Quan điểm của thánh Vinh Sơn về vai trò của phụ nữ trong công cuộc bác ái

Đăng ngày: 15/10/2019
Danh mục: LINH ĐẠO

An-rê Lê Huy Cường

Thánh Vinh Sơn Phao-lô một nhà hoạt động bác ái vĩ đại, Ngài đã hiến thân đời mình cho công cuộc bác ái. Chính vì tấm lòng hăng say phục vụ người nghèo, Ngài đã được Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII đặt làm quan thầy đặc biệt của mọi tổ chức từ thiện có trong Giáo Hội và cả những tổ chức không xuất phát từ Ngài. Không chỉ có vậy, với một trái tim yêu thương không biết mệt mỏi, Thiên Chúa đã giữ gìn trái tim Ngài nguyên vẹn. Nó như là một đặc ân cao quý cho những ai biết thực thi giới răn mến Chúa yêu người cách trọn hảo.

             Thánh Vinh Sơn là nhà bác ái tuyệt vời không chỉ mỗi việc bác ái nhưng, Ngài còn chứng tỏ khả năng tổ chức bác ái một cách sáng tạo và hiệu quả. Đặc biệt, Ngài có khả năng kêu gọi mọi người cùng chung tay lo cho người nghèo. “Bằng cách phục vụ người nghèo, chúng ta phục vụ  Đức Giê-su Ki-tô” (Sv IX, 199). Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất nơi các cuộc bác ái của Cha Thánh Vinh Sơn, chính là có sự cộng tác của những người phụ nữ. Phải chăng, Ngài đã làm một cuộc cách mạng khi mời gọi nhiều phụ nữ cộng tác với mình trong công cuộc bái ái? và Ngài cũng không nghĩ mình đã tiên kiến vai trò của họ trong Giáo Hội. Điều này về sau đã được Giáo Hội nhìn nhận trong Gaudium et Spes của Công Đồng Vatican II xác định. Thế nên, trong bài viết này tôi xin trình bày với chủ đề: Quan điểm của Thánh Vinh Sơn về vai trò của phụ nữ trong công cuộc bác ái. Bài viết gồm ba phần sau:

I. Những người phụ nữ ban đầu cộng tác với Thánh Vinh Sơn.

1. Bà Gondi (Marguerite de Silly)

            Sách sử không nói gì nhiều về Marguerte de Silly trước cuộc hôn nhân của bà với ông Philippe Emmanuel de Gondi. Chỉ biết bà là con gái của ông Antoine de Silly, bá tước miền Rochepot lãnh chúa vùng Euville và Bà Marie de Lannoy, mệnh phụ vùng Folleville. Bà kết hôn với ông Gondi vào năm 1600, đúng vào năm Cha Vinh Sơn thụ phong linh mục. Họ đã có với nhau ba người con trai, một trong số này là Jean Francois Paul, về sau thành Hồng Y Retz.

            Bà là một trong những người phụ nữ đầu tiên cộng tác với cha Vinh Sơn và giúp đỡ cha rất nhiều trong công cuộc bác ái. Bà là một con người có tâm hồn bối rối nên luôn cần đến sự giúp đỡ của cha Vinh Sơn. Điều này được chứng minh bởi sự lo lắng của bà, khi cha Vinh Sơn bỏ đi cách đột ngột. Bà đã viết cho cha Vinh Sơn để bày tỏ thiếu vắng sự giúp đỡ thiêng liêng của cha với những dòng thư như sau: “Kính Thưa Cha, Con đã không lầm khi sợ mất sự trợ giúp của cha như con đã cho cha thấy nhiều lần, vì quả thật con đã mất nó. Nỗi buồn con đang sống thật không thể chịu đựng được đối với con[1]. Tuy nhiên, bà lại là một người có tấm lòng bác ái thiết thực. Bà đã có những tác động với cha Vinh Sơn trong thời gian cha trú ngụ tại gia đình bà. Chúng ta biết cha Vinh Sơn vào làm tuyên úy gia đình Gondi với sự giới thiệu của Hồng y De Bérulle, tuy cha Vinh Sơn vẫn tiếp tục quản xứ Clichy. Không có tài liệu nào nói rõ cho chúng ta nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này. Theo lời khẳng định của Abelly: “Vào khoảng năm 1613 cha De Bérulle đề nghị cha Vinh Sơn chấp nhận nhiệm vụ làm gia sư cho các con của ông Gondi”[2]. Ngoài việc làm gia sư cho các con bà, cha Vinh Sơn còn đảm nhận việc dạy giáo lý cho những gia nhân trong gia đình. Bên cạnh đó, theo lời yêu cầu của bà, cha đã bổ khuyết những thiếu sót của các linh mục trong phần đất của gia đình ông bà.

            Sự kiện cha Vinh Sơn vào gia đình Gondi, đã mở ra cánh cửa hoạt động bác ái của cha. Biến cố thể hiện rõ vai trò của bà Gondi, đối với cha Vinh Sơn chính là sự kiện tại Gannes. Một người đến báo cho cha Vinh Sơn có một người đang hấp hối tại làng Gannes. Đó là một nông dân có tiếng lương thiện nhưng không bao giờ dám xưng thú tội với cha xứ. Cha Vinh Sơn đến đó ngay và đã nhận được lời thú tội của hối nhân. Bà Gondi đến thăm và được người nông dân đó cho biết là mình sẽ sa hỏa ngục nếu không có cuộc xưng tội chung này. Bà Gondi hết sức xúc động, bà nói với cha Vinh Sơn: “Ôi ! Thưa cha, sao? Chúng ta vừa nghe thấy điều gì? có lẽ đối với đa phần những con người đáng thương này cũng như thế. Ôi! Nếu người này mà ai cũng cho là một con người lương thiện, ở trong tình trạng bị luận phạt, thì những người khác sống bê bối hơn sẽ ra thế nào?”[3]. Sau các sự việc này bà Gondi yêu cầu cha Vinh Sơn giảng một bài giảng tại nhà thờ Folleville. Kết quả ngoài mong đợi các hối nhân điều được đánh động đến xưng thú tội đông quá mức. Người ta kéo đến xưng tội quá đông, một mình cha Vinh Sơn không thể giải hết. Vì thế, bà Gondi phải sai người đi mời các cha dòng Tên ở Amiens đến giúp.

            Sau những sự kiện trên, cha Vinh Sơn và bà Gondi có sự gắn kết nhất định, nhất là trong công cuộc làm đại phúc và bác ái. Dường như Cha Vinh Sơn cảm nhận được một mối nguy nào đó? hay ngôi nhà của bà hoàng không còn đủ cho sứ mạng của Cha. Cha Vinh Sơn có dự tính của mình nên cha quyết định ra đi cách bất ngờ. Bà Gondi không chấp nhận với ý định đó và với ảnh hưởng của mình, bà tìm đủ mọi cách để cha quay trở lại gia đình mình, và kết quả không làm bà thất vọng. Cha Vinh Sơn trở lại với gia đinh Gondi vào ngày 24/12/1617.

            Lần này gia đình bà hiểu được không thể giam hãm cha được nữa. Vì vậy, bà Gondi đề nghị cha Vinh Sơn thi hành sứ vụ ở mọi nơi trên phần lãnh thổ của bà. Cha Vinh Sơn chấp nhận đề nghị này và ngay tức khắc ngài từ nhiệm xứ Châtillon. Cuộc đại phúc của cha Vinh Sơn có tiến triển tốt và bà Gondi cũng hài lòng về việc này. Tuy nhiên, cha Vinh Sơn cảm thấy ngày càng khó tìm được những linh mục cộng tác với mình trong các buổi “Đại Phúc”. Cha đã ấp ủ một khát vọng cho việc thành lập một tu hội chuyên lo đại phúc. Nhưng cha Vinh Sơn không muốn đi trước Chúa Quan Phòng, Ngài còn xin Chúa cất đi ý định hấp tấp này của mình.

            Tuy nhiên nếu đó là công trình của Chúa, nó sẽ được Chúa soi dẫn. Gia đình Gondi đã đọc được ý định thầm kín này của cha Vinh Sơn. Một lần nữa bà Gondi lại chứng tỏ ảnh hưởng của mình, bà muốn việc này được thực hiện càng sớm càng tốt, không được chậm trễ. Dường như bà đã linh cảm được điều không lành sẽ đến với mình. Cha Vinh Sơn với đầy đủ điều kiện cần thiết đã tiếp nhận trường Bons-Enfants từ tay Tổng giám mục Paris và ngày 1/3/1624. Và chỉ một năm sau vào ngày 15/4/1625, ông bà Gondi đã ký bản hợp đồng thành Tu Hội với mục đích là chăm lo phần rỗi cho những người dân ở miền quê nghèo đặc biệt là những người bị bỏ rơi. Ông bà Gondi đã trao tặng cho cha Vinh Sơn số tiền 45.000 đồng bảng, nó như là của hồi môn cho Tu Hội[4]. Từ đây, bà Gondi có thể an bình ra đi với ước nguyện của mình đã được thành hiện thực[5]. Điều còn lại, bà chỉ việc ở trên thiên đàng dõi theo công trình mình được thực hiện bởi cha linh hướng của mình thế nào.

            Phải chăng, ý Chúa Quan Phòng đã khéo léo dẫn cha đến với một con người (bà Gondi) biết quan tâm đến những người nông dân trên phần lãnh thổ của mình. Từ việc cha Vinh Sơn đi giảng đại phúc trên phần đất của gia đình Gondi. Để rồi, bà Gondi dần dần giúp cha Vinh Sơn thấy được những con người đau khổ đang cần những tấm lòng tận tụy giúp đỡ họ. Theo thời gian cha Vinh Sơn đã bị lôi cuốn vào trong các cuộc bác ái và giảng đại phúc từ lúc nào. Thiết nghĩ, Chúa đã linh hứng cho Hồng Y De Bérulle, để ông giới thiệu cha Vinh Sơn cho gia đình Gondi? và đây có thể là nguyên nhân thánh thiện trong một tiến trình nơi thánh ý Chúa, hầu giúp cha Vinh Sơn nhận ra ý định của Chúa muốn thực hiện nơi cha.

            Chắc chắn cha Vinh Sơn không thể quên công ơn của bà Gondi. Cha Vinh Sơn đã dành một sự kính trọng đặc biệt cho bà. Trong một bài nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái, Ngài đã nói: “Khi Thiên Chúa vui lòng gọi cha vào nhà bà tướng hải quân, cha coi ông tướng như Chúa, và bà tướng như Đức Trinh Nữ[6]. Không có bà Gondi có thể Tu Hội Truyền Giáo đã không hiện hữu, bà là đại ân nhân cho Tu Hội chúng ta, nếu không muốn nói bà là một người đồng sáng lập. Vai trò của bà là quá rõ trong các công trình bác ái và truyền giáo của cha Vinh Sơn. Từ biến cố tại Gannes đến khi thành lập Tu Hội bà luôn đồng hành cùng với cha Vinh Sơn. Chính bà cũng là người cho cha thấy được sự xuống cấp của hàng giáo sĩ[7]. Một lời nhận xét thật có lý rằng :”cha Vinh Sơn mắc nợ Marguerite de Silly về việc gặp được ý nghĩa đích thực trong sự sống“. Thật chí lý khi một nhà viết sử về cha Vinh Sơn đã viết: “Marguerite de Silly là, dù bà ta không biết việc đó, người phụ nữ đầu tiên trong số nhiều phụ nữ đã có ảnh hưởng mạnh trên lịch sử người đàn ông này. bà là dụng cụ của Thiên Chúa dùng để bày tỏ cho cha Vinh Sơn đâu là con đường đích thật của đời sống linh mục, và về phương diện này ta có thể nói rằng bà là người phụ nữ có ảnh hưởng quyết định trong cuộc đời của ngài”[8]

2. Hội Bác Ái (1617)

            Một trong những thành công bước đầu trong việc đánh dấu Ngài là một con người khả năng sáng tạo trong công việc bác ái (điều này trở thành đặc tính cho Gia Đình Vinh Sơn ngày nay)[9]. Đây là sự kiện nổi bật nhất trong thời gian cha ở lại Châtillon les-Dombes. Ngài kể lại như sau: “Một một ngày chúa nhật kia, khi tôi đang mặc áo lễ, có một người (Cô de la Chassaigne)[10] đến nói với tôi rằng trong một căn nhà cách xa những nhà khác, cách đó một phần tư dặm (1km), hết thảy mọi người đều lâm bệnh, không có một ai khỏe mạnh để giúp đỡ những người kia, và mọi người đều ở trong tình trạng thiếu thốn không thể tả được. Điều đó khiến tôi xúc động mãnh liệt[11]. Bài giảng trong thánh lễ hôm đó của cha đã đánh động những tấm lòng quảng đại đến độ gia đình kia không phải chờ đợi thêm. Tuy vậy, sự đáp ứng tức thời các nhu cầu cho gia đình khốn cùng ấy không được sự đồng tình của cha quản xứ vì nó thiếu tổ chức. Tức thì, cha Vinh Sơn suy nghĩ đến chuyện cần phải thực hiện “Bác ái có tổ chức”.

Giáo xứ Châtillon les-Dombes

Vậy là, vào ngày 23/8/1617, Hội Bác Ái đầu tiên ra đời với hai mục tiêu là: giúp đỡ người bệnh nghèo về phương diện xác và hồn. Và lần này nữa cha Vinh Sơn lại được sự giúp đỡ của các phụ nữ, cụ thể là cô de la Chassaigne. Để rồi nó trở thành Hội Bác Ái mà ngày nay ta hay gọi là các Bà Bác Ái (AIC). Đây có thể được xem như đứa con đầu lòng của cha Vinh Sơn, nếu không muốn nói là Chị Cả của đại Gia Đình Vinh Sơn chúng ta. Dù muốn dù không, họ vẫn là một hiệp hội do chính cha Vinh Sơn thiết lập. Nó có ý nghĩa hết sức to lớn và đặt nền móng cho hai Tu Hội về sau.

             Vấn đề bác ái thật sự không mới mẻ gì nhưng điểm son cần nói nơi Cha Thánh Tổ Phụ chúng ta, chính là khả năng tổ chức của ngài. Dường như ngài được phú bẩm cho một khả năng quan sát tuyệt vời, lại thêm khả năng kêu gọi nhiều người cùng hành động. Vấn đề trong Hiến Pháp và Cha Tổng quyền đương nhiệm vẫn luôn tha thiết mời gọi chúng ta hãy “cộng tác trong Gia Đình Vinh Sơn”[12]. Vì chính Thánh Vinh Sơn đã từng nhắc nhở các con cái mình rằng: “Tinh thần của Đức Giêsu Kitô là tinh thần của hiệp nhất và bình an: làm thế nào anh em có thể lôi kéo những linh hồn đến với Đức Giêsu Kitô, nếu anh em không hiệp nhất với nhau và với Chúa?” (Abelly II, 187).

3. Thánh Nữ Louise de Marillac

            Khi chúng ta nói đến những người phụ nữ đầu tiên cộng tác với cha Vinh Sơn, chúng ta không thể bỏ qua con người này. Một người cộng tác đắc lực nhất với cha Vinh Sơn và trở thành người đồng sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Thánh nữ Louise de Marillac, một người có khả năng tổ chức tuyệt vời. Vì vậy, năm 1960 thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã đặt Thánh Nữ làm quan thầy cho tất cả các Cán sự xã hội Kitô giáo. Điều đó, phần nào nói lên vai trò cũng như khả năng tổ chức của Thánh Nhân trong việc cộng tác với cha thánh Vinh Sơn.

            Louise de Marillac sinh ngày 12/8/1591. Louise kết hôn với Antine le Gras năm 1613. Năm 1624 Louise de Marillac có dịp gặp được cha Vinh Sơn tại nhà Hồng Y Bérulle. Louise trở thành góa phụ năm 1625. Cũng thời gian này cha Vinh Sơn chính thức trở thành cha linh hướng cho Louise de Marillac qua lời giới thiệu của Đức Cha Camus, người trước đó đã linh hướng cho Louise.

            Chúng ta biết rằng Tu Hội Truyền Giáo được thành lập năm 1625. Cha Vinh Sơn có những nỗi bận tâm chăm lo nhiều thứ, cho đứa con mới sinh này của mình. Cha mong muốn có người để coi sóc Hội Bác Ái mà ngài đã thành lập năm 1617. Đúng thời điểm này Chúa gửi Louise de Marillac đến giúp cha Vinh Sơn. Sau một vài năm được huấn luyện cha Vinh Sơn sai bà đi kinh lý Hội Bác Ái ở nhiều nơi. Tiếp theo đó cha đã trao phó cho bà đảm nhận trách nhiệm các Hội Bác Ái đã được thiết lập sau các cuộc Đại phúc.

            Cũng như bà Gondi, Louise de Marillac cũng có một tâm hồn bối rối vì những tháng ngày bà bị dòng họ hắt hủi, lại thêm sự suy nhược tinh thần bởi người chồng bị bệnh của bà. Tuy nhiên, cha Vinh Sơn sớm hổ trợ bà thoát khỏi điều đó bằng cách giúp cho bà  ý thức rằng bà sẽ tìm được sự quân bình nội tâm khi hiến thân phục vụ người nghèo. Rồi từ đây bà trở thành một người cộng tác thân thiết với cha Vinh Sơn. Và cả hai trở nên bạn đồng hành trên con đường thiêng liêng cũng như trên con đường hiến thân phục vụ người nghèo. Cha Morin thật sự suy tư sâu sắc khi nói: “Thánh Vinh Sơn chắc chắn đã có kinh nghiệm hơn thánh nữ Louise về sự khó nhọc và bất công của đời sống dân nghèo mà cha đã biết đến trong suốt bốn năm; nhưng thánh nữ Louise hơn thánh Vinh Sơn ở chỗ là Ngài trải qua những nổi đau khổ và bất công của cuộc đời[13]

            Louise de Marillac đã thể hiện vai trò và khả năng của mình trong công cuộc bác ái của cha Vinh Sơn. Louise, một cộng tác viên xuất sắc, từ việc thăm viếng mục vụ đến việc hổ trợ cha Vinh Sơn trong các chương trình bác ái khác, đỉnh cao cho vai trò của Louise chính là việc thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái.

4. Marguerite Naseau, Nữ Tử Bác Ái tiên khởi.

            Chị là một tấm gương về lòng tận tụy mà cha Vinh Sơn nhận thấy nơi người thiếu nữ thôn quê này. Với một trái tim không mệt mỏi, chị đã giúp đỡ nhiều người về vật chất cũng như tri thức. Chị đáng được nhân danh là người Nữ Tử Bác Ái đầu tiên.

            Nhưng, thật đáng buồn tư liệu chúng ta có về chị Marguerite Naseau không được nhiều. Chỉ có một ít thông tin về chị nằm rải rác trong những tập tài liệu của cha Piere Coste. Chị là một cô gái quê chăn bò ở Suresnes (phía tây Paris, trên sông Seine)[14]. Tuy bản thân Chị là người thất học nhưng với tinh thần bác ái cao, đã thôi thúc chị tự học và truyền đạt ngay kiến thức vừa biết cho người khác. Phương cách giáo dục của chị thật tuyệt vời, chị mua một quyển sách đánh vần và chị xin cha xứ hay cha phó chỉ cho chị mỗi lần bốn chữ, cứ như thế chị đã học được hết bản chữ cái. Khi trông thấy người nào có vẻ biết chữ chị hỏi ngay chữ này phát âm ra sao, dần dần chị biết đọc[15].

            Cuộc gặp gỡ đầu tiên của cha Vinh Sơn với người nữ tử đầu tiền diễn ra trong lúc cha Vinh Sơn đi giảng đại phúc. Trong cuộc gặp gỡ này chị nói với cha: “Thưa cha, con đã tập đọc chữ như vậy đó. Con ước muốn dạy lại cho các thiếu nữ nông thôn khác biết chữ. cha thấy điều đó được không? – Ngài trả lời: Được chứ, con ạ. Cha khuyên con làm như thế[16]. Chị xuất hiện trong đúng vào thời điểm, cha Vinh Sơn đang có những nỗi bận tâm về cung cách phục vụ người nghèo của các mệnh phụ. Cha nhận thấy một số bệnh nhân chưa được chăm sóc tốt lắm vì các bà mệnh phụ phải lo việc nhà, với trách nhiệm làm mẹ làm vợ. Cha Vinh Sơn rất hài lòng về con người này (Marguerite Naseau), cha đã nghe nhiều về người phụ nữ này. Vì vậy cha Vinh Sơn đã nói: “Và như vậy, Thiên Chúa muốn chị sẽ là người Nữ Tử Bác Ái tiên khởi phục vụ bệnh nhân nghèo tại thành phố Paris” (Coste XI, 78). Chị được xem như người Nữ Tử đầu tiên vì chị trở mẫu gương về sự phục vụ người nghèo về sự tận tụy với tha nhân. Chị qua đời vào tháng 3 năm 1633, tám tháng trước khi chị chứng kiến Tu Hội mà chị là người tiên phong cho việc thành lập.

            Khi công việc của các mệnh phụ không mang lại kết quả như mong muốn, phải chăng cả cha Vinh Sơn, mẹ Louise de Marillac và Marguerite Naseau cùng có một ý nghĩ? Dường như ý Chúa thật nhiệm mầu khi cả ba tưởng lại gặp nhau trong cùng một điểm, để rồi từ đây đỉnh cao của cuộc gặp gỡ tư tưởng này chính là Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Dù rằng trong bối cảnh ngày 29/11/1633, Chị không có mặt để chứng kiến nhưng trên thiên quốc chị cũng sẽ vui cười vì những cố gắng của mình đã không bị quên lãng.

            Khi chúng ta điểm qua những người phụ nữ đã cộng tác với cha Vinh Sơn trong thời gian đầu của công cuộc bác ái. Thật sự vai trò của từng người trong số họ làm chúng ta phải suy nghĩ. Từ những con người được cho là phái yếu nhưng khi lòng bác ái được khơi lên đúng lúc, nó trở nên một sức mạnh tuyệt vời. Nếu bà Gondi gắn liền với biến cố Gannes và nhất là trong việc thành lập Tu Hội Truyền Giáo thì một người như cô de la Chassan lại giúp cha Vinh Sơn nhận ra sự thiếu thốn vật chất nơi con người, để từ đó ngài đi đến thành lập Hội Bác Ái. Bên cạnh đó, trong lúc Ngài cần người hỗ trợ nhân sự cho sứ mạng trong các Hội Bác Ái, Louise de Marillac xuất hiện như một cách quan phòng của Thiên Chúa. Để rồi trong lúc cả Cha Vinh Sơn và Louise Marillac đang tìm giải pháp cho vấn đề phục vụ người nghèo cách thiết thực hơn thì Marguse Nause lại xuất hiện như một khuôn mẫu cho một Tu Hội mới sẽ xuất hiện.

            Cha Vinh sơn đã nhận thấy sức mạnh nơi những người phụ nữ, khi làm nổi bật vai trò của họ trong lòng Giáo Hội. Từ việc thành lập Hội bác ái mà phần đông là các mệnh phụ đến việc thiết lập một Tu Hội nữ sống đời thánh hiến nhưng không còn trong bốn bức tường mà ra đi để phục vụ cho sứ mạng bác ái. Trong bối cảnh hiện tại vấn đề trên thật sự là một cuộc cách mạng mang tính lịch sử trong Giáo Hội.

II. Quan Điểm Của Giáo Hội Về Phụ Nữ

1. Trước Công Đồng

            Chúng ta nhận thấy ngày từ đầu Chúa Giê-su không hề khinh thường phụ nữ. Quả thật, Tin Mừng các thánh sử nói cho chúng ta biết rõ điều đó. Ngài đến với trần gian qua người nữ (Lc 1,31), Người thương thân phận bà góa thành Na-in (Lc 7,13-14) , chữa lành phụ nữa bị băng huyết (Mt 9, 22), Ngài thương xót phụ nữ ngoại tình (Ga 8,11), xem trọng tấm lòng của bà góa (Mc 12,43), khai mở đức tin cho người phụ nữ Samari (Ga 4, 25). Hơn hết người được Chúa hiện ra đầu tiên trong ngày Phục Sinh cũng là một người phụ nữ (Ga 20,16-17). Trong suốt cuộc đời của Chúa Giê-su đã có nhiều phụ nữ theo và giúp đỡ Ngài (Lc 8, 2-3). Những người đi theo ngài trên đường thập giá và dưới chân thập giá ( Lc 23, 27.49).

            Tuy nhiên, trong mức độ nào đó Giáo Hội đã bị ảnh hưởng của văn Hóa Hy Lạp, Sê-mít và La Mã. Trong cái nhìn nơi các nền văn hóa ấy vai trò người nữ bị coi thường.  Khi bị ảnh hưởng bởi các nền văn hóa trên, Giáo Hội có phần thiên lệch để giải thích một số đoạn Kinh Thánh theo lối mòn đó, chặng hạn như: dựa vào trình thuật tạo dựng thứ hai và một số đoạn trích trong thư Phaolô. Thế là, vai trò của người nữ bị giới hạn, khinh thường và bị coi nhẹ. Đáng buồn hơn, họ còn được coi như là dấu chỉ cho tội lỗi, xem họ như một công cụ sinh sản, lạc thú và phải phục tùng người nam[17]

            Vai trò của phụ nữ thật sự chỉ được nói đến vào thế kỷ XIX bên châu Mỹ, do thế giới có nhiều chuyển biến với phong trào nữ quyền. Bên cạnh đó có sự phát triển về nhân học, tâm lý học, xã hội học, buộc con người phải suy nghĩ về các quan điểm truyền thống. Trước Công Đồng Vatiacan II, cũng đã có nhiều văn kiện nói đến vai trò của người phụ nữ. Chúng ta có thể liệt kê sau:

            Thông điệp Rerum novarum (1891), Đức Lêô XIII nhấn mạnh: Có một vài công việc không phù hợp với phụ nữ. Bản chất người nữ hợp với việc làm ở nhà, vì đó là công việc thích ứng vừa bảo vệ sự đoan trang của bản thân vừa giúp cho việc nuôi dưỡng con cái và hạnh phúc gia đình (số 33). Trong thông điệp Casti connubii (ngày 31/12/1930), đức Giáo Hoàng Piô XI phân biệt giữa sự bình đẳng giữa nam và nữ và sự khác biệt giữa hai phái. Đây không phải là sự giải phóng đích thực của các phụ nữ, cũng không phải là tự do hợp lý và cao quý thuộc về người nữ và người vợ Kitô hữu. Đúng ra nó là sự hạ thấp đặc tính của nữ giới và phẩm giá của người mẹ và của tất cả gia đình, với hậu quả là người chồng mất đi người vợ, con cái mất đi người mẹ, và gia thất mất đi người canh giữ tỉnh thức…Sự bình quyền, hiện đang được đề cao và làm lệch lạc, cần phải nhìn nhận cho những quyền lợi thuộc về phẩm giá của linh hồn, và thuộc về khế ước hôn nhân, và gắn liền với gia thất. Trong lãnh vực này, hẳn là đôi bên có những quyền lợi như nhau và nghĩa vụ như nhau; trong những lãnh vực khác thì phải có một sự bất bình đẳng và thích nghi cần thiết, do thiện ích của gia đình cũng như trật tự và sự thống nhất của đời sống gia đình đòi hỏi (75f).

            Ở cuối giai đoạn tiền Công Đồng Vatican II Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nhìn nhận phụ nữ là công trình đúng đắng dành cho nhân loại. Ngài khuyến dụ: Chúng ta được hưởng sự bình đẳng tuyệt đối xét theo những giá trị cá nhân, nhưng có những chức năng bổ túc cho nhau và tương đương diệu kỳ, và từ đó nảy sinh những quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên[18]

2. Sau Công Đồng

            Từ cuộc đổi mới canh tân của Công đồng Vatican II, Giáo Hội đã thực sự biến đổi chính mình về mọi phương diện. Trong đó vai trò của phụ nữ cũng được Giáo Hội nhìn nhận và đánh giá cao. Thế kỷ XX còn được định nghĩa là thời đại của phụ nữ. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII là người đi tiên phong trong việc nhìn nhận vai trò của phụ nữ như là “dấu chỉ của thời đại[19]. Trong thông điệp Hòa bình trên thế giới ( Pacem in terris) thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã viết: “Sự kiện rõ rệt là các phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị. Điều này có lẽ được phát triển nhanh hơn tại các quốc gia Kitô giáo, nhưng cũng diễn ra rộng rãi, tuy chậm hơn tại các quốc gia thuộc những truyền thống văn hóa khác. Các phụ nữ đã tăng thêm ý thức về phẩm giá tự nhiên của họ. Không chịu an phận với vai trò thụ động hoặc bị coi như một thứ dụng cụ, họ đang đòi hỏi những quyền lợi và nghĩa vụ, trong gia đình và trong đời sống chính trị, thuộc về mình xét như là nhân vị (số 41). Công đồng Vaticanô II đã nhiều lần nói phẩm giá của người nữ, đặc biệt là trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et spes). Công đồng tuyên bố hai điều quan trọng về điều kiện xã hội của các phụ nữ: Trước hết “các phụ nữ đòi hỏi sự bình đẳng với người nam về pháp lý và thực hành” (số 9); bênh cạnh đó “các phụ nữ hiện đang hoạt động trong mọi lãnh vực của đời sống, nhưng nên để cho họ đảm nhận vai trò của mình theo bản tính của mình” (số 60).

            Sau Công Đồng nhiều vị Giáo Hoàng luôn nhấn mạnh đến vai trò của người nữ trong lòng Giáo Hội. Chúng ta thực sự ghi nhận sự đóng góp cho vấn đề này của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Đức Gioan Phaolo II, Đức Bê-nê-đíc-tô XVI. Một trong những biến cố mang tính lịch sử là việc Thánh Giáo Hoàng Phaolo VI tôn phong hai phụ nữ làm Tiến Sĩ Hội Thánh (thánh Têresa Avila và thánh Catarina Siena) vào năm 1970. Mặt khác, năm 1973, Ngài thiết lập Ủy ban nghiên cứu về phụ nữ trong xã hội và trong Giáo hội. Đặc biệt phải nhìn nhận công lao to lớn của Đức Gioan Phaolo II, với Tông thư Phẩm Giá Người Phụ Nữ (Mulieris Dignitatem) được ghi nhận như là văn kiện của Giáo Hoàng lần đầu tiên trong lịch sử đề cập trực tiếp đến các phụ nữ. Trong Thông điệp này Ngài nhấn mạnh đến “đoàn sủng nữ tính”[20] để có thể giúp phụ nữ có một khung trời riêng để họ thỏa sức sáng tạo theo ý hướng của họ. Trong thư gởi các phụ nữ thế giới Ngài viết: “Tôi muốn tỏ lòng cảm ơn cách riêng đối với những người nữ dấn thân trong các lãnh vực rất khác biệt của việc giáo dục bên ngoài gia đình: vườn trẻ, trường học, đại học, những phục vụ xã hội, những giáo xứ, những hội họp và những phong trào”[21].

            Phải chăng sau Công Đồng Giáo Hội đã nhận thức được vai trò đích thực của người nữ trong lòng Giáo Hội. Chính  Đức Giáo Hoàng đương nhiệm đã nói: “Chúng ta đừng giản lược sự dấn thân của người nữ, nhưng phải thúc đẩy vai trò tích cực của họ trong cộng đoàn Giáo Hội. Nếu Giáo Hội mất đi những người nữ, thì trong chiều kích tổng thể và thực tế, Giáo Hội sẽ gặp nguy cơ trở nên cằn cỗi”[22]. Và dường như Đức Phanxicô đã nhìn thấy những hiện trạng coi khinh phụ nữ trong lòng Giáo Hội vẫn còn đâu đó. Nên trong bài phỏng vấn với Cha Fernando Prado Ayuso linh mục dòng Thừa sai Con Cái Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria Ngài nói mạnh: “Rất tiếc, trong cách nghĩ thông thường, người ta xem các chừng đã đánh giá các nữ tu một cách bất công, như thể là loại hai và đôi khi người ta đã xử sự với các nữ tu giống như nô lệ. Chẳn hạn, khi tôi thấy có những giáo sĩ có hai hay ba nữ tu phục vụ mình..”[23].

            Giáo Hội đã có những bước đổi mới thật sự, phải chăng đây là sự trở về nguồn đích thực của mình? Như đã trình bày ở trên Chúa không muốn bỏ quên một nhân vị nào. Nếu xét trên bình diện hữu thể học và nhân học, người nữ cũng cần được tôn trọng như bản chất của họ phải có. Khi suy gẫm về những điều đã trải qua trong dòng lịch sử cứu độ, chúng ta có thể tái khám phá ra vai trò của họ trong lòng Giáo Hội. Lẽ nào họ đang là những nhân vị bị bỏ quên?.

III. Nhận Định và Suy Tư

            Thánh Vinh Sơn đã làm một cuộc cách mạng trong hoạt động bác ái của Ngài khi đưa vai trò của người nữ vào trong các công trình của Ngài. Thánh Vinh Sơn đã có một tiên kiến đúng đắn khi chọn những con người xem ra không đáng kể, không không trước mặt người đời để qua sự dẫn dắt của Chúa Quan Phòng, Ngài đã thành công trong các công cuộc bác ái của mình. Bởi lẽ, họ cũng được đồng chủ thể với nam giới nhưng lại bị coi là đối tượng của khoái lạc[24]

            Khi điểm qua các giai đoạn của Giáo Hội ta nhận thấy Thánh Vinh Sơn thật sự đã đi bước trước khi nhìn nhận những đóng góp của phụ nữ trong công cuộc bác ái. Chúa Giê-su đã chẳng coi thường nữ giới trong khi thi hành nhiệm vụ của mình ở trần gian. Giáo Hội tiếp nối chương trình đó nhưng vì bị tác động từ hoàn cảnh làm cho Giáo Hội quên điều đó. Thánh Vinh Sơn, người môn đệ của Chúa Giê-su lẽ nào Ngài lại không đi theo con đường Người Thầy Chí Thánh của mình.

            Tôi nghĩ nếu những người phụ nữ như Magarita de Silly, De La Chassaigne, Louise de Marillac hay Magruerite Naseau không xuất hiện đúng lúc thì không hiểu công cuộc bác ái của Cha Vinh Sơn sẽ thế nào?  Có lẽ Chúa Quan Phòng sẽ tiên liệu cách khác để giúp cha Vinh Sơn, nếu nó là một công trình xuất phát từ Thiên Chúa. Thế nhưng, một sự thật chúng ta không thể bỏ qua chính là trong những người phụ nữ đã đầu tiên đã cộng tác với cha Vinh Sơn, họ đã thể hiện vai trò của mình trong công cuộc bác ái. Có thể nói hai biến cố lớn và quan trọng nhất làm thay đổi cuộc đời của cha Vinh Sơn là Gannes- Folleville và Châtillon đều có sự cộng tác của những người phụ nữ.

            Sự thật hiển nhiên, chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp của những người phụ nữ này trong qua trình thành lập Hội Bác Ái, Tu Hội Truyền Giáo và Nữ Tử Bác Ái. Họ là những tác nhân quan trọng, mỗi một biến cố của cha Vinh Sơn lại thấy xuất hiện bóng dáng của những người nữ. Cha Vinh Sơn đã họa lại chân dung của Người Thầy Chí Thánh của mình không chỉ trên lãnh vực bác ái truyền giáo nhưng nhìn nhận con người trên nền tảng hữu thể học.

            Cái nhìn đi trước của Thánh Vinh Sơn về những đóng góp của người phụ nữ làm mọi người chúng ta phải suy nghĩ. Vì chưng, điều gì đối với con người là thể không đáng thì Chúa đã dùng nó để biểu lộ quyền năng của Ngài. Chúng ta hãy nghiệm lại rồi sẽ thấy đa phần các mạc khải, người nữ thường ưu tiên được Chúa chọn; là Maria Madalêna chứ không phải Phê-rô hay Gioan, một Faustina Kowalska mà không là một thần học gia lỗi lạc nào khác… Tôi thiết nghĩ cha Vinh Sơn cũng không ngờ mình sẽ khai sinh ra tổ chức, và các tổ chức này phần đa là phụ nữ. Qua tất cả những gì tôi đã trình bày, tôi hy vọng mọi chúng ta cùng suy nghĩ xem ai là Magruerite Naseau hay Magarita de Silly trong đời chúng ta?


[1] Các Bạn đồng hành của Thánh Vinh Sơn Phaolô, tr 59.

[2] Bernard Puju, Vinh Sơn Người Tiên Phong, tr 57.

[3] Bernard Puju, Vinh Sơn Người Tiên Phong, tr 69

[4] sđd tr 79.

[5] Hai tháng sau ký bản hợp đồng, ngày 23/6/1625 bà Gondi ( Marguerite de Silly) qua đời.

[6] Các Bạn đồng hành của Thánh Vinh Sơn Phaolô, tr 61

[7] Cha Vinh Sơn nhớ đến câu chuyện bà kể, khi bà đi xưng tội và phát hiện giải tội không thuộc công thức giải tội.

[8] Các Bạn đồng hành của Thánh Vinh Sơn Phaolô, tr 58.

[9] Cha R. Maloney, Kỷ niệm 400 năm đoàn sủng Vinh Sơn (bản dịch, GB Cha Nguyễn Quốc Thư, Những bông hoa lượm trên đường tr 30)

[10] Theo Cha Rolando Gutiérrez (bản dịch, GB Cha Nguyễn Quốc Thư, Những bông hoa lượm trên đường tr 20)

[11] Các Bạn đồng hành của Thánh Vinh Sơn Phaolô , tr 75

[12] Quy Chế Tu Hội Truyền Giáo Chương I, số 7, thư của Cha Tổng quyền gởi nhân dịp lễ Thánh Vinh Sơn Phaolo 2017.

[13] Cha Jean Morin, CM, Tuyển tập Vinh Sơn II [ Nguyễn Trọng Đa dịch], trang 23.

[14] Bernard Puju, Vinh Sơn Người Tiên Phong, trang, 116.

[15] Cha Jean Morin, CM, Tuyển tập Vinh Sơn II [ Nguyễn Trọng Đa dịch], trang 55.

[16] Sđd, trang 64.

[17] Marcello De Carvalho Azevedo, Tu Sĩ Ơn Gọi Sứ Mạng [ Cha Carolo Hồ Bặc Xái chyển ngữ ], trang 149.

[18] ĐGH Piô XII, Diễn từ về “Phẩm giá phụ nữ” (ngày 14/10/1956).

[19] Thánh GH Gioan XXIII, Thông điệp hòa bình trên thế giới (pacem in terris), số 22.

[20] Thánh GH Gioan Phaolo II, Tông thư Phẩm Giá Phụ nữ (Mulieris dignitatem), số 66.

[21] Thư của Thánh GH Gioan Phaolo II gởi Phụ nữ toàn thế giới, Ngày 29/06/1995 nhân dịp Năm Quốc Tế Người Nữ, số 9.

[22] Đức Giáo Hoàng Phanxico, Diễn từ nhân dịp găp gỡ các giám mục Brazin, Rio de Janerio, 27.7.2013.

[23] Đức Gh Phanxico, Sức Mạnh của Ơn Gọi, trò chuyện với Fenado Prado, trang 119-120.

[24] Thánh GH Gioan Phaolo II, Tông thư Phẩm Giá Phụ nữ (Mulieris dignitatem), số 66.