Chúa Nhật Thứ XXII TN – Năm A

0
432

(Bài đọc I: Gr 20:7-9 ; Bài đọc II: Rm 12:1-2; Tin Mừng: Mt 16:21-27)

Cái giá của việc làm môn đệ

Trong lĩnh vực thể thao, các vận động viên thường phải tuân thủ một chế độ ăn uống và tập luyện rất gian khổ. Họ làm thế, vì để muốn đạt được các mục tiêu cao nhất trong bất cứ cuộc tranh tài nào. Với những vận động viên đam mê năng khiếu của mình, họ sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt được mục đích sự nghiệp. Điều này gợi mở cho chúng ta thấy được cuộc hành trình của người môn đệ theo Chúa cũng như vậy. Họ cần sẵn sàng từ bỏ nhiều thứ và thậm chí mọi thứ để theo Chúa. Hay nói khác đi, khi cần họ có thể sẵn sàng hy sinh chính bản thân mình cho Chúa cách hoàn toàn.

Trong Bài đọc thứ nhất, từ Sách Ngôn sứ Giêrêmia (20:7-9), chúng ta nghe ngôn sứ Giêrêmia than thở về kết quả lời ngôn sứ của ông. Ông Giêrêmia không muốn trở thành nhà ngôn sứ, người phát ngôn cho Chúa, nhưng Chúa vẫn chọn ông. Vì vậy, sau này vị ngôn sứ đã coi sự kêu gọi của mình là “bị quyến rũ” hoặc bị bắt ép vào đó. Hơn nữa, ông nói rằng, ngay cả sau khi đã quyết định không nói ngôn sứ một lời nào, ông vẫn buộc phải làm như vậy và không thể giữ nó trong lòng. Tuy nhiên, như chúng ta biết, Giêrêmia đã trở thành một trong những nhà ngôn sứ vĩ đại nhất của Thiên Chúa, bởi vì ông đã hiến dâng cả thể xác, linh hồn và tinh thần—sự sống của mình cho sứ vụ của ông. Điều này xảy ra vì dường như ông không thể cưỡng lại được sức mạnh của Lời Chúa kêu gọi, “Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt” (Gr 20,9).

Thánh Vịnh Đáp Ca (63:2-9) là lời cầu nguyện của một người đã hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa và, mặc dù họ đã trải qua những thời điểm khó khăn khi làm như vậy, nhưng họ vẫn nhìn thấy lòng nhân lành của Thiên Chúa nâng đỡ họ vượt qua tất cả.

Trong Bài đọc thứ hai, từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (12:1-2), chúng ta nghe Thánh Phaolô trao cho chúng ta nội dung cốt lõi của chủ đề hôm nay, đó là hiến dâng thân xác, linh hồn, tâm trí hay tinh thần của chúng ta cho Thiên Chúa, một lần nữa, không phải trong một sự hy sinh đẫm máu, nhưng là làm theo ý muốn của Thiên Chúa, bất chấp ý muốn của chúng ta có thể phản đối như thế nào: “vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12, 1). Đối với những người có thể và sẽ làm điều này, phần thưởng sẽ lớn hơn nhiều so với những gì trí óc có thể tưởng tượng.

Bài đọc Tin Mừng trích từ Tin Mừng thánh Mátthêu (16:21-27). Một lần nữa, câu chuyện này tiếp nối câu chuyện tuần trước khi Phêrô hùng hồn thừa nhận Chúa Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa. Ngay sau đó, Phêrô bắt đầu quở trách Chúa Giêsu vì đã nói về việc phải chịu đau khổ và chịu chết, nhưng đây chính xác là sứ mệnh của Chúa Giêsu trên trái đất này. Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để trở thành lễ vật hoàn hảo mà con người không thể ban tặng hay có được. Việc ngăn cản hoặc làm cản trở Chúa Giêsu hoàn thành sứ mệnh này là công việc của Satan. Ngay cả Chúa Giêsu, với bản tính là một con người, cũng gặp khó khăn khi chấp nhận sứ mệnh này, nhưng cuối cùng Ngài đã đưa ra lời cuối cùng: “Không theo ý con mà theo ý Cha”.

Vấn đề của ông Phêrô hôm nay là vấn đề của hầu hết mọi Kitô hữu. Ông Phêrô không thể hiểu làm thế nào mà chính Chúa Giêsu vừa được xưng tụng là “Đức Kitô (Đấng Mêsia), Con Thiên Chúa  hằng sống,” lại có thể đón nhận cái chết thảm bại trên thập giá được. Ông Phêrô không thể đi vào “nghịch lý” của việc làm môn đệ của Đức Kitô và vì thế, điều này trở thành một “chướng ngại vật”. Ước muốn bẩm sinh của con người là bảo toàn mạng sống, điều này không những ngăn cản ông hiểu được ý nghĩa của Chúa Giêsu khi vạch ra cái giá phải trả của việc làm môn đệ, mà thậm chí còn khiến ông tích cực quở trách Chúa Giêsu khi Người nói ngôn sứ về sự đau khổ, cái chết và sự sống lại của Ngài. Ông Phêrô không thể chấp nhận ý tưởng về một Đấng Mêsia đau khổ và hấp hối.

Điều thú vị là từ doxa trong tiếng Hy Lạp, mặc dù ban đầu có nghĩa là “một ý kiến, phán đoán, quan điểm” (do đó là “nghịch lý”, “quan điểm trái ngược”), trong dòng lịch sử Kitô giáo lại có nghĩa là “vinh quang, tôn cao”. “Quan điểm” (doxa) của thế giới Kitô giáo, con đường dẫn đến “vinh quang” (doxa) của người ki tô hữu là “nghịch lý”. Nó đòi hỏi chúng ta, giống như Phêrô, phải xem xét những sự thật mà Chúa Kitô mạc khải trong Tin Mừng vốn trái ngược với lối suy nghĩ bẩm sinh của chúng ta – chết để được sống, từ bỏ mình để được phần thưởng lớn nhất, đau khổ dẫn đến hạnh phúc – và vượt qua, như ông Simon Phêrô vượt qua những “chướng ngại vật” này, ngay cả khi chính chúng ta là chướng ngại vật. Nó đòi hỏi chúng ta, giống như Thánh Thérèse Lisieux, tìm kiếm những đau khổ nhỏ bé, những hành vi yêu thương nhỏ bé, để chuẩn bị cho chúng ta những đau khổ lớn hơn, những hành vi yêu thương đòi hỏi khắt khe hơn. Nó đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ chính mình nếu muốn theo Chúa.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM