Thừa tác vụ của chúng ta giúp đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận – hôm qua và hôm nay

0
858

ROBERT P. MALONEY, CM

Thánh Vinh Sơn thích nói về việc đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận, cách riêng trong những năm cuối đời của ngài.[1] Vào ngày 6/12/1658 ngài nói với các thành viên: “Lúc đầu, Tu Hội được thành lập cho chính mình và người nghèo, nhưng trong thời kỳ viên mãn, Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta góp phần vào việc đào tạo nên những linh mục tốt lành, trao những mục tử tốt cho các giáo xứ, và cho họ thấy những gì họ phải biết và thực hành.”[2] Ngài hùng hồn nói về tầm quan trọng của công việc này, ngài mô tả nó trong Luật Chung như “gần bằng” với giảng đại phúc.[3] Trong những trường hợp khác, cha Vinh Sơn thậm chí còn cho rằng việc đào tạo các giáo sĩ ngang bằng với việc giảng đại phúc.[4] Trong tâm trí thánh Vinh Sơn, đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận thì rất cần thiết đến nỗi ngài biến nó thành một phần mục đích của Tu Hội khi ngài viết trong Luật Chung.[5] Về mặt này, Hiến pháp năm 1984 của chúng ta theo sát gót chân Thánh Vinh Sơn, đồng thời mở rộng công việc đào tạo bao gồm cả giáo dân: “Mục đích của Tu Hội Truyền Giáo là bước theo Chúa Kitô rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Mục đích này đạt được khi trung thành với Thánh Vinh Sơn, các thành viên dù là cá nhân hay tập thể: … giúp giáo sĩ và giáo dân trong việc đào tạo và dẫn dắt họ tham gia hết mức trong việc truyền giáo cho người nghèo.”[6]

Bài viết này sẽ tập trung vào sứ mệnh Vinh Sơn của chúng ta để giúp đào tạo hàng giáo sĩ của giáo phận. Do đó, bài này sẽ không trực tiếp đề cập đến việc đào tạo các chủng sinh Vinh Sơn của chúng ta, cũng như của giáo dân. Cả hai đều là những chủ đề rất quan trọng, nhưng tôi phải để chúng vào một ngày khác và có lẽ cho tác giả khác! Ở đây, tôi sẽ bàn luận về: 

I. Sứ vụ giúp đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận, theo cách hiểu của thánh Vinh Sơn.

II. Một số thay đổi đáng kể đã diễn ra giữa thế kỉ 17 và thế kỉ 20.

III. Vài suy tư về việc đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận ngày nay.

Khi tôi suy tư về chủ đề này, thì danh sách tên của những người anh em đã phục vụ trung thành trong sứ vụ này thật đáng chú ý như: Pierre Collet, Pierre-René Rogue, Louis-Joseph François, Jean-Henri Gruyer, Jean-Gabriel Perboyre, Fernand Portal, Guillaume Pouget, Pierre Coste, Raymond Chalumeau.

I. Việc đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận, theo cách hiểu của thánh Vinh Sơn

Tầm nhìn của thánh Vinh sơn về việc đào tạo hàng giáo sĩ rất rộng, và các chủ trương của ngài có nhiều khía cạnh. Tôi sẽ đưa ra một bản phác thảo ngắn gọn về công việc của ngài dưới sáu tiêu đề chính: sứ vụ, các cuộc tĩnh tâm cho tiến chức, các buổi Hội thảo ngày Thứ Ba, các chủng viện, các cuộc tĩnh tâm cho các linh mục, và Hội đồng cố vấn Lương tâm.

1. Giảng đại phúc

Ngay cả khi điểm này đôi khi có thể bị xem nhẹ, rõ ràng là chính các cuộc đại phúc là công việc đầu tiên mà thánh Vinh Sơn hướng năng lực của Tu hội vào việc đào tạo hàng giáo sĩ. Khi nói về các cuộc đại phúc, Abely cho rằng: “Bên cạnh những việc phục vụ được trao cho giáo dân, thánh Vinh Sơn còn muốn rằng các nhà thừa sai của ngài làm những gì họ có thể cho mọi giáo sĩ trong vùng. Ngài đã sử dụng những buổi đàm luận thiêng liêng cho mục đích này. Trong những buổi nói chuyện đó, ngài thảo luận với họ về nhiệm vụ trong các bậc sống của họ, những lỗi mà họ nên phòng tránh, những nhân đức họ nên thực hành để phù hợp nhất với bậc sống của họ, và các chủ đề tương tự khác.”[7]

Trong thực tế, các tường thuật về các cuộc đại phúc đưa ra nhiều ví dụ về cuộc sống của các linh mục đã được biến đổi bởi công việc của các nhà truyền giáo. Chúng là bằng chứng rõ rằng, từ rất sớm, việc đào tạo các giáo sĩ giáo phận trở thành mối quan tâm lớn của thánh Vinh Sơn, vì ngài nhận ra tầm ảnh hưởng của điều tốt hay điều xấu mà các giáo sĩ có thể gây ra trong đời sống của người nghèo. Ngài nói với cộng đoàn rằng chính công việc của ngài trong các cuộc đại phúc đã thu hút ngài nhận thấy tầm quan trọng của việc đào tạo các giáo sĩ tốt.

2. Tĩnh tâm cho các tiến chức

Thánh Vinh Sơn thường đề cập việc các linh mục giáo phận không chuẩn bị kỹ càng vào thời của ngài như thế nào, và ngài than thở về ảnh hưởng tai hại của các linh mục xấu. Ngài không đơn độc trong cái nhìn sâu sắc này. Bérulle, Bourdoise, Olier, Eudes, và những người khác đã đi đến cùng một kết luận vào đầu thế kỷ 17: có một nhu cầu cấp bách nhằm cải cách hàng giáo phẩm ở Pháp.

Cũng như những công việc khác, Vinh Sơn nói rằng ngài chưa bao giờ nghĩ đến việc bắt đầu tĩnh tâm cho các tiến chức.[8] Nhưng ngay cả khi đó, ngài chắc chắn đã bước vào với sự thích thú. Ngài xem các tiến chức như là “những kho tàng phong phú và quý giá nhất mà Giáo hội có thể đặt trong tay chúng ta.”[9]

Abelly kể cho chúng ta biết nguồn gốc những cuộc tĩnh tâm. Augustin Potier, Giám mục Beauvais, đã nhờ Vinh Sơn cho lời khuyên về việc cải tổ các linh mục của mình. Nhận ra khó khăn trong việc mang lại sự thay đổi trong cuộc sống của những người đã lãnh chức từ lâu, nên Vinh Sơn đã khuyên ngài nên bắt đầu với những người trẻ. Vào tháng 9 năm 1628, cùng với hai người khác, Vinh Sơn giảng một bài tĩnh tâm cho các tiến chức của Beauvais. Nó đã rất thành công. Năm 1631 các tiến chức bắt đầu đến trường Bons-Enfants để tĩnh tâm, và sau đó là St. Lazare. Đến năm 1639, tất cả các giáo sĩ sống ở Paris, bất kể họ thuộc giáo phận nào, đều phải tham gia các khóa tĩnh tâm này. Các cuộc tĩnh tâm được tổ chức sáu lần một năm cho đến năm 1643 và sau đó là năm lần một năm. Người ta nói rằng chỉ riêng tại Paris trong suốt cuộc đời của thánh Vinh Sơn, khoảng 12.000 linh mục mới được thụ phong đã tham gia các cuộc tĩnh tâm cho tiến chức.[10] Chúng nhanh chóng lan rộng từ Paris đến nhiều thành phố: Richelieu, Notre Dame de la Rose ở Giáo phận Agen, Troyes, Angoulême, Reims, Noyon, Chartres, Saintes, và những nơi khác.[11] Tại Roma, các cuộc tĩnh tâm được đưa ra trên cơ sở tự nguyện từ năm 1642 trở đi. Vào năm 1659, Giáo hoàng Alexander VII yêu cầu tất cả các tiến chức phải tham gia các cuộc tĩnh tâm tại nhà cộng đoàn Vinh Sơn.

Khoảng từ năm đến sáu trăm giáo sĩ đến nhà St. Lazare mỗi năm. Chỉ hai năm sau khi cuộc tĩnh tâm bắt đầu ở Paris, thánh Vinh Sơn viết: “Thiên Chúa nhân lành vui lòng ban phúc lành đặc biệt cho cuộc tĩnh tâm của tiến chức theo một cách ngoài sức tưởng tượng. Phúc lành này lớn đến nỗi tất cả những ai tĩnh tâm, hoặc đa số trong họ, có một cuộc sống linh mục tốt lành và hoàn hảo.”[12]

Tại trường Bons-Enfants những người tĩnh tâm có một thời khóa biểu khá kín. Họ thức dậy vào lúc 4h30 sáng để suy niệm. 5h họ nhận được những hướng dẫn về việc làm suy niệm sao cho tốt. 6h họ đọc các giờ kinh nhỏ chung với nhau. Sau đó thánh lễ được hát. Thánh Vinh Sơn rất chú trọng đến việc cử hành Thánh lễ cách trang nghiêm, như một kiểu mẫu cho các tiến chức.[13] Sau Thánh lễ, họ tụ họp để tham dự một buổi thảo luận về thần học kéo dài một giờ. Sau đó, họ chia thành các nhóm gồm mười hoặc mười hai người để thảo luận về chủ đề của buổi hội thảo. Trong bữa trưa, lúc mười một giờ, họ nghe bài đọc trong sách Hướng dẫn dành cho các Linh mục của Molina. Sau đó, các tiến chức được tự do khoảng 1 giờ để trao đổi. Tiếp theo đó là kinh chiều và kinh tối (Vespers and Compline) (vào một giờ trong ngày, mà ngày nay điều này chắc chắn có vẻ xa lạ với chúng ta). Sau đó là phần hướng dẫn về các nghi thức của Thánh lễ. Vào lúc bốn giờ, họ tham gia một cuộc hội thảo kéo dài một giờ khác về thần học. Tiếp theo là kinh sách và kinh sáng (Matins và Lauds) được đọc trước cho ngày hôm sau! (theo thông lệ thời đó). Sau đó đến bữa ăn tối, tiếp theo là một khoảng thời gian trò chuyện. Vào lúc tám giờ tối, họ hồi tâm và đọc kinh đêm. Sau đó họ giữ thinh lặng và đi ngủ.

Cùng với ba người bạn của mình (Nicolas Pavillon, François Perrochel, và Jean Jacques Olier), thánh Vinh Sơn đã soạn một cuốn cẩm nang cho các khóa tĩnh tâm, mang tên Entretien des Ordinands. Nó không bao giờ được in. Chỉ các bản sao, bản thảo được gìn giữ.[14] Vinh Sơn đã gửi nó cho một số tiến sĩ của Sorbonne để họ nhận xét. Họ đảm bảo với ngài rằng nó chứa đựng những vấn đề cần thiết để thực thi tốt thừa tác linh mục.

Trên thực tế, các cuộc tĩnh tâm cho các tiến chức không tồn tại lâu sau khi thánh Vinh Sơn qua đời. Chúng dần dần không còn được sử dụng khi các chủng viện lan rộng khắp nước Pháp. Trong tổng Đại hội năm 1668, các thành viên nói về việc tĩnh tâm cho các tiến chức như là điều của dĩ vãng.[15]

3. Hội thảo ngày thứ ba

Cha Vinh Sơn thấy nhu cầu tĩnh tâm ngày càng nhiều. Bắt đầu từ năm 1633, ngài bắt đầu tập hợp các linh mục quan tâm đến việc đào tạo trường kỳ của họ. Các cuộc thảo luận của họ tập trung vào sự tăng trưởng trong sự thánh thiện và thừa tác vụ.[16] Nhóm đầu tiên họp vào Thứ Ba, ngày 9 tháng 7 năm 1633, thảo luận về tinh thần giáo sĩ.

Cha Vinh Sơn đã soạn ra một quy luật đưa ra các điều khoản về các cuộc họp và cả về cuộc sống của các thành viên. Chính ngài chủ trì các cuộc họp và đưa ra những lời lưu ý khi kết thúc.

Không dễ dàng để được nhận vào nhóm này, vì chỉ những người sống gương mẫu mới được chấp nhận. Thành viên của nhóm bao gồm một số các giáo sĩ có tên tuổi lớn của Paris thời đó. Một danh sách được lập vào ngày 1 tháng 10 năm 1660, vài ngày sau khi thánh Vinh Sơn qua đời, đã liệt kê gồm 40 tiến sĩ của Sorbonne, 22 giám mục, và nhiều đấng sáng lập các dòng tu. Trong khi các hội thảo hướng đến việc tăng trưởng sự thánh thiện, thánh Vinh Sơn còn hướng các thành viên về một đời sống tông đồ rất tích cực: dạy giáo lý cho trẻ em, rao giảng Tin Mừng và hướng dẫn người nghèo, chăm sóc tinh thần các bệnh nhân trong bệnh viện, và giảng đại phúc.

Các buổi hội thảo ngày thứ ba lan sang các thành phố khác, và thậm chí vượt ra ngoài biên giới nước Pháp. Chúng đã xuất hiện ở Dauphiné, Languedoc, Saintes, Marseille, Alet, Metz, Angers, Bordeaux, Genoa, và Turin, và những nơi khác nữa. Tính độc đáo của các buổi Hội thảo ngày thứ ba, và có lẽ là lý do cho sự thành công của nó, là ở ba điểm này. Thứ nhất, các buổi họp chủ yếu nhắm vào sự phát triển tinh thần của những người tham gia, tập trung vào linh đạo tông đồ. Theo nghĩa này, các buổi hội thảo ngày thứ ba khác với các cuộc họp khác được tổ chức vào thời điểm đó dành cho các linh mục ở Pháp và Ý vì đối tượng của họ là nghiên cứu về “các nố lương tâm”. Thứ hai, các buổi họp được tổ chức hàng tuần. Điều này có nghĩa là các thành viên phải trả một cái giá khá đắt là sự cam kết tham gia thường xuyên. Thứ ba, các buổi hội thảo đề ra một loại tinh thần đặc thù của linh mục, tập trung đặc biệt vào việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Trong bối cảnh đó, mỗi thành viên đã duy trì căn tính giáo sĩ triều của mình, vì tất cả đều là linh mục giáo phận.

Mặc dù các buổi Hội thảo ngày thứ ba có sự độc đáo trong cấu trúc, nhưng rõ ràng rằng phần lớn thành công của họ phụ thuộc vào sự hiện diện cá nhân của thánh Vinh Sơn. Bossuet nói với chúng tôi: “Vinh Sơn là linh hồn của cuộc gặp gỡ đạo đức.”[17]

Bằng sự giảng huấn và gương sáng của mình, cha Vinh Sơn đã truyền đạt “phương pháp nhỏ” của mình trong việc thuyết giảng cho các thành viên của nhóm hội thảo ngày thứ ba. Ngài xác tín sâu sắc về sự cần thiết phải rao giảng một cách hết sức giản dị và truyền sự xác tín này cho các thành viên trong Tu Hội của ngài, cho cả các chủng sinh và linh mục của giáo phận ngài đã làm việc cùng và cho họ. Những nỗ lực của cha Vinh Sơn trong việc cải cách việc rao giảng cuối cùng đã khá thành công, như chính ngài đã công nhận. Khi nói về phương pháp nhỏ, vào ngày 22 tháng 8 năm 1655, cha Vinh Sơn lưu ý rằng, khi một người nào đó giảng hay. Người ta nhận xét: Ngài giảng như một Nhà truyền giáo! Ôi Đấng Cứu Độ! Ngài đã ban cho Tu Hội nhỏ bé, nghèo nàn này ân sủng truyền cảm hứng bằng một phương pháp mà mọi người đều mong muốn làm theo.”[18]

4. Các chủng viện

Năm 1636, thánh Vinh Sơn bắt đầu một mô hình “tiểu chủng viện” tại Bons-Enfants, nhưng nó không thành công. Rõ ràng, vào năm 1644, ngài chưa hăng hái lắm trong việc thu nhận các thiếu niên làm ứng cử viên cho chức linh mục. Ngài cảm thấy rằng, ít nhất là ở Ý và ở Pháp, những nỗ lực như vậy không thành công. Các ứng viên còn quá trẻ để có một ý tưởng rõ ràng về ơn gọi của mình và rất ít người trong số họ bền lòng.[19]

Cha Vinh Sơn tiến thêm một bước quan trọng vào năm 1642 khi bắt đầu đào tạo các ứng viên trưởng thành cho chức linh mục tại trường Bons-Enfants.[20] Đến năm 1647, có 60 người chuẩn bị để lãnh nhận các chức ở đó.

Sau Bons-Enfants, các chủng viện khác được mở ở Cahors, Saintes, Saint-Méen, Le Mans, Marseille, Tréguier, Agen, Périgueux, Montauban, Troyes, Agde, Meaux, Montpellier, và Narbonne. Bản thân cha Vinh Sơn đã chứng thực thành công sự thành lập chủng viện ở Cahors trong một bức thư gửi Hoàng hậu Ba Lan được viết vào ngày 6 tháng 9 năm 1651:

“Thưa bà, chúng tôi đã thành lập các chủng viện tuy chưa được bao lâu ở vương quốc này, nhưng sự tiến bộ của chúng là rất đáng kể. Một trong những Đức Giám mục được nói ở trên (Alain de Solminihac, Giám mục Cahors) đã vinh danh tôi trong một bài viết gần đây rằng ông ấy được an ủi vô cùng khi thấy hàng giáo sĩ của mình đã canh tân nhờ chủng viện của ngài, được thành lập chỉ tám hoặc mười năm trước bởi bốn linh mục của Tu Hội chúng tôi.”[21]

Khi thánh Vinh Sơn thiết lập các chủng viện, xác tín sâu sắc nhất của ngài là những linh mục trước tiên phải là người có đạo đức.[22] Ngoài ra, linh mục cần có kiến thức cần thiết cho các nhiệm vụ mà mình được giao.[23] Quan điểm của cha Vinh Sơn về việc thu thập kiến thức khá thực dụng. Trong khi bản thân ngài được giáo dục tốt, ngài không trình bày các lý thuyết cao xa. Ngài quan tâm tới điều là người ta biết những gì họ cần biết hơn là việc họ đi sâu vào những vấn đề khác mà họ tò mò. Quan điểm của ngài đối với việc học tập được tóm tắt rõ ràng trong Luật Chung của Tu Hội Truyền Giáo: “Thánh Zénon nói: Sự tò mò sẽ làm cho con người trở nên tội lỗi, chứ không phải trở thành uyên bác, và thánh Phaolô nói: hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo . Điều này đặc biệt đúng khi người ta không quan tâm đến lời khuyên: đừng muốn biết nhiều hơn những gì cần biết, nhưng chỉ biết cách vừa đủ. Do đó, tất cả chúng ta, đặc biệt là các sinh viên, phải không ngừng cảnh giác đừng để cho lòng ham muốn hiểu biết vô độ xâm chiếm tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không được chểnh mảng trong việc dấn thân học hỏi những gì cần thiết để chu toàn các công việc của một nhà truyền giáo, miễn sao mục đích chính yếu của chúng ta là học biết tri thức của các Thánh, được giảng dạy trong trường học của Thánh Giá, để nhờ đó, chúng ta có thể rao giảng về Đức Kitô theo gương của thánh Tông đồ, khi viết cho tín hữu Côrintô, ngài đã thẳng thắn thú nhận rằng: Khi ở giữa họ, ngài đã không muốn biết đến chuyện gì khác, ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá.”[24]

Cha Vinh Sơn cũng có những ý tưởng rất rõ ràng về việc giảng dạy. Ngài không muốn các giáo sư soạn những ghi chú. Thay vào đó, ngài muốn họ sử dụng bản văn của một tác giả giỏi và giải thích bản văn của vị ấy cho chủng sinh. Ngài đề cập đến năm bản văn theo tên: Peter Lombard cho thần học,[25] Martin Becanu cho hùng biện,[26] Francis Toletus,[27] Peter Binsfeld,[28] và Martin Bonacina cho các nố của lương tâm.[29] Ngài khuyến khích chủng sinh học tập một cách nghiêm túc, kiềm chế sự tò mò của họ[30] và khiêm tốn,[31] giới thiệu cho họ tấm gương của André Duval người đã thể hiện sự khiêm tốn nổi bật, trong khi là một tiến sĩ rất uyên bác của Sorbonne. Ngài đã tóm tắt lời khuyên của mình trong một buổi nói chuyện với các chủng sinh trẻ đang bắt đầu học triết học vào ngày 23 tháng 10 năm 1658:

“Mong rằng triết học mà các con sắp học sẽ giúp các con yêu mến và phụng sự Thiên Chúa nhân lành nhiều hơn các con đã làm trước đây. Mong rằng nó giúp nâng các con lên tới Thiên Chúa nhờ tình yêu; và trong khi các con nghiên cứu khoa học và triết học của Aristotle và tìm hiểu tất cả phân ngành của ông ấy, các con có thể học khoa học và triết học của Chúa chúng ta và học các châm ngôn của Ngài, và đem ra thực hành, để những gì các con học được sẽ không phục vụ cho sự ngạo mạn trong lòng các con, nhưng sẽ giúp các con phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội của Ngài tốt hơn.”[32]

Thật quan trọng để ghi nhận ba đặc điểm của các chủng viện được thánh Vinh Sơn thành lập:

    • Các chủng viện giành cho những người trẻ sắp nhận lãnh các chức thánh.
    • Do đó, không có nghĩa là các chủng viện cung cấp các chương trình hoàn chỉnh về triết học và thần học như các chủng viện ngày nay.
    • Với sự đơn giản đó, các chủng viện có xu hướng nhấn mạnh những vấn đề thực tế, đặc biệt là trong thần học luân lý và những vấn đề liên quan đến việc cử hành các Bí Tích. Thánh Vinh Sơn rất chú trọng đến việc cung cấp những gì hữu ích.[33] Vì lý do đó, phụng vụ và rao giảng nằm trong danh sách ưu tiên của ngài.

Vì ngài cho rằng việc đào tạo ở chủng viện không nên quá lý thuyết, mà phải có mục đích thực tế, Vinh Sơn đã ưu tiên cho việc thực tập. Một phương thế mà thánh Vinh Sơn đã sử dụng để thực hiện điều này là sát nhập chủng viện vào nhà của Tu Hội, để những ai đang chuẩn bị thụ phong linh mục có thể tham gia cùng các nhà truyền giáo và hỗ trợ họ trong việc dạy giáo lý.

Cũng như các công việc khác của Tu Hội, thánh Vinh Sơn muốn các chủng viện của ngài được thành lập trên một nền tài chính vững chãi. Để đạt được điều này. Ngài tích góp bổng lộc cho các chủng viện, và cũng cung cấp nguồn thu từ các nhà nguyện cho chúng, như một nguồn hỗ trợ. Đôi khi, nhưng có phần miễn cưỡng, ngài đã nhận tiền từ các sinh viên ở nội trú.

5. Tĩnh tâm cho các linh mục

Ngoài việc giúp tĩnh tâm cho các tiến chức, thánh Vinh Sơn cũng tổ chức các cuộc linh thao cho các linh mục. Trong thực tế, đây là một trong những công việc được đề cập trong sắc lệnh “Salvatoris Nostri” thành lập Tu Hội.[34] Rõ ràng là mỗi năm có một số lượng lớn các linh mục đến St. Lazare để tĩnh tâm năm. Nhà St. Lazare thường có rất đông người tĩnh tâm đến từ khắp nơi trên thế giới; điều này gây ra những vấn đề kinh tế đáng kể. Những nhà khác của Tu Hội cũng trở thành trung tâm tĩnh tâm cho các giáo sĩ giáo phận. Abelly sao chép lại một số bức thư của các linh mục và giám mục cho thấy những cuộc tĩnh tâm này quan trọng như thế nào trong đời sống của họ.[35]

Thánh Vinh Sơn coi những cuộc linh thao này bổ sung cho những gì đã được trao cho các tiến chức, cũng như cho việc huấn luyện được đưa ra trong các buổi hội thảo ngày thứ ba và trong các chủng viện. Về cơ bản, ngài hình dung một cuộc tĩnh tâm như là một thời kì của việc đào tạo trường kỳ và canh tân. Ngài tóm tắt suy nghĩ của mình về mối quan hệ của các công việc khác nhau của mình trong một bức thư gửi Louis Lebreton được viết vào 03/02/1641:

“Vì vậy, Thiên Chúa sẽ dùng Tu Hội này: cho dân thường, thông qua các cuộc đại phúc; cho các tân linh mục, qua các cuộc tĩnh tâm tiến chức; cho những người đã là linh mục, bằng việc không ban những bổng lộc hoặc quyền lợi cho bất kỳ ai không tĩnh tâm và được hướng dẫn trong chủng viện; và cho những người hưởng lợi ích, thông qua các cuộc tĩnh tâm. Cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài để gặt hái được nhiều thành quả.”[36]

6. Hội đồng cố vấn lương tâm

Mặc dù người ta có thể coi sứ vụ này như một khía cạnh đặc sủng cá nhân của thánh Vinh Sơn, hơn là một công việc của Tu Hội, thế nhưng nó vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng mà ngài đã truyền lại cho các thành viên của Tu Hội; cụ thể là, họ nên cống hiến cho việc đào tạo và cải cách hàng giáo sĩ.

Ngài đã phục vụ trong hội đồng cố vấn lương tâm này từ 1643 đến 1652. Ngài nhận ra rằng cuộc cải cách hàng giáo sĩ ở Pháp sẽ không thành công trừ khi có nguồn gốc sâu xa; do đó, việc lựa chọn các giám mục là quan trọng nhất. Tại Pháp, các thỏa ước năm 1516 vẫn còn hiệu lực. Điều này đã trao cho nhà vua một vai trò quyết định trong việc đề cử các ứng cử viên cho chức giám mục và các chức vụ cấp cao khác trong Giáo hội. Cha Vinh Sơn giải thích với Guillaume Gallais, bề trên ở Sedan, vào ngày 13/02/1644[37] rằng vai trò của ngài trong Hội đồng cố vấn lương tâm[38] đã trao cho ngài một cơ hội đáng kể để tác động đến các vấn đề liên quan đến “tình trạng tôn giáo và người nghèo.”

Rõ ràng, cố vấn lương tâm là một việc khó khăn đối với thánh Vinh Sơn. Ngài viết cho cha Bernard Codoing vào năm 1643: “Tôi chưa bao giờ đáng thương hơn tôi bây giờ, cũng như chưa bao giờ tôi cần cầu nguyện nhiều hơn lúc này, trong cương vị mới của mình. Tôi hy vọng điều đó sẽ không kéo dài.”[39] Trong một môi trường đầy rẫy những âm mưu chính trị, công việc này rõ ràng là một công việc rất khó khăn. Dù thánh Vinh Sơn được tiếp cận thường xuyên với hoàng hậu, nhưng ngài cũng có một kẻ thù đáng gờm là Hồng y Mazarin, vốn xem ngài như một trong những kẻ thù của mình.[40]

II. Những thay đổi đáng kể diễn ra giữa thế kỷ XVII và XX

Đã có những thay đổi lớn trong việc đào tạo linh mục giữa thời Thánh Vinh Sơn và thời của chúng ta. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến sáu sự thay đổi:

1. Hiện nay có những chương trình được tổ chức tốt để đào tạo linh mục ở nhiều quốc gia. Do đó, các linh mục giáo phận ngày nay thường được giáo dục tốt hơn nhiều so với thế kỷ 17. Các Hội đồng Giám mục trên khắp thế giới đã đưa ra “Chương trình Đào tạo Linh mục” được Tòa thánh phê chuẩn, dựa trên “Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis.” Các chương trình này phác thảo các yêu cầu cơ bản để được thụ phong linh mục dưới một loạt các khía cạnh toàn diện liên quan đến sự chuẩn bị về nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ của các ứng viên. Tại các quốc gia khác nhau, các nhóm đi kinh lý đánh giá các chủng viện dựa trên các tiêu chí có trong “Các chương trình đào tạo linh mục.”

2. Với trình độ học vấn ngày càng cao của các giáo sĩ giáo phận, nhiều giám mục đã quyết định toàn quyền kiểm soát việc đào tạo các ứng viên của giáo phận mình, sử dụng các linh mục giáo phận làm giám đốc đào tạo và giáo sư. Do đó, nhiều chủng viện trước đây có những nhân viên là các thành viên của các Tu Hội, nay các giáo sĩ giáo phận điều hành.

3. Kể từ thập niên 1960, Tây Âu và Hoa Kỳ đã chứng kiến sự sút giảm đáng kể về số lượng ơn gọi linh mục. Đây không phải là nơi để thảo luận về các yếu tố tôn giáo, xã hội học, kinh tế và nhân khẩu[41] phức tạp đã dẫn đến sự sa sút trong ơn gọi linh mục. Ở đây, tôi chỉ muốn nói rằng sự sút giảm mạnh mẽ các ơn gọi đã dẫn đến việc đóng cửa nhiều chủng viện. Điều này đã gây ra những hậu quả đáng chú ý trong Tu Hội Truyền giáo, vì nhiều anh em có khả năng đã làm việc trong các chủng viện trong nhiều năm, đột nhiên thấy mình mất việc trong lĩnh vực họ được đào tạo. Các tỉnh dòng cũng vậy, không được chuẩn bị trước cho sự thay đổi đột ngột này, thường không chịu nổi áp lực từ các giám mục nhằm gửi những anh em này đến làm việc ở các giáo xứ. Đôi khi điều này dẫn đến việc họ bị phân tán ở những nơi họ sống một mình hoặc ở những nơi ít người.[42]

Trong khi số lượng ơn gọi đã giảm ở Tây Âu và Hoa Kỳ, nó đã tăng lên ở các khu vực khác trên thế giới. Tu Hội vẫn nhận được nhiều kiến nghị từ các giám mục ở Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ, yêu cầu lập các đội ngũ linh mục phụ trách các chủng viện, một vài chủng viện có số lượng sinh viên rất đông, hoặc đang tìm kiếm các linh mục làm linh hướng hoặc giáo sư. Thật không dễ dàng để đưa ra đáp ứng tích cực đối với những lời kêu gọi như vậy, vì những người được huấn luyện để đào tạo linh mục không biết ngôn ngữ hoặc văn hóa của quốc gia mời gọi, cũng không biết đời sống cụ thể trong Giáo hội đang được đào tạo cho các ứng viên ở đó. Những yếu tố này có thể làm cho việc điều chỉnh trở nên rất khó khăn.

4. Do những thay đổi được nêu ở trên, cũng như những yếu tố khác, vai trò của Tu Hội Truyền giáo trong việc đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận đã thay đổi rất đáng kể trong bốn thập kỷ qua. Một số ví dụ cụ thể sẽ giúp minh họa điều này. Tại Hoa Kỳ, năm 1963, Tu Hội đã điều hành 12 chủng viện giáo phận. Ngày nay Tu Hội không còn quản lý bất kỳ chủng viện nào trong số này và chỉ tham gia vào việc đào tạo chủng viện giáo phận ở một vài trung tâm, nơi các thành viên phục vụ.

Tại Pháp, vào năm 1955, 54 anh em đã hướng dẫn mười chủng viện giáo phận và hai chủng viện đại học. Ngày nay, Tu Hội không còn quản lý chủng viện nào nữa.[43]

Tại Philippines, vào năm 1960, Tu Hội có sáu chủng viện giáo phận. Ngày nay, vai trò của Tu Hội đã bị giảm xuống chỉ còn sự hiện diện của một số anh em trong chủng viện ở Cebu.

Tại Brazil, vào thập niên 1960, Tu Hội tiến hành 14 đại và tiểu chủng viện. Ngày nay, một số thành viên hỗ trợ việc đào tạo các giáo sĩ Brazil, nhưng như thế Tu Hội chỉ có trách nhiệm đối với một học viện triết học nơi các chủng sinh của giáo phận và những người khác theo học.[44]

5. Trong bốn thập kỷ qua, đặc biệt là kể từ Công đồng Vatican II, đã có rất nhiều suy tư về các thừa tác vụ khác nhau trong Giáo Hội, bao gồm cả thừa tác vụ linh mục. Giáo huấn của Kinh Thánh về thừa tác vụ là phục vụ và về nhiều thừa tác vụ bổ sung trong cộng đoàn Kitô hữu đã nhận được tầm quan trọng mới. Thượng Hội đồng Giám mục được tổ chức vào tháng 10 năm 1990 đã tập trung vào chủ đề này. Tông huấn hậu thượng hội đồng, “Pastores Dabo Vobis” trình bày khá đầy đủ về tư tưởng thần học và mục vụ đương thời về thừa tác vụ linh mục.[45] Với việc nêu bật vai trò của giáo dân trong Giáo Hội của hậu Công Đồng, thừa tác vụ giáo dân và các nhóm tình nguyện viên giáo dân đã có một sự sống mới. Chẳng hạn, trong Gia Đình Vinh Sơn, Hiệp Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô, Hiệp Hội Bác Ái Quốc tế (trước đây là Các Bà Bác ái), và Nhóm Giới Trẻ Con Đức Mẹ Vinh Sơn đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Chỉ riêng các nhóm này hiện đã có hơn 1.300.000 thành viên. Nếu tính cả các nhóm rất lớn khác được thúc đẩy theo tinh thần Vinh Sơn như Hiệp Hội Ảnh Phép Lạ (Miraculous Medal Association), thì con số tăng lên rất cao. Một số người trong Giáo hội cho rằng việc mở rộng khả năng tham gia vào các thừa tác vụ giáo dân là một nhân tố làm giảm ơn gọi sống tu trì. Những người khác lại cho rằng chính từ những nhóm như vậy mà các ơn gọi sống tu trì có thể nảy sinh.

5. Cũng trong chính Tu Hội, kể từ Tổng Đại Hội năm 1968 – 1969 sự nhấn mạnh mới về việc tiếp xúc trực tiếp với những người bị bỏ rơi nhiều nhất đã dẫn đến việc đánh giá lại các công việc tông đồ của chúng ta ở hầu hết các tỉnh dòng và do đó, cần sắp xếp lại các ưu tiên tông đồ. Kết quả rất khả quan. Nhưng đôi khi, trong một vài anh em, sự háo hức lao động để phục vụ trực tiếp người nghèo đã tạo ra một số miễn cưỡng tham gia vào công việc chủng viện hoặc các hình thức phục vụ khác cho các giáo sĩ giáo phận. Một số người cảm thấy rằng nó thậm chí đã làm phát sinh một biện pháp “chống chủ nghĩa duy lí trí” trong Tu Hội.

III. Một vài suy tư về vai trò của chúng ta trong việc giúp đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận ngày nay

1. Vị trí của nó về lý thuyết

Trên bình diện lý thuyết, việc đào tạo hàng giáo sĩ trong giáo phận vẫn giữ vị trí công việc trung tâm, nền tảng của Tu Hội. Hiến Pháp của chúng ta nêu rõ rằng đó là một trong những cách thức thực hiện mục đích của Tu Hội, bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.[46] Tương tự như vậy, điều 15 của Hiến Pháp nêu rõ: “Việc đào tạo hàng giáo sĩ trong các chủng viện, một công việc của Tu Hội ngay từ ban đầu, phải được canh tân một cách hiệu quả khi cần. Thêm vào đó, các thành viên cần phải trợ giúp thiêng liêng cho các linh mục, trong công cuộc đào luyện liên tục cũng như trong việc nâng đỡ lòng nhiệt thành mục vụ của họ. Các thành viên cần khuyến khích họ ước muốn thực hiện lựa chọn của Giáo Hội dành cho người nghèo.”

Cuộc họp các giám tỉnh, được tổ chức tại Bogotá, Colombia, năm 1983, đã xem xét chủ đề này một cách rõ ràng. Kết thúc cuộc họp, các Giám tỉnh đã chấp thuận một số đề xuất được chuyển cho Bề trên Tổng quyền. Trong số này có:

a. Bằng những việc làm cụ thể, Tu Hội phải khẳng định rằng việc đào tạo hàng giáo sĩ cho đến ngày nay vẫn là một nét đặc trưng cho căn tính của Tu Hội trong Giáo Hội. Trong trường học của thánh Vinh Sơn, nó phải được sáng tạo và tham gia vào tất cả các hình thức giúp đỡ các giáo sĩ hiện có trong Giáo Hội ngày nay.

b. Mỗi tỉnh dòng sẽ cố gắng nhấn mạnh khía cạnh hoạt động này của Tu Hội và khuyến khích các anh em không từ bỏ sứ vụ Vinh Sơn này. Trong chừng mực có thể, tỉnh dòng sẽ cung cấp những phương tiện thích hợp nhất để anh em có thể đáp ứng lời kêu gọi của các giáo hội địa phương và giáo hội ở các quốc gia thiếu giáo sĩ, thông qua công việc trong các chủng viện và trong quá trình đào tạo trường kỳ.

c. Mỗi cộng đoàn địa phương sẽ xem xét hình thức cụ thể của cộng đoàn mình để tham gia vào việc đào tạo hàng giáo sĩ theo dự phóng cộng đoàn của mình, trong bối cảnh phục vụ cho Giáo Hội địa phương và cho tình bằng hữu các linh mục.[47]

Trong lá thư viết sau cuộc họp, ngày 24 tháng 4 năm 1983, Bề trên Tổng quyền, cha Richard McCullen, nhận xét rằng, vào thời điểm đó, Tu Hội điều hành 11 đại chủng viện, 8 tiểu chủng viện, và 1 tiền chủng viện. Ngài nói thêm rằng các anh em khác đã tham gia vào công việc linh hướng hoặc giảng dạy trong các chủng viện hoặc các học viện công giáo mà việc quản lý không nằm trong tay của Tu Hội. Tuy nhiên, cha bề trên tổng quyền lưu ý rằng số anh em làm việc trong việc đào tạo các giáo sĩ giáo phận đã giảm vì khủng hoảng về ơn gọi, do đó cần việc tái cấu trúc các chủng viện, và vì mong muốn của các giáo sĩ trong giáo phận được điều hành các chủng viện riêng của họ. Nhưng ngoài những lý do xác đáng này khiến chúng ta ít tham gia vào việc đào tạo trực tiếp hàng giáo sĩ, ngài tự hỏi liệu chúng ta có thể đã thất bại trong việc đổi mới việc tham gia vào công việc này theo cách mà những phục vụ của chúng ta thực sự được mong muốn chưa. Đồng thời, ngài nói thêm rằng Tu Hội tiếp tục nhận được lời kêu gọi từ các giám mục ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Châu Phi.[48]

Những đường hướng hành động của Tổng Đại Hội năm 1986 đã tìm cách khuyến khích các tỉnh dòng canh tân công việc này. Việc đào tạo sơ khởi và trường kỳ của các giáo sĩ, cũng như tinh thần yêu mến họ, sẽ có một vị trí ưu tiên trong số các mối quan tâm của các tỉnh dòng, mỗi tỉnh tùy theo tình hình riêng của mình. Các tỉnh dòng sẽ nỗ lực sáng tạo trong sáu năm tới để tìm ra những phương tiện hiện thời qua đó, sứ vụ của chúng ta, giúp các giáo sĩ, có thể được hồi sinh, thánh Vinh Sơn coi điều đó là “gần như ngang bằng”[49] với việc giảng đại phúc.[50]

Tại Đại Hội năm 1992, khi suy tư về tình trạng của Tu Hội, cha McCullen một lần nữa đề cập đến vấn đề đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận:

“Trong sáu năm qua, con số anh em làm việc tông đồ trong đào tạo các ứng cử viên cho chức linh mục giáo phận không thay đổi. Số lượng các chủng viện mà quyền quản lý ở trong tay chúng ta là quá ít. Sự đóng góp vào việc đào tạo hàng giáo sĩ có xu hướng được thực hiện bởi cá nhân anh em, hơn là bởi cộng đoàn. Được nhấn mạnh trong “Pastores Dabo Vobis”, tầm quan trọng của chủng viện là một cộng đoàn nhằm đào tạo các linh mục tương lai, điều này cho thấy rằng Tu Hội của chúng ta với kinh nghiệm về đời sống cộng đoàn cùng với đặc sủng của mình để truyền đạt việc giáo dục giáo sĩ nên có một vai trò lớn hơn trong việc giáo dục các linh mục tương lai về mặt thiêng liêng và tri thức so với hiện tại. Đôi khi, tôi đã bị ấn tượng bởi sức mạnh của niềm xác tín mà một số Bề trên Tổng quyền cho rằng do đặc sủng và lịch sử của mình, chúng ta là “những chuyên gia” trong công việc đào tạo linh mục. Điều này khiến tôi thường tự hỏi chúng ta phải làm gì để có sự hiện diện đông đảo hơn chúng ta hiện có trong công việc tông đồ này rất quan trọng này cho sự đổi mới của Giáo Hội ngày nay.”

Ngày nay, Tu Hội tiếp tục tài trợ cho một số chương trình chủng viện nơi các linh mục giáo phận được đào tạo: tại Piacenza và Genoa ở Ý; tại All Hallows ở Ireland; tại Gda-sk ở Ba Lan; tại Popayán, Garzón, Ibagué, Inzá, Betel, San Vicente del Caguán, và Restrepo ở Colombia; tại Cebu ở Philippines; tại Chongoene ở Mozambique; tại Adelaide ở Úc; tại Curitiba ở Brazil; tại Malang ở Indonesia và quần đảo Solomon. Anh em ở các quốc gia khác nhau cũng tham gia vào các chương trình chủng viện ở những nơi khác nhau để đào tạo các linh mục giáo phận (ví dụ, ở Hoa Kỳ, Fiji, Nigeria, Bolivia, Ba Lan, Byelorussia, Pháp và nhiều quốc gia khác). Tương tự như vậy, anh em phục vụ trong các trường đại học có các chương trình đào tạo linh mục (ví dụ, tại Đại học St. John ở Hoa Kỳ, tại Belo Horizonte ở Brazil).

2. Một vài nguyên tắc tổng quát cho việc canh tân sứ vụ này

a. Để phục hồi sứ vụ nền tảng này, điều quan trọng là chúng ta phải biết các nhu cầu cấp thiết nhất của hàng giáo sĩ.

Những nhu cầu này sẽ khác nhau giữa các nền văn hóa và giữa các quốc gia. Chẳng hạn, ở một số nước, việc thành lập và điều hành các chủng viện vẫn có tầm quan trọng hàng đầu, vì đó là một nhu cầu cấp thiết. Điều này được thể hiện rõ qua những lời kêu gọi mà chúng ta nhận được từ các giám mục thấy được đặc sủng của Tu Hội Truyền Giáo. Nhưng ở các nước khác, nhu cầu khẩn thiết của hàng giáo sĩ có thể khác hẳn. Chúng là gì đây?

Chúng ta chỉ có thể học hỏi những nhu cầu này từ những người trong giáo phận, từ chính các linh mục giáo phận, và từ các giám mục của họ. Điều này đòi hỏi đối thoại tốt. Đôi khi các giám mục sẽ tự nhiên nói cho chúng ta biết nhu cầu của hàng giáo sĩ của họ. Đôi khi, chúng ta có thể phải hỏi họ. Điều thú vị cần lưu ý là đây chính là cách mà Thánh Vinh Sơn đã tiến hành khi bắt đầu các cuộc tĩnh tâm cho các tiến chức và trong việc thành lập các chủng viện giáo phận. Cha Vinh Sơn trò chuyện với các giám mục để biết các nhu cầu của họ. Ngài thấy và đáp ứng những nhu cầu cho họ.

b. Về việc canh tân đường lối bước theo Chúa Kitô Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, chúng ta phải sáng tạo.

Thật vô nghĩa trong việc cố giảm bớt nhu cầu, cũng như việc phục vụ mà không ai muốn. Khi chúng ta biết nhu cầu thực sự của hàng giáo sĩ, chúng ta phải suy nghĩ về những cách giải quyết chúng. Ở đây, sự sáng tạo là điều cần thiết. Vài năm trước, một người bạn dòng Trappist của tôi đã thiết kế một chương trình canh tân linh mục đã thành công đáng kể ở Hoa Kỳ. Tôi thường suy ngẫm về công việc của các cha dòng Trappist có tính Vinh Sơn biết bao!

Trong những năm gần đây, người ta thiết lập các chương trình mang tính sáng tạo để giúp đỡ các linh mục nghiện rượu hoặc những người có vấn đề về tâm lý. Khi đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng mà chưa có giải pháp, điều quan trọng là phải khuyến khích sáng kiến.

Cũng có thể cần thúc giục các giám mục thuyết phục các linh mục thực hiện các bước cụ thể để đối mặt với các vấn đề mà họ đang gặp phải. Thực tế rõ ràng là nói chung các linh mục là những người tham gia rất kém vào các chương trình cần thiết về việc đào tạo trường kỳ, vì họ có khuynh hướng đáng buồn vì nghĩ rằng họ đã hoàn thành việc đào tạo từ lâu.

c. Về việc phát triển các chương trình sáng tạo, điều quan trọng là phải duy trì đối thoại với các giám mục địa phương từng bước một.

Đây là một hệ luận của những gì đã được nêu ở trên. Trong bài viết này, chúng ta đang bàn về việc đào tạo hàng giáo sĩ của giáo phận. Rõ ràng giám mục có trách nhiệm chung về công việc đào tạo trong giáo phận của mình. Với tư cách là thành viên của Tu Hội chúng ta chỉ đến để phục vụ. Chắc chắn, giám mục có thể không có tất cả các câu trả lời về vấn đề đó, chúng ta cũng vậy. Đối thoại thẳng thắn với giám mục địa phương sẽ hữu ích không chỉ trong việc thiết lập các chương trình đào tạo hàng giáo sĩ mà còn đảm bảo hàng giáo sĩ sẽ tham gia!

d. Trong việc canh tân sứ vụ của chúng ta trong việc đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận, điều quan trọng là phải làm sống lại đặc tính Vinh Sơn của nó.[51]

Trong công việc này, Hiến Pháp của chúng ta viết rằng chúng ta nên “dẫn dắt họ tham gia đầy đủ hơn vào việc truyền giáo cho người nghèo”. Nói cách khác, nếu anh em Vinh Sơn điều hành các chủng viện, hay tổ chức tĩnh tâm cho các giáo sĩ, hoặc tiến hành các chương trình đào tạo trường kỳ cho các linh mục, thì họ nên làm như những anh em Vinh Sơn. Người nghèo phải có một vị trí đặc biệt trong bất cứ điều gì chúng ta trình bày với các giáo sĩ của giáo phận. Ngày nay, điều này cần phải rõ ràng hơn bao giờ hết, vì toàn thể Giáo hội đã tuyên bố rõ ràng về một lựa chọn ưu tiên cho người nghèo.

Vì Thánh Vinh Sơn đã xác tín sâu sắc về sự cần thiết của năm nhân đức của nhà truyền giáo trong việc phục vụ người nghèo, nên đối với tôi, dường như những nhân đức này cũng phải có một vị trí nổi bật trong đào tạo thiêng liêng và mục vụ mà chúng ta trình bày cho hàng giáo sĩ trong giáo phận. Đơn sơ, khiêm nhường, dịu hiền, hãm mình và nhiệt thành là các nhân đức không thể thay thế trong tinh thần tông đồ giữa người nghèo.

Đặc sủng Vinh Sơn cho việc thu hút những người khác, giáo sĩ và giáo dân cùng nhau phục vụ người nghèo, làm việc theo nhóm, tổ chức bác ái, nên là một trong những điều mà chúng ta trình bày với các giáo sĩ.

e. Khi Tu Hội cố gắng canh tân công việc nền tảng này, Tu Hội phải đào tạo các thành viên tham gia vào công việc này.

Trên thực tế, nhiều tỉnh dòng thường xuyên gửi các anh em để được đào tạo đặc biệt cho công việc này. Điều này khuyến khích những tỉnh dòng trẻ cũng gởi các thành viên đi học cao hơn về các môn như: triết học, thần học, Kinh Thánh, thiêng liêng, giáo luật, tâm lý học, xã hội học, và các chương trình khác liên quan đến việc linh hướng.

Trong thời đại mà rất nhiều giáo dân được giáo dục tốt, các linh mục cần có sự chuẩn bị cao. “Đào tạo các nhà đào tạo” là một thách thức đáng kể. Một kết quả tốt đẹp của việc chuẩn bị chuyên môn cho anh em trong sứ vụ này là cung cấp các nguồn lực đáng kể cho chính tỉnh dòng và nâng cao trình độ văn hóa chung của Tu Hội.

3. Một số khả năng thực tế

Trong khi ở trên nhắc lại các nguyên tắc chung đã đề cập, thì ở đây tôi đưa ra một số khả năng thực tế. Qua các cuộc đối thoại thường xuyên với người khác, những cuộc đối thoại mới chắc chắn sẽ được phát sinh. Tôi phác thảo một vài khả năng dưới đây như một sự trợ giúp trong việc giúp Tu Hội suy tư về việc canh tân sứ vụ nền tảng này.

a. Phục vụ trong các chủng viện của giáo phận tại quốc gia của mình

Như đã đề cập ở trên, các quốc gia, vẫn cần sự giúp đỡ một phần từ Tu Hội Truyền Giáo. Ở những nơi đó, các giám mục thường mong muốn có sự giúp đỡ của chúng ta. Đôi khi các linh mục giáo phận nhờ chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc điều hành và quản lý một chủng viện trong giáo phận của họ. Đôi khi, họ nhờ chúng ta cung cấp một đội ngũ cùng kết hợp làm việc với những người khác (linh mục giáo phận, thành viên của các cộng đoàn khác, các nữ tu, giáo dân) trong công việc điều hành những chương trình chủng viện. Nhiều lúc, họ cần cha linh hướng, giáo sư hoặc cha giám đốc trong lĩnh vực giáo dục làm việc với những người trong nhóm đào tạo chủng viện của họ. Những hình thức đó, và những hình thức tham gia khác vào các chủng viện trong giáo phận của một giám mục nào đó, là một cách rất đúng đắn để bước theo Chúa Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho Người nghèo, đặc biệt nếu chúng ta đưa quan điểm của thánh Vinh Sơn vào công việc này.

b. Đào tạo đội ngũ “quốc gia” để phục vụ trong các chủng viện giáo phận ở các quốc gia khác

Khi chúng tôi nhận được lời kêu gọi từ các giám mục ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, điều thách đố là phải tìm ra cách đáp ứng. Một trong những cách là tìm một tỉnh dòng cụ thể sẽ cung cấp một đội ngũ. Chẳng hạn đây là mô hình được sử dụng để thành lập chủng viện tại Chongoene ở Xai-Xai, Mozambique, nơi Tỉnh dòng Mexico có một nhóm tình nguyện. Mô hình này có thuận lợi là cung cấp một nhóm có các thành viên biết nhau từ trước và thậm chí có thể đã làm việc cùng nhau. Đương nhiên, họ gặp khó khăn trong việc thích nghi với một nền văn hóa mới, một ngôn ngữ mới, cũng như hoàn cảnh Giáo hội mới, khi họ lỗ lực đáp ứng các nhu cầu ở một giáo phận nước ngoài.

c. Đào tạo đội ngũ “quốc tế” để phục vụ trong các chủng viện giáo phận ở các quốc gia khác

Trong mô hình này, Bề trên Tổng quyền tìm kiếm một nhóm từ các thành viên của các tỉnh khác nhau. Sau đó nhóm này tham gia vào một giai đoạn định hướng về văn hóa và ngôn ngữ của đất nước đó và lần đầu tiên bắt đầu làm việc cùng nhau. Đây là mô hình đang được sử dụng ở quần đảo Solomon (nơi mà tất cả các thành viên trong nhóm đều có lợi thế đáng kể là biết tiếng Anh từ trước). Một lợi thế trong mô hình này là các thành viên trong nhóm mang lại một quan điểm phục vụ rộng rãi cho một hoàn cảnh mới, vì họ đến từ các nền văn hóa khác nhau. Một điều bất lợi là họ có thể có tầm nhìn mục vụ rất khác và kinh nghiệm rất đa dạng. Họ cũng phải đối mặt với sự điều chỉnh đáng kể mới hiểu nhau và làm việc cùng nhau như một nhóm.

d. Cung cấp cha linh hướng và cha giải tội

Tu Hội thường cung cấp các cha linh hướng cho các chủng viện trong giáo phận. Chẳng hạn Tỉnh dòng Ireland có truyền thống lâu đời về vấn đề này tại Maynooth và Clonliffe. Các giám mục từ khắp các châu lục tiếp tục kêu gọi Tu Hội gửi cha linh hướng đến các chủng viện của họ. Hơn nữa, nhiều anh em trong một số tỉnh dòng có sự phục vụ rộng hơn như hỗ trợ các cha giải tội và linh hướng cho các linh mục ở một mình.

Một khả năng khác là cung cấp các cha linh hướng cho các giáo phận. Một số giám mục mong muốn có một cha sẵn sàng giúp cho các linh mục của họ. Ví dụ, Tổng giáo phận Los Angeles gần đây đã thành lập Nhà cầu nguyện cho các linh mục của mình. Cần có sẵn một nhóm các cha linh hướng, các thành viên của nhóm có mặt ở đó vào các ngày khác nhau, để phục vụ cho các linh mục. Một trong những anh em của Tỉnh dòng Los Angeles vừa kết thúc nhiệm kỳ ba năm với tư cách là cha linh hướng cho các linh mục của Giáo phận Tucson. Trong sứ vụ của mình, cha đã đi nhiều nơi để thăm các linh mục của giáo phận và nói chuyện riêng với họ.

Đương nhiên, để tham gia vào sự phục vụ này, ngoài việc có những ơn riêng cần thiết, anh em cũng phải được đào tạo như là một cha linh hướng.

e. Tổ chức các buổi tĩnh tâm cho các chủng sinh và cho các linh mục

Các giám mục thường tìm kiếm những người giúp tĩnh tâm tốt. Khi tham gia vào sự phục vụ này, các cuộc tĩnh tâm của chúng ta phải tập trung vào tinh thần tông đồ cho các linh mục giáo phận là điều quan trọng. Đồng thời, như được thấy rõ trong sứ vụ của thánh Vinh Sơn, họ phải được mang hương vị đáng kể bởi đặc sủng riêng của chúng ta, trong sự chú trọng đặc biệt đến việc rao giảng Tin Mừng và phục vụ người nghèo.

Tại Tỉnh dòng Ailen, một hình thức tĩnh tâm, “Cầu nguyện cho các linh mục”, được tổ chức bởi cha Kevin Scallon và Sơ Briege McKenna, đã thành công rực rỡ. Nó đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước.

f. Cung cấp chương trình đào tạo trường kỳ cho các linh mục

Đây là một sứ vụ rất khó khăn vì như đã đề cập ở trên, nói chung các linh mục là những người tham gia kém. Sự sáng tạo là điều cần thiết trong việc hồi sinh sứ vụ này. Trong những năm gần đây, một số linh mục đã có thể phát triển các “buổi hội thảo lưu động” kéo dài vài ngày. Các giám mục đã mong muốn trình bày điều này cho các linh mục của họ trong các buổi đào tạo trường kỳ. Một số giám mục tin chắc rằng, để có hiệu quả, các buổi họp như vậy phải mang tính bắt buộc. Vì giáo dân thường than thở về chất lượng kém của các bài giảng và phụng vụ Chúa Nhật, bồi dưỡng giảng thuyết và huấn luyện phụng vụ – hai chủ đề mà Thánh Vinh Sơn rất nhấn mạnh – vẫn là một trong những nhu cầu lớn nhất của giáo sĩ.

Ở các quốc gia khác nhau, các anh em được đào tạo tốt phục vụ trong các văn phòng giáo phận hoặc quốc gia giúp trong việc đào tạo trường kỳ.

g. Một số cuộc giảng đại phúc

Một số cuộc giảng đại phúc của chúng ta, phản ánh cái nhìn sâu sắc và thực hành của thánh Vinh Sơn, đã nhận ra nhu cầu phục vụ không chỉ cho người dân của một giáo xứ hoặc khu vực nhất định mà còn cho cả giáo sĩ. Do đó trong suốt cuộc đại phúc, bao gồm những lần đối thoại và canh tân cùng với và cho các linh mục giáo xứ, các cuộc đại phúc thường tập trung vào phục vụ nhóm, kỹ năng lãnh đạo, hoạt động tâm linh, và sự phát triển của các hội đồng giáo xứ.

h. Bày tỏ sự hiếu khách

Ở nhiều nơi, các linh mục giáo phận sống biệt lập với nhau và cảm thấy cô đơn đáng kể. Tu Hội có thể đem lại một sự phục vụ đơn sơ nhưng chân thành, khi Tu Hội bày tỏ lòng hiếu khách và sự đồng hành với họ. Nếu các nhà của chúng ta tạo cho họ cơ hội tìm thấy sự hỗ trợ cá nhân, nơi nghỉ ngơi, nơi yên tĩnh, nơi cầu nguyện, nơi dùng bữa với người khác, nơi giải trí hoặc nơi học tập yên bình, thì chúng ta mới thực sự phục vụ họ.

Việc canh tân khía cạnh này theo “mục đích của Tu Hội” là vô cùng quan trọng đối với lợi ích của Giáo hội, việc phục vụ người nghèo, và với căn tính riêng của chúng ta. Các giáo sĩ có những nhu cầu cần thiết, nhưng trong những năm gần đây, sự đóng góp của chính chúng ta trong việc đào tạo họ đã giảm đi đáng kể. Cần phải có hành động kiên quyết, sáng tạo nếu chúng ta muốn hỗ trợ đắc lực trong việc đáp ứng nhu cầu cấp bách này của Giáo Hội.


[1] Có một sự tiến triển rõ nét trong tư tưởng của thánh Vinh Sơn về vấn đề này. Điểm khởi đầu cho tổ chức của ngài là rao giảng Tin Mừng toàn diện cho người nghèo, tuy nhiên, ngài đã nhanh chóng thấy rằng việc đào tạo hàng giáo sĩ là cần thiết nếu muốn người nghèo được phục vụ một cách hiệu quả theo một đường hướng lâu dài. x. R. Chalumeau, “San Vicente de Paúl yla obra de los Seminarios,” in Vicente de Paúl, Evangelizador de los Pobres (Salamanca: CEME, 1973), 102. Trong buổi lặp lại nguyện ngẫm ngày 25 tháng 10 năm 1643, thánh Vinh Sơn đã nói: “Làm việc vì phần rỗi của người nghèo miền quê là yếu tố thiết yếu trong ơn gọi của chúng ta; mọi thứ khác chỉ là tuỳ phụ. Bởi chúng ta không bao giờ đảm nhận việc tĩnh tâm cho các tiến chức hay các chủng viện nếu chúng ta không xét thấy những việc đó cần thiết để nâng đỡ người nghèo và để duy trì thành quả của các cuộc đại phúc…” (SV. XI, 133). Vào ngày 20 tháng 7 năm 1650, thánh Vinh Sơn đã viết cho Đức Giám mục Périgueux là Philibert de Brandon: “Đức cha có mối bận tâm về Chủng viện, còn chúng con có bổn phận thực hiện các cuộc đại phúc. Mục đích chính của chúng con là dạy dỗ người dân quê, và những gì chúng con làm cho Giáo Hội cũng chỉ tuỳ thuộc vào mục đích đó.” Tuy nhiên, cho đến năm 1658, Luật Chung chỉ ra rằng thánh Vinh Sơn xem việc đào tạo hàng giáo sĩ là mục tiêu của Tu Hội Truyền Giáo.

[2] SV. XII, 84

[3] LC XI, 12.

[4] SV. V, 489; VII, 561.

[5] LC I, 1

[6] HP 1, 3; x. SV. III, 273. Thật thú vị khi trích số Hiến Pháp đầu tiên này, cả về sự trung thành với tư tưởng của thánh Vinh Sơn lẫn sự thích nghi tư tưởng đó với hoàn cảnh hiện đại. Trong khi Luật Chung (1658) nói “thăng tiến trong sự thánh thiện ”, vốn mang ngụ ý cá nhân nhiều hơn, thì Hiến Pháp 1984 lại nói các thành viên Vinh Sơn “đạt đến sự trọn lành xứng hợp với ơn gọi của mình” vốn mang lại một sự nhấn mạnh có tính truyền giáo tích cực hơn nhiều. Trong khi Luật Chung nói về việc “rao giảng Tin Mừng cứu độ cho người nghèo, đặc biệt ở các miền quê”, thì Hiến Pháp lại nói về “rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, đặc biệt là những người bị bỏ rơi nhất.” Trong khi Luật Chung nói về “trợ giúp các chủng sinh và các linh mục thăng tiến trong tri thức và nhân đức”, thì Hiến Pháp lại nói “trợ giúp đào tạo giáo sĩ và giáo dân, và dẫn đưa họ tham gia trọn vẹn hơn trong việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.”

[7] Louis Abelly, La Vie du Vénérable Serviteur de Dieu, Vincent de Paul (Paris: 1664) Book II, Chapter 1, 15.

[8] SV. XII, 9.

[9] Ibid

[10] José María Román, “La Formation du clergé dans la tradition vincentienne,” Vincentiana 27 (1983; # 2) 142

[11] Abelly, Book II, Chapter 2, Section 5, 233-237.

[12] SV. I, 204

[13] Suốt đời mình, thánh Vinh Sơn đã lưu tâm sao cho các linh mục có thể cử hành phụng vụ sốt sắng, nhất là bí tích Thánh Thể, Hoà Giải và Phụng Vụ Các Giờ Kinh. x. SV. XI, 93, 171; XII, 325tt.

[14] SV. XII, 291

[15] Claude Lacour, “Historie Générale de la Mission,” Annales LXII (1897) 326

[16] Ngày nay, một thời đại nhấn mạnh quá nhiều đến đào tạo liên tục, thật thú vị khi lưu ý rằng đó chính là lý do để tổ chức các cuộc hội thảo ngày thứ ba.

[17] P. Collet, Vie de St. Vincent de Paul (Ed. 1748), T. I, 600

[18] SV. XI, 287

[19] SV. II, 459-60; X. Chalumeau, op. cit., 108

[20] Thực ra chủng viện ở Bons-Enfants đã có trước qua những hoạt động nhỏ hơn ở Annecy và Alet. Tuy nhiên không có nhiều thành công ở đây.

[21] SV. IV, 247-48

[22] SV. IV, 125-126; XII, 63-64; VIII, 33; IX, 28-29

[23] SV. XI, 126; XII, 170; VIII, 32-33

[24] LC XII, 8. Phản ứng của thánh Vinh Sơn với đề xuất dịch Kinh Thánh từ tiếng Xyri cổ sang Latin của cha François du Coudray cũng rất thú vị: “Tôi biết rõ là bản dịch đó có thể thỏa mãn sự ham biết của vài cha giảng thuyết, nhưng tôi nghĩ là không có lợi cho việc cứu rỗi đám dân nghèo mà Thiên Chúa Quan Phòng từ muôn đời đã tiền định cho cha giúp đỡ họ. Thưa cha, nhờ ơn Chúa mà cha đã học được tiếng Hipri ba bốn năm trời, và cha đã biết khá đủ để bênh vực cho Con Thiên Chúa trong chính ngôn ngữ gốc của Người, và cha đã làm cho các kẻ thù của Người phải bẽ mặt trong chính lãnh vực này, cha hãy coi như vậy là đủ rồi. Vì vậy, thưa cha, cha hãy tưởng tượng xem là có hàng triệu linh hồn đang giơ tay ra và nói với cha rằng: Ôi, thưa cha Coudray, từ muôn đời, Thiên Chúa Quan Phòng đã chọn cha để làm đấng cứu độ thứ hai của chúng tôi. Xin hãy thương xót chúng tôi. Chúng tôi đang bị chết dí trong sự dốt nát, vì không biết những điều cần thiết để được cứu độ, và chúng tôi còn bị chết dí trong tội lỗi mà chúng tôi không bao giờ dám xưng thú. Và chỉ vì thiếu sự giúp đỡ của cha mà chúng tôi chắc chắn sẽ bị sa hoả ngục. Vả lại, thưa cha, cha hãy tưởng tượng xem: Tu Hội nói với Cha là từ 3, 4 năm nay, Tu Hội vắng bóng cha, và Tu Hội bắt đầu tiếc nuối về sự vắng mặt của cha. Trong khi đó, cha còn là một trong những người đầu tiên của Tu Hội, vì tư cách đó của cha, mà Tu Hội rất cần những lời khuyên và những gương sáng của cha.” (SV. I, 251-252)

[25] SV. I, 304

[26] SV. I, 66

[27] SV. II, 557

[28] SV. II, 232

[29] SV. II, 238

[30] SV. XI, 127

[31] SV. XI, 128

[32] SV. XII, 63-64

[33] SV. XIII, 185-186

[34] SV. XIII, 261

[35] Abelly, op. cit., Book II, Chapter 4, Section 4, 284-292

[36] SV. II, 154

[37] SV. II, 448

[38] Về vai trò của thánh Vinh Sơn trong Hội Đồng Giám Mục, x. Pierre Blet, “Vincent de Paul and the Episcopate of France,” Vincentian Heritage X (1989; # 2) 102-135

[39] SV. II, 406

[40] SV. XIII, 137-138. Những trích đoạn trong nhật ký của Mazarin cho thấy ông có rất ít thiện cảm với Vinh Sơn.

[41] Các yếu tố nhân khẩu thường bị xem nhẹ khi bàn về sự suy giảm ơn gọi, tuy nhiên, chúng lại vô cùng quan trọng. Chẳng hạn ở Ý, sự gia tăng dân số hiện nay dừng ở mức số không. Khi các gia đình có sáu hay bảy đứa con, các bậc cha mẹ sẽ dễ dàng khích lệ một hoặc hai đứa vào chủng viện, nhưng nếu chỉ có một hoặc hai người con thì sự khích lệ như vậy thật không dễ dàng.

[42] Người ta chỉ có thể tự hỏi: hệ quả sẽ ra sao nếu nguồn nhân sự quan trọng trong Tu Hội này đã được nhắm trức tiếp đến các hình thức đào tạo giáo sĩ khác, ở những đất nước khác vẫn còn nhu cầu rất cao. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng như vẫn nghĩ, bởi vì những thay đổi sâu sắc về văn hoá và ngôn ngữ thường đi kèm khi rời từ đất nước này sang đất nước khác.

[43] A. Sylvestre, “Priest of the Mission for what purpose?” Vincentiana XXXIX (# 6; November- December 1995) 369

[44] Rõ ràng là, thông thường, các nhân tố vượt quá khả năng của chúng ta đã dẫn đến tình trạng Tu Hội rời khỏi các chủng viện giáo phận. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi tỉnh có dám can đảm hỏi các giám mục vào đúng lúc, những lý do xem họ muốn chúng ta rời đi hay không.

[45] John Paul II, Pastores Dabo Vobis, Origins 21 (April 16, 1992; # 45) 717-759

[46] HP I, 3

[47] Vincentiana 27 (1983; # 2) 189-190

[48] Vincentiana 27 (1983; # 2) 214-215

[49] LC XI, 12

[50] Tổng Đại Hội 1986, Những đường hướng hành động, 11, 2

[51] HP I, 3