Việc chuẩn bị đại phúc

0
932

John Kennedy và Arthur Kolinsky

Bài viết này sẽ cố gắng mô tả “tiền đại phúc” thông thường mà chúng tôi đã triển khai như công việc chuẩn bị cho cuộc giảng đại phúc trong thực tế, thường hướng đến các tín hữu trong một giáo xứ với phần đông là dân nhập cư nói tiếng Tây Ban Nha. Bài viết gồm hai phần chính: 1. Việc chuẩn bị của nhóm; 2. Việc chuẩn bị nơi mỗi giáo xứ.

Việc chuẩn bị của nhóm đại phúc

Hội nghị của các Giám tỉnh Vinh Sơn tại Bogota vào tháng 1 năm 1983 với chủ đề chính là “Các cuộc đại phúc”, đã làm mới lại sự quan tâm vào nhiệm vụ ưu tiên nhất của chúng ta – những thành viên Vinh Sơn, những người Loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Mối quan tâm đó thật sự rõ nét. Tỉnh dòng Philadelphia đã mau mắn đáp lại bằng việc bổ nhiệm một số anh em vào nhóm “Canh tân Giáo xứ”. Họ đã gặt hái được một số thành quả tức thì. Sau đó, vào năm 1985, cha Giám tỉnh Jerry Mahoney quyết định rằng chúng tôi nên rao giảng Tin Mừng cho một trong những nhóm tín hữu lớn nhất và túng quẫn nhất ở Mỹ, đó là nhóm dân nhập cư nói tiếng Tây Ban Nha. Ngài đã mời gọi cha John Kennedy và cha Art Kolinsky khởi sự công cuộc này vì cả hai đều nói tiếng Tây Ban Nha.

Để chuẩn bị cho sứ vụ tông đồ này, trước hết chúng tôi ghé thăm Ủy ban Công giáo chịu trách nhiệm về nhóm người nói tiếng Tây Ban Nha, trong đó, có ba trụ sở miền tương ứng với các lãnh giới của Tỉnh dòng chúng tôi:                                       

New York – Đông Bắc
Miami – Đông Nam
South Bend – Trung Tây

Những chuyến viếng thăm này đã tỏ ra rất hữu ích. Trước nhất, các vị giám đốc trong mỗi miền rất hân hạnh khi được thấy các anh em Vinh Sơn đã ước ao tham gia vào việc tông đồ cho nhóm dân cư nói tiếng Tây Ban Nha. Thứ hai, chúng tôi đã nhận được nhiều lời khuyên hữu ích cũng như danh tánh của các Giám mục sẽ chào đón chúng tôi đến với Giáo phận của họ. 

Bước tiếp theo của chúng tôi là đi đến các giáo phận đã được đề nghị: Brooklyn, Rockville Center, New York, Allentown, Miami, Venice, Tampa, Kalamazoo. Đó là những nơi chúng tôi sẽ tiến hành giảng đại phúc. Ngoài những nơi đó, trong một vài năm kế tiếp, chúng tôi sẽ giảng đại phúc trong các giáo phận Brownsville, Midland-Odessa, Chicago, and Los Angeles. Điều đó giống như là một lời loan báo việc mở rộng hoạt động mới nhất này của anh em Vinh Sơn và là sự đáp trả cho lời mời gọi từ các anh em Vinh Sơn trong các tỉnh dòng khác. Những lời mời từ Mỹ – Latinh cũng đã đến với chúng tôi, kết quả là một cam kết trong sáu năm (ba tháng trong một năm) tới Panama. Ở đó, người anh em của chúng tôi là cha Tom Sendlein làm Giám đốc Quốc gia của “Hội Truyền Giáo Quốc Gia”. Hội này đã đi đến mọi ngóc ngách của đất nước, và bao gồm các linh mục, tu sĩ và hàng ngàn giáo dân trong những năm 1988 đến 1993. Trong năm 1994 và 1995, chúng tôi hướng các cuộc đại phúc tới các khu vực hẻo lánh của nước Cộng hòa Dominica.

Như thế, khi có các khu vực được nhắm tới cho việc giảng đại phúc, chúng tôi đã học hỏi các phương pháp từ việc quan sát cách thức mà nhóm canh tân nói Tiếng Anh (của Tom Krafiski) thực hiện, và khi có được các bản báo cáo từ các tỉnh dòng nói tiếng Tây Ban Nha, chủ yếu ở Colombia, chúng tôi nhận định sự chuẩn bị của chúng tôi đã đầy đủ. Do đó, chúng tôi đã tiến hành công việc.

Chuẩn bị cho cuộc đại phúc

Để chuẩn bị cho một giáo xứ trước cuộc đại phúc, chúng tôi cố gắng thăm giáo xứ ấy vài tháng trước thời điểm giảng đại phúc. Việc này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được, đặc biệt khi các giáo xứ ở rất xa, ví dụ như ở vùng California, trong khi chúng tôi đang bận giảng đại phúc tại NewYork! Nhưng chúng tôi thường cố xoay sở để thực hiện một cuộc thăm viếng sơ khởi, mà thường chỉ do một người trong nhóm, ngõ hầu có được một sự chuẩn bị xa.

Sự chuẩn bị trước tiên và căn bản nhất là luôn nhằm đến các linh mục của giáo xứ. Và vì hầu như chúng tôi luôn đến các giáo xứ được giới thiệu bởi vị Giám đốc nhóm tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha trong giáo phận, nên chúng tôi nhận thấy hàng giáo sĩ vui lòng chào đón, sẵn lòng lắng nghe những kế hoạch của chúng tôi, sẵn sàng xắn tay áo và tham gia tích cực vào cuộc đại phúc. (Thật khác biệt so với những ngày trước, khi một cha sở sẽ lợi dụng sự hiện diện của các nhà truyền giáo để có một kỳ nghỉ ngắn!)

 Một khi đã chắc chắn có được sự hợp tác từ các linh mục quản xứ và với sự hợp tác đó, chúng tôi phác thảo kế hoạch giảng đại phúc, nhấn mạnh đến vai trò của người giáo dân và yêu cầu một cuộc họp với các thành viên trong giáo xứ. Chúng tôi giải thích cho họ rằng cuộc đại phúc không phải là của chúng tôi nhưng của chính họ, không phải do chúng tôi sẽ thực hiện hay phá bỏ nó. Nếu chúng tôi có một cơ may tốt để thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên vào ngày cuối tuần, chúng tôi sẽ đến vào tất cả các thánh lễ Chúa Nhật, thông báo về cuộc đại phúc, hẹn ngày giảng và đưa ra một lời mời gọi chung đến các tình nguyện viên. Vì biết rằng không phải mọi giáo dân trong xứ đều muốn trở thành những người tích cực tham dự đại phúc, chúng tôi đưa cho họ một chọn lựa: Chúng tôi phát các thẻ, yêu cầu họ ghi lên đó tên, địa chỉ và cho biết chọn lựa của họ: họ có thể chọn lựa việc trở thành các nhà truyền giáo trên các đường phố và thăm viếng các gia đình với chúng tôi – hoặc là “những người cầu nguyện cho cuộc đại phúc”, cam kết sẽ cầu nguyện mỗi ngày trong cuộc đại phúc cho các bạn bè và người thân cận của họ, là những người đang thăm viếng tư gia, mà theo như lời của Chúa Giêsu là “những kẻ chài lưới người”.

Các tín hữu Công giáo tại nước Mỹ đã quen với việc bị rung chuông bởi những người theo phái Phúc Âm, giáo phái Mormons và nhóm Chứng nhân Giêhôva. Nhưng họ không quen việc ấy bởi những người tín hữu Công giáo khác. Vì vậy một vài khoá hướng dẫn và linh hoạt là điều cần thiết trong vấn đề này. Chúng tôi cổ võ họ chuyên chăm học tập tín điều căn bản của Kitô giáo, phòng trường hợp họ ngẫu nhiên gặp phải những người tra vấn nghiêm khắc, nhưng không đi vào bất cứ sự luận chiến nào. Họ được nói cho biết rằng mục đích chính của chiến dịch từ nhà này sang nhà khác của chúng tôi là để mời gọi mọi người đến với cuộc đại phúc chứ không phải để nhập đạo. Họ được mời với tư cách là những người bạn và người thân cận. Và những buổi họp sơ bộ này được cân nhắc thận trọng để gây ấn tượng với họ bằng sự xác tín ấy.

Vì chúng tôi thường không thể ở trong các giáo xứ tại thời điểm chuẩn bị nên chúng tôi hỏi các cha xứ liệu họ có thể sắp xếp một vài giáo dân tốt lành, hay một tu sĩ, hoặc thậm chí là chính vị cha xứ đó, thực hiện công việc hay không. Chúng tôi chưa bao giờ gặp phải sự cự tuyệt; và hầu như khi đến bất cứ một giáo xứ nào để giảng đại phúc, chúng tôi luôn có được những nhóm người phụ trách nhiệt thành đang chờ đón sự xuất hiện của chúng tôi. Hầu hết các địa điểm đều có từ 40 đến 60 tình nguyện viên sẵn lòng “tiến ra đường phố”. Có những nơi chúng tôi có đến trên 80 tình nguyện viên trợ giúp.

Việc chuẩn bị sau hết

Chúng tôi luôn cố gắng đến giáo xứ một vài ngày trước khi cuộc đại phúc diễn ra. Khi đó, nhóm chúng tôi gặp gỡ nhau mỗi tối cho những buổi họp dự trù sau cùng. Vì nhóm chúng tôi nhắm đến các giáo xứ mà đa số là những người nói tiếng Tây Ban Nha nên các tình nguyện viên đại phúc thường phản ánh bản sắc dân tộc của giáo xứ thông qua số lượng của họ. Chính cuộc đại phúc phải có sự lưu tâm đến các thống kê này. Chúng tôi hướng dẫn các nhà truyền giáo sẵn sàng để gặp gỡ các gia đình nói cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, và để nói cho họ rằng có những hoạt động dành cho tất cả mọi người trong suốt những ngày đại phúc.

Những bài sửa soạn cuối cùng thường giống như “buổi khích lệ tinh thần” đoàn thể! Thậm chí chúng tôi có những nguồn trợ giúp được dành sẵn để sử dụng, thí dụ như các vở kịch trào phúng ngắn gọn để minh họa cách thức mà họ nên áp dụng khi thăm viếng tư gia. Một vài tình nguyện viên được yêu cầu đóng vai thành viên của các loại hình gia đình khác nhau: những tín hữu tốt lành, những tín hữu lãnh đạm, những Kitô hữu trên danh nghĩa, những người Tin lành, những gia đình cha mẹ đơn thân, những người nghiện rượu, những kẻ lười nhác, những người thù ghét Công giáo… Những người khác vào vai nhóm đại phúc thăm viếng, tưởng tượng mình gõ cửa nhà họ, chào hỏi những người sống nơi đó, và rời khỏi nơi ấy. Việc minh họa ấy đã chứng minh đó là một cách thức hữu hiệu và thú vị để chuẩn bị cho những người vốn cơ bản rất nhút nhát khi đề cập đến những chủ đề về tôn giáo với những người khách lạ.

Đỉnh điểm của giai đoạn chuẩn bị cho một cuộc đại phúc diễn ra vào ngày Chúa Nhật – ngày bắt đầu cuộc đại phúc. Đó là một nghi thức “Ủy nhiệm”. Vào mỗi thánh lễ Chúa Nhật, chúng tôi công bố tên những thừa sai giáo dân tình nguyện. Sau khi hiệp lễ, chúng tôi mời gọi những người ấy tiến lên phía trước, như thế những người giáo dân trong giáo xứ có thể nhìn thấy họ. Thực hiện việc này trong mỗi thánh lễ thực là cách tốt hơn việc gom tất cả các thừa sai vào chỉ trong cùng một nghi thức. Bằng cách này, mọi người trong giáo xứ được cho biết rằng có việc gì đó đặc biệt và khác thường chuẩn bị diễn ra trong giáo xứ của họ. Mỗi thừa sai được tặng một thánh giá truyền giáo để đeo ở cổ. Đó thực là một khoảnh khắc đáng tự hào cho tất cả mọi người, và thường thì sau đó nhiều tình nguyện viên tiến tới xin gia nhập nhóm!

Cho dẫu bài viết này bị giới hạn trong ở khâu chuẩn bị đại phúc, chúng ta cũng phải ám chỉ sơ bộ tới chính cuộc đại phúc; vì để chuẩn bị cho các tình nguyện viên, họ phải được nhận thức cách chính xác về điều mà họ đang mời gọi người khác.

Giáo xứ được phân chia thành nhiều khu vực, mỗi khu vực khoảng vài khối nhà dân. Những người tình nguyện được chia thành các nhóm ba người một, mỗi nhóm gồm cả những người nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Họ được nhận các thẻ ghi thông tin về tất các các Kitô hữu đã được biết đến trong khu vực mà họ sẽ ghé thăm. Những chuyến thăm viếng này diễn ra từ 6:00 đến 9:00 giờ tối, khi mà dân chúng thường ở nhà sau ngày lao động. Khi vào một nhà, họ sẽ giới thiệu bản thân là những người đại diện của Giáo Hội địa phương và mời gọi chủ nhà tham gia vào cuộc đại phúc. “Thế, đại phúc là gì?”

Các thừa sai trả lời: “Tối mai lúc 7 giờ, có một thánh lễ được cử hành bởi cha … ở ngay dưới đường phố, phía trước nhà của Rodriguez. Bạn có thể đến tham dự không?”

Một kích bản như thế thường lôi cuốn những đám đông lớn. Đó cũng là điều gì đó khác biệt. Các loa phóng thanh cho phép thông điệp của chúng tôi đến với nhiều người. Cảnh sát thường đồng hành với chúng tôi để điều tiết giao thông, hoặc thậm chí chặn một tuyến đường để xe cộ không làm gián đoạn thánh lễ của chúng tôi.

Do đó, các thừa sai của chúng tôi được nói cách rõ ràng những gì cuộc đại phúc sẽ bao hàm: Thăm viếng nhà dân vào tối thứ hai. Các thánh lễ trên đường phố vào thứ ba. Nhiều cuộc thăm viếng tại các đường phố khác nhau vào thứ tư. Nhiều thánh lễ tại đường phố vào thứ năm. Một cuộc họp của các thừa sai vào tối thứ sáu để trình bày về hoạt động trong tuần.

Kế hoạch hành động này tiếp diễn trong ba tuần, cộng thêm ngày thứ bảy được dành cho các hoạt động giới trẻ. Và tại nhà thờ trong tuần cuối cùng, cùng với Nghi thức Phụng vụ, Bí tích Giao Hòa, các Bài giảng, luôn có một cuộc rước Đức Mẹ, và kết thúc bằng một bữa tiệc – âm nhạc, ca múa…!