Đại phúc Vinh Sơn xưa & nay

0
1843

Giuse Nguyễn Đức Duy

Là thành viên Tu Hội Truyền Giáo, các nhà thừa sai đều biết rõ căn tính cũng như mục đích của Tu Hội là “Bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.”[1] Một trong những cách thức rao giảng Tin Mừng hữu hiệu đã được thực hiện thời thánh Vinh Sơn, trước khi thành lập Tu Hội, là tổ chức các cuộc đại phúc. Người ta đã không thể nào thống kê nổi con số các cuộc đại phúc và những nơi mà thánh Vinh Sơn cũng như con cái ngài đã thực hiện. Giữa năm 1625 và 1660, chỉ riêng Nhà Mẹ tại Paris thôi, đã thực hiện trên dưới 840 cuộc đại phúc, và trong suốt 35 năm đó, có khoảng 25 nhà đã tiến hành công việc này.[2] Có thể nói, các cuộc đại phúc này là thành tựu của cha Vinh Sơn cũng như các nhà thừa sai tiên khởi. Có lẽ, khi nhìn lại thành tựu này, các nhà thừa sai thế kỷ 21 cảm thấy thật tự hào về cha ông của mình. Qua đó, họ cũng có nhiều ưu tư nhằm khôi phục và cố gắng phát triển công cuộc đại phúc trong thời đại mới. Với cái nhìn tổng quát về đại phúc thời thánh Vinh Sơn và thực tế ngày nay, qua bài viết này tôi sẽ trình bày 3 phần: Phần 1 nói đến đại phúc thời thánh Vinh Sơn; Phần 2 bàn về đại phúc ngày nay; Phần 3 đưa ra nhận định cá nhân và kết luận.

1. Đại phúc thời thánh Vinh Sơn

Trước tiên, tôi tự hỏi: Đại phúc là gì? Nếu chúng ta dịch “Mission” là sứ vụ truyền giáo, và “Popular Mission” là truyền giáo vùng dân quê, đó cũng chính là khái niệm ban đầu của đại phúc, một công việc truyền giáo ở vùng quê, rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, kêu gọi họ trở về cùng Đức Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Để hiểu rõ hơn về khái niệm này, tôi sẽ trình bày sơ lược về mục tiêu đại phúc và sự hình thành các cuộc đại phúc, sau đó là phương pháp đại phúc thời thánh Vinh Sơn.

a. Mục tiêu đại phúc và sự hình thành các cuộc đại phúc

Mục tiêu cơ bản của đại phúc là Kitô hóa dân nghèo miền quê, nói cách khác là việc giúp cho người nghèo nhận biết Chúa, tái truyền giáo, dạy giáo lý, kêu gọi con người ăn năn sám hối đến tòa giải tội, khuyến khích họ thực hành lối sống luân lý, tăng trưởng đời sống thiêng liêng. Mục tiêu này cho thấy cách rõ ràng căn tính của Tu Hội: “Bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.”[3]

Mục tiêu này được đặt ra trong hoàn cảnh xã hội Pháp quốc thảm thương đầu thế kỷ XVII. Đời sống con người xuống cấp trầm trọng, kinh tế bị tàn phá, việc buôn bán bị đình trệ. Trong một chừng mực nào đó, đất đai đã bị bỏ hoang. Một số làng quê đã biến mất trong khi nhiều thị trấn bị tàn phá. Các đám dân tuyệt vọng lang thang trên các đường phố để xin bố thí lương thực, áo quần và chỗ ở. Nhiều người đã chết vì dịch tả và thương hàn trong khi nhiều người khác lại bị bệnh đậu mùa và lao phổi tấn công. Dân chúng phải khốn đốn vì nạn đói và túng quẫn trong khi các nhà cầm quyền chỉ lo tích góp tài sản cho mình và cho gia đình mình.[4] Vào thời điểm đó, có cả trăm ngàn linh mục trong toàn bộ nước Pháp, vậy mà số linh mục này lại không được phân bổ đồng đều giữa các vùng. Điểm tập trung đáng kể nhất của hàng giáo sĩ là nơi các thành phố, đó cũng là một trong những lý do khiến người tín hữu bị bỏ bê về mặt thiêng liêng. Đức tin suy kém của dân chúng, sự lãnh đạm với tôn giáo và luân lý lỏng lẻo chắc chắn là những hậu quả của sự tan rã đang hoành hành trong Giáo hội và xã hội. Sự trần tục và yếu kém của hàng giáo sĩ đương nhiên ảnh hưởng đến đoàn chiên được trao phó cho họ. Dân chúng vẫn thiếu hiểu biết về hầu hết các giáo huấn của Giáo hội Công giáo. Việc thực thi các bổn phận Kitô hữu trở nên hết sức cẩu thả. Cảm thức luân lý bị cùn mòn vì sự hận thù, chiến tranh và hỗn loạn chung về mặt tôn giáo của thời đại.[5] Một lần nọ, cha Vinh Sơn kể lại sự kiện có một phu nhân đến xưng tội với một cha sở. Bà ta chú ý thấy rằng, cha sở chỉ lẩm nhẩm điều gì đó và không ban phép giải tội cho bà. Bà khó chịu về điều này và đã yêu cầu một tu sĩ viết cho bà công thức tha tội trên giấy. Bà quay lại xưng tội đồng thời yêu cầu cha sở đọc những lời tha tội có ghi trên giấy, cha đã làm theo ý bà. Bà tiếp tục làm như thế cho những lần khác khi xưng tội với cha sở, đồng thời trao cho cha tờ giấy, vì cha không biết những lời phải nói.[6]

Sống trong hoàn cảnh Giáo hội xuống cấp như thế, cha Vinh Sơn nhận thức hai yếu tố căn bản về kinh nghiệm tôn giáo: một là sự khốn khổ tinh thần của Kitô hữu đã đánh mất Tin Mừng; hai là tình trạng thiếu chuẩn bị cách đáng sợ của hàng giáo sĩ, vì họ không biết đến những tiêu chuẩn sơ đẳng trong việc thi hành thừa tác vụ.[7] Một khi nhận thức về kinh nghiệm tôn giáo tồi tệ trên, cha Vinh Sơn cũng dần khám phá ra ơn gọi mới của mình. Cuối năm 1613, cha Vinh Sơn đến cư ngụ, làm gia sư trong một ngôi nhà của dòng họ Gondi. Cha làm tuyên úy nhà thờ riêng trong lãnh thổ gia đình Gondi. Nhiệm vụ tuyên úy buộc cha phải tháp tùng gia đình Gondi trong những chuyến di chuyển đến Joigny, Montmiral và Villepreux và nhiều nơi khác. Đó là cánh đồng rộng lớn cho cha làm việc, cha đã dạy giáo lý cho các gia nhân, các đầy tớ và dân làng ở vùng thôn quê. Cha giảng đạo và khuyến khích họ học giáo lý, đi xưng tội… Vào  một ngày tháng giêng năm 1617, với biến cố tại Gannes-Folleville, cha Vinh Sơn đã giúp cho một nông dân đang hấp hối xưng thú tội cả cuộc đời ông. Điều này thôi thúc cha tìm ra phương thuốc cho tình trạng khẩn cấp và trầm trọng của những con người khốn khổ. Ngày 25 tháng giêng năm 1617, cha Vinh Sơn đã giảng một bài về việc xưng tội chung cách hùng hồn nhưng dễ hiểu. Bài giảng này đã đánh dấu việc khởi sự của cuộc đại phúc. Cha tiếp tục dạy dỗ họ giáo lý, đánh động lòng họ và khuyến khích họ. Cuối cùng, cha đã lôi cuốn được rất nhiều tâm hồn trở lại, chạy đến cha để xưng tội. Cha Vinh Sơn và một linh mục cùng đi đã giải tội không kịp nghỉ. Cha phải nhờ đến các cha dòng Tên ở Amiens trợ giúp. Các cha làm việc quá tải bởi dòng người kéo đến xưng tội rất đông. Sau đó, các cha tiếp tục giảng dạy cho dân chúng ở các làng khác trong lãnh thổ gia đình Gondi và đạt được nhiều chiến thắng.[8] Các cuộc đại phúc đã hình thành, và thành quả của đại phúc không chỉ là việc người dân khốn khổ được học giáo lý, được xưng tội, mà cả những linh mục, những người đang cần một biến đổi mới. Cha Vinh Sơn là người được biến đổi trước hết. Sau cha Vinh Sơn, sẽ có nhiều linh mục, tu sĩ khác cùng ý hướng dẫn thân phục vụ người nghèo trong Đức Kitô. Việc thành lập Tu Hội Truyền Giáo vào năm 1625 đã minh chứng điều đó.

Trong thế kỷ XVI và XVII ở Pháp, có nhiều cá nhân được ơn nhận thức sự yếu kém của người nghèo. Họ bị ám ảnh về sự kiện là nhiều người nghèo sẽ bị luận phạt vì không biết đến chân lý nền tảng của đức tin, đã xưng tội không nên. Dưới ánh sáng của nhu cầu cải tổ mục vụ, một vài người đã bắt đầu tìm kiếm những phương pháp mới của việc tái Phúc Âm hóa. Trong số những cá nhân đó, chúng ta gặp Adrian Bourdoise, Jean-Jacques Olier, Jean Eudes và Vinh Sơn Phaolô. Điều đó cho thấy, cha Vinh Sơn đã không phải là người phát minh ra cuộc đại phúc. Nhưng, có thể nói rằng cha Vinh Sơn là người đề xuất hàng đầu của cuộc đại phúc ở Pháp từ thế kỷ XVII. Cha đã áp dụng các cuộc đại phúc như một công cụ, một phương pháp hữu ích để loan báo Tin Mừng cho dân nghèo miền quê nước Pháp một lần nữa. Là người có đầu óc tổ chức, có phương pháp, cha đã chuyển vào trong cuộc sống hằng ngày của dân nghèo những sáng kiến mục vụ xuất hiện trong nhiều tình huống cụ thể khác nhau.[9]

b. Phương pháp đại phúc thời thánh Vinh Sơn

Để chữa lành một bệnh nhân nào đó, bác sĩ phải hiểu nguyên nhân gây bệnh, tìm ra cách thức chữa, sau đó đưa ra phương thuốc chữa trị hợp lý. Cũng thế, biết được nguyên nhân căn bệnh đức tin suy kém và sự thiếu hiểu biết của người dân về giáo lý sơ đẳng, cha Vinh Sơn đã đặt ưu tiên hàng đầu vào việc huấn giáo và cử hành bí tích trong các cuộc đại phúc. Có phương thuốc rồi, cha Vinh Sơn và các đồng sự lên kế hoạch chữa trị phù hợp. Bởi thế, chương trình đại phúc được các cha chia làm 3 giai đoạn: tiền đại phúc, đại phúc và hậu đại phúc.

Giai đoạn tiền đại phúc được xem là giai đoạn chuẩn bị rất cần thiết. Trong khoảng vài tháng trước kỳ đại phúc, một số thành viên trong nhóm sẽ lo việc chuẩn bị các bài giảng, số khác rà soát lại kiến thức thần học. Là linh mục thừa sai thực hiện sứ vụ đại phúc, mỗi người trong họ phải chuẩn bị và giảng một bài ở nhà cơm trong suốt bữa tối cũng như ở những nơi khác. Cha Vinh Sơn luôn là người đầu tiên để không ai được miễn trừ. Để đào tạo tốt các môn sinh của mình trong các cuộc tranh luận, cha Vinh Sơn thường mời những người nổi tiếng về nghệ thuật giảng thuyết. Ngài không bỏ qua bất cứ phương tiện nào để chuẩn bị cho các linh mục của mình trong các công tác truyền giáo của họ. Cha Vinh Sơn đã truyền cho những nhà thừa sai lửa tình yêu dành cho công việc này. Vì thế, cha đã yêu cầu họ phải báo lại cho cha biết cách thức mà họ đã thực hiện. Thông tin về các công việc và thành quả thu được từ các lần đại phúc trước sẽ dạy cho nhà thừa sai biết cần phải làm gì để gặt hái được những hoa trái tương tự hoặc hơn trong lần đại phúc tới.[10]

Trước khi đến một nơi đại phúc, nhà thừa sai phải có sự đồng ý của cha xứ, đồng thời đem theo thư uỷ quyền của đức Giám mục giáo phận. Nếu cha xứ từ chối, thì họ phải trở về nhà bằng mọi giá. Tuy nhiên, nếu cha xứ đồng ý, thì nhóm đó hoặc một nhóm khác sẽ đến vào một ngày Chúa nhật hoặc một ngày lễ buộc và lên toà giảng cả ban sáng lẫn ban tối để thông báo về các buổi đại phúc. Các tín hữu sẽ không phải đợi lâu trước khi các thừa sai xuất hiện. Họ thường thuê một căn nhà đã có sẵn đồ đạc, hay đôi khi, một căn nhà không có sẵn đồ đạc và họ sẽ bố trí đồ đạc đơn sơ được mang đến trong một chiếc xe nhỏ do la hoặc ngựa kéo. Tại đó, họ dựng ngôi nhà để ở tạm. Trong hầu hết mọi dịp, một tu huynh sẽ hộ tống họ. Người này lo chăm sóc các nhu cầu vật chất cho các anh em.

Nhà thừa sai được trang bị khá đầy đủ về kiến thức giáo lý, về cách làm việc, về tinh thần truyền giáo và nhất là đời sống thiêng liêng. Họ không thể nào ra đi mà không có yếu tố quan trọng nhất, sự kết hợp với Đức Kitô. Bởi thế, họ sẽ cùng nhau tĩnh tâm trước khi bước vào kỳ đại phúc.

Giai đoạn đại phúc là trọng tâm của cả cuộc đại phúc, giai đoạn này thường kéo dài 5 hoặc 6 tuần và có khi đến 2 tháng. Người ta không bao giờ thực hiện ít hơn 15 ngày, ngay cả trong những ngôi làng nhỏ nhất. Thời khóa biểu thích ứng với cường độ công việc của người dân. Thời khóa biểu một ngày đại phúc bắt đầu từ buổi sáng, có một bài giảng về những chân lý cao cả, những nhân đức và những tội thông thường nhất. Sau buổi trưa, lúc một giờ, là giờ dạy giáo lý cho trẻ em. Chúng đến tham dự với niềm thích thú, điều này chứng tỏ không ai quan tâm đến chúng từ lâu. Đôi khi chúng được tham gia các trò chơi, được xem các trò ảo thuật thú vị từ những quý ông Paris. Buổi chiều, một khi công việc đồng áng xong xuôi, là giờ học giáo lý của người lớn. Họ được giải thích về những tín điều của kinh tin kính, những điều răn của Chúa và Hội Thánh, các bí tích, kinh ngày Chúa Nhật và kinh Truyền Tin.[11]

Trong suốt những ngày đại phúc, cha Vinh Sơn cũng như những trưởng nhóm sau này đã khéo léo sắp xếp các công việc cách khoa học đảm bảo theo “toa thuốc” được kê, đặt ưu tiên hàng đầu vào việc huấn giáo và cử hành bí tích. Các công việc đó bao gồm các hoạt động sau :

Giảng Lời Chúa

Một bài giảng được trình bày vào ban sáng trước khi những người nông dân phải rời đi làm việc của mình trên cánh đồng. Bài giảng này được cha Vinh Sơn yêu cầu các anh em sử dụng “phương pháp nhỏ” như là một cách triển khai bài giảng của họ. Đó là một kiểu triển khai đề tài gồm ba phần: thứ nhất, trình bày bản chất của vấn đề; thứ hai, phân tích các nguyên do của vấn đề; sau cùng, bàn về các phương thế thực hành cụ thể vấn đề. Các bài giảng nói về tứ chung, tội lỗi, sự công thẳng của Thiên Chúa, sự cứng lòng, sự thống hối sau cùng, sự hổ thẹn giả dối, sự tái phạm, nói xấu, ghen tị, về thánh lễ… Tất cả những điều này được sắp xếp sao cho, sau các cuộc đại phúc, mọi người nghe giảng đại phúc phải có được nhận thức sâu sắc về đức tin của mình. Hiệu quả của mỗi đề tài được báo cáo lại cho vị giám đốc tuần đại phúc để sắp xếp, liệt kê và lựa chọn các chủ đề.[12]

Dạy giáo lý

Đối với cha Vinh Sơn, dạy giáo lý trong thời gian đại phúc thì quan trọng hơn cả. Dường như dân chúng rút được nhiều lợi ích hơn từ giáo lý, hơn là từ bài giảng. Việc dạy giáo lý thì thỏa mãn hơn, hấp dẫn hơn và tập trung hơn vào các chân lý đức tin và thậm chí hơn một bài giảng xuất sắc. Chính vì lý do đó, cha Vinh Sơn kiên quyết đối với những ai ưa giảng những bài giảng cả thể hơn là dấn thân vào công việc dạy giáo lý. Nếu xét là cần thiết, cha Vinh Sơn sẵn sàng rút ngắn việc rao giảng để cung cấp thêm thời gian cho việc dạy giáo lý. Cha biết rõ căn bệnh của người dân với một lập luận đơn giản. Nếu dân chúng không biết các chân lý về đạo của họ thì họ không biết Thiên Chúa đã làm gì cho họ, kết quả là họ không thể tin, hy vọng và yêu mến.[13]

Bởi thế, các đề tài cần hướng dẫn trong việc dạy giáo lý phải đặt trọng tâm vào các chân lý, mầu nhiệm thánh, Mười Điều Răn, giáo luật, kinh Lạy Cha và kinh Truyền Tin. Có hai cấp giáo lý: cho trẻ em và cho người lớn. Giờ học dành cho trẻ em được thực hiện sau buổi trưa. Vị linh mục không cần đi tới toà giảng, nhưng đứng giữa các em và điều chỉnh cho phù hợp với mức độ của chúng. Vào ngày đầu tiên, ngài sẽ nói rằng ngài rất vui khi được gặp gỡ và dạy dỗ chúng, đồng thời chỉ cho chúng thấy những mối lợi khi tham dự các bài học. Ngài sẽ khích lệ chúng trung thành tham dự bằng cách nói cho chúng những phương thế tốt nhất mà chúng có thể thu lượm được từ các bài học ấy. Bài dạy giáo lý cho người lớn diễn ra vào cuối ngày, khi công việc đồng áng xong xuôi. Nhà truyền giáo đứng trên toà giảng, tóm tắt các bài giảng tối hôm trước của mình. Việc bàn luận hoặc tổng hợp ngắn gọn này kéo dài khoảng một phần tư giờ, sau đó, ngài có thể bắt đầu bài giảng cho đề tài hôm nay.[14]

Xưng tội chung

Việc xưng tội chung hay còn gọi là xưng tội tổng quát. Hối nhân sẽ xưng thú tất cả tội lỗi cách tổng quát từ trước đến giờ. Việc xưng tội chung này được xem là biến cố khởi đầu cho đại phúc. Chúng ta nhớ lại biến cố tại Gannes-Folleville năm 1617, cha Vinh Sơn đã giúp cho một nông dân đang hấp hối xưng thú tội cả cuộc đời ông. Sau đó vài ngày, cha Vinh sơn đã giảng một bài giảng trong nhà thờ tại Folleville để thúc giục dân chúng làm một cuộc xưng tội chung. Cha đã giảng và chỉ ra cho họ tầm quan trọng và hữu ích của việc xưng tội chung. Sau đó, cha dạy cho họ làm việc đó cho đúng và Chúa đã lưu tâm điều đó. Về phía dân chúng, tất cả họ đã tới để thực hiện cuộc xưng tội chung.

Trong suốt tuần đại phúc, các nhà truyền giáo luôn sẵn sàng phục vụ các tín hữu khi họ muốn lãnh nhận bí tích thống hối. Các cha khích lệ mọi người đi xưng tội chung. Những ai đạt tới tuổi khôn đều được chỉ dẫn và được giải tội.[15]

Rước lễ lần đầu

Tuần đại phúc kết thúc với ngày cuối cùng là thánh lễ trọng thể ban sáng. Trong thánh lễ, trẻ em được rước lễ lần đầu, nếu chúng chưa được rước lễ và đã học đầy đủ giáo lý cần thiết. Một bài giảng được thực hiện vào chiều hôm trước ngày lễ và một bài khác được giảng vào ban sáng chính ngày lễ, ngay trước khi lãnh nhận bí tích. Cha Vinh Sơn viết: “Đó là một trong những phương thế tuyệt vời nhất mà chúng ta có được để đánh động những người lớn có tâm hồn chai cứng và ngoan cố. Những người ấy sẽ bị chinh phục bởi sự thành tâm của các trẻ em và bởi những quan tâm được dành cho chúng.”[16] Vào buổi chiều, sau giờ kinh chiều, có rước kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa với trẻ em cầm nến sáng đi kèm, theo sau là hàng giáo sĩ và giáo dân.[17]

Các hoạt động khác

Về phần mình, các nhà thừa sai đã gặp gỡ nhau để cùng cầu nguyện, đọc kinh nhật tụng và xét mình riêng cũng như chung. Họ cổ võ sự hoà giải giữa các người thù nghịch nhau và phục hồi sự hoà thuận trong các gia đình, thăm viếng bệnh nhân, thiết lập và củng cố các Hội bác ái, tổ chức các buổi họp mặt hàng giáo sĩ địa phương, trao đổi với các thầy cô giáo nhắm hướng dẫn họ trong các phận vụ của họ.[18]

Giai đoạn hậu đại phúc: Chúng ta có thể biết chắc rằng, cuộc đại phúc kết thúc nhưng nó sẽ tồn tại rất lâu trong tâm trí dân làng. Đó là một khóa học sâu về giáo lý Kitô giáo với tất cả người tham dự. Nhưng đó không phải là một khóa học lý thuyết. Việc trình bày giáo lý có kèm theo những lời khuyên cứng rắn để thay đổi cuộc sống.[19] Giáo dân, lâu nay bị bỏ rơi, nay đã khám phá ra điều mới lạ, họ được biến đổi. Sự biến đổi này thể hiện qua từng hàng dài các hối nhân đi xưng tội. Các quán rượu đã bị đóng cửa, các kẻ thù được hoà giải. Những vụ bê bối công khai được chấm dứt và những lời báng bổ được đề phòng. Một vài cuộc đại phúc đã phục hồi lại sự quan tâm của dân chúng đến các cơ sở vật chất trong các nhà thờ. Các nhà tạm được dựng lại, các chén thiếc được thay thế bằng chén vàng hay bạc, các nhà thờ được sửa chữa và đôi khi còn được xây dựng.[20] Trước những thành quả trên, các nhà thừa sai sẽ không dừng lại tại đó. Các ngài tiếp tục khích lệ giáo dân duy trì các hoạt động và các thực hành thiêng liêng như: xưng tội, rước lễ thường xuyên. Nhà thừa sai được khuyên trở lại để thăm giáo dân sau mỗi sáu tháng.

Nhìn chung lại, phương pháp đại phúc mà cha Vinh Sơn áp dụng đã đem lại thành quả lớn cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Chúng ta biết rằng, từ năm 1618 đến 1625, cha Vinh Sơn đã truyền giáo trên toàn vùng lãnh thổ rộng lớn của gia đình Gondi. Người ta không thể biết chính xác con số những nơi mà thánh Vinh Sơn và con cái ngài đã giảng đại phúc. Giữa năm 1625 và 1660, chỉ Nhà Mẹ tại Paris thôi đã thực hiện khoảng 840 cuộc đại phúc, và trong suốt 35 năm đó, có khảng 25 nhà đã tiến hành công việc này. Đáng tiếc là vị bề trên của các nhà này đã không giữ lại đầy đủ danh sách các nhà truyền giáo được sai đến hoặc danh sách thành viên của các nhà ấy. Tuy nhiên, các bức thư hoặc của các đức Giám mục hoặc của chính các nhà thừa sai đã minh nhiên cho thấy rằng, các linh mục của của thánh Vinh Sơn Phaolô đã giành được những thành tựu lớn trong cuộc chiến chống lại sự yếu kém, lạc giáo, truỵ lạc, mê tín và nguội lạnh.

Các nhà truyền giáo không thể không yêu mến sứ vụ của họ khi đứng trước những thành quả như thế. Họ đã toàn tâm toàn ý hiến thân cho công việc của mình, nhờ đó tăng thêm sức mạnh cho xác tín của họ và tiếp thêm cảm hứng cho những nỗ lực của họ.[21]

Kết thúc phần đại phúc thời thánh Vinh Sơn, tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc thành lập các cuộc đại phúc kiểu Vinh Sơn như một phương pháp hiệu quả chữa trị căn bệnh trầm trọng của dân nghèo miền quê nước Pháp. Liều thuốc đại phúc nhanh chóng được sử dụng nhiều nơi trên thế giới. Không những thế, liều thuốc này đã và đang còn được sử dụng một thích nghi với thời đại.

2. Đại phúc ngày nay

Với sự yếu kém về đạo, xưng tội không nên, cãi cọ và xung đột, sự khốn cùng dưới mọi hình thức nơi người nghèo miền quê nước Pháp thế kỷ XVII, thánh Vinh Sơn đã sáng tạo và áp dụng thành công phương thuốc đại phúc. Thử hỏi, phương pháp này có còn hữu hiệu ở Việt Nam thế kỷ XXI không, khi phải đương đầu với những thách đố ngoại tại cũng như nội tại? Trong phần hai này, tôi sẽ trình bày đôi nét tình hình đại phúc ở Việt Nam thế kỷ XXI và những thách đố và thuận lợi về việc làm tuần đại phúc, từ đó mạn phép nêu lên vài ý tưởng nhỏ cho sự phát triển đại phúc ở Việt Nam.

a. Đôi nét về đại phúc thế kỷ XXI ở Việt Nam

Quả thật, khi nhắc đến đại phúc, giáo dân Việt Nam thường chỉ nghĩ đến việc một nhóm các cha dòng Chúa Cứu Thế tới một giáo xứ vài ngày cho đến một tuần cử hành việc giảng dạy và giải tội.[22] Mặc dù sinh sau thời thánh Vinh Sơn cả thế kỷ, nhưng với thánh Anphongsô, việc rao giảng đại phúc cũng thuộc hoạt động tâm huyết trong cuộc đời ngài. Từ thời của cha thánh, việc cử hành đại phúc luôn được thực hiện nghiêm túc do cả cộng đoàn dòng Chúa Cứu Thế tiến hành cách quy mô cho một giáo xứ, có khi cho cả một giáo phận. Khi đến Việt Nam, để có thể thực hiện tốt những cuộc đại phúc, các thừa sai Canada đã huấn luyện nhân sự phục vụ việc đại phúc rất kỹ lưỡng. Sau nhiều năm bị ngăn trở, từ năm 1993, nhờ cộng đoàn Clemente và cộng đoàn Nha Trang dòng Chúa Cứu Thế , việc đại phúc hoạt động trở lại. Kể từ năm 2007 đến nay, công cuộc rao giảng đại phúc của Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có khoảng 20 đến 25 cuộc đại phúc mỗi năm.[23]

Thực tế cho thấy, đại phúc đã và đang được tổ chức hiệu quả ở Việt Nam. Nhưng đó là đóng góp to lớn của các nhà thừa sai dòng Chúa Cứu Thế trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Tôi tự hỏi, các cuộc đại phúc mang tinh thần Vinh Sơn thì sao? Những cuộc đại phúc thành công được thánh Vinh Sơn đề xuất và sử dụng trước kia, phải chăng nay không còn thích hợp với các thừa sai Vinh Sơn Việt Nam? Không riêng gì Tỉnh dòng Việt Nam, nhiều Tỉnh dòng Vinh Sơn khác đã dần mất đi sự dấn thân trong các cuộc đại phúc. Vào thời đại này, có ít Giám mục và cha xứ yêu cầu một cuộc đại phúc cho giáo phận và giáo xứ của mình. Họ gần như không có biết đến khái niệm đại phúc. Có chăng, họ chỉ nhờ một số cha dòng Vinh Sơn đến giảng tĩnh tâm trong mua Chay và mua Vọng. Những tỉnh của Tu Hội Truyền Giáo, ít là bên Tây Ban Nha, không có một số đáng kể các thành viên dâng hiến thời gian của họ cho việc giảng đại phúc. Thực tế, khó mà quy tụ cùng nhau thành một nhóm mà sẽ dành thời gian để chuẩn bị và tổ chức những cuộc đại phúc.[24] Chúng ta phải hiểu rằng, những linh mục dấn thân trong sứ vụ đại phúc phải từ bỏ các chức vụ, bổng lộc và những chức tước trong Giáo Hội. Chỉ có như thế, họ mới tự do cho tất cả những trách nhiệm khác và thi hành sứ vụ một cách toàn thời gian cho phần rỗi những người nghèo miền quê.[25] Theo các thống kê được công bố trong tập danh mục cho toàn Tu hội và Tỉnh dòng, đại đa số các thừa sai đang phục vụ tại các giáo xứ. Do đó, liệu các giáo xứ đó, nơi mà được quản trị bởi các thừa sai thì các giáo xứ đó có tính truyền giáo không? Tôi sợ rằng câu trả lời sẽ là không, hay là nếu có, thì chỉ là tình trạng của một vài trường hợp ít ỏi. Các thừa sai thấy được sự khó khăn của sứ vụ đại phúc, và họ đã tìm được một đời sống tiện nghi hơn, một đời sống xem ra dễ chịu hơn và nâng cao hơn trong sứ vụ giáo xứ.[26] Thử hỏi, có nhiều thừa sai dám từ bỏ để dấn thân cho sứ vụ này không? Bên cạnh đó, chúng ta cần xét đến một thuận lợi truyền giáo lại vô tình là nguyên nhân khách quan từ chối làm đại phúc. Các nhà thừa sai Vinh Sơn Việt Nam kế thừa truyền thống các thừa sai Pháp chủ yếu dấn thân trong công cuộc truyền giáo với hình thức “đến, xem và sống” giữa người nghèo. Điểm đến mà các cha Vinh Sơn chọn lựa thường là các vùng cao nguyên, núi đồi, nơi tập trung nhiều anh chị em dân tộc thiểu số chưa biết Chúa.

Với những nguyên do trên, phần nào chúng ta có thể lý giải được việc thực hiện chương trình đại phúc kiểu Vinh Sơn chưa được chú ý. Có chăng, chỉ là một hình thức tôi tạm gọi là “đại phúc lẻ tẻ”. Từ năm 2004, chỉ một hoặc hai linh mục Vinh Sơn Việt Nam đến các giáo xứ nghèo miền bắc để giúp cha xứ giảng tĩnh tâm vài ngày vào mùa Chay hay mùa Vọng. Ngoài giờ giảng, ngồi tòa giải tội, giúp cử hành các bí tích, các cha Vinh Sơn vào làng thăm viếng giáo dân. Hình thức này có kết quả, nhưng tôi thiết nghĩ sẽ sinh hiệu quả hơn nữa nếu có thêm thời gian cũng như sự cộng tác của tập thể.

b. Những thách đố và thuận lợi về việc làm đại phúc ở Việt Nam ngày nay

Nhìn chung lại, vấn đề đại phúc của Tỉnh dòng Vinh Sơn Việt Nam đang đứng trước nhiều thách đố lớn. Tôi chỉ liệt kê 2 thách đố xem ra là cơ bản nhất.

Trước hết, thách đố về nhân sự: Phải thừa nhận rằng, chúng ta chưa có một ê kíp hay một nhóm chuyên làm đại phúc, một nhóm có tinh thần và đoàn kết làm việc chung với nhau. Có lẽ các thừa sai có lòng nhiệt thành, nhưng chưa đủ. Nhà thừa sai nói dấn thân, nhưng chưa dám ra đi. Phải chăng họ e ngại mình không có khả năng hay không có kinh nghiệm làm đại phúc nên lấy cớ truyền giáo bằng hình thức khác?

Thách đố thứ hai, tôi muốn nói về hoàn cảnh thời đại, nhà thừa sai sẽ ứng biến thế nào trước trào lưu hậu hiện đại với những con người vô tín, dửng dưng đề cao cái tôi, tân ngoại giáo, một cảm giác là họ không cần xưng tội, mối liên hệ xã hội và gia đình bị đổ vỡ, một số lượng lớn người nghèo, người bị gạt ra bên lề, thất nghiệp, nhập cư.[27] Người nghèo khắp nơi, không chỉ ở nông thôn mà cả trong những thành phố lớn, khu đô thị và khu công nghiệp. Họ nghèo về vật chất lẫn tinh thần, họ càng nghèo nàn về cảm thức đức tin. Nếu làm đại phúc trong hoàn cảnh này, nhà thừa sai Vinh Sơn phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Đối lại những thách đố trên, chúng ta cũng có một vài thuận lợi làm cơ sở khả thể cho việc phát triển đại phúc.

Thuận lợi thứ nhất : chúng ta thừa hưởng một phương pháp đại phúc đã sinh hiệu quả từ thời thánh Vinh Sơn. Như thế, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của thánh Vinh Sơn và làm sống lại kinh nghiệm đó trên đất nước chúng ta. Điều đó cũng cho thấy, chúng ta đang đi đúng với linh đạo. Nếu đi đúng linh đạo, chúng ta không có lý do gì để e ngại giới thiệu cho mọi người biết về đại phúc cũng như việc thực hiện công việc này.

Thuận lợi thứ hai, chính là căn tính hợp thời của Tu Hội Truyền Giáo, là nguồn động lực gia tăng tinh thần truyền giáo cho mỗi thành viên. Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), đã khẳng định tính truyền giáo của Giáo Hội. Ngài nói về một Giáo Hội “đi ra”: “Vào thời chúng ta, lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi thu thập môn đệ” đang vang dội trong những khung cảnh đổi thay và đầy thách thức mới cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, và tất cả chúng ta được kêu gọi tham gia vào cuộc “đi ra” truyền giáo mới này. Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.”[28] Còn Tu Hội chúng ta là cộng đoàn những nhà truyền giáo, và “ơn gọi của chúng ta là ra đi, không phải trong một giáo xứ, cũng không chỉ trong một tòa giám mục, nhưng là đi khắp nơi; và để làm gì? Làm cho trái tim nhân thế bùng cháy lên, làm những gì Con Thiên Chúa đã làm, Đấng đã mang lửa đến thế gian và làm cho thế gian bùng lên ngọn lửa tình yêu của Người.”[29]

c. Vài ý tưởng nhỏ cho sự phát triển đại phúc ở Việt Nam

Dựa trên những thách đố và thuận lợi được nêu trên, tôi xin gợi ý vài ý tưởng với hy vọng gợi lên mong muốn phát triển đại phúc ở Việt Nam.

Về nhân sự, phải chăng chúng ta thiếu kinh nghiệm, thiếu tự tin để làm đại phúc là do chúng ta chưa trải qua một tiến trình đào tạo về đại phúc? Nếu vậy, trong đường hướng của Tỉnh dòng, phải chăng nên có hướng cho sinh viên học hỏi, nghiên cứu về việc làm đại phúc? Học hỏi về cách tổ chức, cách thức làm đại phúc hiệu quả theo biến chuyển thời đại. Trong chương trình đào tạo, ở nội chủng viện, tập sinh đã được học về bộ môn truyền giáo, điều đó là tốt. Nhưng lý tưởng hơn nữa nếu sinh viên được học thêm bộ môn về đại phúc.

Đại phúc thường được thực hiện bởi các linh mục thừa sai, hoặc có thêm các thầy trợ sĩ, và một vài tình nguyện viên có chuyên môn riêng thích hợp. Còn về phía sinh viên triết thần đang học tại chủng viện thì thật khó có điều kiện tham gia. Tuy nhiên, nếu có thể sắp xếp và tổ chức đại phúc vào dịp mục vụ hè, thì sinh viên có thể tham gia. Việc sinh viên tham gia đại phúc vẫn có chức năng và công việc phù hợp với mục đích đại phúc. Họ không giảng lễ được nhưng họ có thể dạy giáo lý cho thiếu nhi, cho người lớn. Họ đi thăm viếng người nghèo, giúp các cha nấu ăn và phụ giúp các cha trong việc cử hành các nghi thức, phụng vụ, bí tích… Qua những buổi đại phúc, sinh viên được tham gia như một quá trình đào tạo, học hỏi kinh nghiệm và gia tăng lòng nhiệt thành, hun đúc tinh thần sẵn sàng ra đi.

Dựa trên thách đố thứ hai về hoàn cảnh thời đại, trước trào lưu hậu hiện đại, việc giảng đại phúc của các cha Vinh Sơn thật không dễ dàng. Không chỉ làm đại phúc ở các giáo xứ vùng thôn quê, các cha cần sự sáng tạo trong phương pháp đại phúc ở thành thị, ở các khu công nghiệp, nơi có nhiều tâm hồn đang lạc trôi giữa dòng đời bon chen, quên mất mình có đạo. Làm sao tổ chức đại phúc cho họ? Làm sao họ có thời gian mà tham gia? Làm sao mà lôi cuốn được họ tham gia? Họ là thành phần nào trong xã hội?… Rất nhiều câu hỏi cho vấn đề này cần được nhà thừa sai suy tư và đưa ra giải pháp. Phải chăng chúng ta có thể nói về đại phúc, dạy giáo lý hay nói một chuyên đề Lời Chúa nào đó trên các phương tiện truyền thông, ít là cho một nhóm bạn thường xuyên lướt web để ý đến? Một kiểu đại phúc theo nhóm, theo đoàn thể chăng? Về vấn đề thời gian đại phúc, thời thánh Vinh Sơn, các cuộc đại phúc kéo dài hàng tuần, hàng tháng, bởi thế chúng ta vẫn quen gọi là tuần đại phúc. Ngày nay, để ứng biến với hoàn cảnh, nhưng không thay đổi mục đích, chúng ta vẫn tổ chức tuần đại phúc ở các xứ vùng quê. Còn những nơi không có điều kiện, chúng ta có thể tổ chức ngày đại phúc nhưng phải có giai đoạn tiền phúc và hậu phúc.

Cánh đồng truyền giáo thì bao la, mà thợ gặt thì ít, và nếu thợ gặt làm việc riêng lẻ thì thật khó có kết quả tốt nhất. Bởi thế, một sự hợp tác liên dòng, hoặc sự hỗ trợ nhau làm đại phúc trong gia đình Vinh Sơn xem ra thích hợp. Đại phúc sẽ thành công nếu có sự làm việc mang tính cộng đoàn. Không chỉ riêng nhóm đại phúc, những thành viên làm công tác khác ngoài đại phúc sẽ cùng làm đại phúc bằng việc cầu nguyện cho nhóm đại phúc.

3. Nhận định và kết luận

Xuyên suốt dòng thời gian, từ khi thánh Vinh Sơn làm các cuộc đại phúc đến nay, tôi dám chắc rằng: đại phúc là một phương pháp truyền giáo hữu ích phát sinh nhiều hoa trái. Cha Vinh Sơn cũng đã xác tín rằng: “mọi anh em lúc nào cũng phải nhất trí rằng hoa trái của một cuộc đại phúc đến từ các bài học giáo lý.”[30] Đây cũng là điểm khác biệt căn bản nếu chúng ta muốn phân biệt, thế nào là đại phúc Vinh Sơn hay đại phúc dòng Chúa Cứu Thế.

Một nhận định khác, tôi thiết nghĩ liên quan đến việc phục hồi “sứ vụ đại phúc.” Trước hết, các cuộc đại phúc đã được thánh Vinh Sơn và đồng sự thực hiện trước cả khi thành lập Tu Hội năm 1625, với mục đích chữa trị về mặt tôn giáo, luân lý và sự khốn cùng của dân nghèo. Mục đích này khơi nguồn cho mục đích thành lập Tu Hội Truyền Giáo: “Bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Mục đích này được thực hiện khi các thành viên, trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, trung thành với thánh Vinh Sơn: … chuyên cần rao giảng Tin Mừng cho người nghèo … ; trợ giúp giáo sĩ và giáo dân, dẫn đưa họ tham gia trọn vẹn hơn trong việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.[31] Bởi thế, là thành viên Vinh Sơn, nhà thừa sai một khi thực hiện mục đích Tu Hội cũng nên nghĩ lại việc phục hồi và duy trì sứ vụ đại phúc.

Tóm lại, thánh Vinh Sơn thật khôn ngoan khi bắt chước Đức Giêsu Nazareth – nhà truyền giáo lưu động đầu tiên của chúng ta. Thánh nhân nhìn biến cố trong hoàn cảnh lịch sử tồi tệ của đất nước, từ đó tiên phong trong việc áp dụng các cuộc đại phúc như một công cụ hữu ích loan báo Tin Mừng cho dân nghèo. Với mục đích rõ ràng và chuẩn xác, thánh Vinh Sơn sử dụng phương pháp đại phúc theo cách riêng ngài. Trọng tâm của các cuộc đại phúc Vinh Sơn không phải là những bài giảng trọng thể, nhưng đúng hơn là những huấn giáo và giáo dục về luân lý, tín lý.[32] Các cuộc đại phúc đã được tổ chức thành công và biến đổi nhiều linh hồn. Đại phúc không chỉ là ơn phúc Thiên Chúa dành cho người nghèo, mà còn cho thánh Vinh Sơn cũng như các thừa sai. Hoa trái đại phúc là việc thành lập Tu Hội Truyền Giáo. Bởi thế, đến lượt mình, các thừa sai Vinh Sơn cần tiếp tục sứ vụ đại phúc. Tuy nhiên, với nhiều thách đố của thời đại, việc duy trì và phát triển sứ vụ đại phúc xem ra là bài toán khó. Cụ thể ở Việt Nam, thách đố về nhân sự và hoàn cảnh là những nguyên nhân cơ bản khiến đại phúc Vinh Sơn chưa phát triển. Vậy, qua bài viết này, tôi hy vọng là con cái Vinh Sơn, chúng ta sẽ cùng nhau phục hồi gia sản đại phúc mà cha thánh Vinh Sơn để lại.


[1] HP 1

[2] x. Atilano G. Fajardo. C.M, Popular Mission in the Philppines. p.32.

[3] HP. 1.

[4] x. Atilano G. Fajardo, C.M. Popular Mission in the Philppines., p.6-7.

[5] x. Ibid.p.8.

[6] x. SV. XI, 170.

[7] x. José Maria Roman. Tiểu Sử Thánh Vinh Sơn, bản dịch tập 1. trang 146.

[8] x. Ibid. tr.132-145.

[9] x. Lm. Santiago Barquin. Vinh Sơn Phao lô Gannes-Foleville Sự Mặc Khải Của Cuộc Đại Phúc. bản dịch Nội Chủng Viện Vinh Sơn 2017. trang 81-82.

[10] x. Atilano G. Fajardo, C.M. Popular Mission in the Philppines.p.27.

[11] x. José Maria Roman.Tiểu Sử Thánh Vinh Sơn, bản dịch tập 1.trang 173.

[12] x. Atilano G. Fajardo, C.M.Popular Mission in the Philppines. p.29.

[13] x. Lm. Santiago Barquin. Vinh Sơn Phao lô Gannes-Foleville Sự Mặc Khải Của Cuộc Đại Phúc, bản dịch Nội Chủng Viện Vinh Sơn 2017. trang 86-87.

[14] x. Atilano G. Fajardo, C.M. Popular Mission in the Philppines. p.30.

[15] x. Ibid. p.31.

[16] SV.III, 262.

[17] x. José Maria Roman. Tiểu Sử Thánh Vinh Sơn, bản dịch tập 1.trang 173.

[18] x. Atilano G. Fajardo, C.M. Popular Mission in the Philppines. p.31-32.

[19] x. Abelly, l, 1, c.10. trang.47.

[20] x. Atilano G. Fajardo, C.M. Popular Mission in the Philppines. p.32.

[21] x. Ibid.p.32.

[22] x. Giới Thiệu Đại Phúc. Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. tr 3.

[23] x. Tư Liệu Quy Chế Đại Phúc. Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, tr 5.

[24] x. Lm. Santiago Barquin. Vinh Sơn Phao lô Gannes-Foleville Sự Mặc Khải Của Cuộc Đại Phúc. bản dịch Nội Chủng Viện Vinh Sơn 2017., trang 142.

[25] x. Ibid. tr.125.

[26] x. Ibid. tr.145-146.

[27] x. Ibid. tr.100.

[28] Phanxicô, Evangelii Gaudium, 20.

[29] SV. XII,  262.

[30] SV. I, 149.

[31] HP 1.

[32] x. Lm. Santiago Barquin.  Vinh Sơn Phao lô Gannes-Foleville Sự Mặc Khải Của Cuộc Đại Phúc. bản dịch Nội Chủng Viện Vinh Sơn 201. trang 79.