1. Các bài đọc
Bài đọc 1: Đnl 4:32-34,39-40
Trích sách Đệ Nhị Luật: Môsê dạy dân chúng về một Thiên Chúa duy nhất.
Đáp ca: Tv 33:4-5,6,9,18-19,20,22
Thánh vịnh 33: bài ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa.
Bài đọc 2: Rm 8:14-17
Trích thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Rôma: qua Chúa Thánh Thần, chúng ta đã được chọn làm nghĩa tử của Thiên Chúa.
Tin Mừng: Mt 28:16-20
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Matthêu: Chúa Giêsu sai các môn đệ đến với các dân, các nước.
2. Chia sẻ
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Ngày lễ này mời gọi chúng ta để tâm suy niệm về một trong các mầu nhiệm trung tâm đức tin của chúng ta. Đó là mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi. Đồng thời, mầu nhiệm này thôi thúc chúng ta suy gẫm về những gì chúng ta tin về Thiên Chúa và những gì mà Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta về chính Ngài, một Thiên Chúa với ba ngôi vị.
Các bài đọc Lời Chúa ngày hôm nay sẽ giúp chúng ta nhận biết về mầu nhiệm cao cả này trong chiều kích đức tin. Điều đó được mặc khải tiệm tiến trong dòng lịch sử của Dân Chúa và trong Kinh thánh.
Bài đọc 1: là câu chuyện được lấy từ sách Đệ Nhị Luật. Một trình bày về Thiên Chúa duy nhất, đấng giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ ai cập. Ông Môsê đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ để miêu tả sức mạnh và quyền năng của Chúa cho dân chúng biết về Ngài.
Chính qua lời ông Môsê, ông đã khẳng định về Thiên Chúa duy nhất “trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa” (Dnl 4,39). Sau khi đã nói cho dân về điều ấy, ông khuyên họ hãy sống và tuân theo lề luật và giới răn của Thiên Chúa mà sống “hãy nhớ lại những gì mà cánh tay hùng mạnh Thiên Chúa đã làm cho cha ông và hãy sống theo đó”.
Lề luật mà Chúa ban qua Môsê đã khẳng định vị trí độc tôn của Thiên Chúa trong đời sống của dân Do thái. Như trong mười điều răn, chính Thiên Chúa đã khẳng định về Ngài “ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Dnl 5,7). Sẽ không có bất cứ thần ngoại lai nào khác trong đời sống đức tin của dân Do thái và cũng là của mỗi người chúng ta, khi chúng ta tuyên xưng và tin nhận mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bài đọc 2: trích thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Rôma. Thánh Phaolô đã cho thấy mối tương quan trong đời sống đức tin của một người với mối tương quan của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ Thần Khí, mà chúng ta trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa “nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8,15). Thánh Phaolô đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn nữa mối tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa, khi chúng ta suy xét điều ấy trong bài đọc một. Đó là chúng ta còn gọi Thiên Chúa là Cha của chúng ta.
Qua mối tương quan là người con của Thiên Chúa, chúng ta trở nên những kẻ đồng thừa tự trong Đức Kitô. Như thế, mỗi người Kitô hữu đều được tham dự vào trong đời sống thuộc linh của Ba Ngôi Thiên Chúa trong vai trò làm con. Qua đó, chính mầu nhiệm yêu thương hiệp nhất giữa Ba Ngôi vị sẽ tuôn chảy trong đời sống chúng ta và chúng ta sẽ được hưởng vinh quang Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng: Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Matthêu. Quang cảnh trong bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu dẫn các môn đệ lên núi, làm cho chúng ta liên tưởng đến câu chuyện Hiển Dung của Chúa, khi Ngài dẫn các môn đệ thân tín cùng lên với Ngài ở trên núi Tabo. Ở câu chuyện Hiển Dung, các môn đệ đã được cảm nghiệm về vinh quang của Thiên Chúa.
Còn trong bài Tin Mừng này, Chúa đưa các môn đệ lên một ngọn núi miền Galilê và trao cho các ông mệnh lệnh cụ thể nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa: “vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Có lẽ đây là một trong những đoạn Kinh thánh mặc khải cách minh nhiên nhất về Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đề nghị các môn đệ làm phép rửa và dạy dỗ dân chúng nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì khi làm phép rửa cho dân chúng nhân danh Ba Ngôi, là chúng ta cùng chia sẻ đời sống ân sủng của Ba Ngôi chí thánh và mời gọi người khác cùng chia sẻ mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Điều đó cho thấy rằng, bên cạnh việc giảng dạy đức tin cho các tín hữu, thì nhất thiết phải dạy cho họ những vấn đề liên quan đến thực hành đạo đức, đời sống cầu nguyện và hướng dẫn họ đi vào con đường nên thánh, như thánh Augustino nói “để mon men vào mầu nhiệm Thiên Chúa, cần phải có một tâm hồn đạo đức, trong sạch, đầy ơn Chúa.” Đó chính là cốt tủy của mầu nhiệm Ba Ngôi, là một Thiên Chúa duy nhất và thánh thiện.
Khi cử hành lễ Chúa Ba Ngôi. Chúng ta vẫn tiếp tục được mời gọi khám phá mầu nhiệm này dưới chiều kích đức tin. Ngày lễ này là một lời mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm này trong cuộc đời chúng ta. Sống trong sự hiệp thông và tình yêu thương giữa Ba Ngôi vị và sống trong lòng tin kính một Thiên Chúa duy nhất mà người có Ba Ngôi, như thánh Augustino đã nói, khi kết thúc những trang khảo luận cuối cùng về Ba Ngôi (De Trinitate) là “Xin cho con nhớ đến Chúa, hiểu biết Chúa và yêu mến Chúa.”
Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng Amen.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM