Chúa Nhật Thứ XXVIII TN – Năm A

Đăng ngày: 14/10/2023

(Bài đọc I: Is 25:6-10a; Bài đọc II: Pl 4:12-14,19-20; Tin Mừng: Mt 22:1-14)

Y phục lễ cưới cho lời mời của Thiên Chúa

Trong đời sống hằng ngày, việc mời tham dự một bữa tiệc hay một sự kiện là một niềm vinh dự cho cả người mời và vị khách. Nó nói lên mối tương quan giữa hai người. Sự hiện diện của khách đôi khi mang đến một tâm tình rất đặc biệt cho gia chủ. Cả hai đều cảm thấy vui và hãnh diện vì nhau. Chính Thiên Chúa cũng mời gọi con người tham dự vào tiệc cưới Con Chiên. Nơi đó Thiên Chúa bày tỏ sự quảng đại và hào phóng của Ngài đối với những vị khách, đó là con người. Ngài mong đợi họ đến và sẵn sàng thiết đãi một tiệc mừng xứng đáng. Tuy nhiên, dù biết là như thế, nhưng có những người đã từ chối cơ hội ân phúc ấy và thậm chí làm ngơ trước bữa tiệc vĩnh cửu ấy trên thiên đàng.

Trong Bài đọc thứ nhất, trích sách ngôn sứ  Isaia (25:6-10), ngôn sứ đang rao giảng cho dân Israel vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên một thông điệp hy vọng trong giai đoạn rất khó khăn. Ông nói với họ rằng, nếu họ tuân theo những lời dạy của Thiên Chúa, Thiên Chúa của Israel, họ sẽ được an toàn và mọi nhu cầu của họ sẽ được cung cấp. Trong cái nhìn rộng lớn hơn, đây là lời ngôn sứ về ngày cánh chung như chúng ta biết và về những gì đang chờ đợi toàn thể nhân loại, những người trung thành với Thiên Chúa của mọi quốc gia và mọi tạo vật. Vì “Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ” (Is 25, 9).

Thánh Vịnh Đáp Ca (23:1-6) là lời cầu nguyện tuyệt vời mà tất cả chúng ta đều biết là “Chúa là Mục Tử của tôi”. Đó là một câu chuyện minh họa về thiên đàng sẽ như thế nào khi Chúa dẫn chúng ta đi qua “thung lũng nước mắt” này. Tuy nhiên, nếu chúng ta không để Chúa dẫn dắt mình trong cuộc sống này, chúng ta sẽ đặt mình ra ngoài cuộc sống.

Bài đọc thứ hai, trích từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê (4:12-20). Như chúng ta đã nói trước đây, “Người Philipphê” nói lên sự khiêm tốn. Trong đoạn văn này, Thánh Phaolô đang nói rằng, ngài đã trải nghiệm cả những điều tốt đẹp, cũng như những điều không tốt đẹp của thế giới này. Tuy nhiên, ngài đã dần tin cậy vào Chúa trong mọi việc và khi làm như vậy, thánh nhân đã được giải thoát khỏi những lo lắng của thế gian này và chỉ để Chúa dẫn dắt ngài suốt cuộc đời, khi biết rằng, cuối cùng sẽ là bữa tiệc thiên đàng vĩnh cửu. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng quan điểm mà Thánh Phaolô đang đưa ra là, khi bạn “tay trong tay” bước đi với Chúa Giêsu, những mối bận tâm của thế gian này sẽ dễ dàng gánh vác hơn nhiều. Vì “Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4,19).

Bài đọc Tin Mừng trích từ Tin Mừng theo thánh Mátthêu (22:1-14). Trong câu chuyện này, Thiên Chúa đang tổ chức bữa tiệc và gửi lời mời đến toàn thể nhân loại. Ngài đặc biệt mời người Do Thái, những vị khách được mời đầu tiên, nhưng họ không tiếp nhận Ngài, là Đức Chúa Giêsu Kitô. Và vì vậy, Chúa mời gọi mọi người từ mọi quốc gia đến. Theo phong tục văn hóa thời Chúa Giêsu, chủ nhà phải cung cấp “y phục lễ cưới” là trang phục phù hợp cho những người đi dự tiệc, nếu họ không có. Chiếc áo cưới này tượng trưng cho sự thuần khiết về mặt thiêng liêng. Mặc dù vậy, có người vẫn cố gắng bước vào mà không mặc trang phục phù hợp, một lần nữa tượng trưng cho một linh hồn chưa được tẩy sạch tội lỗi. Họ dường như  từ chối làm hoặc mặc những gì chủ nhà đưa ra và khi làm như vậy, họ đã đặt mình ra ngoài phòng tiệc trên thiên đàng.

Trong dụ ngôn tiệc cưới, Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh Nước Trời bằng biểu tượng tiệc cưới. Trong bài đọc thứ nhất trích sách tiên tri Isaia và trong thánh vịnh hôm nay, lòng nhân lành của Chúa được thể hiện rõ ràng qua biểu tượng của một bữa tiệc có đồ ăn và rượu ngon. Những thính giả của Chúa Giêsu hẳn đã quen thuộc với hình ảnh tiệc cưới như biểu tượng cho ơn cứu độ của Thiên Chúa. Họ sẽ coi mình là khách được mời. Ghi nhớ điều này giúp chúng ta hiểu được lời phê bình của Chúa Giêsu đối với dụ ngôn này. Bối cảnh của dụ ngôn này là sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái ở Giêrusalem.

Vì vậy, khi Chúa Giêsu kể cho chúng ta dụ ngôn về Nước Thiên Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay, phản ứng của những người được mời thực tế là không thể tưởng tượng được. Nhóm khách đầu tiên từ chối đến. Nhóm khách thứ hai phớt lờ lời mời và bỏ đi, một người đến trang trại của anh ta, một người khác đi công tác. Nhóm khách thứ ba: bắt đầy tớ của vua, ngược đãi và giết đi. Ai sẽ từ chối lời mời của nhà vua? Ai thà làm điều gì khác hơn là đến dự bữa tiệc hoành tráng này? Ai sẽ cả gan giết chết người hầu của chủ nhà hoàng gia?

Chúa Giêsu kể dụ ngôn này vì Chúa Cha đã mời mọi người đến dự tiệc trên trời và tất cả những gì Chúa Giêsu mô tả trong dụ ngôn đều đã xảy ra với Chúa Cha. Thiên Chúa đã kêu gọi con người đến với Ngài trong hàng ngàn năm. Hãy nghĩ đến những người Do Thái, mới được giải thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập bởi bàn tay của Chúa. Ngài hứa cho họ một vùng đất tràn đầy sữa và mật. Tuy nhiên, họ làm gì? Họ quay lưng lại với Ngài. Họ làm thần tượng cho mình. Họ vui chơi và tổ chức bữa tiệc của riêng mình. Bất chấp sự trung thành của Ngài và ban cho họ hết cơ hội này đến cơ hội khác, dân Chúa vẫn tiếp tục phớt lờ lời mời của Ngài.

Chúa không ngừng mời gọi. Ngài sai các ngôn sứ đến nói thay Ngài, giống như ngôn sứ Isaia mà chúng ta nghe hôm nay. Isaia nói về bữa tiệc của Thiên Chúa rằng: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25,6). Sau hàng trăm năm thời ngôn sứ, Thiên Chúa Cha mở rộng danh sách khách mời của Ngài vượt ra ngoài những người được chọn: Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài, hãy đi đến muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, chuẩn bị cho dân chúng dự tiệc Giao Ước Mới – Bí Tích Thánh Thể. Vì vậy, các môn đệ đã làm đúng như vậy và chúng ta đã tiếp tục cho đến ngày nay. Chúng ta đi ra đường và mời bất cứ ai chúng ta có thể tìm thấy, dù tốt hay xấu.

Hầu hết chúng ta đều đã được rửa tội. Một khi chúng ta đã nhận được chiếc y phục lễ cưới đó khi lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta có trách nhiệm giữ lời hứa khi chịu phép Rửa tội – từ bỏ tội lỗi và hoàn toàn hướng về Chúa. Duy trì sự nguyên vẹn của chiếc áo cưới này có nghĩa là tuân theo các giới răn của Chúa Kitô và sống một cuộc sống được đánh dấu bằng các nhân đức đức tin, đức cậy và đức mến. Nó có nghĩa là cầu xin sự tha thứ, khi chúng ta quay lưng lại với Chúa vì phạm tội. Nó có nghĩa là có một đời sống cầu nguyện sâu sắc để hướng về Chúa.

Bây giờ, đừng thất vọng nếu chúng ta không giữ được tính nguyên vẹn của bộ y phục lễ cưới của mình. Thay vào đó, hãy được Thánh Phaolô khích lệ, như ngài đã nói với chúng ta hôm nay: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13).  Ân sủng của Thiên Chúa giúp chúng ta có thể bước vào bữa tiệc của Ngài được chuẩn bị chu đáo. Tuy nhiên, chúng ta phải góp phần hợp tác với ân sủng Ngài đã ban. Nếu y phục áo cưới bị vứt sang một bên, bị rách hay bị bẩn, ân sủng của Chúa có thể phục hồi nó. Ân sủng của Chúa có thể khôi phục lại y phục áo cưới của chúng ta thông qua lời xưng tội tốt đẹp và quyết tâm quay về với Chúa.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM