Những bước chân đầu tiên

0
1516
Các cha và các Nữ tử Bác ái Vinh Sơn

Khoảng năm 1773, các nhà Truyền Giáo có mặt tại Trung Hoa. Cho đến năm 1949, thể chế chính trị Trung Hoa thay đổi. Vì chính quyền cách mạng trục xuất hết các linh mục ngoại quốc, nên các ngài đã ghé vào Việt Nam. Trước đó, từ năm 1928, các cha thuộc Tu Hội Truyền Giáo đã qua Việt Nam giảng tĩnh tâm cho các Nữ Tử Bác Ái.

Đến năm 1952, Việt Nam gồm có cha Jacques Huysmann, Adolphe Buch, Robert Cartier, René Dulucq, Victor Berset và thầy Alexandre.

Những công việc của các ngài vào thời gian đầu là lo phục vụ ở Đà lạt như: Ký túc xá Foyer Saint Vincent cho trẻ em dân tộc thiểu số, mở trường học cho người Trung Hoa, phụ trách tuyên uý cho các trường Grand và Petit Lycée Yersin Đà Lạt, làm giáo sư tiểu chủng viện và đại học Đà Lạt.

Các cha truyền giáo thuộc Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn trên đất Việt

Từ năm 1955 đến năm 1975

Năm 1955, Thánh Tâm Biệt Thự là ngôi nhà đầu tiên của Tu Hội tại Việt Nam được thành lập theo giáo luật. Nhà Đà Lạt gồm Thánh Tâm Biệt Thự (nay là nhà Tỉnh), và Foyer Saint Vincent (Học viện Durando hiện nay), do cha René Dulucq làm bề trên. Một năm sau, Tu Hội đảm trách việc truyền giáo cho người Trung Hoa ở Đà Lạt và trông coi xóm giáo Vinh Sơn.

[envira-gallery id=”3103″]

1957-1960, một số cha người Pháp tiếp tục sang Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng gởi một số thầy sang Pháp để làm nhà Tập và học đại học. Cha Alexis Tống Phước Hậu là hoa trái đầu tiên của Tu Hội tại Việt Nam.

[envira-gallery id=”3107″]

Lúc bấy giờ còn có một số Linh mục Triều đã xin gia nhập Tu Hội, như Cha Giuse Phạm Tuấn Trang, Cha Giuse Hương Tiến, Cha Rôcô Trần Hữu Linh, cha Antôn Bùi Vĩnh Phước… Tỉnh Dòng Paris đã giao cho các Linh mục Việt Nam là Cha Giuse Phạm Tuấn Trang và Cha Rôcô Trần Hữu Linh trực tiếp chịu trách nhiệm đào tạo ơn gọi.

Ngày 01/7/1963, Tu Hội chính thức mở Tiểu chủng viện để chiêu mộ ơn gọi cho Tu Hội, đặt tên là Pavillon Saint Vincent do cha Giuse Phạm Tuấn Trang làm giám đốc, nay là nhà Đà Lạt.

Năm 1966, Tu Hội mở Tập viện đầu tiên tại Xóm giáo. Sau giai đoạn Tập viện, một số thầy được gởi sang học tại Giáo hoàng Học Viện Piô X.

Từ khi mở Tập viện tại Đà lạt, Tu Hội chuyển Tiểu chủng viện về vùng Hố Nai- Tam Hiệp.

[envira-gallery id=”3110″]

Từ năm 1975 đến năm 1990

Biến cố 30/4/1975 đã làm thay đổi tình hình của Tu Hội. Các Linh mục và Tu huynh ngoại quốc phải về nước. Một số anh em người Việt cũng di tản. Các trường học bị quốc hữu hóa, các điểm truyền giáo cũng không còn. Tiểu chủng viện ngưng hoạt động, vì thế các chủng sinh hồi tục dần. Địa sở của Tu Hội còn lại duy nhất là tại Đà lạt. Sinh hoạt tông đồ và mục vụ của Tu Hội chỉ tập trung vào ba họ đạo nhỏ: Thánh Tâm, Vinh Sơn và Bạch Đằng.

Giai đoạn này, Tu Hội gặp khó khăn về nhiều mặt, do không thể liên lạc với nhà Mẹ tại Paris. Đến năm 1989, việc liên lạc với Tỉnh Dòng được nối lại, Tu Hội đã có thêm một cơ sở mới tại Túc Trưng, Đồng Nai hầu chiêu mộ thêm ơn gọi.

Từ năm 1990 cho đến nay

Năm 1990, lớp nhà thử đầu tiên được mở lại tại cả hai nơi Túc Trưng và Đà Lạt. Đây là khởi đầu cho một giai đoạn tuy còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nhưng đã mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho sự phát triển của Tu Hội.

[envira-gallery id=”3113″]

Năm 1991, Tu Hội chính thức mở một địa điểm truyền giáo cho người Koho tại Ka-đơn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng.

Nhà thờ đầu tiên tại vùng kinh tế mới K’răngọ, xã Ka-đơn
Nhà Sài Gòn, Phú Nhuận, Học Viện Thần Học thành lập năm 1997, nơi các sinh viên thần học ở trước đây

Năm 1997 nhà Sài Gòn được thành lập để đáp ứng nhu cầu học thần học của các thầy.

Tu Hội còn mở ra nhiều điểm truyền giáo như Bàu Sen, Cái Rắn, Đà Nẵng, ĐăkSông, Bưng kè, Komtum, Nha Trang, Hưng Hóa. Ngoài công việc truyền giáo, Tu Hội còn được giao phó trông coi giáo xứ tại các giáo phận: Đà Lạt, Xuân Lộc, Đà Nẵng, Vinh, Kontum, Ban Mê Thuột, Hà Nội, Hưng Hóa, Lạng Sơn…

Ngày 28/02/2012, Miền Việt Nam đã được tách khỏi Tỉnh Dòng Paris để trở thành Phụ Tỉnh, đánh dấu sự trưởng thành của Tu Hội Truyền giáo tại Việt Nam.

Sau hơn 60 năm hiện diện tại Việt Nam, Tu Hội đã có 90 Linh mục, 9 thầy Phó tế, 3 Tu Huynh, 121 Sinh viên Triết học và Thần học, 10 Tập sinh và hơn 40 anh em Đệ tử.

Liên kết và hiệp nhất với nhau để cùng lo việc cứu độ người nghèo” (SV XIII, 204).

BTT