Chúa Nhật thứ XXX TN Năm C

0
558

(Bài đọc I: Hc  35,12-14,16-18; Bài đọc II: 2 Tm 4,6-8,16-18; Tin Mừng: Lc 18,9-14)

Nhân đức khiêm nhường

Chủ đề của các Bài đọc Lời Chúa hôm nay là sự khiêm nhường, giống như đã được nói cách đây vài tuần, vậy tại sao Giáo hội lại nêu lên chủ đề này lần nữa? Bởi vì sự khiêm tốn là điều mà hầu như ai cũng nghĩ rằng mình có và, thật sự, hầu như chúng ta lại chưa có nó đúng nghĩa. Vậy khiêm nhường là gì? Chúng ta hãy xem qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay và xem khiêm nhường là như thế nào trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

Trong Bài đọc thứ nhất từ ​​Sách Huấn Ca (35,12-14, 16-18), tác giả đã giải thích một số đức tính thiêng liêng của Thiên Chúa. Xin hãy chú ý đến những con người cụ thể mà Thiên Chúa đã lắng nghe lời cầu nguyện của họ và ra tay cứu vớt. Họ là những người yếu đuối, người bị áp bức, người điếc, người góa bụa, v.v. Đây không nhất thiết là những người nghèo; đúng hơn, họ là những người đến gần Thiên Chúa trong lời cầu nguyện với sự khiêm nhường, nhận biết nhu cầu của họ và sự phụ thuộc của họ vào Ngài để được giúp đỡ: “Họ sẽ không rời đi, bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn, chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lý” (Hc 35,18).

Thánh vịnh Đáp ca  (34,2-3, 17-19, 23). Tác giả Thánh thi cũng cho chúng ta biết nhiều đức tính của Thiên Chúa, liên quan đến những người tìm kiếm sự giúp đỡ từ Ngài, nhận ra lỗi lầm và thất bại của chính mình và tìm nương náu nơi Ngài: “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề.”

Bài Đọc thứ hai trích từ Thư thứ hai của thánh Phaolô gửi cho ông Timôthê (4,6-8, 16-18). Thời điểm viết bức thư này là gần cuối đời của thánh Phaolô. Lúc ngài đang ở trong tù ở Rôma và nhận ra rằng, ngày cuối đời đã gần kề. Thánh nhân đã được cứu khỏi một lần hành quyết: “tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử (2 Tm 4,18). Ở đây Thánh Phaolô đang nói với ông Timôthê về chức vụ của ngài trong những năm qua và tình hình của ngài bây giờ: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4,17). Thánh Phaolô vui mừng vì ngài đã phụng sự Thiên Chúa hết mình và vì mối quan hệ gần gũi của ngài với Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa hài lòng về những gì ngài đã sống. Vì vậy, chung cuộc sắp đến sẽ đưa Ngài vào vinh quang với Thiên Chúa.

Bài Đọc Tin Mừng được trích từ Tin Mừng Luca (18,9-14). Thật dễ dàng để những người khỏe mạnh và giàu có hài lòng với bản thân và coi thường những người chưa “làm nên chuyện” trong cuộc đời này. Nhưng, hãy lắng nghe những gì Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn này. Dụ ngôn về người Pharisiêu và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện. Ngài không lên án sự giàu có, địa vị xã hội hay sức khỏe tốt. Đúng hơn, Ngài muốn nói với chúng ta rằng, tất cả những điều này là đến từ Thiên Chúa bằng cách này hay cách khác. Chúng ta nên không ngừng cảm tạ Ngài vì lòng nhân từ và sự tốt lành của Ngài, chứ đừng tự phụ về mình. Đừng bao giờ “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18,9). Nhận thức và chấp nhận sự thật này về bản thân là bản chất của sự khiêm tốn.

Chúng ta phải cố gắng hiểu ý nghĩa thiêng liêng (hoặc Kinh thánh) của nhân đức khiêm nhường. Nó không có nghĩa là hạ thấp hay coi thường bản thân. Thay vào đó, khiêm nhường có nghĩa là nhận ra người khác là ai và chúng ta là ai trong mắt Chúa và Chúa là ai trong cuộc đời chúng ta. Sau đó, chúng ta phải học cách nhận biết rằng: tất cả tài sản, tài năng và đức tính tốt của chúng ta, là món quà của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Những gì chúng ta có được là bởi Thiên Chúa ban ơn. Không ai là người “tự lập” cả. Tất cả những gì chúng ta có được hôm nay là sự giúp đỡ của những người khác. Vì vậy, câu hỏi mà chúng ta có thể tự hỏi mình là: “tôi đã suy nghĩ hay cảm ơn những người đã giúp đỡ tôi, trong suốt chặng đường cuộc đời tôi chưa?”

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM