1. Các bài đọc
-
-
- Bài Ðọc I: Xh 34,4b-6. 8-9
-
Sách Xuất hành: Môsê nài xin lòng thương xót của Chúa tại núi Sinai qua cuộc thần hiện của Thiên Chúa.
-
-
- Ðáp Ca: Ðn 3,52.53.54.55.56
-
Thánh ca Đaniel: chúng ta chúc tụng Chúa, Đấng được tôn vinh hơn mọi sự đến muôn đời.
-
-
- Bài Ðọc II: 2 Cr 13,11-13
-
Thư thứ 2 của thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô: thánh Phaolô thúc dục các tín hữu Côrintô hãy sống trong bình an với nhau và với Thiên Chúa.
-
-
- Tin Mừng: Ga 3,16-18
-
Thiên Chúa sai Con mình xuống thế gian để cứu độ con người.
2. Chia sẻ
Ở trong cuộc sống đôi khi người ta gặp một điều gì đó mà không thể giải thích được thì thường gắn cho nó hai từ “mầu nhiệm” hay “huyền nhiệm”. Hôm nay Giáo hội cũng cử hành kính nhớ một mầu nhiệm đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo, mà khi học giáo lý ai cũng được học thuộc lòng như thế.
Như vậy, khi cử hành lễ Chúa Ba Ngôi thì mọi người Kitô hữu được mời gọi để chiêm ngưỡng về hình ảnh một Thiên Chúa mà có Ba ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong đời sống hằng ngày rất nhiều lần chúng ta nhắc lại mầu nhiệm này như khi làm Dấu thánh giá, đọc kinh Sáng danh hay đọc kinh Tin kính v.v…
Sách Giáo lý Công giáo đã khẳng định tầm quan trọng của mầu nhiệm này trong đời sống người Kitô hữu “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm của Thiên Chúa trong chính bản thể của Ngài. Vì vậy đây là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo lý căn bản nhất và chủ yếu nhất trong “phẩm trật các chân lý” đức tin. “Lịch sử cứu độ chính là lịch sử của đường lối và phương thế, mà Thiên Chúa thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mạc khải cho con người, và giao hoà và kết hợp với Ngài những ai từ bỏ tội lỗi” (GLCG số 234).
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nói về hình ảnh hiệp nhất và yêu thương của Ba Ngôi trong chính sự hiện hữu nội tại huyền nhiệm của Thiên Chúa. Hình ảnh đó để giúp chúng ta hiểu phần nào về tương quan của Ba ngôi vị và là lời mời gọi chúng ta bước vào và cùng chia sẻ tình yêu thương hiệp nhất đó nơi cuộc sống thần thiêng này.
Đứng trước Thiên Chúa, con người mới biết mình là ai
Để nhìn được khuôn mặt hay vóc dáng của mình thì người ta thường phải nhìn vào tấm gương để có thể thấy được. Hoặc khi muốn biết mình giàu có hay giỏi giang hay quyền lực như thế nào người ta thường so sánh với người khác.
Bài đọc I sách Xuất Hành hôm nay cho ta về một hình ảnh rất sống động về hình ảnh Thiên Chúa và hình ảnh con người. Đó là khi ông Môsê lên núi Chúa và rồi ông được nhìn thấy Thiên Chúa đi qua trước mặt ông “Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành” (Xh 34,6). Khi nhìn thấy như thế, thì ngay lập tức ông đã nhận ra thân phận của mình và đã thốt lên “lạy Chúa, nếu con có ơn nghĩa trước nhan thánh Chúa, thì xin Chúa hãy đi cùng với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), xin xoá mọi gian ác và tội lỗi chúng con, xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa” (Xh 34,9).
Trước một Thiên Chúa thương xót, nhân từ bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành, Môsê nhận ra thân phận tội lỗi, thấp hèn, yếu đuối của mình và xin Chúa xót thương. Nhưng ông chỉ nhận biết được điều này khi Thiên Chúa tỏ mình ra và cho ông nhìn thấy hình bóng của Ngài. Như thế, sự mặc khải của Thiên Chúa sẽ giúp con người nhận ra sự hiện diện và bản chất đích thực của Thiên Chúa. Qua mặc khải đó, con người cũng nhận ra bản chất đích thực của mình là gì, như Môsê trong câu chuyện hôm nay.
Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch của đời sống đức tin
Thánh Phaolô đã quả quyết trong bài đọc II, thư thứ hai gởi giáo đoàn Côrintô rằng “Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu sẽ ở với chúng ta” để chúng ta sống cuộc sống của mình cách thông hiệp và cũng đầy tràn tình yêu thương nhau như chính Thiên Chúa. Vì chính Thiên Chúa là nguồn mạch của tình yêu và bình an nên khi chúng ta nối kết với nguồn mạch đó, chúng ta cũng sẽ có được sự bình an và tình yêu ấy của Thiên Chúa nơi bản thân mỗi người và trong cộng đoàn của chúng ta.
Bài Tin Mừng chính Chúa Giêsu cũng đã quả quyết về tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu mà Ngài đã trao ban qua Con Một của Ngài, để rồi qua tình yêu ấy, những ai tin vào Con của Ngài cũng sẽ được cứu độ. Hình ảnh một Thiên Chúa đầy tràn sự yêu thương và mọi người tham dự vào trong sự thông hiếp ấy cũng sẽ được đầy tràn tình yêu thương.
Một Thiên Chúa thông truyền tình thương và sự sống vĩnh cửu cho con người. Cả Chúa Cha và Chúa Con cùng một lòng một ý để thực hiện công trình cứu độ ấy qua ân sủng của Chúa Thánh Thần, để đem lại sự sống đời đời.
Đức tin chính là điểm mấu chốt để hiểu biết về Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu không tự do trong đức tin thì hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi cũng bình thường như những điều có thể giải thích được khác. Khi tin người ta bước vào mối tương quan của tình yêu Thiên Chúa. Đức tin đòi hỏi người ta đi vào một sự khám phá sâu xa không ngừng nghỉ. Vì càng tin thì người ta lại càng muốn biết và người ta càng biết thì lại càng tin hơn. Cứ như thế đó là một tiến trình để mỗi ngày người ta đi vào sự tương quan của Thiên Chúa cách không ngừng nghỉ.
Ở bài đọc 1, sách Xuất hành đã nói về cuộc thần hiện của Thiên Chúa với Môsê. Đó là sự mặc khải của Thiên Chúa cho dân người mà như sách Giáo lý Công giáo đã nhìn nhận “Những cuộc thần hiện (Thiên Chúa hiện ra) soi sáng tiến trình thực hiện lời hứa, từ các tổ phụ đến Môsê, và Giôsuê, đến các thị kiến mở đầu sứ mạng các ngôn sứ lớn. Truyền thống Kitô giáo luôn nhìn nhận trong các cuộc thần hiện này, Ngôi Lời của Thiên Chúa tỏ mình cho ta trông thấy và nghe được, vừa được mặc khải vừa “bị che khuất” trong áng mây Thánh Thần” (GlCG số 707).
Chúng ta có thể nhận biết và kinh nghiệm về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cách cá nhân. Đó là Chúa Thánh Thần, Đấng mặc khải Chúa Cha và Chúa Con cho chúng ta và là Đấng ban cho chúng ta ân huệ của đức tin để hiểu biết sự thật về Thiên Chúa “khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Như vậy, Chúa Thánh Thần chính là người giúp trí khôn hữu hạn của chúng ta hiểu biết về điều Thiên Chúa mặc khải. Và điều Thiên Chúa mặc khải thì vượt quá những luận lý thông thường của con người và nó đòi hỏi một bước cao hơn đó là tin. Vì chỉ có tin thì người ta mới có thể chấp nhận một sự thật vượt quá sự hiểu biết của con người.
Lễ Chúa Ba Ngôi nhắc nhớ tôi về một mầu nhiệm cao cả mà tôi được mời gọi để chiêm ngắm và để sống theo khuôn mẫu đó. Đó là một hấp lực của đời sống đức tin để khám phá mầu nhiệm cao cả này. Chúng ta chỉ có thể hiểu hết khi chúng ta được hòa chung vào làm một với mầu nhiệm ấy trong sự yêu thương và hiệp nhất. Điều này cũng nhắc nhở tôi về tâm tình mà tôi cần có trong đời sống hằng ngày để tôn vinh và ghi dấu sự hiện diện của Thiên Chúa Ba ngôi như làm dấu Thánh giá cách sốt sắng và ý thức trước khi làm bất cứ việc gì như học hành, ăn uống, du hành, hội họp, kinh sớm kinh tối…đọc kinh Sáng danh để cám ơn Chúa về những việc đã làm…
Như vậy cả Cựu Ước lẫn Tân Ước trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay đều cho chúng ta thấy hình ảnh về một Thiên Chúa đồng nhất, là đấng nhân hậu và yêu thương.
“Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em. Amen” (2 Cr 13,13).
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM