SUY NIỆM THỨ BA TUẦN III MÙA CHAY (Mt 18,21-35)

0
1472

Tha thứ thật cần thiết

Một lần kia, tình cờ trong lúc tôi về quê và được gặp một cha giáo dạy các thầy chủng viện. Vị linh mục ấy sau khi trò chuyện với tôi và biết được tôi đang theo đời sống tu dòng. Vị ấy đã cho tôi một lời khuyên để cho đời sống cộng đoàn tốt hơn. “Các thầy đừng sợ va chạm với nhau, lúc đầu sẽ là gai sầu riêng, khó ở gần nhau được; nhưng sau nhiều lần cọ sát như thế, chiếc gai ấy sẽ bị mài mòn đi thành những gai của trái mít và các thầy sẽ càng ngày càng gần nhau hơn”. Nghe những lời chia sẻ quý báu đó, tôi thấy rất hay vì đã cho tôi một kinh nghiệm sống. Càng gẫm càng thấy nó thực tế, gần gũi với đời sống của chính mình. Bởi trong đời ai chẳng có ít lần va chạm với người khác. Tuy nhiên, nếu cứ va chạm mà không biết hoá giải thì hậu quả sẽ là những rạn nứt tình cảm với người khác, khó có thể hàn gắn mà nói chuyện một cách bình thường với nhau được. Vậy làm sao để giải quyết những khó khăn ấy?

Lần này, đọc đoạn tin mừng hôm nay lời chia sẻ chân thành của vị linh mục trước kia lại văng vẳng bên tai tôi. Cuộc sống mà, ai mà chẳng có lúc sai lỗi chứ! Vì cuộc đời là được đan dệt bởi nhiều lần va chạm, tương giao với người khác. Nhờ đó, tôi mới biết được con người của mình, hiểu được những gì thiếu sót nơi bản thân tôi, để rồi sửa mỗi ngày, thay đổi tâm tính sao cho nó phù hợp với bậc sống mà mình đang theo đuổi. Nên không có gì phải che dấu, sống thật với cảm xúc của mình, bởi không bộc lộ, không nói ra thì người khác biết đường đâu mà lần. Thật vậy, sau một thời gian ở chung với anh em, tôi nhận ra một điều: sự tha thứ nó cần thiết dường nào. Bởi nếu không tha thứ thì thực sự lòng mình mãi vẫn không bình an, tâm đầy dẫy những xáo trộn, lòng hận thù mỗi ngày một gia tăng như ngọn núi lửa, nếu cứ dồn nén mỗi ngày thì sẽ đến một lúc nào đó nó sẽ phun trào. Hậu quả của nó thì chắc hẳn chúng ta cũng đoán được như thế nào. Sự tha thứ là một viên thuốc diệu kì mà không phải mất tiền để mua, nhưng con người lại ít khi dùng nó. Biết như thế, nhưng rất nhiều lần trong đời vì cái tôi kiêu căng quá lớn, vì lợi ích bản thân nên tôi nổi sùng lên để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Và điều đó như bức tường cản trở con người tôi  nói lời tha thứ cho người khác.

Tha thứ như Phêrô trong bài tin mừng là tha đến bảy lần. Con số bảy theo Phêrô là một con số mà ông tưởng là đã hoàn hảo, vì người ta thường nói: “quá tam ba bận”, tha thứ cho người làm gây hại cho mình quá lắm chỉ ba lần là cùng huống hồ đây là bảy lần. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã mời gọi tôi đi xa hơn nữa, cấp độ của tha thứ là cấp số nhân, tức là cứ phải tha cho người khác mỗi khi họ xúc phạm đến mình, hay có thể nói rằng giới hạn của tha thứ là tha thứ không giới hạn. Đó mới là tinh thần của tin mừng, đời sống mà người Kitô hữu đang theo đuổi. Suy cho cùng, chẳng ai trong chúng ta tự hào là mình không mắc nợ ai. Nợ cha mẹ, nợ người thân bằng quyến thuộc, nợ ân tình, nợ một lời xin lỗi một ai đó… Xa hơn nữa, chúng ta đều mắc nợ Thiên Chúa một món nợ không bao giờ trong thân phận con người mà chúng ta có thể đáp trả được. Đó là hồng ân được làm người và được chính máu Con Một là Đức Giê-su đã đổ ra để chuộc lấy. Vậy làm sao mà đôi khi trong cuộc đời, chính tôi lại hành xử như mình là một người chủ nợ mang trong mình vô số nợ không thể nào trả được, lại đi đòi nợ người khác, trách móc họ về những món nợ nhỏ nhặt trong đời được. Nếu như tôi vẫn hành xử như một con người như thế, vẫn giữ sự tức giận trong mình, không chịu tha thứ cho người khác thì chính mình đang đi ngược đường với Lời Chúa dạy, lạc xa con đường Tin Mừng.

Cùng với tâm tình ấy, trong giờ suy niệm này chúng ta hãy nhìn nhận về sự bao dung, lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa. Đồng thời cũng đấm ngực xin lỗi Chúa vì chính mình là một kẻ mắc nợ rất nhiều đã được Chúa xót thương, nhưng rất nhiều lần bản thân đã không tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Amen.

NTM