Sự nhấn mạnh vào thẩm quyền của Giáo Hội cần thiết cho sự trưởng thành

0
1145

Jeffrey A. Mirus

Bất cứ khi nào tôi thấy mình không hạnh phúc; mỗi khi sự khuấy động dâng trào trong tâm hồn tôi; bất cứ khi nào tôi thấy mình vô tình dừng lại trước những nhà tang lễ, và đi đến chặng cuối mỗi đám tang tôi gặp; và đặc biệt là bất cứ khi nào sự thất vọng của tôi chiếm ưu thế hơn, đến mức nó đòi hỏi một nguyên tắc luân lý mạnh mẽ để ngăn tôi cố tình bước ra đường, và gây khó dễ cho mọi người một cách có hệ thống — khi đó, tôi cho đó là giờ cao điểm để sử dụng bộ xử lý văn bản của mình sớm nhất có thể. Đây là điều thay thế của tôi cho sự buồn chán.

Những câu trên đây (gần như) là những dòng mở đầu của tiểu thuyết Moby Dick của Herman Melville, đoạn văn gần như mô phỏng rõ ràng theo “Hãy gọi tôi là Ishmael”. Sự khác biệt duy nhất là Melville viết về việc làm khó dễ người xung quanh và ra khơi chứ không phải nói đến bút mực của ông. Đoạn văn ấy diễn tả tâm trạng của tôi một cách độc đáo khi tôi suy ngẫm về lập trường của Hội đồng Giám mục Đức — cùng với rất nhiều Hội đồng khác — về việc Rước lễ đối với những bạn đời theo Tin Lành của người Công giáo. Điều này liên quan chặt chẽ với phong trào không ngăn cản việc rước lễ đối với những người vẫn tiếp tục những cuộc hôn nhân vô hiệu.

Đây là một vấn đề gây tranh cãi sôi nổi ngay cả ở Đức, và nó sẽ sớm được thảo luận bởi tất cả các bên tham gia ở Roma. Hai tác giả đã trình bày điều ấy lên trang CatholicCulture.org tuần này: Phil Lawler hỏi, “Có phải các Giám mục Công giáo Đức đang cố gắng xuất khẩu khuôn mẫu thất bại của họ không?” Và một tác giả mới, cha Timothy Vaverek, đưa ra một phản bác tuyệt vời về cái gọi là “Khuôn mẫu mới” cho việc chăm sóc mục vụ được chào mời bởi rất nhiều nhà thần học và thậm chí cả các giám mục ở châu Âu và Hoa Kì (xem “Khuôn mẫu mới”: Những Lỗi Lầm cũ, Chiến thuật Tương Tự ” – The ‘New Paradigm’: Old Errors, Same Tactics)

Về phần mình, tôi chăm chú đọc và suy tư để có thể hỏi một cách đầy ngờ vực: “Các ngài đang nghĩ gì vậy?” Thực hành mới này nhằm hợp lý hóa cả tội lỗi và việc không chấp nhận quyền bính thiêng liêng của Giáo hội là một bản án tử đối với các linh hồn, vì đó là bản án tử cho sứ vụ của Chúa Kitô.

Bối cảnh giáo lý và pháp lý

Tuy nhiên, trước khi xem xét những hậu quả này, sẽ thật hữu ích khi nhắc mọi người về cách tiếp cận đã có từ lâu đời của Giáo hội Công giáo đối với vấn đề này trong quá khứ. Chúng ta phải bắt đầu với thánh Phaolô, với bản văn có lẽ được linh hứng sớm nhất trong Tân Ước, ngài đã lên án thái độ tuỳ tiện hoặc thiếu thận trọng đối với việc rước lễ:

Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh này và uống chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. (1 Cr 11,27-29)

Khuôn mẫu tông truyền này là nguồn gốc các điều khoản truyền thống của Giáo luật, mà ít nhất, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nghĩ là không thể thay đổi được vì nguồn gốc Kinh Thánh mạnh mẽ của chúng. Xin lưu ý rằng ngay cả Đức Thánh Cha Phanxicô cũng không dám thay đổi chúng cách chính thức.

Điều 915: Với những người đã bị vạ tuyệt thông hoặc bị huyền chức sau khi áp đặt hoặc tuyên bố hình phạt và những người khác cố chấp kiên trì phạm tội trọng hiển nhiên thì không được phép rước lễ. 

Điều 916: Một người ý thức về tội trọng khi không xưng tội trước đó thì không được cử hành thánh lễ hoặc rước Mình Thánh Chúa, trừ khi có lý do nghiêm trọng và không có cơ hội để xưng tội; trong trường hợp này, người đó phải nhớ bổn phận của mình bằng việc thực hiện một hành động ăn năn cách trọn và quyết tâm xưng tội càng sớm càng tốt.

Do đó, chúng ta có thể thấy rằng cả Kinh thánh và thẩm quyền của Giáo hội đều nêu bật ba trở ngại to lớn đối với điều mà chúng ta có thể gọi là không bị ngăn trở để rước lễ:

Thứ nhất, việc rước lễ mà không “phân biệt được thân thể Chúa” là phạm sự thánh, như thánh Phaolô đã nói. Nhưng những người Tin Lành, mặc dù họ có thể đã được rửa tội, nhưng họ không phân biệt được thân thể Chúa. Nếu họ đã nhận thức rõ, họ sẽ gia nhập Giáo hội Công giáo. Đối với tất cả các giáo phái Tin Lành không chỉ phủ nhận chức linh mục mà nhờ đó Thánh Thể được tạo nên mà họ còn cho rằng Bí tích Thánh Thể là một cái gì đó thấp hơn Mình và Máu thật của Chúa Kitô. Chỉ có ít trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, họ xem Bí tích Thánh Thể đơn thuần như là một biểu tượng, mặc dù người theo phái Luther có xu hướng thấy trong đó ít nhất là một sự tràn đầy ân sủng. Nhưng thánh Phaolô nói rằng rước lễ mà không phân biệt được thân thể Chúa là một tội phạm thánh nghiêm trọng đến mức nó tương đương với việc với việc ăn và uống “án phạt” vào chính người đó. Một bản dịch khác sử dụng từ “sự kết án”.

Thứ hai, đối với người Công giáo, nếu có một quyết định bất lợi từ Giáo hội hoặc có ý thức về tội trọng (theo cách hiểu của Giáo hội), thì phải xin lãnh nhận bí tích Giao Hoà trước khi rước lễ. Rõ ràng, việc xá giải là điều phải có và phải được trao ban. Nhưng trong một số trường hợp, việc tha tội là điều không thể nếu không có sự điều tra chính thức của Giáo hội, và luôn luôn là điều không thể nếu không có mục đích sửa đổi chắc chắn. Cả hai điều kiện đều áp dụng cho những người Công giáo đã kết hôn vô hiệu, những người từ chối sống tách biệt hoặc sống chung như anh chị em.

Thứ ba, như một nguyên tắc chung, tính lôgic đòi hỏi rằng bất cứ ai từ chối quyền bính và hiệu quả của hệ thống Bí tích Công giáo đều không có quyền lãnh nhận các bí tích. Ước muốn nhận lãnh sẽ là điều đáng nghi ngờ, vì động cơ không thể xuất phát từ đức tin mà là từ một mục đích trần thế nào đó, chẳng hạn như hòa nhập cảm xúc hoặc tệ hơn là sự bào chữa không chính đáng. Chắc chắn điều này áp dụng cho tất cả những ai vẫn cố chấp trong các cuộc hôn nhân vô hiệu (từ chối pháp lý Bí tích của Giáo hội) và cho tất cả những ai tìm cách Rước lễ của Công giáo trong khi từ chối trở thành người Công giáo (rõ ràng là không bị lay chuyển bởi viễn cảnh gặp gỡ Chúa chúng ta một cách trực tiếp và trọn vẹn nhất qua đời sống Bí tích của Giáo hội).

Sự Khôn Ngoan

Nhưng điều khiến các ngón tay tôi dán chặt vào các phím, một cách chắc chắn giống như Ishmael và Aháp đã xác định vị trí tàu của họ với con cá voi trắng, không phải là sự nhầm lẫn về logic bên trong hay những yêu cầu bên ngoài của đời sống Bí tích mà là nỗ lực không ngừng của quá nhiều nhà lãnh đạo Công giáo mở rộng Giáo hội bằng cách làm suy yếu chính căn tính của mình. Ngược lại, Chúa chúng ta từ chối giải thích rộng ra những lời dạy của Ngài, để giúp đỡ thêm người ta vượt qua chúng, cho dù có bao nhiêu người từ chối quyền bính của Ngài. Đọc lại Gioan chương 6, nơi Ngài tranh luận về điều mà đám đông coi là “những lời chói tai” của Ngài.

Không thể tránh khỏi việc luôn có một phán quyết được đưa ra trong việc điều hành Giáo hội liên quan đến điều mà chúng ta có thể gọi là cái giá phải trả để trở thành và duy trì vị thế là một người Công giáo tốt. Chúng ta biết rằng Giáo hội được cấu thành bởi những tội nhân. Vì mục đích của Giáo hội là dần dần kết hợp các thành viên của mình gần gũi hơn với Chúa Giêsu Kitô, nên khó có thể khác được. Nhưng mục đích này chỉ có thể thành công với những ai tin tưởng, và có sự khác biệt rất lớn giữa một mặt là tội nhân và mặt khác từ chối chấp nhận phương thức chữa trị tội lỗi — cụ thể là, việc Giáo hội giải thích về mạc khải siêu nhiên, phân biệt giữa sự thật và giả dối, và nhờ đó Giáo hội làm cho Chúa Kitô hiện diện qua các bí tích của Giáo hội để cứu rỗi các linh hồn.

Điều ngớ ngẩn tột đỉnh ở đây chính giả định phiến diện cho rằng Giáo hội có thể cứu được nhiều linh hồn hơn bằng cách bao gồm những người từ chối quyền bính thiêng liêng của mình so với việc nhấn mạnh sự chấp nhận thẩm quyền của Giáo Hội bởi những tội nhân mà Giáo hội mong muốn ôm ấp. Vì chỉ qua sự kiên quyết như vậy, Giáo hội mới có thể thành công trong việc rao giảng Phúc âm — là những giáo huấn của Chúa Kitô vốn rất rõ ràng và làm thay đổi cuộc sống. Giả thiết khôn ngoan phải là sự nhấn mạnh như vậy mới là hướng đi phù hợp hơn trong thời đại hôm nay.

Một lần nữa, chúng ta có ba bằng chứng rõ ràng về tính đúng đắn của kết luận này. Đầu tiên, tiến trình này được chứng thực nhiều lần bởi chính Chúa Giêsu. Ví dụ:

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21)

“Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội thánh. Nếu Hội thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 18,17)

“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” (Lc 10,16)

Thứ hai, việc khước từ đón nhận hoặc từ chối thẩm quyền của Giáo hội hoặc tội lỗi mà không chấp nhận ăn năn được phản ánh nhiều lần trong Giáo hội tông truyền. Hãy để tôi đưa ra hai ví dụ, một từ thánh Phaolô, một từ thánh Phêrô:

“Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em… Thế mà anh em lại còn kiêu ngạo! Lẽ ra anh em đã phải than khóc và loại trừ kẻ làm điều ấy ra khỏi cộng đoàn của anh em! Phần tôi, tuy vắng mặt về thân xác, nhưng về tinh thần vẫn có mặt, tôi đã lên án kẻ có hành vi đó như thể tôi có mặt tại chỗ… Lý do khiến anh em vênh vang chẳng đẹp đẽ gì! Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao?” (1 Cr 5,1-7)

“Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả; giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả hiệu, đó là những kẻ sẽ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong. Vì chối bỏ vị Chúa Tể đã chuộc họ về, họ sẽ mau chóng chuốc lấy hoạ diệt vong… Nhìn thấy phụ nữ là họ ao ước ngoại tình, họ phạm tội mãi không chán… Quả thật, thà họ không biết đường công chính, còn hơn là khi đã biết rồi, lại lìa bỏ điều răn thánh đã được truyền cho họ.” (2 Pr 2,1, 14, 21; nên đọc toàn bộ chương này)

Xin lưu ý một lần nữa rằng chúng ta không loại trừ việc dung thứ cho sự yếu đuối nhưng biết ăn năn ở đây, mà là sự chấp nhận cái ác được hợp lý hóa.

Thứ ba, không phải là lịch sử Giáo hội trong năm mươi năm đến một trăm năm qua là một lời nhắc nhở đầy đủ về sự thiếu khôn ngoan thật sự của việc thinh lặng hoặc phủ nhận chân lý để nuôi dưỡng sự phát triển hay sao? Nếu chúng ta nghiên cứu thời kỳ này, hoặc thậm chí tất cả lịch sử Kitô giáo và Do Thái, chúng ta sẽ thấy rằng sự phát triển luôn được thúc đẩy bởi một thông điệp về chân lý mạnh mẽ, chặt chẽ và có thẩm quyền cùng với sự hỗ trợ cho những người đón nhận chân lý này và ăn năn tội lỗi của họ. Quy trình ngược lại — bao gồm thông qua sự thinh lặng hoặc thậm chí phủ nhận chân lý, và tham gia tích cực mà không ăn năn — luôn luôn và ở mọi nơi đều có tác dụng ngược lại.

Vì trong trường hợp đó, tất cả những lợi thế thực sự của việc là một người Công giáo đều bị mất. Mọi người đều nhận ra điều đó: Những người trong cuộc bỏ đi thành từng đợt; những người bên ngoài không tìm thấy lý do để bước vào. Chẳng phải chính nước Đức là đứa con điển hình của quá trình này trong thời đại của chúng ta hay sao? Lịch sử hiện đại của toàn bộ phương Tây chẳng phải dạy chúng ta rằng Giáo Hội không thể hạ thấp sự trong sáng của Tin Mừng để gia tăng số lượng giáo dân của mình sao?

Làm sao có thể đòi hỏi danh xưng là “Công giáo” trong khi không nắm được một nguyên tắc thiêng liêng cơ bản và đơn giản như thế?

(Trích Mệnh lệnh canh tân, các bài viết về việc canh tân Giáo hội

Nhóm dịch thuật Durando chuyển ngữ)