(Bài đọc I: Cv: 1:1-11; Bài đọc II: Ep 1:17-23; Tin Mừng: Mt: 28:16-20)
Niềm vui chứng nhân
Sự Thăng Thiên của Chúa chúng ta, Chúa Giêsu Kitô đánh dấu sự kết thúc cuộc đời làm người của Chúa Giêsu trên thế gian. Ngài sẽ về và ngự bên hữu Chúa Cha trong Nước Trời. Tuy nhiên, đó không phải là giây phút kết thúc mọi sự, nhưng là một kỷ nguyên mới cho các tông đồ. Giáo hội sẽ được thiết lập và được hướng dẫn qua Chúa Thánh Thần. Đó là một sứ vụ được cộng tác giữa con người và Chúa Thánh Thần để tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Trong Bài đọc I, Sách Tông Đồ Công Vụ (1:1-11), Thánh Luca mô tả bốn mươi ngày cuối cùng của Chúa Kitô Phục Sinh trên trần gian, giảng dạy và chuẩn bị cho các tông đồ cho cuộc ra đi của Ngài. Ngoài chính biến cố Thăng Thiên, lời hứa về Chúa Thánh Thần là điều chúng ta nên tập trung vào, vì vào Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã được ban cho tất cả những người đã chịu phép rửa. Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà Kế hoạch Cứu độ của Thiên Chúa sẽ tiếp tục cho đến tận thế: “bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Đó chính là niềm an ủi cho mỗi người Kitô khi phải chứng kiến sự về trời của Đức Kitô.
Thánh vịnh Đáp ca, (47:2-9) là một bài ca mà các thiên thần và các thánh trên trời có thể đã hát khi chào đón Chúa Kitô phục sinh và vinh quang trở lại thiên đàng sau khi hoàn thành sứ mệnh của Ngài trên trái đất. Chúng ta cũng sẽ được chào đón như vậy nếu chúng ta hoàn thành sứ mệnh, vai trò của mình trong Kế hoạch Cứu độ của Thiên Chúa.
Bài đọc II trích Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (1:17-23). Ở đây, thánh Phaolô liệt kê những thành tựu thiêng liêng cùng với vinh dự và vinh quang mà Chúa Giêsu đã dành được một cách phong phú: “Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai” (Ep 1, 21). Ngài đã được điều này bằng cách hoàn thành chính sứ vụ của Ngài, sự cứu rỗi của nhân loại và vinh quang của Đức Chúa Cha.
Bài đọc Tin Mừng theo thánh Matthêu (28:16-20). Đoạn này là phần kết của Tin Mừng Mátthêu. Nó báo hiệu sự chuyển giao sứ mệnh của Chúa Giêsu cho các tông đồ và cho toàn thể nhân loại như là một phần của cam kết rửa tội của chúng ta. Rõ ràng là Chúa Giêsu có ý định rằng tất cả nhân loại sẽ được bao gồm trong Giáo hội của Ngài và cuối cùng là lên thiên đàng, nhưng chúng ta không thể cho rằng sự cứu rỗi là tự động. Đức tin nơi Đức Kitô và sự tuân theo những lời dạy của Ngài và Giáo Hội vẫn là những tiêu chuẩn hàng đầu. Chúng ta được mười gọi để dành thời gian suy niệm về Sự Thăng Thiên của Chúa Kitô. Đây không phải là lúc để buồn. Có thể có những người sẽ hỏi chúng ta, như: “Vì Ngài là Thiên Chúa, tại sao Ngài không thể ở với chúng ta đời đời?” Hai lý do có thể được đưa ra: (1) Chúa Giêsu, Thiên Chúa, muốn được chấp nhận dựa trên đức tin chứ không phải vẻ bề ngoài, và (2) như Ngài nói với các môn đệ trong Tin Mừng Gioan (16:7f1), “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16, 6-7).
Và như vậy, việc Chúa lên trời là cũng là trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại, và thậm chí còn làm cho kế hoạch ấy đạt đến sự viên mãn. Điều này cũng là một lời mời gọi dành cho chúng ta tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Thiên Chúa dành cho mỗi người: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20).
Thông điệp về sứ vụ trở thành chứng nhân của Chúa là điều quan trọng khi chúng ta cử hành lễ Chúa Thăng Thiên. Đó không chỉ là ngày lễ kỷ niệm một biến cố trong cuộc đời của Chúa, nhưng cũng là lời nhắc nhỏ mọi Kitô hữu về sứ vụ của mình là làm chứng nhân cho Ngài. Đừng ngại điều này là khó khăn hay nó dành cho những người xuất sắc. Không, đó là sứ vụ của mọi người Kitô hữu và chúng ta làm điều này trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là là người hướng dẫn chúng ta trong sứ vụ. Điều cần thiết là sự cộng tác của mỗi người trong kế hoạch của Ngài và vâng theo ơn Ngài soi sáng.
Xin cho mỗi người cảm nhận được niềm vui trong ngày lễ Thăng Thiên, vì đó là ngày vui của việc được mời gọi trở nên sứ giả của Tin Mừng của Chúa cho mọi người.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM