Những Vị Thầy Ảnh Hưởng Trong Đời Thánh Vinh Sơn

0
381

William A. Warrd nói rằng: Người thầy trung bình chỉ biết nói, Người thầy giỏi biết giải thích, Người thầy xuất chúng biết minh họa, Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng.” Thánh Vinh Sơn không chỉ là đấng sáng lập Tu hội Truyền giáo mà còn là vị thầy vĩ đại cho các môn sinh thuộc Tu hội. Chính thánh nhân cũng có những vị thầy vĩ đại trong đời. Những vị thầy đã truyền cảm hứng và tạo ảnh hưởng lớn trên thánh Vinh Sơn trong ơn gọi bước theo Đức Kitô. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những vị thầy này và ảnh hưởng của họ trên cuộc đời thánh Vinh Sơn.

Trước hết, chúng ta kể đến ông Jean De Paul,[1] thân phụ của cậu Vinh Sơn, vì “Người cha chính là người thầy đầu tiên của một đứa trẻ.[2] Là một nông dân, ông Jean De Paul lấy Bertrande De Moras và đã có sáu người con, Vinh Sơn là người con thứ ba trong gia đình. Chúng ta không có nhiều sử liệu về một người nông dân, nhưng ít ra qua những lần thánh Vinh Sơn kể lại sự xấu hổ của mình về cha, chúng ta có thể phác họa phần nào chân dung ông Jean De Paul: “khi cha tôi dẫn tôi vào thành phố, bởi vì ông ăn mặc luộm thuộm và chân đi cà nhắc, tôi hổ thẹn vì phải đi với ông và nhận ra ông chính là cha tôi. Ôi thật khốn khổ! Tôi đã bất tuân phục biết chừng nào.”[3] Mặc dù là một người cha quê mùa, chân đi cà nhắc nhưng ắt hẳn ông là một người cha tốt. Một người cha biết lo cho gia đình, biết giáo dục con cái. Bởi thế, ta không lạ gì khi còn nhỏ, Vinh Sơn đã sớm bộc lộ dấu hiệu về lòng đạo đức. Những nhân chứng được sử gia Abelly tham khảo đã nhắc lại trong khi đến nhà máy xay gió cậu bé Vinh Sơn đã mở bao bột mì trao những nắm bột cho người nghèo mà cậu gặp trên đường, điều mà cha cậu là một người từ tâm không hề tức giận.[4]

Ông Jean De Paul quả là một người cha có tầm nhìn đầy khôn ngoan. Trong sáu người con, ông nhận thấy chỉ có Vinh Sơn là nổi bật hơn hẳn, cậu có một tinh thần tỉnh táo và lanh lợi, thông minh và nhạy bén. Ắt hẳn, ông Jean cũng biết rằng trong xã hội bấy giờ, việc ăn học trở thành giáo sĩ là con đường duy nhất để thăng tiến đối với những đứa con nhà nông. Vì thế ông đã không ngần ngại đầu tư vào cậu con thứ ba. Ông làm việc chăm chỉ để lo cho gia đình và chu cấp cho con ăn học. Ông hoàn toàn tin tưởng vào khả năng và triển vọng vững chắc của con nên ông phải hy sinh hơn nữa, để mọi sự được thành tựu ông đã bán đi cặp bò đực.[5] Người cha tốt bụng vẫn tiếp tục lưu ý đến những tiến bộ của Vinh Sơn cho đến khi ông đột ngột qua đời, khi đó Vinh Sơn đang học những năm đầu đại học. Trong di chúc đề ngày 7 tháng 2 năm 1598, ông Jean đã thu xếp để gia đình sẵn sàng hy sinh mọi sự để giúp cho Vinh Sơn được tiếp tục đi học.[6]

Cái chết của cha, vị thầy đầu tiên trong đời đã để lại cho Vinh Sơn nhiều ưu sầu và khó khăn. Tuy nhiên sau khi cha mất Vinh Sơn không đòi hỏi mẹ và các anh chị lo cho mình thậm chí không đòi hưởng những lợi lộc nhỏ bé từ di chúc cha để lại. Ngược lại, cậu trưởng thành hơn, khôn khéo tự xoay xở để có thể tiếp tục việc học tập tiến thân.[7]

Một người cha tốt lành, giản dị trong cách sống, người cha biết con cái cần gì và tận tâm tận lực lo cho chúng. Ông Jean De Paul đã thành công trong việc giáo dục và ảnh hưởng lớn trên Vinh Sơn. Mặc dù, ý định vươn lên trong xã hội Pháp quốc bấy giờ bằng con đường tu trì là không mấy trong sáng nhưng ít ra nó lại là bước khởi đầu để Thiên Chúa dẫn dắt Vinh Sơn bước đi trong hành trình ơn gọi sau này.

Người thầy thứ hai ảnh hưởng trên cha Vinh Sơn đó là Hồng y Bérulle. Pierre De Bérulle sinh tại Château De Cérilly, gần Troyes, vào năm 1575. Bérulle lãnh chức linh mục, sau trở thành Hồng y và là một trong những nhà thần bí quan trọng bậc nhất vào thế kỷ XVII ở Pháp. Ngài là người sáng lập trường phái linh đạo Pháp.[8]

Bérulle được hấp thụ một nền giáo dục kỹ lưỡng xét trên bình diện nhân loại và Giáo Hội tại các trường của các cha Dòng Tên. Ngài là tác giả của nhiều công trình về tôn giáo và chính trị. Nhiều sách xuất bản của ngài đã khởi động cho trường phái linh đạo Pháp. Cha Vinh Sơn nhận xét về ngài là “một trong những người thánh thiện mà tôi biết.[9] Cuối buổi nguyện gẫm vào tháng 11 năm 1643, cha Vinh Sơn đã nêu gương sáng về Hồng y Bérulle cho các chủng sinh: “Phải học hành làm sao để cho tình yêu tương ứng với sự hiểu biết, đặc biệt là đối với những ai học thần học, và theo cách của hồng y De Bérulle, người mà ngay sau khi nắm bắt được một chân lý thì liền phó mình cho Thiên Chúa để thực hành một điều gì đó hoặc là để đi vào những tâm tình nào đó, hoặc nữa để làm phát sinh những hành động. Bằng cách đó hồng y đã có được cùng lúc sự thánh thiện và tri thức rất vững chắc đến nỗi người ta khó lòng tìm gặp được một trường hợp tương tự như thế.[10]

Được gợi hứng từ công trình của thánh Philipe De Néri, Hồng y Bérulle đã thành lập Tu hội Oratoire vào năm 1611, là Hiệp hội các linh mục triều thần bí. Hiệp hội này coi tình trạng linh mục như là lý tưởng để nên thánh, trái ngược với khuynh hướng của những linh mục chỉ lo tìm kiếm bổng lộc và quyền lợi.[11] Bởi thế, cha Vinh Sơn đã bắt đầu làm quen với Hồng y và chọn ngài làm người hướng dẫn tinh thần.[12] Việc cha Vinh Sơn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Hồng y Bérulle là một cử chỉ nhỏ ngầm cho thấy cha đang có sự biến đổi. Cha bắt đầu hoạch định cho những mục tiêu cao cả hơn là một sự thăng tiến thuần túy về mặt xã hội. Cha đang tìm kiếm định hướng về mặt tinh thần khi muốn sống cuộc đời thực sự thuộc về Giáo Hội.[13]

Ở giai đoạn đầu đời linh mục, chúng ta bắt gặp một Vinh Sơn đang mải mê tìm kiếm công danh lợi lộc. Từ năm 1609, sau cuộc gặp gỡ Hồng y Bérulle, cha Vinh Sơn trải qua nhiều biến cố mang tính quyết định trong ơn gọi. Hồng y Bérulle đã tín nhiệm trao cho cha Vinh Sơn cơ hội được làm cha xứ Clichy. Ngày 2 tháng 3 năm 1612, khi mọi sự đều được chắc chắn một cách hợp pháp, cha Vinh Sơn nhận lấy chức vụ mới với tất cả các thủ tục cần thiết: Cha đi vào rồi đi ra cửa nhà thờ, cửa nhà xứ; cha rảy nước thánh; cha quỳ xuống trước cây thánh giá, trước bàn thờ chính; cha hôn sách lễ, đặt tay lên nhà tạm, trên giếng rửa tội; cha giật chuông và ngồi vào ghế của cha xứ.[14]Việc làm cha xứ Clichy đem lại cho cha một tinh thần mới, một tình yêu phục vụ. Cha giảng với niềm say mê, cha đi thăm bệnh nhân, an ủi người đau khổ, cứu giúp người nghèo, mang về những kẻ lầm đường lạc lối. Cha cảm thấy tự hào và nói với Đức Hồng y De Retz rằng: “Đức Giáo Hoàng cũng không hạnh phúc bằng một cha sở giữa những giáo dân có tấm lòng tốt.[15]

Một biến cố khác ảnh hưởng lớn trên cha Vinh Sơn là việc Hồng y Bérulle cắt cử cha đến làm gia sư trong gia đình Gondi và kiêm luôn chức tuyên úy các nhà thờ riêng trong vùng đất của họ. Với lãnh thổ rộng lớn, cha làm việc rất nhiều để lo phần rỗi các gia nhân và đầy tớ của ông bà chủ. Trong nhiệm vụ tuyên úy, cha đi dạy giáo lý cho dân làng ở các vùng nông thôn, cha giảng đạo và khuyến khích họ đi xưng tội. Trái tim bác ái của cha phập phồng đau đớn trước nỗi thống khổ về thể xác lẫn tâm hồn của những con người đáng thương miền quê. Cha dần khám phá rõ hơn ơn gọi thực sự của mình.

Hồng y Bérulle là vị thầy linh hướng đánh thức cha Vinh Sơn ra khỏi những giấc mơ tầm thường có vẻ hào nhoáng bên ngoài và giúp cha vượt qua cơn khủng hoảng, nhưng ảnh hưởng của Hồng y không được toàn diện và bền lâu. Nó chỉ kéo dài vỏn vẹn bảy hoặc tám năm. Cha Vinh Sơn sẽ giữ lại một vài kiểu nói đạo đức và một sự tôn kính chân thành đối với vị thầy đáng kính Bérulle. Đến một lúc nào đó, cha sẽ khám phá ra con đường riêng, linh đạo riêng của mình. Linh đạo của cha Vinh Sơn không thể nào được coi như chỉ mang tính cách của Bérulle.[16] Sự hoà hợp giữa thầy và trò kết thúc bằng một sự gãy vỡ trầm trọng. Chúng ta không biết rõ chi tiết vì cha Vinh Sơn hết sức là kín đáo về chuyện này. Sự đổ vỡ có thể đã xảy ra vào năm 1618 và để lại hậu quả xấu mãi đến năm 1628, khi Hồng y Bérulle chống lại việc Tòa Thánh phê chuẩn thành lập Tu hội Truyền giáo, mà người đệ tử xưa kia của ngài đã sáng lập.[17]

André Duval[18] là vị thầy linh hướng được thay thế Hồng y Bérulle. Nếu Hồng y Bérulle ảnh hưởng trên Vinh Sơn về phương diện công việc thì đối với cha Duval, Vinh Sơn lại chịu ảnh hưởng nhiều về những vấn đề lương tâm. Cha Duval ít nổi bật hơn Hồng y Bérulle nhưng khôn ngoan, vô vị lợi và thánh thiện hơn. Sau này, cha Vinh Sơn sẽ nói về thầy Duval như sau: “Ngài là vị tiến sĩ vĩ đại của đại học Sorbonne, và còn vĩ đại hơn do bởi đời sống thánh thiện của ngài.”[19]

Được vị tiến sĩ thánh thiện làm linh hướng, được học hỏi những nhân đức quý báu nơi cha Duval, cha Vinh Sơn rất tự hào nêu mẫu gương này cho các học trò. Trong buổi nói chuyện ngày 1 tháng 11 năm 1649, cha đã khen thầy Simon Busson tốt lành và thánh thiện dựa trên gương của cha Duval: “Theo như bản tra cứu về nhân sự trong nhà thì Simon Busson vào Tu hội Truyền giáo vào khoảng mùa chay năm 1648. Kìa nơi thầy có nhiều nhân đức tốt lành và thánh thiện! Ôi lạy Chúa! Xin chúc tụng Danh Chúa luôn mãi! Đó là một động lực lớn cho lòng can đảm của các anh em chúng ta, một đề tài lớn để xây dựng các giáo sĩ của chúng ta và cũng là một nguyên do khiến tôi phải bối rối, vì tôi là con người khốn nạn, một con người lắng nghe nhưng lại là tội nhân khốn nạn…Ôi lạy Chúa !…cha Duval là một tiến sĩ tầm cỡ của đại học Sorbonne, và lại còn tầm cỡ hơn nữa bởi đời sống thánh thiện của ngài, một ngày kia ngài đã nói với tôi thưa cha, cha thấy không, những con người tốt lành ấy tranh với chúng ta cửa thiên đàng và họ sẽ là ngưới thắng cuộc thôi.’”[20]

“Cha Duval tốt bụng,”[21] đó là một trong những lối diễn đạt được cha Vinh Sơn ưa thích để nói về ngài. Trong vụ kiện với các tu sĩ Dòng Saint Victor, cha Vinh Sơn đã muốn từ bỏ việc kiện tụng chiếm hữu nhà Saint Lazare nhưng được cha André Duval tốt lành ngăn cản. Cha Vinh Sơn viết cho một người bạn: “Anh có biết rằng các tu sĩ của Saint Victor đang tranh chấp quyền của chúng tôi đối với Saint Lazare nhưng anh không thể tưởng tượng được tôi đã phục tùng họ một cách nghiêm túc và phù hợp với lời dạy của Phúc âm, mặc dù trên thực tế, những tuyên bố của họ không có nền tảng hợp lý. Cha Duval đã đảm bảo với tôi và như tất cả những người quen thuộc với công việc buôn bán đã nói với tôi. Kết quả sẽ là bất cứ điều gì làm vừa lòng Chúa chúng ta. Và quả thật, Thiên Chúa biết rằng sự tốt lành của cha Duval đã khiến tôi được sự hoàn trả trong dịp này như tôi đã từng có trong những dịp khác.[22]

Không những là vị tiến sĩ thông thái về tri thức cha Duval còn là mẫu gương sáng về tâm hồn đơn sơ và khiêm nhường. Trong buổi nguyện gẫm tháng 11 năm 1643, khi cha Vinh Sơn nêu gương sáng về việc học tập của Hồng y Bérulle cho các chủng sinh, cha cũng nêu lên tinh thần của cha Duval: Học hành cách khiêm tốn, nghĩa là không phải để muốn người ta biết đến mình, cũng không phải để người ta nói rằng mình là thông thái; không ao ước vượt trên người khác nhưng là nhường bước cho mọi người. Hỡi các anh em, ai sẽ cho chúng ta lòng khiêm nhường mà chúng ta phải duy trì! Ôi! thật khó làm sao để gặp được một người vừa rất thông thái lại vừa rất khiêm nhường! Tuy vậy, hai điều đó không phải là không hợp nhau được. Vì tôi đã gặp thấy một người thánh thiện, một linh mục dòng Tên tốt lành, …, người mà rất đỗi thông thái; vậy mà với tất cả tri thức đó ngài lại rất khiêm hạ, dường như tôi không nhớ là đã gặp thấy tâm hồn nào khiêm tốn như tâm hồn đó. Chúng ta cũng lại thấy cha Duval, một tiến sĩ giỏi, rất thông thái mà cùng lúc cũng rất đơn sơ và khiêm tốn tưởng không thể nào hơn thế nữa.”[23]

Với cha Vinh Sơn, cha Duval tốt bụng sẽ là vị cố vấn cần thiết cho đến khi ngài qua đời vào năm 1638. Cha Vinh Sơn rất ưa thích học thuyết của cha Duval khi nói rằng những con người đơn sơ nhất tranh giành với những nhà khôn ngoan để được vào cửa thiên đàng và họ đã thắng,[24] hơn là học thuyết của Hồng y Bérulle nói rằng những mục đồng ở Bêlem không đủ uy thế để xứng đáng tôn thờ Ngôi Lời Nhập Thể.[25] Lẽ dĩ nhiên giữa hai luồng tư tưởng đối đầu này, cha Vinh Sơn đã nghiêng về phía cha Duval. Những nhà canh tân Giáo Hội Pháp đầu tiên, Hồng y Bérulle và cha Duval dường như mang tư tưởng đối nghịch. Sự đối nghịch này tiếp tục kéo dài đến các thành viên canh tân Giáo Hội Pháp ở thế hệ thứ hai, trong đó có cha Vinh Sơn Phaolô với tu viện trưởng Saint-Cyran.[26]

Người bạn chân thành cũng là người thầy vĩ đại của cha Vinh Sơn mà chúng ta sẽ phải nói đến khá nhiều đó là thánh Francois De Sales[27]. Francois sinh ngày 21 tháng 8 năm 1567 tại Château De Sales trong một gia đình quý tộc của Công quốc Savoy.[28] Từ nhỏ, Francois có tính khí nóng nảy nhưng lại có tấm lòng vàng thường theo mẹ làm việc bác ái. Ở tuổi 24, cậu trở về nhà cha mẹ sau khi theo học ngành luật tại Paris và ở Ý. Một hôn phối môn đăng hộ đối đang chờ đợi Francois trẻ trung, tài giỏi, nhưng cậu đã chọn con đường thuộc về một mình Thiên Chúa. Cậu trở thành linh mục trong một đất nước mà đạo Tin lành đã lan truyền mạnh. Linh mục Francois gặp nhiều chống đối đến nỗi xuýt nữa phải bỏ mạng ở Gex vì các mục sư Tin lành ghen tức, mưu toan đầu độc trả thù. Cha Francois được bổ nhiệm làm Giám mục Genève với sức ảnh hưởng rộng lớn.[29]

Quan hệ giữa cha Francois de Sales và cha Vinh Sơn mang một màu sắc bạn hữu riêng tư hoàn toàn không do bất cứ một động cơ trần tục nào. Cả hai quen nhau trong thời gian khá ngắn nhưng đã hoàn toàn tin tưởng nên dám kể chi tiết những suy nghĩ, những điều riêng tư, những động cơ sâu sa của bản thân cho nhau. Chúng ta hãy nghe cha Vinh Sơn thuật lại chuyện sau:

“Lần đầu tiên Đức cha Francois giảng tại Paris, đây là chuyến đi cuối cùng của ngài đến đây, người ta từ khắp nơi trong thành phố chạy đến để nghe ngài giảng; triều đình cũng như các thính giả ưu tú đều có mặt để được nghe một vị giảng thuyết nổi tiếng như thế. Mọi người đều mong đợi sẽ được nghe một bài giảng phù hợp với tài năng của ngài; chính nhờ tài năng mà ngài thường làm cho mọi người say mê. Thế nhưng con người vĩ đại của Thiên Chúa đã làm gì? Ngài chỉ kể lại cuộc đời của thánh Martin nhằm làm cho ngài phải bị bẽ mặt trước biết bao nhân vật nổi tiếng. Ngài là người đầu tiên đã lợi dụng sự giảng thuyết của mình để có một hành vi khiêm tốn anh hùng này.

Ngài kể lại điều này ngay sau đó cho bà Chantal và cho tôi tức cha Vinh Sơn. Ngài nói với chúng tôi: Ôi, tôi đã sỉ nhục các sơ nhiều lắm, bởi vì họ mong đợi tôi có thể nói những điều tuyệt vời với những người sang trọng có giáo dục. Một sơ đã có mặt ở đó (nói về một cô gái có ý muốn trở thành nữ tu). Sơ nói trong khi tôi giảng như sau: hãy xem tên nhà quê thô bỉ này, ông ta giảng tầm thường biết bao nhiêu. Ông ta từ rất xa đến đây, để nói với chúng ta như thế, và còn thử thách lòng kiên nhẫn của biết bao nhiêu người.”[30]

Về phía cha Vinh Sơn, chúng ta biết rằng, cha đã khám phá ra nơi Đức cha Francois De Sales điều mà cha đã không tìm thấy nơi Hồng y Bérulle, đó là một vị thánh. Khi tiếp xúc với sự thánh thiện của Đức Cha Francois, cha Vinh Sơn bày tỏ nỗi lòng và cả con người của cha. Còn Đức Cha Francois, phải có thứ trực giác kỳ diệu đến từ Thiên Chúa mới giúp ngài khám phá ra nơi vị tuyên úy của gia đình Gondi một tâm hồn tương tự, một sự khao khát Thiên Chúa, nghĩa là đây sẽ là một vị thánh trong tương lai.[31]

Mặc dù từ nhỏ Francois có tính khí nóng nảy, nhưng Thiên Chúa nhân từ đã biến đổi ngài. Francois trở thành người cha của sự dịu hiền và khiêm nhường đích thật trong lòng Giáo Hội. Thánh nữ Jeanne De Chantal[32] đã nói về Francois De Sales thánh thiện như sau: “Ngài đã thắng được tính nóng nảy của mình nhờ vào những cố gắng anh hùng trên chính bản thân. Sự dịu hiền của ngài chính là sự dịu hiền của Thiên Chúa.”[33] Với cha Vinh Sơn, ngoài chuỗi dài những lời khuyến khích có tính cách riêng tư đến cái nhìn rộng lớn hơn và cả cách tổ chức đời sống trọn lành thì cha đã học được nơi Đức cha Francois tính khí dịu hiền, bình dị dễ gần. Một ngày nọ, cha Vinh Sơn bị bệnh nằm liệt giường, cha nhớ đến Đức cha Francois và thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa tốt lành biết bao, vì Francois De Sales là tạo vật của Ngài mà còn tốt lành và đáng mến như thế.”[34] Lần khác, cha Vinh Sơn nói: “Nhiều lần, tôi tự thấy mình được vinh dự vì sự bình dị của Francois De Sales. Từ miệng ngài hay là trong một cuộc nói chuyện với ngài mà tôi đã đơn sơ tận dụng được. … Có lẽ tôi nên nói thêm là tôi được vinh dự nhờ sự bình dị mà tôi đã nói, ngài cởi mở nói với tôi.… ”[35]

Sự thật không thể phủ nhận rằng cha Vinh Sơn là một con người khôn ngoan khi tích lũy cho mình những phẩm tính quý giá và con đường nên thánh của người thầy thánh thiện. Francois De Sales là vị thầy dạy rằng mọi tầng lớp con người thuộc bất cứ địa vị nào hay tình trạng nào cũng có thể đạt đến sự thánh thiện: người thế tục, tu sĩ, đàn ông, đàn bà, kẻ giàu và người nghèo. Đó cũng chính là sứ điệp của quyển “L’Introduction à la vie devote.”[36] Cha Vinh Sơn đã bắt gặp nơi học thuyết của cha De Sales một phương pháp đơn giản để đạt đến sự thánh thiện. Để đạt đến sự trọn lành thánh thiện thì không cần phải nắm vững cái cấu trúc tri thức phức tạp như kiểu Hồng y Bérulle, con đường khiêm nhường và dịu hiền mà Francois De Sales ca ngợi là đầy đủ rồi.[37]

Cha Vinh Sơn rất yêu mến và khâm phục người bạn quý cũng là người thầy hướng dẫn tinh thần của mình, Francois de Sales. Những quyển sách của thầy De Sales, nhất là quyển “Traité de l’amour de Dieu[38] và quyển “L’Introduction à la vie dévote,” là những sách thiêng liêng gối đầu giường mà cha Vinh Sơn thường đọc nhất. Cha Vinh Sơn thường khuyên con cái mình hãy đọc những quyển sách đó như thể những quyển sách quý và thật cần thiết. Về quyển “Traité de l’amour de Dieu,” cha có những lời ca tụng đặc biệt như sau:

“Đây là một tác phẩm bất hủ và rất cao quý, là một chứng từ chắc chắn về tình yêu nồng cháy của ngài đối với Thiên Chúa. Đây là quyển sách tuyệt diệu bởi vì nó chứa đựng biết bao mẫu gương cho thấy sự tử tế của tác giả. Tôi nghĩ là bằng mọi giá, cần phải đọc quyển sách đó ở trong cộng đoàn chúng ta như là một phương thuốc trị bá bệnh cho những người nguội lạnh, như là một gương soi cho những người thụ động, như là suối nguồn tình yêu và là cái thang cho những người nhắm đến sự hoàn thiện. Miễn sao là mọi người phải sử dụng nó, vì nó rất xứng đáng được đọc. Không ai có thể tránh khỏi sự hứng thú khi đọc quyển sách đó!”[39]

Có lẽ, cha Vinh Sơn đã học phương cách nguyện gẫm theo cha Francois De Sales.[40] Cha cải biến và áp dụng phương pháp nguyện gẫm này cũng như dạy các môn sinh thực hành, để rồi chúng ta có phương pháp nguyện gẫm theo thánh Vinh Sơn.[41] Trong buổi nói chuyện ngày 16 tháng 8 năm 1655, cha Vinh Sơn đã nói về việc phải nguyện gẫm thế nào: “Thứ nhất, những ai đến với việc nguyện gẫm với một tinh thần uể oải và với một cách thức như để trả nợ cho xong, cách thế đến với việc cầu nguyện kiểu đó là một cản trở lớn không cho phép chúng ta cầu nguyện đàng hoàng được, khi ta có thái độ như vậy. Thứ hai, tâm trí tò mò, khiến người ta lấy làm vui mà tìm hiểu kỹ càng, mà tìm kiếm nhiều đoạn kinh để trả bài, để làm ra vẻ, cái đó hoàn toàn khác với nguyện gẫm, vì lẽ nguyện gẫm phải được thực hiện chỉ để làm cho mình trở nên tốt hơn và để tự sửa mình khỏi những lỗi lầm tội lỗi và để sở đắc những nhân đức khác xa với những thiếu sót của mình. Sau khi xem xét điều đó, điều thứ nhất mà chúng ta phải làm khi nguyện gẫm, đó là tự đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, đối diện với một trong bốn cách thế mà thánh Francois De Sales đã chỉ dạy.”[42]

Quả thật, thánh Francois De Sales xuất hiện trong cuộc đời cha Vinh Sơn như là một vị thầy hoàn hảo mà Chúa muốn dùng để hướng dẫn cha. Thánh nhân đã để lại ảnh hưởng rất sâu đậm trên cha Vinh Sơn, bằng chứng là trong các cuộc nói với các nhà thừa sai hay với các Nữ tử Bác ái, cha Vinh Sơn rất thường dựa vào thánh Francois De Sales như dựa một gương sáng tuyệt vời. Trong những lá thư và những bài nói chuyện của cha Vinh Sơn người ta thấy có nhiều câu trích dẫn rõ ràng từ những tác phẩm của Francois De Sales. Người ta còn thấy nhiều hơn, đó là những lời dẫn gián tiếp từ tư tưởng của thánh Giám mục. Tư tưởng đó dĩ nhiên, trở thành một trong những ngọn nguồn cho linh đạo của Vinh Sơn. Chúng ta cũng biết rằng, dường như việc cha Vinh Sơn thành lập Tu hội Nữ Tử Bác Ái[43] được lấy cảm hứng từ ý tưởng của thánh Francois De Sales. Khi thành lập Dòng Thăm Viếng, cha De Sales muốn lập ra một kiểu cộng đoàn nữ tu mới không có bị giam mình trong nội vi và không có biệt hiến như tên gọi của Dòng cho thấy. Dòng có mục đích đi thăm viếng các bệnh nhân bị bỏ rơi và làm các công việc tông đồ bác ái khác nữa. Dưới sức ép của Tổng Giám mục ở Lyon và Tòa thánh, cha Francois De Sales đã phải từ bỏ kế hoạch ban đầu, đành lòng không thiết lập thêm một dòng tu kín nữa. Cha Vinh Sơn đã lưu giữ kỹ những lời tâm sự mà cha Francois De Sales nói về công việc này để rồi thật khôn ngoan thành lập Tu hội Nữ Tử Bác Ái. Bởi tất cả những ảnh hưởng trên, chúng ta không lạ lẫm gì khi cha Vinh Sơn dành cho thánh Francois De Sales một vị trí đặc biệt trong tim. Cha Vinh Sơn yêu quý thánh nhân, người đã đã mở ra trước mặt cha chân trời to lớn về sự thánh thiện và giúp cha đạt tới chân trời đó. Cha Vinh Sơn tỏ bày sự kính mến đó khi nhờ người ta treo chân dung của thánh nhân ngay trong căn phòng huấn đức ở Saint-Lazare, là nhà mẹ của của Tu hội Truyền giáo.[44]

Theo dòng lịch sử cuộc đời cha Vinh Sơn, chúng ta đã lướt qua bốn vị thầy có ảnh hưởng trên cha. Còn một vị thầy quan trọng bậc nhất mà chúng ta không thể bỏ qua, đó chính là Đức Giêsu Kitô, mà phải là Đức Giêsu Kitô với khuôn mặt người nghèo.

Nếu cha Vinh được tiếp xúc và học hỏi nơi những vị thầy chúng ta nói ở trên trong từng giai đoạn, thì với Đức Giêsu sẽ là vị thầy chiếm trọn toàn bộ cuộc đời cha. Chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã luôn có mặt trong các biến cố cha Vinh Sơn đối mặt. Ngài biết rõ học trò Vinh Sơn và để cho các biến cố xảy đến với Vinh Sơn như thể một người thầy ra những bài tập khó cho học sinh rèn luyện. Từ những bước chập chững trong ơn gọi không mấy trong sáng, con đường ăn học làm giáo sỹ, đến quãng thời gian mất tích, bị vu oan ăn cắp tiền, làm cha xứ Clichy, làm gia sư, làm tuyên úy, làm linh hướng trong gia đình Gondi, … Các biến cố xuất hiện trong các cuộc gặp gỡ hầu như đều liên quan đến người nghèo: Gannes, nơi mà Vinh Sơn bắt gặp tâm hồn người nông dân nghèo ao ước được xưng thú tội lỗi; Folleville,[45] nơi mà bài giảng đầu tiên của Tu hội Truyền giáo ra đời; Châtillon-les-Dombes,[46] nơi cha Vinh Sơn đấu tranh chống sự bê trễ, canh tân hàng giáo sĩ và thành lập các Hội Bác Ái.

Ở giai đoạn đầu đời linh mục, cha Vinh Sơn biết về Đức Kitô, nhưng chỉ là Đức Kitô với những kiến thức đòi buộc để làm linh mục. Sau nhiều biến cố, đặc biệt với Gannes – Folleville, cha đã nhận ra một Đức Kitô hoàn toàn mới, Đức Kitô của người nghèo, cho người nghèo và vì người nghèo. Cha biết cần phải “làm cho người nghèo nhận biết Thiên Chúa, nói với họ rằng Nước Thiên Chúa trong tầm tay và Nước đó dành cho họ. Ôi, vĩ đại làm sao, cao vời khôn ví việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo là phận vụ trên hết của Con Thiên Chúa.[47] Đức Kitô được cha khám phá thật gần gũi, thật đơn sơ, Ngài là những đầy tớ, những nông dân nghèo, bệnh nhân, tù khổ sai, trẻ mồ côi, kẻ thiếu ăn thiếu mặc, những kẻ vô danh bị bỏ rơi trong sự dằn vặt lương tâm.

Cha Vinh Sơn đã thật chính xác khi đồng hóa người nghèo nơi Đức Kitô là thầy của những nhà thừa sai và những Nữ tử Bác ái. Cha nói: “Các con thân mến, thật là chính đáng biết bao việc chúng ta phục vụ Đức Kitô nơi người nghèo, nó cũng rõ ràng và cụ thể như việc chúng ta có mặt ở đây. Một chị đi thăm viếng bệnh nhân mười lần trong ngày là chị ấy gặp được Chúa mười lần, như thánh Augustinô nói ‘điều mắt phàm trông thấy chưa bảo đảm lắm, vì giác quan có thể sai lầm, nhưng chân lý của Thiên Chúa thì không bao giờ sai lầm.’ Khi thăm viếng những tù nhân khổ sai, nghèo đói là các con thăm viếng Chúa; phục vụ những trẻ em bé mọn, là các con phục vụ chính Người. Hỡi các con, thật tốt đẹp biết bao, việc các con đến thăm những căn hộ nghèo nàn, mà lại gặp được Chúa chúng ta nơi đó. Hơn nữa, đó lại là điều đẹp lòng Chúa biết bao! Người đã nhận những công việc mà các con đã làm cho chính Người.[48] Quả thật “Người nghèo là chủ và là thầy của chúng ta.[49] Họ đại diện cho Đức Kitô, Đấng đã phán “điều các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

Cha Vinh Sơn được Đức Kitô bước vào cuộc đời. Ngài đã quyến rũ cha bằng khuôn mặt đơn sơ và hiền từ của người nghèo, để rồi cha say mê Ngài. “Chính Thiên Chúa rất đơn sơ, vì thế ở đâu có đơn sơ ở đó có Thiên Chúa.[50]Ngài yêu thích ngự trong một tâm hồn đơn sơ.[51] Cha Vinh Sơn nói với con cái mình: “Các con được dành để biểu thị lòng nhân từ của Thiên Chúa tại nơi ở của các bệnh nhân nghèo. Vậy, vì lòng nhân từ của Chúa đối xử với những người khốn khổ cách dịu hiền và bác ái, thì các con cũng phải đối xử với các bệnh nhân nghèo như lòng nhân từ Chúa dạy các con, nghĩa là đối xử cách dịu hiền, cảm thông và với lòng yêu mến.[52]

Yêu mến người nghèo quả thực không dễ, đòi hỏi một con tim biết rung động, một con người hội tụ những nhân đức cần thiết nơi Đức Kitô để sẵn sàng ra đi phục vụ ông chủ của mình. Cha Vinh Sơn đã cố gắng bắt chước vị thầy vĩ đại, trao dồi và rèn luyện những đức tính phải có cho một nhà thừa sai. Với năm nhân đức: khiêm nhường, dịu hiền, đơn sơ, hãm mình và nhiệt thành cha Vinh Sơn đã ra công học hỏi nơi thầy chí thánh. Cha cũng khuyên bảo các thành viên Tu hội Truyền giáo thủ đắc năm nhân đức này như thể năm viên đá cuội mà Đavít dùng để chiến thắng Gôliát.[53] Mỗi viên đá có tính năng riêng, nhưng cùng quy về một mục đích là tiêu diệt sự dữ để hướng đến Thiên Chúa.

Tóm lại, chúng ta có thể ví von cuộc đời ơn gọi của cha Vinh Sơn như một hành trình “đi học.[54] Cậu học sinh Vinh Sơn có được sự giáo dục ở cấp độ tiểu học bởi sự hướng dẫn của người cha Jean De Paul. Lên cấp trung học cơ sở, Vinh Sơn được vị thầy là Hồng y Pierre De Bérulle hướng dẫn. Tiếp đó ở bậc phổ thông, cha Vinh Sơn học được nơi vị thầy tốt bụng, cha André Duval. Bước vào giai đoạn đại học, cha được vị thánh tiến sỹ của Giáo hội hướng dẫn, đó là thánh Francois De Sales. Cuối cùng ở giai đoạn cao học, cha Vinh Sơn nhận ra vị thầy vĩ đại nhất luôn bên cha trong suốt hành trình đi học, Đức Giêsu Kitô với khuôn mặt người nghèo. Dường như, những vị thầy xuất hiện và ảnh hưởng trên cuộc đời cha Vinh Sơn là sự sắp xếp có chủ đích của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn gọt dũa cha Vinh Sơn, Ngài biến đổi cha cách tiệm tiến qua những vị thầy và những biến cố trong các cuộc gặp gỡ. Cuối cùng, cha đã hoàn thành chương trình học vấn, cha tốt nghiệp cao học với văn bằng được ghi: “Bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.[55]

Tìm hiểu những vị thầy ảnh hưởng trên hành trình ơn gọi của cha thánh Vinh Sơn, chúng ta cũng rút ra cho mình những bài học quý giá. Thứ nhất, mỗi người đều có cho mình những vị thầy và họ là người giúp ta thu lượm tri thức nhân loại, người hướng dẫn ta tiến tới trong đời sống trọn lành. Nếu được học và chịu khó học nơi những vị thầy tốt, ắt hẳn chúng ta sẽ nên tốt như thầy của mình. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng có những vị thầy tốt bên cạnh, bởi thế, ta cũng chỉ nên chọn những điều tốt mà học hỏi nơi họ. Bài học thứ hai, chúng ta chắc chắn rằng, vị thầy tốt nhất cho mỗi người không ai khác ngoài Đức Giêsu Kitô. Ngài là vị thầy vĩ đại sẽ luôn ở bên ta, hướng dẫn ta đi đúng đường để về hưởng vinh quang với Ngài.

Giuse Nguyễn Đức Duy

[1] Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 23.

[2] T. Thore là tác giả câu nói này.

[3] SV. XII, 432.

[4] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 29-30.

[5] x. Abelly, l.1, c.3, 10.

[6] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 36.

[7] x. Ibid, 43.

[8] x. https://en.wikipedia.org/wiki/Pierre_de_B%C3%A9rulle.

[9] SV. XI, 139.

[10] St. Vincent de Paul, Lm. André Dodin sưu tập, Đàm Luận Thiêng Liêng Của Thánh Vinh Sơn, Lm. Hà Văn Báu C.M & Thérése Kim Nương chuyển ngữ, 60.

[11] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 98-99.

[12] x. Pierre Coste, C.M, The Life & Works of St. Vincent De Paul, Volume I, 43.

[13] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 97.

[14] SV. XIII, 17-18.

[15] SV. IX, 646.

[16] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 100.

[17] x. Ibid, 101.

[18] Ibidem.

[19] SV. XI, 15.

[20] St. Vincent de Paul, Lm. André Dodin sưu tập, Đàm Luận Thiêng Liêng Của Thánh Vinh Sơn, Lm. Hà Văn Báu C.M & Thérése Kim Nương chuyển ngữ, 91-92.

[21] SV. XI, 100, 376.

[22] Pierre Coste, C.M, The Life & Works of St. Vincent De Paul, Volume I, 171.

[23] St. Vincent de Paul, Lm. André Dodin sưu tập, Đàm Luận Thiêng Liêng Của Thánh Vinh Sơn, Lm. Hà Văn Báu C.M & Thérése Kim Nương chuyển ngữ, 59.

 [24] SV. XI, 154.

[25] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 102.

[26] x. Ibid, 692.

[27] Pierre Coste, C.M, The Life & Works of St. Vincent De Paul, Volume I, 133.

[28] x. https://en.wikipedia.org/wiki/Francis_de_Sales.

[29] x. Daniel – Rops – Viện Hàn Lâm, Từ Điển Các Thánh, 118.

[30] SV. V, 472-473.

[31] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 161.

[32] Thánh nữ Jeanne de Chantal (1572-1641) là đấng sáng lập Dòng Thăm Viếng. Thánh nữ và các nữ tu Dòng Thăm Viếng được cha Francois de Sales làm linh hướng. Sau này, việc linh hướng đó được giao lại cho cha Vinh Sơn.

[33] Daniel – Rops – Viện Hàn Lâm, Từ Điển Các Thánh, 119.

[34]  SV. XIII, 78.

[35] SV. XIII, 67-69.

[36] L’Introduction à la vie dévote (Sống Thánh Giữa Đời) một trong 2 tác phẩm tóm gọn đường lối sống của thánh Francois de Sales.

[37] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 164.

[38] Traité de l’amour de Dieu (Tiểu Luận Về Tình Yêu Chúa)

[39] SV. XIII,71.

[40] x. Francois de Sales, l’Introduction à la vie dévote, Hoàng Minh Tuấn. CSsr chuyển ngữ. Việc nguyện gẫm gồm ba phần cốt yếu: Dọn mình – Suy ngắm – Kết thúc.

  • Việc Dọn mình: Nhớ mình trước mặt Chúa; Sự kêu van Chúa; Gợi lại điều mầu nhiệm sẽ suy ngắm.
  • Suy ngắm: Suy ngắm về chân lý ta đã chọn làm đề tài; Tâm tình và điều dốc lòng.
  • Kết thúc: Cảm ơn Chúa; Dâng lên Chúa những điều dốc lòng; Xin ơn vững vàng giữ các điều dốc lòng và kết bó hoa thiêng dâng Chúa.

[41] Phương pháp nguyện gẫm theo thánh Vinh Sơn: Việc nguyện gẫm gồm ba bước: Chuẩn bị – Diễn tiến suy niệm – Kết thúc

  • Chuẩn bị: Đặt mình trước sự hiện diện của Chúa; Xin ơn trợ giúp để suy niệm sốt sắng; Chọn đề tài suy niệm.
  • Diễn tiến suy niệm: Suy niệm về đề tài đã chọn; Suy gẫm về động lực yêu mến thực hành nhân đức hoặc ý nghĩa về đề tài được chọn; Đưa ra những quyết tâm cụ thể.
  • Kết thúc: Cảm tạ Chúa về giờ suy niệm; Dâng Chúa những quyết tâm đã đề ra và xin ngài giúp ta thi hành các quyết tâm đó.

[42] St. Vincent de Paul, Lm. André Dodin sưu tập, Đàm Luận Thiêng Liêng Của Thánh Vinh Sơn, Lm. Hà Văn Báu C.M & Thérése Kim Nương chuyển ngữ, 214.

[43] Tu Hội Nữ Tử Bác Ái được thánh Vinh Sơn Phaolô cùng thánh nữ Louise de Marillac thành lập vào năm 1633.

[44] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 163-166.

[45] Lâu đài Folleville thuộc lãnh thổ của gia đình Gondi.

[46] Giáo xứ Châtillon thuộc giáo phận Lyon. Cha Vinh Sơn đến làm cha xứ ở đây khoảng 5 tháng trong năm 1617.

[47] SV. XII, 80.

[48] SV. IX, 252.

[49]SV. XI, 393; SV. IX, 119.

[50] SV. XI, 50.

[51] SV. IX, 400.

[52] SV. X, 332.

[53] x. CR, XII, 12.

[54] Theo hệ thống giáo dục ở Việt Nam

[55] x. HP, 1.