2] Gaston Courtois, The Life of St. Vincent de Paul (Baripada: Jyoti Printing School) # 7.
[3] I. Giordani, St. Vincent de Paul: Servant of the Poor (trans. T.J Tobin) (Milwaukee: The Bruce Publishing Company, 1961)246.
[4] CCD = Vincent de Paul, Correspondence, Conferences, Documents (trans. Pierre Coste), 2008. https://via.library.depaul.edu/vincentian_ebooks
[5] Pope Francis, Patris Corde, # 7.
[6] Pope Francis, Patris Corde, # 6.
[7] Pope Francis, Patris Corde, # 7.
[8] Pope Francis, Patris Corde, # 7.