Chúa nhật V TN – Năm C
(Bài đọc I: Is 6:1-2a,3-8; Bài đọc II: 1 Cr 15:1-11 ; Tin Mừng: Lc 5:1-11)
Để được Chúa sai đi
Trong nhiều đoạn Kinh thánh, chúng ta nghe về thông điệp của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô là vô tận, và cũng cần có những sứ giả để mang thông điệp đó đến “mọi quốc gia” (Mt: 28:19). Đó chính là nội dung của các Bài đọc Chúa Nhật V Thường Niên hôm nay: Tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia vào việc đưa sứ điệp của Thiên Chúa đến với thế giới. Ơn kêu gọi của chúng ta có thể không quá ấn tượng như ơn kêu gọi của ngôn sứ Isaia, môn đệ Phêrô hay những người khác. Tuy nhiên, qua lời kêu gọi hay ơn gọi này, tất cả chúng ta đều được trao cho một vai trò trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Ngôn sứ Isaia (6:1-8). Đoạn văn này xuất hiện vào thời kỳ đầu trong cuộc đời của ngôn sứ Isaia, kể lại việc ông được kêu gọi phục vụ Thiên Chúa với tư cách là một ngôn sứ. Mặc dù đây là một phân cảnh rất kịch tính, tương tự như ơn kêu gọi của thị kiến nhân, Thánh Gioan Tông đồ trong Sách Khải Huyền, nhưng điều quan trọng không phải là kịch tính của phân cảnh đó, mà là phản ứng của người được kêu gọi. Ở đây, Ngôn sứ Isaia đã đáp trả lại lời kêu gọi đó bằng chính môi miệng của mình: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6, 8).
Đáp Ca là Thánh Vịnh (138:1-8). Trong bài Thánh Vịnh ngắn gọn này, chúng ta nghe tác giả Thánh Vịnh ca ngợi Thiên Chúa vì nhiều ơn lành đã nhận được. Rõ ràng, tác giả Thánh vịnh này là sứ giả đích thực của Thiên Chúa bởi vì, giống như các ngôn sứ, tác giả Thánh vịnh cũng nói thay mặt Thiên Chúa. Ở đây ông khen ngợi vì “Lạy Chúa, mọi đế vương dưới trần đều cảm tạ khi nghe những lời miệng Ngài phán ra.”
Bài đọc thứ hai được trích từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 15:1-11 ) Việc Thánh Phaolô hoán cải và được kêu gọi trở thành sứ giả của Chúa cho dân ngoại cũng rất ấn tượng (Xem Công vụ 9:1-9). Ở đây, ông kể lại cách ông đã thực hiện trách nhiệm của mình và tầm quan trọng của sứ điệp của ông đối với sự cứu rỗi của tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững” (1 Cr 15, 1). Sau đó, ngài tiếp tục nói rằng, ngài không tự mình làm điều này, mà đúng hơn, vì ngài được Chúa Kitô kêu gọi để hoàn thành vai trò đặc biệt này. Giống như các tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Phaolô, một lần đã hoán cải, đã từ bỏ mọi sự và hiến dâng cuộc đời mình cho việc rao giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh.
Bài đọc Tin Mừng trích từ Tin Mừng Thánh Luca (5:1-11). Trong đoạn văn này, chúng ta có một lời kêu gọi đầy ấn tượng khác về các tông đồ vào việc phục vụ Thiên Chúa; và một lần nữa, ba người này (ông Phêrô, Giacôbê và Gioan), những người lãnh đạo khi được kêu gọi, sẽ bỏ hết mọi sự và đi theo Đức Kitô. Ông Phêrô, khi nhận ra mình đang ở trước sự hiện diện thánh thiện của Thiên Chúa, đã thốt lên câu nói kỳ lạ đó: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5, 8).
Rõ ràng, việc ông Phêrô nhận ra tội lỗi của chính mình đã quay trở lại với quan niệm cũ của người Do Thái về việc tách tội nhân ra khỏi Đấng Thánh. Khi chúng ta được kêu gọi phục vụ Thiên Chúa, Ngài luôn sẵn sàng và sẵn lòng giúp chúng ta thực hiện bất cứ điều gì Ngài yêu cầu chúng ta. Chính trong việc thực hiện ơn gọi phục vụ của chúng ta đã làm cho chúng ta trở nên thánh thiện.
Như vậy chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi không phải vì chúng ta đã là người thánh thiện, nhưng qua ơn gọi đó, chúng ta được mời gọi nên thánh của bản thân, qua việc phục vụ cộng đoàn đức tin. Chính ngôn sứ Isaia trong bài đọc một cũng nghiệm điều này khi ông được Thiên Chúa kêu gọi: “Khốn thân tôi, tôi chết mất!Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế” (Is 6, 5).
Thật đáng buồn khi có rất nhiều người cô đơn, buồn chán, không có mục đích sống trong khi đồng thời lại có quá nhiều “nhu cầu” của người khác cần chúng ta giúp đỡ và an ủi. Đức tin Công giáo của chúng ta được xây dựng trên ý tưởng cộng đoàn và giúp đỡ lẫn nhau. Lời kêu gọi phục vụ Thiên Chúa của chúng ta đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của con người, cả trần thế lẫn thiêng liêng, và vì vậy chúng ta được thử thách trả lời câu hỏi: “Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ?” (Is 6, 8). Hy vọng rằng chúng ta sẽ đáp lại như ngôn sứ Isaia đã làm khi nói: “Dạ con đây; xin sai con đi!”
Hai người bạn đồng hành của ông Simon Phêrô cũng được nêu tên làm nhân chứng cho sự kiện được mô tả trong Tin Mừng hôm nay: các con trai của ông Zebedee, là ông Giacôbê và Gioan. Tuy nhiên, những lời của Chúa Giêsu chỉ dành cho ông Simon. Chúa Giêsu giao cho ông Simon một công việc mới, nói với ông rằng ông sẽ trở thành một loại ngư phủ khác. Ông sẽ không còn bắt cá nữa, thay vào đó ông ta sẽ trở thành kẻ lưới người.
Bằng những lời này, chúng ta nghe thấy sự khởi đầu của vai trò lãnh đạo mà ông Phêrô sẽ đảm nhận trong cộng đoàn các môn đệ. Ông Phêrô đã được chọn cho vai trò này. Nhiệm vụ của ông sẽ là đưa người khác đến với Chúa Giêsu. Ông đã làm như vậy rồi. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng tất cả những người đánh cá cùng với ông Phêrô cũng bỏ lưới và đi theo Chúa Giêsu. Và chính Thánh Phaolô hay ngôn sứ Isaia trong các bài đọc hôm nay đã sống ơn gọi đó, khởi đầu từ chính trong cộng đoàn đức tin của mình, từ những người gần gũi nhất.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM