Trở Nên Người Của Chúa: Lời Chúa – Chúa Nhật II TN – Năm A
Danh mục: 1. GIẢNG LỄ - SUY NIỆM
(Bài Ðọc I: Is 49, 3. 5-6; Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 1-3; Phúc Âm: Ga 1, 29-34)
Mùa thường niên một đã bắt đầu sau lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đức Giêsu bắt đầu công khai cuộc sống của mình trong vai trò là Đấng rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và về chính mình. Ngài đã bỏ lại sau lưng cuộc sống thanh bình ở Nazareth để vào đời và nói cho người khác biết về Thiên Chúa cứu độ.
Có lẽ giống như những buổi biểu diễn nghệ thuật mà chúng ta thường thấy, các nghệ sĩ trước khi ra trình diễn đều được MC giới thiệu về tài năng và tên tuổi của người sắp trình diễn. Hôm nay trong bài Tin Mừng, Gioan đã đóng vai trò như một MC để giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian.” (Ga 1,29) Một lời giới thiệu xem ra quá ngắn gọn, nhưng đủ để khẳng định vai trò chính yếu của Đức Giêsu trong công trình cứu độ.
Suy niệm các bài đọc Lời Chúa hôm nay đã giúp tôi khám phá thêm về Chúa Giêsu và có những tâm tình với Ngài.
Khẳng định vai trò cứu độ của Chúa trong cuộc đời: hình ảnh con chiên trong Cựu Ước là nói lên hy lễ đền tội. Máu các con chiên, con bò sẽ được tư tế rảy lên dân chúng và như thế, những tội lỗi sẽ được tha thứ: “Nếu người ấy đem dâng tiến một con chiên làm lễ tạ tội, thì phải đem đến một con chiên cái toàn vẹn….Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu con vật và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ…. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, và người ấy sẽ được tha.” (Lêvi 4, 27-32) Hôm nay Gioan giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Vì, máu chiên, máu bò xưa đâu có giá trị để xóa bỏ vĩnh viễn mọi tội lỗi của con người qua mọi thời đại. Chúng phải được thay thế bằng hy tế khác đó chính là máu giao ước của Đức Giêsu, Đấng là Con Chiên tinh tuyền đã hiến tế trên thập giá để cứu độ nhân loại. Điều này gợi lên cho tôi điều chính yếu rằng, tôi phải khẳng định vai trò cứu độ duy nhất của Đức Giêsu trên cuộc đời tôi chứ không phải bất kỳ một ai khác, một cứu cánh nào khác như danh vọng, tiền bạc, địa vị, quyền hành… “vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4,12) Như thế, tôi biết tôi tin vào ai trong cuộc lữ hành đức tin này.
Chúa Thánh Thần là người mạc khải sự thật chứ không phải bởi các thần khí khác: Chúa Thánh Thần là Đấng mặc khải sự thật về Đấng Cứu Độ và các công việc mà Đức Giêsu làm. Hay nói khác đi Chính Thiên Chúa chứng thực cho những gì Ngài mặc khải cho nhân loại về chính Người, về thế giới và công trình cứu chuộc của Người qua Thánh Thần chứ không phải do bất kỳ sáng kiến hay phát minh nào của con người: “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa.” Qua Thánh Thần mà Gioan nhận ra Đức Giêsu, nhận ra Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống.
Vì vậy điều cần thiết là nhận biết ánh sáng mặc khải từ Thiên Chúa, Đấng nói qua con người và các hoàn cảnh. Điều này nói cho tôi biết rằng, tôi phải tránh tìm kiếm việc giải mã cuộc đời của tôi chỉ thuần túy qua những thứ kiến thức khoa học hay các lý thuyết hiện sinh khác. Nhưng tôi tìm kiếm điều ấy qua lăng kính của đức tin.
Trở nên một người của Chúa: lời kêu gọi rất mạnh mẽ trong cả ba bài đọc hôm nay là một lời mời gọi nên hoàn thiện, nên thánh. Hay nói khác đi đó là lời mời gọi để trở nên một người của Chúa trong cuộc sống này. Bài đọc I sách tiên tri Isaia “này đây Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ta tràn lan khắp địa cầu.” (Is 49, 6) Đó là lời mời gọi để sống như ánh sáng giữa thế gian, lời tiên báo này là về sứ vụ của Đấng Cứu Thế nhưng cũng là lời mời gọi cho mọi người Kitô hữu.
Bài đọc II thánh Phaolô nhắc nhở “…những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh…” (1Cr 1, 2) Vậy nên thánh như thế nào trong bối cảnh của cuộc sống ngày nay? Đức Giáo hoàng Phaxicô đã nói về việc nên thánh này như sau:
“Ðể nên thánh không cần phải là một giám mục, một linh mục hay một tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Không phải thế. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Bạn được mời gọi sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống sự dấn thân ấy cách thật vui tươi. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội thánh. Bạn phải làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc thật tận tụy và chu đáo để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở một địa vị có quyền lực ư? Hãy nên thánh bằng cách quên lợi riêng để phục vụ ích chung. (Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 14)
Đây là những điều thiết thực, nó không đến từ những đòi hỏi phải đạt đến một sự cao siêu nào đó trong đời sống đức tin. Nhưng việc thực hành này đi từ cuộc sống, nơi những gì tôi đang sống, đang hiện diện. Một lời mời gọi rất hiện sinh. Sự thực hành này, là cách tôi trở nên người của Chúa cho anh em, nên ánh sáng cho người khác. Đó chính là nội dung Tin Mừng tôi được mời gọi để truyền tải qua cuộc sống hằng ngày. Đó là cách tôi giới thiệu Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa cho những người xung quanh tôi.
Sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay giúp tôi biết biện phân đâu là những dấu chỉ đích thực đến từ Thần Khí để nhận ra sự thật, nhận ra Đức Kitô. Các tinh thần khác của thế gian không thể trở nên các dấu chỉ để giúp tôi nhận ra sự thật được. Vì thế, đó là lời mời gọi thức tỉnh để tôi luôn sống gắn bó với Chúa, trung thành trong lắng nghe tiếng Chúa và trở nên ánh sáng cho thế gian, trên con đường hoàn thiện bản thân và giúp người khác nên hoàn thiện.
Pt Phạm Minh Triều, CM