Các chiều kích đơn sơ, khiêm nhường và bác ái nơi Marguerite Naseau

0
2067

Dẫn nhập

Trong công cuộc bác ái của thánh Vinh Sơn, chúng ta bắt gặp nhiều gương mặt người nữ đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của ngài như: Bà Gondi, thánh Louise de Marillac… Trong số đó chúng ta phải kể đến chị Marguerite Naseau, người được mệnh danh là Nữ Tử Bác Ái đầu tiên. Chính qua cung cách phục vụ vô vị lợi, chị đã giúp thánh Vinh Sơn và thánh nữ Louise nhận ra ý Chúa quan phòng, để từ đó cả hai đấng đi đến việc thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Đồng thời, qua cuộc đời của chị, thánh Vinh Sơn đã đề ra một chuẩn mực cho các Nữ Tử Bác Ái về đời sống đơn sơ, khiêm nhường và bác ái. Với ước muốn làm sáng tỏ được phần nào lý tưởng sống của chị và từ đó chúng ta cũng tìm hiểu vì sao thánh Vinh Sơn gọi chị là người Nữ Tử Bác Ái đầu tiên, nên trong bài viết này, tôi xin trình bày các chiều kích đơn sơ, khiêm nhường và bác ái nơi Marguerite Naseau. Tôi hy vọng bài viết này có thể giúp cho người đọc hiểu được phần nào những đóng góp quan trọng của Chị trong buổi đầu của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái.

I. Các nhân đức nơi người Nữ Tử Bác Ái theo Thánh Vinh Sơn

Cha Vinh Sơn luôn sống với châm ngôn Tin Mừng cách triệt để, vì vậy khi đưa ra các nhân đức đặc trưng cho các Nữ Tử Bác Ái cha cũng dựa vào Tin Mừng. Một trong các căn tính nơi các Nữ Tử Bác Ái: “Sống với tinh thần Phúc Âm là khiêm nhường, đơn sơ và bác ái.[1] Căn tính này, cha Vinh Sơn đã luôn lặp lại với các Nữ Tử Bác Ái trong những bài nói chuyện với các Chị. Đối với cha, để trở thành một người nữ tỳ cho người nghèo và đồng hành với họ, các Ái Nữ của Chúa Kitô cần trang bị cho mình một hành trang về đời sống khiêm nhường, đơn sơ và bác ái. Chính trong tinh thần đó, họ mới thật sự là một nữ tỳ cho người nghèo. Cha Vinh sơn nói với các Nữ Tử Bác Ái rằng: “Tinh thần Tu Hội của chị em hệ tại ba điều yêu mến Chúa chúng ta và phục vụ người trong tinh thần khiêm nhường và đơn sơ. Bao lâu chị em còn giữ được bác ái, khiêm nhường và đơn sơ, bấy lâu người ta còn có thể nói: Tu Hội Nữ Tử Bác Ái còn sống.” (SV IX, 594-595)

Liên quan đến các nhân đức nền tảng này, trong một bài nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái về tinh thần của Tu Hội, một chị đã hỏi cha Vinh Sơn rằng: Thưa cha không phải tất cả các Kitô hữu đều cần có ba nhân đức này sao? Cha Vinh Sơn trả lời: đúng, nhưng các Nữ Tử Bác Ái cần phải chuyên chăm thực hành ba nhân đức này hơn. Để mọi người, khi nhìn thấy các chị em họ nhận ra các chị em qua các nhân đức này, dù các chị em làm gì, nói gì, hãy cố gắng giữ lấy chúng. Vì vậy, chớ gì các chị em hãy luôn mang trong mình ba viên kim cương xinh đẹp này là lòng khiêm nhường, bác ái và sự đơn sơ[2]. Bên cạnh đó, sự đơn sơ, khiêm nhường và làm việc bác ái không chỉ là căn tính của Nữ Tử Bác Ái mà còn là một trong các căn tính của gia đình Vinh Sơn ngày nay.[3]

Cha Vinh Sơn nói tiếp: “Dù ơn gọi của các chị em đòi buộc các chị phải cố gắng thực hành mọi nhân đức trong cuộc sống các chị, để bắt chước gương mẫu của mình là Đức Giêsu Kitô, nhưng các chị phải đặc biệt chú ý đến những nhân đức tượng trưng cho bốn chiều của cây thập giá là đức khiêm nhường, bác ái, vâng lời và lòng kiên nhẫn. Các chị phải làm sao để mọi hành động của mình thấm nhuần các nhân đức này và phải ý thức rằng thật là vô ích nếu họ chỉ luôn luôn đeo trên người một cây thánh giá vật chất.[4] (Bài nói chuyện về nhân đức khiêm nhường, bác ái, vâng lời và kiên nhẫn ngày 14.07.1658). Vì vậy, ba nhân đức này là nét đặc trưng cho một Nữ Tử Bác Ái, người ta cứ dấu này để nhận biết một ai đó có phải là một nữ tỳ của người nghèo hay không?

1. Đơn sơ

Đây là nhân đức đầu tiên được Cha Vinh Sơn chỉ dẫn cho các Nữ Tử Bác Ái. Chính thánh Vinh Sơn đã gọi: “đơn sơ được coi là Tin Mừng của tôi, tôi lấy làm thích thú khi nói lời chân thực.”  (SV XII, 175) và đây là nhân đức Ngài yêu thích nhất. Bởi vì, các chị phải tiếp xúc thường xuyên với người nghèo, nên sự đơn sơ là một điều không thể thiếu. Thầy Chí Thánh của chúng ta đã đến với thế gian trong sự đơn sơ, vì Ngài muốn gần gũi với hết mọi người. Khi một Nữ Tử Bác Ái có được nhân đức này, họ dễ dàng đến với mọi người. Nhân đức này là dấu chỉ để mọi người nhận ra các chị là nữ tỳ của người nghèo. Cha Vinh Sơn dạy rằng: “Các chị Nữ Tử Bác Ái nên giống như thế, hỡi các chị, các chị sẽ biết rằng, các chị thật sự như thế, nếu các chị thật sự đơn sơ, không gắn chặt với những ý kiến của mình, nhưng chấp nhận những ý kiến của người khác; nếu các chị thật thà trong lời nói và nếu những con tim của các chị không nghĩ điều này trong khi đôi môi các chị lại nói điều khác. Tôi chắc chắn tin tưởng vào các chị, hỡi những chị em thân mến!” (SV IX 81)

Người nghèo luôn có sự mặc cảm, đôi khi họ có sự xa cách với chúng ta. Cha Vinh Sơn hiểu rõ được vấn đề này, nên cha đã khuyên các Nữ Tử Bác Ái cần có sự đơn sơ để có thể đến với những con người đang bị người khác quên lãng. Bên cạnh đó, người có sự đơn sơ luôn tạo một cảm giác thân thiện và dễ gần với hết mọi người. Cha Vinh Sơn diễn tả vấn đề này như sau: “Mọi người cảm thấy một sức thu hút vì những người đơn sơ và thật thà, những người từ chối sử dụng xảo kế hay là lừa dối. Họ được nhiều người ưa chuộng ngưỡng mộ bởi vì họ hành động cách đơn sơ và nói năng cách thành thật.” (SV XII, 171; XI, 50). Và tôi thiết nghĩ sự đơn sơ cần có một năng lực bên trong, vì nhân đức này thể hiện một con người tâm hành nhất quán.

2. Khiêm nhường

Nhân đức này quan trọng không kém, theo lẽ thường mọi người đều yêu thích con người khiêm nhường và xa lánh người kêu căn. Các Nữ Tử Bác Ái phải thường xuyên đến với những con người bần cùng trong xã hội, vì thế thật là một khó khăn nếu các Nữ Tử Bác Ái không có được sự khiêm nhường. Làm sao các chị có thể hạ mình trước người nghèo nếu trước đó các chị không mang trong mình sự khiêm nhường đích thực. Cha Vinh Sơn nhắc nhở các chị trong bài nói chuyện như sau: “Chúng ta hãy yêu mến đức khiêm nhường, hãy cố gắng thực hành nhân đức này, vì con Thiên Chúa đã yêu mến đức khiêm nhường đến nỗi thi hành nhân đức này.[5] Chính khi chúng ta mang trong mình sự khiêm nhường, tâm hồn chúng ta sẽ có một sự năng động bên trong, vì sự khiêm nhường làm cho chúng ta trước là để cho ân sủng Chúa hoạt động sau là trở nên hòa nhã với mọi người. Cha Vinh Sơn dạy “khi chị em sống trong sự khiêm nhường, chị em sẽ không khô khan.

Nhân đức này quan trọng không chỉ ở hiệu năng của nó với công việc của các Nữ Tử Bác Ái nhưng nó còn trở nên một đặc tính. Cha Vinh Sơn khẳng định với các chị như sau: “Vì vậy, Chị em thân mến, dấu hiệu rõ rệt để xem một Nữ Tử Bác Ái có phải là một Nữ Tử đích thực hay không , là nhìn xem chị ấy có khiêm nhường không, xem chị ấy có áo khiêm nhường xinh đẹp ấy không, một chiếc áo thật dễ thương dưới con mắt Chúa và của người khác.[6] Điều này thật hiển nhiên, nếu các Nữ Tử Bác Ái có được nhân đức này nó sẽ giúp cho các chị diễn tả được hình ảnh của Thầy Chí Thánh, Đấng đã sinh ra trong sự khiêm nhường.

Chính vì vậy, mọi sự khác đối nghịch với nhân đức này sẽ là một sự nguy hiểm cho những ai muốn kết bạn với người nghèo. Trong các mối nguy đó, sự kiêu căng là một mối đe dọa thường xuyên với nhân đức khiêm nhường, sự kiêu căng làm cho con người tự tôn chính mình từ đó chối bỏ quyền năng của Chúa và thành quả của người khác. Người nghèo sẽ hưởng được gì nếu các nữ tỳ của người nghèo luôn tự cao tự đại. Vậy muốn tránh được những mối nguy, đó chúng ta cần nỗ lực để mang trong mình sự khiêm nhường.

Bên cạnh đó, làm sao chúng ta có thể lắng nghe được tiếng của người nghèo nếu lòng chúng ta không mặc lấy sự khiêm nhường? Cha Vinh Sơn đã nói với các Nữ Tử Bác Ái: “Nếu chị em xây dựng đời mình trong nhân đức đó, điều này sẽ xảy ra điều gì? Chị em đã làm cho Tu hội này là một thiên đàng, và mọi người sẽ nói rất đúng rằng đó là một nhóm người hạnh phúc nhất trên trái đất.” (SV X, 439)

3. Bác ái

Cha Vinh Sơn nói: “Một Nữ Tử Bác Ái mà không có tinh thần bác ái thì kể như đã chết.”[7] Chính trong bản chất ơn gọi của các Nữ Tử Bác Ái đã nói lên rằng các chị cần thực thi bác ái, để có thể xứng đáng với danh hiệu và bản chất ơn gọi của mình. Nhân đức này thánh Vinh Sơn đi từ nền tảng của Kinh Thánh, mến Chúa yêu người, là một tiến trình bắt đầu với tình yêu thiên Chúa sau là đối với tha nhân. Tha nhân đầu tiên và gần nhất chính là anh chị em tôi. Thánh Vinh Sơn nói rằng: “tình yêu tha nhân bắt đầu với tình yêu với các chị em mình, đòi hỏi các chị em cố gắng thương yêu nhau và chịu đựng khuyết điểm nhỏ của nhau, dĩ nhiên là sau khi chị em bắt đầu với chính mình. Đức bác ái phải lan rộng tới người nghèo để phục vụ họ với tình yêu, tới những trẻ em được giao phó cho chị em và cả những tù nhân đau khổ nữa. Vì chị em mang dấu hiệu là các Nữ Tử Bác Ái, nên chị em phải yêu thích tất cả công việc này.[8] Vì quả thật không thể tồn tại một tình yêu phổ quát mà trước đó nó không được nuôi dưỡng bằng một tình yêu cá vị.

Nhưng để yêu mến người nghèo cách thiết thực không đơn thuần chỉ là yêu mến và yêu mến, mọi sự đều có căn nguyên của nó. Một người không thể yêu mến người khác đơn giản, là xuất phát từ việc họ thiếu đức khiêm nhường. Vì họ không thể hạ mình trước chị em mình, làm sao có thể hạ mình với những con người xem ra không đáng để tôi phục vụ. Thánh Vinh Sơn nói đến vấn đề này như sau: “Đức khiêm nhường bảo vệ đức ái. Một Nữ Tử Bác Ái có lòng khiêm nhường thì không bất hòa với chị em vì đức khiêm nhường sinh đức bác ái.[9]

Mỗi nhân đức không bao giờ đứng một mình nhưng nó luôn có sự gắn kết với nhau trong một trật tự của nó. Chính trong sự đơn sơ, khiêm nhường, đức ái sẽ đến và ngự trị trong lòng, Thánh Vinh Sơn viết: “Không cần hỏi vị trí của đức bác ái ở đâu, vì đức bác ái tượng trương cho đỉnh cây thập giá, còn đức khiêm nhường tượng trương cho chân cây thập giá, để chỉ cho chúng ta thấy rằng đức khiêm nhường khiến người ta yêu mến những người địa vị thấp kém, mặc dù trong thực tế, đó là nhân đức không bao giờ để cho người ta sống trong sự thấp hèn, trái lại nhân đức sẽ đưa người ta lên cao trong sự trọn lành.[10] Mối liên hệ với các nhân đức còn là sự kéo theo như một hiện tượng domino, nhân đức này sẽ là nền tảng cho nhân đức khác. Thánh Vinh Sơn còn thêm rằng: “Người Nữ Tử Bác Ái đích thực là người mặc lấy bác ái và khiêm nhường làm y phục, là người yêu mến sự khinh bỉ, là người tin rằng mình hư hỏng tất cả.[11]

Tất cả mọi đức tính trên điều hướng đến châm ngôn duy nhất là “làm cho Tin Mừng phát sinh hiệu quả”. Để làm được điều này, cha Vinh Sơn mời gọi các Nữ Tử Bác Ái hãy luôn nhớ đến căn tính cũng như tinh thần cốt yếu của mình là yêu mến Chúa và phục vụ người nghèo. Quy luật của Tu Hội Nữ Tử viết: “Thiên Chúa đã kêu gọi và qui tụ các Nữ Tử Bác Ái với mục đích chính là để tôn vinh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta như nguồn mạch và khuôn mẫu của mọi thứ bác ái, bằng cách phục vụ Ngài về thể xác và tinh thần nơi bản thân Người Nghèo.” (Quy luật chung của Nữ Tử Bác Ái, chương I, 1)

Với những gì đã trình bày, chúng ta có thể phần nào hình dung một cách khái quát chân dung của một Nữ Tử Bác Ái. Thế nhưng, ngoài việc dựa vào Tin Mừng để đưa ra các nhân đức trên, chắc chắn cha Vinh Sơn đã tìm thấy một mẫu gương đánh động ngài. Con người này có những nhân đức, phẩm chất theo Tin Mừng để từ đó ngài có thể mô tả một cách chi tiết về mô thức cũng như cách vận dụng các nhân đức đặc trưng nơi người Nữ Tử Bác Ái. Phải chăng cha Vinh Sơn đã tìm thấy các căn tính này nơi mẫu gương chị Marguerite Naseau, người đã được cha gọi với cái tên Nữ Tử Bác Ái đầu tiên?

II. Mẫu gương nơi Marguerite Naseau

Chị Marguerite Naseau là một tấm gương về lòng tận tụy, mà cha Vinh Sơn nhận thấy nơi người thiếu nữ thôn quê này. Với một trái tim không mệt mỏi, chị đã giúp đỡ nhiều người về vật chất cũng như tri thức. Chị đáng được nhân danh là người Nữ Tử Bác Ái đầu tiên. Nhưng, thật đáng buồn vì tư liệu chúng ta có về chị Marguerite Naseau không được nhiều. Chỉ có một ít thông tin về chị nằm rải rác trong những tập tài liệu của cha Piere Coste.

Tuy nhiên, bấy nhiêu cũng là đủ để chúng ta có thể có một nhận định về chị. Marguerite Naseau (1594 – 1633) quê ở Suresnes là con cả trong một gia đình có chín người con, chị đã được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy ngày 6 tháng 7 năm 1594, một ngày đầy ý nghĩa đối với lịch phụng vụ của gia đình Vinh Sơn. Marguerite luôn trung tín với bí tích Thánh Tẩy chị đã lãnh nhận là phục vụ những người khốn cùng. “Lòng bác ái của chị vĩ đại đến nỗi chị đã hy sinh mạng sống của mình khi cho một thiếu nữ mắc bệnh dịch nằm chung giường với mình.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của cha Vinh Sơn với chị Naseau diễn ra trong lúc cha Vinh Sơn đi giảng đại phúc. Trong cuộc gặp gỡ này chị đã tâm sự với cha Vinh Sơn về những gì chị đã làm, đồng thời chị cũng bày tỏ ước muốn phục vụ người nghèo theo cách thế chị đã làm. Chị nói với cha Vinh Sơn: “Thưa Cha, con đã tập đọc chữ như vậy đó. Con ước muốn dạy lại cho các thiếu nữ nông thôn khác biết chữ. Cha thấy điều đó được không? – Ngài trả lời: Được chứ, con ạ. Cha khuyên con làm như thế.[12] Cha Vinh Sơn đã bị thu hút bởi người thiếu nữ miền Suresnes này về tư tưởng và ý chí. Một con người bé nhỏ nhưng mang trong mình một ước vọng thật to lớn vĩ đại.

Sự xuất hiện của chị Naseau như một ý định của Chúa quan phòng muốn thực hiện công trình của Ngài. Và trong sự chọn lựa của Chúa, chị Marguerite Naseau được ví là hạt mầm vô cùng bé nhỏ nhưng qua đó công trình của Ngài sẽ được thực hiện. Một con người tưởng chừng với tư tưởng con người sẽ chẳng làm được chuyện gì? nhưng chị đã để lại một mẫu gương cho tất cả chúng ta.

Chị không phải là con người mơ mộng sống với những lý tưởng bay bổng nhưng luôn ước muốn thực hiện lý tưởng cách thiết thực. Chính trong cái tư tưởng đó chị luôn nhìn thấy những nhu cầu của tha nhân. Khi nhận thức được nhu cầu của tha nhân chị đã tìm kiếm sự giúp đỡ của những người khác. Bất cứ ai và bất cứ lúc nào, chị cũng tranh thủ để học hỏi nhằm mục đích giúp đỡ cho những thiếu nữ khác cũng biết đọc như chị. Chị không có tiền không có của, nhưng cái chị có thể cho những người khác chính là sự quan tâm, lòng tận tụy. Cha Vinh Sơn mô tả “Chị thường nhịn đói nhiều ngày, trú ngụ ở những nơi chỉ còn các bức vách mà thôi.” (SV IX, 77)

Tấm gương sáng của chị đã thu hút nhiều thiếu nữ khác cũng tham gia các hoạt động. Như lời của mẹ Lucie Rogé: “chị Marguerite Naseau đã thu hút nhiều thiếu nữ khác làm việc, những người đã được chị giúp đỡ và những người có ước muốn dấn thân cuộc đời mình.[13]

1. Mẫu gương về phục vụ trong yêu thương

Trước hết, phải nói rằng Chị phục vụ một cách vô vị lợi không cần sự đáp lại. Tinh thần phục vụ quên mình của chị được Cha Vinh Sơn diễn tả như sau: “Lòng bác ái của Chị cao cả đến độ chị đã chết vì để cho một thiếu nữ nghèo bị mắc bệnh dịch hạch ngủ cùng giường với chị.” (các nhân đức của Chị Marguerite Naseau, tháng 7 1642). Mẫu gương của chị đúng như lời Chúa dạy:“Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.”(Ga 15,13). Không màng đến bản thân sẽ nhiễm bệnh, chị đã ôm ấp những con người đau khổ và phục vụ với tất cả những gì chị có thể làm được. Chỉ trong sự yêu thương đích thực chị mới có thể can đảm để đối mặc với những thử thách.

Mặc dù chị bị dân làng nhạo cười vu khống, nhưng bỏ ngoài tai mọi sự hiểu nhầm chị đã thể hiện một con người sống cho người khác. Trong mọi hành động chị đều mang đến cho tha nhân sự yêu thương. Phải chăng chị đã cảm nhận được sự yêu thương Chúa dành cho chị, thật đúng với câu “khi tim tôi hiểu thấu được tình Ngài lời cảm mến chính là đời dâng hiến”. Chị đã để cho tình yêu của Thiên Chúa hoạt động nơi con người của mình để mình trở thành khí cụ biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa. Sự kiện này càng đúng với câu nói của cha Vinh Sơn: “Tôi được sai đến không chỉ để yêu mến Thiên Chúa, nhưng còn để làm cho người ta yêu mến Người.” (SV XII, 262)

2. Đơn sơ và khiêm nhường

Là một cô gái thôn quê, chị Naseau có được những phẩm chất của sự đơn sơ và khiêm nhường. Chị không ngần ngại hỏi bất cứ ai mà chị nghĩ họ có vẻ biết đọc. Nếu chị không có một sự khiêm nhường, thật sự khó để chị có thể hạ mình trước người khác. Chị biết được giới hạn của bản thân, tận dụng những nén bạc Chúa trao ban cách hiệu quả. Cha Vinh Sơn diễn tả “Chị có một lòng khiêm nhường và vâng phục lớn lao.” (các nhân đức của chị Marguerite Naseau, tháng 7. 1642). Chị đã thu hút nhiều người khác đến với chị không phải bằng những lý luận hùng hổ nhưng bằng chính sự đơn sơ và khiêm nhường của mình. Điều đáng lưu ý, chị Naseau làm tất cả cộng việc này một cách tự nguyện, chị đến gặp cha Vinh Sơn và mẹ Louise để tình nguyện dấn thân cho các nhu cầu của người nghèo. Cha Vinh Sơn nói về sự kiện này như sau: “Khi chúng tôi…lập Hội Bác Ái, chị vui sướng nói với tôi: con rất muốn phục vụ người nghèo như thế.” (SV IX, 601) Cha Morin nhận định: “Chị Marguerite sẽ luôn có sáng kiến và với tất cả tấm lòng khiêm tốn và đơn sơ, dần dần chị đã đưa Louise de Marillac, rồi đến Vinh Sơn đến ý tưởng thành lập Tu Hội Nữ Tử.”[14]

Với tinh thần hăng say lại có tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường chị đã hoàn thành những công việc một cách tốt đẹp.[15] Chúa yêu thích những con người đơn sơ và khiêm nhường vì vậy Chúa đã soi dẫn cho chị mở ra một con đường cho việc phục vụ. Chị Naseau có được các những nhân đức trên, chính vì chị biết hoàn toàn phó dâng cho Thiên Chúa với một sự tín thác như trẻ thơ nép mình bên lòng mẹ.

3. Ý chí vươn lên và kiên nhẫn

Mặc dù chị không biết chữ nhưng với một ý chí kiên vững chị đã tự học, sau đó chị dạy lại cho những người khác. Cha Vinh Sơn miêu tả cách thức học của chị với các Nữ Tử Bác Ái như sau: “Được Chúa linh hứng chị có ý tưởng giáo dục giới trẻ, chị mua một cuốn sách vần và vì không thể đến trường để học, chị xin cha xứ hoặc cha phó chỉ cho chị tập đọc bốn chữ cái đầu tiên. Một lần khác, chị hỏi bốn chữ kế tiếp, và cứ như thế như đến hết. Sau đó, trong khi vừa chăn bò, chị vừa học. Khi trông thấy người nào có vẻ biết đọc chữ, chị hỏi: thưa ông, chữ này phát âm ra sao? Dần dần, chị đọc chữ được, rồi dạy lại cho các thiếu nữ khác trong làng.” (SV IX 77-190) Tấm lòng bác ái không biết mệt mỏi đã thôi thúc chị tự học, để giúp cho nhiều khác cũng được biết chữ như chị. Chị đã thể hiện một tình yêu biết chia sẻ cho người khác. Đồng thời, chị thể hiện một tinh thần không ngại khó, trong bối cảnh xã hội Pháp lúc bấy giờ hành động này là một bước chấm phá, vì phần lớn mọi người đều thất học. Điều đáng nói chị cố gắng chăm chỉ học tập không phải cho bản thân chị nhưng vì người khác. Tất cả mọi việc chị làm điều xuất phát từ lòng yêu mến, hành động vì người khác. Cha Morin đã nhận định như sau: “Hãy thú nhận rằng điều này không tầm thường như bao tiến trình khác và chị Margurite đã xuất hiện như một Nữ Tử Bác Ái mà động lực của chị nối kết điều sẽ là căn bản cho ơn gọi[16] của một Nữ Tử Bác Ái. Cha Vinh Sơn nói về chị như sau: “Chị có một lòng kiên nhẫn lớn lao, không bao giờ phàn nàn điều gì. Mọi người yêu mến chị, vì nơi chị không có gì là không đáng mến” (Bài nói chuyện của cha Vinh Sơn về các nhân đức của Chị Marguerite Naseau, tháng 7 .1642).[17]

Một ý định thật nhiệm mầu của Thiên Chúa đã muốn chị trở thành Nữ Tử Bác Ái đầu tiên. Thánh Vinh Sơn nhận định: “Và như vậy, Thiên Chúa muốn chị sẽ là người Nữ Tử Bác Ái tiên khởi, nữ tỳ phục vụ bênh nhân nghèo tại thành phố Paris.” (SV IX, 78) Cha Vinh Sơn diễn tả tiếp về chị Marguerite Naseau như sau: “Cô gái này nghe nói về dự tính của các bà, nên ước muốn làm công việc ấy và được các bà đón nhận ngay” (SV IX, 456). Sự xuất hiện của chị như một dấu chỉ của Thiên Chúa ban cho đoàn sủng Vinh Sơn. Cha Vinh Sơn đã nhận định “Marguerite Naseau, quê ở Suresnes là chị Nữ Tử Bác Ái đầu tiên có diễm phúc chỉ đường cho các chị em khác… mặc dầu chị chẳng có thầy dạy nào khác ngoài Thiên Chúa.” (SV IX, 77). Chính cách sống của chị đã lôi cuốn nhiều người khác cùng tham gia làm bác ái.

III. Nhận định và suy tư

Chúng ta nhận thấy nơi người phụ nữ này có đủ những đức tính cần thiết để có thể trở nên một kiểu mẫu cho Nữ Tỳ của người nghèo. Trước hết, chị là tấm gương âm thầm phục vụ trong yêu thương, với sự sáng tạo trong việc phục vụ người nghèo. Tiếp đến, chúng ta nhận thấy chị sống với một lý tưởng mạnh mẽ, mang trong tim một ngọn lửa yêu mến. Để rồi từ ngọn lửa ấy chị đã dấn thân cho việc giáo dục các thanh thiếu nữ trong làng một cách vô vị lợi, bất chấp mọi sự chê cười. Ngoài ra chị còn thể hiện một tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường, tinh thần này đã giúp chị luôn để cho thánh ý Chúa soi dẫn. Sự kiên vững và sự khao khát phục vụ của chị đã được Chúa đền đáp, Ngài đã soi dẫn cho chị mở ra một con đường cho những ai muốn dấn thân phục vụ những người bần cùng trong xã hội. Chị không làm những việc vĩ đại nhưng chị đã làm trong khả năng và giới hạn của cô gái thôn quê. Viết đến đây tôi nhớ đến câu nói: “Nếu như bạn không là mặt trời, không là mặt trăng thì bạn hãy là một ngôi sao nhỏ chiếu sáng nơi một góc trời.

Chúa luôn dùng những gì là bé nhỏ để làm những điều cao cả vĩ đại. Cha Vinh Sơn không chủ động tìm đến gặp chị Naseau nhưng chị là người chủ động đến gặp cha. Chị đến với một ước muốn duy nhất “con ước muốn phục vụ người nghèo cách như thế” – Đó là cách thế nào ? Cách thế mà cha Vinh Sơn và mẹ Louise đang ước vọng nơi các bà bác ái. Qua sự kiện này, một lần nữa bàn tay Chúa quan phòng vẫn âm thầm nâng đỡ sự hình thành Tu Hội Nữ Tử Bác Ái trong tương lai. Công trình của Chúa luôn làm cho chúng ta phải suy nghĩ, có biết bao phụ nữ trong gia đoạn này cùng cộng tác với cha Vinh Sơn và mẹ Louise, trong số đó không thiếu những người tri thức. Thế nhưng, một ý tưởng thâm sâu có tính cách quyết định lại được Chúa ký thác nơi con người Marguerite Naseau.

Chính qua cuộc sống và con người của chị, cha Vinh Sơn và mẹ Louse đã đọc được thánh ý Chúa trong kế hoạch của Ngài về một Tu Hội mới chăm lo cho người nghèo. Sơ Anne Neylon, Nữ Tử Bác Ái thuộc tỉnh dòng Ireland có một nhận định về chị như sau: “Cả thánh Vinh Sơn và thánh Louise đều nhận thấy nơi Marguerite những phẩm chất của một người có khả năng biện phân tiếng gọi của Thiên Chúa để trở nên nữ tỳ của người nghèo. Marguerite “là Nữ tử Bác ái tiên khởi đến phục vụ tại giáo xứ Saint-Sauveur” và “là người đầu tiên có tràn đầy niềm hạnh phúc để chia sẻ cho người khác cách thức phụng sự Thiên Chúa.” Cả hai điều này đã giúp cho những thiếu nữ và những y tá có thể phục vụ những bệnh nhân nghèo cách hữu hiệu.”[18]. Chúng ta có thể ví chị Marguerite Naseau như hạt lúa gieo vào lòng đất, để làm phát sinh nhiều bông hạt. Chị đã hủy mình vì người nghèo, nhất là vì sứ vụ. Điều này cũng nhắc nhở những thành viên trong cả hai Tu Hội về ý nghĩa lời khấn của chúng ta, khấn vì sứ vụ.

Cha Vinh Sơn rất ấn tượng về con người này, qua những lần tiếp xúc với chị, phải chăng cha cũng bị lửa nhiệt thành nơi chị thôi thúc? Cha Morin nhận định: “Đây là cuộc gặp gỡ của hai nhà truyền giáo, và người ta dễ hiểu rằng cha Vinh Sơn có nhiều ấn tượng về chị Magrerite Naseau.”[19]  Thêm vào đó, tôi không biết trong khoảng thời gian mẹ Louise đi kinh lý các hội Bác Ái ở những nơi cha Vinh Sơn đã lập, mẹ đã có ý tưởng về một Tu Hội Nữ Tử Bác Ái chưa? Phải chăng mẹ chỉ nghĩ đến ý tưởng này, khi gặp Magrerite Naseau? Trong một bài nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái, cha Vinh Sơn đã thuật lại: “Chính chị đã kể với cô Le Gras, sau nhiều ngày không có bánh mì, chị đã tìm thấy thực phẩm có thể dùng được trong nhiều ngày, sau khi đi dự lễ về.[20] Một đoạn khác, cha Vinh Sơn viết cho mẹ Louise: “Hãy báo cho tôi biết là cô gái ở Suresnes đã gặp cô ngày trước, và đang dạy dỗ các thiếu nữ, có đến thăm cô như đã hứa với tôi ngày chúa nhật vừa rồi.” (SV I, 76) Qua các đoạn trích trên, cho phép chúng ta nhận định rằng có sự gặp gỡ giữa mẹ Louise với chị Naseau. Và chắc rằng qua những lần nói chuyện đó, đã dẫn đến một ý tưởng mới lạ phát sinh nơi con người biết tổ chức như mẹ Louise. Tôi không chắc điều này, nhưng tôi nghĩ, qua sự phục vụ một cách vô vị lợi của chị Magrerite Naseau, đã có một tác động không nhỏ đến việc thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Vì trước khi biết đến các hoạt động của hội bác ái chị Marguerite Naseau đã thực hiện giáo dục cho các thiếu nữ và mời gọi họ hãy cùng tham gia.

Kết luận

Chúng ta vừa kết thúc một cuộc hành trình tìm hiểu về người Nữ Tử Bác Ái đầu tiên. Một con người hết sức tầm thường, bé nhỏ đơn sơ nhưng biết cộng tác với ơn sủng của Chúa. Chị đã để lại một mẫu gương cao đẹp về đời sống phục vụ trong âm thầm khiêm tốn và nhất là có một tình yêu mến vô vị lợi. Nơi chị người ta tìm được căn tính của những ai muốn hiến thân phục vụ người nghèo, chị thật xứng đáng với cái tên Nữ Tử Bác Ái đầu tiên. Điều chúng ta có nói về người phụ nữ nhỏ bé này chính là một con người trở nên nổi tiếng mà không cần phải vĩ đại, có thể được yêu mến nhiều mà không cần phải hiển hách, tất cả hệ tại bởi một tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường và một tấm lòng yêu mến không biết mệt mỏi. Chị là Nữ Tử Bác Ái đầu tiên, dù cuộc sống của chị quá ngắn để có thể hiện diện lúc Tu Hội Nữ Tử được thành lập. Chị đã để cho Tin Mừng lời Chúa soi dẫn và cuộc đời của chị đúng như câu châm ngôn cho các Nữ Tử Bác Ái: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta.” (2 Cr 5,14)

Qua tất cả những gì đã trình bày, chúng ta có thể nhận thấy cha Vinh Sơn đã đưa ra một khuôn mẫu cho một người Nữ Tử Bác Ái. Tôi thiết nghĩ, cha Vinh Sơn đã có cơ sở để quy chiếu các nhân đức cho các Nữ Tử Bác Ái dựa trên con người của chị Nasaeu. Không phải một cách ngẫu nhiên để chúng ta có thể kết luận được rằng cha Vinh Sơn đã xem chị Nasaeu là người Nữ Tử Bác Ái đầu tiên, nếu trước đó cha Vinh Sơn không bị đánh động hay bị thu hút bởi hành động của chị. Chúng ta biết sau khi chị Nasaeu chết, suốt hai mươi năm trong các bài nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái về tinh thần của Tu Hội, chị Marguerite Naseau là người được cha Vinh Sơn ưu tiên quy chiếu. Cha Morin đã viết: “Tinh thần của Tu Hội, chính là tinh thần của chị Marguerite Naseau: Đơn sơ, khiêm nhường và bác ái.”[21] Chị Marguerite Naseau không nổi tiếng, không của cải, không để lại thứ vật chất gì to tát, cái chị để lại cho chúng ta là tinh thần phục vụ quên mình và mở ra một con đường mới. Cả cha Vinh Sơn và mẹ Louise cũng đã nhận thấy điều này qua bàn tay Chúa, Ngài muốn gởi đến cho những ai có ước ao tìm kiếm con đường đến với người nghèo. Nữ tu Anne Neylon, đã nhận định: “Mỗi chị Nữ Tử Bác Ái có thể được khơi gợi bởi chị Marguerite Naseau, “người đã ảnh hưởng” trên thánh Vinh Sơn và thánh Louise.[22]

Anrê Lê Huy Cường


[1] Kỷ yếu của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, mừng 80 năm hiện diện tại Việt Nam, trang 38.

[2] X. Bài nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái, trang 86.

[3] X. Cha R. Maloney, bài viết Kỷ niệm 400 đoàn sủng Vinh Sơn.

[4] Bài nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái, trang 144.

[5] Sđd, bài 25, trang 151.

[6] Sđd, bài 25, trang 150.

[7] Bài nói chuyện với các Nữ Tử, bài số 7 trang 99.

[8] Sđd, bài 25, trang 152

[9] Sđd, bài 25, trang 152

[10] Sđd, bài 25, trang 154.

[11] Sđd, bài 25, trang 149.

[12] Sđd, trang 64.

[13] x. John Freund C.M. Marguerite Naseau—Pointing to Cyberspace? Page 47. “As Mother Lucie Rogé wrote, she “attracted to the work other girls whom she had helped” and who wished “to embrace a devout life.”’

[14] Tuyển tập Vinh Sơn tập 2, trang 60

[15] x. Tuyển tập Vinh Sơn tập 2, trang 66.

[16] Tuyển tập Vinh Sơn tập 2, trang 60.

[17] Bài nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái, trang 51

[18] https://vinhson.net/marguerite-naseau-nguoi-nu-tu-bac-ai-dau-tien.html

[19] Tuyển Tập Vinh Sơn, trang 61.

[20] Tuyển tập Vinh Sơn tập II trang, 62.

[21] Tuyển tập Vinh Sơn tập II trang 72.

[22] https://vinhson.net/marguerite-naseau-nguoi-nu-tu-bac-ai-dau-tien.html