1. Các bài đọc
Bài đọc I: Is 55,1-3
Sách ngôn sứ Isaia: Thiên Chúa sẽ canh tân giao ước của Người với dòng dõi nhà Đavít.
Ðáp Ca: Tv 144, 8-9. 15-16. 17-18
Thánh vịnh 144: Thiên Chúa chu cấp cho dân Người.
Bài đọc II: Rm 8,35. 37-39
Thư thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma: không có gì có thể chia tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Kitô.
Tin Mừng: Mt 14,13-21
Tin Mừng Đức Giêsu theo thánh Matthêu: Đức Giêsu cho đám đông ăn no nê với năm chiếc bánh và hai con cá.
2. Chia sẻ
Trong thời kỳ đại dịch vừa qua, chúng ta dễ dàng có thể quan sát thấy cảnh đám đông dân chúng phải đi nhận hay xin lương thực từ các tổ chức bác ái hay cơ quan nhân đạo. Có những chỗ lương thực nhiều, người nhận ít, thì xem ra trật tự và công bằng. Nhưng có những nơi đồ cứu trợ ít, mà số người nhận quá đông, thì cảnh tượng mất trật tự và bất công bằng là không tránh khỏi. Đó là những nhu cầu rất thường tình của con người về mặt vật chất và thể lý “đói thì ăn, khát thì uống”.
Hôm nay các bài đọc Lời Chúa cũng cho chúng ta thấy cảnh tượng đám đông cần đến lương thực, vì họ thiếu thốn và đói khát.
Hình ảnh thứ nhất là nơi Bài đọc 1 sách ngôn sứ Isaia, là Lời Chúa kêu gọi dân Người: nếu đói, nếu khát hãy đến mà nhận bánh, nhận sữa, một cách miễn phí. Họ sẽ được nhận một cách nhưng không, vì Thiên Chúa sẽ sẵn sàng chu cấp cho họ.
Điều quan trọng là chính họ chủ động đến để nhận về mà dùng. Lòng quảng đại của Thiên Chúa thì vô bờ bến và Ngài thì luôn yêu thương dân Ngài.
Hình ảnh thứ hai, là hình ảnh đám đông đi theo Chúa Giêsu, họ nghe Ngài rao giảng, nhưng rồi trời về chiều và nơi hoang mạc thì không có gì để ăn, không có hàng quán nào mà mua, nên các môn đệ yêu cầu Đức Giêsu giải tán họ. Đức Giêsu đã phản ứng không như cách các ông dự liệu, mà ngược lại chính Ngài con mang đến một thách đố cho các ông“họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”(Mt 14,16).
Các môn đệ thì muốn giải tán họ để khỏi bận tâm thêm và thậm chí lại còn được nghỉ ngơi, vậy mà Chúa lại đưa họ vào tình huống khó xử, so với khả năng và lòng nhiệt thành của các ông. Các chi tiết này cho thấy:
Mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi để làm việc bác ái cho những người anh chị em của mình, nếu chính bản thân họ có thể chu cấp cho những người anh chị em ấy. Đây là một đời sống được hướng đến mọi người Kitô hữu để làm điều thiện cho anh chị em của mình và chính chúng ta làm điều ấy, chứ không phải gởi họ đến với những người anh chị em khác.
Như vậy cả Bài đọc một và bài Tin Mừng đều nói lên tinh thần quảng đại của Thiên Chúa và Ngài muốn những ai đi theo Ngài cũng hãy tin tưởng nơi Ngài khi làm điều bác ái cho những anh chị em của mình.
Cử chỉ Đức Giêsu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa với năm chiếc bánh và hai con cá trong tay thật cảm động. Ngài làm điều đó, vì Ngài biết rằng Chúa Cha sẽ ban điều Ngài cầu xin là có đủ lương thực cho đám đông dân chúng này để ăn no nê. Đó là một thái độ biết ơn, một hành vi tín thác và cảm tạ Chúa Cha vì những gì Người sẽ ban cho.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta thường hay phàn nàn về đồ ăn thức uống này nọ hay ăn uống một cách thừa thãi, lãng phí, mà không biết rằng hàng triệu trẻ em và người nghèo ở khắp nơi trên thế giới luôn sống trong cảnh đói ăn, suy dinh dưỡng và thiếu nước sạch để uống. Hãy tạ ơn Chúa và sử dụng những lương thực có được cách có ý thức, tiết kiệm để có dư ra mà chia sẻ với người khác.
Trong bối cảnh hiện tại của thế giới ngày nay, khi toàn thể nhân loại đang đối đầu với đại dịch thì cuộc khủng hoảng lương thực là điều đáng lo ngại. Người ta dự tính sẽ có hàng triệu người nghèo ở Phi Châu sẽ chết vì đói hơn chết vì virus. Thực tế đó không ở đâu xa xôi mà cũng có thể xuất hiện ngay ở nơi chúng ta đang sống. Dường như cơn đại dịch virus đã làm cho tất cả phải chấp nhận sống nghèo hơn, thiếu thốn hơn, nhất là người nghèo. Và điều đầu tiên hết đó chính là thiếu cơm ăn áo mặc hằng ngày.
Lời Chúa hôm nay vang vọng trong bài Tin Mừng “hãy cho họ ăn” cũng đang vang vọng ngay chính trong cuộc sống của chúng ta ngày nay. Hãy để ý đến những anh chị em nghèo khổ đang sống bên cạnh chúng ta và hãy chăm sóc họ tùy theo khả năng của chúng ta trong ơn Chúa. Hãy bác ái chia sẻ những hộp cơm, những ly nước… cho người nghèo. Và sâu xa hơn nữa là hãy chung tay chống lại sự thiếu thốn và nghèo đói đã, đang và sẽ xảy ra trong thế giới của chúng ta vì cơn đại dịch quái ác này.
Sau lời tạ ơn của Đức Giêsu là một phép lạ nhãn tiền là dân chúng ăn no nê. Khi chúng ta biết tạ ơn Chúa về những gì chúng ta đang có, thì chúng ta cũng dễ dàng chia sẻ với những anh chị em khác và như thế họ cũng sẽ được no nê, đầy đủ.
Chính các môn đệ trong bài Tin Mừng cũng là những người nghèo và những người thiếu thốn khi họ chẳng có gì trong tay để ăn hay cho dân chúng ăn. Họ biết về hoàn cảnh thực sự của mình nên các ông đã xin Chúa Giêsu giúp họ đưa ra giải pháp “xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn.” Các ông đã có một sự nhạy cảm trước hoàn cảnh thực tại của dân chúng và tìm cách giúp họ.
Đây cũng là một bài học cho tất cả những ai muốn giúp đỡ người nghèo, người đói khổ. Điều trước hết là cần có cái “cảm” của một sự yêu thương, rồi sau đó sẽ tìm ra giải pháp. Chẳng phải vì nghèo hay thiếu thốn mà “bó tay” trước những nỗi khốn khổ của những người anh chị em. Thánh Vinh Sơn nói “tình yêu thì sáng tạo đến vô tận.” Tình yêu thương sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp hữu hiệu để giúp đỡ những người anh chị em thiếu thốn xung quanh chúng ta.
Từ những cảnh đói về bánh vật chất này, chúng ta hãy nghĩ về bánh hằng sống, khi mà mỗi ngày trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã luôn mời gọi chúng ta đến, như bài đọc một: “hỡi tất cả những ai khát nước, hãy đến uống nước; hỡi kẻ không tiền bạc, hãy đến mua lúa mà ăn; hãy đến mà mua rượu và sữa, không cần trả tiền, không cần đổi chác gì.” (Is 55,1).
Chúa Giêsu luôn sẵn sàng chờ ta đến với Ngài, hãy để ý đến cơn đói, cơn khát thiêng liêng đang giày vò chúng ta, vì chúng ta cố tình phạm tội hay lười biếng mà không chịu đến lãnh nhận. Bài đọc hai diễn tả phần nào cho chúng ta về sự khao khát này “không một tạo vật nào có thể tách biệt chúng ta khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).
Nghĩa là sự khao khát Chúa, khao khát thiêng liêng sẽ phải ưu tiên và một khi chúng ta có sự khao khát này trong mình, thì không điều gì có thể ngăn cản chúng ta sống trong tình yêu ấy với Chúa. Ước gì sự khao khát của chúng ta với bí tích Thánh Thể cũng sẽ như vậy, để chúng ta có lòng khát khao tìm đến với Chúa mỗi ngày.
Cơn đói vật chất hay thiêng liêng thì luôn làm con người đau khổ. Và Chúa, Đấng quảng đại sẽ khỏa lấp điều ấy do quyền năng của Ngài qua sự cộng tác của chúng ta. Hãy thách đố bản thân mình khi được mời gọi để chăm sóc các anh chị em thiếu thốn của chúng ta và cộng tác với Chúa.
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM