Thánh Gioan Gabriel Perpoyre – Người Xây Dựng Cộng Đoàn
MARLIO NASAYÓ LIÉVANO, CM
Một điều rõ ràng rằng, không một vị nào trong số những người con cái nổi tiếng của thánh Vinh Sơn, được biết đến nhiều trên thế giới và trong Giáo Hội cho bằng cha Perboyre. Vì trong cuộc hành trình truyền giáo, chúng ta gặp các anh chị em khác, như là các giám mục, các linh mục hay giáo dân, chắc chắn họ sẽ đề cập đến hình ảnh của nhà truyền giáo này, hơn bất cứ người nào khác, đã làm họ cảm động và được khích lệ trong đời sống linh mục hay giáo dân.
Thực tế không mong đợi và khó hiểu của đại dịch corona đã khiến chúng ta phải “phủi bụi” cho hình ảnh phi thường này, và như nhận xét của nhiều người rằng, ngài như một biểu tượng trong đại dịch corona và là đấng bảo trợ chống lại đại dịch này. Nhớ lại hình ảnh của ngài, khi chúng ta nhìn thấy ngài bị treo trên một cây thánh giá ở Vũ Hán và tử đạo do ngạt thở. Tuy nhiên, sự phản ánh này muốn hướng đến một khía cạnh khác, có thể dẫn dắt những người trong chúng ta, những người là anh em của ngài trong cộng đoàn, và những người mong chờ điều đó, xem xét một khía cạnh khác trong cuộc sống của ngài, giống như một ngọn đèn có thể soi sáng đời sống của chúng ta.
Ngay từ đầu, thánh Gioan Gabriel đã nói rõ về con đường mà Chúa đã kêu gọi ngài: hướng tới một cộng đoàn truyền giáo, có căn tính rõ ràng, hướng đến sự thánh hóa bản thân, đào tạo những thừa tác viên xứng đáng của bàn thờ và Phúc Âm hóa những kẻ hèn mọn của xã hội trong suốt đời mình. Vào ngày được phong thánh, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nhiệt liệt nhắc đến ngài như sau: “Ngài chỉ có một đam mê duy nhất: Đức Kitô và việc loan báo Tin Mừng của Người.”
Tuy nhiên, ngài đã thực hiện niềm đam mê rao giảng Phúc Âm và lòng nhiệt thành của mình để làm cho Chúa Kitô và Giáo Hội được biết đến và yêu mến, không phải một mình, nhưng trong sự hợp nhất và nhân danh một cộng đoàn được gọi là Tu Hội Truyền Giáo.
Nhờ ân sủng của Chúa, một số tác phẩm của Ngài đã đến với chúng ta. Trong các lá thư của ngài, sự gắn bó với Tu hội của cha Perboyre có thể dễ dàng được chứng minh. Ngài duy trì liên lạc kịp thời với Bề trên Giám tỉnh của mình, Cha Jean Baptiste Torrette, mặc dù, theo lẽ tự nhiên, họ không phải lúc nào cũng đồng thuận, tuy nhiên, trên tất cả, sự tôn trọng và vâng phục luôn ngự trị trong ngài. Điều đáng đánh giá là cách tự do mà thánh nhân bày tỏ ý kiến liên quan đến cơ cấu truyền giáo; ngài quan tâm đến việc thúc đẩy các ơn gọi địa phương… Vào ngày 9 tháng 9 năm 1835, ngài viết thư cho Cha Le Go, C.M: “Cha biết tất cả những gì liên quan đến Tu Hội chạm đến tâm hồn con…” Và vào ngày 13 tháng 9 năm 1835 trong thư gởi cho Cha Jacques Perboyre, C.M, ngài đã viết: “mặc dù tôi luôn làm phiền lòng gia đình này, nhưng tôi rất gắn bó với nó, và vì nó, tôi sẽ cho hiến dâng cuộc sống của tôi hơn gấp ngàn lần.” Tình yêu của thánh nhân đối với cộng đoàn, như nó vốn có, cả trong quá trình thuận tiện cũng như lúc gian nan.
Ngài sẽ không quên nhắc đi nhắc lại những lời của Thánh Vinh Sơn, rằng ngài đã dạy các chủng sinh của mình ở Paris và rằng bây giờ trong cánh đồng truyền giáo: hãy sống theo cách thực tế chứ đừng sống kiểu “thiên thần”: “Bác ái là linh hồn của các nhân đức và là thiên đàng của các cộng đoàn… ” (es XIb, 768). Cha thích thú biết bao với những buổi họp mặt cộng đoàn, chắc chắn không thường xuyên, nhưng khi chúng diễn ra, đó là một không gian phong phú để thảo luận với các thành viên về những khó khăn trong nỗ lực truyền giáo, để nghỉ ngơi đôi chút và đào sâu mối tương quan của ngài với Chúa. Cuộc tĩnh tâm hàng năm, mà ngài rất tin tưởng, là để phục hồi sức lực của ngài, đã bị hao mòn bởi những chuyến đi bộ dài dưới cái nắng gay gắt ở Trung Hoa. Điều khá chắc chắn là trong một lần tĩnh tâm này, ngài đã có sự giúp đỡ cách quan phòng của cha Baldus, người mà ngài đã mở lòng để cho cha ấy thấy “đêm đen của đức tin” mà thánh nhân đang trải qua, và chính trong dịp này, một người bạn thân thiết đã tiếp thêm sức mạnh cho ngài để tiếp tục theo Chúa.
Ngày nay người ta chú trọng nhiều đến việc trở thành “người xây dựng” chứ không phải “người tiêu hao” của cộng đoàn. Trước sự yếu đuối của con người, bao giờ cũng dễ tìm kiếm sự đền bù bên ngoài cộng đoàn, “sáng ngoài đường mà tối trong nhà”, đòi quyền lợi cho bản thân nhưng lười biếng, quên nghĩa vụ “công dân”. Điều gì khác được yêu cầu đối với chúng ta ngày nay, ngoài những gì Thánh Vinh Sơn đã để lại cho chúng ta trong Luật Chung, chương VIII, mục 2:
“Tình yêu thương huynh đệ cần phải luôn hiện diện ở giữa chúng ta, và cũng là mối ràng buộc thánh thiêng cần phải được bảo vệ bằng mọi cách. Vì lí do đó, tất cả chúng ta phải kính trọng nhau, đối xử với nhau như những người bạn tốt, và luôn sống cộng đoàn…”
Và còn lời cầu nguyện nào tốt để khẩn cầu Chúa ngõ hầu trở thành những người xây dựng cộng đoàn truyền giáo, theo phong cách của Thánh Jean Gabriel Perboyre, hơn là lời khẩn cầu này của Đấng Sáng Lập:
“Lạy đấng Cứu Độ chí thánh, xin khơi dậy lòng bác ái trong tất cả những tâm hồn của những người mà chúa đã gọi để trở thành một phần của Tu Hội, vì chỉ tình yêu trưởng thành này mới phù trợ kẻ yếu thế cách vững chắc và chúng con sẽ thực thi công việc mà Chúa đã rộng lòng ủy thác cho chúng con” (es XIb, 769).
Toma Thiện – Phạm Minh Ngọc chuyển ngữ từ cmglobal.org