Chúa Nhật Đại Lễ Chúa Phục Sinh – Năm A

0
311

(Bài đọc I: Cv: 10:34a,37-43; Bài đọc II: Cl: 3:1-4; Tin Mừng: Ga: 20:1-9)

Chúa đã Sống Lại! Halleluia!

 Các bài đọc Lời Chúa cho ngày đại lễ Phục sinh hôm nay sẽ phản cao trào, nếu chúng ta tham dự Đêm Vọng Phục Sinh vào Thứ Bảy Tuần thánh. Tuy nhiên, niềm vui của ngày lễ trọng đại này được thể hiện rõ ràng trong tất cả các bài đọc. Chúng ta nên để mình được tràn ngập niềm vui và lòng sốt sắng khi biết rằng, sự cứu rỗi và sự cứu chuộc của chúng ta đã được hoàn thành nhờ cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Như vậy, tất cả các bài đọc Lời Chúa đã kể cho chúng ta biết điều gì vừa xảy ra ở Giêrusalem hơn 2000 năm trước. Vì vậy, hãy đặt mình vào ngày lễ và trở thành một người tham dự thực sự niềm vui Phục sinh lớn lao này.

Trong Bài đọc I, trích Sách Tông Đồ Công Vụ (10:34-43), ông Phêrô được tràn đầy Chúa Thánh Thần và một niềm tin đã được củng cố, đã mạnh dạn đứng lên trước đám đông dân chúng ở Giêrusalem và kể lại câu chuyện về cuộc sống và cái chết công khai của Chúa Giêsu, và ý nghĩa của nó đối với toàn thể nhân loại. Chúng ta nên đọc điều này hàng ngày trong cuộc sống của mình và tạ ơn Chúa vì tình yêu của Ngài đã khiến điều đó trở nên khả thi. Vì như chính ông Phêrô đã làm chứng về sự sống lại của Đức Kitô: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi.  Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường” (Cv 10,39-40).

Thánh vịnh Đáp ca (118:1-23) là một bài thơ phụng vụ quan trọng được hát trong bữa ăn Seder hay Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Nó nhắc lại cách dân Israel cầu xin Thiên Chúa của Israel giúp đỡ trong thời gian đau khổ và cách Thiên Chúa đến giải cứu họ. Sau đó, tác giả Thánh vịnh tiếp tục dâng lên những lời ngợi khen tạ ơn, thừa nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ”.

Trong Bài đọc II, từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê (3:1-4), Thánh Phaolô nói về Phép Rửa của chúng ta là một hình thức chết và sống lại thiêng liêng, nơi chúng ta chết cho mọi hình thức tội lỗi và sống lại với Chúa Kitô trong một cuộc sống mới.- đời sống người Kitô hữu. Hãy nghĩ về điều này như thể chúng ta vừa mặc một bộ đồ hoặc một đôi giày mới. Chúng ta sẽ không ra ngoài và làm việc trong vườn hay dọn dẹp nhà để xe trong bộ đồ hay với đôi giày mới này. Thay vào đó, chúng ta muốn ăn diện như vậy trong một đám tiệc hay lễ hội quan trọng, sống động và vui vẻ. “Lối sống của Ki tô hữu” rất đặc biệt và chúng ta nên bảo vệ nó khỏi những vết nhơ và tội lỗi: “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3).

Bài Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh trích từ Tin Mừng Gioan (20:1-9). Điều này, như chúng tôi đã nói trước đây, nó như một cao trào; tuy nhiên, nó cho chúng ta biết rằng ngay cả các Tông đồ cũng gặp khó khăn trong việc hiểu và chấp nhận một điều quá vĩ đại, quá độc đáo biến cố Phục Sinh của Đấng mà họ tuyên xưng là “Chúa”. Và với chúng ta ngày nay cũng vậy, chúng ta thường có thể bị cám dỗ để nghi ngờ điều này hoặc một số sự kiện trọng đại khác trong cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, giống như ông Tôma và một số môn đệ khác đã nghi ngờ. Tuy nhiên, đừng để sự nghi ngờ kéo dài. Đây là những cơ hội để học hỏi và đào sâu đức tin của mình. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần làm cho mọi việc trở nên rõ ràng và dễ hiểu. Sau đó, khi ánh sáng của sự hiểu biết được thắp sáng bởi Chúa Thánh Thần, đức tin sẽ trỗi dậy trong lòng chúng ta, giống như Ngài đã làm cho các môn đệ vào Chúa Nhật Phục Sinh đầu tiên đó: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8).

Tuy nhiên, đoạn Tin Mừng kết luận rằng, ngay cả khi đã nhìn thấy ngôi mộ trống và khăn liệm, các môn đệ vẫn chưa hiểu hoàn toàn về sự Phục Sinh. Trong đoạn tiếp theo, Ma-ri-a Mác-đa-la gặp Chúa Giêsu, nhưng nhầm Ngài với người làm vườn. Trong những tuần sắp tới, các bài đọc Tin Mừng trong phụng vụ của chúng ta sẽ cho chúng ta thấy các môn đệ đã tin vào sự Phục sinh của Chúa Giêsu như thế nào, qua những lần Ngài hiện ra với họ. Đức tin Phục Sinh của chúng ta dựa trên chứng tá của họ về ngôi mộ trống và mối tương quan không ngừng nghỉ của họ với Chúa Giêsu – trong các cuộc hiện ra của Ngài và trong việc Ngài ban Chúa Thánh Thần cho họ.

Vì thế, để hiểu và sống mầu nhiệm Phục sinh không chỉ là nhìn vào sự kiện diễn ra trong Kinh thánh, nhưng cần có những kinh nghiệm thiêng liêng với Đấng đã phục sinh trong đời sống hằng ngày và với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Đó là kinh nghiệm của sự tìm kiếm để gặp gỡ Chúa. Từ những cuộc gặp gỡ này tâm hồn chúng ta sẽ được biến đổi và xác tín mạnh mẽ vào Ngài. Hãy xin Chúa cho chúng ta luôn có được tâm tình ấy, khi chúng ta mừng lễ Chúa Phục sinh hôm nay.

Ngoài việc cử hành Ngày lễ Phục Sinh trọng đại này của Chúa với gia đình và bạn bè, hãy dành ra một vài phút để cầu nguyện với Chúa Giêsu, để cảm ơn Ngài về tình yêu thương của Ngài và món quà vĩ đại là Sự Phục sinh mà Ngài đã ban tặng cho chún ta.

Mừng Chúa Phục Sinh Halleluia!

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM