Frances Ryan, Ntba
Mặc dù Đức Piô XI không chiếm được cảm tình của giới phụ nữ với lời nhận xét của ngài trong Thánh lễ Phong chân phước cho chị Catherine Labouré vào năm 1933, nhưng ngài chiếm được cảm tình trong đề tài chính về đời sống của chân phước Laboure khi ngài nói: “nghĩ về việc một người phụ nữ giữ bí mật suốt 46 năm ròng rã.”[1] Việc chị Catherine Labouré giữ bí mật của mình trong 46 năm đã tạo nên một ý nghĩa huyền nhiệm, không những trong những suy tư về đời sống mà còn cả trong suốt cuộc đời của chị nữa. Sự thầm kín của chị đã thu hút những người đương thời. Người ta đã đưa ra vô số phỏng đoán, vô số điều kinh ngạc về người nữ tu được diện kiến các lần Đức Mẹ hiện ra. Có điều gì đó huyền bí về một người đang sống bên cạnh, có thể ngay trong cùng một ngôi nhà, về một tâm hồn đã được Đức Trinh Nữ sủng ái truyền phổ biến Ảnh Phép Lạ cho thế giới.[2] Sơ Rosalie Rendu là một trong các Nữ tử Bác ái thường ghé qua Nhà Mẹ vì lòng sùng kính đối với Ảnh Phép Lạ.
Chính sự cô tịch của chị Catherine đã thu hút sự chú ý của Đức Hồng y Masella, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh vào năm 1895. Chính ngài đã xúc tiến tiến trình phong Chân phước của chị.[3] Điều này xảy ra khi cha Antoine Fiat, CM, Bề trên Tổng quyền Tu hội Truyền giáo và Nữ tử Bác ái, đã thỉnh cầu việc cử hành “các lễ tạ ơn” nhưng không hề đề cập gì tới Ảnh Phép Lạ. Đức Hồng y Masella đã thông qua thỉnh cầu này nhưng ban cho cha Tổng quyền một Kinh Ngắn Về Ảnh Phép Lạ bao gồm các bài đọc, liên quan đến các cuộc hiện ra. Ngày 27 tháng 11 năm 1894 là ngày cử hành Thánh lễ Ảnh Phép Lạ. Đức Hồng y đã viết cho cha Fiat rằng: “Ngài cảm thấy bị xúc phạm bởi sự khiêm tốn quá mức của các cha Vinh Sơn. Tôi lớn tiếng phê bình họ. Cha định đến bao giờ mới đệ đơn thỉnh cầu xin phong thánh? Chị là một nữ tu nổi tiếng thánh thiện! Nếu cha không làm điều đó thì tôi sẽ làm”.[4]
Dirvin xác nhận rằng nếu không có sự cô tịch này, người ta có thể đã đặt nghi vấn về đời sống thánh thiện của chị Catherine.[5] Một cách tự nhiên, chị tỏ ra là một người hướng nội, trầm lặng. Lệnh truyền của Đức Nữ Trinh đã đặt chị vào một vị thế không cho phép duy trì sự kín đáo và bí mật, và điều này vượt quá bản chất con người của chị. Ngay cả ở Fain le Moutiers, Catherine cũng đã giấu giếm thời gian chị ở lại trang trại. Tonine, chị gái của chị, đã nhận xét rằng Catherine đã trở thành một “nhà thần bí” kể từ ngày được rước lễ lần đầu.[6] Chị dành tình yêu cho ngôi nhà thờ ở Fain Ie Moutiers, gần với trang trại của gia đình Labouré. Do cuộc cách mạng Pháp năm 1789, ngôi nhà thờ này không có linh mục và dân làng phải lệ thuộc vào các linh mục lưu động. Trong số các linh mục này, cha Jean là người đã chỉ cho Catherine thấy sự túng thiếu của những người dân quê nghèo quanh vùng Fain Ie Moutiers.[7] Gia đình Labouré đã chi trả mọi phí tổn trong ngôi nhà thờ này và do đó, nhà thờ này được gọi là Nguyện đường Labouré.[8] Chị chăm nom ngôi nhà thờ cũng như gìn giữ khăn thánh. Khi còn nhỏ, Catherine là người trầm lặng đến kinh ngạc. Chị thích chăm nom ngôi nhà thờ và thăm viếng “những người dân quê nghèo” vùng Fain Ie Moutiers.[9] Từ khi còn thơ bé, chị đã là người trầm tính và có vẻ thích sự kín đáo, thường tỏ ra quý trọng những khoảnh khắc cô tịch.
Trong bản trình thuật của mình về cuộc đời chị Catherine, cả Laurentin lẫn Dirvin đều giả thuyết rằng Đức Nữ Trinh đã che chở chị khỏi đau khổ khi chị phải ở vào vị trí được mọi người chú ý do các cuộc hiện ra: “Mặc dù chúng ta không có bằng chứng nào từ cha Aladel cho thấy Đức Nữ Trinh buộc người nữ tu này phải thinh lặng, nhưng chúng ta có thể quả quyết một cách chắc chắn từ chính chị Catherine vào những tháng cuối đời của chị. Khi biết mình đã mất đi vị linh mục giải tội vào năm 1876, chị đã nói với sơ Jeanne Dufés, một Nữ tử Bác ái, Bề trên của chị: “Vì con không còn sống được bao lâu nữa, con thấy rằng thời điểm nói ra đã tới. Nhưng vì Đức Nữ Trinh Diễm Phúc đã bảo con chỉ được nói với cha giải tội mà thôi, nên con sẽ không nói gì với Mẹ cho đến khi con nhận được sự cho phép của Đức Nữ Trinh trong lúc cầu nguyện.”[10]
Trớ trêu thay, sự cô đơn của Catherine cũng như nỗi đau đớn lớn nhất của chị, đó là những lời từ chối gượng gạo và liên tục từ phía cha Jean Marie Aladel, C.M, sơ Dufés và cha Jules Chinchon, C.M, trong việc thực thi những lệnh truyền mà Đức Nữ Trinh đặt ra thông qua chị. Catherine đã phải đợi chờ hai năm để người ta đúc ra mẫu ảnh dưới sự can thiệp của cha Aladel và bốn mươi năm để Bức tượng Đức Nữ Trinh với quả cầu (Virgo Potens) được làm ra.[11] Cha Coste chỉ ra rằng vì Bức tượng Virgo Potens không được đúc như đã làm với Ảnh Phép Lạ nên đã nảy sinh một cuộc đấu tranh nội tâm nơi chị Catherine. Chị đã phục vụ những người già và người đau yếu tại Reuilly, nhưng chị muốn đem đến cho thế giới bức tượng Virgo Potens. Cha Coste tuyên dương sự khiêm nhường của chị trong việc “chờ đợi sự việc xảy đến” như là một bài học cho các Nữ tử Bác ái khác.[12] Tuy vậy, việc đúc Ảnh Phép Lạ cũng như Bức tượng Virgo Potens có giá trị của nó vì sự thầm lặng của chị Catherine.
Các cuộc hiện ra và Ảnh Phép Lạ
Các cuộc hiện ra kéo dài từ tháng Tư đến tháng Mười năm 1830.[13] Trong một lần hiện ra, Đức Nữ Trinh bảo chị Catherine: “Khi Nội Quy này được tuân thủ cách chặt chẽ một lần nữa thì sẽ có một Hiệp hội đến hợp lực với Tu hội của con. Đây không phải là bình thường, nhưng ta yêu mến Hiệp hội này. Hãy nói người ta đón nhận nó. Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho Hiệp hội này và nó sẽ được hưởng sự bình an lớn lao.”[14] Vào thời điểm này, Mẹ Seton đã đề nghị các Nữ tu Bác ái ở Emmitsburg, Maryland, sáp nhập với Tu hội Nữ tử Bác ái ở Paris, mặc dù sự hợp nhất này đã không được chính thức hoá cho đến năm 1850. Tuy nhiên, yêu cầu của Đức Mẹ Diễm Phúc đối với thánh Catherine Labouré đã được công nhận. Một điều thú vị khác đó là Catherine Labouré là “vị thánh đầu tiên của thời hiện đại được diễm phúc diện kiến Đức Kitô Vua”, vào Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, ngày 6 tháng Sáu năm 1830.[15] Thị kiến này dường như có liên hệ đến những biến đổi trong thời kỳ cách mạng Pháp 1830 của các thể chế quân chủ đã được thiết lập trước đó, tuy nhiên thị kiến ấy cũng biểu lộ một cách mãnh liệt lòng sùng kính đối với Đức Kitô Vua.[16] “Chúa chúng ta đã xuất hiện với tấm áo choàng của Đức Vua, một cây thánh giá trước ngực, trong suốt thời gian đọc bài Tin Mừng của thánh lễ. Đột nhiên, những phẩm phục vương đế trên mình Người rơi xuống đất, ngay cả cây thánh giá cũng đổ nhào xuống dưới chân Người. Tức thì mọi suy nghĩ và tâm hồn chị chùng xuống. Chị hiểu rõ rằng sự thay đổi chính thể cũng liên hệ đến bản thân Đức Vua và cũng giống như Đức Kitô đã bị tước bỏ phẩm phục vương đế, Vua Charles X cũng sẽ bị tước khỏi ngai vàng.”[17]
Thị kiến về Ảnh Phép Lạ ngày 27 tháng 11 năm 1830[18]
Năm Catherine được 24 tuổi, chị đã giải bày với cha Aladel yêu cầu của Đức Mẹ Diễm Phúc. Tháng Giêng năm 1831 chị được sai đến Reuilly, đã vài tháng trôi qua nhưng mẫu ảnh vẫn chưa được làm. Đức Nữ Trinh đã gửi một thông điệp đến cha Aladel: “Một ngày kia cha Aladel sẽ làm những gì Mẹ mong muốn. Ngài là bề tôi trung thành của Mẹ và ngài sẽ ngại làm phiền lòng Mẹ.”[19]
Dirvin cho rằng nhiệm vụ của cha Aladel đã được thực hiện với mức khó khăn gấp đôi bởi Catherine cứ khăng khăng đòi giữ bí mật danh tính của mình. Một mình cha phải chịu trách nhiệm thực thi nhiệm vụ bởi vì cha không thể đưa chứng từ của chị cho toà án Giáo Hội. Cha Aladel đã phải một mình phân định dựa vào tính cách và sự đáng tin của Catherine.[20] “Trong cuộc thẩm tra chính thức tại Paris vào năm 1836 về nguồn gốc bức ảnh, cha Aladel xác nhận rằng ngay từ lần đầu khi Catherine kể cho ngài về cuộc hiện ra liên quan đến Ảnh Phép Lạ, chị đã ép cha phải hứa không bao giờ tiết lộ danh tánh hay diện mạo của chị dù dưới bất kỳ hình thức nào. Không nghi ngờ gì một lời hứa như thế đã được thực hiện bởi bởi vì lúc đầu, vị linh mục này đã không hề tin vào các thị kiến của chị. Catherine đã buộc ngài phải giữ điều đó.”[21]
Hai năm sau, cha Aladel đã đi gặp Đức Tổng Giám mục Paris và 2000 mẫu ảnh đầu tiên đã được làm ra.
Bức tượng Virgo Potens
Cha Aladel dường như khá hài lòng vì những Mẫu Ảnh Phép Lạ đã mang lại lòng sùng mộ lớn lao dành cho Đức Mẹ Diễm Phúc. Vào năm 1841, Catherine đã cố nói với ngài về bức tượng, thậm chí chị còn đưa cả một bức hoạ về cuộc hiện ra, tuy nhiên, vào thời điểm đó, sự việc đã không được thực hiện. “Trong suốt 10 năm, con cảm thấy bắt buộc phải nói với cha thu xếp dựng một bàn thờ kính Đức Trinh Nữ Diễm Phúc ở ngay chỗ Người đã hiện ra. Mọi ơn huệ sẽ được trao ban. Hãy xin, hãy cầu xin; mọi điều cha xin sẽ được trao ban.”[22] Trớ trêu thay, vào năm 1840, Đức Nữ Trinh đã hiện ra với sơ Justine Bisqueyburu và ban cho sơ Áo Đức Bà màu xanh lá cây; vào năm 1846, Người lại hiện ra với một Nữ tử Bác ái khác, sơ Appolline, và truyền sùng kính cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, đồng thời ban cho sơ này Áo Đức Bà màu đỏ.[23] Cha Aladel đã là dụng cụ trong việc phổ cập lòng sùng kính Áo Đức Bà màu xanh cũng như màu đỏ trong Giáo Hội để tôn vinh Đức Maria Diễm Phúc. Còn bức tượng Virgo Potens thì bị hoãn lại.
Vào năm 1860, sơ Jeanne Dufès đã đến Enghien đảm nhận vai trò Chị Phục Vụ.[24] Sơ này là nguồn gốc cho những thử thách và đau khổ của Catherine. “Sơ Dufès là minh chứng về chiếc bánh xe hoàn hảo mà trên đó có mọi vết tích cuối cùng của lòng ích kỷ và tự ý nơi Catherine, và những vết tích này vẫn còn mãi cho đến khi mục tiêu bị nghiền nát. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, hai người phụ nữ này đã tự nhiên nhận thấy mối ác cảm về nhau. Căn nguyên của điều này là trong thực tế, họ rất giống nhau. Cả hai đều là những người phụ nữ thực tiễn, thành thạo và nóng nảy.”[25] Catherine có thể lấy lại bình tĩnh nhanh hơn sơ Dufès. Chính sơ Dufès cũng thừa nhận điều này khi nói: “Chị ấy rất nóng tính hay rất dễ nổi nóng, giống như sữa-súp vậy. Tôi không biết làm cách nào mà chị có thể trong chốc lại lấy lại được bình tĩnh hoàn toàn như vậy.”[26]
Cha Aladel đã qua đời vào năm 1865. Catherine đã phải đợi mãi đến năm 1876, năm mà chị qua đời, để đến xin sơ Dufès cho phép gặp cha giải tội của chị, cha Chinchon. Một trong số các Nữ tử Bác ái ở Reuilly đã chứng nhận rằng: “Khoảng giữa năm 1864 và 1873, đôi khi cha Chinchon đã công khai sỉ nhục sơ Catherine. Ngài đã bảo sơ hãy từ bỏ ước muốn biến những giấc mơ của sơ thành hiện thực cũng như thôi giễu cợt toàn thể cộng đoàn. Sơ Catherine vẫn giữ khiêm tốn, thầm lặng, trong vị trí của mình mà không kêu ca cũng không hề tỏ ra bất mãn. Đó là điều đáng lưu ý. Có phải cha Chinchon đang nói về các cuộc hiện ra không?”[27]
Có vẻ như với sức khoẻ đang suy sụp, thời gian đã trở nên quý báu đối với Catherine, và một lần nữa, chị có thể rời sự cô tịch của mình và cố gắng thực hiện bức tượng Virgo Potens. Cha Chinchon đã được giảm bớt nhiệm vụ làm cha giải tội ở Reuilly để làm việc với các sinh viên và tập sinh. Sơ Dufès đã từ chối thỉnh cầu của Catherine và nói với chị rằng sơ nghi ngờ chị là người nhận tiền từ việc làm Mẫu Ảnh Phép Lạ. Khi đó, chị Catherine đã cầu nguyện với Đức Mẹ Diễm Phúc và sau đó tiết lộ với sơ Dufès những việc cần làm đối với bức tượng Virgo Potens. Sau khi tham khảo ý kiến của các Bề trên cấp cao, sơ Dufès đã cho đúc bức tượng, tuy nhiên, Catherine đã thất vọng về bức tượng đó. Bốn năm sau khi chị qua đời, cha Fiat, Tân Bề trên Tổng quyền, đã cho làm một bức lớn hơn bức tượng mà sơ Dufès đã đúc. “Cha đặt bức tượng ấy trên bàn thờ được dựng ngay chỗ chị Catherine đã chỉ.”[28]
Như vậy, một cách nghịch lý, sứ mạng mà Đức Mẹ Diễm Phúc trao cho chị Catherine đã khiến chị phải rời khỏi sự cô tịch vốn nuôi dưỡng đời sống khổ hạnh của chị, vào những thời điểm gay cấn trong cuộc đời chị, để đem lại lòng sùng kính Đức Maria cho Giáo Hội.
[1] Joseph Dirvin,C.M., St. Catherine Laboure of the Miraculous Medal (New York: Farrar, Straus and Cudahy, 1958) 104.
[2] Sđd.
[3] Sđd.
[4] Rene Laurentin, Vie de Catherine Labour” (Paris: Desclee de Brouwer, 1980); English translation by Paul Inwood: (London: Collins Co. 1983),254.
[5] Dirvin, St. Catherine, 105.
[6] Laurentin, Vie, 35
[7] Josepha Wimbey, D.C., Little Catherine of the Miraculous Medal (New York: Benziger Bros.: 1937), 58
[8] Laurentin, Vie, 33
[9] Wimbey, Little Catherine, 60.
[10] Dirvin, St. Catherine, 106.
[11] Laurentin, Vie, 280.
[12] Pierre Coste, Les Filles de la Charitl! (Paris: Descles de Brouwer, 1933), 70.
[13] Laurentin, Vie, 66.
[14] Sđd.. 75.
[15] Dirvin, St. Catherine, 77.
[16] Sđd.
[17] Sđd, 75.
[18] Laurentin, Vie, 79.
[19] Wimbey, Little Catherine, 123.
[20] Dirvin, St. Catherine, 104.
[21] Sđd, 105.
[22] Sđd, 160.
[23] Sđd, 164-165
[24] Laurentin, Vie, 139
[25] Dirvin, St. Catherine, 189,190.
[26] Sđd.
[27] Laurentin, Vie, 210
[28] Sđd, 216.