Truyền giáo: sứ điệp trung tâm của linh đạo Vinh Sơn

0
1043

Ngày nay, hai từ truyền giáo không còn xa lạ đối với người Công giáo. Hội Thánh vẫn luôn kêu gọi con cái thực hành lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15) Đặc biệt trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói lên niềm vui và những thách đố của công cuộc truyền giáo trong thế giới ngày nay. Hòa trong dòng chảy ấy của Giáo Hội, con cái thánh Vinh Sơn Phaolô cũng muốn nhìn lại linh đạo truyền giáo của mình. Truyền giáo là một sứ điệp trung tâm của linh đạo Vinh Sơn. Như thế, truyền giáo không chỉ là thời nay, nhưng vào thời của thánh Vinh Sơn, Ngài đã truyền giáo bằng lời rao giảng và đặc biệt trong việc giúp đỡ những người nghèo đói, bệnh tật. Chúng ta hãy cùng nhau đi lại một chút về linh đạo truyền giáo của thánh Vinh Sơn đồng thời áp dụng linh đạo ấy ngang qua Tông huấn Evangelii Gaudium.

Vào những năm đầu đời linh mục, Cha Vinh Sơn đã vận dụng hết khả năng của mình để kiếm thật nhiều tiền cho cuộc sống bản thân cũng như gia đình. Xu thế chung của thời đại của cha là như thế. Thế nhưng, sau khi gặp Đức Hồng y Pierre de Bérulle, cha đã dần cảm nghiệm một cái gì đó khác hơn trong thiên chức linh mục. Cha bắt đầu thăm viếng các bệnh nhân, và sẵn sàng giúp đỡ họ trong bệnh viện. Ngoài ra, khi làm gia sư cho gia đình Gondi, cha Vinh Sơn đã có những dịp tiếp xúc một cách trực tiếp với những người nghèo, người bệnh ở miền quê.

Tất cả những biến cố trong cuộc đời của cha Vinh Sơn như một sự quan phòng đặc biệt của Thiên Chúa trong hành trình ơn gọi của cha. Dần dần cha bắt đầu công cuộc truyền giáo của mình. Người nghèo được cha Vinh Sơn ưu tiên trên hết. Cha đã rao giảng cho người nghèo, giúp họ quay về với Chúa qua Bí tích Hòa giải. Đối với Vinh Sơn, yêu Chúa, yêu người nghèo không chỉ bằng những lời rao giảng Tin Mừng nhưng còn bằng những sự trợ giúp thiết thực. “Yêu mến Chúa bằng sức lực của đôi cánh tay và mồ hôi trán” (SV XI, 40) là câu tâm niệm của linh đạo trong việc truyền giáo của Vinh Sơn. Cha vẫn nhắc nhở: “Hãy làm cho người nghèo nhận biết Thiên Chúa, hãy nói với họ rằng Nước Thiên Chúa trong tầm tay và Nước Thiên Chúa dành cho người nghèo” (SV XII, 80) vì đó chính là phận vụ trên hết của Con Thiên Chúa. Cha còn tha thiết hơn nữa khi sai các thừa sai đến với những vùng đất mới. Có lần Cha đã nói: “và chính tôi, già nua và sưng chân như bây giờ, không ngừng mở lòng với Thiên Chúa, vâng, thậm chí phải ra đi đến Ấn Độ xa xôi để thu phục các linh hồn cho Đức Kitô dù cho tôi có phải chết trên đường đi hay trên thuyền chăng nữa” (SV XI,402).

Vài nét chấm phá để thấy được tâm hồn luôn nung nấu ngọn lửa truyền giáo, luôn muốn phục vụ hết sức mình cho Chúa Kitô trong người nghèo của Cha Vinh Sơn. Công việc của cha không dừng lại ở đó, việc truyền giáo của cha Vinh Sơn còn được nhắc đến trong việc đào tạo hàng giáo sĩ. Cha là một trong những người tiên phong trong phong trào cải cách Giáo Hội ở Pháp. Tĩnh tâm cho các tiến chức, các buổi họp mặt Ngày Thứ Ba cho các linh mục, thiết lập các chủng viện và giảng dạy trên khắp nước Pháp. Đào tạo hàng giáo sĩ để có những linh mục thợ lành nghề trên cánh đồng truyền giáo là một ưu tư lớn của Cha Vinh Sơn.

Ngày nay, các con trai, con gái của thánh Vinh Sơn đang nỗ lực mỗi ngày để thực hiện việc đào tạo giáo sĩ cũng như giáo dân song song với những việc làm bác ái. Một trong những gợi ý mới đây của Đức GH. Phanxicô trong Tông Huấn Evangelii Gaudium sẽ cho chúng ta những định hướng phù hợp với thời đại và Giáo Hội trong việc phục vụ, bác ái.

    • Những người vô gia cư,
    • những người nghiện ngập,
    • những người di tản, các thổ dân,
    • những người già lão luôn cô độc và bị bỏ rơi.
    • những người là nạn nhân của những vụ buôn người,
    • những phụ nữ đang ở trong những hoàn cảnh bị trục xuất, bị xử tệ và bạo lực,
    • những thai nhi không được bảo vệ sự sống.

Ngoài ra, chúng ta còn quan tâm đến môi trường đang sống. Đây có thể nói là những mối ưu tư hàng đầu của Giáo Hội ngày nay trong việc phục vụ Chúa Kitô. Thiết nghĩ những gợi ý đó tạo nên những động lực mới cho con cái thánh Vinh Sơn ngày nay, phục vụ Giáo Hội, phục vụ con người trong linh đạo Vinh Sơn.

Noi gương Cha Thánh Vinh Sơn là người phục vụ người nghèo, tận tâm với Giáo Hội qua việc đào tạo hàng giáo sĩ cách không mệt mỏi, chúng ta cần phải luôn làm mới chính mình qua việc nỗ lực tự rèn luyện tri thức, qua việc đến với những con người đang chờ đợi sự giúp đỡ của chúng ta cách không miễn cưỡng. Qua những hình thức mới mà Giáo Hội đã gợi ý trong Tông huấn Evangelii Gaudium chúng ta có cơ hội hơn, có động lực hơn khi thực hành công việc truyền giáo như là trung tâm điểm của linh đạo Vinh Sơn. Ước mong mọi người chúng ta hãy ra sức làm cho linh đạo Vinh Sơn ngày càng lan rộng vì lợi ích của Giáo Hội, vì lợi ích của người nghèo. Đó là điều Chúa chúng ta hằng mong muốn để tất cả mọi người được sống trong sự cứu độ của Người.

Giuse Cù Hồng Phúc