(Bài đọc I: Cv: 10:34a,37-43; Bài đọc II: 1 Pr 1:3-9; Tin Mừng: Ga: 20:19-31)
Phúc thay niềm tin
Chủ đề của các bài đọc cho Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót hôm nay, tiếp tục phản ánh niềm vui của lễ Phục sinh như nó là. Chúng ta được mời gọi để gìn giữ niềm vui đó khỏi phai nhạt trong cuộc đời mình một cách dễ dàng. Nó là một cái gì đó cần được nuôi dưỡng thông qua cầu nguyện và chiêm niệm. Sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô là chủ đề và sự kiện trọng tâm của tất cả Kitô hữu; và chúng ta càng hiểu ý nghĩa của điều đó, thì cuộc sống của chúng ta trên thế gian này sẽ càng có ý nghĩa đối với chúng ta và với những người khác. Và qua đó chúng ta càng thấu hiểu hơn của một tình yêu thương xót mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, qua cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô.
Trong Bài đọc thứ nhất, trích Sách Công Vụ Tông Đồ (2:42-47), chúng ta đọc thấy tất cả những người theo Chúa Giêsu, chứ không chỉ các tông đồ, rất nhiệt tình với “lối sống mới”. Một lối sống mà mọi Kitô hữu “luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42), đến nỗi họ sống trong các cộng đoàn để chia sẻ mọi thứ, cả vật chất lẫn tinh thần. Bằng cách này, họ có thể giúp nuôi dưỡng và chia sẻ đời sống thuộc linh mới được tìm thấy trong Đức Kitô với nhau. Nhờ niềm vui này, nhiều người khác đã tin và “cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47).
Thánh vịnh Đáp ca (118:1-23), là phần tiếp theo của cùng một thánh vịnh từ Chúa nhật Phục sinh. Đây là một bài thánh thi phụng vụ quan trọng được hát trong Bữa ăn Seder hoặc Lễ Vượt qua của người Do Thái. Nó nhắc lại cách dân Israel cầu xin Thiên Chúa của Israel giúp đỡ trong thời gian đau khổ và cách Thiên Chúa đến giải cứu họ. Sau đó, tác giả Thánh thi tiếp tục dâng lên những lời ca ngợi tạ ơn thừa nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Bài đọc II, trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô tông đồ (1:3-9). Phần này của bức thư của Thánh Phêrô là một bản tóm tắt ngắn gọn về đời sống Kitô hữu lúc bấy giờ và bây giờ. Chúng ta không nên nghĩ về sự Phục sinh của Chúa Kitô như một điều gì đó đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm, nhưng đúng hơn, như một điều gì đó xảy ra hàng ngày trong mỗi Thánh lễ – không chỉ những thánh lễ chúng ta tham dự, mà là tất cả các Thánh lễ. Chúng là những lời cầu nguyện vĩ đại nhất trong Lễ tạ ơn, mà người ta có thể dâng lên cho hành động yêu thương cao cả, “trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1Pr 1, 6).
Bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng Gioan (20:19-31). Hãy đặt mình vào khung cảnh này: Đó là đêm Phục sinh và Chúa Giêsu xuất hiện trước mặt các tông đồ với tất cả vinh quang thiêng liêng của Người. Bạn có hình dung được niềm vui, sau khi cú sốc lắng xuống không? Chắc hẳn chúng đã tung tăng khắp phòng, như các tông đồ. Sau đó, Tôma, người không có mặt trong lần xuất hiện đầu tiên của Chúa Giê-su, đã dội một gáo nước lạnh vào sự kiện đó, khi từ chối tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Cần phải có một sự xuất hiện khác của Đức Kitô để thuyết phục Tôma, người sau đó đã phải thốt lên cụm từ khiêm nhường để tuyên tín niềm tin của mình, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).
Câu chuyện của ông Tôma minh họa kinh nghiệm Kitô hữu của chúng ta ngày nay: chúng ta được mời gọi để tin mà không cần thấy. Trên thực tế, tất cả các Kitô hữu sau những nhân chứng đầu tiên đã được mời gọi để tin, mà không cần phải thấy. Sự nghi ngờ của Tôma hầu như không đáng ngạc nhiên; tin tức về sự xuất hiện của Chúa Giêsu là điều không thể tin được đối với các môn đệ đã nhìn thấy ngài bị đóng đinh và chôn cất. Bản chất con người của Tôma đã thôi thúc ông muốn có bằng chứng chắc chắn rằng, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ sau khi chết thực sự, chính là Chúa Giêsu đã bị đóng đinh. Ông Tôma được trao cơ hội để hành động theo mong muốn đó. Ông là nhân chứng cho chúng ta thấy rằng, Chúa Giêsu đã thực sự sống lại.
Đức tin của chúng ta dựa trên chứng tá của Giáo hội đi trước chúng ta, bắt đầu từ Tôma và các môn đệ đầu tiên. Nhờ Phép Rửa, chúng ta lãnh nhận cùng một Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ đầu tiên. Chúng ta thuộc số những người “có phúc” vì đã tin, mà không thấy, “phúc thay những người không thấy mà tin!”(Ga 20,29).
Bạn có giống như Tôma cảm thấy khó tin việc Chúa Giêsu phục sinh không? Nghi ngờ, như ông Tôma đã làm, không phải là sai hay tội lỗi. Tuy nhiên, để nó ở đó và không làm gì với đức tin đó là một điều không đúng. Đôi khi Chúa đặt những nghi ngờ vào đầu chúng ta, để chúng ta tiến tới việc tìm kiếm sự thật, thông qua cầu nguyện hoặc học hỏi hoặc cả hai.
Xin cho chúng ta luôn có một Đức tin mạnh mẽ để tín thác và tin tưởng vào tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta, khi Đức Kitô đã chịu chết và sống lại để cứu độ chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM