María Teresa Barbero Echavarría, D.C.
Giới thiệu
Thánh Louise de Marillac là một người phụ nữ can đảm, táo bạo và là một người dám nghĩ dám làm. Cuộc đời thánh nữ giống như một kho báu bị chôn giấu, mà ngày nay được bộc lộ ở giữa chúng ta. Ở trong bài trình bày này, cuộc sống của thánh nữ sẽ được phác họa để như một luồng sáng soi sáng vào sứ mệnh của chúng ta, là những người Vinh Sơn, để cho phép chúng ta, giống như thánh Louise, gieo vãi hạt giống hy vọng, tình yêu thương và sự dịu dàng vào trái tim của những người nam nữ nghèo khổ.
Sự thăng tiến nhân bản và thiêng liêng cách sâu sắc của Louise cho phép cô mở ra những con đường mới trong xã hội Pháp thế kỷ XVII, nơi mà người phụ nữ được mong đợi dâng hiến bản thân cho việc chăm sóc gia đình, hoặc là sống một đời sống tu trì đằng sau những bức tường tu viện.
Một trong những phẩm chất mô tả rõ nhất tính cách của thánh Louise, là ơn gọi của thánh nữ với vai trò là một giáo viên và là một nhà giáo dục. Thánh Louise tham gia tác vụ này vào những quãng thời gian khác nhau trong cuộc đời của mình. Chúng ta thấy Louise dạy dỗ con trai mình, cậu Michel; chúng ta cũng thấy cô dạy học cho các bé gái ở các làng quê và vùng ngoại ô Paris, cũng như đào tạo và huấn luyện những Nữ Tử Bác Ái đầu tiên. Hay khi Louise đón nhận những người nghèo mà thánh nữ gặp trong những chuyến viếng thăm của mình, nhiệm vụ có vẻ phù hợp nhất với thánh nữ và đã khơi lên tài năng sáng tạo của cô là công việc giảng dạy. Louise là người đã sáng lập các trường học nhỏ của các Hội Bác Ái được thành lập ở Pháp thế kỷ XVII và đã mở ra cơ hội cho một loại hình giáo dục dành riêng cho việc giáo dục các trẻ em.
Bối cảnh xã hội
Vào thế kỷ XVII, nước Pháp được chia thành ba tầng lớp: quý tộc, giáo sĩ và dân chúng. Đa phần dân số thì thuộc tầng lớp thứ ba và hầu hết trong số họ sống trong sự thất học và khốn khổ, đó là hậu quả của các nạn đói kém, dịch bệnh và các cuộc chiến đang diễn ra. Gần 90% dân chúng không biết chữ.
Sau Công đồng Trentô, Giáo Hội đã phát động phong trào xây dựng các trường học hầu cung cấp cho các trẻ em một nền giáo dục Kitô giáo. Một số dòng tu đã được thiết lập cho mục đích này, chẳng hạn Dòng Ursulines được thành lập bởi thánh Angela de Merici; Dòng Đức Trinh Nữ Maria (còn được gọi là các nữ tu Loreto) được thành lập bởi Mary Ward và Adrien Bourdoise, một giáo lý viên trong giáo xứ Saint-Nicolas-du-Charsdonnet (vị linh mục này là cha sở của Louise từ 1625 đến 1636).
Mỗi cá nhân trong số này đã tổ chức và thành lập các trường Công giáo ở các thành phố và chăm lo giáo dục cho các thiếu nữ. Còn việc giáo dục ở ngoại ô Paris vì mục đích này thực tế thì không tồn tại. Trong khi ấy Công đồng Trentô yêu cầu rằng, mọi giáo xứ nên thành lập một trường học, nơi trẻ em có thể được giáo dục miễn phí, tuy thế, đây vẫn là một giấc mơ chưa thực hiện được ở nông thôn.
Nếu một trường học được mở ra ở một ngôi làng nào đó, người giáo viên thường là một người xuất thân từ làng đó và là người biết đọc và biết viết. Các lớp học bắt đầu vào tháng 11 và kéo dài cho đến lễ Phục Sinh và kỳ nghỉ trong năm là để chăm lo cho các công việc đồng áng. Trẻ em bắt đầu việc học hành ở quãng sáu hoặc bảy tuổi và việc học hành kéo dài đến khi chúng được 10-12 tuổi, đôi khi là 14 tuổi. Ở trường, trẻ em được dạy sống sao là một người Kitô hữu và do đó giáo lý được đặt ưu tiên hàng đầu.
Với nhiều gia đình nghèo, các bậc phụ huynh càng ít quan tâm hơn đến việc cho con cái đi học vì các cậu bé trai có thể trợ giúp trong các công việc đồng áng, còn các bé gái thì có thể giúp đỡ chăm lo việc nội trợ. Tình trạng này khiến trẻ em không có cơ hội học các ngành nghề khác và cũng không thể dạy giáo lý cho trẻ em.
Đây là tình huống mà thánh Louise de Marillac đã phải đối diện. Tuy nhiên, khi thánh nữ chú ý đến nhu cầu của người nghèo, thánh nữ đã cảm thấy mình được Chúa kêu gọi và kết quả là cô kiên quyết dấn thân vào công việc giáo dục và dạy dỗ các thiếu nữ thôn quê nghèo, đấy là lý do các trường học bác ái được thành lập.
Một nền giáo dục ưu tiên
Vậy thì những năng khiếu óc tổ chức và sáng kiến của Louise đến từ đâu? Chúng ta chỉ phải khám phá cuộc sống của thánh nữ để khám phá sự giáo dục tinh tế mà thánh nhân nhận được ở mọi khía cạnh: văn hóa, tôn giáo, khổ hạnh… Đây là nền tảng dẫn thánh nữ đến với sứ vụ giáo dục những người trẻ.
Louise sinh ra và được giáo dục trong một gia đình rất nổi tiếng. Nhiều thành viên của gia đình này giữ các vị trí rất quan trọng trong quốc hội, giáo hội và quân đội. Một số tên tuổi lừng danh nổi bật giữa các thành viên khác trong gia đình như: Michel de Marillac, một luật sư tại Quốc hội và là một người đàn ông mang tính cách rất tôn giáo và thần bí; Louis de Marillac, Bá tước của Beaumont người đã kết hôn với Catherine de Medici và là dì của nữ hoàng Marie de Medici; Valence de Marillac, người kết hôn với Octavien d’Attichy và có vị trí tốt trong tòa án; Louis de Marillac, cha của Louise, một người đẹp trai, thông minh và là một thương gia. Louise thừa hưởng nhiều phẩm chất từ cha mình. Khi chúng ta tra cứu cuộc sống của Louise, chúng ta phát hiện ra rằng, thánh nữ cũng là một người thông minh, một người có óc tổ chức tốt, dám nghĩ dám làm và sở hữu nhiều phẩm chất khác khiến chúng ta ngạc nhiên.
Louise đã may mắn được đón nhận một tiến trình đào tạo hoàn chỉnh. Khi cô lên ba tuổi, cha cô đã đưa cô đến Tu viện Đa Minh tại Poissy, nơi các sơ nổi tiếng về sự thánh thiện và kỷ luật cũng như công việc giáo dục của họ. Sau khi các sơ đã hoàn tất việc đào tạo của họ (gồm các sơ với các vị trí quan trọng), các sơ đã dịch các tác phẩm kinh điển bằng tiếng Hy lạp và Latinh. Dì của Louise cũng là một sơ đang tu ở tu viện này và là một trong những sơ có học.
Chính tại Poissy, Louise đã nhận được một nền giáo dục rất hoàn chỉnh, một tiến trình đào tạo bao gồm cả chiều kích văn hóa cũng như chiều kích tôn giáo. Cô không chỉ nhận được sự hướng dẫn về giáo lý mà còn được dạy Kinh Thánh, các Thánh Vịnh phụng vụ, các chuyên luận thiêng liêng và hạnh các thánh. Louise đã học đánh vần chính xác và có chữ viết rõ ràng và dễ đọc. Cô thích tiếng Latinh và vẽ tranh, cô đã có được một quá trình học hành xuất sắc.
Nhiều năm trôi qua, chúng ta có thể thấy Chúa đã chuẩn bị cho cô như thế nào để thực hiện công việc mà Ngài đã giao phó cho thánh nữ, một công việc sẽ trở thành một sứ vụ dành cho tất cả những người nghèo.
Thậm chí tại nhà an dưỡng, nơi Louise đã sống sau cái chết của cha mình, cô đã học mọi thứ cần thiết để chăm sóc gia đình một cách tươm tất: may vá, nấu ăn, dọn phòng, biên chép báo báo ngân quỹ cho một trang trại nhỏ gia đình, v.v… Louise đã học tất cả những điều này và đã đưa chúng vào thực tế tại Nhà Mẹ, nơi có một khu vườn, một trang trại và cô đã đưa ra những lời khuyên khôn ngoan cho các chị em. Qua những lá thư của thánh nữ, chúng ta khám phá ra việc đào tạo hoàn chỉnh của thánh nữ. Thánh nữ đã để lại cho chúng ta một ấn tượng rằng, thánh nữ có kiến thức về mọi thứ: chăm sóc y tế, công thức nấu ăn, kế toán, tổ chức và lập kế hoạch cho tương lai.
Việc giáo dục cậu con trai Michel của Louise
Louise trở thành góa phụ ở tuổi ba mươi tư và lúc đó cậu con trai của cô mười hai tuổi. Louise đã đơn thân gánh nhận trách nhiệm trong việc giáo dục đứa con trai của mình, mặc dù sự thật là thánh Vinh Sơn đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục Michel và chúng ta cũng có thể khẳng định rằng thánh Vinh Sơn đã trở nên như một người cha cho cậu ta.
Theo nhiều nhà viết tiểu sử, thì Michel Antoine là một đứa không ổn định, ủ rũ, không tập trung vào học tập và thực tế thì không thông minh cho lắm. Tuy nhiên, có những tác giả khác bày tỏ quan điểm trái ngược và coi cậu Michel là một cá nhân trưởng thành, một người đã ngưỡng mộ khả năng tri thức của những nhà truyền giáo, và lúc cậu ta ở tuổi hai mươi hai thì đã nhận được bằng cấp về Triết học và Luật.
Dù thế nào đi chăng nữa, thì rõ ràng Louise đã dành cho đứa con trai tất cả tình yêu thương của mình và không mệt mỏi trong nỗ lực mang đến cho cậu một nền giáo dục tốt, do đó mở ra cánh cửa đến một tương lai mà Louise đã nhìn thấy tốt hơn cho cậu. Chúng ta biết rằng cô rất mong ước được nhìn thấy cậu con trai mình trở thành một linh mục và cô đã đấu tranh để biến mong ước này thành hiện thực. Điều này gây ra nhiều vấn đề, bởi vì Michel Antoine không hoàn toàn ưng theo ơn gọi này, điều này đã làm cho mẹ cậu đau khổ nhiều. Sau khi lãnh nhận những chức nhỏ ở tuổi hai mươi sáu, cậu ta đã từ bỏ ơn gọi của chức linh mục và đi một con đường khác dẫn cậu ta đến các vụ việc tai tiếng.
Cậu đối mặt với mẹ mình, cắt đứt mối quan hệ với thánh Vinh Sơn và xa lánh Chúa. Louise cảm thấy tội lỗi và đau khổ vô cùng. Trong nhiều lá thư của cô, cô đã khóc vì đau khổ và cô xin sự giúp đỡ từ cha linh hướng của mình: con vô cùng lo lắng về con trai của con. Cha nhận thấy được nỗi buồn của con lớn đến mức nào và sự đau khổ thì luôn gặm nhấm con (SWLM: 122 [L.113])[i]. Hãy giúp con giữ cho bản thân gắn bó mạnh mẽ với Chúa Giêsu Kitô (SWLM: 135 [L.109]). Louise đau buồn đến nỗi khi cô kết thúc bức thư, cô quỳ xuống trước thánh giá và cầu nguyện; một chị khác đã nhìn thấy nỗi buồn của cô và hỏi cô có điều gì sai, Louise đã trả lời: tôi không biết con trai tôi đang ở đâu!
Michel đã bỏ đi với một thiếu nữ ở tỉnh lẻ và kết hôn bí mật với cô bé đó. Louise tiếp tục cầu nguyện với Chúa và làm một cuộc hành hương đến Chartres để phó dâng cuộc sống của đứa con trai mình vào tay Đức Trinh Nữ. Hai năm sau, cô đã thực hiện một hành động từ bỏ, đó là đã trao phó hoàn toàn đứa con trai của mình cho Chúa, đặt cậu ta vào bàn tay Chúa: con có một khát khao mãnh liệt là trao nó (con trai bà) và phó mặc nó hoàn toàn cho Chúa (SWLM: 166 [L.151]). Hành động này cho phép Louise trải nghiệm một sự tự do mới và do đó, cô có thể chấp nhận các sự kiện một cách bình tĩnh và bình an.
Dần dần, Michel đã dần ý thức lại và mẹ cậu đã có thể hủy bỏ cuộc hôn nhân của cậu ta. Vào ngày 18 tháng 1 năm 1650, cậu đã kết hôn với Gabrielle Le Clerc, người sau này đã sinh cho cậu một cô con gái tên là Renée-Louise. Cô cháu gái này đã mang lại nhiều hạnh phúc cho Louise trong những năm cuối đời. Khi Louise nằm trên giường hấp hối, con trai của bà và con dâu, cũng như đứa cháu đã đến thăm, bà đã chúc lành cho chúng và khuyên nhủ chúng hãy sống là những Kitô hữu tốt lành.
Trong suốt cuộc đời, Louise biểu lộ tình yêu thương của bà dành cho con trai. Bà đã hy sinh và làm mọi cách để mang đến điều tốt đẹp nhất cho Michel. Bà đã muốn dẫn cậu đi theo những con đường mà có lẽ không phải lúc nào cũng phù hợp với cậu, bà đã không bao giờ ngừng cầu nguyện cho cậu và Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của bà. Đến cuối đời, bà cảm thấy hạnh phúc và có thể chết một cách thanh thản. Cuộc sống của bà soi sáng con đường cho nhiều bà mẹ đau khổ vì những quyết định cho con cái họ. Cầu nguyện và tự từ bỏ cách quảng đaị trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta cho chúng ta niềm tin rằng, Chúa nhậm lời cầu nguyện của chúng ta và cũng đến để trợ giúp chúng ta.
Những cô giáo ở làng quê
Những trường học đầu tiên của Hội Bác Ái
Đó là năm 1629. Louise là một góa phụ trẻ ở tuổi ba mươi tám, đã từng gặp thánh Vinh Sơn Phaolô và là để chuẩn bị thực hiện hành trình truyền giáo đầu tiên của mình, là đến thăm các Hội Bác Ái ở Montmirail. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của các chuyến đi của bà đến các thị trấn và làng mạc xung quanh Paris, những nơi cô đã đến thăm các Hội Bác Ái mà đã được thành lập bởi các nhà truyền giáo. Trong những chuyến đi này, cô đã chứng kiến tình trạng thất học của những đứa trẻ tội nghiệp. Louise, một phụ nữ có học thức và là một Kitô hữu dấn thân, đã không phớt lờ tình huống này. Trong chuyến thăm của cô đến những nơi này, cô đã đảm nhận vai trò của một cô giáo và một giáo lý viên.
Để giữ cho các trường học hoạt động, cô đã tìm kiếm những phụ nữ trẻ, người đã được chuẩn bị và có khả năng duy trì việc giáo dục trẻ em. Vì vậy, trong nội quy được viết cho các thành viên của Hội Bác Ái, chúng ta đọc thấy: Họ sẽ dạy các bé gái của các làng trong khi họ ở đó. Họ sẽ cố gắng đào tạo các thiếu nữ địa phương để thay thế họ trong nhiệm vụ này, trong thời gian họ vắng mặt. Họ sẽ làm tất cả những điều này vì tình yêu của Thiên Chúa và không có bất kỳ khoản thù lao nào (SWLM: 729 [A.54]).
Những trường học nhỏ của Vinh Sơn dần dần ra đời, những ngôi trường này còn được gọi là Trường Học Bác Ái vì nó được hình thành từ các Hội Bác Ái đang hỗ trợ từ thiện ở các thị trấn và làng mạc khác nhau.
Jean Calvert nói trong tiểu sử của mình rằng Louise thích dạy học và đam mê tác vụ này. Cô có một năng khiếu trong việc giảng dạy và vì cô coi trọng tri thức, cô đã hiểu rằng làm người có nghĩa là để học.
Louise đã được học và nhận ra rằng sự thất học thường là nguyên nhân của sự nghèo đói. Vì vậy, cô đã rất năng nổ trong việc thúc đẩy các trường học nhỏ này.
Vào năm 1633 khi những Nữ Tử Bác Ái đầu tiên trình diện bản thân với Louise và sau đó được gửi đi, hai người một, vào trong các làng để phục vụ người nghèo, Louise đã rất cẩn trọng để đảm bảo rằng, một trong hai người có thể biết đọc và vì thế, họ có thể dạy cho các bé gái. Trong một bức thư mà cô đã viết cho thánh Vinh Sơn liên quan đến việc tổ chức tại Sedan, cô đã nói rằng: người chị em mà con đề nghị chúng ta gửi đi cùng với chị Marie Joly thì biết đọc và vì thế chị có thể dạy những bé gái nhỏ đáng thương (SWLM: 48 [L.36b]).
Khi chúng ta tra cứu các lá thư của Louise, chúng ta phát hiện ra rằng, có rất nhiều nơi mà các Nữ Tử đã thành lập ra các trường học để dạy các bé gái nghèo ở nhà quê tập đọc: Richelieu, Fontaineblean, Chars, Sedan, Vanize, Chateaudum, Ussel, Bernay và Chantilly. Ngay cả lâu đài của Bietre cũng được trưng dụng làm trường học. Louise đã thấy là làm sao cần phải tách biệt các bé gái và các bé trai ở trường với nhau và do đó, phải dựa vào một linh mục, người sẽ chịu trách nhiệm giáo dục các bé trai, trong khi đó thì các Nữ Tử sẽ dạy các bé gái (SWLM: 216 [L.192]).
Louise nhận ra rằng sự thất học thường là một cản trở lớn làm cho mọi người có thể đạt được mục tiêu của họ. Trong ánh sáng này, Louise đã rất nhiệt tình trong việc thành lập các trường Vinh Sơn.
Giáo dục ở ngoại ô Paris
Trong suốt cuộc đời, Louise đã thay đổi nơi cư trú trong nhiều dịp khác nhau. Vào năm 1641, chúng ta thấy cô sống với các chị em ở khu phố Saint-Denis trong giáo xứ Saint-Laurent. Thánh Vinh Sơn đã mua hai ngôi nhà liền kề có sân trong, vườn tược, giếng nước uống và một chuồng ngựa. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Louise, người chú ý đến tiếng khóc của người nghèo, đã phát hiện ra rằng, các bé gái con nhà nghèo không thể đến trường và cần một vài người dạy chúng tập đọc và tập viết, một vài người dạy chúng về giáo lý. Louise, người trước đây đã từng dạy ở các làng quê, đã xin phép hiệu trưởng của Notre-Dame.
Vào tháng 5 năm 1641, bà đã viết như sau: Louise de Marillac, khiêm tốn kính trình ngài des Roches, hiệu trưởng của Notre-Dame de Paris, xin thưa với ngài rằng, cảnh tượng về số đông dân nghèo ở quận Saint-Denis khiến tôi khao khát lãnh trách nhiệm hướng dẫn họ. Nếu những bé gái nhỏ đáng thương này vẫn chìm đắm trong sự thất học, thì người ta sợ rằng, chính sự thất học này sẽ gây hại cho chúng và khiến chúng không có khả năng cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa để được cứu rỗi…. Vì vinh quang của Chúa, xin hãy cho phép những điều khẩn xin đã đề cập ở trên trong những trường hợp đó, do đó, cho phép người nghèo tự do gửi con cái họ đến các trường học miễn phí, nơi mà chúng sẽ không bị người giàu cản trở (SWLM: 50 [L.41]).
Câu trả lời cho lời kiến nghị này được viết bằng tiếng Latinh trên cùng một trang với lời kiến nghị: kính gửi bà Le Gras thân mến, sau khi tham khảo những người có trách nhiệm, theo báo cáo của các cha sở và những đáng tin cậy khác, người mà có hiểu biết về đời sống của bà, luân lý, và thực hành đạo công giáo, bà đã được coi là xứng đáng để điều hành các trường học. Do đó, chúng tôi, cấp cho bà giấy phép cần thiết và cho phép bà mở một trường học với điều kiện là bà chỉ dạy các bé gái con nhà nghèo và không chấp nhận các đối tượng khác (SWLM: 51 [.41]).
Theo phong tục của thời ấy, một tấm biển được dán trên cánh cửa ngôi nhà có dòng chữ: Đây là một trường học nhỏ. Louise de Marillac là cô giáo, người dạy cho trẻ em cách tập đọc, tập viết, soạn thư từ và tập nói đúng.
Một số đặc điểm trong tác vụ của Louise là một nhà giáo dục
Khi chúng ta tra cứu các bức thư và bút tích của Louise, chúng ta khám phá ra một số đặc điểm liên quan đến tác vụ giáo dục của thánh nữ và chúng ta cảm thấy ngưỡng mộ khả năng tổ chức, cũng như sự giải thích rõ ràng, được thể hiện trong lời cổ vũ của cô với các chị em. Cô đã vạch ra một kế hoạch chung cho các giáo viên trong trường (SWLM: 761-762 [A.91b]) và chúng ta tìm thấy trong các bút tích của cô một bản tài liệu có tựa đề là “chức vụ của cô giáo.”
Louise đã rất rõ ràng về các mục tiêu của giáo viên: giúp trẻ em đạt được ơn cứu rỗi và cống hiến bản thân hết mình và duy nhất cho trẻ em nghèo mà không có cách nào khác để đạt được một nền giáo dục.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, thật thú vị khi lưu ý tầm nhìn rộng lớn của Louise, vì cô cũng muốn tạo cơ hội cho những đứa trẻ con nhà giàu không thể đến trường: các Nữ Tử phải hiểu rằng không phải mọi bé gái đều được nhận vào trường, nhưng chỉ những bé gái con nhà nghèo. Tuy nhiên, nếu Chúa Quan Phòng và đức vâng lời kêu gọi chúng ta đến một giáo xứ nào đó, nơi không có giáo viên để hướng dẫn những đứa trẻ con nhà giàu, thì trong tình huống này, chúng có thể được ghi danh, nhưng với điều kiện những bé gái này sẽ không khinh thường những đứa trẻ nghèo. điều ưu tiên là luôn luôn dành cho những đứa trẻ nghèo.
Cũng rất thú vị khi lưu ý các yếu tố sư phạm được đề cập đến trong các lá thư mà Louise đã viết cho các chị em, chúng ta thấy sự sáng tạo và tầm nhìn của cô về tương lai được biểu lộ qua những lá thư này.
Louise quan tâm đến việc cung cấp cho trẻ em những khu vực thoải mái và rộng rãi cho việc giáo dục. Khi cô đang bố trí không gian trong lâu đài của Bicetre, nơi sẽ được trưng dụng cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, cô đã viết cho thánh Vinh Sơn: quý bà (bác ái) của chúng ta đã không nghĩ đến việc sắp xếp một chỗ cho việc học hành. Chúng con đã thấy một chỗ mà sẽ tốt cho các bé trai, những đứa cần phải được tách riêng ra khỏi các bé gái; nó ở tầng dưới và nó có một cửa chính và một cửa sổ hai cánh. Lớp học của các bé gái sẽ ở trên tầng lầu (SWLM: 217 [L.192]).
Bà đã yêu cầu những đứa trẻ được giáo dục cả đời và không chỉ đơn giản là để mang tên tuổi hay hình ảnh tốt đẹp: Cô [giáo viên] sẽ coi trọng trong việc hướng dẫn chúng cách kỹ lưỡng về những mầu nhiệm của đức tin hơn; về lòng đạo đức đúng đắn và sự khác biệt giữa thiện và ác hơn là chỉ lo tiến bộ trong việc tập đọc; hoặc về việc học tập cách chắc chắc, bao gồm hiểu rõ những gì đã được dạy và đưa nó vào thực hành tốt hơn là về việc ghi nhớ rất nhiều các sự kiện gây ra sự tò mò và phù phiếm (SWLM: 762 [A. 91b]).
Trên hết, Louise đã yêu cầu trẻ em được giáo dục theo cách cho phép chúng sống một đời sống là những Kitô hữu tốt lành: tôi tin rằng chị đang dạy dỗ các bé gái cách kỹ lưỡng, không chỉ về các vấn đề đức tin, mà còn là để sống sao là một Kitô hữu tốt lành (SWLM: 422 [L.368]). Chị phải tiếp tục hướng dẫn [các bé gái] về sự kính sợ và tình yêu thương của Chúa hơn là dạy chúng cách nói chuyện dài dòng về Ngài (SWLM: 555 [L.529]).
Niềm tin này rất quan trọng đối với Louise, đến nỗi trong nhiều lần, bà đã nhắc nhở các chị em rằng, bài học thiết yếu nhất là kiến thức về Thiên Chúa và tình yêu thương của Ngài (SWLM: 618 [L.598]). Louise đã viết những lời hay ý đẹp cho chị Claire Jaudoin khi cô nói về việc chuẩn bị cho các trẻ em sống một cách sốt sắng trong Mùa Chay thánh, do đó, chuẩn bị cho chúng để cử hành lễ Phục Sinh. Louise đã đề cập đặc biệt đến những đứa trẻ được chuẩn bị để rước lễ lần đầu (SWLM: 632 [611]).
Louise đã quan tâm để bất cứ lúc nào, bất kỳ bé gái ở bất kỳ độ tuổi nào muốn đến để học hỏi đều sẽ được tham dự. Họ phải có sự suy xét khôn ngoan để đưa những bé gái nhút nhát và rụt rè vào một khu vực đặc biệt (SWLM: 743 [A.90]). Những đứa trẻ nhút nhát và rụt rè là những em mà Louise đã chọn và giao phó cho các Nữ tử Bác Ái, nói với họ rằng: đối xử với chúng một cách tử tế và nhẹ nhàng, mà không khiến chúng phải xấu hổ vì sự thất học của chúng (SWLM: 632 [L.611]).
Louise nhận ra rằng trong các trường học này, không thể sử dụng chương trình giảng dạy như dành cho các giáo viên ở Paris được. Do đó, cô đề nghị cần có sự linh hoạt: Vì lý do đó, họ phải tiếp nhận chúng vào bất cứ lúc nào, bất kỳ bé gái nào, ở bất kỳ độ tuổi nào muốn đến để học hỏi, chào đón chúng nồng nhiệt, ngay cả khi chúng đến vào giờ ăn hoặc rất trễ (SWLM: 743 [A.90] ).
Cô muốn tất cả các chị em là giáo viên sử dụng cùng một phương pháp (SWLM: 229 [L.171]), duy trì trật tự và tuân theo cùng nội quy (SWLM: 181 [L.163]). Do đó, như đã đề cập trước đó, Louise đã đưa ra một nội quy cho các cô giáo trong trường.
Một chi tiết quan trọng cần được chỉ ra ở đây, cụ thể là, trung thành bám sát tiến trình đào tạo liên lục, Louise, cách cá nhân hoặc thông qua các lá thư của cô, quan tâm đến từng trường. Ở Fontainebleau, cô cảm thấy có quá đông học sinh (bảy mươi); cô khen ngợi chị Anne Hardemont rất đúng giờ trong việc giảng dạy giáo lý và khi dạy các môn học khác. Louise đã đưa ra những gợi ý này cho các chị em khác (SWLM: 209-210 [L.200b]). Cô bày tỏ mong muốn nhận được báo cáo đầy đủ từ chị Charlotte Rover, người đang phụ trách tại Richelieu: hãy cho tôi biết chị dạy bao nhiêu nữ sinh và nếu có các bé gái lớn hơn thỉnh thoảng đến vào ngày lễ để học giáo lý và nghe chỉ dẫn mà chị đưa ra cho các bé gái nhỏ ( SWLM: 665 [L.646]).
Ngay từ đầu, Louise đã quan tâm đến việc đào tạo giáo dân, đào tạo những thiếu nữ hoặc thiếu phụ để chịu trách nhiệm cho những trường học nhỏ ở miền quê này. Cô đưa ra gợi ý sau đây cho những phụ nữ trẻ, những người đã làm việc với các thành viên của Hội Bác Ái: họ sẽ dạy cho các bé gái của các ngôi làng khi họ ở đó. Họ sẽ cố gắng đào tạo các cô gái địa phương để thay thế họ trong nhiệm vụ này trong thời gian họ vắng mặt. Họ sẽ làm tất cả những điều này vì tình yêu của Thiên Chúa và không có bất kỳ khoản thù lao nào (SWLM: 729 [A.54]).
Trên hết tất cả, Louise đã đào tạo các chị em để trở thành những giáo viên giỏi. Năm 1633, cô đã thiết lập một thời khóa biểu mà trong đó sau thánh lễ, có một khoảng thời gian mà các chị em học cách tập đọc. Bài tập này được lặp lại vào buổi chiều. Một trong những chị đầu tiên nói rằng, cô Le Gras đã dành thời gian để dạy tôi cách đọc cho các chị em khác, do đó điều này giúp tôi ôn lại những bài học về đức tin. Louise nhắc nhở các chị em rằng hướng dẫn này không được thực hiện vì sự hài lòng cá nhân hoặc vì sự hữu ích của nó, mà là để cho họ có thể dạy các bé gái ở những nơi họ được gửi đến.
Chúng ta có thể khẳng định rằng trong Nhà Mẹ, Louise đã tổ chức một trường học nhỏ để đào tạo những Nữ Tử người mà sau đó được sai đi để trở thành người nhà đào tạo cho trẻ em.
Sự đào tạo cho các chị em phải được xuyên suốt. Đôi khi Louise tuyên bố rằng các chị em nên sẵn sàng học các phương pháp mới, tôi muốn có những thẻ bảng chữ cái mà chúng ta sẽ gắn trên tường. các sơ Ursulines đã sử dụng phương pháp này ở một số nơi (SWLM: 217 [L.192]). Rất có thể Louise đã quen thuộc với nội quy của các sơ Ursulines liên quan đến việc giáo dục các bé gái. Người chú của cô, ông Michel, đã dạy cho các dự tu Ursulines một số môn học. Chính Louise đã đưa Magdalene de Attichy đến tu viện của các sơ Ursulines.
Thật thú vị khi lưu ý cách Louise, với những năm tháng trôi qua, đã mở ra những cách tiếp cận mới với giáo dục. Ban đầu, những ngôi trường được thành lập chỉ dành cho nữ sinh, đó là tất cả những gì được phép. Tuy nhiên, vào năm 1647, cô đã đặt câu hỏi: liệu chúng ta có thể có một trường mà dành cho các bé trai mà không có cơ hội đi học không? Câu hỏi này được đặt ra trong cuộc họp cố vấn ngày 30 tháng 10 năm 1647, trong đó những lý do sau đây được đưa ra có lợi cho đề nghị này: thứ nhất, nó có thể giúp ích rất nhiều, truyền đạt những cảm thức sơ đẳng của lòng đạo đức đối với những đứa trẻ này, những em mà có thể không bao giờ được hướng dẫn. Thứ hai, điều này dường như là một điều cần thiết bởi vì ở hầu hết các địa phương không có giáo viên. Ở điều thứ ba, các bậc cha mẹ mong muốn điều này, và họ dường như có lý do chính đáng cho điều đó, bởi vì điều mong muốn rằng con trai của họ ít ra cũng được hướng dẫn như con gái của họ. Vì lý do đó, ở hầu hết các nơi họ đang ở, họ gây áp lực cho các chị của chúng ta để đón nhận chúng. Ở điều thứ tư, dường như không có gì phải lo lắng về những cô giáo; những bé trai như vậy thì không thể là điều cám dỗ cho các cô ấy được (CCD: XIIIb: 285-286).
Thánh Vinh Sơn nói thêm rằng điều này đã được thực hiện với những những đứa trẻ bị bỏ rơi cho cả bé trai lẫn bé gái. Louise đã thêm một lý do thứ năm: đôi khi một bé gái không thể đi học trừ khi bé gái đó bế theo đứa em trai mình, vì mẹ của chúng không ở nhà để chăm sóc thằng nhóc đó.
Sau khi thảo luận về vấn đề này và lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau, Vinh Sơn đã từ chối ý tưởng này bằng tuyên bố đơn giản rằng: Tôi nghĩ sẽ tốt cho chúng ta khi tuân theo các quy định được đưa ra về việc không chấp nhận các bé trai. Nhà vua đã đưa ra quyết định đó sau khi tìm kiếm lời khuyên (CCD: XIIIb: 287).
Giáo lý của cô Le Gras
Để đảm bảo sự giáo dục Kitô giáo cho trẻ em và để cung cấp cho sự đào tạo của các chị em, Louise đã soạn một bản giáo lý.
Giáo lý rất đơn giản và sử dụng một phương cách hỏi thưa (câu hỏi và câu thưa ngắn gọn và dễ dàng và ngôn từ và phong cách của nó tương tự như các giáo lý khác của thời đó). Chúng ta chú ý đến thực tế là có một bản trình bày rõ ràng cả về nội dung lẫn hình thức được sử dụng. Một điều đã gây sự thu hút với các trẻ em. Giữa các câu hỏi và câu trả lời, chúng ta tìm thấy một lịch sử ngắn gọn hoặc một số ví dụ hoặc so sánh cho phép trẻ em hiểu được chân lý của Thiên Chúa một cách dễ dàng hơn.
Giáo lý bắt đầu bằng một câu hỏi về công trình sáng tạo: hỏi trời đất muôn vật bởi đâu mà có?
Sau đó, chúng ta tìm thấy yếu tố liên quan đến đức tin; Thiên Chúa; tội lỗi; hỏa ngục; thiên đàng; bí tích rửa tội và thập giá. Chúng ta ngạc nhiên khi phát hiện ra sự quan tâm được thể hiện trong việc hiểu biết và bước theo Chúa Giêsu.
Liên quan đến việc cầu nguyện, giáo lý làm nổi bật Kinh Lạy Cha và giải thích từng lời cầu xin. Phương pháp tương tự được sử dụng trong việc giải thích các phần của Kinh Tin Kính (chúng ta lưu ý ở đây một chi tiết thú vị, cụ thể là, trẻ em được khuyến khích đọc những kinh này bằng tiếng Latinh và tiếng Pháp). Bí tích Thánh Thể và Sám Hối được giải thích rất chi tiết trong khi các bí tích khác được trình bày ngắn gọn hơn.
Giáo lý kết thúc bằng một lời giải thích về các thói quen đạo đức của thời đại đó, một quá trình trong đó người ta có thể tận hiến ngày sống cho Chúa và sống mỗi ngày trong sự hiện diện của Chúa. Chúng ta nhớ ở đây quy luật sống mà Louise đã rút ra khi bà ba mươi sáu tuổi.
Sau khi tra cứu sứ vụ giáo dục của Louise, chúng ta có thể kết luận rằng, cô đã coi việc giảng dạy và giáo dục là một sứ vụ, như một sự kéo dài của sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô khi ngài còn cư ngụ ở đây trên trần gian. Đây là một niềm đam mê thầm kín về giáo dục của cô và đây là di sản mà thánh nữ đã truyền lại cho chúng ta, các thành viên của gia đình Vinh sơn, một di sản chứa đựng những giá trị thiêng liêng và nhân văn mà chúng ta được khuyến khích để truyền đạt cho người khác, khi chúng ta tham gia đào tạo cần thiết cho trẻ em và thanh niên nam nữ.
Những thách đố của một nhà đào tạo Vinh Sơn
Theo những gì chúng ta đã trình bày liên quan đến sứ vụ của Louise với tư cách là một nhà giáo dục, chúng ta hiện có thể liệt kê các nguyên tắc hoặc đặc điểm sau đây của các nhà đạo tạo Vinh Sơn:
-
-
- Các nhà đào tạo Vinh Sơn phải sống theo sứ vụ của mình như một ơn gọi; họ phải cảm nghiệm bản thân như được Chúa kêu gọi cộng tác trong kế hoạch cứu rỗi liên quan đến học sinh hay sinh viên của họ. Họ phải xem mình là những khí cụ của Chúa và cho phép bản thân được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
- Nhận thức được sự vĩ đại của sứ mệnh của họ, họ nên sống cuộc sống của họ với sự đơn sơ, nhiệt thành và vui tươi; họ nên dành điều tốt nhất của bản thân vào việc phục vụ các học sinh, sinh viên của họ. Mỗi ngày họ nên tự khuyên mình nên yêu thương vị tha và phục vụ cách quảng đại.
- Mục tiêu chính của họ phải là sự một sự đào tạo thống nhất về các nhân vị và do đó họ nên đặt tầm quan trọng vào việc truyền đạt tin vui của Phúc Âm. Cuộc sống của họ nên thanh bạch và họ nên mặc lấy những giá trị tinh thần và nhân bản mà họ mong muốn truyền đạt cho người khác
- Họ nên làm việc theo nhóm và hợp tác với nhau; họ nên được thống nhất trong phương pháp và tiêu chí của họ và sẽ mang lại sức sống cho những lý tưởng của Gia đình Vinh Sơn.
- Họ sẽ thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với những người trẻ nam nữ, những người dễ tổn thương, nhút nhát hoặc vì một lý do nào đó bị thách thức và / hoặc sống trong một tình huống khó khăn. Với đôi mắt và trái tim rộng mở, họ sẽ mở rộng bản thân đến những người bị lãng quên và thờ ơ nhất. Họ sẽ cố gắng truyền đạt mối quan tâm tương tự này đến các sinh viên của họ và do đó khuấy động nơi những người người trẻ nam nữ này một thái độ liên đới với những ai thiếu thốn nhất.
- Họ nên được tham gia vào một quá trình đào tạo trường kỳ để có thể cung cấp cho sinh viên của họ một nền giáo dục chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày nay.
- Các nhà giáo dục Vinh Sơn nên hợp tác trong việc đào tạo các nhà giáo dục mới, để ngọn đuốc của đoàn sủng Vinh Sơn có thể được truyền lại cho những thế hệ tương lai.
-
Hiện tại và tương lai
Sau hơn bốn thế kỷ, hạt giống nhỏ này được gieo trồng bởi Louise de Marillac đã phát triển thành một cây nhiều hoa trái và lan rộng trên toàn thế giới. Những lời dạy dỗ của thánh nữ có một giá trị vững bền và vẫn thức thời cho đến ngày nay.Trước những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trong xã hội của chúng ta, những thay đổi gây bối rối và khiến chúng ta cảm thấy bất an và lo lắng khi chúng ta đối mặt với một tương lai không chắc chắn, đời sống và sự giáo dục của Louise giúp chúng ta bình tĩnh đối mặt với thực tại và tương lai một cách bình tĩnh, can đảm và táo bạo.
Giáo dục sẽ luôn là một trong những sứ vụ ưu tiên của các Nữ Tử Bác Ái. Các chị em, tuy nhiên, sẽ phải mở những con đường mới, ở những nơi mà nhu cầu cấp thiết của thời đại kêu gọi họ để phục vụ. Xã hội phát triển, cần thay đổi và do đó, việc phục vụ của các Nữ Tử Bác Ái phải đáp ứng với những thách thức mới này.
Khi chúng ta nhìn về tương lai, hai mục tiêu phải hướng dẫn những nỗ lực của chúng ta:
-
-
- Việc tìm kiếm và đón nhận những người bị lãng quên nhất. Các trung tâm giáo dục của chúng ta phải luôn luôn mở ra cho các hình thức mới của nghèo đói và sự hiện diện của chúng ta với tư cách là nhà giáo dục nên cởi mở để đối đầu với các nhu cầu hiện tại.
- Giáo dục đức tin là một trong những yêu cầu cấp thiết của xã hội hiện tại của chúng ta. Sự nghèo khó lớn nhất là sự thiếu hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô. Trẻ em và thanh thiếu niên cần được đào tạo trong các lĩnh vực giá trị, do đó sự đào tạo tôn giáo là rất quan trọng.
-
Ngày nay, xã hội bao quanh chúng ta là một xã hội thờ ơ với Thiên Chúa. Các trung tâm giáo dục của chúng ta cung cấp cho chúng ta một cơ sở để loan báo Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô không chỉ cho trẻ em và thanh niên nam nữ, mà còn cho các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và những người theo cách nào đó cộng tác trong sứ vụ giáo dục của chúng ta.
Đây là sứ mệnh của chúng ta: trở thành những nhà giáo dục của bác ái, người mà gieo niềm hy vọng, niềm vui, bình an và đức tin.
Chúng ta hãy mang ngọn đuốc mà Louise đã trao cho chúng ta. Chúng ta hãy cho phép mình được chiếu sáng bởi gương sáng của thánh nữ và chúng ta hãy trung thành truyền lại gia tài này cho trẻ em và thanh niên nam nữ mà Chúa đã giao phó cho chúng ta.
Gieo hạt
Tôi kết thúc bài trình bày này bằng một câu chuyện đơn sơ dành riêng cho những giáo viên/nhà giáo dục, người mà ngày nay, hơn bao giờ hết, thấy khó khăn để làm sao những hạt giống mà họ đã gieo trồng sẽ đơm hoa kết trái, những người cảm thấy khó khăn như thế nào để hy vọng rằng làm sao họ lắng đọng lại trong trái tim của những người trẻ nam nữ trong các lớp học của họ, làm thế nào hy vọng này sẽ trở thành hiện thực. Câu chuyện đơn sơ này cũng dành riêng cho các bậc cha mẹ của những người trẻ, vì là các bậc làm cha làm mẹ, họ là những nhà giáo dục chính của con cái họ.
Một lần có một người chàng thanh niên đi làm trên một xe buýt. Tại một trạm xe buýt kế trạm xe mà anh vừa lên, thì có một người phụ nữ lớn tuổi cũng lên xe buýt và bà muốn ngồi bên cửa sổ. Bà đã mở một cái túi ra và trong suốt hành trình, bà đã ném thứ gì đó ra ngoài cửa xe. Bà đã luôn luôn có thói quen như thế và một ngày nọ, người thanh niên, người bị hiếu kỳ bởi hành động của bà, anh đã hỏi bà bà đã ném thứ gì ra ngoài cửa xe. Người phụ nữ lớn tuổi trả lời: ô! chúng là hạt giống! Hạt giống gì? Người thanh niên hỏi. Hạt giống hoa …..mà anh thấy khi tôi gieo xung quanh mặt đất rất cằn cỗi. Nhưng hạt giống rơi xuống nhựa đường và chim cũng ăn những hạt giống đó, bà thực sự tin rằng những hạt giống ấy sẽ bén rễ à? Có, tôi tin chứ, nhưng chúng sẽ cần thời gian để lớn lên. Tôi làm những gì tôi có thể.
Những cơn mưa sẽ đến… và người phụ nữ lớn tuổi tiếp tục ném những hạt giống ra ngoài cửa xe. Vài tháng sau đó khi người thanh niên đang nhìn ra cửa sổ xe buýt, anh ta thấy những bông hoa dọc bên đường với đầy màu sắc và xinh đẹp. Người thanh niên nhớ đến người phụ nữ lớn tuổi và hỏi tài xế xe buýt về bà, nhưng tài xế nói với anh rằng bà đã chết.
Người thanh niên trở về chỗ ngồi của mình và nhìn vào khung cảnh nghĩ rằng: những hạt hoa đã bén rễ rồi lớn lên và lề đường rất đẹp đẽ, nhưng người phụ nữ đó không bao giờ nhìn thấy thành quả của công việc của mình. Công việc của bà ấy có ích gì? Đột nhiên, anh thấy một bé gái chỉ ra ngoài cửa xe và nói với cha cô, nhìn kìa, papa, ôi những bông hoa thật đẹp! thế rồi, từ đó trở đi người ta nói rằng, người thanh niên đã luôn lên xe với một túi hạt giống hoa trên tay.
Các nhà giáo dục Vinh Sơn, theo bước chân của thánh Louise de Marillac, thực hiện sứ mệnh của mình là những nhà giáo dục với lòng nhiệt thành, niềm đam mê và niềm vui, họ tiếp tục gieo hạt hy vọng, những hạt giống của vĩnh cửu, người khác sẽ gặt hái thành quả từ công việc của họ và vui mừng… chính theo cách này, Louise de Marillac đã sống ơn gọi là một nhà giáo dục.
Lễ thánh Louise de Marillac (09/05)
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM chuyển ngữ theo http://vincentians.com/
[i] SWLM: Spiritual Writings, tức tập Bút Tích Thiêng Liêng của thánh Louise de Marillac, được biên tập và dịch bởi sơ Louise Sullivan, DC, (New City Press, New York, 1991). SWLM: 217 [L.192]: SWLM là tên tác phẩm, theo sau là số trang, theo sau là [số của lá thư sẽ được đặt trong ngoặc] — vào chỗ khác, chữ cái A hoặc M sẽ xuất hiện trong ngoặc đơn và đây là các tham chiếu đến các tác phẩm khác của Louise. Các ghi chú trong bài viết này được lấy từ phiên bản tiếng Anh.