Chúa Nhật Thứ XVIII TN – Năm B

0
630

(Bài đọc I: Xh 16:2–4, 12–15;  Bài đọc II: Ep 4:17, 20–24; Tin Mừng: Ga 6:24–35)

Nuôi dưỡng phần hồn

 Các bài đọc hôm nay tiếp tục chủ đề của Chúa Nhật tuần trước về sự quan phòng thiêng liêng của Thiên Chúa. Bây giờ, chúng ta có thể nghĩ rằng chỉ có các linh mục và nữ tu thánh thiện mới cảm nghiệm được sự quan phòng của Thiên Chúa; nhưng đó không phải là trường hợp. Đôi khi, nó rơi vào những người hay càu nhàu và phàn nàn, như trong Bài đọc thứ nhất chúng ta sẽ nghe. Vào những lúc khác, nó rơi vào những người đang thiếu thốn, nhưng không nhận thức được nhu cầu của họ, như trong Bài đọc Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu cho 5000 người ăn vì họ không thể tự cung cấp đủ lương thực cho mình. Như chúng ta thấy,  Thiên Chúa quan tâm đến các tín hữu và cả những ai vẫn đang tìm kiếm Ngài. 

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Xuất hành (16:2-4,12-15). Đoạn văn này từ sách Xuất Hành kể lại câu chuyện Thiên Chúa rải “manna” và chim cút lên dân Israel trong sa mạc, vào thời Môsê và Cuộc Xuất Hành. Đó là dấu chỉ sự quan phòng thiêng liêng của Thiên Chúa, cũng như khẳng định lời hứa chăm sóc dân Ngài: “Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 16, 12). Nó cũng là lời tiên báo về câu chuyện Tin Mừng hôm nay khi Chúa cho 5000 người ăn và cuối cùng là sự nếm thử về Bí tích Thánh Thể. “Bánh” là thực phẩm thiết yếu cho toàn thể nhân loại ở mọi thời đại và mọi nền văn hóa. Trong văn hóa Do Thái ngày nay và trong nhiều thế kỷ, nó là biểu tượng của “sự sống” và trong những câu chuyện trong Kinh thánh, nó được coi là biểu tượng của sự sống thần linh.

Đáp ca là Thánh vịnh (78:3-4, 23-25, 54). Đây là bài Thánh Vịnh ca ngợi lòng tốt và lòng nhân từ của Thiên Chúa, đó chính là sự quan phòng của Chúa. Nó cũng là một bài suy niệm về biến cố Thiên Chúa cho dân Israel ăn trong sa mạc. Vì vậy, “bánh” đã trở thành biểu tượng của sự sống, cả về thể chất lẫn tinh thần, đối với người Do Thái, cũng như đối với tất cả các Kitô hữu ngày nay. 

Bài đọc thứ hai trích từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (4:17, 20-24). Điều Thánh Phaolô muốn nói với chúng ta trong đoạn văn này là chúng ta không chỉ phải tiếp nhận Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể, mà còn phải phản ánh sự sống của Ngài trong chúng ta sau khi chúng ta rời nhà thờ và đi vào thế gian: “và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4, 24).  Nói cách khác, Thánh Phaolô muốn nói rằng khi những người có đức tin rước lễ, điều đó nuôi dưỡng tâm hồn và thể xác của họ, nhằm mục đích phản ánh đời sống của một người Công giáo-Kitô hữu cho toàn thể nhân loại.

Bài đọc Tin Mừng được trích từ Tin Mừng theo Thánh Gioan (6:24-35). Đoạn Tin Mừng này theo sát đoạn Tin Mừng cho 5000 người ăn. Dân chúng nhìn thấy Chúa Giêsu và các tông đồ di chuyển đến một thị trấn khác và họ đi theo Ngài. Chúa Giêsu hướng dẫn họ không chỉ tìm cách đáp ứng những nhu cầu trần thế, mà còn nhìn sâu hơn vào ý nghĩa của các sự kiện trong quá khứ (như được mô tả trong Bài đọc thứ nhất) và tìm kiếm ý nghĩa của các dấu lạ và biểu tượng đó. Câu cuối cùng trong đoạn Tin Mừng này là câu mà chúng ta nên thường xuyên suy ngẫm với lòng nhiệt thành và quyết tâm: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6, 35). Nhưng đừng để bị lừa dối, Chúa Giêsu không nói về đồ ăn thức uống trần thế. Ngài đang nói đến việc nuôi dưỡng thiêng liêng.

Nhưng đám đông không thể nhìn xa hơn ý nghĩa của dấu lạ. Họ thể hiện điều này khi giải thích dấu lạ đến từ ông Môise. Trong mô tả của họ, họ đồng nhất Chúa Giêsu với ông Môsê, như thể muốn nói rằng, như ông Môsê đã ban manna cho dân chúng trong sa mạc, Chúa cũng hãy ban cho họ một dấu lạ để họ nhận biết rằng Ngài đến từ Thiên Chúa. Họ đang tìm cách xác định một nhà ngôn sứ, mà không nhận ra rằng Chúa đang đứng trước mặt họ. Chúa Giêsu sửa lại cách giải thích sai lầm của họ, khi nói rằng manna mà tổ tiên họ nhận được đến từ Thiên Chúa. Như Thiên Chúa đã đáp ứng nhu cầu của tổ tiên họ trong sa mạc, Thiên Chúa đã cung cấp cho họ lương thực để được sự sống đời đời. “Bánh” mà họ nhận được từ Chúa Giêsu, họ đã nhận được của ăn thể xác cũng như của ăn thiêng liêng. Chúa Giêsu muốn đám đông nhìn xa hơn bề ngoài về Đấng cung cấp lương thực thực sự cho sự sống con người.

Trong thời kỳ Phục hưng Thánh Thể này, chúng ta cũng cần tự vấn về đức tin của mình vào Chúa Giêsu là bánh thật từ trời. Cùng với dân Israel, chúng ta hãy thắc mắc về Bí tích Thánh Thể, manna thực sự, bằng cách hỏi: đó là gì? Điều này có nghĩa là một sự đón nhận mới mẻ đối với đức tin của Giáo hội, liên tục từ thời các tông đồ, rằng Bí tích Thánh Thể thực sự là Mình và Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Giêsu Kitô, dưới dấu chỉ bí tích bánh và rượu. Nói một cách đơn giản, Bí tích Thánh Thể là Chúa Giêsu, thực tại cá nhân của Ngài ẩn giấu dưới hình thức bánh và rượu. Ngài tự hiến mình theo cách bí tích này để chúng ta có thể đón nhận Ngài như thức ăn thức uống thực sự của chúng ta, và nhờ đó có được sự sống đời đời, sự sống sung mãn. Không một biểu tượng đơn thuần nào có thể là bánh từ trời thực sự, vì nó không phải là ý nghĩa hay tầm quan trọng duy trì chúng ta vĩnh viễn, mà chỉ có Thiên Chúa.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM