Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Năm C

0
620

Sống đời sống mới

1. Các Bài đọc

Bài đọc I: Isaia 40:1-5,9-11

Bài trích sách Ngôn sứ Isaia: Isaia nói với dân chúng hãy chuẩn bị một con đường cho Đức Chúa.

Ðáp Ca: Tv 104:1b-4,24-25,27-30

Thánh vịnh 104 : Ca tụng sự vĩ đại của Chúa.  

Bài đọc II: Titô 2:11-14; 3:4-7

Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi Titô: Đức Giêsu Kitô cứu độ chúng ta và canh tân chúng ta trong Thần Khí của Ngài.

Tin Mừng: Lc 3:15-16,21-22

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi ông Gioan.

2. Chia sẻ

Đối với người Kitô hữu hay các gia đình Công giáo, thì ngày lễ rửa tội cho con cái hay những người thân trong gia đình luôn là dịp quan trọng. Mọi người đều tập trung vào đứa trẻ hay người dự tòng và dành cho những tình cảm hay quà tặng cách đặc biệt. Có lẽ việc chuẩn bị cho một em bé lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, luôn luôn để lại những ấn tượng đẹp đối với những người thân, đặc biệt là cha mẹ và người đỡ đầu.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Một biến cố quan trọng trong cuộc đời và trong sứ vụ của Ngài. Một nhân vật mà ông Gioan đã loan báo, hôm nay xuất hiện công khai trước bàn dân thiên hạ như một người môn đệ của ông và đã đến xin ông làm phép rửa cho mình như những người dân khác.

Có lẽ đoàn người đang ngồi bên bờ sông Giođan hôm nay đã chứng kiến những cảnh tượng kỳ lạ xuất hiện, khi Chúa Giêsu vừa ra khỏi dòng nước “rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”(Lc 3,21).

Một biến cố chỉ xuất hiện nơi Đức Giêsu, mà không dành cho bất kỳ con người nào trong đám đông, đã đến để chịu phép rửa hôm ấy. Chỉ ông Gioan mới biết và hiểu điều gì đang xảy ra, vì ông biết rõ nhất Đức Giêsu là ai! Đức Giêsu là “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 3,16). Đó là Đấng, mà Gioan đã giới thiệu là Chiên Thiên Chúa cho dân chúng, hôm nay lại đến với ông để xin làm phép rửa.

Ông Gioan đã rao giảng phép rửa sám hối. Có thể, ông đã dựng lên những khu lều dọc theo bờ sông Giođan để làm nơi cho dân chúng ngồi nghỉ, khi chờ đợi ông làm phép rửa cho họ. Họ đã đến từ trong vùng sa mạc hay từ các vùng lân cận. Điều họ mong muốn khi đến với Gioan, là để được lãnh phép rửa, để được tha tội. Như thế, họ mong ước có một cuộc đời mới trong tinh thần, khi đến với Gioan. Chắc hẳn, nhiều người trong số họ sau khi lên khỏi nước và trở về nhà mình, thì đã trở thành những con người khác thật sự. Họ sẽ sống hiền lành thánh thiện hơn; họ sẽ sống khiêm tốn và dễ tha thứ hơn; họ làm việc thiện nhiều hơn và bớt đi những tính hư tật xấu,… đấy là hệ quả của lòng khát khao lãnh nhận phép rửa của Gioan và họ quyết tâm đổi mới cuộc đời của mình.

Người Kitô hữu khi đón nhận phép rửa cũng chính là để được đổi mới cuộc đời cuộc mình. Họ thay đổi bản thân, để dám sống cho những điều mới mẻ mà Thiên Chúa đòi hỏi. Điều này đã được thánh Phaolô nhắc nhở cho Titô, một người con tinh thần của ông về ơn gợi cao quý ấy “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,12). Ơn gọi khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức, làm cho người ta trở nên thụ tạo mới trong Đức Kitô, nhờ quyền năng của Thánh Thần “Người cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện” (Tt 3, 5). Mỗi người đều được mời gọi thay đổi bản thân, để sống cho những gì mới mẻ trong Thần Khí hay nói khác đi là sống cho những gì thuộc về Chúa như chính Đức Giêsu đã sống “và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con” (Lc 3, 22). 

Đức Kitô đã sống trong Thần Khí khi khởi đầu sứ vụ rao giảng của mình. Sứ vụ đó là để trở nên vị ngôn sứ vĩ đại của Chúa Cha, hăng say loan báo Tin Mừng của Người, cho hết mọi dân nước, hầu họ được hưởng ơn cứu độ.

Đó cũng chính là ơn gọi của người tôi tớ trong bài đọc I, sách ngôn sứ Isaia, khi người tôi tớ sống ơn gọi của mình, là tạo lập công lý giữa các quốc gia “Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên” (Is 40,10).

Cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, là cơ hội tốt để nhìn lại phép rửa của mỗi người Kitô hữu. Khi chúng ta được dự phần vào phép rửa trong Đức Kitô là trở nên người con cái yêu dấu của Chúa, bằng một lối sống đã được đổi mới và củng cố trong Đức Kitô. Đó chính là niềm vui và ơn gọi của mỗi người Kitô hữu khi nói về phép rửa của mình. Xin cho ngày lễ này làm cho mỗi người nhận biết và sống theo những phẩm giá của người Kitô hữu khi “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6).

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM