Từ bỏ triệt để trong đời tu dưới nhãn quan của cha thánh Vinh Sơn

0
1416

Vincent Trần

Ngay ở số đầu tiên của Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến) , Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho thấy đời tu đòi hỏi người tu sĩ “phải từ bỏ mọi sự để ở với Đức Giêsu và giống như Người, ra tay phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình. Như thế họ đã góp phần vào việc biểu lộ mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo Hội bằng muôn vàn đoàn sủng thuộc đời sống thiêng liêng và tông đồ mà Chúa Thánh Thần đã ban cho họ; và nhờ đó, họ cũng đã góp phần vào việc canh tân xã hội[1].” Sự từ bỏ đó cũng đã được thánh Vinh Sơn Phaolô thực hiện trong suốt cuộc đời của mình. Trong bài viết này, tôi muốn nhìn lại xem thánh Vinh Sơn đã từ bỏ như thế nào để có thể trở thành một vị Tông đồ bác ái. Tôi sẽ khai triển đề tài theo ba khía cạnh sau: Thứ nhất: Đời sống từ bỏ của thánh Vinh Sơn để trở thành vị Tông đồ bác ái. Thứ hai: Những lời huấn đức của thánh Vinh Sơn cho Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội  Nữ Tử Bác Ái về sự từ bỏ. Thứ ba: Nhận định và suy tư về sự từ bỏ. Hy vọng rằng sau khi tìm hiểu đề tài này, chúng ta – những người tận hiến cho Thiên Chúa trong đoàn sủng Vinh Sơn – sẽ có thêm động lực để tiếp tục dấn thân cho Thiên Chúa với lòng quảng đại cho đi không tính toán.

1. Đời sống từ bỏ của thánh Vinh Sơn

Chắc chắn những người sống trong linh đạo Vinh Sơn thì không lạ lẫm gì với quãng thời gian trước năm 1617. Quãng thời gian này được gắn liền với việc “tìm kiếm bổng lộc”. Là người hiểu biết thánh Vinh Sơn, chúng ta sẽ không ngạc nhiên thấy rằng thời gian đó là thời gian “tìm kiếm cuộc hưu trí sung túc”. Chỉ cần đọc lại bức thư mà cha Vinh Sơn gửi cho thân mẫu vào 10/02/1610 thì chúng ta cũng biết Ngài bị ám ảnh bởi việc tìm kiếm một địa vị tốt như thế nào. Thánh nhân viết: “Việc con còn phải lưu lại thành phố này (Paris) để tìm lại cơ hội tiến thân (mà các tai họa đã lấy mất) khiến con buồn phiền vì không thể phụng dưỡng mẹ như phải lẽ, nhưng con hy vọng rất nhiều vào ơn Chúa, là Người sẽ ban phúc lành cho lao nhọc của con và ban cho con phương tiện thực hiện một cuộc hưu dưỡng tốt đẹp, hầu sống những ngày còn lại của đời con bên mẹ”[2]. Thánh Vinh Sơn có thể coi là đạt được tất cả những gì mình mong muốn ở tuổi 35. “Ngài kiêm nhiệm một số tước vị, với những lợi tức kèm theo: cha sở họ đạo Clichy-de-Garenne, họ đạo Gamaches, viện phụ đan viện Saint-Léonard-de-Chaume, chức kinh sĩ và thủ quỹ nhà thờ É couis. Hơn nữa ngài còn nắm giữ một địa vị đáng quí giá với lương bổng chắc là khá hậu, trong một gia đình quyền thế hàng đầu tại Pháp”[3]. Thế nhưng chính trong sự sung túc giàu sang này, thánh nhân cảm thấy sự hư vô của những gì mình đang tìm kiếm. Điều này thúc đẩy ngài thực hiện một quyết định từ bỏ để có thể làm gì đó hầu kiện toàn bản thân mình hơn nữa.

Sự từ bỏ đầu tiên mà thánh Vinh Sơn thực hiện đó là từ bỏ của cải, vật chất, danh vọng. Trước tiên, cha tự quyết định từ bỏ những tài sản cá nhân. Cha đã ký chứng thư từ bỏ một cách nhưng không và dứt khoát tất cả tài sản của cha mẹ để chuyển cho các anh em và các cháu. Quan trọng nhất là một món tiền 900 livrơ (có lẽ món tiền được nhận qua di chúc của bà Gondi) mà cha Vinh Sơn đã đưa trước cho các anh em để trả nợ và mua một nông trại gồm một căn nhà, một cánh rừng và đất đai canh tác mà cha nhường cho một trong số các em gái[4].

Thánh Vinh Sơn nhận thấy việc vướng bận quá nhiều đến tài sản của gia đình là không tốt cho ơn gọi tu trì của mình. Do đó, ngài đi tới quyết định để được tự do với những tài sản đó. Thánh nhân từ bỏ ngay từ những tài sản được thừa kế trong gia đình cho đến những tài sản mà mình tự kiếm được. Vào cuối năm 1616, chính xác là ngày 29 tháng 10, cha Vinh Sơn lấy một quyết định quan trọng: ngài ký văn kiện từ nhiệm chức Viện phụ đan viện Saint-Léonard-de-Chaume[5].

Bản hợp đồng sáng lập qui định các thành viên của tu hội phải từ bỏ mọi trọng trách hoặc bổng lộc của Giáo hội để thuộc về nó. Cha Vinh Sơn là người đầu tiên đã làm tròn điều kiện này. Trong tất cả những bổng lộc mà cha đã có từ thời kỳ khao khát trần thế, cha chỉ còn giữ lại có một, thân thiết nhất, đó là giáo xứ Clichy. Nhưng cuối cùng năm 1626, cha cũng từ bỏ luôn chức vụ này để toàn tâm toàn ý cho việc phục người nghèo. Hơn thế nữa cha Vinh Sơn còn từ chối cả trường Bon Enfants. Cha đã nhận ngôi trường này với tính cách cá nhân. Nhưng trong ý của vị Tổng Giám Mục, việc đó là nhằm vào việc làm trụ sở cho Tu Hội. Một khi được Tổng Giám Mục phê chuẩn, cha Vinh Sơn cho chuyển danh nghĩa sở hữu nhà trường cho cộng đoàn[6]. Tất cả những điều mà thánh Vinh Sơn đã từ bỏ ở trên chỉ liên quan tới vật chất, danh vọng. Còn có một điều từ bỏ mà mang đến cho thánh nhân ý nghĩa to lớn hơn nữa: đó là sự từ bỏ ở khía cạnh tinh thần.

Năm 1617 là một năm quyết định đối với thánh Vinh Sơn. Trong năm đó, xảy ra biến cố ở Gannes-Folleville và biến cố Châtillon. Sau biến cố Gannes-Folleville, cha Vinh Sơn đã thực hiện “một quyết định anh hùng: lúc mới 36 tuổi, một tuổi cân nhắc và được kính trọng hơn thời nay, cha Vinh Sơn bỏ ngay sự an toàn của mình, một địa vị mà nhiều người thèm muốn. So với điều người ta biết về dự định của Cha Vinh Sơn Phaolô, thì quả thật đây là sự đoạn tuyệt và vượt thắng[7]. Thánh Vinh Sơn từ bỏ sự an toàn của mình để hòa mình vào giữa một đám dân nghèo để sống với họ, để giải tội, để ban phát các bí tích, để dạy giáo lý cho họ. Còn ở biến cố Châtillon, thánh Vinh Sơn còn từ bỏ triệt để hơn nữa, ở khía cạnh này chúng ta có thể nói Châtillon là đỉnh và là bước ngoặc quan trọng. Tại đây, thánh Vinh Sơn đã từ bỏ chính con người của mình để tận hiến trọn vẹn đời mình cho việc phục vụ giới nghèo. Qua biến cố ở Gannes-Folleville và Châtillon, lần lượt các cuộc đại phúc xuất hiện và trải dài trên miền đất rộng lớn của gia đình Gondi. Nếu chúng ta so sánh các cuộc đại phúc này với công việc mục vụ ở Clichy thì đó lại là một sự từ bỏ mang lại ích lợi cho người nghèo nữa. “So sánh kinh nghiệm ở Clichy và ở Châtillon với kinh nghiệm của các tuần đại phúc, nhất là từ năm 1617 đến 1625, ta thấy ngài từ bỏ ý tưởng của việc mục vụ định cư, để chọn việc lưu động truyền giáo”[8].

Như thế, con người Vinh Sơn đầu tiên đã bị chôn vùi một cách dứt khoát, vì đó là con người của những mơ mộng về sự hào nhoáng thế tục, con người của tình trạng giáo sĩ được hiểu như công cụ để thăng tiến xã hội. Thánh Vinh Sơn sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường từ bỏ của mình để trở thành vị “Tông đồ bác ái”. Thánh nhân đã sống một đời sống từ bỏ triệt để, thế nên những giáo huấn của ngài về sự từ bỏ chắc chắn sẽ rất sống động và thiết thực.

2. Những lời huấn đức của thánh Vinh Sơn cho Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái về sự từ bỏ

Giáo huấn của thánh Vinh Sơn về sự từ bỏ được tìm thấy trong các thư từ và các bài nói chuyện của ngài. Giáo huấn này luôn đặt nền tảng trên các đòi hỏi của Tin mừng. Trong chương II số 8 của Luật Chung, thánh nhân viết: Đức Kitô đã nói: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày của mình[9]”. Trong tinh thần tương tự, thánh Phaolô thêm rằng: “Nếu anh em sống theo xác thịt, anh em sẽ chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những đam mê xác thịt, thì anh em sẽ được sống[10]. Vì thế, cha Vinh Sơn kết luận: “Do đó, mỗi người cần phải nỗ lực hết mình trong việc hãm dẹp ước muốn và ý riêng của mình, cũng như làm chủ các giác quan của mình[11]”.

Đối với Tu Hội Truyền Giáo, cha Vinh Sơn yêu cầu các thành viên phải thủ đắc cho mình nhân đức hãm mình. Bởi đó là nhân đức làm cho chúng ta tiến triển trong đời sống thiêng liêng, nhân đức giúp chúng ta làm việc bác ái và cũng là nhân đức giúp chúng ta trở thành một nhà thừa sai thực sự. Nhưng không thể thủ đắc được nhân đức hãm mình nếu trước tiên chúng ta không từ bỏ chính mình. Chính thánh Vinh Sơn đã nói: “Thưa anh em, chúng ta hãy luôn dõi theo sự hãm mình của Chúa chúng ta, bởi vì muốn đi theo Người, ta cần phải hãm mình theo gương Người. Chúng ta hãy yêu thương như Người, coi Chúa là mẫu mực cho chúng ta, để bước theo Người trên con dường hoàn thiện. Sở dĩ các thánh đã nên thánh vì các ngài theo bước Chúa Giêsu, từ bỏ chính mình và hãm mình theo mọi sự.[12] Từ bỏ chính bản thân mình là từ bỏ đi con người ích kỷ của mình, từ bỏ “con người Adam cũ” để ngày càng trở nên giống “Adam mới là Đức Giêsu Kitô”. Thánh Vinh Sơn cho thấy 4 cách thế sau như là phương tiện của sự từ bỏ: “Có 4 cách thế để từ bỏ chính bản thân: phán đoán, các giác quan, ý chí và việc từ bỏ thân nhân cùng cha mẹ mình.[13] Để trở nên một nhà thừa sai Vinh Sơn thánh thiện, chúng ta phải từ bỏ làm thỏa mãn các cảm giác bên ngoài như: thị giác, khứu giác, thính giác, vị giác và xúc giác. Khổ chế với những giác ban bên trong: sự hiểu biết, trí nhớ và ý muốn. Từ bỏ cha mẹ, anh em, bạn bè theo như lời của thánh Vinh Sơn đó là phải phải tránh thái độ gắn bó thái quá đối với người thân. Bởi “mối liên hệ huyết tộc là một trở ngại lớn đối với sự trọn lành Kitô giáo.[14]Điều đó không có nghĩa là chúng ta ghét bỏ cha mẹ, anh em, họ hàng, nhưng chúng ta vẫn yêu thương họ một cách thiêng liêng theo tinh thần Kitô giáo. Như một di sản to lớn của những người sắp ra đi để lại cho con cái của mình, thánh Vinh Sơn cũng để lại một giáo huấn nền tảng về sự từ bỏ cho các nhà thừa sai. Trong bài huấn dụ vào ngày 02 tháng 5 năm 1659, trước lúc qua đời khoảng 1 năm, thánh Vinh Sơn nói: “Xin Chúa ban cho chúng ta ơn được nên giống như người trồng nho tốt lành. Ông ta luôn có trong túi con dao và dùng nó để cắt đi tất cả những gì ông thấy có hại cho cây nho của mình! Vì cây nho thường đâm ra những chồi nhiều hơn ông muốn và nó không ngừng đâm ra những cành vô ích. Người trồng nho luôn sẵn sàng con dao trong tay để cắt bỏ đi tất cả những gì là dư thừa vô ích này ngay khi mà ông phát hiện thấy nó, ngõ hầu sức sống của nhựa cây lên được mọi ngành nho, những ngành cần phải sinh hoa kết trái.[15]Là những người bước theo thánh Vinh Sơn, chúng ta được mời gọi cũng phải cắt bỏ đi những gì không cần thiết cho cuộc đời dâng hiến của mình. Cắt bỏ đi những gì làm cản trở ta trên đường thánh thiện. Cắt bỏ đi những gì không đem lại lợi ích cho người nghèo. “Người nghèo! Đó là công việc chính của anh em, và chính vì nó mà anh em phải rời bỏ tất cả mọi sự[16]!”

Còn đối với Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, thánh Vinh Sơn cũng cho thấy con đường duy nhất để trở nên trọn hảo như Cha trên trời chính là con đường từ bỏ được thể hiện qua cuộc sống hiến dâng trọn vẹn. Thánh Vinh Sơn ngây ngất trước sự hiến dâng của một người nào đó và đề nghị chúng ta cũng hãy làm như vậy: “Khi một Nữ Tử Bác Ái tốt hiến dâng cả cuộc đời mình để phục vụ Thiên Chúa, chị ấy đã bỏ hết mọi sự, chị không có gì trên thế gian này nữa, không cha không mẹ, không của cải, không tài sản, mà chỉ có sự hiểu biết về Thiên Chúa hay vì Thiên Chúa, có cơ sở vững chắc để tin rằng chị Nữ tử ấy một ngày kia sẽ rất hạnh phúc.[17] Khi thánh Vinh Sơn thấy các Nữ Tử Bác Ái bị cám dỗ về việc muốn níu giữ một điều gì đó để làm sở hữu riêng cho mình, Ngài nhắc nhở: “Giả như có một chị em đã bị cám dỗ giữ điều gì đó cho mình. Ngay khi chị ta cảm thấy sự thôi thúc ích kỷ này, chị ta phải chống lại nó. Và nếu nó cố gắng làm yếu sức chị, chị nên đấm vào mũi nó một cái và làm nó yên.[18]

Giáo huấn về sự từ bỏ của thánh Vinh Sơn dành cho các Nữ Tử Bác Ái trở nên hoàn thiện nhất trong khái niệm “Rời Chúa vì Chúa”. Thánh nhân nói: “Có vài trường hợp chúng ta không thể giữ đúng thời khóa biểu trong ngày; chẳng hạn, sẽ có người đến gõ cửa các Chị trong giờ nguyện gẫm, để xin một chị đi thăm gấp một bệnh nhân nghèo trong tình trạng nguy cấp, vậy chị ấy sẽ làm gì? Chị ấy nên đi và bỏ giờ nguyện gẫm, hay đúng hơn, bỏ giờ nguyện gẫm nhưng vẫn tiếp tục cầu nguyện, bởi vì Chúa truyền lệnh cho chị làm như vậy. Các Chị thấy không, đức bác ái vượt lên trên mọi quy luật của Tu Hội, và tất cả các quy luật đều phải liên quan đến quy luật bác ái kia. Đây là một bà lớn. Phải làm điều gì bà ấy ra lệnh. Vì thế trong trường hợp này, hãy rời Chúa vì Chúa. Chúa kêu gọi các Chị làm giờ nguyện gẫm và đồng thời Chúa gọi các Chị đến với bệnh nhân nghèo ấy. Điều này gọi là rời Chúa vì Chúa.[19] Bỏ giờ nguyện gẫm, bỏ thánh lễ, không tuân theo quy luật của nhà dòng là một điều được xem như không thể chấp nhận trong đời tu. Thế nhưng theo thánh Vinh Sơn, chúng ta có thể từ bỏ những điều này để phục vụ người nghèo. Thánh Vinh Sơn có được suy tư này là vì thánh nhân đã nội tâm hóa đoạn Tin mừng Mt 22, 37-39[20]. Thánh nhân xem hai tình yêu này chỉ là một, yêu Chúa và yêu người nghèo[21]. Trong suốt cuộc đời của mình, thánh Vinh Sơn đã luôn đọc và suy ngẫm Tin mừng của Chúa để rút ra những kinh nghiệm thiêng liêng hầu để lại cho con cái của ngài. Một trong những kinh nghiệm đó là sự từ bỏ. Sự từ bỏ đó liệu có còn thích hợp cho chúng ta trong thế giới ngày nay hay không? Chúng ta thấy gì qua đời sống từ bỏ của thánh Vinh Sơn?

3. Nhận định và suy tư

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà căn tính Kitô giáo đang bị gạt ra bên lề bởi ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải là những người phục hồi lại căn tính Kitô giáo trong thế giới ngày nay. Những người sống từ bỏ là chứng nhân sống động cho Giáo Huấn của Tin Mừng để khôi phục căn tính Kitô giáo. Nhìn vào cuộc đời của thánh Vinh Sơn, chúng ta thấy được mẫu gương lớn để sống chứng tá cho Giáo Hội qua sự từ bỏ. Đó là nhận xét thứ nhất về sự từ bỏ của thánh Vinh Sơn, một sự từ bỏ mang tính tiệm tiến. Thánh Vinh Sơn đã đi từ việc từ bỏ những tài sản có giá trị nhỏ đến những tài sản có giá trị lớn, từ tài sản cá nhân đến tài sản chung. Việc từ bỏ những tài sản vật chất do cha Vinh Sơn thực hiện có kèm theo công việc song song là từ bỏ bên trong, tức từ bỏ ước muốn. Sự từ bỏ đạt đỉnh điểm khi ngài từ bỏ chính cái tôi ích kỷ của mình, từ bỏ những ý định riêng để hoàn toàn vâng theo thánh ý của Thiên Chúa. Thánh nhân thực sự muốn trở nên thánh thiện như Thiên Chúa qua đời sống từ bỏ. Trong bài huấn đức ngày 22 tháng 8 năm 1659, ngài nói: “Sự thánh thiện là gì? Đó là thái độ đoạn tuyệt và xa lánh những sự việc trần thế và đồng thời thiết tha yêu mến Chúa và kết hợp với thánh ý của Người.[22] Sự từ bỏ trong xã hội ngày nay là không dễ dàng, chính vì thế rất cần đến sự luyện tập hằng ngày. Rất ít người có thể từ bỏ ngay một đời sống tiện nghi sang trọng để vào sống giữa một vùng núi hẻm trở khó khăn, không điện, không nước. Do dó, mỗi ngày chúng ta cần phải từ bỏ một chút, từ những cái nhỏ đến những cái lớn. Từ bỏ cho đến lúc phù hợp thánh ý của Thiên Chúa trong mọi sự, lúc đó chúng ta mới có thể trở nên chứng nhân cho Chúa giữa thế giới này.

Nhận định thứ hai về sự từ bỏ của thánh Vinh Sơn đó là Ngài từ bỏ triệt để để tận hiến cho Thiên Chúa và người nghèo. Thánh Vinh Sơn hiến thân cho người nghèo để hiến thân nhiều hơn cho Thiên Chúa sau những tháng ngờ vực và rối loạn tinh thần[23]. Ngài nhận ra được điều này sau những biến cố trong cuộc đời ngài. Ngài bị tình nghi trộm cắp, bị tố cáo công khai trên bục giảng, ngài thấy cảnh nguy khốn thiêng liêng ở Gannes-Folleville, cảnh bệnh tật và khốn khổ của một gia đình ở Châtillon les Dombes. Sau tất cả Ngài quyết định từ bỏ cha mẹ, người thân, của cải, ước muốn riêng để chỉ phục vụ Thiên Chúa qua việc phục vụ người nghèo. Thánh nhân không từ bỏ những thứ đó vì đã chán chường, ngán ngẩm với nó. Nhưng Ngài từ bỏ để không còn vướng bận sự gì hầu có thể dành trọn cuộc đời mình cho Chúa. Nhìn vào đời sống dâng hiến ngày nay, không thiếu những lời kêu mời sự từ bỏ để thuộc trọn về Chúa. Nhưng liệu có được bao nhiêu người đã từ bỏ mọi sự để chỉ còn thuộc trọn về Chúa? Có bao nhiêu người biết hiến thân trọn vẹn cho người nghèo. Thật cần thiết để nhắc lại lời mời gọi mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở cho các tu sĩ trong Tông huấn Vita Consecrata, ngài nói: “Những người tận hiến được mời làm chứng cho Tin mừng một cách mới mẻ và mạnh mẽ về sự từ bỏ và tiết độ, bằng một nếp sống huynh đệ với nét nổi bật là đơn sơ và hiếu khách, cũng như làm gương cho những người dửng dưng với nhu cầu của tha nhân. Chứng tá đó đương nhiên đi kèm theo một mối tình dành ưu tiên cho người nghèo, và tỏ ra một cách đặc biệt trong cách chia sẻ điều kiện sống của những người cùng khốn nhất. Biết bao cộng đoàn hiện đang sống và làm việc ở giữa người nghèo và người ngoài lề xã hội, chấp nhận những điều kiện sống của họ và chia sẻ nỗi đau khổ, các khó khăn và hiểm nguy của họ.[24]

Nhận xét thứ ba về sự từ bỏ của thánh Vinh Sơn, đó là một sự từ bỏ ngay cả những điều tốt để chọn lựa điều tốt hơn. Điều này được thể hiện rõ qua việc thánh Vinh Sơn khuyên các Nữ Tử Bác Ái trong việc chọn lựa ưu tiên cho việc bác ái. Dù là đang nguyện gẫm, đang tham dự thánh lễ, dù là điều đó trái với quy luật của Tu hội, nhưng nếu là điều cần kíp phải làm cho người nghèo thì chúng ta phải làm. Giáo huấn này của thánh Vinh Sơn được lập đi lập lại khoảng hai mươi lần trong suốt các thư từ và các bài nói chuyện của ngài. Có chỗ ngài nói: “Phải giúp đỡ một bệnh nhân ngày Chúa nhật để làm đẹp lòng Chúa, thay vì đi dự thánh lễ, mặc dù bắt buộc, ôi! Chị sẽ làm điều ấy. Chúng ta gọi đó là: “Rời Chúa vì Chúa![25]Việc tham dự thánh lễ Chúa nhật là một điều tốt, một điều bắt buộc. Nhưng thánh Vinh Sơn đã cho thấy ngài rất uyển chuyển và linh hoạt trong vấn đề này, chúng ta có thể từ bỏ một điều tốt để làm một điều tốt hơn. Ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi để thích ứng hơn trong sự từ bỏ này. Điều này thực sự có ý nghĩa hơn trong việc chúng ta thực hành đức vâng phục trong đời sống dâng hiến. Đôi lúc chúng ta thấy ý kiến của mình là tốt, là hợp lý, nhưng chúng ta cần phải bỏ ý kiến đó vì ý của Bề trên, vì mục tiêu chung của Tu hội. Chính thánh Vinh Sơn cũng đã nhắc nhở các con cái của ngài trong Luật chung, ngài viết: “Chúng ta cần phải dẹp bỏ ý kiến và mong muốn riêng của chúng ta, không chỉ liên quan đến những điều Bề trên nói với chúng ta một cách rõ ràng, nhưng thậm chí đối với cả các ý định của bề trên, bởi vì chúng ta tin tưởng rằng những điều ngài đề nghị chúng ta làm luôn là điều tốt nhất.[26]

Kết luận

Quan điểm của thánh Vinh Sơn cho rằng, người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu, và người thừa sai chân chính của Tu hội phải là người trở nên hoàn thiện như Cha trên trời qua đời sống từ bỏ triệt để. Từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ ý muốn riêng, từ bỏ sự ích kỷ, từ bỏ ngay những điều tốt với mình nhưng không mang lại lợi ích cho tha nhân và Thiên Chúa. Là những người đang bước theo thánh Vinh Sơn trên con đường dâng hiến, chúng ta cũng cần thích ứng với sự từ bỏ này hơn. Thời đại chúng ta cần những chứng nhân, chúng ta sẽ lắng nghe những nhà giảng thuyết nếu họ cũng là những chứng nhân. Điều này buộc chúng ta phải hành động. Hãy rời bỏ ngôi nhà tiện nghi để trải nghiệm sự bất tiện trong việc truyền giáo. Hãy rời bỏ những người giàu có thơm tho để đến với mùi “hôi thối” của người nghèo, người bệnh tật, tù nhân và cả những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Sự từ bỏ ngày càng thích hợp cho thời đại chúng ta khi mà khoái lạc được tôn sùng vượt quá những giới hạn mà Kitô giáo có thể chấp nhận. Sự từ bỏ sẽ giúp chúng ta trở nên những nhân chứng thật sự cho thế giới hôm nay.


Tài liệu tham khảo:

  1. Bernard Pujo, Vinh Sơn Phaolô Người Tiên Phong, Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn, 2018.
  2. Jean Morin, C.M, Tuyển Tập Vinh Sơn I, II, III, Nguyễn Trọng Đa dịch, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái.
  3. Công Đồng Vaticanô II. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Nxb Tôn Giáo, 2012.
  4. Hiến Pháp và Quy Chế của Tu Hội Truyền Giáo.
  5. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, Cha Phan Tấn Thành, Nxb Tôn giáo, 1996.

[1] Tông Huấn Vita Consecrata, số 1.

[2] Vinh Sơn Người Tiên Phong, tr 47.

[3] Ibid, tr 63.

[4] x. Jose Maria Roman, Tiểu sử Vinh Sơn, tr. 231.

[5] Vinh Sơn Người Tiên Phong, tr 65.

[6] x. Jose Maria Roman, Tiểu sử Vinh Sơn, tr. 232-233.

[7] Tuyển Tập Vinh Sơn 1, tr 36.

[8] Tuyển Tập Vinh Sơn 1, tr 31.

[9]x.Lc 9,23.

[10] Rm 8,13.

[11] LC II, số 8.

[12] SV. XII,227.

[13] ibid

[14] LC II số 9.

[15] SV XII, 225.

[16] SV X, 203.

[17] SV X 337-338.

[18] Ibid 58.

[19] Ibid 595.

[20] Mt 22, 37-39: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi”, đó là điều răn quan trọng nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình,”

[21] Jean Pierre Renouard, Cầu nguyện 15 ngày với thánh Vinh Sơn, tr 113.

[22] SV XII, 300.

[23] Jean Pierre Renouard, Cầu nguyện 15 ngày với thánh Vinh Sơn, tr 52.

[24] Tông Huấn Vita Consecrata, số 90.

[25] SV X, 94-59.

[26] Luật chung, V, số 2.