TÌNH YÊU CÓ SÁNG KIẾN ĐẾN VÔ TẬN:
NÓI VỀ THÁNH THỂ
TRONG TRUYỀN THỐNG VINH SƠN
Tác giả : ROBERT P. MALONEY CM
Vincentiana – 2003 Vol 02. #8
Cha Robert P. Maloney, CM,
Bề Trên Tổng Quyền thứ 23 của Tu Hội Truyền Giáo,
đang sống ở Philadelphia.
Chuyển ngữ: Lm GB Nguyễn Quốc Thư CM
Trong Gia đình của chúng ta, chúng ta thường trích dẫn lời nói của thánh Vinh Sơn: “Tình yêu có sáng kiến vô tận” (SV XI, 1146). Thông thường, chúng ta dùng trích dẫn này để động viên những người khác có sáng kiến về mục vụ, đáp ứng với những hình thái mới về khó nghèo, sáng kiến trong các chương trình huấn luyện mới cho các người lãnh đạo giáo dân và cho hàng giáo sĩ, để nghiên cứu những cách thức bài trừ tận gốc rễ những nguyên nhân gây khó nghèo. Đúng ra, khi việc sử dụng cường điệu những lời của thánh Vinh Sơn đã có thể xảy ra, thì bối cảnh thật sự của những lời này hoàn toàn khác. Những lời này qui chiếu về việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Thánh Vinh Sơn, khi nói với một thầy đang hấp hối vào năm 1645, đã huấn dụ thầy nghĩ về Lòng thương xót Chúa. Sau khi mô tả nhiều dấu chỉ về tình thương dịu hiền của Chúa, ngài nói với thầy rằng, Đức Giêsu, thấy trước cái chết của mình, không muốn bỏ các người theo Ngài cô đơn. Chúa sợ rằng do sự vắng mặt của Chúa, con tim của họ trở nên giá lạnh. Và vì thế, thánh Vinh Sơn nói với thầy, “vì tình yêu có sáng kiến đến vô tận…Chúa đã lập bí tích đáng tôn thờ này dùng làm của ăn và của uống cho chúng ta… Vì tình yêu hăm hở làm mọi sự có thể làm, thế nên Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể” (SV XI, 146).
Trong bài này, tôi nêu lên vài suy nghĩ về Thánh Thể trong truyền thống Vinh Sơn.
[Somewhat surprisingly, the biography on St Vincent de Paul and the Eucharist is not bundant. I found the following works particularly helpful: Rafael Sainz, “Eucaristia” in Diccionario de Espiritualidad Vincenciana (Salamanca: CEME, 1995) 227-232; Jean-Pierre Renouard, “L’Eucharistie à la lumìere de la spiritualité de Saint Vincent” in Bulletin des Lazaristes de France (No 178; July 2001); Etienne Diebol, “Notre ‘heritage eucharistique’ selon Saint Vincent” in Bulletin des Lazaristes de France (No 79; April 1981) 1-10. There are many brief treatments of this matter in biographies of Saint Vincent de Paul and otherbooks on his spirituality].
Theo một phương pháp mà tôi đã sử dụng trong nhiều trường hợp, tôi sẽ chia những suy nghĩ này thành ba phần:
I/ Thánh Thể trong đời sống và bút tích của thánh Vinh Sơn.
II/ Vài tầm nhìn bắc cầu giữa các thế kỷ XVII và XX.
III/ Vài suy nghĩ, trong bối cảnh Vinh Sơn, về Thánh Thể ngày nay.
I. Thánh thể trong đời sống và bút tích của thánh Vinh Sơn.
Thánh Vinh Sơn không phải là một nhà thần học có hệ thống. Những công việc của ngài hiếm khi nói rõ lên một sự phân tích thần học có thứ tự, khai triển tốt về các vấn đề ngài đang nói. Phần lớn các thư từ và các bài huấn đức của ngài nhắm việc động viên cử tọa và gợi ý những cách thức thực hành sống chủ đề mà ngài viết hay đang nói. Chỉ thỉnh thoảng, như khi nói với Các Nữ Tử Bác Ái về đức hãm mình hay về kinh nguyện, ngài đã đưa ra những giải thích chi tiết về một chủ đề, nhưng ngay cả những trình bày này cũng không nguyên văn; chúng thường theo những tác giả có trình độ của thời đại.
Đang khi theo nhãn quan lý thuyết, Vinh Sơn hiếm khi là người đổi mới, các bài nói và bút tích của ngài chứng tỏ cảm quan chung tuyệt vời, sự xác tín sâu xa, sự hiểu biết theo bản năng về bản tính con người, và nhiều khẳng định đưa các điều vào thực hành. Những suy nghĩ của Vinh Sơn về Thánh Thể minh họa điều này rất rõ. Dưới đây, tôi nêu lên tám điểm chính yếu mà ngài bàn đến trong những luận bàn đây đó về Thánh Thể. Đang khi làm như thế, tôi không hề cố gắng hệ thống hóa những gì thánh Vinh Sơn, tôi nghĩ, đã không bao giờ có ý định hệ thống hóa.
1. Thánh thể là trung tâm của “đức thờ phượng” và “lòng sùng kính”.
Đối với thánh Vinh Sơn, Thánh Thể là di chúc của Chúa cho Hội Thánh. Đấy là dấu chỉ cuối cùng tình yêu của Chúa, nhờ cội nguồn này, sức sống hiện tại của Hội Thánh trổ sinh. Thánh Thể cũng là trung tâm của “đức thờ phượng” (SV XIII, 32) và là nền tảng của “lòng sùng kính” (SV IX, 5) nối kết chúng ta với tình yêu của Thiên Chúa, Cha của Ngài.
“Đức thờ phượng” và “lòng sùng kính” có những ý nghĩa đặc biệt trong các bút tích của thánh Vinh Sơn, cũng như trong những bút tích của nhiều người thời ngài. Bằng sự chính xác đáng chú ý, Vinh Sơn nói trong một lá thư của mình rằng, tâm lý của Đức Giêsu được nắm bắt trong hai chiều hướng hết sức mãnh liệt, “mối tương quan con thảo của Ngài với Cha và lòng bác ái của Ngài đối với người thân cận” (SV VI, 393). Bérulle, Olier, và các thành viên khác của Trường phái Pháp nói về “đức thờ phượng” như là sự đáp trả cơ bản của con người trước mặt Chúa, một thái độ thờ kính, thái độ của việc thánh hiến toàn bộ con người mình cho Chúa (Raymond Deville, L’’École francaise de spiritualité (Paris: Desclée, 187) 103-104). Trong một cách tương tự, trong một bài giảng rất sớm về việc Rước Chúa, Vinh Sơn nói về Thánh Thể như là “nền tảng đích thật và trung tâm của đức thờ phượng” (SV XIII 32).
Khi nói với Các Nữ Tử Bác Ái, Vinh Sơn cũng gọi Thánh Thể là “trung tâm của lòng sùng kính” (SV IX, 5). Ở đây, ảnh hưởng của thánh Phanxicô Salêsiô dường như rõ ràng. Thánh Phanxicô nhấn mạnh con tim, mô tả lòng sùng kính như là một tình yêu mau mắn, hăm hở, tích cực (André Dodin, Francois de Sales –Vincent de Paul, les deux amis (Paris: O.E.I.I, 1984) 18). Điều này tương phản chút nào đó với việc sử dụng điềm đạm hơn từ “đức thờ phượng” của Berulle (One finds a similar emphasis on “devotion” in the writing of John Eudes. Cf Bérulle and the French School. Selected Writings, edited with an introduction by William M. Thompson (New York; Palist Press 1989) 39). Vinh Sơn sử dụng cả tư tưởng và ngôn từ của Berulle và Phanxicô trong việc nói về Thánh Thể.
2. Thánh Thể là hạt giống của sự phục sinh (SV XIII, 34).
Nhắc lại chương 6 của Tin Mừng thánh Gioan, Vinh Sơn nói rằng, chúng ta sẽ sống lại vào đời sống mới và vĩnh cửu, nếu chúng ta được nuôi dưỡng bằng mình và máu Chúa. Tuy vậy, Vinh Sơn nhắc nhở các người nghe rằng, họ không được chỉ đơn thuần rước Thánh Thể, mà phải rước Thánh Thể cách tốt đẹp. Trích những lời của thánh Phaolô (1Cor 11, 27-29), Vinh Sơn nói những ai rước Thánh Thể cách không xứng đáng là mắc tội chết.
Sự nhấn mạnh của Vinh Sơn về Thánh Thể như là một việc chia sẻ sự sống lại của Đức Giêsu thì khá gây ấn tượng vì, đang khi Vinh Sơn thường viết về thập giá ( Robert P. Maloney, He hears the cry of the Poor (Hyde Park, New York, Nem city Press, 1995) 30-51), những qui chiếu về sự sống lại thì tương đối hiếm trong các công việc của Vinh Sơn. Trong bài giảng thứ hai trong hai bài giảng rất sớm về Việc Rước Chúa, Vinh Sơn, khi nói về Bữa ăn cuối cùng và cũng ám chỉ đến chương 6 Tin Mừng Gioan, nói rằng, “từ điều này chúng ta kết luận rằng, chúng ta sẽ sống lại và có một cuộc sống vĩnh cửu” nếu chúng ta chia sẻ máu thịt Chúa (SV XIII, 34)
3. Không phải chỉ linh mục dâng hy lễ Thánh Thể. Tất cả cùng góp phần dâng hy lễ Thánh Thể. (SV IX 5).
Vinh Sơn nhấn mạnh tư cách của những người tham dự Thánh Thể. Vinh Sơn nói Các Nữ Tử Bác Ái phải đi Lễ mỗi ngày, nhưng đi Lễ với lòng sùng kính lớn lao. Ngài nhắc Các Nữ Tử Bác Ái gương của Bà Pavillon, mà lòng sùng kính được mọi người trong giáo xứ đều đã ca ngợi. Bà đã sống trong sự hiện diện của Chúa, Vinh Sơn nói. Khi dự Thánh Lễ, hầu như bà đã vô cảm đối với những sự việc khác (SV IX, 5).
Trong bối cảnh này, Vinh Sơn diễn tả ước muốn của ngài là các sơ sẽ được huấn luyện kỹ về ý nghĩa của Thánh Thể. Theo ngôn ngữ vang vọng tốt trong bối cảnh hậu Công đồng Vaticano II, ngài nhấn mạnh đến việc tham dự tích cực, khi tuyên bố tất cả những ai tham dự Thánh Lễ đều dâng hy lễ của Chúa, chứ không phải chỉ linh mục (SV IX, 5).
Để khuyến khích những người khác tham dự Thánh Lễ sốt sắng, Vinh Sơn nhấn mạnh nhiều về việc chuẩn bị:
“Bất cứ ai phải đón tiếp một người thế giá hơn mình đều băn khoăn và thận trọng suy nghĩ phải tiếp đón người đó làm sao cách xứng hợp. Anh ta chuẩn bị nhà cửa, quét dọn, trang hoàng, sắp xếp ra lệnh là không có gì nhơ bẩn trong nhà. Anh ta phải sai người đến hàng thịt, tìm kiếm trò giải trí, và còn phải quan tâm cả hàng ngàn thứ khác. Song, đối với Chúa chúng ta, các thứ đó chẳng có gì cần thiết: không công việc nào, cũng chẳng cần những lúng túng đó; không cần khích động, nhưng mỗi người có thể tự quyết định; chỉ cần suy nghĩ trong lòng làm trống rỗng những cặn bã của tâm hồn mình bằng việc ăn năn sám hối và bằng việc dốc lòng vững chắc không xúc phạm Chúa nữa (SV XIII, 37).
4. Thánh Thể hàm chứa lời ngợi khen và việc tạ ơn (SV XI, 165).
Thành Vinh Sơn khuyến khích các linh mục và các thầy của Tu Hội Truyền Giáo sử dụng việc cử hành Thành Lễ như một dịp cho việc dâng lời tạ ơn Chúa về ơn ban hàng ngày mà Chúa ban xuống cho Tu Hội. Vinh Sơn nói về Thánh Thể như là một nguồn của “việc ngợi khen và vinh quang” (SV III, 371).
Vinh Sơn nói với Các Nữ Tử Bác Ái rằng, nếu chúng ta tham dự tốt Thánh Lễ, chúng ta sẽ cẩn trọng tạ ơn Chúa. Vinh Sơn thêm rằng, nếu chúng ta trung thành với việc tạ ơn trong Thánh Lễ, chúng ta sẽ tiếp tục kéo ơn mới trên chúng ta và tiến lên cao hơn về mức thiện toàn và tình yêu (SV III, 339).
5. Thánh Thể là lương thực (SV XIII, 34) và thuốc chữa bệnh (SV III, 371; XIII, 32), một trường học tình yêu và một nguồn bình an.
Vinh Sơn thường dùng từ ngữ “lương thực” (SV XIII, 34) khi ngài nói về Thánh Thể. Như bánh và rượu nuôi dưỡng thân thể, cũng vậy món quà thánh hiến nuôi dưỡng linh hồn.
Thánh Thể, đối với Vinh Sơn, cũng là thuốc giải độc, thuốc chữa bệnh, một sự bồi dưỡng (SV III, 371) cho sự yếu nhược thiêng liêng của chúng ta. Ngài cũng mô tả Thánh Thể như một nguồn tha thứ cho những người tội lỗi (SV III, 371). Vinh Sơn tuyên bố rằng, Thánh Thể là “sự bồi dưỡng hiệu quả nhất” chống lại những bệnh tật thiêng liêng (SV IX, 298).
Ngài nói với Các Nữ Tử Bác Ái rằng, các chị phải đi dự Thánh Thể để học “yêu, giúp đỡ lẫn nhau, thân tình” (SV IX, 298). Nơi trường học của Thánh Thể, các chị sẽ học được tất cả các nhân đức cần thiết để giúp đỡ những người nghèo.
Khi nói về Thánh Thể, thánh Vinh Sơn nói với Các Nữ Tử Bác Ái: “Các con gái ơi, thật là một ơn phúc! Chắc chắn rằng, chúng ta được Thiên Chúa đoái nhìn, được Thiên Chúa quan tâm, được Thiên Chúa yêu thương” (SV IX, 333).
Thánh Thể sẽ là, Vinh Sơn cũng nói với Các Nữ Tử, một nguồn bình an và thanh thản của con tim các chị. Thánh Thể sẽ ban cho các chị sự tin cậy rằng, các chị thực sự được kết hiệp với Chúa (SV IX, 237). Trái lại, Vinh Sơn thường cảnh báo chống lại việc rước Lễ khi các chị bất hòa (SV IX, 101), khi trưng dẫn Mt 5, 23-24: “Nếu các ngươi đem của lễ đến bàn thờ và ở đó các ngươi nhớ lại rắng anh hay chị em các ngươi có điều gì chống lại các ngươi, thì hãy để của lễ của ngươi ở bàn thờ, trước tiên đi làm hòa với anh chị em ngươi, và rồi đến và dâng của lễ của ngươi”.
6. Thánh Thể làm chúng ta nên một với Thiên Chúa (SV IX, 237).
Vinh Sơn nói với Các Nữ Tử Bác Ái rằng, nếu chúng ta tiếp rước Thánh Thể cách tốt lành, chúng ta trở nên “une même chose” (nên một) với Thiên Chúa. Vinh Sơn nói rất hùng biện: “Các con gái ơi, một trong các lợi ích chúng ta nhận được từ việc Rước Lễ tốt lành là chúng ta trở nên một với Chúa. Gì thế! Một Nữ Tử Bác Ái tội nghiệp, người mà trước khi Rước Lễ thuần túy những gì chị là, nghĩa là, chị là một sự vật chẳng đáng giá gì, bây giờ trở nên một với Chúa! A! các con gái ơi, ai muốn lơ là với một ân huệ như thế? Ôi! Thật là một ơn phúc lớn lao! Các con gái ơi, các con nghĩ đó là gì, lại không là sự bảo đảm cuộc sống vĩnh hằng! Các chị em thân mến, chúng ta có thể hiểu một điều lớn lao hơn sao! Ôi, giờ đây, không thể có điều lớn lao hơn là một thụ tạo đáng chê trách nghèo hèn được kết hiệp với Chúa; ôi, chớ gì nó mãi mãi được hạnh phúc!” (SV IX, 237).
7. Thánh Thể là nguồn rao giảng Tin Mừng hiệu quả (SV IX, 239; SV IX, 339).
Vinh Sơn nói với Các Nữ Tử Bác Ái rằng, chính nơi Thánh Thể, họ sẽ thực sự học được thế nào là yêu: “Hãy đến với Thánh Thể nhân danh Chúa! Chính nơi Thánh Thể các chị em phải đến để học Yêu!” (SV III, 298). Ngài cũng nói với các chị: “Khi chị em thấy Một Nữ Tử Bác Ái phục vụ người bệnh với tình yêu, sự dịu hiền và sự chăm sóc tuyệt vời, chị em có thể không ngần ngại nói: ‘chị này đã rước lễ cách hoàn hảo’” (SV, IX, 333). Ngài nói cách tương tự với các thành viên của Tu Hội: “Anh em ơi, anh em lại không cảm thấy, anh em lại không cảm thấy lửa này của Chúa cháy trong anh em khi anh em rước thân mình đáng tôn thờ của Đức Giêsu trong Việc Rước Lễ sao?” (Abelly. III, 77).
Vinh Sơn thường nói với Các Nữ Tử Bác Ái rằng, họ phải phục vụ người nghèo không chỉ về thể xác, mà còn về thiêng liêng. Thánh Thể sẽ cung cấp cho họ sự khôn ngoan và lòng can đảm họ cần để đem lời đức tin, hy vọng và an ủi cho những người bị bỏ rơi. Vào một buổi huấn đức, nói ngày 22/01/1646, thánh Vinh Sơn tuyên bố: “Các con gái ơi, các con nghĩ rằng, Thiên Chúa chỉ mong các con đem cho người nghèo của Ngài một miếng bánh, miếng thịt, ít cháo và thuốc men thôi ư? Ô! Không, không, không đâu, các con gái ơi, đó không phải là ý định của Ngài khi chọn các con từ thuở đời đời thực thi những việc phục vụ Ngài mà các con làm cho Ngài nơi người nghèo; Chúa mong các con cung cấp những nhu cầu của linh hồn cũng như những nhu cầu của thân xác. Người nghèo đang cần man na từ trời; người nghèo đang cần Thần Khí Chúa, và ở đâu các con sẽ tìm được sự cần thiết ấy để các con thông chia cho họ? Trong việc Rước Chúa, các con gái ơi.” (SV XI, 239).
8. Tư cách nền tảng cho viêc cử hành Thánh Lễ là “môt sự hiểu biết sống động về tình yêu mà Chúa tỏ cho chúng ta trong bí tích này, và sự đáp trả, tình yêu lẫn nhau về phần chúng ta” (SV XIII, 31).
Cách cơ bản, thánh Vinh Sơn thúc dục những ai đang cử hành Thánh Lễ phải có tinh thần của Đức Kitô, khi Vinh Sơn tuyên bố rằng, chúng ta phải nên đồng hình đồng dạng, hết sức có thể, với Đức Giêsu, khi Ngài đã tự hiến làm hy lễ cho Cha hằng hữu của Ngài (SV XI, 93).
Khi nhấn mạnh điểm này vào lúc kết thúc buổi huấn đức cho Các Nữ Tử Bác Ái vào ngày 22/10/1646, thánh Vinh Sơn cầu nguyện lớn tiếng:
“Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con, Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc của con, người dễ thương nhất và yêu thương nhất trong tất cả mọi người, Chúa đã thực thi bác ái và sự chịu đựng cách vô song hơn tất cả mọi người; Chúa đã nhận nhiều sai trái và sự sỉ nhục và đã không oán giận gì. Xin Chúa vui lòng lắng nghe lời kinh khiêm tốn nhất chúng con dâng lên Chúa, xin Chúa dủ lòng thương ban cho Tu Hội này tinh thần bác ái đang thiêu đốt Chúa và tinh thần dịu hiền và chịu đựng mà Chúa tỏ ra đối với kẻ thù của Chúa, để, nhờ việc thực hành các nhân đức này, dự định đời đời và ý muốn đáng tôn thờ của Chúa được thực hiện trong Tu Hội này, để Tu Hội có thể làm vinh danh Chúa bằng việc noi gương Chúa và, nhờ gương của Tu Hội, đem các linh hồn vào việc phục vụ Chúa và trên tất cả những điều khác, Lạy Chúa con, để Tu Hội của Chúa, nhờ việc chịu đựng lẫn nhau, có thể làm cho Chúa vui” (SV IX, 298-299).
Thánh Lễ phải được dâng, Thánh Vinh Sơn nhấn mạnh, theo cùng tinh thần mà Đức Giêsu đã dâng chính mình cho Cha của Ngài (SV XI, 93). Trong một bài huấn đức cho các linh mục và các thầy của Tu Hội Truyền Giáo, Vinh Sơn tuyên bố rằng, trong việc dâng Thánh Lễ, chúng ta phải, hết sức có thể, có tư cách mà chính Đức Giêsu đã có trong việc dâng hy lễ của Ngài (SV XI, 93). Ở đây lần nữa, Vinh Sơn quay về với chủ đề sùng kính, khi tuyên bố rằng, chúng ta không được chỉ dâng Thánh Lễ mà còn phải dâng Lễ với lòng sùng kính tuyệt vời nhất có thể (SV IX, 5).
II. Vài chân trời bắc cầu giữa các thế kỷ XVII và XX.
Những thay đổi lớn đã xảy ra trong thần học về Thánh Lễ từ thời của thánh Vinh Sơn. Ngài đã sống trong thời hậu Công đồng Triđentinô, khi nhiều môn thần học, cả hai phía Công Giáo và Tin Lành, đã có âm điệu rõ ràng bút chiến. Chúng ta sống trong thời đại kết, trong đó, các người dự phần trong đối thoại dấn thân vào sự hiểu biết lẫn nhau lớn hơn.
Trong thời của Vinh Sơn, một cuộc tranh cãi dữ dội đã xảy ra liên quan đến việc Rước Lễ thường xuyên, một kết quả được giải quyết cách dứt khoát chỉ vào lúc bắt đầu thế kỷ XX. Người bạn của Vinh Sơn, Tu viện trưởng Saint- Cyran, rơi vào bùa mê thuyết Jeansenius, đã thành một trong các người đề nghị chủ chốt về sự cần thiết đối với việc chuẩn bị quan trọng tối hậu cho việc rước Lễ và kết quả là cần phải duy trì sự làm chậm lại việc rước lễ. Vinh Sơn được mời chứng tỏ chống lại ông ta (SV XIII, 86) vào năm 1639. Năm 1648, Vinh Sơn viết một thư dài cho Jean Dehorgny, trong thư Vinh Sơn bác bỏ, cách chi tiết đáng để ý, học thuyết được một người khác theo Jeansenius, Antoine Arnaud, giới thiệu trong sách của ông ta Về Việc Rước Lễ Thường Xuyên (SV III, 362), trong sách, Arnaud lặp lại nhiều tư tưởng của Saint-Cyran. Thật thú vị khi ghi nhận rằng, Vinh Sơn, trái với những trào lưu của thời ngài, đã khuyên rước lễ thường xuyên và cả rước lễ hằng ngày.
Để vắn tắt, tôi xin đề cập ở đây chỉ ba sự thay đổi về tầm nhìn ý nghĩa nhất, ảnh hưởng trên vấn đề này đã xảy ra giữa các thế kỷ XVII và XX.
1. Những nghiên cứu Kinh Thánh thời hiện đại.
Từ thời Vinh Sơn, phương pháp giải thích Kinh Thánh đã thay đổi đáng kể. Một số yếu tố đã góp phần cho việc thay đổi này: việc tái khám phá ra các bản văn cổ xưa tiền-Kinh Thánh, Kinh Thánh, sau-Kinh Thánh; việc phát triển phương pháp phê bình lịch sử; việc nghiên cứu khảo cổ học; và một đối thoại đại kết về các vấn đề Kinh Thánh, đặc biệt với các Giáo Hội Tin Lành các ngành chính. Những phát triển này đã đưa tới một sự hiểu biết sâu xa hơn về nhiều bản văn Kinh Thánh, gồm cả những bản văn liên quan đến bối cảnh Do-thái về những bữa ăn tạ ơn và những trình thuật Thánh Lễ trong Tân Ước.
Chúng ta đã gặt hái được những lợi ích của những thay đổi này chủ yếu trong hạ bán thế kỷ XX. Trong truyền thống Công Giáo, Thông điệp Divino Afflante Spiritu (1943) đã mở cửa cho sự học hỏi Kinh Thánh được canh tân, phong phú, mà đến lượt mình, Thông điệp dã ảnh hưởng trên các Hiến Chế của Vaticano II: Hiến chế Tín lý về Mạc Khải của Chúa (Dei Verbum), Hiến chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Cocilium), và Hiến Chế tín lý về Hội Thánh (Lumen Gentium). Các tài liệu này nhấn mạnh về lời được mạc khải, về sự hiệp nhất giữa lời và bí tích, về mối tương quan giữa Hội Thánh và bí tích, và về Thánh Lễ như là một cử hành tích cực, tham dự vào sự chết và sự phục sinh của Chúa.
2. Phong trào phụng vụ.
Thánh Vinh Sơn rất chú ý về phụng vụ. Ngài đã ghi nhận rằng, các linh mục thời của ngài thường đã cử hành Thánh Lễ cách tồi tệ, và rằng các linh mục hầu như không biết công thức giải tội. Như thành phần của các cuộc tĩnh tâm cho các tiến chức, ngài ra lệnh là các tiến chức phải được huấn luyện về việc cử hành phụng vụ cách tốt đẹp. Nhưng, trong bối cảnh rõ ràng này, Vinh Sơn vẫn thuộc người của thời đại mình. Nhấn mạnh của thời đại là trên việc tuân giữ chính xác luật chữ đỏ. Ít có sự nhấn mạnh về phụng vụ như là “việc cử hành chung”. Phần nhiều phụng vụ là riêng tư; trong nhà cộng đoàn, các linh mục cử hành Thánh Lễ cá nhân mỗi ngày, có lẽ với một người giúp. Các cử hành phụng vụ thường được coi là phần của “lòng đạo đức cá nhân” của linh mục hơn là phần của việc lãnh đạo một cộng đoàn địa phương trong kinh nguyện.
Phong trào phụng vụ, bắt đầu vào hạ bán thế kỷ XIX, nhắm việc thăng tiến việc tham dự đầy đủ, tích cực của tất cả các thành viên của cộng đoàn Kitô hữu, mỗi người theo vai trò của mình. Qua các cố gắng kiên trì, các học giả, các mục tử như Prosper Guéranger, Lambert Beaudoin, Virgil Michel, Joseph Jungmann, Balthasar Fisher, Martin Hellriegel, Godfrey Diekmann, Frederick McManus Annible Bugnini, Carlo Braga, và nhiều người khác từ từ đã canh tân việc giáo dục phụng vụ và thực hành phụng vụ. Việc cải tổ mà họ thăng tiến đã được chấp nhận trong Hiến chế về Phụng vụ thánh của Công đồng Vat II.
Phong trào phụng vụ (Annibale Bugnini, La Riforma Liturgica) và sự bổ sung của Hiến Chế về Phụng Vụ đã thay đổi những thái độ và những thực hành cách sâu sắc. Hiến chế về Phụng vụ đã công bố phụng vụ như một thượng đỉnh mà mọi hoạt động của Giáo Hội hướng tới và đồng thời là nguồn từ đó mọi nhân đức bắt nguồn (Sacrosanctum Concilium 10). Năng lực lớn lao mà Giáo Hội đã đầu tư vào việc cải tổ phụng vụ suốt nửa thế kỷ qua chứng tỏ vai trò cực kỳ quan trọng mà việc cải tổ phụng vụ chiếm giữ trong dời sống của cộng đoàn Kitô hữu (Documenta ad Instaurationem Liturgicam Spectania 1903-1963, Rome: CLV- Edizioni Liturgiche, 2000).
Trong thực hành, hạ bán thế kỷ XX đã thấy những thay đổi đáng kể về phương diện cử hành Thánh Lễ: nghi thức Thánh Lễ mới, phụng vụ bằng tiếng địa phương, việc đồng tế, việc rước lễ dưới hai hình, kinh nguyện Thánh Thể khác nhau, việc chọn lựa phong phú hơn các bài đọc Kinh Thánh, và nhiều việc khác.
3. Việc đối thoại đại kết.
25 năm qua đã chứng kiến những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng những chiếc cầu và trong việc làm phong phú lẫn nhau giữa những quan điểm thần học Công Giáo Rôma, Lutherô và Mêtôđích liên quan đến Thánh Lễ (“The Eucharist: Final Report on the Joint Roman Catholic-Lutheran Commission, 1978,” in Growth in Agreement 190-214;…) Thần học về Thánh Lễ của Giáo Hội Orthodox, với sự nhấn mạnh về việc rước lễ (koinonia) đã giúp cách đáng kể trong cuộc đối thoại này (“Joint International Commission for Roman Catholic/Orthodox Theological Dialogue, “The Church, The Eucharist and the Trinity,” in Origins 12 91982):157-160). Từ quan điểm thần hoc này, Giáo Hội cử hành và, qua Thánh Lễ, làm cho sự hiệp thông của Giáo Hội với Chúa Cha, trong Chúa Con, nhờ quyền năng của Thần Khí Thánh nên đích thực. Nhờ món quà tình yêu Thánh Lễ của Đức Kitô, Giáo hội được giải thoát khỏi tội lỗi và các thành viên của Giáo Hội được kết hiệp với nhau và với Chúa. Cộng đoàn, được kêu gọi cùng nhau, nhờ Thần Khí Thánh, qui tụ quanh bàn thờ Thánh Lễ để cử hành bí tích tưởng nhớ về sự chết và sự phục sinh cứu độ của Đức Kitô.
Nhờ đối thoại đại kết, nhiều bất đồng kéo dài lâu nay giữa các Giáo hội về Thần học Thánh Thể đã được vượt qua, và bầu khí bút chiến trước nay đã được xua tan rộng rãi, ít ra giữa những người Công Giáo, Orthodox, và các Giáo hội Tin lành các ngành chính.
III. Vài suy nghĩ, trong bối cảnh Vinh Sơn, về Thánh Thể ngày nay.
Hiến Pháp mới của cả hai Tu Hội Truyền Giáo và Nữ Tử Bác Ái cung cấp một bản tóm ngắn gọn, diễn tả tốt về Thần học Thánh Thể của Vaticano II.
Bản văn của Hiến pháp Tu Hội Truyền Giáo:
“Mong sao đời sống chúng ta luôn quy hướng về việc cử hành hằng ngày Bữa Tiệc Ly của Chúa như hướng về đỉnh cao của cuộc sống: vì chưng, chính từ việc cử hành này, như một nguồn mạch tuôn đổ năng lực xuống cho hoạt động và sự hiệp thông huynh đệ của chúng ta. Nhờ việc cử hành phụng vụ Thánh Thể, chúng ta hiện tại hóa cuộc tử nạn và sự phục sinh của Đức Kitô, chúng ta trở nên hy lễ sống động trong Đức Kitô, và việc rước Lễ của Dân Chúa có ý nghĩa và được thực hiện” (Hiến Pháp Tu hội Truyền Giáo 45, 1)
Bản văn của Hiến Pháp Nữ Tử Bác Ái:
“Ý thức về tầm quan trọng sống chết của Thánh Thể như là trung tâm của đời sống và sứ vụ của mình, các chị em qui tụ quanh Thánh Thể cách đặc biệt mỗi ngày. Nơi đó, các Kitô hữu “được học hỏi Lời Chúa, được ăn uống nghỉ khỏe tại bàn Thân mình Chúa, và tạ ơn Chúa” (Sacrosanctum Concilium, 48). Trong việc ngợi khen Chúa, lắng nghe Lời Ngài, nài xin Chúa, các chị em làm việc đó không chỉ nhân danh riêng mình nhưng nhân danh toàn thể nhân loại mà những niềm vui, hy vọng, nỗi buồn và khắc khoải của họ các chị em đều mang (Gaudium et Spes, 1). Các chị em tự hiến mình với Đức Giêsu Kitô trong mầu nhiệm Hy Lễ Phục Sinh của Ngài, để cuối cùng Chúa có thể là mọi sự cho tất cả.” (Hiến Pháp Tu Hội Nữ Tử Bác Ái 2, 12).
Như một bổ túc cho các bản văn này, tôi đề nghị dưới đây vài suy nghĩ hiện đại về Thánh Thể cho các thành viên Gia đình Vinh Sơn, dưới sáu nhan đề:
1. Qui tụ trong Thần Khí.
Thật cần thiết là thần học Thánh Thể phải bám rễ vững chắc trong Kinh Thánh, trong các Kinh Nguyện Thánh Thể, và trong các hành động biểu tượng kèm theo mà Giáo Hội đã cử hành và truyền giao cho chúng ta hai nghìn năm qua.
Từ các nguồn này, ngày nay chúng ta hết sức ý thức rằng, Bữa Tối của Chúa là bí tích của Giáo Hội, được cùng nhau qui tụ trong Thần Khí để công bố sự chết và sự Phục sinh của Chúa cho tới khi Ngài lại đến.
Trong những Kinh Nguyện Thánh Thể ban đầu của cả Giáo hội Đông Phương lẫn Tây Phương đều có chung, với một vài khác nhau, cấu trúc cơ bản như nhau: việc tưởng niệm Chúa (anamnesis) và việc kêu cầu Thần Khí Thánh (epiclesis). Việc thuật lại việc thiết lập Thánh Thể của Đức Giêsu đứng ở trung tâm của tất cả Các kinh nguyện Thánh Thể: “Trong đêm bị trao nộp, Người cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra…” Trình tuật này thuật lại lý do tại sao chúng ta nhớ (anamnesis): Đức Giêsu ‘ra lệnh’ “làm việc này mà nhớ đến Ta”; trình thuật cũng miêu tả những gì chúng ta nhớ: bữa tiệc ly của Đức Giêsu với những người mà Ngài “đã yêu thương đến cùng” (Ga 13, 1). Cùng chung với trình thuật này (đôi khi trước trình thuật và đôi khi sau), cộng đoàn cầu nguyện kêu cầu Chúa Cha sai Thần Khí Thánh đến thánh hóa món quà Thánh Thể và tất cả những người tiếp nhận Thánh Thể.
Các Kinh Nguyện Thánh Thể theo truyền thống cũng chia sẻ hình thức văn chương chung về địa chỉ: các kinh nguyện được hướng trực tiếp tới Chúa Cha như nguồn tất cả các ân ban. Với lòng biết ơn, những người được qui tụ cùng nhau tạ ơn Cha về tất cả những ơn Cha đã ban cho chúng ta trong Đức Kitô (tưởng nhớ), đang khi kêu cầu Cha tuôn đổ Thần Khí của Ngài để thánh hóa ân ban bánh và rượu, những người nhận bánh rượu, và toàn thể nhân loại.
Một trong các kinh nguyện Thánh Thể mới hơn chiếu soi cách rõ ràng hơn các yếu tố cấu trúc cơ bản tìm thấy trong các kinh nguyện sớm hơn (việc nhớ và kêu cầu), cũng như hình thái văn chương chung về địa chỉ (Chúa Cha).
Lạy Cha cao cả và giầu lòng xót thương, chúng con nài xin Cha:
gửi Thần Khí Thánh của Cha xuống
thánh hóa những của lễ bánh và rượu này,
để trở thành cho chúng con
Mình và Máu Chúa chúng con, Đức Giêsu Kitô,
Hôm trước cuộc chịu nạn và chết,
Đang khi ngồi bàn với những người Ngài yêu thương,
Ngài cầm lấy bánh…
Trong khi phụng vụ và thần học đương thời nhấn mạnh về Thần Khí Thánh, thì thánh Vinh Sơn, như các người khác đương thời, đã là người qui Kitô cách sâu xa, Vinh Sơn đề cao rất ít về “”Thần Khí học”. Các bút tích hiện còn của ngài hiếm khi nói tới Thần Khí Thánh và, ngay cả khi các bút tích đề cập đến, thì các qui chiếu được làm thoáng qua và vẫn hoàn toàn chưa được khai triển.
Các bút tích của thánh Louise, trái lại, thường đề cao vai trò của Thần Khí, điều đáng chú ý trong bối cảnh của thời đó. Trải nghiệm của thánh nữ về Lễ Chúa Thánh Thần năm 1623 đã là bước ngoặt trong đời của thánh nữ và là thành phần di sản thiêng liêng mà thánh nữ đã để lại cho Các Nữ Tử Bác Ái. (“Vào Ngày Lễ Chúa Thánh Thần, trong Thánh Lễ hay đang khi tôi cầu nguyện trong nhà thờ, tâm trí tôi lập tức được giải thoát khỏi những nghi ngờ. Tôi đã tin chắc rằng một thời sẽ đến khi tôi sẽ ở một nơi khấn các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục và tôi sẽ là thành phần của một cộng đoàn nhỏ nơi những người khác cũng khấn như vậy. Rồi tôi đã hiểu rằng, tôi sẽ ở một nơi tôi có thể giúp người thân cận, nhưng tôi đã không hiểu làm sao việc này khả thi vì có nhiều người đến và đi. Tôi cũng được bảo đảm rằng, tôi sẽ được bình an về vị linh hướng; mà Chúa sẽ gửi đến cho tôi một vị mà Chúa đã dường như chỉ cho tôi thấy” (Écrits spirituels, 3 [A. 2]
Sự chú ý của Louise về Thần Khí Thánh quá gây ngạc nhiên đến nỗi Calvet viết: “Tôi dám liều dùng từ ‘qui Thần Khí’ để nêu lên đặc điểm tu đức học của Louise de Marillac. Thánh nữ hiến mình hoàn toàn cho Thần Khí. Thánh nữ là một nhà thần bí về Thần Khí. Tôi chỉ trích dẫn cho độc giả những lời này – Calvet thêm: “Thần Khí đổ đầy tình yêu tinh trong của Chúa cho chúng ta – Thần Khí dạy chúng ta ngoan hiền đối với Chúa và đặt chúng ta vào tình trạng sống đời sống của Chúa” (Jean Calvet, Ste Louise de Marillac par elle-même, Paris: Aubier, 1958, 204-205).
Lại nữa, “sự qui Thần Khí” của Louise thì không liên quan cách rõ rệt đến Thánh Thể; nó chỉ là một bộ mặt của nền tu đức riêng tư của thánh nữ.
2. Nhắc nhớ những hành động cứu chuộc của Chúa bằng lời và bí tích.
Chúng ta biết, nhờ khoa nhân loại học rằng, căn tính của một dân tộc dựa trên chuyện kể của dân tộc ấy. Các quốc gia đều kể những câu chuyện về các người sáng lập của mình hay về cuộc đấu tranh giải phóng đem lại tự do cho họ. Những chuyện kể như thế được tưởng nhớ vào những ngày lễ nghỉ và được kể lại ở nhà, và ở trường học và trong các sách về lịch sử. Thông thường, một hiến pháp ghi chép những nguyên tắc hướng dẫn đã khai sinh ra một quốc gia và sẽ bảo đảm sự tiếp tục của hiến pháp. Đối với các tôn giáo, các câu chuyện thành lập được kể đi kể lại cho các tín hữu ở nhà, ở nhà thờ và các trường học và trong sách như Kinh Thánh hay Kinh Koran.
Giáo hội dựa trên trình thuật về sự chết và sự phục sinh của Chúa, mà Thánh Lễ tái diễn. Nhiều chuyện kể khác liên quan đến chuyện kể này: từ Cựu Ước, từ cuộc đời Đức Giêsu, từ cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, từ những cuộc truyền giáo đầu tiên của các tông đồ. Những kiểu mẫu khác về bản văn cũng đồng hành trình thuật: văn chương khôn ngoan, các dụ ngôn, các thánh thi ngợi khen và những chuyện về các chứng nhân nổi tiếng cho đức tin.
Vì thế, việc cử hành Thánh Lễ nhắc nhớ những việc làm cứu độ của Chúa nhờ lời và các nghi thức bí tích. Lời và bí tích liên kết cách cần thiết; thật vậy, tất cả các bí tích sử dụng lời để đồng hành và để diễn tả ý nghĩa các dấu chỉ của nghi thức. Vì lý do đó, sách nghi thức về Thánh Lễ luôn luôn được chuyện kể và khẩu nguyện kèm theo.
Đối với các thành viên Gia đình Vinh Sơn, thật quan trọng phải ghi nhận sự nhấn mạnh nhiều mà thánh Vinh Sơn đưa ra về lời Chúa. Ngài xác tín rằng, lời Chúa không bao giờ thất bại. Giống như một “ngôi nhà được xây trên đá”. Ngài thường bắt đầu các chương của sách luật, và nhiều đoạn độc đáo, bằng một trích dẫn từ Kinh Thánh. Ngài yêu cầu các thành viên của các cộng đoàn mỗi ngày đọc một chương Tân Ước. Trong một đoạn mầu mè, Abelly, sử gia đầu tiên về Vinh Sơn, ghi nhận Vinh Sơn nhiệt tình thế nào với việc lắng nghe lời Chúa: “Vinh Sơn đã dường như tiếp thu ý nghĩa từ những đoạn Kinh Thánh như một đứa bé bú sữa mẹ, và ngài rút ra cốt lõi và bản chất từ Kinh Thánh để được tăng sức và linh hồn được nuôi dưỡng nhờ chúng – và ngài đã làm điều này theo cách tới mức trong tất cả lời nói và hành động của ngài dường như ngài ngập tràn Đức Giêsu Kitô” (Abelly, III, 72-73). Trong một buổi huấn đức về “Việc giảng dạy Tin Mừng”, nói với các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo vào ngày 14/2/1659, Vinh Sơn nêu Đức Maria là người lắng nghe lý tưởng Lời Chúa. “Hơn bất cứ ai khác”, ngài tuyên bố, “Mẹ đã thấm nhiễm bản chất lời Chúa và Mẹ đã tỏ ra lời Chúa phải được sống thế nào” (SV XII, 129).
3. Lời kinh tưởng nhớ tuyệt vời của việc tạ ơn và sự chuyển cầu.
Cơ bản, từ Thánh Lễ có nghĩa là việc tạ ơn. Tân Ước lặp lại từ này thường xuyên với nghĩa này cách rõ ràng. (1Cor11, 24; Mc 8, 6; Mt 15, 36……)
Hiện nay, danh xưng sớm nhất được tìm thấy trong Tân Ước chỉ Thánh Lễ là Bữa Tối của Chúa. (1Cor 11, 20). Thứ đến, và sau này, tên Tân Ước là “Sự Bẻ Bánh” (Lc 24, 35; Cv 2, 42). Như tên Thánh Thể, những danh xưng này cũng nêu ra những khía cạnh quan trọng của nền tu đức các nghi thức diễn tả. Danh xưng Bữa Tối của Chúa nhận biết biểu tượng cơ bản của việc cử hành Thánh Thể: đó là một bữa ăn tưởng nhớ, trong đó chính Chúa hiện diện ở giữa Dân Ngài. Tên “Bẻ Bánh” nhấn mạnh Thánh Thể như một sự kiện chia sẻ, trong đó Chúa thông chia sự sống của Ngài cho các môn đệ và trong đó họ được hiệp nhất với nhau trong Ngài.
Nhưng từ thời sớm nhất, các Kitô hữu đã thấy Thánh Thể như là Bữa tiệc tạ ơn, trong sự tiếp tục với các bữa ăn và kinh nguyện tương tự theo tiếng Do thái. Người cử hành bắt đầu mỗi Kinh Nguyện Thánh Thể:
Người cử hành : Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Cộng đoàn : Thật là chính đáng việc tạ ơn và ngợi khen Ngài.
Người cử hành : Lạy Cha, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
chúng con tạ ơn Cha mọi lúc mọi nơi thật là chính đáng…
Tất cả các Kinh Nguyện Thánh Thể cổ điển đều diễn tả những lời tạ ơn Chúa Cha, tập chú vào ơn ban tạo dựng và cứu độ. Các Kinh nguyện Thánh Thể tập trung vào ơn ban Chúa Con của Chúa Cha, Đấng đã hiến mạng sống mình cho những người Ngài yêu thương.
Như đã được lưu ý trong phần I của bài viết này (I, 4), tạ ơn là một trong các chủ đề mà thánh Vinh Sơn nói đến khi nói và viết về Thánh Thể, nhưng sự nhấn mạnh của ngài không nói rõ về Kinh Nguyện Thánh Thể như là một lời kinh tạ ơn về tình yêu trung thành của Chúa trong công trình tạo dựng và ơn cứu độ. Đúng hơn, ngài động viên các anh em và các xơ tạ ơn Chúa, khi họ tham dự Thánh thể, về những ơn họ và cộng đoàn đã nhận. Còn nữa, việc tạ ơn là chủ đề rất quan trọng trong đời sống và kinh nguyện của thánh Vinh Sơn. Bằng cách mạnh mẽ gây ấn tượng, ngài công bố rằng sự vô ơn là “tội ác của những tội các” (SV III, 37).
4. Tưởng nhớ sự chết hy sinh của Đức Kitô.
Trong các Kinh Nguyện Thánh Thể, chủ tế công bố những lời của Chúa: “Đây là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con” và “đây là chén máu Thầy…sẽ đổ ra cho các con và cho tất cả được tha tội”.
Thánh Lễ công bố một thân mình bị trao nộp, máu đổ ra. Thánh Lễ tái diễn việc trao hiến chính mình của Chúa cho chúng ta. Việc cử hành Thánh Lễ nâng chúng ta bay vào mầu nhiệm đức tin, trong đó Đức Kitô đã chết, Đức Kitô đã sống lại, và Đức Kitô sẽ lại đến. Thánh Lễ công bố sự chết của Chúa cho tới khi Ngài đến, đang lúc lôi kéo chúng ta vào tình yêu tự hiến của Đức Giêsu.
Trong Thánh Lễ chúng ta tin rằng, Chúa tự hiến chính mình cho chúng ta toàn bộ con người Ngài, thân mình và máu, vì Ngài yêu chúng ta. Chúa chia sẻ chính mình với chúng ta trong sự thân thiết của tình bạn thâm sâu nhất, ban cho chúng ta sự sống của Ngài, tâm trí của Ngài, con tim của Ngài. Chúa hiện diện thực sự và trọn vẹn cho chúng ta và trong chúng ta bằng tình yêu tự hiến.
Thánh Vinh Sơn nhấn mạnh nhiều về Thánh Lễ như hy lễ. Ngài viết trong Luật chung của Tu Hội Truyền Giáo: “Không thể có một phương thế nào tốt hơn về việc tôn vinh tốt nhất có thể đối với các mầu nhiệm này (Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và Mầu nhiệm Nhập Thể) là lòng sùng kính đúng đắn, và việc hưởng dùng đúng đắn Thánh Thể, bí tích và hy lễ. Thánh Lễ, như bản chất, bao hàm tất cả các mầu nhiệm khác về đức tin và, tự Thánh Lễ, dẫn đưa những ai rước Lễ cách cung kính, hoặc cử hành Thánh Lễ cách chính đáng, đến sự thánh thiện và, cuối cùng, đến vinh quang vĩnh hằng. Theo cách này, Thiên Chúa Ba Ngôi và Ngôi Lời Nhập Thể được tôn vinh cách tuyệt vời nhất” (Luật Chung X, 3). Vinh Sơn đã xác tín mạnh về tác động của “bí tích và hy lễ” này trong việc nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô đến mức ngài thường khuyên các linh mục và các thầy của Tu Hội Truyền Giáo, và Các Nữ Tử Bác Ái, cử hành Thánh Lễ mỗi ngày (sV X, 6; IX, 5), như Hiến Pháp hiện nay của cả hai Tu Hội (Hiến Pháp TH TrG 45, 1: HP NTBA 2, 12).
5. Việc rước Mình và Máu Đức Kitô.
Biểu tượng cơ bản của các yếu tố Thánh Lễ là thức ăn và thức uống. Như Tin Mừng của thánh Gioan ghi: “Thịt Ta là của ăn đích thật, máu Ta là của uống đích thật. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sống trong Ta và Ta sống trong người ấy” (Ga 6, 55-56). Thánh Lễ là một bữa ăn, trong đó Đức Giêsu ban cho chúng ta lương thực cho hành trình của cuộc sống. Đó là bánh của người đi bộ du lịch, nguồn sức mạnh cho Dân Chúa khi chúng ta bước đi trên đường hành hương về Nước Trời.
Cấu trúc việc cử hành và những lời của các Kinh Nguyện Thánh Thể theo truyền thống làm cho Thánh Lễ rõ ràng là hành động của bí tích này, một bữa ăn tưởng nhớ lên tới cực đỉnh trong việc ăn và uống: “Hãy cầm lấy mà ăn”, “Hãy cầm lấy mà uống”. Làm như thế là chúng ta bước vào sự cảm thông sâu xa hơn với Chúa và, nhờ Ngài, với nhau là dân Ngài.
Các bút tích hiện còn của thánh Vinh Sơn rất nhấn mạnh trên sự cảm thông: sự cảm thông với Chúa trong Thánh Lễ, sự cảm thông với nhau trong cộng đoàn, và sự cảm thông với người nghèo. Trái với những người theo Jansenist, Vinh Sơn nhấn mạnh việc rước lễ thường xuyên, ngài tuyên bố rằng, Thánh Thể làm cho chúng ta nên “giống Đức Giêsu Kitô” (SV IX 238) và kết hiệp chúng ta với nhau trong tình yêu.
Những thực hành được Vinh Sơn động viên, như những lần viếng Thánh Thể và việc chầu Thánh Thể (một hình ảnh xuất hiện ở mặt tiền của ấn bản đầu tiên Luật chung của tu Hội vào năm 1658, có kèm theo những lời, “O Salutaris Hostia”), là những cách tập chú vào sự hiệp thông với Chúa mọi lúc trong ngày, ngoài việc cử hành Thánh Lễ. Hiến Pháp hiện nay của Tu Hội Truyền Giáo khuyên bảo những hình thái này hay những hình thái khác về “Lòng sùng kính Thánh Thể” như những việc nối dài lòng mộ mến Thánh Thể.
6. Một cộng đoàn được sai cách đặc biệt đến với người nghèo.
Nếu các biểu tượng là của ăn và của uống trong bối cảnh bữa ăn hy lễ, nhắc nhớ cái chết của Đức Giêsu cho tới khi Ngài lại đến, thì mục đích là sự hiệp nhất trong sự sống của Chúa và sự hiệp nhất trong sứ vụ của Ngài. Thánh Phaolô viết cho người Côrintô: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, tất cả chúng ta, tuy nhiều người, chúng ta chỉ là một thân thể, vì tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh” (1 Cor 10, 17). Sách Didache, viết khoảng năm 107, tuyên bố: “Như tấm bánh này mà chúng ta bẻ ra, một lần nữa được rải khắp các đồi núi, đã được gom lại cùng nhau và làm thành một, cũng thế ước chi Giáo Hội Chúa cũng được họp lại từ tận cùng trái đất vào Vương Quốc của Chúa” (Didache 9, 4).
Sự sống của Chúa đưa chúng ta đi tới việc truyền giáo, đặc biệt đến với các người nghèo nhất trong số những người nghèo. Kinh tiền tụng của các Kinh Nguyện Thánh thể mới hơn nêu bật việc này cách hùng biện:
Lạy Cha giầu lòng thương xót, là Thiên Chúa tín trung
Chúng con ngợi khen Cha thật là việc chính đáng phải đạo.
Cha sai Đức Giêsu Kitô, Con Cha xuống giữa chúng con
Làm Đấng Cứu Thế và làm Chúa.
Ngài đã cảm thương những người nghèo và những người không quyền thế,
các bệnh nhân và những người tội lỗi,
Ngài tự mình nên người thân cận của những kẻ bị áp bức.
Bằng những lời và các hành động, Ngài đã công bố cho thế giới rằng
Cha chăm sóc chúng con như một người cha chăm sóc con mình.
Thật cực kỳ quan trọng là không được chia lìa trình thuật về Thánh Thể khỏi những diễn từ khác của Tân Ước vể bàn tiệc Kitô giáo. Tin Mừng Luca và Sách Công vụ Tông đồ giúp chúng ta đặt Thánh Thể trong bối cảnh về việc qui tụ, trong đó Lời, kinh nguyên, của ăn và của cải phải được chia sẻ. Thánh Luca nói cho chúng ta trong Tin Mừng của ngài: “Khi ông mời ăn trưa hay ăn tối…hãy mời những người ăn xin và què quặt, những người bại liệt và mù lòa. Ông sẽ vui vì rằng họ không thể đáp trả ông, vì ông sẽ được đáp trả trong ngày sống lại của những người công chính” (Lc 14, 12-13). Trong Sách Công vụ, thánh Luca viết: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng…Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung, họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ và bẻ bánh tại gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ, họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến” (Cv 2, 42-47).
Thánh Gioan Kim Khẩu làm nổi bật mối tương quan giữa Thánh Lễ và người nghèo bằng những lời thách thức:
Bạn muốn tôn vinh thân mình Đức Kitô ư? Bạn chớ khinh thường Ngài khi bạn thấy Ngài trần truồng giữa những người nghèo; bạn cũng không tôn vinh Ngài ở đây, trong đền thờ, với những của lễ đẹp, nếu khi rời đền thờ bạn bỏ Ngài trong giá buốt và trần truồng. Vì cũng chính Đấng đã nói, “Đây là mình Ta”, và với lời của Ngài mọi sự nên hiển nhiên là Chúa đã nói thì Ngài cũng phê chuẩn: “Ta đói, và các ngươi đã không cho Ta ăn” và theo sau, “Những gì các ngươi đã không làm cho một trong các người bé nhỏ nhất này, là các ngươi đã không làm cho Ta” (Chrysostom, Các bài giảng về Tin mừng Mt, XLIX).
Trong thời đại này khi mà Giáo Hội chú trọng vào cách canh tân về việc chọn lựa ưu tiên người nghèo, thì Thánh Lễ phải canh tân những mối quan hệ của chúng ta với người nghèo của cộng đoàn cũng như với những người nghèo ở những miền đất xa xôi. Thánh Phaolô, khi được Công đồng Giêrusalem sai đi truyền giáo cho dân ngoại, tuyên bố (Gal 2, 10): “Điều qui định duy nhất là chúng tôi phải quan tâm đến người nghèo – một điều mà tôi đã cố gắng làm”.
Như đã lưu ý trong phần một của bài này (I, 7), Vinh Sơn đã thấy Thánh Lễ như là nguồn của việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả. Nói cách khác, Thánh Lễ, trong tâm trí ngài, được nối kết với cuộc sống và việc truyền giáo. Thánh Lễ là nguồn năng lực truyền giáo và nguồn năng lực các nhân đức truyền giáo mà các người theo ngài phải đưa vào việc phục vụ người nghèo.
Đang khi rõ ràng là viễn cảnh thần học về Thánh Lễ đã, như người ta hy vọng, chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời ngài, thế mà, nó có âm vang vang vọng rất tốt nơi tai của các bậc thầy và giảng thuyết hiện đại. Ngài nhấn mạnh cho tất cả sự cần thiết phải tham dự cách tích cực. Ngài nêu nổi bật không chỉ sự chết của Chúa, mà còn sự phục sinh của Chúa. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của lời ngợi khen và việc tạ ơn trong Thánh Lễ. Ngài thấy Thánh Lễ là lương thực và thuốc men cho hành trình hành hương của chúng ta. Ngài thúc dục việc rước lễ thường xuyên, nhấn mạnh rằng, việc rước mình và máu Chúa là nguồn hiệp nhất với Chúa và với nhau, và là nguồn lực truyền giáo của chúng ta, nhất là cho người nhèo.
Với sự rõ ràng thực hành thông dụng của ngài về quan điểm, Vinh Sơn đã nhận thấy và lặp đi lặp lại rằng, tư thế tốt là cốt yếu cho những người tham dự Thánh Lễ. Những ai tham dự cách tồi tệ thì chẳng được lợi ích gì (SV IX, 331), những ai tham dự cách tốt đẹp thì được biến đổi.
Nói cách hùng biện trong một buổi huấn đức vào ngày 18/8/1647, thánh Vinh Sơn nêu lên trả lời cho một nhận xét do một Nữ Tử Bác Ái:
“Ô! Một nhận xét có giá trị biết mấy! Một người đã rước Lễ tốt đẹp, thì làm mọi việc khác cách tốt lành. Nếu ngôn sứ Êlia, đã được ban thần khí gấp đôi, nên mới làm được những việc lạ lùng như thế, thì một người có Chúa trong mình, được đầy Chúa, lại sẽ không làm được gì sao?. Chị ta sẽ không hành động một mình; chị ta sẽ làm những hành động của Đức Giêsu Kitô: chị ta sẽ chăm sóc các bệnh nhân với lòng bác ái của Đức Giêsu Kitô; chị ta sẽ có sự dịu hiền của Đức Giêsu Kitô trong cả đời chị và trong buổi nói chuyện; chị ta sẽ có sự nhẫn nại của Đức Giêsu Kitô lúc chịu thử thách; sẽ có sự vâng phục của Đức Giêsu Kitô. Tóm lại, các con gái của cha ơi, tất cả các hành động của chị ta sẽ không còn là những hành động của một thụ tạo thuần túy nữa, các hành động đó sẽ là hành động cua Đức Giêsu Kitô” (SV IX, 332-333).