Vai trò của người giáo dân trong nhóm đại phúc

0
703

María Asunción Gascón Aranda

1. Dẫn nhập

Để mở đầu bài viết này, tôi xin đưa ra nhận xét đầu tiên. Tôi là một thành viên trong Nhóm đại phúc của Tỉnh dòng Zaragoza trong hơn 13 năm. Với sứ vụ này, chúng tôi có phương pháp riêng và phương pháp của chúng tôi có nhiều chi tiết khác biệt so với các phương pháp khác. Và tôi viết về đề tài Giáo dân trong sứ vụ đại phúc từ quan điểm này.[1]

Tôi nhận thấy rằng, người giáo dân cộng tác vào các cuộc đại phúc theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, tôi xin nhắc lại, tôi viết về đề tài này từ chính những kinh nghiệm và trăn trở của tôi, để những điều này có thể phong phú hơn khi được nhìn từ những quan điểm khác.

2. Một vài nền tảng thần học

Như quý vị đã biết, theo nhiều nhà chú giải, các công việc truyền giáo của giáo dân có nền tảng là những hành động của chính Chúa Giêsu, khi Người sai 12 Tông đồ và rất nhiều môn đệ đủ loại, cũng như những người nam nữ giáo dân ra đi loan báo Nước Thiên Chúa. (Lc 8,1-3; 10,1-6)

Trong thư gửi cho tín hữu Roma, ở chương 16, thánh Phaolô Tông đồ đã xác quyết tầm quan trọng của công việc truyền giáo của giáo dân, đặc biệt là vai trò của hai vợ chồng Prisca và Aquila. Như một thần học gia nổi tiếng đã nhận xét: “Đức tin và tinh thần hy sinh của họ chắc hẳn là một sự trợ giúp tuyệt vời cho sứ vụ truyền giáo của thánh Phaolô, đến nỗi thánh Phaolô đã nói rằng, tất cả cộng đoàn Kitô hữu được hoán cải từ phía dân ngoại phải biết ơn họ (Rm 16,4) Thánh Phaolô nói vợ chồng Andronica và Junia, là “những người nổi bật trong số các Tông đồ” (Rm 16,7)

Trung thành với truyền thống này, Công Đồng cũng đã nói rằng: “Chúa Kitô, vị Ngôn Sứ cao cả, Đấng đã dùng chứng tá đời sống và hiệu năng Lời của Người để công bố Nước Thiên Chúa, chu toàn chức vụ ngôn sứ của mình… Người chu toàn chức vụ đó không những nhờ hàng giáo phẩm, là những người nhân danh Người và lấy quyền năng của Người mà giảng dạy nhưng còn nhờ các giáo dân mà Người đã đặt làm chứng nhân, soi sáng họ với cảm thức Đức tin và ân sủng của Ngôi Lời (x. Cv 2,17-18; Kh 19,10) để sức mạnh Phúc Âm sáng ngời trong đời sống thường ngày của họ, trong gia đình và ngoài xã hội.” (Lumen Gentium, 35)

Và trong Ad Gentes, Công Đồng cũng nói: “Vì lý do này, giáo dân đóng vai trò quan trọng nhất… để tuyên xưng Đức Kitô bằng lời nói và gương lành.” (AG, 15)

Các bản văn này cho chúng ta thấy rõ và phải đồng ý rằng, giáo dân chiếm vị trí trổi vượt hơn các nhu cầu của các Hội Thánh riêng lẻ mà họ đang thuộc về trong thời điểm hiện tại.

Cũng vậy, chẳng phải  thánh Vinh Sơn đã cần đến các “giáo dân” Nữ Tử Bác Ái, và đã thành lập các hiệp hội giáo dân như Hội Các Bà Bác Ái sao? Và ngài sẽ chẳng bênh vực một công cuộc canh tân truyền giáo ngày nay vốn bao gồm cả giá trị to lớn của người giáo dân hay sao?

Giáo dân chúng tôi nhận thấy rằng, việc tham dự vào các cuộc đại phúc đòi hỏi một nỗ lực để đổi mới tinh thần cũng như những thực hành truyền thống của các nhóm đại phúc. Nhưng một sự canh tân như thế, dù không dễ dàng, thì vẫn cần thiết và xứng đáng.

3. Sự tham gia của giáo dân trong thực tế

Ngay từ ban đầu, nhóm đại phúc của chúng tôi đã được thành lập bởi các linh mục Tu Hội Truyền Giáo, các Nữ Tử Bác Ái, và các “Giáo dân gắn kết với cuộc đại phúc.” Trong số những giáo dân này, có người đã kết hôn, có người sống độc thân, cả nam lẫn nữ. Vì vậy, có thể thấy rõ “sự phong phú của các chi thể và phận sự” của chính Thân Thể Đức Kitô là Giáo Hội. Đặc tính Giáo Hội của việc tham gia và đồng trách nhiệm này chính là điều hấp dẫn và rao giảng Tin Mừng trong các giáo xứ mà chúng tôi được kêu gọi.

Trong việc thực hiện các cuộc đại phúc của chúng tôi hiện nay, chúng tôi cố gắng tái hiện các thực hành của thánh Vinh Sơn, ngài đã lấy những nhu cầu của dân chúng làm nền tảng cho các cuộc đại phúc của ngài. Chúng tôi chia công việc của cuộc đại phúc thành ba giai đoạn:

      1. Chuẩn bị
      2. Thực hiện cuộc đại phúc
      3. Củng cố

Trong ba giai đoạn này, ở mỗi giai đoạn đều có sự tham gia của giáo dân. Mặc dù chúng tôi không ngừng tham gia vào chính cuộc đại phúc, nhưng sự hiện diện của chúng tôi trong hai phương diện khác, tuy ít rõ ràng hơn nhưng cũng có tầm quan trọng.

3.1     Chuẩn bị cho cuộc đại phúc

Trong thời gian chuẩn bị, các giáo dân tham gia cuộc đại phúc có một vai trò quan trọng là làm chứng cho một Đức tin tận tuỵđồng trách nhiệm. Việc làm chứng của chúng ta là chứng từ rất hữu ích cho hàng giáo sĩ cũng như giáo dân ở giáo xứ mà chúng ta đang thực hiện cuộc đại phúc. Khi chứng kiến sự tham gia của người giáo dân vào cuộc đại phúc, hàng giáo sĩ và giáo dân nhận ra rằng cuộc đại phúc thuộc về tất cả mọi người.

Chúng tôi có những nhiệm vụ khác nhau trong việc chuẩn bị đại phúc, trong khi phối hợp với vị điều hành cuộc đại phúc và với các linh mục Tu Hội Truyền Giáo. Nhưng điều đặc biệt quan trọng là chính sự hiện diện của chúng tôi trong việc giới thiệu cuộc cuộc đại phúc cho cả giáo xứ.

3.2     Tham gia vào việc thực hiện cuộc đại phúc

Cuộc đại phúc gồm ba phần: Gặp gỡ dân chúng, Công bố sứ điệp, thành lập các nhóm. Chúng tôi tham gia vào cả ba giai đoạn này trong những mức độ khác nhau.

Căn bản, sự tham gia của chúng tôi vào cuộc đại phúc nhất định là một chứng từ cho vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội. Chúng tôi nhớ lại những lời của Công Đồng đã được trích dẫn ở trên: “Quan trọng nhất là giáo dân loan báo Đức Kitô bằng lời nói và gương sáng” (AG 15). Có những phương thức khác nhau để thực hiện điều này:

    • Qua việc “rao giảng Tin Mừng bằng tiếp xúc cá nhân”:[2] thăm viếng các gia đình và các cuộc họp nhóm, lắng nghe các vấn đề, làm các việc giúp đỡ nhỏ bé, trình bày các vấn đề với các linh mục, tìm hiểu các hoàn cảnh nghèo khó, tìm kiếm các bệnh nhân v.v… Sự đóng góp này của chúng tôi có thể là rất quan trọng.
    • Tham dự các cuộc họp của giới trẻ, thiếu nhi, các đôi hôn nhân.
    • Đến với các nhóm gia đình trong các buổi họp tại gia của họ, đây là một nhiệm vụ chúng tôi thích thú và thấu hiểu.
    • Chúng tôi thường có thể thực hiện vai trò “Người điều phối/Người cổ võ” trong các cuộc họp mà tại đó, các thừa sai giáo dân được huấn luyện, nhiệm vụ này được chúng tôi làm trong những ngày đầu của cuộc đại phúc.
    • Tôi thiết nghĩ, có một điều quan trọng cần lưu ý ở đây, đó là có nhiều khi những thành viên giáo dân chúng tôi trong nhóm đại phúc đã đảm nhận vai trò chủ sự một nghi thức Phụng vụ tại các giáo xứ không có linh mục trong một thời gian ngắn. Tại sao như vậy? Bởi vì để cho giáo dân địa phương thấy rằng, đó là một công việc mà chính họ cũng có thể làm.

Từ một quan điểm nhất định, tôi muốn lưu ý rằng, những hoạt động này được thực hiện bởi một thành viên Tu Hội Truyền Giáo, hay nói cách khác là bởi một linh mục, bởi một nữ tu qua các đặc sủng của chính vị đó, và bởi chính những giáo dân chúng tôi, trong sự đơn sơ và thực tại đời sống mà chúng tôi chia sẻ với dân chúng, trong một cách thức tự nhiên và tự nguyện. Điều này thức tỉnh sự hiếu kỳ của dân chúng, gợi lên các vấn nạn nơi chính các thiếu nhi, giới trẻ, và người lớn, mở ra con đường “đối thoại cá nhân”[3] và một công việc chứng tá đơn sơ.[4] Hệ quả là:  Họ giống như chúng ta và nhiệt tâm với Tin Mừng!

Chúng tôi không mang đến cho họ một sự cải cách “bằng lệnh truyền”, mà bằng “chứng tá đời sống.” Trong cuộc đại phúc, chúng ta không được phép quên nguyên tắc mang tính Vinh Sơn là: Phù hợp với hoàn cảnh địa phương và dân chúng.[5] Thông thường điều này thì dễ dàng hơn với giáo dân chúng ta.

Trong những trường hợp khác, ở những vùng quê của chúng ta, thật may mắn vì có sự hiện diện của giáo sĩ, nhưng lại không dễ dàng thúc đẩy việc tham gia của giáo dân.

3.3     Các hoạt động củng cố

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các vấn đề xảy ra trong giai đoạn củng cố thì khá đa dạng. Một nhiệm vụ dành cho các thừa sai giáo dân đã có gia đình là thành lập “Các nhóm Kitô hữu đã lập gia đình”. Sau đó là thành lập các nhóm khác theo lứa tuổi, đặc biệt là thiếu nhi và giới trẻ. Các nhiệm vụ chuyên biệt nhưng cần thiết đòi hỏi phải được lưu tâm cách đặc biệt. Tuy nhiên, tôi nhắc lại, giáo dân chúng tôi đang thực hiện tốt những nhiệm vụ này.

Ở Tây Ban Nha, tư liệu cho việc rao giảng Tin Mừng “đơn sơ” này là hiếm thấy. Một điều gì đó phải được chuẩn bị. Và có những người giáo dân đang làm việc đó.

Sau một cuộc đại phúc, các cha sở có một công việc lớn phải làm và họ thiếu các cộng sự. Các cha sở này thường nài xin chúng tôi thỉnh thoảng đến giúp đỡ các ngài trong việc thành lập và khởi động các nhóm phục vụ. Chúng tôi thường cộng tác với các ngài, ngay cả ở Mỹ La-tinh.

Nếu một khóa Giáo lý dự tòng do thành viên Vinh Sơn khơi gợi được mở ra, thì sự tham gia của chúng tôi có thể là hữu ích hoặc cần thiết.

Tôi nghĩ có nhiều việc để làm. Chúng tôi nhận thấy ở nhiều cộng đoàn, dân chúng giống như chiên không có người chăn. Và thường một cha sở sẽ hỏi chúng tôi: Tôi có thể làm gì bây giờ?

Tại sao tôi lại bày tỏ trăn trở này?  Đúng là bởi vì tôi xác tín rằng công việc này đòi hỏi sự cộng tác của các thành viên Tu Hội Truyền Giáo, các Nữ Tử Bác Ái và Giáo dân Vinh Sơn. Việc này yêu cầu tầm nhìn, sự sáng tạo, nghiên cứu, suy gẫm, thử nghiệm, tham gia lao động… tắt một lời, là niềm tin đối với con người hôm nay, kinh nghiệm của con người hôm nay, và những gì thánh Vinh Sơn theo đuổi vẫn tiếp tục nói với chúng ta: luôn chú ý đến Chúa Thánh Thần, Đấng thổi nơi nào tuỳ ý của Người.

Tôi cũng xác tín rằng các giáo dân Vinh Sơn phải cố gắng thiết lập trong các cộng đoàn mà chúng ta loan báo Tin Mừng:

    • Các công việc phục vụ Bác ái/xã hội
    • Một sự liên đới với thế giới thứ ba

Tôi có thể kể ra nhiều thí dụ về kinh nghiệm của những hình thức này mà tôi đã chứng kiến trong các cuộc đại phúc tôi đã tham gia.

4. Sự phát triển của các nhóm giáo dân

Như tôi đã mở đầu đề tài này, tôi mạnh dạn tuyên bố công khai rằng, các thành viên Vinh Sơn cần can đảm, khiêm nhường, và hành động, sao cho đề tài thăng tiến giáo dân này, đặc biệt là thừa sai giáo dân, không chỉ là chuyện nói suông mà thôi.

Các cuộc đại phúc của chúng ta phải làm việc hướng tới một mục đích kép, nhằm thành lập:

      • Các thừa sai giáo dân Vinh Sơn

Tôi thuộc về nhóm này. Họ là những người giáo dân hợp thành nhóm đại phúc, thường được bổ sung thêm thành viên mới trong cuộc đại phúc, hoặc bởi xin gia nhập, hoặc bởi được vị điều hành hay một thành viên giáo dân trong nhóm mời gia nhập.

      • Các thừa sai giáo dân Vinh Sơn thuộc giáo xứ

Họ là những giáo dân trong giáo xứ, kết hợp với chúng tôi, để duy trì việc rao giảng Tin Mừng và tinh thần truyền giáo. Nhưng điều cần thiết là những nhóm cộng đoàn này mở ra để loan báo Tin Mừng, để giữ mối quan tâm đên việc loan báo Tin Mừng của họ được sống động, được chuẩn bị cả về vật chất lẫn tinh thần, và được đào tạo liên tục. Với mục đích này, họ cần sự khích lệ truyền giáo của một linh mục Vinh Sơn, cũng như sự hiện diện của một giáo dân có liên hệ với Nhóm.

Trong cảm thức kép này, lời kêu gọi của các thành viên nhóm giáo dân là rất quan trọng. Nhưng cũng quan trọng không kém là: các thành viên giáo dân Vinh Sơn chúng tôi phải nhận thức rằng chúng tôi cần các con cái của thánh Vinh Sơn (Các linh mục Tu Hội Truyền Giáo và các Nữ Tử Bác Ái) – Tôi nói “con cái” bởi vì chúng tôi là “các cháu” – Vì thế, việc cổ võ ơn gọi Tu Hội Truyền Giáo và Nữ Tử Bác Ái lại điều quan trọng đối với chúng tôi. Và tôi muốn nói với quý vị rằng chúng tôi đang thực hiện điều đó.

5. Đào tạo cho cuộc đại phúc

Giáo dân chúng tôi cần được đào tạo. Cho phép tôi nhắc lại những lời trong dự phóng cho các cuộc đại phúc được lấy từ Hiến pháp của Tu Hội Truyền giáo: Các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo thực hiện mục đích của Tu Hội Truyền Giáo khi họ “trợ giúp việc đào tạo giáo sĩ và giáo dân và dẫn đưa họ tham gia trọn vẹn hơn vào việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.” (HP 1, 3)

Các thừa sai giáo dân Vinh Sơn cần, đòi hỏi, và thấy rằng không thể thiếu một sự đào tạo đầy đủ để đáp ứng những thách đố của các cuộc đại phúc. Một sự đào tạo bao gồm các khía cạnh sau:

    • Đạo tạo nâng cao kiến thức Kinh Thánh – Thần học
    • Đào tạo Vinh Sơn căn bản
    • Kiến thức về các phương thức mục vụ khác nhau
    • Kiến thức lý thuyết và thực tiễn về các phương pháp cụ thể của chúng ta

Để đạt được các mục tiêu này, chúng tôi tham dự 3 khóa đào tạo mỗi năm, ngoài ra, còn có khoảng thời gian đào tạo trước mỗi cuộc đại phúc.

Thêm vào đó, chúng tôi đang phát triển một Thời gian dự tòng, mang đặc tính Vinh Sơn, bởi chúng tôi muốn mang cảm thức là một “nhóm”, một cộng đoàn, và một cộng đoàn với một căn tính rõ ràng. Điều này là cần thiết nếu chúng tôi muốn phát triển một tinh thần Vinh Sơn thật sự.

Một chiều kích khác của việc đào tạo thừa sai giáo dân: Người giáo dân trong các cộng đoàn mà chúng tôi thăm viếng vừa là thụ nhân vừa là tác nhân. Trong các cuộc đại phúc của chúng ta, có một nhiệm vụ quan trọng: đào tạo giáo dân. Vậy công việc này hướng tới mục đích nào?

    • Nhận thức vai trò của họ trong một Giáo Hội Mới – rao giảng Tin Mừng
    • Dẫn đưa họ tham gia trọn vẹn hơn vào đời sống cộng đoàn của họ.
    • Thay đổi cơ cấu để việc tham gia này trở nên khả thi.

Đây là một mục đích chính yếu của các cuộc đại phúc của chúng ta. Và, như tôi đã nói ở trên, chúng ta trông chờ vào sự cộng tác của giáo dân. Đôi khi nhiệm vụ này được giao phó cho một giáo sĩ và một giáo dân. Ở những thời điểm khác, vị linh mục khởi sự công việc này và người giáo dân tiếp tục duy trì. Thường thì công việc này chỉ được thực hiện bởi một người giáo dân, đây là một bước tiến tốt đẹp bởi vì giáo dân trong giáo xứ nhận thấy nó là một công việc mà chính họ cũng có thể làm được.

Kết luận từ tất cả những nhận xét này là sự nhận thức rằng giáo dân cần một sự đào tạo tốt để trở thành các nhà thừa sai.

6. Suy tư sau cùng

Nếu chúng ta mong muốn công việc tông đồ truyền giáo của chúng ta đạt được hiệu quả, thì chúng ta phải là những người có óc thực tế và lắng nghe Chúa Thánh Thần với lòng khiêm nhường. Vai trò của giáo dân trong Giáo Hội đã được nói đến nhiều. Nhưng đối với họ, công tác định hướng tốt lại không được thực hiện dễ dàng. Có nhiều ngăn trở cho sự hợp nhất của họ trong giáo xứ và sứ vụ truyền giáo.

Thái độ cho rằng không thể cộng tác với người giáo dân hoặc chỉ sử dụng đến họ khi thiếu hàng giáo sĩ là một thái độ cần phải được khắc phục, cho dù người giáo dân đã quen hay không quen bị coi là như thế.

Cũng phải tránh việc đánh giá giáo dân cách thái quá. Chúng ta không quên rằng Giáo Hội có phẩm trật và chức tư tế cộng đồng cần được hỗ trợ bằng chức tư tế thừa tác.

Giáo dân chúng ta cần sự nâng đỡ. Dưới đây là một số điều phải tránh:

    • Việc chúng ta bị bỏ mặc với chính những hạn chế của chúng ta, không có sự hỗ trợ cần thiết để đương đầu với nhiều khó khăn của một cuộc đại phúc.
    • Việc chúng ta không nhận được một sự đào tạo tốt.
    • Việc chúng ta không được sửa dạy một cách ân cần khi chúng ta phạm sai lầm. Hoặc chúng ta không được lắng nghe khi chúng ta nhận xét các khuyết điểm.

Cuối cùng, chúng ta cần tránh sự thiếu kiên nhẫn. Có một số người không thể chờ đợi để thấy thành quả công việc của một thừa sai giáo dân. Thực ra, chỉ mới gần đây, chúng ta đã được nhìn nhận rằng chúng ta không “chỉ là các thụ nhân”.

Tôi hy vọng rằng quý vị sẽ đón nhận những nhận xét này như thể đó không chỉ là của riêng tôi nhưng của nhiều thành viên trong nhóm chúng tôi, và những điều này sẽ hữu ích cho quý vị. Những gì tôi vừa mới trình bày không chỉ là lý thuyết, nhưng còn là những kinh nghiệm mà chúng tôi đã nỗ lực sống trong nhiều năm, và chúng tôi luôn hy vọng những kinh nghiệm ấy có thể được sống ở những nơi khác và bởi các nhóm khác.


[1] Trong việc biên soạn tài liệu này tôi đã sử dụng:

    1. Tư liệu Đại phúc của Tỉnh dòng Zaragoza, đặc biệt là A Mission Project
    2. Buổi hội thảo của điều phối viên về vai trò của giáo dân trong các cuộc Đại phúc được trình bày với các Bề trên Giám Tỉnh của Châu Âu
    3. Suy tư của các giáo dân khác trong Nhóm Đại Phúc của chúng tôi.

[2] Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 46

[3] Sđd

[4] Sđd, số 21

[5] SV I, 227