Giáo xứ San Jose´ ở San Pedro Sula
“Hãy qua bờ bên kia”
Fausto A. Leonardo Henrı´quez, C.M.
Giới thiệu
Trong vai trò một linh mục quản xứ, phần việc của tôi có liên quan đến việc tổ chức “đại phúc cho giáo xứ hàng năm”. Ở đây, tôi muốn trình bày những suy tư của tôi về công việc này, điều mà tôi đã thực hiên trong một giáo xứ ở thành thị. Tôi muốn đưa ra những suy tư này cho các anh em trong Tu Hội với mong muốn là họ có thể làm phong phú thêm công việc mục vụ này trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Là một nhà truyền giáo trẻ, suýt soát mười năm kinh nghiệm linh mục, nỗi ưu tư của tôi tập trung vào việc duy trì ơn gọi truyền giáo Vinh Sơn của tôi như là một cha xứ tại một giáo xứ ở thành thị. Vấn đề ở đây là thái độ và sự hiểu biết về đoàn sủng Vinh Sơn khi nó kết nối với thực hành đại phúc. Thực ra, tôi không được chuẩn bị để trở thành một cha xứ, nhưng tôi lại được sai đi thi hành sứ vụ của một cha xứ và vì thế, tôi đã đảm nhận trách nhiệm này trong sự vâng phục. Ngay lúc này đây, tôi nhận thấy rằng có thể trở thành một cha xứ truyền giáo, mà không cần biến giáo xứ truyền giáo thành một kiểu nói sáo rỗng hoặc rập khuôn để biện minh cho hoạt động giáo xứ.
1. Tôn trọng những thực hành mục vụ đã được thiết lập ở giáo xứ
Tôi đến một giáo xứ đã có truyền thống, thói quen và phong tục trên 40 năm. Các quy tắc hoạt động mục vụ nền tảng đã được thành lập nhiều năm trước khi tôi đến. Thật quan trọng để duy trì các cơ cấu hiện có, đặc biệt là khi chúng đang hoạt động tốt. Dĩ nhiên, luôn có những lĩnh vực cần được củng cố và làm cho tốt hơn. Nhưng, trong tất cả mọi sự, điều quan trọng là tôi không phá hủy những hoạt động mà những người khác đã làm cho cộng đoàn Giáo Hội. Vì thế, tôi bắt đầu tiến trình thích nghi của chính mình, nghiên cứu thực trạng của giáo dân và hội nhập vào đời sống của giáo xứ San José, tọa lạc ở San Pedro Sula (Honduras).
2. Tầm quan trọng của giáo dân trong cuộc đại phúc
Khi bước vào công việc truyền giáo ở một giáo xứ, điều quan trọng nhất là tiếp tục vun đắp sự cộng tác của giáo dân, đặc biệt những người nam nữ giáo dân có tinh thần Vinh Sơn. Vì giáo xứ mà ở đó tôi viết ra những suy tư này đã được cả hai Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, truyền vào tận nền tảng của nó, một tinh thần Vinh Sơn vốn dĩ làm sinh động hoá công việc mục vụ này.
Một trường hợp về điểm này là đội ngũ bác ái Công giáo của giáo xứ. Tinh thần của họ mang đặc nét Vinh Sơn và được đặt ra bởi các vị tiền nhiệm của tôi. Tiêu chí hướng dẫn hoạt động bác ái của nhóm này đã được đưa ra trên 20 năm rồi. Những thành viên mới tham gia vào nhóm được huấn luyện theo những nguyên tắc này. Nhóm Giới Trẻ Con Đức Mẹ cũng đã hiện diện trong giáo xứ trên 20 năm, họ đã tạo ra một tinh thần Vinh Sơn trong đại đa số người trẻ ở giáo xứ. Sự năng động mục vụ là chìa khóa để tiếp xúc với các bạn trẻ và 4 đặc tính của nhóm này được thể hiện rất sôi nổi và sống động. Theo cách đó, những người hướng dẫn của các nhóm và các đoàn thể đa dạng này đóng vai trò không thể thiếu trong việc thực hiện cuộc đại phúc trong giáo xứ.
3. Giáo xứ mang tinh thần Vinh Sơn
Như bạn thấy đấy, không có những phương pháp tức thời nào có thể thiết lập một giáo xứ truyền giáo mà không làm mất đi đoàn sủng kế thừa của thánh Vinh Sơn Phaolô. Tuy nhiên, cũng có một vài gợi ý và hiểu biết có thể thúc đẩy tiến trình này.
Chúng ta sử dụng thực tế mục vụ trong giáo xứ như là điểm khởi đầu để phác họa nên, về mặt lý thuyết, khái niệm về một giáo xứ truyền giáo. Tôi xin liệt kê những yếu tố sau đây mà theo phán đoán của tôi, chúng sẽ đưa một tinh thần Vinh Sơn vào trong việc đào tạo của giáo xứ:
a. Một sự đào tạo đa dạng cho giáo dân. Qua công việc này tôi muốn cung cấp một sự giáo dục đức tin cho thiếu nhi, giới trẻ và người lớn. Phương tiện cho việc này là thiết lập một trường học đào tạo giáo dân.
b. Tổ chức hội thảo cho các linh hoạt viên trong cuộc đại phúc. Thời gian này được dùng để củng cố những người lãnh đạo theo tinh thần của Chúa Giêsu Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng, và theo tinh thần của thánh Vinh Sơn Phaolô.
c. Tuần lễ Vinh Sơn là khoảng thời gian mà các giáo dân và các tín hữu nói chung có thể đến để đào sâu hơn sự hiểu biết về đặc sủng của thánh Vinh Sơn và đặc sủng của Gia Đình Vinh Sơn.
d. Một tuần bác ái, là thời gian xác nhận ơn gọi Kitô hữu của toàn bộ cộng đoàn giáo xứ, đặc biệt là các nhóm bác ái của giáo xứ. Dĩ nhiên, điểm quy chiếu của điều này là hoạt động bác ái của thánh Vinh Sơn được nhìn dưới ánh sáng Tin Mừng.
e. Việc thành lập một nhóm tao giảng Tin Mừng đã tạo nên những thừa tác viên mục vụ khác nhau. Họ được ủy thác những chức năng và trách nhệm. Trong tất cả những nỗ lực này, còn có sự lưu tâm đến nguyên tắc phụ trợ.
f. Công bố chiến dịch rao giảng Tin Mừng hoặc “đại phúc hàng năm”. Điều này mang lại tính liên tục cho cuộc đại phúc đang diễn ra trong giáo xứ và tạo ra một trạng thái rao giảng Tin Mừng thường xuyên trong giáo xứ. Sự kiện có nhiều dân nhập cư xuất hiện thường xuyên trong thành phố này được đề cập đến một cách đặc biệt cấp bách.
4. Cuộc đại phúc ở thành thị
Để phát triển một cuộc đại phúc, sự dấn thân của giáo dân là cần thiết: những người lãnh đạo các tổ chức và đoàn thể khác nhau, những người cầm đầu các thiếu nhi và giới trẻ, cũng như những người hướng dẫn các tác vụ khác nhau trong giáo xứ. Theo truyền thống, chúng tôi thường mời những nhà truyền giáo ở nơi khác đến giáo xứ. Tôi thấy điều này có chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, khi đối diện với một giáo xứ rộng lớn, đông dân và có nhiều vấn đề phức tạp, thật cần thiết để cân nhắc và phát triển khả năng lãnh đạo trong giáo xứ. Giáo xứ mà tôi đang coi sóc trong suốt 5 năm này, có khoảng 80.000 ngàn cư dân. Tôi muốn nói là có không tới 2% dân số được rao giảng Tin Mừng, mặc dù đa số dân ở đây đã được rửa tội. Bởi lẽ cứ 10 cặp tiến lên lãnh nhận bí tích hôn phối, thì ít nhất có ba hay bốn cá nhân chưa được rửa tội, hoặc chưa lãnh nhận những bí tích khác. Vì thế, cần phải phát triển một chương trình giáo lý.
5. Những bước thực tế để tổ chức một cuộc đại phúc
Bước đầu tiên là tạo nên một “nhóm linh hoạt viên” bao gồm những người mà vị cha xứ xét thấy là trưởng thành trong cách tiếp cận cũng như sự năng động mục vụ của họ. Cha xứ làm việc sát cánh với nhóm này, bởi vì chính nhóm này sẽ khởi đầu công việc của cuộc đại phúc. Cùng với đó họ sẽ quyết định ngày giờ và độ dài của cuộc đại phúc, cũng như các đối tượng của cuộc đại phúc này. Thật là một ý tưởng hay để lên chương trình một hoặc hai buổi hội thảo cho nhóm này để họ có thể hiểu rõ hơn những gì họ sắp làm.
Kế đến là triệu tập “nhóm rao giảng Tin Mừng” bao gồm tất cả những cộng tác viên và những người lãnh đạo các tác vụ mục vụ khác, những người điều hành nhóm giáo xứ, và những người đứng đầu các ban ngành và đoàn thể khác trong giáo xứ. Nếu có những cộng đoàn tu sĩ hay hội dòng khác trong lãnh thổ giáo xứ, thì nên mời họ tham gia. Cha xứ sẽ là người điều hành chính của nhóm này, nhưng có một giáo dân giữ vai trò chủ tịch. Vai trò của cha xứ là nhằm đảm bảo một “sắc thái truyền giáo” cho nhóm và hoạt động như một cố vấn cho nhóm.
“Việc triệu tập” nhóm truyền giáo này là căn bản và là điều quan trọng nhất nếu những người này muốn lãnh nhận trách nhiệm và sứ vụ. Nếu ngay đầu người ta có thể truyền đạt sự nhiệt thành đối với nhóm, thì coi như đã thực hiện được một nửa công việc rồi.
Khi nhóm này quy tụ lại với nhau, thật quan trọng để đưa ra những đề xuất và ý tưởng cho một chủ đề, âm nhạc, những đề tài rao giảng… Theo cách đó, người ta tránh tạo nên một ấn tượng là mọi sự đang bị áp đặt. Hay nói cách khác, điều này tạo nên quyền làm chủ.
Từ lúc khởi đầu, thật cần thiết để trao bổn phận và trách nhiệm. Chẳng hạn, nếu có một ai đó quen thuộc những bài hát mà giáo dân có thể hát, thì người đó nên chịu trách nhiệm tuyển chọn bài hát ca ngợi chủ đề cuộc đại phúc hoặc “khẩu hiệu” được sử dụng trong tài liệu của cuộc đại phúc. Vì nếu chủ đề của cuộc đại phúc là “Giáo Hội, cuộc sống của bạn là sứ vụ” và khẩu hiệu là “Hãy qua bờ bên kia” thì những bài hát nên được chọn một cách thích hợp. Nếu có một ban phụng vụ trong giáo xứ, thì những người này hoặc uỷ ban này nên kết hợp những nghi thức sám hối và những lời nguyện tín hữu, cũng như tổ chức khai mạc và bế mạc thánh lễ hay những nghi lễ với nhau.
“Nhóm linh hoạt viên” nên gặp nhau thường xuyên khi cần thiết. Sẽ mất nhiều thời gian. Độ dài ngắn của cuộc họp không quan trọng, miễn là công việc được chuẩn bị. Trái lại, “nhóm rao giảng Tin Mừng” chỉ nên gặp mặt khi thực sự cần thiết, vì họ thường phải tham gia vào nhiều hoạt động khác trong lĩnh vực thừa tác vụ riêng của họ, và vì thế, họ không nên bỏ nhiệm vụ mà họ sẽ phải chu toàn.
Điều quan trọng là nên ủy thác lĩnh vực truyền thông cho những người mà có liên quan đến đời sống mục vụ của giáo xứ và những người được huấn luyện mục vụ cũng như có sự hiểu biết về Giáo Hội. Những người này phải phụ trách việc tiếp cận với phương tiện truyền thông đại chúng, như báo chí, truyền hình và đài phát thanh cả về mặt tôn giáo lẫn thế tục. Việc sử dụng thường xuyên các trang thiết bị âm thanh chắc chắn phù hợp với đặc tính phổ biến của cuộc đại phúc. Việc bố trí các áp phích và các biểu ngữ nhấn mạnh thời điểm của cuộc đại phúc. Nếu có thể lôi cuốn các nhà tài trợ hoặc tổ chức các hoạt động khác để nâng đỡ cuộc đại phúc, thì nên giao những trách nhiệm này cho một uỷ ban.
Hai cuộc đại phúc gần đây nhất của chúng tôi đã trở nên nổi tiếng vì việc sử dụng đài phát thanh giáo phận và đài truyền hình quốc gia của Giáo Hội. Chúng tôi còn có được chỗ trên một vài đài phát thanh địa phương và truyền tải các cử hành trong giáo xứ của chúng tôi qua các phương tiện điện thoại. Trước khi cuộc đại phúc diễn ra, chúng tôi đã đưa ra những trình bày mang tính kịch nghệ về hoạt động rao giảng Tin Mừng và đến lượt mình, đài truyền hình địa phương đã truyền những vở kịch hóa này đi. Rất có thể là cuộc đại phúc đầu tiên sẽ không thu được kết quả khả quan như người ta mong đợi, nhưng đó là một bước đầu tiên tạo ra những tiềm năng chắc chắn cho năm tới. Thực ra, mỗi năm người ta đều nhận thấy những khả thể mới giúp củng cố hoạt động truyền giáo của giáo xứ.
6. Thiếu niên và trẻ em trong bối cảnh đại phúc ở giáo xứ
Người phụ trách mục vụ giới trẻ, cũng như các giáo lý viên đang làm việc với thanh niên và thiếu nhi nên được mời tham gia vào “nhóm sinh hoạt viên.” Họ phải được lôi kéo vào hoạt động này ngay từ khi bắt đầu lập kế hoạch cho cuộc đại phúc. Thật quan trọng để nâng đỡ những sáng kiến và những đề xuất của người trẻ. Nói cách khác, giới trẻ hoàn toàn xứng đáng được hỗ trợ mục vụ. Nếu họ đề xuất kịch nghệ thì nên thiết lập một nhóm kịch nghệ; nếu họ đề xuất một buổi hòa nhạc thì nên tổ chức một buổi hòa nhạc; nếu họ đề xuất một cuộc đi bộ hoặc một cuộc diễu hành thì nên tổ chức điều đó vv. Trong tất cả mọi sự, điều quan trọng là giải thích chi tiết những giới hạn của chủ đề đại phúc và trung thành với những tiêu chí chung của cuộc đại phúc.
Các bạn trẻ cũng có thể được mời để vẽ ra một bản vẽ mà sẽ được sử dụng như một biểu tượng trong suốt cuộc đại phúc. Nên nhớ rằng những người trẻ của giáo xứ có nhiều tài năng và những tài năng này phải được sử dụng trong cuộc đại phúc. Nếu nhiều nhóm tham gia và trình bày một vài bản vẽ thì “nhóm linh hoạt viên” nên chọn bản vẽ thể hiện tốt nhất chủ đề của cuộc đại phúc. Sau đó, bản vẽ này được sử dụng trên những bài viết trong suốt cuộc đại phúc. Theo cách này, người ta tiếp tục phát huy các giá trị của những người trẻ và xác nhận những đóng góp và sự phục vụ của họ cho Giáo Hội.
Ở một cấp bậc khác, điều tương tự cũng được thực hiện trong sự cộng tác với chương trình giáo lý dành cho trẻ em. Những chủ đề đại phúc được trình bày cho trẻ em nhưng theo cách thích hợp với sự hiểu biết và lứa tuổi của chúng. Chúng tôi đã thấy một vài kết quả rất tích cực từ công việc này. Trong những cuộc viếng thăm của chúng tôi tới các gia đình, chúng tôi đã nhận ra rằng, trẻ em đóng một vai trò then chốt trong việc dẫn dắt cho chúng tôi đi vào nhà của chúng. Đồng thời, giáo lý viên thúc đẩy cảm thức truyền giáo ở những đứa trẻ này bằng cách đi cùng chúng đến thăm những đứa trẻ hàng xóm khác và mời gọi chúng tham gia vào cuộc đại phúc.
7. Những chủ đề cho cuộc đại phúc và cho các bài đăng trong cuộc đại phúc
Ở giáo phận tôi, chúng tôi sử dụng những chủ đề cho mùa Chay và mùa Vọng. Vào những dịp khác, chúng tôi đã sử dụng những chủ đề đã được chuẩn bị cho những cử hành đặc biệt. Chúng tôi cũng đã duyệt xét tài liệu được viết bởi một số nhóm truyền giáo mà được trình bày trong giáo phận. Sau đó những chủ đề này được trình bày cho những cộng đoàn nhỏ nơi chúng được triển khai. Đó là một hành động có ý thức về phía chúng tôi và theo tôi, đó cũng là một hành động rất có tính Vinh Sơn, bởi vì cuộc đại phúc Vinh Sơn không được xem xét bên ngoài các thông số của hoạt động rao giảng Tin Mừng trong giáo phận. Từ những chủ đề có thể khác nhau, chúng tôi chọn những chủ đề hợp thời nhất; đó là những chủ đề sẽ thách thức và củng cố một vài lĩnh vực trong đời sống giáo xứ mà cần có sự đụng chạm của cuộc đại phúc này. Chúng tôi đi theo cùng một quá trình rao giảng được thực hiện trong giáo xứ trong tuần đại phúc đó. Việc rao giảng này được thực hiện bởi cả linh mục hoặc là giáo dân đã được ủy thác, những người có tiếng là người chính trực và gương mẫu.
Trong thời kỳ hậu đại phúc chúng tôi tiếp tục phát triển những chủ đề tương tự. Các thừa sai giáo dân tụ họp với nhau thành nhóm gia đình vào mỗi tuần và suy tư về những chủ đề này, áp dụng chúng vào đời sống hàng ngày của mình. Như là một phần của giai đoạn củng cố và để tiếp tục khuyến khích tinh thần truyền giáo, chúng tôi có những cuộc họp “ngoài trời” ở những nơi khác nhau trong giáo xứ. Những cuộc họp như thế thì cần thiết để chuẩn bị một số công việc: chọn một gia đình để tụ họp (một gia đình mà không bận rộn trong giáo xứ thì thích hợp), ca đoàn chọn những bài hát để sinh hoặc trong cuộc họp này, một giáo dân hay một linh mục được chọn để hướng dẫn nhóm này trong việc suy gẫm về chủ đề này, đôi khi một bức tượng của một vị thánh mà gia đình này yêu mến cách đặc biệt được đặt ở một nơi nổi bật, cũng có một thánh giá và một ít hoa.
Kinh nghiệm truyền giáo này có khả năng làm phong phú tất cả mọi người được tham gia. Tuy nhiên, nó đòi hỏi thời gian, lòng kiên nhẫn và sự dấn thân. Giống với bất cứ điều quan trọng nào, người ta phải đầu tư vào cuộc đại phúc này. Vì thế để việc rao giảng Tin Mừng đụng chạm đến nhiều người nhất, những nguồn kinh tế của giáo xứ phải được đặt cạnh mục đích này.
Khi kết thúc những suy tư của tôi, tôi muốn nói thêm rằng cuộc đại phúc hàng năm trong giáo xứ là một dấu hiệu của niềm hy vọng, nó đổi mới đời sống và đức tin của giáo xứ. Nếu người ta sẵn lòng đặt ra hết sức lực của mình thì Thiên Chúa sẽ chắc chắn ban ơn cho nỗ lực này bằng chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Giống như những nhà truyền giáo “đi qua bên kia bờ”, thì đến lượt mình, họ cũng được sai đi.